Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 149/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 149/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem nửa đoạn sau của phần kinh văn, hàng thứ hai từ dưới lên: “Tất cả trời người đều nương vào đây mà kiến lập; tất cả Thanh văn, Độc giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-tát, tất cả Phật pháp đều cùng nương vào đại địa thập thiện này mà được thành tựu.” Chúng ta nghe Phật nói đoạn này thì biết được tầm quan trọng của thập thiện nghiệp đạo. Đây là đại căn đại bổn của toàn bộ Phật pháp, không chỉ Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hóa chúng sanh nương theo căn bản này, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai thảy đều nương vào đại địa thập thiện này mà kiến lập tất cả Phật pháp; hay nói cách khác, lìa khỏi thập thiện thì không có Phật pháp. Mọi người nghĩ xem có đúng hay không? Nếu chúng ta học Phật mà lìa khỏi thập thiện thì chúng ta không phải học Phật pháp. Do đây có thể biết, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, mỗi niệm đều tương ưng với thập thiện thì bạn đang học Phật, bạn đang tu học Phật pháp. Bất luận bạn tu học pháp môn nào, tông phái nào thì thập thiện giống như đại địa vậy, pháp môn tông phái của bạn giống như tòa nhà cao tầng, bạn đều phải xây dựng ở trên mặt đất. Nếu không có đất thì bạn xây dựng lên từ chỗ nào? Phật thí dụ thập thiện cho đại địa, tất cả Phật pháp đều xây dựng trên nền tảng này, tất cả Phật pháp cũng nương vào nền tảng này mà được cứu cánh viên mãn.

Cho nên, không phút giây nào rời khỏi thập thiện nghiệp đạo, từ sơ phát tâm cho đến quả địa Như Lai, pháp môn tu học nhiều đến đâu, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng vô biên pháp môn, tổng cương lĩnh của tất cả các pháp môn chính là thập thiện nghiệp. Chúng ta đọc bộ kinh này, nhất định phải nhận biết như vậy. Ngày trước chúng ta xem thường, lơ là, đó là sai lầm của chính mình, là sự ngu muội của chính mình. Trong Phật pháp nhiều năm như vậy, có một số đồng tu đã học Phật mấy mươi năm mà công phu không đắc lực, hiện nay hiểu ra rồi, đó là do chúng ta không có nền tảng! Giống như xây nhà vậy, hằng ngày đang xây, nhưng ngôi nhà này ngày nào cũng bị sụp đổ, vĩnh viễn không thể xây lên được, nguyên nhân này do đâu? Không xây nền móng. Chúng ta tu hành đến ngày nay không có thành tựu là do lơ là việc này, quá xem nhẹ sự việc này.

Cho nên, người học Phật xem trọng giới luật, muốn đi thọ tỳ-kheo giới, tỳ-kheo-ni giới, muốn đi thọ Bồ-tát giới, thọ tam quy ngũ giới, đây là việc bình thường, thọ bát quan trai giới; hiện tại chúng ta biết, thảy đều là giả, hữu danh vô thực. Vì sao vậy? Tất cả giới hạnh này thảy đều được xây dựng trên nền tảng của thập thiện, nếu bạn không có thập thiện thì ngay cả tam quy cũng đều trống không. Đạo lý này ngày trước chúng tôi đã giảng nhiều lần, thế nhưng lần này là từ trên bộ kinh này, chúng tôi giảng càng rõ ràng, càng thấu triệt hơn. Năm xưa tôi giảng là căn cứ trên tịnh nghiệp tam phước mà giảng. Tịnh nghiệp tam phước thì giống ba tầng lầu, bạn không có tầng thứ nhất thì làm sao bạn có thể xây được tầng thứ hai? Tầng thứ nhất là nền tảng của tầng thứ hai. Tầng thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, vẫn chưa đến tam quy ngũ giới. Tam quy ngũ giới là tầng thứ hai, điều thứ hai mới là “thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”. Ngay đến thập thiện mà bạn cũng không có thì làm gì có tam quy, làm gì có ngũ giới? Là giả, thảy đều là giả! Cho nên, thế gian mới gặp kiếp nạn lớn đến như vậy, bản thân chúng ta học Phật mới bị chướng ngại nhiều như vậy. Hóa ra xây tới xây lui mà ngay cả đất đai cũng không có; muốn xây nhà mà đất đai không có thì xây lên từ chỗ nào? Các vị phải biết, thập thiện nghiệp là đất đai, có đất đai rồi thì bạn mới có thể làm những việc khác. Ngay cả đất đai mà bạn còn không có!

Cho nên trong Phật pháp nói, bất luận bạn học Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, Đại thừa, Tiểu thừa, bất luận là pháp gì, trước tiên bạn phải có thập thiện thì bạn mới có thể kiến lập, nếu bạn không có thập thiện thì toàn bộ đều trống không. Từ đây có thể thấy tầm quan trọng của thập thiện. Ở chỗ này Phật nêu ra, chính là “ngũ thừa Phật pháp” mà một số người hiện nay chúng ta thường nói đến. “Tất cả trời, người” là nhân thiên thừa, “đều nương vào đây mà kiến lập”“Tất cả Thanh văn”, ở trước thêm từ “tất cả”, tức là cõi này và phương khác đều bao gồm ở trong đó, không chỉ riêng thế giới Ta-bà, mà vô lượng vô biên cõi nước chư Phật thảy đều bao gồm ở trong đó. Thanh văn; “Độc giác Bồ-đề” chính là Duyên giác. “Các hạnh Bồ-tát”, gọi là các Bồ-tát, tức là bao gồm Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác. “Tất cả Phật pháp”, theo tông Thiên Thai nói thì có “Tạng, Thông, Biệt, Viên”, đây là bốn loại Phật; đại sư Hiền Thủ gọi là “Tiểu, Thỉ, Chung, Đốn, Viên”, năm loại Phật. Đây là nói tất cả Phật pháp đều nương vào đại địa thập thiện mà được thành tựu. Sau đó bạn mới thấy bộ kinh điển này quan trọng đến nhường nào, đây là pháp căn bản tu hành của nhà Phật, đại pháp căn bản!

Mười điều cương mục rất dễ ghi nhớ, người xưa dạy chúng ta cách ghi nhớ là “thân ba, khẩu bốn, ý ba”. Thân có ba điều: không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (đồng tu tại gia thì không tà dâm), thân có ba điều này, ba điều thiện; khẩu có bốn điều thiện: không nói dối, không nói ly gián, không nói thêu dệt, không nói thô ác; ý có ba điều thiện, là đối với tất cả pháp thế xuất thế gian: không tham, không sân, không si. Phải thật làm! Bạn làm được mười điều này rồi thì tương đương với việc bạn đã có đất đai, đất gì? Đất pháp tánh. Vậy bạn mới có tư cách học Phật, học Phật bắt đầu từ tam quy ngũ giới, bạn làm được mười điều trên rồi thì bạn có tư cách quy y tam bảo, bạn có tư cách thọ trì các giới. Nếu như ngay cả đất pháp tánh, ngay cả chỗ để đứng mà bạn cũng không có thì bạn nương vào cái gì? Đạo lý này chúng ta không thể không hiểu, chúng ta không thể không xem trọng.

Bạn học Phật gì, tu đạo gì, mà ngay chỗ căn bản để đứng cũng không có, vậy thì không cần nói gì nữa, đạo của bạn tu là đạo của yêu ma quỷ quái, chắc chắn không phải chánh pháp, chắc chắn không phải Phật đạo. Không những không phải Phật đạo, mà trong kinh nói rất rõ ràng, không phải cõi trời, cũng không phải cõi người, vì trời và người đều lấy mười điều thiện này làm nền tảng. Vậy thì bạn có thể biết bạn đi con đường nào, bạn đi cõi quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sanh, là những cõi này, bởi vì những cõi này không có nói lấy thập thiện làm nền tảng. Dùng thập thiện làm nền tảng thì bắt đầu từ cõi người, “tất cả trời người đều nương vào đây mà kiến lập”. Hay nói cách khác, không tu thập thiện chính là đi ba đường ác; nếu bạn muốn được sanh cõi trời, người thì bạn phải cố gắng tu thập thiện nghiệp đạo, bạn mới có thể được quả báo trời, người. Đại đạo cứu cánh viên mãn của tất cả Phật pháp chính là thập thiện nghiệp đạo viên mãn. Đoạn kinh văn sau cùng:

Phật nói kinh này xong, long vương Sa-kiệt-la cùng toàn thể đại chúng, tất cả thế gian, trời, người, a-tu-la, v.v. đều rất vui mừng, tin nhận làm theo.

Phật nói bộ kinh này ở trong long cung. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung nghĩa là “biển nước mặn”. Chúng ta biết nước biển trên địa cầu này là mặn, biển nước mặn. Phía trước tôi cũng đã nói qua ý này với các vị rồi, biển nước mặn là biểu thị cho điều gì? “Biển khổ”, biểu thị ý nghĩa này; vị của nước biển này rất không tốt, không thể uống được. Cho nên, Phật ở long cung Sa-kiệt-la là biểu thị cho ý này: hoàn cảnh cư trú của chúng sanh thế giới Ta-bà chúng ta là biển khổ. Long vương cũng là ý nghĩa biểu pháp. Rồng rất giỏi biến hóa, thí dụ cho xã hội hiện nay của chúng ta: lòng người, tạo nghiệp thiên biến vạn hóa. Phật chọn long cung để giảng bộ kinh này, chúng ta liền biết được ngài có dụng ý của ngài.

Biển khổ vô biên, nhân tình sự lý biến hóa khôn lường, chúng ta sinh ra trong hoàn cảnh này thì phải dùng phương pháp gì để ứng phó, dùng phương pháp gì để sống? Phật nói với chúng ta dùng thập thiện nghiệp đạo. Có lẽ có người nói, nếu chúng ta thật sự y theo thập thiện mà làm thì chúng ta sẽ luôn bị thiệt thòi, bị lừa, không thể sống được ở thế gian này, không sống được nữa. Điều này không sai, không sống được ở thế gian này thì đi lên cõi trời. Bạn là người thiện thì bạn đáng được quả báo tốt, quả báo trên cõi trời tốt hơn ở đây, thế giới Cực Lạc thì càng tốt hơn nữa. Nếu bạn đầy đủ thập thiện, cho dù chưa thọ tam quy ngũ giới, bạn niệm Phật vẫn có thể vãng sanh. Làm sao biết được có thể vãng sanh? Trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ đã nói rất rõ ràng, tu mười nghiệp thiện, đều nói ra từng điều từng điều một. Cho nên, nếu bạn đầy đủ thập thiện nghiệp, niệm A-di-đà Phật thì có thể vãng sanh, hà tất lưu luyến thế gian này, hà tất cùng với những người này tranh đấu hơn thua? Không cần thiết.

Thế nên người chân thật tu hành, bạn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện ra tấm gương cho chúng ta xem là an bần lạc đạo, chúng ta cam tâm tình nguyện trải qua đời sống nghèo khổ. Thực tế mà nói, nghèo là thật, khổ là giả. Người tu đạo thì nghèo mà vui, họ không khổ, người thế gian chúng ta thì nghèo và khổ. Bạn thấy học trò của Khổng lão phu tử là Nhan Hồi, đời sống vật chất của Nhan Hồi rất khổ, “một giỏ cơm, một bầu nước”, đó là hình dung cho điều kiện đời sống vật chất của ông. Ăn cơm, ngay đến cái bát cũng không có, dùng trúc bện thành cái giỏ để làm bát đựng cơm, uống nước ngay đến cái cốc cũng không có, dùng hồ lô làm cốc, đời sống khổ đến mức này; nhưng Phu tử lại khen ngợi ông, người thông thường trải qua đời sống này sẽ cảm thấy rất khổ, “người ta không chịu nổi cảnh khổ đó”, người khác trải qua đời sống này sẽ hết sức ưu sầu, nhưng “Nhan Hồi vẫn không đổi niềm vui ấy”, Nhan Hồi từ sáng đến tối an vui không gì bằng. Nghèo mà vui, ông không phải nghèo khổ, mà là nghèo vui. Bạn xem trong kinh Thánh của Ki-tô giáo có nói “cam bần”, cam bần có hai ý nghĩa: ý nghĩa thứ nhất là cam tâm tình nguyện trải qua đời sống nghèo khổ; ý nghĩa thứ hai, cam là vui vẻ, nghèo nhưng rất an vui. Hai chữ “cam bần” này dùng rất hay, đây là trong kinh Thánh của Ki-tô giáo đã nói, chúng ta phải hiểu được, phải có thể trải qua hoàn cảnh đời sống này thì hành thập thiện nghiệp đạo sẽ không khó.

Vì sao chúng ta không làm được thập thiện nghiệp? Chúng ta không chịu, không bằng lòng trải qua đời sống nghèo khổ, ham thích hưởng thụ vật chất, vậy thì hỏng rồi. “Ham thích” là tâm tham, trong thập thiện phải không tham, không sân, không si, tâm tham này của bạn đang tác quái, vậy thì không còn cách nào, bạn không thể tu thành tựu thập thiện nghiệp. Cho nên, nhất định phải đoạn tâm tham, với tất cả pháp thế xuất thế gian đều không tham; dù hoàn cảnh tồi tệ đến đâu, bất luận là hoàn cảnh vật chất hay hoàn cảnh nhân sự, nhất định không có tâm sân giận; không tham, không sân, đây là đại định, trong kinh Lăng-nghiêm gọi là “Thủ Lăng-nghiêm Vương Tam-muội”. Không si là trí tuệ, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian, tánh tướng, lý sự, nhân quả, mọi thứ đều rõ ràng, mọi thứ đều sáng tỏ. Ba điều của thân, bốn điều của miệng tự nhiên liền làm được rất viên mãn, vậy thì làm gì có lỗi lầm?

Đại đức xưa dạy chúng ta tu từ căn bản, hiện tại chúng ta cũng biết, căn bản là gì? Không tham, không sân, không si là căn bản. Thập thiện nghiệp là căn bản của Phật pháp trong tất cả cõi trời người; không tham, không sân, không si là căn bản của thập thiện, chúng ta phải bắt tay làm từ chỗ này thì mới có thể tu tốt thập thiện, mới có thể tu thành công, tu được viên mãn. Nếu như không từ đoạn tham sân si, bắt tay làm từ xa lìa tham sân si thì e rằng trong đời này rất khó làm được thập thiện; hay nói cách khác, ngay đến cơ bản làm người bạn cũng không có thì những thứ khác không cần nói đến, học Phật chẳng qua chỉ là kết duyên với Phật pháp mà thôi, công đức thù thắng của Phật pháp, một mảy may bạn cũng không đạt được.

Chúng tôi giảng bộ kinh này đến đây là viên mãn, hy vọng mọi người sau khi nghe xong phải hết lòng nỗ lực học tập, “thân người khó được, nay đã được; Phật pháp khó được nghe, nay đã nghe”, hy vọng đời này đừng luống qua vô ích, nhất định phải có kết quả, phải có thành tựu. Tốt rồi, cảm ơn mọi người!