PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 48/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Cổ nhân thường nói: “Người còn chế độ còn, người mất chế độ mất.” Chế độ tốt đến đâu cũng cần phải có người chấp hành thì mới có thể tạo nên hiệu quả. Việc dạy học cũng không ngoại lệ, nền giáo dục tốt đến đâu, nếu người học tập không thực hiện được thì nó cũng trở nên vô vị, đối với bản thân thì tu thân tề gia, nhưng đối với xã hội, đối với quốc gia đều không có cống hiến thực chất. Giáo dục tôn giáo cũng không ngoại lệ, ngày nay xã hội chán ghét giáo dục Phật-đà một cách phổ biến, nguyên nhân do đâu? Chúng ta cần phải hiểu rõ. Sau khi chúng ta tiếp xúc rồi, hiểu rõ sâu sắc giáo dục Phật-đà xác thực là nền giáo dục chí thiện viên mãn của thế gian từ xưa đến nay trong và ngoài nước. Vì sao lại suy đồi đến mức độ này? Ai phải gánh trách nhiệm này? Học trò của Phật phải gánh, không được trách người khác. Phật đã không còn tại thế nữa, tổ sư đại đức cũng đã rời xa chúng ta mà đi rồi, đệ tử Phật hiện nay tại gia, xuất gia đối với lời giáo huấn của đức Phật, chúng ta không thể nhận thức, không thể lý giải, không thể phụng hành thì chúng ta là tội nhân của Phật Bồ-tát, là tội nhân của tổ sư đại đức.
Tối hôm qua, tôi nghe tiên sinh Hà Vân nói với tôi, giáo sư Cổ Chấn Mỹ của đại học quốc gia nơi này, những năm gần đây đã viết một cuốn sách lớn, phân lượng rất lớn, chuyên nghiên cứu Phật giáo 2.000 năm nay ở Trung Quốc, đã có sự cống hiến to lớn đối với quốc gia, với dân tộc, với chính trị, với xã hội. Tiên sinh Hà Vân vô cùng tán thán, vì công việc này trước đây chưa có người làm. Tôi biết giáo sư Cổ vào thời ông còn đang học đại học, tôi biết ông có lẽ là hơn 30 năm rồi. Ông nhìn Phật pháp từ góc độ này, rất hiếm có, đủ để gợi mở cho người lãnh đạo của mỗi quốc gia khu vực trên thế giới hiện nay.
Tôi biết phương Tây, vì tôi sống ở Mỹ rất lâu, nước Mỹ là một quốc gia rất hoan nghênh tín ngưỡng tôn giáo, từ tiểu học đã là như vậy. Họ điều tra học sinh tiểu học có tín ngưỡng tôn giáo hay không, bất luận bạn tín ngưỡng tôn giáo nào cũng tốt, người không có tín ngưỡng tôn giáo thì họ bèn đặt một dấu chấm hỏi, bạn là học sinh có vấn đề. Quả thật quan niệm không giống người phương Đông chúng ta. Tại sao vậy? Trong mắt người phương Tây, giáo dục tôn giáo là giáo dục đạo đức. Trong mắt bạn tôn kính thần thì bạn sẽ chịu sự ràng buộc bởi lời giáo huấn thần thánh, đây là một việc tốt, họ không xem việc này là mê tín. Chúng ta quan sát tỉ mỉ lãnh tụ của người phương Tây, tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, vào Chủ nhật đều đến giáo đường để cầu nguyện, đó là giáo dục tôn giáo.
Nếu nói Phật giáo là giáo dục tôn giáo thì định nghĩa của từ “tôn giáo” này so với quan niệm của họ hoàn toàn không như nhau, đây là điều mà người học Phật chúng ta cần phải biết rõ. Phật giáo chúng ta nói “tôn” là nói Thiền tông, chuyên chỉ cho Thiền tông; nói đến “giáo” là ngoài Thiền tông ra, chín tông phái khác đều gọi là Giáo hạ. Tông môn Giáo hạ, đây là “tôn giáo” mà riêng Phật giáo chúng ta gọi. Mọi người phải hiểu, Tông môn Giáo hạ đều là giáo dục, đều là dạy học, cho nên Phật giáo là giáo dục. Chúng ta không hề gọi Thích-ca Mâu-ni Phật là chúa, cũng không gọi ngài là thần, cũng không gọi ngài là thượng đế, mà chúng ta gọi ngài là bổn sư, các bạn xem cách xưng hô này. Bổn sư là ý nghĩa gì vậy? Đây là vị thầy đầu tiên của chúng ta, chúng ta gọi vị thầy sáng lập ra giáo dục Phật-đà là bổn sư. Chúng ta tự xưng là đệ tử, các bạn nghĩ xem đây có đạo vị gì? Quan hệ giữa chúng ta với Phật là quan hệ thầy trò. Trong giáo dục mới có quan hệ thầy trò. Trong tôn giáo có quan hệ cha con, quan hệ chủ tớ, không có quan hệ thầy trò, chúng ta phải biết đạo lý này.
Đời sau này, đại chúng thông thường trong xã hội gọi người xuất gia là hòa thượng. Hòa thượng là tiếng Phạn, ý nghĩa là thân giáo sư. Nếu dùng danh từ giáo dục hiện đại của chúng ta mà nói thì hòa thượng có hai loại thân phận, loại thân phận thứ nhất là hiệu trưởng trường học. Hiệu trưởng là hòa thượng, ngoài hiệu trưởng ra thì những người khác không được gọi là hòa thượng; những người khác ở trong Phật pháp gọi là a-xà-lê, người Trung Quốc chúng ta gọi là pháp sư. Hòa thượng là người chủ trì giáo dục, họ phụ trách toàn bộ việc dạy học, họ mời những giáo sư, thầy giáo thay họ chấp hành; hiệu trưởng quản lý chính sách giáo dục, lên kế hoạch dạy học, làm thế nào có thể đạt được mục đích dạy học. Còn các giáo viên đều là người giúp họ chấp hành. Vì vậy, hòa thượng chỉ có một người, không có hai người. Thế nhưng trong viện nghiên cứu đại học, giáo sư chỉ đạo cũng được xem là hòa thượng, là thân giáo sư, là giáo sư trực tiếp chỉ đạo trong viện nghiên cứu. Vì vậy, hòa thượng có hai loại thân phận, một là hiệu trưởng, một là giáo sư chỉ đạo, đây là cách xưng hô cực kỳ tôn kính. Cho nên, hòa thượng không thể gọi tùy tiện, là cách xưng hô cực kỳ tôn kính. A-xà-lê cũng là tiếng Phạn, ý nghĩa là ngôn hạnh của vị thầy này có thể làm tấm gương cho ta. Cho nên thời xưa dịch thành “quỹ phạm sư”, là quỹ đạo, mô phạm, đây là cách gọi thông thường dành cho giáo viên; ngôn hạnh của giáo viên có thể làm tấm gương cho học sinh, làm mô phạm cho học sinh.
Thời đại triều Đường, Phật giáo ở Trung Quốc đã nổi lên một cuộc cách mạng rất lớn, đó chính là sự hưng khởi của chế độ tòng lâm, đây là điểm đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc, việc này tốt! Chế độ tòng lâm là gì? Chính là đại học chính quy. Thích-ca Mâu-ni Phật cả đời dạy học giống như Khổng lão phu tử vậy, là dạy tư thục, không có chính thức thành lập trường học; truyền đến Trung Quốc vẫn là như vậy, vẫn là thuộc về loại giáo dục tư thục. Đến thời Mã Tổ, Mã Tổ là đời thứ tám của Thiền tông, chúng ta thông thường gọi là đồ tôn của đại sư Lục tổ Huệ Năng. Mã Tổ, Bá Trượng đều là người đời thứ tám, hai người phát khởi xây tòng lâm, tức là chánh quy hóa giáo dục Phật giáo, có tổ chức, tổ chức lại một cách có hệ thống. “Mã Tổ xây tòng lâm, Bá Trượng lập thanh quy”, đó chính là chương trình của trường học, những chế độ quy định ở trong đây là do đại sư Bá Trượng đặt ra, đây chính là đại học Phật giáo. Sự phân công trong tòng lâm so với đại học hiện nay không khác nhau. Chủ tịch của tòng lâm cũng gọi là phương trượng, đó chính là hiệu trưởng; phương trượng nghĩa là phòng họ cư trú, phòng không lớn, diện tích hơn 11 m², cho nên gọi là phương trượng. Từ đây nhìn thấy sự đơn giản, tiết kiệm trong đời sống của người xuất gia. Đây là vị chủ tịch, đây là vị hòa thượng, cho nên gọi là “đại hòa thượng”.
Dưới hòa thượng có ba vị chấp sự cương lĩnh, vị thứ nhất là hòa thượng thủ tọa, quản lý giáo vụ, chính là giáo vụ trưởng ở đại học hiện nay, họ là thủ tọa; vị thứ hai là duy-na, quản lý việc huấn đạo; vị thứ ba là giám viện, quản lý tổng vụ. Tên gọi thì khác nhau, thực ra thủ tọa chính là giáo vụ trưởng, duy-na là huấn đạo trưởng, giám viện là tổng vụ trưởng; hiện nay tổ chức trường học cũng giống y như thời đó vậy, chỉ là tên gọi chức vị khác nhau. Thủ tọa có rất nhiều vị, trong đó có một vị lãnh đạo gọi là hòa thượng thủ tọa, họ quản lý dạy học. Cho nên nghiên cứu, quan sát tỉ mỉ thì Phật giáo là giáo dục, Phật giáo không phải là tôn giáo. Thế nhưng có người cảm thấy kỳ lạ, vì sao tự viện tòng lâm Phật giáo tạo ra nhiều tượng Phật như vậy, khiến người ta nhìn thấy giống như là mê tín? Đó là do họ chưa thâm nhập để lý giải. Ngày nay, xã hội chúng ta tách đại học thông thường và viện bảo tàng ra, do đó có rất nhiều khóa trình phải đến viện bảo tàng để điều tra, để tham quan, để nghiên cứu. Phật giáo thì rất đặc thù, đích thực là nền giáo học nghệ thuật cao độ, đã đem viện bảo tàng với trường học kết hợp lại với nhau. Phật giáo coi trọng nghệ thuật: điêu khắc, mỹ thuật, âm nhạc, thậm chí là kiến trúc, nên đã kết hợp nghệ thuật và giáo dục lại với nhau, ngày nay gọi là nền giáo dục nghệ thuật hóa cao độ. Giáo dục này hay! Khiến sáu căn của bạn tiếp xúc với cảnh giới toàn là giáo dục, mọi lúc, mọi nơi đều nhắc nhở bạn, việc này trong Phật pháp gọi là biểu pháp.
Chúng ta xem chú giải trong kinh sách của đại đức xưa, đặc biệt là chú giải kinh Hoa Nghiêm của đại sư Thanh Lương, chỉ ra cho chúng ta thấy đủ loại ý nghĩa biểu pháp trong Hoa Nghiêm. Trong kinh nói với các bạn nhiều như vậy. Bồ-tát, Bồ-tát là người giác ngộ triệt để; nói thiên vương, chư thiên thì thiên vương là đại biểu cho người lãnh đạo các cấp trong chế độ chính trị của xã hội, đây thuộc về thiên vương. Hiện nay chúng ta đọc thấy trong kinh Hoa Nghiêm. Như người lãnh đạo quốc gia, người lãnh đạo cấp tỉnh, người lãnh đạo huyện thị, những người này thuộc về thiên vương, điều này chúng ta đã học qua rồi. Hiện nay chúng ta học là tạp thần chúng. Bạn thấy nhiều người mà gần đây chúng ta học, vẫn chưa học xong, Khẩn-na-la vương, những tạp thần này nhiều đến mấy chục loại. Tạp thần đại biểu cho điều gì? Là người lãnh đạo các ngành các nghề trong xã hội, không phải thuộc về người lãnh đạo chính trị. Bạn mở công ty, mở cửa hàng, ông chủ đều là người lãnh đạo, là loại này. Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo này, đây là dạy long vương, long vương thuộc về loại tạp thần, không thuộc về chính trị. Bạn phải hiểu được hàm nghĩa của nó, ở đây không hề mê tín, mà là khiến giáo dục thăng hoa, dùng phương pháp nghệ thuật để biểu đạt thì hàm nghĩa sẽ sâu và sống động.
Phật nói kinh này là nói tại long cung Sa-kiệt-la. Long cung Sa-kiệt-la là gì? Chính là xã hội hiện thực của chúng ta. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, dịch theo văn tự là “biển nước mặn”, nước biển này có vị mặn. Tôi hỏi bạn, nước biển có dễ uống không? Nước biển rất khó uống. Đúng! Đây đại biểu điều gì? Thế gian này của chúng ta là biển khổ, biển khổ vô biên, Sa-kiệt-la là đại biểu cho biển khổ. “Long” là gì? Là lòng người và sự việc trong xã hội biến ảo vô thường; rồng giỏi biến hóa, trong mắt người thời xưa thì rồng và rắn là loài giỏi biến hóa nhất. Đây là hình dung điều gì? Là tình cảm con người và sự việc trong thế gian biến hóa đa đoan. Cho nên long cung ở đâu vậy? Ở ngay xã hội trước mắt của chúng ta. Ai là long? Mỗi người đều là long; từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, đây gọi là long. “Vương” chính là người lãnh đạo ở trong các ngành nghề. Bạn trong nhà là gia trưởng, thì bạn là vua ở trong nhà; bạn mở cửa hiệu nhỏ, bạn là ông chủ thì bạn là vua của cửa hiệu, chính là ý nghĩa này. Đâu có gì là mê tín? Bạn phải hiểu được thâm nghĩa trong lời Phật thuyết pháp.
Thế nên trong Phật pháp thường nói: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan.” Nếu bạn theo văn tự mà giải thích, mà lý giải thì ba đời chư Phật đều kêu oan, bạn đã hoàn toàn hiểu sai ý của các ngài rồi. Bạn không hiểu lời các ngài nói là ý ở ngoài lời, như vậy mới hay, khiến bạn thể hội chỉ một câu mà ý nghĩa vô cùng, đây là nghệ thuật nói chuyện. “Người Trung Quốc biết nói chuyện”, lão cư sĩ Triệu Phác Sơ nói rất hay: “Chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo”, “nếu như không có Phật giáo”, cụ Triệu nói: “Thì người Trung Quốc không nói ra được một câu hoàn chỉnh.” Tại sao vậy? Bạn nghĩ kỹ xem, trong một câu nói của bạn có rất nhiều danh từ, thuật ngữ toàn là của Phật giáo, cho nên xa rời văn hóa Phật giáo thì sẽ không biết nói chuyện. Lão nhân gia ngài nói rất có đạo lý, đây là người có nghiên cứu, có nhận thức đối với Phật pháp.
Do đó, chúng ta hãy quan sát từ các phương diện thì chúng ta mới thật sự hiểu được Thích-ca Mâu-ni Phật là người như thế nào. Dùng quan niệm của đại chúng xã hội hiện nay để định vị Thích-ca Mâu-ni Phật thì ngài là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Tôi nghĩ đây là điều mà người học Phật đều sẽ khẳng định. Sự cống hiến cả đời của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với xã hội, đối với nhân dân, ngài là người làm công tác miễn phí về giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa đáng được chúng ta tôn kính. Chúng ta học Phật thì phải noi theo Thích-ca Mâu-ni Phật, chúng ta hiến thân theo đuổi sự nghiệp giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa thì chúng ta cũng phải học tập giống như Thích-ca Mâu-ni Phật vậy, dạy học miễn phí.
Cho nên, làm người thì không thể không học Phật, học Phật không phát sinh xung đột với tín ngưỡng tôn giáo. Lời nói này có lẽ là vào 30 năm, 40 năm trước, tôi đã nói tại Đại học Phụ Nhân. Tôi còn nhớ, khi tôi diễn giảng tại Đại học Phụ Nhân, ngồi ở hai hàng ghế phía trước là các cha xứ và các sơ, ngồi phía sau là sinh viên của trường họ. Tôi nhìn thấy nhiều cha xứ như vậy thì rất hoan hỷ. Tôi nói với họ: Các bạn với thượng đế là quan hệ cha con, các bạn đến học Phật thì với Thích-ca Mâu-ni Phật là quan hệ thầy trò, không hề có xung đột. Ở nhà có cha mẹ, đến trường thì có thầy giáo, đâu có gì là xung đột? Tôi cũng đặc biệt khuyên họ, nhất định phải cố gắng học theo Thích-ca Mâu-ni Phật, nếu không thì thượng đế sẽ than rằng: “Con cái của ta được lắm, rất tốt, nhưng đáng tiếc là không được đi học”, vậy thì thượng đế cũng rất xấu hổ. Nếu bạn học Phật thì thượng đế sẽ cảm thấy rất vinh dự, “con cái của ta là học trò của Thích-ca Mâu-ni Phật – người có trí tuệ nhất”, ngài cũng thấy vẻ vang. Tôi nói xong, mọi người trong giảng đường đều cười vang. Hôm đó các đồng tu nói với tôi, các cha xứ này mong muốn tôi ở lại thêm nửa giờ, họ muốn hỏi một số vấn đề. Sau khi tôi giảng xong thì không còn vấn đề nào nữa.
Cho nên, Phật giáo là nền giáo dục cứu cánh viên mãn, bất kỳ tín đồ tôn giáo nào cũng cần nên học Phật; đây là nền giáo dục trí tuệ, không có trí tuệ thì không thể giải quyết vấn đề. Thật sự thượng đế không phản đối học Phật. Chúng ta thấy trong kinh điển, thượng đế thường mời Phật Bồ-tát đến thiên cung để giảng kinh thuyết pháp. Cho nên tôi nói: “Hiện nay bạn không học Phật cũng không sao cả, bạn cố gắng tu cho tốt pháp môn của bạn đi. Tương lai bạn thật sự đến thiên đường rồi, bạn đến thiên đường thì thượng đế của bạn mời Phật Bồ-tát giảng kinh, bạn đến nghe cũng vậy thôi, cũng tốt thôi. Bạn không đến được thiên đường thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội này của bạn rồi.” Cho nên, chúng ta phải rõ lý, phải nhận thức Phật giáo, phải gánh vác sứ mệnh giáo học, phải làm tấm gương tốt cho đại chúng xã hội thấy. Nếu chúng ta không thể làm tấm gương tốt thì chúng ta là tội nhân của Phật Bồ-tát, là tội nhân của tổ sư đại đức, chúng ta có lỗi với bản thân, cũng có lỗi với xã hội. Bạn không có cơ duyên tiếp xúc được Phật pháp, thế thì khỏi bàn đến, nhưng nếu tiếp xúc được rồi thì chúng ta phải có ý thức sứ mệnh. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.