PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 33/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, bắt đầu xem từ hàng thứ ba từ dưới lên:
Lại nữa, long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được mười loại pháp bảo tín. Những gì là mười? Một, của cải chồng chất; vua, trộm cướp, nước lửa và con phá của không thể tiêu tán. Hai, nhiều người yêu mến. Ba, người khác không ức hiếp. Bốn, mười phương khen ngợi. Năm, không lo tổn hại. Sáu, tiếng tốt truyền khắp. Bảy, ở trong hội chúng không hề sợ hãi. Tám, tiền tài, thọ mạng, hình sắc, sức lực an vui, biện tài đầy đủ không thiếu. Chín, thường sẵn lòng bố thí. Mười, chết được sanh lên trời. Đó là mười. Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ chứng được trí thanh tịnh đại Bồ-đề.
Đến đây là một đoạn. Đoạn này là Thế Tôn khai thị cho chúng ta mười loại quả báo thù thắng của không trộm cắp. Điều thứ nhất nói về tài phú, “của cải chồng chất; vua, trộm cướp, nước lửa và con phá của”, đây là trong kinh Phật thường nói tiền tài là của chung của năm nhà, bạn sẽ không gặp nạn này. “Vua” là trước đây vào thời xưa, nếu như bạn phạm tội thì gia sản của bạn sẽ bị nhà nước tịch biên, gọi là tịch thu tài sản. “Trộm cướp” là gặp phải trộm cướp. “Nước lửa” thì dễ hiểu là bị nước lũ cuốn trôi, lửa thiêu. “Con phá của” là con cái phá nhà, tán của. Cho nên đây là của chung của năm nhà, bạn có thể tránh được tai nạn này.
Có thể nói, tất cả mọi chúng sanh niệm niệm đều mong cầu giàu có. Người không thích giàu có thì rất ít, đó là người đích thực có đạo, an bần lạc đạo, loại người này cực kỳ hiếm. Bạn thấy, tuyệt đại đa số mọi người đều đang theo đuổi giàu có. Có thể truy cầu được giàu có hay không? Nếu nói chúng ta có năng lực truy cầu được giàu có thì có thể vứt bỏ giáo huấn của thánh hiền rồi, bạn có thể lật đổ được định luật của nhân quả. Trong kinh giáo, Phật nói cho chúng ta biết, pháp thế xuất thế gian đều không ra khỏi định luật nhân quả, pháp thế gian như vậy, mà pháp xuất thế gian cũng như vậy. Ngài Thanh Lương phán định kinh Hoa Nghiêm thành ngũ chu nhân quả, ngài Trí Giả phán định kinh Pháp Hoa thành nhất thừa nhân quả, Phật pháp không thể rời khỏi nhân quả, chúng ta cần phải hiểu rõ đạo lý này. Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân bất thiện mà muốn cầu được quả thiện thì không có đạo lý này.
Giáo dục của thánh hiền, tổng kết lại là dạy chúng ta điều gì? Chẳng qua là dạy chúng ta có năng lực biện biệt tà chánh, thị phi, đây là nhân; giúp chúng ta nhận thức cát hung họa phước, cát hung họa phước là quả. Cái gì là tà? Cái gì là chánh? Phàm là tương ưng với tai họa, quả báo là tai họa, là hung thì đây chính là tà, đây chính là phi. Nếu quả báo là cát tường, là phước thì đây chính là thị, đây chính là chánh. Tiêu chuẩn, định nghĩa của cát hung họa phước nhất định phải xem từ trên quả báo. Nhà Phật nói về quả báo rất nhiều, cũng nói rất rộng rất sâu, quả báo thông ba đời. Hiện tại được phước báo nhưng tương lai không có phước thì phước báo này là giả, không phải thật. Chúng ta hãy xem xã hội hiện nay, có rất nhiều người lúc còn trẻ thì phát đạt, thật sự là của cải chồng chất, tài sản ngàn tỷ, nhưng kinh doanh khoảng 10 năm, 20 năm thì nghe nói công ty của họ vỡ nợ đóng cửa, phá sản rồi, đây là điều mà trong xã hội hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Sự phát đạt đó của họ, sự giàu có đó của họ không phải thật, nói thật ra là bày ra trước mắt cho bạn xem mấy ngày mà thôi, thời gian không dài. Nếu sự giàu có này của họ có thể kéo dài đến đời con cháu, đời đời đều có thể duy trì thì đây là thật, không phải giả. Cổ nhân Trung Quốc chúng ta thường nói “giàu không quá ba đời”, ý nghĩa của câu nói này rất sâu xa, đời thứ ba thì suy, thì bại rồi, vậy đâu phải là thật. Đời thứ ba còn không phải thật, bản thân ở trong đời này còn giữ không xong, có thể thấy được là càng hư huyễn.
Phước báo nói trong Phật pháp, tức là đời này có phước, đời sau có phước, đời sau nữa có phước, đời đời kiếp kiếp đều có phước thì đây là thật. Người hiện nay tầm nhìn nông cạn, chỉ thấy trước mắt, đây là không có trí tuệ, đây là ngu si. Giáo huấn của cổ thánh tiên hiền không phải là không có đạo lý, nếu không có đạo lý thì những lời giáo huấn này làm sao có thể kéo dài mấy ngàn năm, trong mấy ngàn năm này đều không có một người nào thông minh hay sao? Không có người nào có thể đem giáo huấn của cổ nhân vạch trần, lật đổ. Đến đời này của bạn, bạn thông minh, bạn có thể phủ định nó hết à? Chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều. Trong giáo huấn của cổ nhân, chắc chắn không xen tạp sự lợi hại của cá nhân, cổ nhân với chúng ta không thân không quen, họ không cầu mong chúng ta bất kỳ một chút báo đáp nào, không những họ không mong cầu chúng ta cúng dường về vật chất, mà còn không mong cầu hậu thế chúng ta lễ kính tán thán đối với họ, thật sự đã đạt đến vô sở cầu. Vô sở cầu thì lời nói đó là lời chân thật, phàm là có sở cầu, có điều kiện thì lời nói này chưa chắc là thật. Chư Phật Bồ-tát, cổ thánh tiên hiền đối với tất cả chúng sanh chỉ có một thái độ là vô điều kiện, vô sở cầu. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được người nào là thiện tri thức, người nào là người tốt, người nào là người xấu, phải có năng lực phân biệt. Chư Phật Bồ-tát, cổ thánh tiên hiền nhìn sự việc rất thấu triệt, đối với lý luận nhân quả, sự thật về nhân quả, sự chuyển biến của nhân quả, sự tiếp nối của nhân quả, sự tuần hoàn của nhân quả, các ngài thấy rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Cho nên, các ngài hướng dẫn chúng ta một tổng nguyên tắc: Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện, nhân bất thiện chắc chắn gặt quả báo bất thiện. Thánh nhân sở dĩ trở thành thánh nhân, hiền nhân sở dĩ thành hiền nhân đều không ra khỏi đạo lý này.
Giàu có từ đâu mà ra vậy? Do bố thí tài mà có. Bố thí tài là nhân, giàu có là quả báo. Quả báo tốt hay không? Điều này rất khó nói. Tôi trước đây giảng kinh cũng thường nói, bạn đời này được giàu có là trong đời quá khứ bạn tu nhân thiện, ngày nay bạn được quả báo. Quả báo hiện tiền rồi, là phước hay họa thì rất khó nói, vấn đề là bạn có trí tuệ hay không. Dùng tiền là trí tuệ, nếu bạn không có trí tuệ, tiền của bạn dùng không đúng chỗ là tạo tội nghiệp, thế là biến thành họa, không phải phước, có mấy người biết dùng? Do đây có thể biết, muốn thật sự biết dùng tiền thì phải dựa vào đại trí tuệ. Đại trí tuệ vẫn là từ trong giáo dục mà ra. Quy kết đến cuối cùng là vấn đề giáo dục, mấu chốt của cát hung họa phước là ở giáo dục. Người có trí tuệ thì tự nhiên có thể sẽ hướng lành tránh họa, hơn nữa phương pháp hướng lành tránh họa nhất định là ở đoạn ác tu thiện, vậy nhân quả của bạn mới tương ưng. Lại thêm phá mê khai ngộ nữa thì bạn thật sự có thể rời xa hung tai, hướng về cát tường, đây là giáo huấn của thánh hiền.
Câu tiếp theo nói: “Vua, giặc, nước lửa và con phá của.” Những điều này đều là do chúng ta trong đời quá khứ và đời này kết duyên bất thiện với tất cả chúng sanh mà tạo thành. Bởi vậy nên biết, chúng ta sống trong thế gian, xử sự đối người tiếp vật, ngôn hạnh cử chỉ của chúng ta không thể không thận trọng. Bồ-tát tuyệt đối sẽ không kết oán với một chúng sanh nào, kết oán thì về sau nhất định gặp phải oan oan tương báo. Năm nhà này là oan oan tương báo, bạn kết duyên tốt với người thì sẽ không có sự việc này. Cho nên giàu có, phước báo thật sự là đem của cải ra cho đại chúng xã hội cùng hưởng, đây là phước báo thật sự, chứ không phải để một người hưởng riêng. Bạn phát tài rồi, người khác tán thán, người khác hoan hỷ, vì sao vậy? Họ được thơm lây, vì bạn chịu chia sẻ.
Người Trung Quốc thời xưa thật có trí tuệ, người biết dùng tiền là Phạm Lãi, ông là một đại phu của Ngô Vương Phù Sai. Sau khi Câu Tiễn phục quốc, ông liền bỏ đi. Ông đi buôn bán, đi làm thương mại, đi kinh doanh, không được mấy năm thì ông phát đạt, phát tài to. Sau khi phát tài thì ông phân phát tài vật, bố thí khắp nơi, đem tiền của thảy đều bố thí hết cả. Sau đó, ông bắt đầu buôn bán nhỏ trở lại, qua mấy năm ông lại phát tài nữa. Vì trong mạng có, trong mạng có thì có bỏ cũng bỏ không được. Sau khi phát tài rồi, ông lại phân phát tiếp, tam tụ tam tán. Cho nên, Trung Quốc đại lục cúng thần tài là cúng Phạm Lãi. Ở Đài Loan cúng thần tài là cúng Quan Công, tôi không biết việc này từ đâu ra? Cúng Phạm Lãi thì có đạo lý, vì ông là một nhân vật điển hình cho chúng ta về tu tích của cải, ông thật sự là hình mẫu của người giàu có biết giúp đỡ, cứu tế chúng sanh khổ nạn. Cho nên của cải, bạn cứ việc phân phát, phân phát không hết, càng phân phát càng có nhiều.
Mấy năm nay, Đông Nam Á gặp phải cơn bão tài chính, kinh tế suy thoái khắp nơi, tại sao Cư Sĩ Lâm không suy thoái vậy? Thu nhập của Cư Sĩ Lâm tháng nào cũng tăng, đây là nguyên nhân gì? Là phân phát tài vật, Cư Sĩ Lâm không tích chứa tài sản, mà phân phát tài vật. Các bạn hãy quan sát tỉ mỉ, nhà Phật nói ba loại bố thí là bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy, ngày ngày làm, tích cực làm, cho nên quý vị nhìn thấy Cư Sĩ Lâm tiền tài cuồn cuộn tới không ngừng. Bố thí pháp, nếu bạn quan sát tỉ mỉ từ trên xuống dưới, ai nấy đều có trí tuệ, khỏe mạnh, trường thọ, chúng ta đều nhìn thấy quả báo. Cho nên, chúng ta nhất định phải hiểu được đạo lý này.
Chúng ta nhìn thấy ông Tan Sri Lee Kim Yew ở Malaysia, ông làm rất đúng pháp. Ông mở xí nghiệp tư nhân, chúng tôi đến Cổ Tấn thăm ông, ông đã mua cả vùng núi hoang này, rất nhiều người đều nói: “Quyết định này của ông sẽ lỗ vốn, ông sẽ không có tiền đồ.” Ông kinh doanh sáu năm không kiếm được một xu nào, đều thua lỗ. Không khai thác được núi này, kinh doanh sáu năm. Gần đó có mười mấy thôn trang, người trong mười mấy thôn trang này đều đi săn, đi săn không phải là việc tốt. Ông mua lại toàn bộ dụng cụ săn bắn của họ, ông mời tất cả mọi người lên núi, phân phối công việc cho họ, làm nhân viên của công ty ông, ông đãi ngộ với họ rất tốt, họ có thể nuôi gia đình mà không phải săn bắn nữa. Phần trước, chúng ta có nói không sát sanh, người trong khu vực này không sát sanh nữa. Không những không sát sanh mà còn ăn chay trường, nhân viên ở trên núi có hơn 300 người, ăn chay trường quanh năm. Ông nói, mới đầu những người này không quen ăn chay, nhưng sau nửa năm thì họ rất thích, vì sao vậy? Da dẻ thay đổi, nếp nhăn trên mặt không còn nữa, mọi người rất vui, cho nên hiện nay họ thích ăn chay trường. Bạn thử nghĩ xem, mười mấy thôn trang này, ông bố thí cho nhiều người như vậy, nhiều người như vậy cảm kích ông, cám ơn ông, đều làm hộ pháp của ông, cho nên sơn trang này của ông vô cùng an toàn, không có người xấu bước vào, những người ở thôn trang này đều bảo vệ ông.
Cho nên, một người có phước thì người trong cả khu vực đều được phước, đều được hưởng thụ, đây là việc đúng đắn. Dứt khoát không phải vì một nhà, vì một đoàn thể nhỏ của bạn, không được, mà phải toàn tâm toàn lực phụng hiến cho toàn thể xã hội, cho tất cả chúng sanh, phước báo về sau của ông không thể nghĩ bàn. Đây là xuất phát từ nội tâm của ông, ông làm đến tâm an lý đắc, làm được vô cùng hoan hỷ. Con người cần phải có tâm đại Bồ-đề, giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Nếu có mảy may tâm muốn chiếm tiện nghi của chúng sanh, vậy là phạm vào giới trộm cắp, trộm cắp gọi là “không cho mà lấy”.
Ngày nay ở Singapore, chúng ta đoàn kết các tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau, được người trên toàn thế giới tán thán. Chúng ta có phải vì mong cầu những lời tán thán này mà làm hay không? Không phải. Bạn tán thán cũng được, bạn phỉ báng cũng được, chẳng liên quan đến tôi. Tôi cân nhắc tỉ mỉ sự việc này có nên làm hay không, tiêu chuẩn của cân nhắc là có tương ưng với những điều kiện an định, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc đối với xã hội, đối với thế giới này hay không? Nếu tương ưng thì phải nên làm, không tương ưng thì chúng ta dứt khoát không được làm, có một tiêu chuẩn để cân nhắc.
Chúng ta ngày nay nhìn thấy thế giới sắp gặp tai nạn lớn, điềm báo của loại tai nạn này, toàn thế giới người có trí tuệ, nhà chính trị, nhà khoa học, trong các ngành các nghề đều có thể cảm nhận được rất sâu sắc, nhưng không có biện pháp giải quyết vấn đề này. Tôi đã nghĩ rất nhiều, nguyên nhân do đâu vậy? Nguyên nhân là do giáo dục thất bại triệt để, giáo dục thánh hiền mất hết rồi. Trung Quốc bỏ đi giáo dục thánh hiền, phương Tây bỏ đi giáo dục tôn giáo, họ không còn tin lời trong kinh Thánh nữa, họ tuyên bố thượng đế đã chết, vậy có nguy không? Cho nên thế gian này có tai nạn. Giáo dục gia đình không còn nữa, giáo dục nhà trường không còn nữa, giáo dục xã hội cũng không còn, giáo dục tôn giáo cũng phá sản rồi, vậy phải làm sao? Chúng ta ngày nay liên hiệp tôn giáo, đoàn kết tất cả tôn giáo, chúng ta giúp đỡ họ, nhắc nhở họ, chúng ta nhất định phải coi trọng giáo dục tôn giáo. Không nên cứ ở trên nghi thức tôn giáo mà làm, có nghi thức mà không có giáo dục thì người ta nói chúng ta là mê tín. Cần phải khôi phục giáo dục tôn giáo để đoàn kết chủng tộc, bù đắp cho giáo dục thánh hiền. Mọi người đã quên mất nó rồi, hãy từ chỗ này mà khôi phục, mà nhắc nhở. Chỉ có thật sự khôi phục giáo dục thánh hiền thì thế gian này mới có thể tránh khỏi tai nạn. Tâm lượng của chúng ta nhất định phải lớn, không được chỉ vì bản thân.
Chúng ta ngày nay giúp đỡ những tôn giáo khác, giúp đỡ những chủng tộc khác, giúp đỡ những quốc gia khác, tâm này lập tức không vui, vậy thì thế gian này của chúng ta phải cùng đến chỗ chết, cuối cùng là hủy diệt, vì sao vậy? Bạn chỉ quan tâm bản thân, không quan tâm người khác. Những nơi khác trên toàn thế giới đều hủy diệt rồi, chỗ của bạn đây sẽ giữ vững được sao? Thế giới này giống như cơ thể của chúng ta vậy, chúng ta đây là phần đầu, nếu như toàn thân đều thối rữa hết thì cái đầu này của bạn có thể sống được không? Phật nói với chúng ta càng rộng hơn, hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới đều là một pháp thân. Cho nên, kinh điển thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta dứt khoát không được chỉ quan tâm bản thân, phải quan tâm đến toàn thể đại cục. Đại cục là toàn thế giới, khởi tâm động niệm hãy nghĩ cho toàn thế giới, cả thế giới hòa bình, xã hội an định thì mọi người chúng ta đều được phước. Nơi nào có tai nạn cũng đều có liên quan mật thiết với chúng ta, chúng ta muốn trốn tránh không phải là việc dễ dàng, bất kể là nói trên lý luận hay trên hiện thực đều không thể được. Cho nên, ngày nay toàn thế giới là một thể, phải có tầm nhìn vĩ mô, phải có trí tuệ chân thật. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.