PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 8/149
“Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh.” Tựa đề kinh này, phía trước đã giảng qua một lần nhưng chưa giảng xong, hôm nay chúng tôi giảng tiếp. “Phật thuyết thập thiện” đã giới thiệu rồi, hôm nay chúng tôi giảng “nghiệp đạo”. Thế nào gọi là “nghiệp”? Tất cả hoạt động của chúng ta từ khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, ngay lúc đang tiến hành thì gọi là việc. Chúng ta thường hỏi: “Bây giờ anh đang làm việc gì?” Sau khi làm xong sự việc thì kết quả đó gọi là nghiệp. Phật đem tất cả tạo tác của chúng ta chia thành ba loại lớn, mọi người đã biết rõ đó là nghiệp thiện, nghiệp ác và nghiệp vô ký, tất cả đều không ngoài ba loại lớn này. “Vô ký” là không thể nói nó là thiện hay ác. Ví dụ chúng ta cầm khăn lau mặt, uống ly trà, việc này không thể gọi là thiện hay ác, loại này gọi là nghiệp vô ký.
Thiện ác có tiêu chuẩn, cấp bậc của tiêu chuẩn rất nhiều. Thông thường ở trong Phật pháp chúng ta nói “ngũ thừa Phật pháp”, ngũ thừa Phật pháp chính là năm tiêu chuẩn: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Tiêu chuẩn của mỗi một cấp bậc đều khác nhau, nhưng chúng có một nguyên lý nguyên tắc bất biến. Nguyên lý này chính là sự nghiệp lợi ích chúng sanh, đây là nghiệp thiện, sự nghiệp lợi ích cho bản thân là nghiệp ác. Cách nói này rất nhiều người mới học không thể tiếp nhận, có người nào không vì bản thân đâu? Tôi vì bản thân thì có gì không tốt? Thế nhưng ở trong Phật pháp thật sự là không tốt. Vì sao vậy? Vì mục đích của Phật pháp và mục đích của thế gian không như nhau, mục đích của Phật pháp là muốn làm Phật, làm Phật thì nhất định phải ra khỏi tam giới, ra khỏi thập pháp giới thì bạn mới có thể làm Phật được. Vậy làm Phật có được tự lợi hay không? Phật nói vì sao bạn không thể làm Phật, vì sao bạn trôi lăn trong lục đạo luân hồi, chính là vì tâm tự tư tự lợi của bạn quá nặng. Phật pháp nói bạn chấp trước có ta, có ta thì bạn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, điểm này chúng ta nhất định phải hiểu rõ.
Cho nên, Phật pháp dạy chúng ta phải phá chấp ta. Phá chấp ta là khi chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nhất định không được nghĩ cho bản thân thì cái ta này mới có thể tan nhạt, mới có thể đoạn dứt. Bất kể sự việc gì, khởi tâm động niệm vẫn nghĩ có ta thì ý niệm về ta này của bạn ngày ngày đang tăng trưởng. Hay nói cách khác, bất luận bạn tu học pháp môn nào, tu tốt cỡ nào, bạn cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Tu tốt đến mấy cũng chẳng qua là hưởng phước trời mà thôi, không ra khỏi lục đạo. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì mới hiểu được vì sao Phật không cho phép chúng ta lo nghĩ vì lợi ích của chính mình. Chúng ta đã hiểu rõ, nhưng đạo lý này người thế gian không hiểu. Hay nói cách khác, nếu bạn không muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi thì khỏi phải bàn, vậy thì được. Còn nếu bạn muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi thì không đoạn ta không được!
Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Nếu Bồ-tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải Bồ-tát.” Bồ-tát ra khỏi tam giới, vượt thoát tam giới là tiểu Bồ-tát, phải “không tướng ta” thì mới có thể ra khỏi tam giới. Tuy vượt thoát tam giới nhưng chưa thể thoát khỏi thập pháp giới, tứ thánh pháp giới mà chúng ta nói gồm: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, trong tứ thánh pháp giới còn có pháp giới Phật. Đây là nguyên nhân gì vậy? Họ tuy không còn chấp trước “ta” nữa nhưng họ còn chấp trước “pháp”, vì vậy họ vẫn còn tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Trong bốn tướng là tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chỉ có tướng ta là họ không còn chấp trước, thế nên họ không ra khỏi thập pháp giới. Cần phải đoạn hết bốn tướng, bốn kiến thì bạn mới ra khỏi thập pháp giới, bạn là pháp thân Bồ-tát. Tiêu chuẩn của kinh Kim Cang là pháp thân Bồ-tát, không phải quyền tiểu Bồ-tát trong thập pháp giới, cho nên yêu cầu của nó là phải phá bốn tướng, phá bốn kiến.
Chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì mới biết nền giáo dục của Phật là chân thật, chúng ta phải hết lòng nỗ lực học tập. Cách học tập như thế nào? Niệm niệm vì chúng sanh mà lo nghĩ, đừng lo nghĩ cho bản thân, phải phục vụ cho người khác, không yêu cầu người khác phục vụ cho mình, phải hiểu đạo lý này. Những lời này ở trong kinh Cô-ran của Hồi giáo đều có nói, kinh Cô-ran nói “người cho có phước hơn người nhận”. Lời nói này nếu nói theo hiện nay là chúng ta phục vụ người khác thì sẽ có phước hơn chúng ta tiếp nhận sự phục vụ của người khác dành cho ta. Hay nói cách khác, người thế nào là người có phước? Người phục vụ cho chúng sanh là người có phước. Điều này ở trong kinh Tân Cựu Ước cũng có nói. Phật nói còn sâu hơn, phục vụ cho chúng sanh nhưng trong đây vẫn chưa quên cái ta, nhà Phật là phục vụ cho tất cả chúng sanh mà quên mất luôn cả ta, vì vậy phước báo này sẽ càng lớn hơn, phước báo này vượt qua lục đạo, vượt qua thập pháp giới. Chưa quên được ta thì chắc chắn ở lục đạo luân hồi, đây là chúng tôi nói đến tiêu chuẩn của thiện, tiêu chuẩn của nghiệp thiện là ở đây.
Chúng ta phải nghiêm túc hỏi lại chính mình, đời này có muốn thoát khỏi luân hồi không? Luân hồi quá khổ rồi! Có muốn lìa khổ được vui không? Nếu thật sự muốn lìa khổ được vui thì chúng ta phải một lòng một dạ phụng hiến cho tất cả chúng sanh. Sự phụng hiến này, xin thưa với quý vị là chắc chắn có quả báo tốt, gieo nhân thiện nhất định được quả thiện. Không cần cầu, không cầu thì được nhiều hơn, nếu bạn có cầu thì ngược lại sẽ được ít. Đạo lý này rất sâu, nhưng sự thật thì sao? Nếu chúng ta bình lặng quan sát thì sẽ thấy rất rõ, bạn thử nhìn những người và vật xung quanh chúng ta, phàm là làm việc tốt thì nhất định được thiện báo. Có một số người ở trong đời này được quả báo đại phú quý, nhưng chúng ta nhìn thấy dường như họ hoàn toàn không làm thiện gì cả, thậm chí còn làm rất nhiều việc ác, đây là do nguyên nhân gì? Là do đời trước họ tu thiện, đời trước tu nhân nên đời này được quả báo. Nhưng thật đáng tiếc là trong đời này họ không gặp được thiện tri thức, không gặp được người hiểu biết dạy họ, thế là họ bị mê hoặc, mê hoặc mới tạo nghiệp bất thiện này. Do tạo nghiệp bất thiện nên phước báo tu trong đời quá khứ rất dễ dàng tan biến, đến đời kế tiếp phước báo không còn nữa, ác nghiệp mà họ đã tạo, ác báo liền hiện tiền. Cho nên tất cả pháp thế xuất thế gian, nếu bạn nhìn thấu rồi thì chẳng qua là một vòng tuần hoàn, chuyển biến, tiếp nối của nhân duyên quả báo, một câu này đã nói hết tất cả mọi hiện tượng thế xuất thế gian.
Chư Phật Bồ-tát hiểu rõ chân tướng. “Thể giải đại đạo”, thể là thể hội, thông đạt hiểu rõ, giải là giảng giải, các ngài có thể giảng giải rất rõ ràng cho người khác, đại đạo chính là sự việc như vậy. Chữ “đạo” cùng với chữ “pháp” mà trong Phật pháp chúng ta nói là cùng một ý nghĩa, “đạo” cũng bao gồm chân tướng của vũ trụ nhân sinh, tất cả tánh tướng, lý sự, nhân quả; nhà Phật gọi là pháp. Vì thế chúng ta cần phải làm nghiệp thiện. Bộ kinh này tuy Phật dạy cho người mới học, nhưng nó thông thẳng đến quả vị Như Lai. Hay nói cách khác, những điều nói trong kinh là từ lúc mới phát tâm mãi cho đến quả vị Như Lai, lúc nào chúng ta cũng phải phụng hành, không có ngày nào, không có phút nào xa lìa nó. Đây là pháp cơ bản của Phật pháp, cũng là pháp viên mãn của Phật pháp, chúng ta không thể không xem trọng.
Kinh này không dài, bạn thấy quyển sách nhỏ mỏng chừng này. Hiện nay chúng ta bắt đầu học, Như Lai đã hoàn toàn làm được rồi, làm được rất viên mãn nên chúng ta gọi ngài là Phật. Tuy nói mười điều, mười điều này phần trước đã giảng rồi, không giảng lại nữa, nhưng trong mỗi một điều, lý rất sâu, sự rất rộng, sâu rộng không bờ bến, từ sơ phát tâm cho đến quả địa Như Lai cũng học không xong. Vì vậy, chúng ta không được xem nhẹ nó, xem nhẹ thì chúng ta sẽ lơ là ngay, cho rằng những thứ này đều là lời lẽ tầm thường. Cho nên, chúng ta thường đang phạm sai lầm, trở thành chướng ngại to lớn đối với sự tu hành của mình. Tức là ngay cả đạo dễ hành trong Phật pháp là niệm Phật cầu sanh Tịnh độ cũng bị nó chướng ngại, bị nghiệp ác chướng ngại rồi thì niệm Phật không thể vãng sanh, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Trong ba kinh Tịnh độ, Phật đều nói rất rõ ràng, thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, tiêu chuẩn của thiện chính là những gì trong bộ kinh này đã nói. Vì vậy chúng ta niệm Phật tốt cỡ nào, niệm nhiều đến đâu, nếu chúng ta không phải là người thiện thì cũng không thể vãng sanh thế giới Cực Lạc được. Cho dù A-di-đà Phật có từ bi cỡ nào, muốn tiếp dẫn bạn, nhưng đại chúng bên đó không hoan nghênh bạn, bởi họ đều là người thiện, bạn là người bất thiện thì họ làm sao có thể dung nạp được? Cho nên, bạn nhất định phải hiểu được đạo lý này, niệm Phật dứt khoát phải tu thiện. Thật ra mà nói, bất kể tu học pháp môn nào trong Phật pháp thì đều phải tu thiện.
Đạo có hai nghĩa, một là nói từ trên lý, đây là đại đạo của vũ trụ nhân sinh; hai là nói từ trên sự, đó chính là thập pháp giới, là nhất chân pháp giới, xem tiêu chuẩn của thập thiện mà bạn đã tu. Tu thập thiện cũng phân cao thấp, cũng phân đẳng cấp, thập thiện thượng thượng phẩm là làm Phật, làm Phật trong nhất chân pháp giới; thập thiện thượng trung phẩm là làm Bồ-tát trong thập pháp giới. Cứ như vậy mà hạ thấp dần xuống, xuống đến thập thiện hạ hạ phẩm, thập thiện hạ hạ phẩm là cõi ngạ quỷ. Cõi địa ngục không có thiện, cõi địa ngục thì rất tệ hại! Nếu như thập thiện thảy đều không có thì đây là cõi địa ngục. Điều này chúng ta nhất định phải rõ ràng.
Bạn có thể hiểu thấu đáo bộ kinh điển này rồi, khi bạn khởi tâm động niệm rơi vào cõi nào thì bạn đều biết rất rõ ràng, rất sáng tỏ, không cần đi hỏi người khác. Không những tự mình biết rất rõ ràng sáng tỏ là đời sau đến cõi nào, mà hiện nay thân thể này của chúng ta ở cõi nào cũng biết rõ ràng. Nhưng rất nhiều người không biết hiện nay chúng ta ở cõi nào, chẳng phải chúng ta đều ở cõi người hay sao? Không hẳn thế. Đại sư Thiên Thai nói “bách giới thiên như”, ở trong cõi người có cõi Phật trong người, Bồ-tát trong người, Thanh văn, Duyên giác trong người, cõi trời trong người, súc sanh trong người, ngạ quỷ trong người, địa ngục trong người. Chúng ta hiện nay ở trong cõi người, ở trong thập pháp giới này, chúng ta ở cõi nào cũng đều biết rõ ràng sáng tỏ. Làm người, chúng ta nhất định phải làm người sáng tỏ, đừng làm người hồ đồ, làm người hồ đồ là hỏng rồi. Cho nên, chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật, trong đời sống, trong công việc phải ghi nhớ một câu giáo huấn của cổ nhân: “Thiệt thòi là phước, khó được hồ đồ.” Hồ đồ đó là giả hồ đồ, không phải là thật. Dứt khoát không được giữ ý nghĩ chiếm tiện nghi, nếu chiếm phần hơn vậy thì bạn bị thiệt thòi lớn rồi.
Trong các buổi giảng tôi thường nói với mọi người, điều tôi nói thì tương đối sâu, tôi thường nói đến trì giới, bạn có ý nghĩ chiếm phần hơn là bạn đã phá giới rồi. Giới này là gì vậy? Giới trộm cắp, ý nghĩ chiếm phần hơn là giới trộm cắp, bạn đã phạm giới này, đây là điều chúng ta phải đặc biệt chú ý cẩn thận. Chúng ta còn có thể lực, còn có trí tuệ, còn có năng lực thì hãy phục vụ cho tất cả chúng sanh, phục vụ cho xã hội, phục vụ cho thế giới thật nhiều, lĩnh vực phục vụ của bạn càng rộng thì phước càng lớn. Chúng ta không phải phục vụ vì mong cầu phước báo, mà chúng ta chỉ mong cầu Phật quả, chúng ta chỉ mong cầu vô thượng Bồ-đề, quyết không phải cầu phước. Vì vậy, hy vọng mọi người thể hội thật sâu đại đạo lý này.
Sau cùng là chữ “kinh”, kinh thì thường nói rồi, chúng ta có thể tỉnh lược. Hôm nay, chúng ta có không ít đồng tu mới đến từ Trung Quốc nên tôi nói sơ lược qua chữ này một lần. Người Trung Quốc gọi sách là kinh, bởi vì rất tôn trọng, cực kỳ tôn trọng nên mới gọi là kinh. Chữ này ở trong Phật pháp có rất nhiều cách giải thích, kinh Hoa Nghiêm thì có mười cách giải thích. Thông thường pháp sư giảng kinh thời xưa thường dùng bốn chữ “quán, nhiếp, thường, pháp” để giải thích.
“Quán” là nói ngôn ngữ văn tự của nó có thứ lớp, có mạch lạc, không hề loạn chút nào, đều có thể xuyên suốt từ đầu đến cuối. Đặc biệt chúng ta có thể xem thấy ở trong “khoa phán”, thật sự văn chương của nó đến mức không thể thêm một chữ, cũng không thể bớt một chữ. Bớt một chữ là nó hỏng ngay, thêm một chữ thì rườm rà, dài dòng. Đây là văn chương hay, ngôn ngữ hay, điểm này văn nhân thế gian, người cao minh cũng có thể làm được. Giống như những tác phẩm từ xưa đến nay được lưu truyền của Trung Quốc chúng ta, hầu như đều có thể làm được chữ này. Thứ hai là chữ “nhiếp”, ý nghĩa này sâu, nó có thể thu nhiếp lòng người, khiến bạn sau khi tiếp xúc rồi thì muốn bỏ cũng không được, giống như nam châm hút sắt vậy, nó có năng lực này. Chúng ta thấy báo chí thông thường khi xem qua một lần thì chắc chắn không muốn xem lần thứ hai, nó không có năng lực này. Thế nhưng kinh Phật thì xem cả đời cũng không chán, càng xem càng thích, đây là năng lực của “nhiếp”. “Thường” là đạo lý và phương pháp đã nói trong đó vĩnh viễn không thay đổi. Bất luận ở thời đại nào, bất luận ở trong hoàn cảnh nào cũng đều đúng cả, nó đều có lợi ích đối với bạn. “Pháp” là quy tắc, bất luận là ở nơi nào, ở thời đại nào, bất luận chúng sanh nào tu hành, nếu dựa theo quy tắc này thì chắc chắn có thể thành tựu. Cho nên đầy đủ bốn ý nghĩa này thì được gọi là “kinh”.
Toàn bộ tựa đề “Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, phía trước tôi đã nói với quý vị rồi, ý nghĩa của chữ “Phật thuyết” này không giống các kinh điển khác, mà giống như “Phật thuyết” trong các kinh Tịnh độ đã nói, là mười phương ba đời tất cả chư Phật đều nói, không phải một vị Phật nói, mà tất cả Phật đều nói. Phật nói mười loại nghiệp đạo của thiện pháp này giúp cho chúng ta, bất luận là tu học pháp môn nào, thậm chí là bất luận bạn tu học tông phái nào, nếu dụng công phu trên nền tảng này thì bạn chắc chắn thành tựu. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.