PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 127/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay, chúng ta tiếp tục xem điều thứ năm của thất giác chi là “khinh an giác chi”, “đoạn trừ nghiệp thô trọng của thân và miệng, cũng là diệt trừ các kiến hoặc phiền não, cũng gọi là rất nhu thuận mà không cường bạo vậy”. “Khinh an” ở đây được nêu ra với ba ví dụ. Phật pháp chúng ta thông thường nói pháp hỷ sung mãn, khinh an chính là pháp hỷ sung mãn. Trong Luận Ngữ nói “bất diệc duyệt hồ” (chẳng phải vui lắm sao), chẳng phải vui lắm sao chính là cảnh giới của khinh an. Trong kinh điển cũng thường có câu “thường sanh tâm hoan hỷ”, đây đều thuộc về khinh an, đều thuộc về hiện tượng công phu đắc lực. Bạn tu hành công phu đắc lực rồi thì bạn nhất định sẽ đạt được khinh an, chúng ta nói là “rất an vui”, niềm an vui này không phải đến từ bên ngoài. Người Trung Quốc xưa chúng ta dùng từ ngữ thì có phân biệt, niềm an vui đến từ bên ngoài thì gọi là “lạc”; không phải đến từ bên ngoài, mà từ công phu trong nội tâm hiển lộ ra thì gọi là “duyệt”. Cho nên duyệt và lạc xem ra dường như giống nhau, nhưng trên thực tế thì gốc của nó không như nhau; duyệt là từ trong nội tâm phát ra, lạc là từ bên ngoài đến, bạn bè tốt cùng tụ hội, lạc là đến từ cảnh giới bên ngoài, cái này có khác biệt. Cho nên nói: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?” (Có bạn từ phương xa đến, chẳng phải vui lắm sao?) Đây là bạn bè chí đồng đạo hợp, nhất là từ rất lâu không gặp mặt, đến thăm hỏi là một việc vô cùng vui vẻ, đây là chuyện vui của đời người, đến từ cảnh giới bên ngoài. Khinh an không phải như vậy, mà từ trong nội tâm sanh ra, chân thật là thường sanh tâm hoan hỷ.
Làm thế nào mới có thể đạt được khinh an? Ba thí dụ này đều hay. Thứ nhất là thân và khẩu, phiền não thô trọng của thân nghiệp và khẩu nghiệp trong ba nghiệp đã lìa khỏi rồi; hay nói cách khác, đã lìa khỏi bốn lỗi lầm của miệng rồi, tuy chưa đoạn sạch gốc nhưng ít nhất nó không khởi hiện hành, bạn liền có thể được khinh an, liền có thể được hỷ duyệt. Chân thật làm được không vọng ngữ, không lừa gạt người khác, đương nhiên cũng sẽ không lừa gạt chính mình. Người thế gian tạo nghiệp nặng nhất cũng không ngoài việc lừa mình dối người, như vậy đã phạm điều đầu tiên của khẩu nghiệp. Sự an vui thật sự của đời người, Tư Mã Quang nói rất hay, cả đời ông đã làm được, “không có việc gì chẳng thể nói với người”. Tâm địa của ông chánh đại quang minh như vậy, những việc ông đã làm cả đời, không có việc nào mà không thể nói cho người khác biết, bạn nghĩ xem ông an vui biết bao! Nếu bạn làm những việc mà không thể công khai với người khác, không dám nói với người khác, trong tâm của bạn khổ biết bao! Bạn làm sao có được hỷ duyệt? Nho và Phật đều nói đại đạo lý này cho chúng ta.
Thế nên chúng ta tu hành, điều đầu tiên là không được lừa mình, không được dối gạt người khác, từ đây mà bắt tay làm. Kinh Vô Lượng Thọ nói “khéo giữ ba nghiệp”, câu thứ nhất chính là “khéo giữ khẩu nghiệp”. Không nói theo thứ tự thân khẩu ý, mà nói đảo ngược thứ tự, đầu tiên là nói khẩu nghiệp, ý nghĩa này rất sâu xa! Bởi vì thân khẩu ý tạo nghiệp, thì khẩu nghiệp dễ tạo nhất, tạo nghiệp nhiều nhất, nghiêm trọng nhất, cho nên Phật đem nó để ở điều thứ nhất. Chúng ta phải hiểu được ý của Phật, phải biết được từ đâu mà khởi tu, đầu tiên là “không lừa mình, không dối người”.
Thứ hai là “không nói ly gián”, quyết không khiêu khích thị phi. Ở trước mặt A thì nói B sai, ở trước mặt B thì nói A sai, nhất định không được như vậy, gây tổn hại nhất cho đức tánh, rất nhiều tội nghiệp cực nặng đều từ chỗ này mà sanh ra. Cho nên, chúng ta nhất định phải phòng ngừa việc nói chuyện tầm phào, chuyện riêng tư của người khác không những không được nghe ngóng, mà tốt nhất là ngay đến nghe cũng đừng nghe. Tôi không muốn nghe, nhưng người khác cứ đến nói với tôi, vậy phải làm sao? Bạn cũng không thể bảo họ đừng nói, điểm này mọi người phải học bản lĩnh của bà Hứa Triết. Việc mà bà Hứa Triết làm chính là chư Phật Bồ-tát đã làm, bản lĩnh này là gì? “Nghe mà như không nghe”, công phu cao lắm đó, bạn nói tôi đều nghe, tôi cũng gật đầu, nhưng một chữ cũng không lọt vào tai, đây là công phu chân thật. Thấy mà như không thấy, nghe mà như không nghe.
Cho nên, chư Phật Bồ-tát có thể cùng với tất cả chúng sanh hòa quang đồng trần, trong tứ nhiếp pháp thì đồng sự với tất cả chúng sanh, bản lĩnh đó cao biết bao! Công phu này rốt cuộc là gì? “Ái, thủ, hữu” trong mười hai nhân duyên, bà không có chữ “hữu” sau cùng, cho nên bà đồng sự với tất cả chúng sanh. Bà có thể có ái, có thể có thủ, nhưng sau cùng không có hữu, việc này quá cao minh! Sáu căn có tiếp xúc với sáu trần hay không? Có tiếp xúc. Trong khi tiếp xúc, người thông thường chúng ta nói “hữu ái”, “hữu hữu”, bà vẫn có tình cảm, nhưng mà thế nào? Trong lòng bà không lưu lại ấn tượng, “hữu” đó chính là lưu lại ấn tượng, lưu lại ấn tượng trong a-lại-da thức, bà không lưu lại ấn tượng, chúng ta rất khó tưởng tượng được cảnh giới này. Ở Singapore thật hiếm có, cư sĩ Hứa Triết đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy.
Chúng ta hiểu được rồi, bạn xem thí dụ mà bà nêu ra, bạn suy nghĩ thì rất là thú vị, cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Bà nhìn thấy người xấu, nhìn thấy những việc xấu, bà nghĩ thế nào?” Bà nói: “Tôi nhìn thấy người xấu, nhìn thấy người làm việc xấu cũng giống như mỗi ngày đi trên đường nhìn thấy những người đi qua đi lại ở trên đường vậy.” “Bà có thấy người hay không?” “Có nhìn thấy”. Hỏi bà: “Bà có nhớ được người nào hay không?” Bà đáp: “Một người cũng chẳng nhớ.” Khi đi đường, bà cũng nghe người khác đi bên cạnh nói chuyện phiếm, nói rất nhiều, nhưng nói những gì thì một câu bà cũng không nhớ. Đây chính là gì? Bà không có “hữu”, đây là chiêu rất cao minh. Người thông thường chúng ta nói “không lưu tâm”, vậy tâm của bạn thanh tịnh biết bao. Thật sự phải học phương pháp tu hành của bà, nhìn thấy việc tốt của người, nhìn thấy việc thiện của người, bà ghi nhớ, việc này thì bà lưu tâm, bà muốn nghiêm túc học tập; khi nhìn thấy bất thiện của người, bà hoàn toàn không để vào trong a-lại-da thức, ngay cả ấn tượng cũng không có, cho nên bà được pháp hỷ, bà được khinh an, đây là thành tựu thấp nhất trong công phu học Phật.
Chúng ta học Phật, lợi ích đầu tiên đạt được chính là an vui, lìa khổ được vui, đây là đạt được niềm vui nhỏ, ở trong đời sống chân thật được an vui. Bạn sống đời sống an vui, nói cho bạn biết, bạn sẽ không bị bệnh, bạn cũng không dễ bị già yếu, già bệnh từ đâu mà ra? Từ trong lo buồn, phiền não mà ra; người có lo buồn, người có vướng bận, người có phiền não thì dễ già yếu, dễ bị bệnh. Nếu họ sống trong cảnh giới an vui, khinh an, họ không dễ gì bị bệnh, không dễ gì già yếu, đây là lợi ích đầu tiên chúng ta đạt được từ việc học Phật, hoàn toàn khác với trước khi chưa học Phật. Học Phật có lợi ích gì? Đây chính là lợi ích, vô cùng thực tế, chỉ cần bạn hết lòng chịu làm thì bạn chắc chắn có thể đạt được, hơn nữa việc này không khó đạt được, bởi vì đây là công phu thấp nhất. Sau khi bạn đạt được rồi thì gọi là pháp hỷ sung mãn, bạn tự nhiên sẽ dũng mãnh tinh tấn, vì sao vậy? Bạn đã nếm được mùi vị ngọt ngào rồi, thật tốt. Học Phật càng học càng khổ não, đó là do nguyên nhân gì? Không có được pháp hỷ, không có được khinh an; hay nói cách khác, những gì mà bạn tu học không như pháp, chắc chắn trái ngược với phương pháp và lý luận của Phật pháp. Nếu tu học như pháp thì bất luận tu học pháp môn nào, bạn nhất định đạt được [pháp hỷ, khinh an]. Chúng ta phải thường lấy việc này để trắc nghiệm công phu của chính mình.
Câu thứ hai nói “diệt trừ các kiến hoặc phiền não”, đặc biệt nói đến kiến hoặc. Kiến hoặc là gì? Là kiến giải sai lầm, chúng ta gọi là cách nhìn sai lầm. Những năm gần đây chúng tôi ở Singapore qua lại với rất nhiều tôn giáo khác nhau, những tôn giáo này đều nhiệt tâm làm rất nhiều sự nghiệp từ thiện xã hội, làm rất nhiều việc tốt, chúng tôi nhìn thấy rất là hoan hỷ, cũng rất tôn trọng, chúng tôi mang một ít tiền đi giúp cho họ. Có rất nhiều người không cho đây là đúng, kiến giải như vậy là sai lầm. Còn có người đến hỏi tôi: “Vì sao phải làm như vậy? Tín đồ Phật giáo tại gia kiếm tiền không dễ dàng, họ cúng dường tam bảo, vì sao lại mang tiền đi cho ngoại đạo?” Họ đến chất vấn tôi như vậy, tôi trả lời họ: “Phật nói với chúng ta: chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo có phải là chúng sanh hay không? Hồi giáo có phải là chúng sanh hay không? Có cần độ hay không? Có nên bố thí, cúng dường hay không?” Việc này đức Phật đều dạy chúng ta trong kinh, vì sao mỗi ngày đều đọc mà đọc thành hồ đồ như vậy, đều không hiểu rõ đạo lý này? Nếu chúng ta vẫn cứ chấp trước như vậy, đối lập với các chủng tộc, với các tôn giáo trong xã hội thì ngày tàn của thế giới sẽ nhanh chóng hiện tiền, sau cùng kết quả thế nào? Mọi người đều đến chỗ tận diệt, một con đường chết!
Làm thế nào tiêu trừ kiếp nạn của thế gian này? Nhất định phải cùng mọi người chung sống hòa thuận. Chúng ta hằng ngày nói hòa bình, nhưng ý nghĩa của hai chữ “hòa bình” này không hiểu. Hòa là chung sống hòa thuận, nền tảng của chung sống hòa thuận là đối đãi bình đẳng. Chúng ta không bình đẳng với người khác, ta cao, ta lớn, người khác nhỏ, người khác thấp, vậy thì thế giới này vĩnh viễn không có hòa bình. Vì sao vậy? Trong lòng bạn có cao thấp, tâm của bạn không bình đẳng thì bạn làm sao chung sống hòa thuận với chúng sanh? Huống hồ trong kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, phàm có Phật tánh thì đều sẽ làm Phật.” Vậy chúng ta muốn hỏi: những tín đồ Ki-tô giáo này có Phật tánh hay không? Tín đồ Thiên Chúa giáo có Phật tánh hay không? Họ có! Họ thảy đều là Phật tương lai.
Khi nói “ba đời chư Phật” thì Phật tương lai chính là tất cả chúng sanh, ngày nay chúng ta bố thí cúng dường là cúng dường Phật tương lai; bố thí chúng sanh hiện tiền là cúng dường chư Phật tương lai, là cùng một sự việc. Những kinh giáo này hằng ngày đọc, hằng ngày tụng, đều đọc rất thuộc, thế nhưng ở trong cảnh giới thì hoàn toàn không dùng được, bạn nói xem có oan uổng hay không? Cảnh giới hiện tiền, khởi tâm động niệm toàn là sai lầm, hoàn toàn trái ngược với giáo huấn của đức Phật, vậy thì sao được? Như vậy sao có thể thành tựu? Cho nên họ sống ở trong phiền não, sống rất khổ! Võ Tắc Thiên làm bài kệ khai kinh rất hay: “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai.” Mọi người hằng ngày đọc kinh, nhưng đều hiểu sai ý nghĩa của kinh, chưa thật sự hiểu. Nếu thật sự hiểu thì không ai không hết mực yêu thương tất cả chúng sanh, không có chuyện không toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh. Giúp đỡ họ mà còn cảm thấy chính mình làm chưa đủ viên mãn thì sao có thể tổn hại họ? Sao có thể chướng ngại họ được? Chắc chắn không có! Cho nên, nhất định phải sửa đổi lại kiến giải sai lầm.
Câu sau cùng là “thân tâm nhu thuận”, nhu hòa tùy thuận thì nhất định không nóng vội; chúng ta thường nói người tánh khí bộp chộp, rất không nhẫn nại, tình hình này vĩnh viễn sẽ không phát sanh. Công phu đắc lực rồi, tuy trước đây như vậy, nhưng hiện tại thảy đều sửa đổi hết, đây là cảnh giới của khinh an. Do đây có thể biết, chúng ta rất mong muốn đạt đến cảnh giới này, rất muốn sống trong pháp hỷ sung mãn, vậy thì chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đoạn trừ những nghiệp thô trọng của thân và khẩu. Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, đây là đối với đồng tu tại gia; khẩu không nói dối, không nói ly gián, không nói thô ác, không nói thêu dệt, vậy thì bạn sẽ khinh an. Bạn không tu nhân thì bạn không thể có được quả báo và lợi ích thù thắng này. Việc này Phật không có năng lực cho bạn. Phật pháp thật sự là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, Phật nói đạo lý này cho chúng ta nghe, nói với chúng ta những nguyên tắc nhân quả này, chúng ta hiểu rõ ràng, bạn tu nhân như thế nào thì bạn sẽ được quả báo như thế đó. Nếu khẩu thường tạo bốn loại khẩu nghiệp: nói dối, nói ly gián, nói thêu dệt, nói thô ác; thân tạo giết, trộm, dâm thì bạn chắc chắn không thể có được sự khinh an này; “thường sanh tâm hoan hỷ”, “pháp hỷ sung mãn”, “chẳng phải vui lắm sao” bạn cũng không có phần. Tuy bạn nghe được những lời giáo huấn này của thánh nhân, nhưng cảnh giới ý nghĩa bên trong thì bạn không cách gì tưởng tượng được, bạn không thể hội được. Việc này nhất định phải chính mình làm, khế nhập cảnh giới thì bạn mới biết được trong những lời nói của người xưa có ý vị.
Khinh an là tiền phương tiện của định, không có khinh an thì không cách gì thành tựu được định, định là một tầng cảnh giới cao hơn; trước tiên bạn phải được khinh an, được pháp hỷ, sau đó cảnh giới thiền định mới có thể hiện tiền. Cho nên, ở trong cuộc sống thường ngày phải học Bồ-tát hạnh, phải tu Bồ-tát đạo; đạo là nói giữ tâm, hạnh là hành vi trong cuộc sống thường ngày. Bất luận trong bất kỳ cảnh giới nào, thiện duyên, ác duyên, thuận cảnh, nghịch cảnh, người chân thật biết tu thì không có chướng ngại, bất luận cảnh giới gì cũng đều như nhau, không hề gì, “lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”.
Thế nhưng, người mới học không có loại công phu này, cần phải chọn lựa hoàn cảnh tu học tốt. Ở khu vực Singapore và Malaysia có hoàn cảnh tu học và hoằng pháp tốt, chân thật mong muốn chính mình thành tựu thì phải nắm lấy cơ hội này, nhất định không được bỏ lỡ! Nếu muốn chính mình thành tựu thì phải đoạn trừ phiền não, tập khí, điều này không phải một sớm một chiều có thể làm được, nhất định phải huân tu trong thời gian dài. Giảng kinh là phương pháp rất tốt, chúng ta đem những đạo lý trong kinh, đem những đức hạnh của Phật Bồ-tát hằng ngày giảng cho người khác nghe, đồng thời cũng giảng cho chính mình nghe. Lâu ngày chầy tháng, không hay không biết chính mình sẽ sửa đổi được những tập khí sai lầm này. Vì sao vậy? Bởi thời gian huân tập dài. Nhà Nho, nhà Đạo, nhà Phật đều xem trọng việc huân tập. Bạn xem, ngay cả trong kinh Mân Côi của Thiên Chúa Giáo mà chúng tôi giảng cũng chú trọng việc huân tập!
Chúng ta thật sự chịu làm thì không sợ đạo nghiệp không thành, thời gian lâu dài thì chắc chắn sẽ có thành tựu. Căn tánh lanh lợi thì 3 đến 5 năm là thành tựu, căn tánh chậm lụt thì 10 năm, 20 năm, 30 năm, chắc chắn có thành tựu. Sợ nhất là không dụng công, không chịu làm, vậy thì không còn cách nào. Như chúng ta thuộc vào loại gọi là thành phần trí thức, trình độ không phải thượng căn, cũng không phải hạ căn, mà là người trung căn, vậy thì kinh giáo rất có lợi, nhất định phải nắm lấy cơ hội, không buông bỏ giảng đài. Malaysia là nơi có hoàn cảnh rất tốt, hiện tại họ đã có hơn 30 Tịnh tông Học hội, rất hoan nghênh chúng ta đến hoằng pháp. Chỉ cần họ đến mời thì đừng cự tuyệt, đừng bỏ qua cơ hội này, phải đi học giảng, đi luyện tập giảng. Nhưng luôn phải khiêm tốn, chúng ta ở trên giảng đài là học sinh, người bên dưới giảng đài là thầy của chúng ta, chúng ta lên bục luyện tập giảng kinh, chính là chúng ta đưa ra báo cáo tâm đắc tu học của chính mình, xin các vị thầy chỉ giáo, chúng ta dùng tâm thái này. Không được cho rằng mình là pháp sư: “tôi giảng, các người nghe”, vậy thì các vị vĩnh viễn sẽ không có tiến bộ, thái độ kiêu căng ngạo mạn của bạn sẽ làm chướng ngại bạn. Nhất định phải khiêm tốn, thành Phật rồi vẫn là khiêm tốn, nếu khiêm tốn đến tận cùng thì bạn sẽ có thành tựu. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.