PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 17/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, xem từ hàng thứ ba trở đi:
Này long vương! Ông xem thân Phật, từ trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra các tướng trang nghiêm, quang minh sáng chói, trùm khắp đại chúng. Dù cho quang minh của vô lượng ức Tự Tại Phạm Vương đều không thể hiện ra; không ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai mà không lóa mắt!
Chúng ta đọc đoạn kinh văn này cần phải sâu sắc phản tỉnh, cần phải học tập theo Phật. Long vương là đại biểu cho chúng sanh trong sáu cõi chúng ta, vì sao phải dùng long vương làm đại biểu vậy? Rồng là biến hoá khôn lường, biến hóa khó mà biết trước. Ngay nơi bản thân mà nói, chúng ta khởi tâm động niệm thiên biến vạn hóa. Ngay nơi hoàn cảnh sống của chúng ta mà nói, chúng ta đối mặt với nhân sự, đối người, đối việc, đối vật, tất cả người việc vật này cũng là biến hóa khôn lường, cho nên dùng rồng để biểu pháp. “Vương”, loại biến hóa này vô tình giống như là tự nhiên, nhà Phật thường nói “pháp vốn như vậy”, giống như là tình trạng này. Vương nghĩa là tự tại, không hề mảy may miễn cưỡng, chứng tỏ điều gì vậy? Chứng tỏ tập tánh đã thành tự nhiên rồi, “thói quen thành tự nhiên, từ nhỏ thành như thiên tánh”, giống như thiên tánh vậy, chúng ta khởi tâm động niệm mỗi sát-na không ngừng nghỉ một cách rất tự nhiên, cho nên dùng vương để đại biểu. Do đây có thể biết, nghiệp lực của chúng ta rất sâu, trong kinh Phật thường nói, bản thân chúng ta không cách gì thể hội. Chính mình cũng thường nói “nghiệp chướng của tôi sâu nặng”, mức độ của nghiệp chướng sâu nặng này, nguyên do của nghiệp chướng sâu nặng chính mình hoàn toàn không thể biết được. Cho nên, ở đây Phật dùng long vương để đại biểu cho chúng sanh sáu cõi, ý nghĩa rất sâu xa.
Phật dạy chúng ta, bạn quan sát thân Phật. Cho nên, Phật là hiện thân thuyết pháp, đúng như trong kinh giáo thường thường dạy chúng ta: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói.” Diễn là biểu diễn, làm ra cho chúng ta thấy. Chúng ta thấy thân Phật, trong tất cả kinh luận đều ghi chép tướng hảo của Phật là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Trong “Giáo thừa pháp số” và “Phật học từ điển” đều có ghi chép, điều này dễ dàng tra cứu được. Cư sĩ Giang Vị Nông viết kinh Kim Cang Giảng Nghĩa, cư sĩ Chu Chỉ Am viết Tâm Kinh Thuyên Chú đều trích dẫn kinh luận, nói rõ tường tận cho chúng ta. Tướng hảo là quả báo, có quả ắt có nhân, chúng ta thường nói “tướng chuyển theo tâm”. Lời nói này không sai chút nào, sự việc quả thật đúng là như vậy. Không những thể chất, tướng mạo của bản thân chúng ta chuyển theo tâm, vậy thì hoàn cảnh sống của chúng ta sao lại không phải như vậy cho được? Ngoài bản thân ra đều là hoàn cảnh sống. Hay nói cách khác, toàn là y báo, những người cùng sống chung với chúng ta đây là hoàn cảnh nhân sự, vật chất là hoàn cảnh vật chất. Hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất bên ngoài chúng ta cũng là biến đổi theo tâm, chuyển đổi theo tâm, có mấy người biết được?
Chúng ta nói, hoàn cảnh sống của chúng ta ngày nay thật tệ, hoàn cảnh nhân sự cũng không tốt, hoàn cảnh vật chất cũng không tốt. Chúng ta hiện nay cùng sinh sống tại xã hội Singapore, rất nhiều đồng tu đã gặp cụ Hứa Triết, bạn thử hỏi bà, bà sẽ nói hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất đều vô cùng tốt đẹp. Đây là nguyên nhân gì vậy? Vì sao chúng ta cảm thấy không tốt, còn bà lại cảm thấy rất tốt? Bạn thử hỏi thêm cư sĩ Lý Mộc Nguyên, hoàn cảnh của cư sĩ Lý Mộc Nguyên và hoàn cảnh của cư sĩ Hứa Triết giống nhau, tất cả người, việc, vật đều rất tốt đẹp. Đạo lý này ở chỗ nào? Đạo lý ở khởi tâm động niệm, ở tâm của bạn. Phần trước của bộ kinh này Phật nói rất rõ ràng: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Tâm tưởng của bạn tốt đẹp thì thấy mọi người tốt đẹp, mọi việc tốt đẹp, hoàn cảnh tốt đẹp; ý nghĩ của bạn không tốt thì người, việc, vật không có cái nào là tốt cả. Đây chẳng phải là điều mà đại sư Ngẫu Ích đã nói “cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm” đó sao? Nếu nhân tâm tốt, thì khởi tâm động niệm đều tốt.
“Từ trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra”, trăm ngàn ức rốt cuộc là thật hay là giả? Là thật, mỗi một ý niệm của Phật đều là phước đức. Thế nên chúng ta hiểu được, chúng ta từ sáng đến tối có bao nhiêu ý niệm? Nói trăm ngàn ức ý niệm, một chút cũng không hề quá đáng. Đây là cách hình dung, không phải con số thật sự, con số thật sự so với số này phải nhiều hơn gấp trăm ngàn ức cũng chưa đủ. Chúng ta đọc thấy trong kinh Phật, Phật nói với chúng ta, một khảy ngón tay có 60 sát-na, một sát-na có 900 ý niệm. Trước đây chúng tôi cũng có tính toán sơ lược, trong một giây có 216.000 ý niệm, ý niệm vi tế này phàm phu chúng ta không thể nhận ra được.
Ai nhìn thấy được vậy? Trong kinh Phật nói với chúng ta, Bồ-tát Bát địa nhìn thấy rồi, định công rất sâu, đó chính là tâm thanh tịnh. Thanh tịnh đến trình độ như vậy mới cảm nhận được sự sanh diệt của ý niệm vi tế. Ý niệm của phàm phu sáu cõi, Phật thuyết pháp đem nó quy nạp thành ba loại là: thiện, ác, vô ký. Thiện có phước, nhưng không phải là đức. Chúng sanh sáu cõi có phước, chứ đừng bàn đến đức, mức độ của đức cao lắm. Đức là gì vậy? Là tất cả mọi ý niệm thảy đều là thiện niệm, mỗi niệm đều vô trụ, trong kinh Kim Cang nói: “Nên không trụ vào đâu mà sanh tâm kia.” Không trụ là gì? Rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây gọi là không trụ. Ý niệm cực kỳ vi tế của chúng ta đều rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn mới hiểu được cái gốc của vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sâu cỡ nào. Cho nên, Phật dạy chúng ta, chúng ta học thấy khó khăn như vậy là có đạo lý, không phải không có đạo lý, cái gốc này quá sâu rồi. Trong một giây có 216.000 sanh diệt, mỗi một sanh diệt đều đầy đủ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Do đây có thể biết, chúng ta ngày nay nói buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là buông xả tướng thô. Giống như một cái cây vậy, mới buông xả mấy chiếc lá mà thôi, mới buông xả ngọn cây mà thôi, còn thân, cành, gốc, rễ đều chẳng mảy may động đến. Chúng ta làm sao có thể sánh nổi với Phật?
Dụng ý của việc chúng ta cúng dường tượng Phật là gì? Là ở đây, là để chúng ta nhìn thấy tượng Phật thì nghĩ đến khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của Phật toàn là phước đức viên mãn, chính là điều mà trong kinh Kim Cang đã nói: “Nên không trụ vào đâu mà sanh tâm kia.” Sanh tâm gì vậy? Sanh tâm cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh. Chúng sanh có cảm, Phật lập tức liền có ứng. Việc sanh tâm này chúng ta rất khó lý giải, bởi vì phàm phu chúng ta nói đến sanh tâm thì sẽ khởi tâm động niệm. Phật có khởi tâm động niệm hay không? Không có, cho nên ý nghĩa của sanh tâm này thật là rất sâu. Phật và Bồ-tát tùy loại mà hiện thân, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phật tùy cơ thuyết pháp cho tất cả chúng sanh, cũng không có tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này.
Học Phật học từ đâu vậy? Là học từ những chỗ này. Tất cả chúng sanh căn tánh không như nhau, do đó nhập môn cũng không giống nhau. Cho nên, trước tiên phải biết được căn tánh của chính mình. Cổ đức thường nói: “Con người quý ở chỗ tự biết rõ mình.” Chính mình nhất định phải hiểu rõ chính mình, nhận biết chính mình thì thuận tiện cho sự tu học của bạn. Trong thế gian, người hồ đồ, người mê hoặc điên đảo, họ không nhận biết chính mình, cuồng vọng tự đại, loại người này thế pháp hay Phật pháp đều không có thành tựu. Cổ nhân nói như vậy, chúng ta quan sát tỉ mỉ lại thì quả nhiên không sai. Phàm là người cuồng vọng tự đại, những người này trong xã hội không ít, họ chẳng thành tựu được gì cả. Người thật sự có thành tựu, ngay như trong Liễu Phàm Tứ Huấn đều nói rất nhiều, là người khiêm tốn cung kính, mọi chỗ đều không bằng người. Viên Liễu Phàm nhìn thấy những sĩ tử, chính là người chuẩn bị đi thi cử, chỉ cần nhìn thấy người này khiêm tốn cung kính, chỗ nào cũng thấy không bằng người, ông nói người này chắc chắn thi đỗ. Người cuồng vọng tự đại, không coi ai ra gì thì người này chắc chắn thi rớt. Tất cả đều bị ông đoán đúng cả, trong đây có đạo lý lớn, cho nên chúng ta cần học tập điều này.
Gốc của phước đức là gì? Gốc chính là thập thiện nghiệp đạo. Làm sao có thể lơ là được? Gốc rễ của trăm ngàn ức phước đức của chư Phật Như Lai chính là điều đầu tiên trong tịnh nghiệp tam phước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp.” Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện cũng nói đến điều này, nhưng có nặng nhẹ khác nhau, là lấy “hiếu thân tôn sư” làm trọng. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo cùng với kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện không hai không khác, nhưng nghiêng nặng về “từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”. Hai bộ kinh này hợp chung lại xem thì điều thứ nhất của “tịnh nghiệp tam phước” là viên mãn rồi. Chư Phật Bồ-tát khởi tu từ chỗ này và cũng hoàn thành ở chỗ này. Phát tâm khởi tu, đây chính là Bồ-tát phát tâm trụ, công đức viên mãn chính là Phật quả cứu cánh. Phật quả cứu cánh chẳng qua là làm được viên mãn mười sáu chữ trong một điều này mà thôi. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, sau đó mới biết được tu học ra làm sao.
Cho nên, “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp” là vô cùng quan trọng. Chúng ta thử nghĩ, thân hiện tại của chúng ta sinh ra từ trăm ngàn ức nghiệp chướng. Theo như lời trong kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh cõi Diêm-phù-đề, khởi tâm động niệm, không gì chẳng phải tội”, chúng ta là sinh ra từ tội nghiệp. Vì sao có hiện tượng này vậy? Thực ra chúng ta trong kinh giáo, thông qua thời gian tu học dài như vậy không phải không hiểu, mà hiểu cả! Tội nghiệp của chúng ta là niệm niệm đều là tự tư tự lợi, ý niệm tự tư tự lợi xưa nay chưa từng một giây một phút nào buông xả, không hề! Niệm niệm đều là tự tư tự lợi, đây chính là tội, trong kinh Địa Tạng nói: “Khởi tâm động niệm, không gì chẳng phải tội.” Phật là phước đức, là đức, Phật khởi tâm động niệm quyết không vì chính mình. Làm sao biết vậy? Trong kinh Kim Cang nói rất hay: “Phật Bồ-tát không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”; “không thấy ta, không thấy người, không thấy chúng sanh, không thấy thọ giả”, cho nên thành tựu của các ngài là vô lượng phước đức. Chúng ta khởi tâm động niệm là tự tư tự lợi, đây là đầy đủ bốn tướng, toàn là tội lỗi. Làm rõ ràng đạo lý này rồi, chân tướng sự thật cũng hiểu rõ rồi, chúng ta phải làm như thế nào đây? Có cần học Phật hay không?
Quả báo của Phật, câu tiếp theo nói “từ trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra”, đây là nhân; tiếp theo nói quả là “các tướng trang nghiêm”, câu này là nói tổng quát về quả báo. Phật-đà thị hiện trong thế gian này của chúng ta, chúng sanh ở thế gian này phước mỏng, các ngài luôn hiện cùng loại thân với tất cả chúng sanh, trong cùng loại thân nhưng tương đối tốt hơn một chút là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tướng tốt trong cùng loại thân. Trong kinh tán thán báo thân của Phật, Phật Lô-xá-na trong kinh Hoa Nghiêm, Phật A-di-đà ở thế giới Cực Lạc là “thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp”, không phải ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Đây là cảnh giới trên quả vị Như Lai, nói với phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta cũng không có cách gì lý giải. Chúng ta có thể đối với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, về mặt tương đối có thể lý giải được một chút, có thể thể hội được một chút. Người chí sĩ ở thế gian thì giống như tôn giả A-nan, nhìn thấy tướng hảo quang minh của Phật, phát tâm học tập theo Phật, đây là đem quả báo bày ra. Chúng ta xem thử quả báo này tốt hay không? Nếu như bạn cảm thấy quả báo này tốt, bạn cũng muốn có, vậy bạn cần phải tu nhân giống như Phật Bồ-tát vậy, nhân viên thì quả liền mãn. Bạn không tu nhân thì quả báo chắc chắn không thể có được. Ý nghĩa của đoạn văn này sâu rộng vô cùng, chúng ta phải thật tỉ mỉ mà thể hội, phải biết tu học như thế nào. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.