PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 43/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, kinh văn hàng thứ tư từ dưới lên, xem từ phần giữa trở đi: “Hai, được quyến thuộc bất hoại, không gì phá được.” Quả báo này, tôi nghĩ bất luận là xưa nay trong và ngoài nước, tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu; mọi người đều mong cầu, nhưng chưa chắc mỗi người có thể đạt được. Chúng ta thử xem xã hội hiện nay, vợ chồng bất hòa, vì sao bất hòa? Trong đây còn có một nhân tố rất quan trọng, đó chính là bị người thứ ba gây chia rẽ. Sau khi họ nghe nói rồi thì tin, cho là thật, không chịu đi sâu tìm hiểu, hai người nghi ngờ lẫn nhau, không tin tưởng nhau, vậy là cả gia đình bị phá hoại rồi. Bị người khác ly gián, gây chia rẽ, đây là duyên, nhân là gì? Nhân là chính mình đã từng tạo nghiệp bất thiện; bản thân chúng ta thường xuyên phá hoại người khác, nên sau này nhận lấy quả báo là cũng có rất nhiều người đến phá hoại mình, đây là đạo lý nhất định. Vợ chồng, gia đình là như vậy, đoàn thể, xã hội, quốc gia cũng là như vậy. Nhân quả báo ứng là chân lý, là định luật của thế xuất thế gian. Bồ-tát tu hành đã thành Phật rồi cũng không có cách gì thay đổi nhân quả. Đạo lý này ở trong kinh Phật nói rất nhiều, nói rất thấu triệt, không có cách gì thay đổi nhân quả. Hơn nữa, những điều trong Phật pháp nói với chúng ta, quả thật nghĩ đến thì rất có đạo lý, nhân quả thiện ác không thể bù trừ. Chẳng thể nói là quá khứ tôi đã tạo rất nhiều ác nghiệp, hiện nay tôi đều làm thiện nghiệp, tôi đem thiện nghiệp để bù trừ cho nó, lấy công chuộc tội; điều này pháp thế gian có nhưng trong Phật pháp thì không có, cho nên không thể bù trừ, bù trừ là không hợp đạo lý.
Thế nhưng Phật nói với chúng ta, bạn tạo nghiệp bất thiện đây là nhân, nhân này muốn biến thành quả trong đó nhất định phải có duyên; nghiệp nhân bất thiện lại gặp phải duyên bất thiện thì quả báo bất thiện này mới hiện tiền. Cho nên Phật dạy chúng ta, nghiệp nhân bất thiện của chúng ta đã tạo ra từ trước, đã tạo từ đời đời kiếp kiếp trong quá khứ. Nếu bạn không gặp được Phật pháp thì bạn làm sao biết được thiện hay bất thiện, sẽ tùy thuận phiền não của mình, mỗi ngày đang tạo nghiệp. Cho nên, nhân bất thiện là nghiệp nhân của ba đường ác. Nghiệp nhân ngũ nghịch thập ác thì người nào mà chẳng có? Mỗi người đều có cả. Ngay cả nhân thiện làm Phật, làm Bồ-tát thì mỗi người cũng đều có, đây là điều mà Phật thường nói, chúng ta thảy đều có nghiệp nhân của mười pháp giới. Tương lai chúng ta sẽ đến thọ sanh ở pháp giới nào trong mười pháp giới vậy? Đương nhiên chúng ta hy vọng sanh thiên để hưởng phước trời, cao hơn nữa là hy vọng làm Phật, làm Bồ-tát, được đại tự tại, được đại trí tuệ. Tất cả nghiệp nhân này chúng ta đều có cả, mấu chốt là ở trên duyên; hay nói cách khác, chúng ta đời này khởi tâm động niệm, lời nói việc làm là theo duyên nào? Nếu chúng ta tùy thuận duyên của Phật, vậy thì chúc mừng bạn, bạn đời này chắc chắn làm Phật; nếu bạn còn muốn tùy thuận duyên phiền não, tùy thuận tự tư tự lợi, tùy thuận tham sân si mạn, tùy thuận thập ác nghiệp thì quả báo tương lai của bạn chắc chắn ở ba đường ác.
Tất cả quả báo không phải có người đang làm chủ tể, Phật Bồ-tát không thể làm chủ việc này, vua Diêm-la cũng không có quyền lực chủ tể, thiên thần, thượng đế cũng không thể làm chủ được. Người nào làm chủ vậy? Tự mình làm chủ chính mình, việc này Phật nói rất nhiều rất nhiều trong kinh luận rồi. Cho nên, nếu chúng ta nhận quả báo bất thiện thì dứt khoát không được oán trời trách người. Dù cho người khác lừa gạt, phỉ báng chúng ta, chúng ta bị mắc lừa, nhưng chúng ta cũng không được trách họ. Vì sao vậy? Vì họ là duyên, do ta trong đời quá khứ đã tạo tác bất thiện cho nên mới gặp phải duyên bất thiện. Nếu ta đời đời kiếp kiếp đều hành thiện thì ta sẽ không gặp phải ác duyên này.
Chúng ta lại nghĩ, Thích-ca Mâu-ni Phật, A-di-đà Phật là người chí thiện trong thế xuất thế gian, không có người nào thiện hơn, nhưng bạn xem xã hội hiện nay, người phỉ báng A-di-đà Phật nhiều hay ít? Phỉ báng kinh luận Tịnh độ nhiều hay ít? Phỉ báng Thích-ca Mâu-ni Phật lại càng nhiều hơn nữa. Đây là do nguyên nhân gì? Trước khi làm Phật thì đức Phật Thích-ca, Phật A-di-đà cũng là phàm phu như chúng ta, cũng tạo những ác nghiệp này, nên khi thành Phật rồi vẫn phải thọ báo, qua đây bạn mới biết nhân duyên quả báo là không thể nghĩ bàn. Có rất nhiều đồng tu đều biết câu chuyện về thiền sư Bá Trượng vào thời Đường, là chuyện về thiền chồn hoang, chuyện này lịch sử có ghi chép, quyết không phải là hư vọng. Đại sư Bá Trượng mỗi ngày cũng giảng kinh thuyết pháp, triều Đường vào thời đó thì Phật giáo là giáo dục, không phải tôn giáo; Phật giáo biến thành tôn giáo là khoảng giữa triều Thanh về sau. Thời gian này hoàn toàn không dài, chúng tôi nhẩm tính nhiều nhất cũng chẳng qua là hơn 200 năm, chưa đến 300 năm. Vào thời đó, Phật giáo là giáo dục, tự viện am đường hằng ngày giảng dạy. Trong thính chúng có một ông lão, ông mỗi ngày đều đến nghe, cho nên mọi người đều rất quen thuộc. Người ta hỏi nhà ông ở đâu, ông nói ông sống ở sau núi, mỗi hội ông đều tham gia, mọi người đều rất tôn trọng vị lão cư sĩ này. Đại sư Bá Trượng biết ông là hồ ly tinh, không phải là người.
Có một hôm ông lão này thỉnh giáo với đại sư Bá Trượng, nói rõ bản thân ông trong đời quá khứ cũng là một vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp. Có người hỏi ông một vấn đề, họ hỏi: “Người đại tu hành có còn rơi vào nhân quả hay không?” Ông trả lời rằng: “Người đại tu hành không rơi vào nhân quả”, câu trả lời này sai rồi. Bởi vì sai lầm này mà ông đọa vào đường súc sanh, đọa làm hồ ly 500 đời. Ông tu rất khá, nên hiện nay có thể biến thành hình người, nhưng ông không có cách gì thoát khỏi đường súc sanh, nên cầu đại sư Bá Trượng giúp đỡ. Đại sư Bá Trượng nói: “Được, ngày mai khi tôi giảng kinh cho đại chúng, ông bước ra, đem câu hỏi mà người ta hỏi ông trước đây hỏi tôi.” Đến ngày hôm sau khi lên lớp, ông bèn bước ra thỉnh giáo: “Xin hỏi hòa thượng, người đại tu hành có còn rơi vào nhân quả hay không?” Đại sư Bá Trượng đã sửa cho ông một chữ là “không mê vào nhân quả”. “Không rơi vào nhân quả” là không có nhân quả. Người đại tu hành là ai vậy? Phật là người đại tu hành, pháp thân Bồ-tát là người đại tu hành, các ngài còn có nhân quả báo ứng hay không? Có, không phải không có. Lão hồ ly này trước đây trả lời là không có, câu trả lời này sai rồi. Đại sư Bá Trượng nói là “không mê vào nhân quả”, nghĩa là có nhân quả, biết rõ, không một chút mê hoặc.
Chúng ta biết tất cả chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay đã tích lũy vô lượng vô biên hạt giống nghiệp tập thiện ác, cho nên khi thành Phật thì ở mười phương thế giới giáo hóa chúng sanh cũng phải gặp rất nhiều chuyện trái nghịch. Đó là do nghiệp nhân bất thiện trong đời quá khứ hiện hành. Khi nó hiện hành, Phật biết rất rõ, rất sáng tỏ. Không như chúng ta, chúng ta gặp phải sự cản trở thì không biết nguyên nhân là gì, còn các ngài gặp phải thì biết rất rõ ràng sáng tỏ, biết đây là món nợ từ lúc nào, “được, bây giờ thanh toán hết, trả xong rồi”. Cho nên, không mê là biết rất rõ ràng sáng tỏ. Chúng ta hiểu được đạo lý này thì biết người tu hành cần phải làm như thế nào? Từ nay về sau không tạo thêm ác nghiệp nữa, đây là quay đầu đích thực, chuyển ác tu thiện. Ở trong thuận cảnh, quyết không sanh tâm tham luyến; ở trong nghịch cảnh nhất định không có tâm sân giận. Đối với cảnh duyên thuận nghịch đều dùng tâm bình thường, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng để xử sự đối người tiếp vật, vậy là đúng rồi. Bị cản trở, bị oan uổng, nhất định là có, chẳng phải nói không có, Thích-ca Mâu-ni Phật cũng có, A-di-đà Phật là vua trong các Phật cũng có. Cho nên, người thật sự giác ngộ đối với nhân quả thì vô cùng thận trọng. Chúng ta từ đạo lý này mà tỉnh ngộ thì cách nhìn của chúng ta đối với vũ trụ nhân sinh sẽ chuyển đổi, đây chính là điều mà trong kinh Pháp Hoa gọi là “nhập tri kiến Phật”. Phật là đại giác viên mãn.
Giữa người với người phải hòa thuận, người với việc, người với vật, mở rộng ra là gia đình với gia đình, quốc gia với quốc gia, chủng tộc với chủng tộc không được cạnh tranh, cạnh tranh là không tốt, phải hợp tác. Phải hòa thuận, phải hợp tác. Hợp tác thì mọi người đều có phước, còn cạnh tranh thì đến cuối cùng sẽ biến thành đấu tranh. Sự phát triển của cạnh tranh sẽ dẫn đến không thể không đấu tranh, đấu tranh thì vô cùng thê thảm, đây là tội nghiệp cực trọng. Cho nên, thật sự giác ngộ rồi thì với oan gia trái chủ, với những oán hận đó, chúng ta phải đem nó hóa giải. Họ đối với chúng ta không hòa thuận, chúng ta đối với họ nhất định phải hòa thuận; tâm của họ đối với chúng ta bất bình, tâm của chúng ta đối với họ là bình đẳng, thời gian lâu rồi thì tự nhiên cảm hóa được thôi, hóa giải rồi. Điều này quyết không phải nhất thời, mà là thời gian dài. Cho nên, chư Phật Bồ-tát vì chúng ta thị hiện, Thế Tôn, A-di-đà Phật đều đã thành Phật từ kiếp lâu xa rồi, nhưng mãi cho đến hiện nay, trong xã hội này vẫn có rất nhiều người phỉ báng các ngài, qua đó bạn mới hiểu được nghiệp nhân quả báo này là vô cùng nghiêm trọng. Chúng ta phải sửa đổi từ trong khởi tâm động niệm, bất luận đối với người, với việc, với vật đều phải chung sống hòa thuận, đều phải hỗ trợ hợp tác. Chúng ta nhìn thấy một bông hoa, nhìn thấy một ngọn cỏ bị những cành cây khác làm chướng ngại, đè bẹp, chúng ta gỡ chúng ra để hai bên đều sinh trưởng thật tươi tốt. Đối với vật còn phải như vậy, huống hồ là đối với người?
Thánh hiền thế xuất thế gian thường dạy chúng ta: “Oan gia nên giải, không nên kết”, không kết oán với người, có oán kết thì phải đem nó hóa giải. Đây là trí tuệ, đây gọi là tâm thiện, hạnh thiện, học Phật thì phải bắt đầu học từ chỗ này. Đoạn này nói chúng ta nhất định không được nói ly gián, nhất định không được xúi giục thị phi. Điều này phải chú ý, vì sao vậy? Có khi là hữu ý hay vô ý. Hữu ý đại khái là khi xảy ra xung đột lợi hại đối với mình bèn nghĩ cách phá hoại người khác, sợ người khác làm tổn hại danh lợi của mình, đây là hữu ý. Vô ý là nghe lời đồn đại thì phụ họa theo, quả thật chẳng có quan hệ lợi hại gì với mình cả, ưa thích nghe lời đồn đại, ưa thích truyền bá tin đồn, rất nhiều người có tập khí này, tạo tội nghiệp này thì vẫn phải thọ báo. Hay nói cách khác, chúng ta đối xử với người khác thế nào thì nhất định sẽ cảm được người khác đối xử với chúng ta như thế đó. Cho nên, thánh nhân Trung Quốc nói: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người.” Lời nói này là hiểu sâu nhân quả báo ứng, bản thân ta không muốn nhận thì ta nhất định không được gán cho người khác. Ta không muốn người khác gây chia rẽ người nhà của ta, không muốn người khác phá hoại gia đình ta, phá hoại sự nghiệp của ta thì ta nhất định không được phép phá hoại người khác.
Quả báo của nói ly gián là phải tùy theo sự ảnh hưởng của nó. Nếu phạm vi ảnh hưởng của nó càng lớn, mức độ ảnh hưởng của nó càng sâu thì tội báo của nó sẽ càng nghiêm trọng. Đặc biệt là trong cửa Phật, đồng tu học Phật chúng ta đều biết Phật pháp là con mắt của trời người, hướng dẫn người đoạn ác tu thiện, giúp người siêu phàm nhập thánh, đây là thiện hạnh đứng đầu, sự nghiệp đứng hàng đầu của thế xuất thế gian. Nếu như bạn tùy tiện đi phá hoại, cản trở, phỉ báng, hãm hại thì quả báo ở địa ngục A-tỳ. Trong kinh luận thường nói, tội giết người rất nặng, vì bạn đoạn thân mạng của người, nhưng thực ra tội này không thể sánh với tội nghiệp đoạn huệ mạng của người. Sao gọi là đoạn huệ mạng của người? Là đoạn mất cơ duyên học Phật của người khác, là phá hoại tín tâm của họ đối với Phật pháp, tội này nặng, đây là tội nặng đứng đầu của thế xuất thế gian, đọa địa ngục A-tỳ. Trong tội ngũ nghịch, nặng nhất chính là tội “phá hòa hợp tăng” này. Năm loại tội này đều là đọa địa ngục, nhưng thời gian đọa địa ngục dài ngắn không như nhau. Tội ngũ nghịch là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu đều là đọa địa ngục A-Tỳ thời gian ngắn; phá hòa hợp tăng đọa địa ngục A-tỳ thời gian dài. Đây là điều chúng ta không thể không biết, nhất là đối với Phật pháp thuần chánh, nếu bạn phá hoại thì hậu quả thật khủng khiếp. Chúng ta nhất định phải hiểu nghiệp nhân quả báo, chúng ta không muốn người khác đến phá hoại gia đình, quyến thuộc, sự nghiệp của chúng ta thì chúng ta nhất định không được gây chia rẽ người khác, đây là điều quan trọng hơn tất cả. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.