Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 20/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 20/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, hàng thứ sáu, bắt đầu xem từ câu thứ hai:

Lại nữa, các thiên long bát bộ…, bậc có uy thế lớn cũng là do phước đức thiện nghiệp sanh ra.

Phần trước Thế Tôn dạy chúng ta, để chúng ta trước tiên xem thân Phật, xem thân Phật là quán sát tánh đức, tự tánh vốn đầy đủ. Tiếp đến Phật dạy chúng ta quán sát Bồ-tát, Bồ-tát là tu đức, đã gần viên mãn. Kinh văn hôm nay, Phật dạy chúng ta quán sát thế gian “bậc có uy thế lớn”, uy là có uy đức, thế là có thế lực. Những người này ở thế gian là người lãnh đạo trong các ngành các nghề, nếu như không phải “phước đức thiện nghiệp” nhiều đời nhiều kiếp thì uy thế này là chắc chắn không thể có được. “Uy thế lớn” là quả báo, quả ắt có nhân, đây chính là nói trồng nhân thiện được quả thiện. 

Thế Tôn nêu ra ví dụ cho chúng ta, “chư thiên”, đây là nói các vua trời. Trời Vô Sắc giới thì không cần nói nữa, vì họ không có thân tướng, không có sắc tướng. Từ nơi có sắc tướng mà nói thì trời Sắc giới, đỉnh trời Tứ thiền là Ma-hê-thủ-la thiên vương, đỉnh trời Sơ thiền là Đại Phạm thiên vương, phía dưới là sáu tầng trời Dục giới, đây là nói “chư thiên”. Chư thiên càng hướng lên trên thì phước báo tầng trên lớn hơn tầng dưới, phước báo của họ rất lớn, chúng ta khó có thể tưởng tượng được. Trở xuống nhìn lại vua cõi người ở nhân gian, trước tiên bạn xem vua của mỗi quốc gia, hiện nay thời đại dân chủ gọi là người lãnh đạo quốc gia. Những người này trong mỗi một khu vực cũng là “bậc có uy thế lớn”, không có người nào không phải do thiện căn, phước đức, nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp mà được như thế, quyết không phải là ngẫu nhiên. Nếu chúng ta quan sát thật kỹ thì có thể nhận thấy rất rõ ràng, những người này có rất nhiều người ủng hộ họ, nghe theo lệnh của họ, làm theo lệnh của họ. Quý vị nghĩ xem, nếu chẳng phải do nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp thì làm sao có thể đạt được? 

Chúng ta ngày nay làm việc rất vất vả, là do trong đời quá khứ không có tu phước. Lấy ví dụ trước mắt của chúng ta mà xem, một đoàn thể rất nhỏ như Tịnh tông Học hội Cư Sĩ Lâm. Quý vị đồng học, đồng tu, nếu như quý vị quan sát kỹ, hội trưởng Lý Mộc Nguyên (Lâm trưởng Cư Sĩ Lâm) vô cùng vất vả, ông không có một trợ thủ đắc lực nào. Cả đời tôi không thể xây đạo tràng. Vì sao không thể vậy? Không có trợ thủ. Chúng ta có được trách người khác không? Không được trách, chỉ trách chính mình trong đời quá khứ đã tu lơ là nên không có phước báo. Trong kinh Phật nói: “Tu tuệ không tu phước, La-hán bưng bát không.” A-la-hán chứng quả rồi, đi ra ngoài khất thực không có người cúng dường. Sự tu học của chúng ta lệch về một bên, chỉ nghiêng về tu tuệ, đã lơ là tu phước, rõ ràng như vậy, thế nên chúng ta không oán trời, không trách người. Đời này tu phước nhiều thì tình trạng đời sau sẽ không giống như đời này. Nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai, lý sự bày ra ngay trước mắt chúng ta rõ ràng như vậy, sáng tỏ như vậy, nếu chúng ta có thể lĩnh hội được, thông đạt được thì sẽ biết trước mắt phải làm như thế nào, biết được khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có nghiệp nhân quả báo.

Bản thân chúng ta cảm thấy hiện nay về mặt này đã làm được rất tốt rồi. Người trong nghề đến đây vừa nhìn qua, như đài truyền hình Á Châu đến chỗ của chúng ta nhìn thấy máy móc của chúng ta là cao cấp nhất, thậm chí còn hơn hẳn công ty phát thanh truyền hình chuyên nghiệp của họ. Nhưng khuyết điểm của chúng ta là không biết thao tác, không biết cách tận dụng cho tốt, cho nên khi họ đến đây, vừa nhìn thấy thì họ lập tức phát hiện ở đây không có một người nào chuyên nghiệp. Đây là sự thật, chúng ta đều là nghiệp dư, không có nhân tài chuyên nghiệp đến quy hoạch cho chúng ta, đến chỉ đạo chúng ta, đến thao tác. Hiện nay, xã hội hướng đến khoa học kỹ thuật, là thời đại khoa học kỹ thuật cao, nếu không có nhân tài chuyên nghiệp thì rất khó đứng vững trong xã hội này. Chúng tôi ở nước ngoài nên tình hình ở Singapore tôi không rõ lắm. Chúng tôi ở nước Mỹ thường nghe thấy, bởi vì đồng tu bên đó rất nhiều, khoảng nửa năm là họ phải đi học một lần, thời gian không dài, một tuần, hai tuần, ba tuần đi tập huấn, tiếp nhận khoa học kỹ thuật mới, tri thức khoa học kỹ thuật. Nếu như không thường xuyên tham gia tập huấn thì họ sẽ bị đào thải, họ sẽ không theo kịp thời đại. Một năm ít nhất có hai lần tập huấn, có khi ba lần. Pháp thế gian đối với việc này đã rất xem trọng, Phật pháp cũng không ngoại lệ, nếu như không hiểu được những thường thức khoa học kỹ thuật này, không biết vận dụng khoa học kỹ thuật cao này như thế nào thì Phật pháp chắc chắn sẽ suy yếu, chắc chắn sẽ tụt hậu. Mọi người đều hiểu được, Phật pháp là trí tuệ, đức năng, ở trong đức năng có bao hàm khoa học kỹ thuật, quả báo của nó là tướng hảo. Trong kinh nói “diệu sắc trang nghiêm thanh tịnh”, đây là tướng hảo, tướng hảo thuộc về quả, mà quả là do nhân và duyên kết hợp, nhân là trí tuệ, duyên chính là khoa học kỹ thuật. Chúng ta dùng phương pháp này đem Phật pháp phổ biến đến toàn thế giới, phổ cập đến tất cả chúng sanh.

Hôm qua, đài truyền hình Á Châu đến đây thăm hỏi, họ hỏi tôi: “Làm thế nào kết hợp lý niệm của Phật pháp với những tôn giáo khác? Có thể kết hợp được hay không?” Tôi nói: “Điều này có thể.” Căn bản của mọi tôn giáo trên thế gian đều là nhân từ, bác ái. Tôn giáo chính là nền giáo dục yêu thương, mục đích của tôn giáo là mong cầu thế giới hòa bình, xã hội an định, nhân dân hạnh phúc. Tất cả tôn giáo của chúng ta đều có cùng chung gốc rễ, cùng chung mục đích, chỉ có điều là phương pháp dạy học không như nhau, nghi thức không giống nhau, đây chính là điều mà nhà Phật nói: “Phương tiện có nhiều cửa, đường về nguồn không hai.” Đều là quy kết về thế giới hòa bình, xã hội an định, nhân dân hạnh phúc, vậy thì sao không thể đoàn kết cho được?

Hôm kia, khi chúng tôi đi bộ gây quỹ từ thiện, thứ trưởng chính vụ thuộc Bộ ngoại giao Singapore cùng đi bên cạnh tôi, chúng tôi vừa đi vừa trao đổi ý kiến, có được thời gian dài như vậy là vô cùng hiếm có. Ông đưa ra ý kiến rất quan trọng: “Giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa chủng tộc với chủng tộc phải qua lại mật thiết.” Lời nói này rất có đạo lý, nếu các tôn giáo thường xuyên không ngừng qua lại, xây dựng tình hữu nghị, luôn cùng nhau thảo luận, học tập lẫn nhau, tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng học vấn, tăng trưởng kiến thức thì mục đích mà chúng ta mong cầu chắc chắn có thể thành hiện thực. Cho nên, đối với mỗi nhà lãnh đạo tôn giáo của Singapore, ông vô cùng tán thán, và cho rằng họ đều có tấm lòng rộng lớn, có thể tiếp nhận các tôn giáo khác nhau. Tuy Singapore là một nước nhỏ nhưng đủ để làm ra một tấm gương tốt cho toàn thế giới, đây là điều họ lấy làm vinh dự, quả thật là như vậy.

Chúng tôi nghe lời nói này, cùng với những lời giáo huấn của Phật trong kinh điển dành cho chúng ta là không hẹn mà gặp. Tôi thường nhắc các đồng tu, Phật dạy chúng ta đạo đối nhân xử thế chính là lục độ, tứ nhiếp. Cần phải áp dụng lục độ, tứ nhiếp vào trong đời sống thường ngày, áp dụng vào việc mặc áo, ăn cơm, áp dụng trong gia đình, áp dụng trong đời sống giữa vợ và chồng. Vợ chồng cùng nhau trải qua đời sống là hành Bồ-tát đạo, ai hiểu được? Gia đình là đạo tràng, mọi người đều là Bồ-tát. Đoàn thể là đạo tràng, bạn làm kinh doanh, bạn mở cửa hàng thì cửa hàng chính là đạo tràng, ông chủ và nhân viên đều là Phật Bồ-tát, còn khách hàng của bạn đều là đối tượng độ hóa chúng sanh của bạn. Nếu áp dụng Phật pháp như vậy thì thế giới có thể đạt đến hòa bình, an định, hưng vượng mãi mãi. 

Việc này có khó hay không? Thật sự mà nói không khó, khó ở chỗ phải có người thúc đẩy, khó là ở chỗ này. Chúng ta ở đây mở lớp tập huấn, mục đích của lớp tập huấn là khuyên đồng tu chúng ta phát tâm đại Bồ-đề, chúng ta đến để thúc đẩy công việc này. Công việc này chính là thực hiện nguyện thứ nhất trong tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” Thật sự chịu thúc đẩy thì bạn là Bồ-tát, tâm từ bi của bạn nếu thường độ chúng sanh thì đời sau bạn có thể xuất hiện ở thân phận quốc vương. Cần dùng thân phận quốc vương độ chúng sanh, bạn liền hiện thân quốc vương; cần dùng thân đại thần độ chúng sanh, bạn liền hiện thân đại thần. Trong phẩm Phổ Môn nói 32 ứng thân, cũng sẽ ứng trên thân của chúng ta, ứng trên thân của mỗi đồng tu. Bằng không mà nói thì chúng ta đời này tu học Phật pháp cũng là uổng công tu mà thôi. Cho nên, lão cư sĩ Hạ Liên Cư hết lòng hết dạ dạy bảo chúng ta “phải thật làm”! Ngày nay, chướng nạn lớn nhất của chúng ta chính là không có biện pháp khắc phục tập khí, phiền não của chính mình, đây là điều thật sự nguy hiểm. 

Sự việc này trong các buổi giảng, chúng tôi cũng đã nhiều lần nhắc đến. Làm thế nào để cứu vãn? Chư Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức, chúng ta quan sát thật kỹ các ngài tự tu hành và cảm hóa người khác thì có thể liễu ngộ bí quyết của các ngài. Bí quyết gì vậy? Hằng ngày giảng kinh thuyết pháp. Hằng ngày giảng kinh thuyết pháp, hằng ngày ôm lấy quyển kinh khuyến hóa đại chúng. Quý vị phải hiểu rằng, khuyến hóa đại chúng là vô tình đang khuyến hóa chính mình. Cho nên “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, thời gian dài, 10 năm, 20 năm, 30 năm, 40 năm thì trong âm thầm khí chất của mình đã thay đổi. Tôi cũng không hề nói tôi cố ý dụng tâm để sửa lỗi đổi mới, không hề, mà huân tập trong 48 năm thì tự nhiên trưởng thành thôi, trưởng thành vô cùng rõ rệt, hơn nữa bản thân tôi cũng có thể nhận ra được. Từ chỗ nào mà nhận ra được vậy? Mỗi năm tôi giảng kinh, cảnh giới không như nhau. Nếu quý vị xem những gì tôi đã giảng trước đây, những băng ghi âm, băng ghi hình đều còn đó. Tôi đã giảng kinh Vô Lượng Thọ 11 lần, quý vị hãy nghe thật kỹ, xem thật kỹ sẽ thấy cảnh giới không như nhau. Những năm gần đây không những là mỗi năm mỗi khác, bản thân tôi cảm nhận được mỗi tháng mỗi khác. Cho nên, phương pháp dạy học của Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức là có hiệu quả. 

Lúc mới học thì tương đối khó khăn, chưa khế nhập cảnh giới, công phu không đắc lực. Chỉ cần bạn có thể bền bỉ không ngừng, hằng ngày làm, chăm chỉ làm, nhất định không bỏ cuộc, đối với danh văn lợi dưỡng, hưởng thụ đời sống vật chất thì càng phai nhạt càng tốt, như vậy mới có thể củng cố đạo tâm của mình. Hôm qua, tôi nghe một số người của đài truyền hình Á Châu đến đến thăm và dùng cơm ở chỗ chúng ta đây, họ cảm thấy đời sống vật chất của chúng ta ở đây quá tốt, họ cảm thấy rất hài lòng. Nhưng họ lại rất lo lắng, vì người xuất gia và tại gia chúng ta hưởng thụ đời sống vật chất tốt như vậy e rằng đạo tâm sẽ thoái chuyển. Chúng ta không biết rằng trên thế giới có biết bao nhiêu chúng sanh khổ nạn đang ở bên bờ vực đói khát. Họ nói những lời này rất có đạo lý, chúng ta sống đời sống như thế này thì tâm từ bi mỗi ngày một suy yếu. Tuy tương lai chúng ta học thành rồi nhưng không có tâm từ bi, chúng ta không thể sống đời sống khổ thì chúng ta không có cách gì giúp đỡ chúng sanh khổ nạn. Họ không phải tín đồ Phật giáo, và cũng chưa hề học Phật, cảm nhận này của họ đã nhắc nhở chúng ta, tôi cảm thấy đây là Bồ-tát hóa thân, đây là cảnh cáo nghiêm khắc cho chúng ta. Đời sống sung túc, tiền tài nhiều rồi thì con người thường sẽ đổi tâm, đạo tâm không còn nữa, tà tư ác niệm sẽ tăng trưởng, còn gì nguy bằng! Người nào có thể trải qua đời sống giàu có xa hoa? Trong Phật pháp nói là pháp thân đại sĩ, các ngài nhất định không dính nhiễm, nhất định không dao động, các ngài là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, vậy thì được, còn quyền giáo Bồ-tát cũng không dám, vì sao vậy? Các ngài chưa đến được cảnh giới sự sự vô ngại nên không dám. Cho nên, Phật dạy chúng ta “lấy khổ làm thầy”. Thế Tôn trước khi nhập diệt đã nói ra hai câu: “Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy.” Bạn có thể giữ giới được, chịu khổ được thì bạn mới có thể giữ vững tâm Bồ-đề không lui sụt.

“Bậc uy thế lớn” của thế gian đều phải tu phước đức thiện nghiệp, phước đức thiện nghiệp chính là xả mình vì người, ngày nay gọi là hy sinh bản thân, phụng hiến cho người khác. Nếu như chúng ta không thể xả mình vì người thì chắc chắn là tham sân si mạn tăng trưởng. Khi tham sân si mạn tăng trưởng thì tuy là chúng ta học Phật, giảng kinh nhưng vẫn phải đọa ba đường ác. Bạn học của ngài An Thế Cao là long vương ở hồ Cung Đình, chẳng phải là ví dụ rất hay đó sao? Ông với ngài An Thế cao là bạn học, ở trong truyện ký, ngài An Thế Cao tán thán người bạn học này là “minh kinh, hiếu thí”, ông thông đạt giáo lý, thích giảng kinh, là pháp sư giảng kinh lại ưa thích bố thí; bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy đều làm cả. “Phân vệ” là ra ngoài khất thực, được cơm và thức ăn không tốt nên trong tâm ông không hoan hỷ, vì cảm thấy mình cống hiến cho xã hội nhiều như vậy, “anh nhìn xem, xã hội trả ơn tôi như thế này đây”, trong tâm ông cảm thấy khó chịu. Chỉ vì một niệm này mà ông đọa vào đường súc sanh, đi làm long vương. Đức hạnh, phước đức của chúng ta ngày nay không bằng ông, ác nghiệp mà chúng ta tạo nặng hơn ông, ông đọa làm long vương, chúng ta sẽ đọa đến cõi nào đây? Quỷ vương cũng không thể được. Chúng ta xem những công án này, phải tự mình nghiêm túc cảnh giác, “một niệm sai lầm, vạn kiếp khó hồi”, đây là lời chân thật. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến chỗ này.