PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 56/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, dòng thứ nhất:
Lại nữa, long vương! Nếu lìa tham dục thì được thành tựu năm loại tự tại. Những gì là năm? Một, ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ. Hai, tài vật tự tại, tất cả oán tặc không thể cướp đoạt. Ba, phước đức tự tại, tùy tâm mong muốn, vật dụng đầy đủ. Bốn, vương vị tự tại, đồ vật trân quý hiếm lạ đều được dâng tặng. Năm, được nhiều vật thù thắng gấp trăm lần mong cầu, vì thuở xưa không keo kiệt, ganh ghét. Đó là năm. Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được ba cõi đặc biệt tôn kính, thảy đều cung kính, cúng dường.
Ý của đoạn này sâu rộng vô cùng, việc tu hành của các Bồ-tát tất cả là ở một điều này, chúng sanh lục đạo đọa lạc cũng vì một điều này. Do đây có thể biết, điều này có quan hệ rất to lớn đối với sự khác biệt giữa phàm và thánh. Trong tất cả kinh giáo, Thế Tôn nói với chúng ta tham sân si là ba độc phiền não, là căn bản của vô lượng vô biên phiền não. Tuy là nói ba thứ tham sân si, ba thứ này nếu quy thành một thì chính là tham. Cho nên, Phật dạy Bồ-tát trong sáu điều nguyên tắc tu học thì điều thứ nhất chính là bố thí, bố thí là để đối trị tham dục. Tuy là nói sáu điều, sáu ba-la-mật, nhưng sáu ba-la-mật nếu quy thành một thì chính là bố thí ba-la-mật. Đại thánh đại hiền thế xuất thế gian, vì sao các ngài có thể trở thành thánh hiền vậy? Vì lìa được tham dục. Gốc của tham dục nhổ đi rồi thì người này thành Phật; thật sự chịu nhổ bỏ, nhưng vẫn chưa nhổ sạch thì người này được gọi là Bồ-tát. Phàm phu không những không lìa mà mỗi ngày một tăng trưởng. Tăng trưởng tham dục chính là tăng trưởng cơ hội đọa lạc vào ba đường ác; lìa khỏi tham dục chính là rời xa đường ác, chúng ta phải hiểu rõ chân tướng sự thật này. Hay nói cách khác, đời người ngắn ngủi, cho dù sống đến 100 tuổi cũng chẳng qua là sự việc trong một sát-na. Sau 100 năm, thời gian còn dài, làm thế nào đây? Sẽ đi về đâu? Người thông minh không thể không suy nghĩ. Cho dù trước mắt bạn được phước báo như mong cầu, nhất định không phải từ trong tham sân si mà có được; tham sân si chỉ có giảm phước, không thể tăng phước. Phước báo mà đời này có được là do nghiệp nhân đã tu trong đời quá khứ, do đã tu nhân thiện; ác nghiệp tạo ra trong đời này thì quả báo sẽ ở đời sau. Nhân quả thông ba đời, đây là đạo lý nhất định.
Hai ngày trước, tôi về Trung Quốc thăm một vị bác sĩ lớn tuổi, vị bác sĩ lớn tuổi này cũng đang xem băng ghi hình của tôi, từ trên băng ghi hình nhìn thấy hình tướng của tôi, ông nói tôi có bệnh. Sau khi tôi nói chuyện với ông một lát thì biết ông thật sự có trình độ chứ không phải bác sĩ thông thường. Ông sẽ hỏi ngày tháng năm sinh của bệnh nhân, sẽ hỏi bệnh nhân sinh ra ở nơi nào, đây là điều mà chúng ta chưa từng thấy ở Đông y, Tây y bao giờ. Đây là đạo lý gì? Là bản chất của cơ thể bạn, rất có đạo lý. Bản chất cơ thể bạn như thế nào thì bạn sẽ bị những thứ bệnh gì, đây là xem từ gốc rễ. Trong Phật pháp nói về gốc rễ này còn sâu hơn, đó là những nghiệp thiện ác mà bạn đã tạo trong đời quá khứ. Ông ấy nói đến nơi được sinh ra, thời gian ra đời, để quan sát bản chất thể chất của bạn, việc này khá cao minh. Ông nói cho tôi biết về đạo dưỡng sinh, ẩm thực khỏe mạnh nhất là thực phẩm sinh trưởng tại bản địa, là thực phẩm sinh trưởng trong một tháng này, đây là thức ăn dinh dưỡng nhất. Chúng ta ngày nay thích ăn thực phẩm của nước ngoài, mùi vị rất ngon nhưng sẽ bị bệnh, vì không tương ưng với thể chất của chúng ta. Thực phẩm sinh trưởng ở vùng đất nào thì nuôi dưỡng người ở địa phương đó, chúng ta nhập gia phải tùy tục, đến địa phương đó phải ăn thức ăn ở nơi đó, đây là khỏe mạnh nhất. Bạn không chịu ăn thức ăn ở nơi đó, vẫn muốn ăn thức ăn của nơi khác, như vậy thì không hợp thủy thổ, bạn sẽ bị bệnh. Những đạo lý này rất cao minh, chúng tôi khi còn nhỏ đã từng được người lớn dạy rồi, thời gian lâu nên lơ là mất. Thực ra trong sách xưa như Nguyệt Lệnh của Lễ Ký đã nói đến, Nguyệt Lệnh nói trong 12 tháng, tháng nào ăn những thức ăn gì, nhưng phải nhớ kỹ là nhất định phải ăn những thứ sinh trưởng ở bản địa. Những thứ sinh trưởng ở khu vực này nhất định sẽ có lợi ích đối với cơ thể của bạn, đây là đạo dưỡng sinh.
Bạn biết dưỡng sinh mà không biết dưỡng tâm thì không thể trừ sạch gốc bệnh của bạn. Tâm phải như thế nào? Thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Nếu tâm của bạn là tham sân si thì tâm của bạn bệnh rồi, đây là gốc bệnh chân thật, là nguồn gốc của mọi bệnh tật, chúng ta không thể không biết. Bác sĩ nói với tôi, trong người tôi bị phong hàn. Khi trở về, tôi nói với mọi người, khi ngủ nhất định không được mở quạt, nhất định không được mở máy lạnh, gốc bệnh từ đây mà ra. Tôi hiểu đạo lý này, khi còn nhỏ người lớn nói với tôi, khi ngủ ngay cả quạt tay cũng không được dùng, vì khi đang ngủ thì toàn bộ lỗ chân lông của bạn mở ra nên rất dễ bị nhiễm lạnh. Khi bị bệnh thì không biết, đến sau tuổi trung niên bệnh phát ra thì rất khó chữa trị. Bệnh phong hàn này sẽ tổn thương thận và gan của bạn, phá hoại hệ thống gồm rất nhiều cơ quan ở bên trong. Đây đều là do trong sinh hoạt không cẩn thận, không chú ý.
Tâm địa chúng ta rất thanh tịnh, đọc sách, ngồi thiền, tại sao ngồi thiền trên người phải khoác áo kỹ như vậy? Bởi vì cơ thể bạn ở trạng thái tĩnh, trạng thái tĩnh thì sợ gió nhất. Cho nên, khi chúng ta đang đọc sách trong trạng thái rất tĩnh thì không được bật máy lạnh, không được dùng quạt điện. Khi cơ thể bạn đang hoạt động thì không sao cả, thân thể của bạn đang động nên lúc này không sao cả, nhưng khi tĩnh lặng thì không được phép, chúng ta đã lơ là điều này. Cho nên bác sĩ nói với tôi, hiện nay bệnh này rất phổ biến, gọi là hội chứng điều hòa, những người ở lâu trong phòng điều hòa đều sẽ có chứng bệnh này. Cho nên, chúng ta nhìn thấy người bị bệnh nặng có sắc mặt trắng bệch, hoặc bộ mặt chuyển đen thì khá là nghiêm trọng rồi, trên mặt không tươi nhuận. Vì vậy, mọi người trong sinh hoạt thường ngày phải chú ý, không nên ham mát, ham mát là mất mạng!
Phạm vi của tham dục vô cùng rộng lớn, đặc biệt là danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, không những khiến đức hạnh của con người đọa lạc mà nó còn là nhân tố đứng đầu của ba đường ác. Chúng ta phải đoạn ý niệm tham, chứ không phải thay đổi đối tượng tham. Ta bây giờ đối với danh văn lợi dưỡng thế gian không tham nữa, ngũ dục lục trần cũng không tham nữa, nhưng lại tham Phật pháp thì có được hay không? Không được! Phật dạy chúng ta đoạn tâm tham, không phải dạy chúng ta đổi đối tượng. Kết quả của đổi đối tượng là bạn tham điều xấu ác thì bạn đọa ba đường ác, bạn tham thiện pháp thì sanh ba đường thiện, không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nói thêm với quý vị, bạn niệm Phật sẽ không thể vãng sanh, điều này có quan hệ rất lớn. Trong kinh Kim Cang Bát-nhã, Phật dạy chúng ta: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp.” Chữ “xả” đó chính là không tham, hoàn toàn không phải là không cần nữa. Phàm phu chúng ta nếu không cần Phật pháp thì sao được? Nhất định cần Phật pháp, nhưng tuyệt đối không tham chấp Phật pháp. Ta cần Phật pháp vì giúp chúng ta thoát ly sanh tử luân hồi, nhưng chúng ta không được tham chấp, bạn tham chấp thì nguyện vọng của bạn sẽ không đạt được.
Không thể không xả tâm tham, nhưng thật sự là rất khó xả. Vì sao khó xả vậy? Tập khí của con người đối với danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần quá sâu, vô lượng kiếp đến nay đã bị những tập khí phiền não này huân tập, hiện nay trong phút chốc muốn đoạn hết chúng, nói sao dễ vậy? Nhưng nếu không đoạn thì rất nguy hiểm, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn vấn đề sanh tử. Nếu so sánh sanh tử với đoạn tập khí phiền não thì sanh tử là việc nhỏ, đoạn tập khí phiền não là việc lớn, chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng. Vô lượng kiếp đến nay tạo sanh tử luân hồi là việc cực kỳ nhục nhã của chúng ta. Sao lại trở thành như thế này? Vì sao người khác thành thánh, thành hiền, làm Phật, làm Bồ-tát mà chúng ta vẫn còn trôi lăn trong lục đạo? Ở đây nhân tố đứng đầu chính là không buông được tham sân si, cho nên vĩnh kiếp không thoát khỏi tam giới luân hồi, nguyên nhân ở chỗ này.
Xa lìa tham sân si, xa lìa mười nghiệp ác, không phải không thể làm được. Sự việc này không phải cầu ở người, cầu người khó, mà sự việc này là cầu chính mình. Chúng ta có nhận thức này hay không? Có quyết tâm này hay không? Có nghị lực này hay không? Ba việc này, đặc biệt nhận thức là việc đứng đầu. Nhận thức phải nương theo lời giáo huấn của thánh hiền. Thánh hiền không dạy chúng ta thì chúng ta làm sao hiểu được tham sân si nghiêm trọng như vậy, không biết được. Phật Bồ-tát biết trước, giác ngộ trước, các ngài hiểu rõ, lý giải thấu triệt, nhắc nhở chúng ta, nói cho chúng ta biết. Chúng ta thật sự hiểu rõ rồi thì phải hạ quyết tâm, buông xuống triệt để, không làm việc này nữa.
“Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe.” Trong kệ khai kinh đã nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”, thật sự là trăm ngàn muôn kiếp mới gặp được một lần, không phải dễ dàng gặp được. Chúng ta đời này có được thân người, nghe được Phật pháp, đây là trong trăm ngàn muôn kiếp gặp được một lần như vậy, nếu như không nắm chắc cơ hội này, nhân lúc trong mấy chục năm ngắn ngủi của đời này mà hạ quyết tâm từ bỏ tham sân si mạn, từ bỏ sự hưởng thụ danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần. Thích-ca Mâu-ni Phật từ bi, đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy, ngài sinh trong nhà đế vương, có thể kế thừa vương vị nhưng ngài từ bỏ. Địa vị cao quý như vậy ngài cũng không cần, từ bỏ phú quý, từ bỏ vợ con, làm tấm gương tốt triệt để nhất, rốt ráo nhất, viên mãn nhất cho chúng ta. Danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần mép rìa cũng chẳng dính, trải qua đời sống khất thực. Ăn một bữa giữa ngày, ngủ một đêm dưới cây, ngài sống đời sống này. Đây là dạy chúng ta điều gì? Triệt để lìa xa tham sân si mạn thì chúng ta mới có ngày ngoi đầu, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.
Quý vị phải biết rằng, tham sân si mạn là nhân của luân hồi, lục đạo luân hồi là quả báo của tham sân si mạn. Bạn có thể lìa khỏi nhân rồi thì quả này vĩnh viễn sẽ không hiện tiền. Dứt sanh tử, xuất tam giới, thoát luân hồi ở ngay tại nhận thức này. Bạn có thật sự nhận thức hay không, có thật sự hiểu rõ hay không? Chúng ta phải hiểu. Phật ở đây nói với chúng ta, thật sự xa lìa rồi thì giống chư Phật Bồ-tát vậy, bạn sẽ thành tựu năm loại tự tại. Năm loại tự tại là điều mà tất cả chúng sanh đều hâm mộ, đều hướng đến. Năm loại tự tại này là quả báo, vĩnh viễn lìa tham dục là nghiệp nhân. Bạn tu nhân thì nhất định chứng quả, bạn không tu nhân thì làm sao có thể chứng quả?
Quả báo thứ nhất chính là điều chúng ta thường nói là khỏe mạnh sống lâu, “ba nghiệp tự tại”, ba nghiệp là thân, ngữ, ý. “Các căn đầy đủ”, các căn đầy đủ nói theo hiện nay thì danh từ này là thân tâm khỏe mạnh, cơ thể của bạn không có mảy may khiếm khuyết. Các căn của thân đầy đủ, đây là quả báo, ba nghiệp tự tại lại là nhân duyên của nó. Thế nào gọi là ba nghiệp tự tại? Tự tại là không có phiền não. Bạn có phiền não là bạn không tự tại, bạn có lo lắng là bạn không tự tại, bạn có dính mắc là bạn không tự tại; thân tâm thanh tịnh thì mới tự tại, trong đời sống thường ngày một vọng niệm cũng không sanh. Thế nào gọi là vọng niệm? Nhất định phải hiểu rõ ràng, vì bản thân thì đều là vọng niệm. Bạn tu hành thành Phật là vì bản thân, làm Bồ-tát là vì bản thân, đây đều là vọng niệm.
Phật dạy chúng ta không vọng niệm, không vọng niệm thì phải có chánh niệm. Chánh niệm là gì? Chánh niệm không phải là không có niệm, mà chánh niệm là không có vọng niệm, chánh niệm là vì tất cả chúng sanh. Ta tu hành là vì tất cả chúng sanh, ta thành Bồ-tát là vì tất cả chúng sanh, ta thành Phật cũng là vì tất cả chúng sanh. Vì tất cả chúng sanh thì niệm này là chánh niệm, vì tự tư tự lợi thì đều là vọng niệm, đều là tà niệm. Trong Phật pháp nói “vô niệm”, đặc biệt là Tông môn thường nói nhiều đến vô niệm. Vô niệm không phải là không hề có ý niệm gì cả, ý niệm gì cũng không có thì quả báo ở trời Vô Tưởng của tứ thiền, đó là trời ngoại đạo. Nhà Phật nói vô niệm là không có ý niệm tự tư tự lợi, phải có chánh niệm, chánh niệm là vì Phật pháp thường trụ ở thế gian, vì lợi ích tất cả chúng sanh. Trong lợi ích chúng sanh thì điều đầu tiên là giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, đây là lợi ích chân thật. Không thể giúp chúng sanh phá mê khai ngộ thì lợi ích đó là lợi ích nhỏ, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ là lợi ích chân thật, họ mới có thể được ba nghiệp tự tại, họ mới có thể được các căn đầy đủ. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, ý nghĩa của điều thứ nhất vẫn chưa giảng xong, ngày mai chúng ta giảng tiếp.