Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 30/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 30/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, hàng cuối cùng. “Nói dối”, “nói ly gián” tôi đã giới thiệu rồi, điều tiếp theo là “nói thô ác”. Nói thô ác là nói lời thô lỗ, tức là điều mà người thông thường nói là không có lễ phép. Không những là biểu hiện ra bản thân không có tu dưỡng, nếu nói khó nghe hơn là chưa tiếp nhận giáo dục, cho nên mới có hành vi thô lỗ như vậy. Cho dù hiện nay họ đã học đại học, thậm chí lấy được học vị rất cao, nhưng trong con mắt của Nho và Phật thì họ đều không được xem là có giáo dục. Giáo dục mà ở đây nói chính là chỉ cho giáo dục thánh hiền, Trung Quốc từ xưa đến nay là học tập chí ở thánh hiền. Hay nói cách khác, tiếp nhận giáo dục không có gì khác chính là nâng cao hàm dưỡng của chính mình, nâng cao cảnh giới của chính mình, nói theo nhà Phật là siêu phàm nhập thánh. Bậc thánh thì xác thật là hoàn toàn không có thập ác nghiệp, họ đã vĩnh viễn đoạn trừ; bậc đại thánh thì quả thật làm được “mảy may bất thiện xen tạp” đều không còn. Ngày nay, thông thường giáo dục nhà trường là thuộc về giáo dục tri thức, giáo dục khoa học kỹ thuật, không phải giáo dục thánh hiền, hay nói cách khác, không phải giáo dục làm người. Cho nên, sự phát triển của con người, cho dù lấy được học vị tiến sĩ mà không hề buông xuống tự tư tự lợi, trong mỗi niệm họ vẫn giữ nguyên thói tự cao tự đại, tổn người lợi mình, vẫn làm những việc này, thì đây là hoàn toàn trái ngược với dạy bảo của thánh hiền. Đại thánh đại hiền không những trong nhà Nho và Phật, mà quý vị xem trên toàn thế giới, bất kỳ một giáo chủ sáng lập ra tôn giáo nào, và những tín đồ đi theo họ, không ai mà không xả mình vì người, có thể hy sinh bản thân để thành toàn người khác, hoàn toàn không có tự tư tự lợi, đây là giáo dục thánh hiền.

Người nói thô ác là đối với người khác không có lễ phép, đối với việc thì rất thô lỗ, đối với vật thì hoàn toàn không có tâm trân trọng, đều là biểu hiện tập khí phiền não hiện tiền. Chúng ta cần phải hiểu được, [điều này] không những làm tổn thương chính mình mà còn làm tổn hại xã hội, tổn hại người khác. Cho nên, Khổng tử dạy học rất xem trọng ngôn ngữ, ngài dạy học có bốn khoa mục, bốn khoa mục này là có thứ tự, không được phép đảo ngược. Thứ nhất là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, bạn thấy ngài xem trọng ngôn ngữ cỡ nào! Nói năng nhất định phải biết đúng mực, phải biết trong trường hợp nào, đối với người nào, những lời nào nên nói, những lời nào không nên nói, việc này được huấn luyện từ nhỏ. Vào thời xưa, trẻ con lên bảy tuổi bắt đầu đi học, sáu đến bảy tuổi là bắt đầu huấn luyện để chúng dưỡng thành thói quen, đây gọi là “từ nhỏ thành như thiên tánh, thói quen thành tự nhiên”. Người thế hệ này của chúng ta rất bất hạnh, sinh ra gặp đời loạn, toàn xã hội đều động loạn, nhất là ngày nay đối với nền giáo dục của thánh hiền, mặc dù không phủ định, không vứt bỏ, nhưng dùng nhãn quang thờ ơ coi thường nền giáo dục này.

Sáng sớm hôm nay, có một đồng tu đưa cho tôi xem một tờ tạp chí, nhan đề trên trang bìa nói nước Mỹ hiện nay có một số nhà khoa học đang nghiên cứu gen của loài người, đã có sự phát hiện đột phá to lớn, họ nói tuổi thọ của con người có thể kéo dài đến một, hai ngàn tuổi. Phía dưới có tiêu đề phụ, rốt cuộc là phước hay họa, hiện nay vẫn rất khó nói quả quyết. Theo tôi thấy đây là họa, không phải phước. Điều mà họ phát hiện, quả thật mà nói là quá nhỏ bé, tuổi thọ của loài người sao chỉ có 2.000 tuổi? Phật nói trong kinh, tuổi thọ của con người dài nhất là 84.000 tuổi, họ có phát hiện được hay không? Con người có thể sống đến 84.000 tuổi, nhà khoa học sai số quá xa, đây là nói điều gì vậy? Đây là nói nghiên cứu bộ máy cơ thể, đây thuộc về vật lý. Chúng ta thấy trong sách xưa Trung Quốc, trong quyển Linh Khu của Hoàng Đế Nội Kinh đều nói, bộ máy cơ thể này chí ít có thể sử dụng được 200 năm, đây là bộ máy cơ thể. Bộ máy cơ thể này có thể dùng được 200 năm, cũng có thể dùng đến 84.000 năm, vấn đề là ở người điều khiển bộ máy. Đó là gì? Người thông thường gọi là linh hồn, là thần thức. Thần thức có phước báo lớn như vậy hay không? Thần thức có phước báo mà bộ máy cơ thể hư rồi thì tuổi thọ sẽ kết thúc thôi. Cho nên, sinh mạng là sự dung hợp giữa tâm và vật, không phải chỉ một phía.

Nhà Phật đã nói, chúng ta tư duy, tưởng tượng, phạm vi lớn nhất có thể đạt đến a-lại-da thức, đó là một giới hạn không có cách gì đột phá. Sau khi đột phá rồi thì mới minh tâm kiến tánh. Chúng ta ngày nay tuổi thọ rút ngắn là do nguyên nhân gì? Do nghiệp báo. Có thể kéo dài tuổi thọ hay không? Có thể, chuyển nghiệp trở lại, không cần nhờ những máy móc khoa học này, vô ích! Có thể biến đổi gen, đạo lý này trong kinh Phật nói rất nhiều, nói rất rõ ràng. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo phần trước chúng ta vừa mới học qua, trong kinh văn Phật nói: “Các đại Bồ-tát đây, diệu sắc trang nghiêm thanh tịnh, hết thảy đều do tu tập phước đức thiện nghiệp mà sanh ra”, người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là vô lượng thọ. Cho nên phát hiện này sẽ làm chướng ngại rất nhiều người vãng sanh trong đời này. Họ cảm thấy không cần vãng sanh nữa, tuổi thọ dài như vậy ở đây rất vui vẻ, ý niệm tích cực cầu vãng sanh Tịnh độ nhạt dần, đây thật sự là họa chứ không phải phước. Chúng ta di dân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta sẽ vô lượng thọ, sẽ có thân kim cang bất hoại. Cho nên, niệm Phật chính là tu tập vô lượng vô biên phước đức thiện nghiệp, đạo lý này có mấy người hiểu được?

Không cần tu thiện, không cần tích đức, tội nghiệp gì cũng có thể tạo, việc xấu gì cũng có thể làm, tuổi thọ vẫn có thể kéo dài đến mấy ngàn năm, thiên hạ làm gì có chuyện dễ dàng này? Nếu quả thật như vậy thì chúng ta cũng không muốn ở trái đất này nữa, vì sao vậy? Đây không phải là một thế giới tốt. Chí ít chúng ta phải tìm đến thiên đường, vì sao vậy? Thần, thượng đế là bậc chí thiện, là bậc nhân từ bác ái. Khoa học kỹ thuật phát triển đến cực điểm, luân lý đạo đức hoàn toàn bị lật đổ rồi, không còn ai tin “thần yêu người thế gian” nữa. Đến cuối cùng ai là thần? Nhà khoa học là thần, nô dịch tất cả chúng sanh, đến sau cùng sẽ diễn biến ra như vậy. Cho nên rất nhiều nhà tôn giáo nói thế giới có ngày tận thế, đây là hiện tượng của ngày tận thế, không phải là việc tốt. Thử xem họ có thể thật sự lật đổ được lời tiên tri về ngày tận thế hay không? Được cái là trong và ngoài nước, mọi lời tiên tri nói ngày tận thế thời gian càng ngày càng gần, chúng ta có lẽ đều có thể nhìn thấy được.

Tiếp theo là “nói thêu dệt”, nói thêu dệt là nói lời ngon ngọt, dụ hoặc chúng sanh đi làm nghiệp bất thiện. Giống như hiện nay, truyền hình, điện ảnh, kịch tuồng, vũ đạo, âm nhạc, thậm chí là mỹ thuật đều là thuộc về loại này, rất có khả năng làm cho đại chúng vui vẻ nhưng nội dung là bất thiện. Ngày nay, một số thứ được mệnh danh đẹp đẽ là nghệ thuật, nó thật sự đang giáo dục xã hội, dạy những điều gì? Dạy người ta giết trộm dâm dối, dạy người ta tham sân si mạn, nó dạy những thứ này, cho nên Phật đem nó liệt vào loại cấm. Loại nghệ thuật này mà phát triển thì xã hội có nguy không? Đến ngày nào trên thế giới, thánh hiền của mỗi dân tộc quốc gia rời khỏi thế giới này thì người đời sẽ khổ. Giáo huấn của thánh hiền là con mắt của trời người, như đèn sáng trong đêm tối, giáo dục thánh hiền không còn nữa thì nhân gian này là một biển khổ. Tuổi thọ dài có nghĩa là gì vậy? Là thời gian thọ khổ kéo dài. Chúng ta hãy nghĩ kỹ xem, có phải đạo lý này hay không?

Cho nên [trong mười nghiệp ác thì] thân có ba loại, tâm có ba loại, miệng có đến bốn loại. Trong phần khéo giữ ba nghiệp mà Phật nói trong kinh Vô Lượng Thọ thì khẩu nghiệp được đặt ở điều đầu tiên: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”, đạo lý là ở chỗ này. Ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra.” Ý nghiệp có ba điều, thứ nhất là “tham dục”, đây là ba đường ác, trong Phật pháp thì tham sân si (tà kiến là si) gọi là tam độc phiền não, tất cả mọi ác nghiệp của thế gian đều là từ đây mà sanh ra, cho nên đây là đại họa nghiêm trọng căn bản. Ngày nay, người phương Tây đề xướng tham dục là nguồn động lực của tiến hóa xã hội, con người không có tâm tham thì xã hội sẽ không tiến bộ, họ cổ vũ tham dục, dẫn dụ tham dục, khiến tham dục của bạn niệm niệm tăng trưởng. Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, chúng ta tin Phật hay tin những nhà khoa học này? Phật nói với chúng ta: Tâm tham thì biến thành ngạ quỷ, sân giận là địa ngục, ngu si là súc sanh, đây là nghiệp nhân của ba đường ác. Ngày nay lại đề xướng tham sân si, muốn tiêu diệt giới định tuệ, đây là thế giới gì vậy?

Chúng ta ngày nay rốt cuộc là muốn tin vào khoa học hay là tin vào giáo huấn của Phật-đà? Chúng ta phải tự quyết định, đây là trí tuệ đích thực, phước đức chân thật. Quyết định này chính là hai loại quả báo khác nhau trong tương lai của chúng ta: Nếu tùy thuận tham sân si thì chắc chắn đọa ba đường ác; tùy thuận theo giáo huấn của Phật, nếu thật sự tin pháp môn Tịnh độ, như lý như pháp mà tu học thì bạn chắc chắn sanh Tịnh độ. Hai năm nay, chúng tôi ở Singapore nhìn thấy tướng lành của các đồng tu niệm Phật vãng sanh. Gần đây, đồng học từ Trung Quốc đến càng ngày càng nhiều, họ mang đến cho chúng ta những câu chuyện niệm Phật vãng sanh ở Đại lục, đều là chuyện hiện tại, tướng lành hiếm có! Trong tôn giáo thông thường gọi là kiến chứng, trong nhà Phật gọi là “tác chứng chuyển”, những người này làm chứng minh cho chúng ta, việc này là thật, không phải giả. Năm ngoái ở đây, bác sĩ Lâm là hội trưởng của “Hội Quán Âm cứu khổ”, trước khi ông vãng sanh một ngày tôi đi thăm ông, tôi tặng ông tượng Phật, tặng ông xâu chuỗi. Ngày hôm sau lúc ông ra đi, có một số đồng tu ở trước mặt ông giúp ông trợ niệm, ông nói với mọi người, trước mắt ông toàn là ánh sáng vàng, ánh sáng vàng càng ngày càng lớn, đến sau cùng ông nói: “Tôi không nhìn thấy mọi người nữa.” Đều là chính mắt mọi người nhìn thấy tướng lành thù thắng hiếm có. Ngày đó ông vãng sanh, cư sĩ Lý Mộc Nguyên cũng có mặt. Phật đến tiếp dẫn là phóng quang trước, tiếp xúc với Phật quang thì tội chướng liền tiêu diệt, vậy là đã đi theo Phật. Bác sĩ Lâm bị bệnh, nhưng có rất nhiều người không bị bệnh, tự tại vãng sanh, đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, chúng ta thấy rồi có tin hay không? Chúng ta có mong mình cũng có năng lực vãng sanh Tịnh độ như thế hay không?

Thế xuất thế gian, sự và lý đều là vô lượng vô biên không có cùng tận. Sự thì phức tạp, lý thì thâm mật, ai có thể triệt để nguồn pháp? Người học Phật chúng ta biết, chỉ có Phật mới có thể triệt để nguồn pháp. Điều này hoàn toàn không phải đề cao Phật giáo, coi thường tôn giáo khác, nếu bạn có ý nghĩ này thì bạn sai rồi! Ai có thể triệt để nguồn pháp thì người này được xưng là “Phật”. Nhà khoa học có thể triệt để nguồn pháp, vậy người này cũng là Phật. Giống như cây cổ thụ vậy, Phật hoàn toàn quán thông từ gốc rễ cho đến cành lá không hề chướng ngại. Trí tuệ của bạn chỉ có thể biết một ngọn cây, một cành cây, một thân cây thì không được! Trí tuệ của bạn không viên mãn, kiến giải của bạn không phổ biến, cách nghĩ cách làm của bạn vẫn có sai lầm như cũ. Cho nên trong kinh Phật nói, Bồ-tát Đẳng giác còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đức năng trí tuệ của các ngài vẫn chưa đạt được cứu cánh viên mãn. Phật pháp là pháp bình đẳng, bình đẳng với pháp giới, bình đẳng với tất cả chúng sanh, vậy mới thật sự có thể tán thán, đáng được tôn kính, chúng ta học Phật cần phải phân biệt rõ ràng những chỗ này.

“Sân giận, tà kiến” cũng không cần nói nhiều nữa. Đoạn kinh văn từ “long vương nên biết” đến “sân giận”, “tà kiến” nhất định phải học thuộc lòng, phải học cho thật thuộc, thường xuyên dùng nó để cảnh giác chính mình. Phật pháp nói tu hành là tu gì vậy? Chính là tu đoạn này, đoạn này là hành kinh của nhà Phật. Kinh văn tiếp theo là nói tỉ mỉ hơn, nói lại từng điều từng điều một, tu thập thiện nghiệp đạo thì chúng ta được quả báo như thế nào. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.