PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 144/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ tư:
Long vương nên biết, mười nghiệp thiện này, thậm chí còn có thể khiến cho thập lực, tứ vô úy, mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn.
Chúng ta đọc đến đoạn này. Ở đây Phật gọi long vương, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này, phàm là gọi tên của họ tức là nhắc nhở họ, phía sau nhất định sẽ có phần khai thị rất quan trọng. Thập thiện nghiệp thậm chí còn có thể khiến đạt được mười loại năng lực đặc thù, bốn vô úy, mười tám pháp bất cộng trên quả địa Như Lai, ba điều “thập lực, vô úy, mười tám pháp bất cộng” là loại đức năng thù thắng cứu cánh viên mãn đặc biệt có ở quả địa Như Lai, mà Bồ-tát cũng không có. Từ đoạn khai thị này chúng ta bèn hiểu rõ, thập thiện là căn bản tu trì của Phật pháp, lơ là thập thiện thì không có Phật pháp. Nếu như người ta hỏi thế nào là Phật pháp, chúng ta muốn phân biệt rõ thì có thể trả lời họ như vậy: “Hết lòng tu trì thập thiện thì đây là Phật pháp, đây là đệ tử Phật chân thật.” Cho dù họ xuất gia, thọ đại giới rồi, cũng có thể giảng kinh thuyết pháp, hoặc cũng có thể tham thiền, niệm Phật, nhưng họ không tu hành thập thiện, vậy thì không phải là đệ tử Phật; loại đệ tử Phật này, trong Phật pháp gọi là “danh tự vị”. Danh tự vị là hữu danh vô thực, cho dù tu như thế nào cũng không liên quan gì đến pháp xuất thế, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Họ có thể đạt được phước báo thế gian, bởi vì họ tu phước báo hữu lậu; đạt được phước báo thì họ nhất định tạo tội nghiệp, vì sao vậy? Họ không có thiện căn, nếu hưởng hết phước báo thì nhất định đọa lạc. Trường hợp này thì quá nhiều quá nhiều.
Ở đây đã cho chúng ta một tổng kết: “Trí tuệ, đức tướng cứu cánh viên mãn trên quả địa Như Lai đều từ thập thiện mà sanh ra.” Đoạn kinh văn trên có ba danh từ, tôi cũng phải giới thiệu sơ lược qua một chút. Thứ nhất là “thập lực”, trong Đại Trí Độ Luận nói: “Mười lực của quả vị Phật”; mười loại năng lực đặc thù này Bồ-tát cũng có, nhưng không viên mãn, quả địa Như Lai là cứu cánh viên mãn.
Điều thứ nhất: “Thị xứ, phi xứ trí lực”, lực trí tuệ thị xứ, phi xứ; “lực” chính là khởi tác dụng. Nội dung của điều này là gì? “Biết nhân duyên quả báo của tất cả chúng sanh.” Cho nên Phật độ chúng sanh dễ dàng. Tất cả chúng sanh trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay, Phật đều biết hết nghiệp nhân tạo tác và quả báo nhận lấy của bạn. Chúng ta chính mình không biết, nhưng Phật biết được. Chính mình rất dễ quên, đều quên hết cả, nhưng Phật thì rõ ràng. Vì sao Phật biết rõ? Bạn chính mình quên rồi, không sai, nhưng hồ sơ lưu trữ của bạn vẫn còn, không hề sót mất chút nào. Hồ sơ lưu trữ là gì? Là a-lại-da thức, hạt giống nghiệp tập mà bạn đã tạo tác từ vô lượng kiếp đến nay đều được lưu vào trong đó. Phật có thể thấy được hạt giống nghiệp tập được chứa trong a-lại-da thức của bạn, cho nên ngài đều biết được. Hồ sơ lưu trữ của chính mình nằm ở đâu, chúng ta không hề hay biết, chính mình quên rồi, cũng tìm không ra, Phật có thể truy suất hồ sơ lưu trữ của bạn để xem một cách rõ ràng tường tận. Truy suất đó còn nhanh hơn máy vi tính hiện nay, máy vi tính còn phải ấn nút, còn ngài không cần ấn nút mà toàn bộ đều hiện ra. Vì vậy, khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác của chúng ta làm sao có thể che giấu được Phật Bồ-tát? Bạn muốn giấu, đó thảy đều là gạt mình gạt người, không hề có việc này, chính mình lừa gạt chính mình, chính mình an ủi chính mình mà thôi. Người xưa nói rất hay: “Nếu muốn người không biết, trừ khi mình đừng làm.” Khởi tâm động niệm của chúng ta, thiên địa quỷ thần đều biết rõ, cho nên chính mình phải nghĩ xem ý niệm của ta, lời nói, tạo tác này của ta có đắc tội với thiên địa quỷ thần hay không? Cũng chính là nói, thiên địa quỷ thần nhìn thấy, họ có hoan hỷ hay không?
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất rõ ràng. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi tiếp nhận giáo huấn của thiền sư Vân Cốc, ông liền rất nghiêm túc đoạn ác tu thiện. Thế nhưng rốt cuộc ông vẫn là phàm phu, phiền não tập khí rất nặng, lần đầu ông phát nguyện làm 3.000 việc thiện, ông đã làm hơn mười năm mới viên mãn; như vậy bạn liền biết được, ông phấn đấu đoạn ác tu thiện tốn biết bao nhiêu thời gian, tốn biết bao nhiêu tinh thần. Lần thứ hai ông phát nguyện tu 3.000 việc thiện, hai năm thì thành công. Lần thứ ba phát nguyện làm 10.000 việc thiện, nhưng chỉ một niệm thì thành công. Tâm địa của ông dần dần đạt được thuần thiện, không tự gạt mình, cho nên mới có thể cảm động thiên thần. Con người sở dĩ không thể thành tựu, không có gì khác, tiên sinh Liễu Phàm nói rất hay, người xưa gọi là “chần chừ do dự”. Chần chừ do dự chính là qua loa, tùy tiện, không làm hết lòng, chính mình luôn tha thứ cho chính mình, sai ở chỗ này, cho nên không thể thành tựu. Nhất định phải khắc phục cửa ải khó khăn này. Tiên sinh Liễu Phàm khắc phục được cửa ải khó khăn này, chúng ta thấy được từ trong “Tứ Huấn” của ông, ít nhất ông đã dùng công phu 20 năm mới đột phá được ải đầu tiên, cho nên về sau tiến triển nhanh chóng. Nếu chúng ta không phát tâm dũng mãnh thì rất khó đột phá được cửa ải này. Thế nên nhân quả quan trọng biết bao! Điều đầu tiên trong thập lực của Như Lai nói về nhân quả, cũng chính là “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, đây gọi là thị xứ. Thế nào gọi là phi xứ? Trồng nhân thiện được ác báo, không có đạo lý này, đây gọi là phi xứ, không có việc như vậy; tạo nhân ác được thiện báo, cũng không có việc như vậy. Trồng nhân thiện nhất định được quả thiện, tạo nhân ác nhất định bị ác báo, đây gọi là “thị xứ, phi xứ trí lực”, là trí tuệ chân thật.
Điều thứ hai: “Nghiệp trí lực, biết tất cả các nghiệp trong ba đời của tất cả chúng sanh”, nghiệp là tạo tác. Những điều bạn đã tạo tác đều không ngoài ba loại: thứ nhất là thiện, thứ hai là ác, thứ ba là vô ký. Vô ký chính là không rơi vào thiện ác, đây gọi là vô ký, nghiệp vô ký không có quả báo. Tuy không có quả báo nhưng đều rơi vào trong vô minh. Điều thứ ba: “Định trí lực, biết tất cả các tam-muội của thiền định.” Chúng ta biết được, từ trời Sắc giới trở lên, quả báo là thiền định; thẳng đến quả địa Như Lai đều là định tuệ, là sự thành tựu định tuệ, trong định có cảnh giới. Vô số cảnh giới công phu thiền định khác nhau từ thế gian cho đến xuất thế gian, Phật đều biết cả, cho nên Phật mới có năng lực độ chúng sanh chín pháp giới. Từ sơ thiền trở lên, nếu bạn không hiểu rõ cảnh giới công phu tam-muội của thiền định thì bạn không cách gì độ họ, vì bạn không bằng họ; bạn nhất định phải vượt hơn họ thì bạn mới có thể độ họ, mới có thể giúp đỡ họ. Phật đối với công phu thiền định của tất cả chúng sanh chín pháp giới đều hoàn toàn hiểu rõ.
Điều thứ tư: “Căn trí lực, biết được các căn thượng hạ của chúng sanh”, căn là căn tánh. Người thế gian chúng ta gọi là thiên phú, cũng rất gần với căn tánh mà nhà Phật nói. Trẻ nhỏ khi sanh ra có bẩm chất thiên phú, thông minh hay ngu độn đều được thể hiện rõ ràng nhất từ việc học. Trẻ có thiên phú cao, thầy giáo dạy chúng bài khóa một lần thì có thể thuộc, hơn nữa chúng có sức lý giải tương đối, chúng ta gọi là thượng căn lợi trí. Trẻ có bẩm chất thiên phú kém, thầy giáo dạy một bài, chúng phải đọc năm lần đến mười lần mới có thể thuộc. Nếu đọc mười lần vẫn không thể thuộc thì thuộc về hạ hạ căn. Vậy phải làm sao? Dạy số lượng ít đi.
Trước kia thầy giáo dạy học, khóa trình nhiều hay ít là dựa vào hàng mà tính. Hôm nay lên lớp, lên lớp chính là thầy giáo dạy bạn vài hàng trong bài văn, tiêu chuẩn thông thường là mười hàng. Mười hàng của sách xưa là 200 chữ; sách xưa thì một hàng là 20 chữ, không có dấu chấm câu. Bạn thấy bản sách khắc gỗ của thời xưa thì không thể nói Trung Quốc không có khoa học, họ có đầu óc khoa học. Bất luận nơi khắc sách nào trên toàn quốc thì bản sách khắc gỗ thảy đều như nhau, mỗi trang mười hàng, mỗi một hàng 20 chữ, đều như nhau; cho nên dù khắc sách ở những nơi khác, nếu nói với họ trang thứ mấy, hàng thứ mấy thì đều giống nhau, đều thống nhất hết. Không giống như sách hiện nay, nơi xuất bản khác nhau thì xếp bản in không giống nhau; trước kia thì hoàn toàn như nhau, cho nên rất thuận tiện. Đối với người hạ hạ căn, dạy họ một ngày mười hàng mà họ không cách gì tiếp nhận thì giảm một nửa, tức là năm hàng. Năm hàng vẫn không thể tiếp nhận thì ba hàng, ba hàng là sáu mươi chữ.
Tiêu chuẩn là gì? Đọc mười lần có thể thuộc thì phù hợp với trình độ của bạn, mười lần có thể thuộc. Nếu mười lần không thể thuộc thì lại giảm tiếp nữa, dùng phương pháp này. Cho nên căn tánh lợi độn, cao thấp từ phương diện này rất dễ nhìn ra. Trong sách xưa Trung Quốc có ghi chép, chân thật là người thượng căn lợi trí thì mỗi ngày có thể thuộc được sáu, bảy trăm chữ; đây là thiên tài, rất ít người, mỗi ngày có thể nhớ sáu, bảy trăm chữ. Thông thường 200 chữ là căn tánh phổ thông. Đọc mười lần có thể thuộc thì thầy giáo nhất định phải đốc thúc họ đọc một trăm lần đến hai trăm lần; người có trí nhớ rất tốt, thầy giáo thông thường đốc thúc họ lấy một trăm lần làm tiêu chuẩn, trí nhớ tương đối kém một chút thì nhất định phải đọc thuộc hai trăm lần. Vì sao vậy? Đọc tụng như vậy thì cả đời họ sẽ không quên. Hơn nữa, mỗi ngày học thì nhất định phải ôn tập phần trước lại một lần, việc ôn tập này là ôn tập từ đầu đến cuối.
Hôm qua tôi gọi điện hỏi đồng học ở Toowoomba. Cô Dương ở bên đó dạy họ Đệ Tử Quy xong rồi. Tôi hỏi: “Có thể hoàn toàn thuộc lòng hay không?” Họ nói: “Có thể, mỗi một người đều có thể thuộc lòng hết.” Không những có thể giảng, mà còn có thể làm được, phải y giáo phụng hành. Đại khái từ hôm nay trở đi thì học Tam Tự Kinh, yêu cầu của tôi là toàn bộ đều có thể thuộc. Sau khi học Tam Tự Kinh xong thì chúng ta bắt đầu học cổ văn. Trong Cổ văn quán chỉ, tôi chọn ra một trăm thiên, yêu cầu có thể thuộc, có thể giảng, có thể hành. Đây là cắm rễ! Rễ không sâu thì sau này bạn không có biện pháp nào cả, phải cắm rễ từ chỗ này. Nghe nói, mọi người học rất vui, pháp hỷ sung mãn, đây là việc tốt.
Sau khi cắm rễ này xong thì chúng ta hạ công phu ở trên kinh giáo. Tôi dạy các đồng học, mỗi một người chuyên tu một bộ kinh. Kinh điển thì bạn tự mình chọn, bạn phải một đời chuyên tâm dụng công một bộ, làm chuyên gia, không làm thông gia. Chỉ cần bạn có nền tảng Hán học như vậy thì học bất cứ kinh gì cũng đều dễ dàng, đều không khó; rễ nhất định phải sâu, cho nên bạn phải gắng hết sức học tập. Hiện tại, tôi nhờ cô Dương lên lớp dạy họ, hy vọng đẩy nhanh tiến độ. Vốn dĩ mỗi ngày chỉ lên lớp hai tiếng đồng hồ vào buổi sáng, hiện tại yêu cầu buổi tối học thêm hai tiếng đồng hồ. Tôi nói: Được! Có thể. Một ngày học bốn tiếng đồng hồ, phải dốc sức! Phải phấn đấu! Như vậy tương lai bạn mới có năng lực gánh vác gia nghiệp của Như Lai. Bạn không hết lòng nỗ lực thì làm sao được?
Cho nên, ngày nay tôi lui xuống làm hộ pháp, bồi dưỡng họ thành người hoằng pháp. Tôi để cho họ có hoàn cảnh đời sống vật chất không lo không nghĩ, chuyên tâm dụng công học tập. Chân thật là bắt đầu học từ mầm non, bắt đầu học từ Đệ Tử Quy, Tam Tự Kinh, bắt đầu học từ lớp mẫu giáo. Từ nhỏ chưa học qua, cho nên hiện nay phải bổ túc. Sang năm, tôi cũng có thể mời vài vị lão tiên sinh ở Đài Loan đến dạy cổ văn, dạy Tứ Thư. Khóa trình của chúng ta có Tứ Thư, trong Tứ Thư thì quan trọng nhất là Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, ba sách này tôi yêu cầu phải có thể thuộc, có thể giảng, có thể hành. Sách Mạnh Tử, tôi yêu cầu là đọc nhiều lần, có thể giảng, có thể hành, không yêu cầu họ thuộc lòng. Phải thật làm! Đây là biết được căn tánh cao thấp của tất cả chúng sanh.
Điều thứ năm: “Dục trí lực, biết đủ loại dục lạc của chúng sanh.” Dục là dục vọng, lạc là thứ được ưa thích, điều này có liên quan đến tập khí đời đời kiếp kiếp trong đời quá khứ. Trong đời quá khứ, tích nghiệp thiện nhiều, đời đời kiếp kiếp thời gian ở trong ba đường thiện nhiều thì người này thiện căn sâu dày, ưa thích thiện pháp. Nếu người này trong đời quá khứ tạo nghiệp ác nhiều, chịu quả báo ác nhiều, tập khí ác nặng, biểu hiện của họ trong đời này là không có hứng thú đối với thiện pháp, đối với ác pháp giết trộm dâm dối thì họ ưa thích. Cho nên, sở thích của tất cả chúng sanh đều có nguyên do, không phải vô duyên vô cớ. Năng lực quán sát của chúng ta đối với tất cả chúng sanh không có trí tuệ cao như vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy bề ngoài, không biết được tình hình trong đời quá khứ của họ. Năng lực của A-la-hán thì có thể biết 500 đời của tất cả chúng sanh, họ quán sát căn cơ giỏi hơn chúng ta nhiều. Năng lực của Bồ-tát thì tùy thuộc vào địa vị của họ, địa vị cao thì biết được thời gian xa; địa vị thấp thì vẫn cao minh hơn so với A-la-hán, có thể biết được chúng sanh từ 500 đời trở lên, một ngàn đời, một vạn đời, cho đến một kiếp, hai kiếp, mười kiếp, hai mươi kiếp. Phật có thể biết được rốt ráo.
Cho nên, nếu không có trí tuệ, không có năng lực này thì chúng ta quán sát căn cơ của tất cả chúng sanh đích thực sẽ có khó khăn. Do đó, rất nhiều phương pháp giáo học của chúng ta không khế cơ; chúng ta đã dụng tâm, cũng bỏ ra không ít tinh thần nhưng không nhận được hiệu quả, nguyên nhân là không khế cơ. Khế cơ là một sự việc khó, rất khó! Nếu như hoàn toàn khế cơ, khi vừa nói ra thì thính chúng này liền có thể khai ngộ, có thể chứng quả. Chúng ta thấy trong kinh điển, Thế Tôn vẫn chưa giảng xong một bộ kinh, mới giảng được phân nửa thì có người khai ngộ, có người chứng quả rồi. Trong kinh Lăng-nghiêm, chúng ta thấy tôn giả A-nan nghe Thế Tôn giảng kinh, đến cuối quyển thứ ba thì A-nan khai ngộ. Cô Ma-đăng-già ở trong hội Lăng-nghiêm, Phật giảng kinh vẫn chưa đến phân nửa thì cô chứng tam quả. Đây là do nguyên nhân gì? Khế cơ. Như Lai có năng lực quán cơ, cho nên họ dễ dàng thành tựu như vậy.
Điều thứ sáu: “Giới trí lực, biết đủ mọi giới phân ra trong thế gian”, giới là giới hạn. Ý nghĩa của điều này, nói theo lời hiện nay chính là biết được đủ thứ vọng tưởng, phân biệt của tất cả chúng sanh. Giới là từ phân biệt mà ra; không có phân biệt, không có chấp trước thì làm gì có giới hạn? Sáu cõi có giới hạn của sáu cõi. Cõi người chúng ta ở trên địa cầu này, thật ra mà nói vốn không có giới hạn. Bạn xem, hiện tại trong cõi người có giới hạn quốc gia, có giới hạn chủng tộc, có giới hạn tín ngưỡng tôn giáo; sống ở đây, nhà chúng ta và nhà bên cạnh có giới hạn. Có quá nhiều, quá nhiều giới hạn, toàn bộ đều là từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sanh ra. Phải nên biết, nếu bạn không hiểu rõ chân tướng của giới hạn thì sẽ sanh ra chướng ngại, đối với thế xuất thế gian sẽ sanh ra rất nhiều chướng ngại. Bạn hiểu rõ ràng sáng tỏ chân tướng của giới hạn rồi thì tiện lợi đối với việc giúp đỡ chúng sanh phá trừ chướng ngại; bạn biết được cái giới này là vốn là không có, hiện tại vẫn là không có. Vì sao bạn có phiền não, không thể đột phá được cửa ải này? Đây là một khái niệm trừu tượng, là khái niệm sai lầm. Đột phá được khái niệm này rồi thì mới “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” giống như Phật, với tất cả chúng sanh đều không có giới hạn. Đó là Phật và pháp thân đại sĩ, đều không có giới hạn với tất cả chúng sanh.