PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 97/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng cuối cùng: “Tứ nhiếp trang nghiêm nên thường siêng năng nhiếp hóa hết thảy chúng sanh.” Điều này đối với pháp thế xuất thế gian cũng là sự khai thị cực kỳ quan trọng, cho nên chúng tôi đặc biệt giới thiệu thật cặn kẽ. Tứ nhiếp chính là bốn nguyên tắc trong giao thiệp giữa người với người, giữa người với tất cả sự vật. Ở trong người, việc và vật, quan trọng nhất là sự giao thiệp giữa người với người. Nếu như làm tốt sự việc này thì người này chính là Phật Bồ-tát; giao thiệp giữa người với người không tốt thì đây là phàm phu, cho nên trong đây bao hàm trí tuệ vô tận, đức năng vô tận. Bốn điều này là bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Hai điều phía trước đã nói qua rồi, bây giờ tôi giảng tiếp điều thứ ba là lợi hành. Hành là hành vi trong đời sống của chúng ta, lợi là lợi ích. Từ khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải có thể lợi ích xã hội, lợi ích quần chúng, lợi ích tất cả chúng sanh. Hay nói cách khác, phàm là hành vi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm mà không có lợi ích thì Bồ-tát dứt khoát không làm. Ở đây chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, mình và người là một, không phải hai, đây là chân tướng sự thật. Chúng sanh sáu cõi không biết chân tướng này, trong khái niệm của chúng sanh sáu cõi thì mình và người là hai, không phải một, đây gọi là mê mất tự tánh. Tứ thánh pháp giới tuy biết chân tướng sự thật này nhưng chưa đích thân chứng được; hay nói cách khác, về mặt lý luận thì không có vấn đề, họ có thể tiếp nhận, họ có thể tin, nhưng ở trên sự thì họ chưa chứng được, nhất định phải đến nhất chân pháp giới thì mới chứng thực được sự việc này.
Qua đó cho thấy, phàm phu sáu cõi mê quá sâu, chúng ta không thể đích thân chứng được cảnh giới này nhưng nhất định phải tin lời Phật nói. Chúng ta học Phật, điều kiện đầu tiên chính là đối với thầy, Phật-đà là thầy của chúng ta, phải có tín tâm kiên định, dứt khoát không được có nghi hoặc thì chúng ta mới có thể có được lợi ích từ giáo huấn của Phật-đà. Nếu đối với thầy có nghi hoặc thì lợi ích mà chúng ta đạt được sẽ bị giảm bớt. Còn phải xem mức độ sâu rộng trong ý niệm nghi ngờ của bạn, nếu nghi ngờ của bạn quá sâu, quá rộng thì bạn hoàn toàn không thể có được lợi ích; nếu nghi ngờ của bạn tương đối cạn, phạm vi tương đối nhỏ thì bạn có thể được lợi ích cục bộ. Chỉ có hoàn toàn không có mảy may hoài nghi đối với ngôn giáo của Phật-đà, y giáo phụng hành một trăm phần trăm thì chúng ta mới có thể có được lợi ích viên mãn của Phật pháp.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là pháp luân căn bản của Phật pháp, là giáo học nền tảng, trong bộ kinh này không có Đại, Tiểu thừa, không có Tông môn, Giáo hạ, cũng không có Hiển, Mật; hay nói cách khác, đó là môn học chung. Hễ bạn học Phật, bất luận bạn tu học tông phái nào thì cũng đều phải cắm rễ từ bộ kinh điển này, cho nên nó là giáo học căn bản, nền tảng của học tập chính là thập thiện nghiệp đạo. Bộ kinh này kinh văn không dài, nửa phần trước Thế Tôn đã nói rõ ràng tỉ mỉ cho chúng ta lợi ích công đức thù thắng của tu hành thập thiện; nửa phần sau là khai thị cho chúng ta làm thế nào thực hành thập thiện nghiệp vào trong đời sống, trong công việc, trong đối nhân xử thế, tiếp vật, tu hành. Từ đó cho thấy, không thể không học thuộc bộ kinh này, không những phải học thuộc, mà phải học thuộc cho thật nhuyễn. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến lời giáo huấn của Phật đối với chúng ta, như vậy mới gọi là tu hành.
Những điều mà trong bộ kinh này nói, chính là điều thứ nhất trong tịnh nghiệp tam phước của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Điều thứ nhất của tam phước là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”. Chúng tôi đã nói rất nhiều trong các buổi giảng trước đây, hiếu thân tôn sư và bồi dưỡng tâm từ bi đều phải được thực hiện dựa trên thập thiện nghiệp, nếu không có thập thiện nghiệp thì ba câu phía trước đều là rỗng tuếch. Đầy đủ thập thiện nghiệp đạo thì hiếu thân tôn sư, từ tâm không giết mới thành hiện thực, đều đã làm được ba câu phía trước rồi. Đây là điều mà mười phương ba đời tất cả chư Phật từ sơ phát tâm cho đến tu hành chứng quả, trong mỗi sát-na đều không được xa rời; xa rời bộ kinh này là đã xa rời Phật pháp. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của bộ kinh này.
Thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong lợi hành của tứ nhiếp pháp, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều không sát sanh. Mở rộng ý nghĩa của không sát sanh là nhất định không được tổn hại một chúng sanh nào, cho dù là muỗi, kiến thì chúng ta cũng không được phép tổn hại, chúng ta xem chúng cũng giống như người vậy. Chúng ra ngoài là để kiếm ăn, chúng không có tội chết, chúng ta không thể bởi vì ghét chúng mà tùy tiện giết hại chúng, không được phép! Muỗi, kiến, chúng ta còn không nhẫn tâm tổn hại chúng thì sao có thể khởi tâm động niệm tổn hại người được? Trong kinh, đức Phật dạy chúng ta rằng: “Nơi mà Bồ-tát cư trú có thể khiến cho tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ”, đây là lợi hành. Do đó có thể biết, việc mà chúng sanh không hoan hỷ thì chúng ta không được làm, nếu chúng ta làm thì sẽ khiến chúng sanh sanh phiền não, đây không phải là hạnh Bồ-tát, cũng không phải là học Phật, mà là hoàn toàn trái ngược với học Phật. Cho nên tư tưởng, khởi tâm động niệm nhất định phải có lợi cho mọi người, không được nghĩ đến lợi ích của mình, phàm và thánh khác biệt chỉ trong một niệm này, chúng ta nói sự khác biệt giữa chúng sanh và Phật là ở trong một niệm.
Chư Phật Bồ-tát khởi tâm động niệm là lợi ích tất cả chúng sanh. Quý vị phải biết rằng, thật sự lợi ích tất cả chúng sanh chính là lợi ích chính mình đích thực. Nếu sự việc này chỉ lợi ích bản thân, không thể lợi ích chúng sanh, vậy bạn tự mình nghĩ kỹ xem, chắc chắn là tổn hại chính mình, điều này phải quan sát tỉ mỉ thì mới có thể nhìn ra được, sơ ý qua loa thì không nhìn thấy. Người học Phật dụng tâm tinh tế sẽ thấy, nếu thực hành thập thiện nghiệp, thực hành mười điều này vào trong lục độ, áp dụng vào bố thí, áp dụng vào trì giới, áp dụng vào nhẫn nhục, áp dụng vào tinh tấn, áp dụng vào trong tứ vô lượng tâm, tức là áp dụng vào tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, hiện nay thì thực hành vào trong tứ nhiếp pháp, vào trong bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự của tứ nhiếp pháp. Bạn thử nghĩ xem, tâm như vậy tinh tế biết bao!
Trong đời sống thường ngày, trong bất kỳ một pháp nào cũng đều có thập thiện nghiệp, đều đầy đủ viên mãn mười điều này. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày, ngay cả khái niệm này cũng không có, cho nên gọi là sơ ý qua loa. Đời sống của Bồ-tát thì từng li từng tí, không có pháp nào không đầy đủ thập thiện nghiệp, mỗi pháp đều đầy đủ, niệm niệm đều đầy đủ, từng li từng tí đều đầy đủ. Chúng ta hiểu rõ được những việc này thì tâm cung kính đối với Phật Bồ-tát sẽ tự nhiên sanh khởi, vì sao vậy? Vì quả thật không bằng, xác thực không sánh bằng các ngài.
Không sát sanh là lợi ích chúng sanh. Không trộm cắp là tuyệt đối không có ý niệm giành mảy may phần lợi nào của tất cả chúng sanh, tâm giành phần lợi của người khác chính là tâm trộm, chính là trộm cắp, khởi ý niệm này thì sai rồi, huống hồ còn có hành vi? Không tà dâm là tâm địa tuyệt đối thanh tịnh, không hề có mảy may dính nhiễm. Tiếp đó là không nói dối, không nói ly gián thì mới thật sự làm được tứ nhiếp pháp. Nếu trong mỗi điều của tứ nhiếp pháp không đầy đủ thập thiện nghiệp thì bạn làm sao nhiếp thọ chúng sanh? Hôm qua, tôi đã nói với quý vị điều đầu tiên của tứ nhiếp pháp là bố thí. Tinh nghĩa của bố thí, ý nghĩa tinh hoa của nó chính là tứ tất đàn. “Đàn” là đàn-na, bố thí; “tất” là rộng khắp, tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng đều bố thí cho tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới. Chúng ta có làm được hay không? Bạn có thể nghĩ được thì bạn làm được, trong phần khai chương minh nghĩa ở phần đầu kinh này, Phật đã nói với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm của chúng ta nghĩ đến rồi thì chúng ta tự nhiên sẽ làm được thôi. Cho nên ở trước mắt, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần thì tứ nhiếp pháp bèn viên mãn.
“Lợi hành”, nói đơn giản là niệm niệm đều là lợi ích chúng sanh, mà điều thù thắng nhất trong lợi ích chúng sanh là chánh pháp cửu trụ. Chánh pháp ở đâu vậy? Chánh pháp ở trong khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của bản thân chúng ta, chánh pháp ở chỗ này. Chúng ta phải làm được giáo huấn của Phật thì đây là chánh pháp cửu trụ. Làm ra cho người khác thấy, đây là lợi ích chân thật, lợi ích vĩnh hằng, lợi ích không gì bằng. Chư Phật Như Lai thị hiện ở nhân gian tu hành chứng quả, vì sao các ngài không theo đuổi những ngành nghề khác, vì sao phải thị hiện làm Phật, là có dụng ý gì? Thị hiện làm Phật chính là thị hiện chánh pháp cửu trụ. Trong vô lượng vô biên lợi ích thì đây là lợi ích căn bản. Năm mươi ba lần tham vấn ở phần sau cùng của kinh Hoa Nghiêm giống như một cây đại thụ, Phật là gốc rễ của cây này, tham vấn là cành, lá, hoa, quả của nó. Bạn nhìn thấy cây này xanh tốt như vậy, đẹp như vậy, đó là cành, lá, hoa, quả. Bạn thử nghĩ xem, Thích-ca Mâu-ni Phật tại sao không thị hiện hành Bồ-tát đạo trong các ngành các nghề? Ngài có thể kế thừa vương vị, dùng thân phận quốc vương mà hành Bồ-tát đạo, dùng thân phận đại thần để hành Bồ-tát đạo, dùng thân phận trong lĩnh vực ngày nay gọi là giới công thương nghiệp, ngành nghề nào cũng có thể hành Bồ-tát đạo, vì sao ngài phải thị hiện xuất gia dạy học? Ngày nay chúng ta nhìn thấy, ngài là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, ngài biết đây là rễ, đây là gốc, là gốc rễ của tất cả vô lượng vô biên lợi ích chân thật, đây là chánh pháp cửu trụ. Cho nên, ngài dấn thân vào công tác dạy học, công tác giáo dục.
Người Trung Quốc thời xưa biết được, quý vị thử xem thiên Học Ký trong Lễ Ký. Thiên Học Ký này, nói theo người hiện nay là triết học giáo dục cổ xưa của Trung Quốc. Triết học giáo dục này, lý niệm giáo dục này được đặt ra từ thời Hán Vũ Đế, mãi cho đến cuối triều Thanh, hơn 2.000 năm đều không hề thay đổi, đều là y giáo phụng hành, quốc gia nhờ đó mà an định lâu dài. Ở thế gian này, người không phân giàu nghèo sang hèn, không phân già trẻ, không phân ngành nghề, đều tiếp nhận giáo dục này. Trong Phật pháp gọi là đều làm Bồ-tát, học làm Bồ-tát, học làm quân tử, học làm thánh hiền, cho nên giáo dục là đại căn đại bản của lợi hành. Gốc rễ đã như vậy thì cành lá cũng không ngoại lệ. Cho nên, bất luận chúng ta sống đời sống như thế nào, ngày nay là thân phận gì, làm việc trong ngành nghề nào thì nhất định phải dùng tâm yêu thương chân thành mà yêu thương thế hệ mai sau, chỉ dạy thế hệ sau, khiến người đời sau khai mở trí tuệ, dựa trên nền tảng kinh nghiệm và thành tựu của thế hệ chúng ta mà tiến thêm một nấc nữa, đây là lợi hành.
Chúng ta từ những chỗ này mà tư duy thật kỹ, thể hội thật kỹ thì sẽ biết hành đạo thập thiện. Dùng lợi hành của tứ nhiếp pháp mà trang nghiêm thì có thể khiến tất cả chúng sanh được lợi ích chân thật, được lợi ích rộng lớn. Lợi ích này, nói một cách đơn giản là xã hội an định, thế giới hòa bình, phồn vinh hưng vượng, người người đều có thể trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn, đây là lợi hành. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.