PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 11/149
Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, bắt đầu xem kinh văn từ hàng thứ hai, câu thứ hai:
Bấy giờ, Thế Tôn bảo long vương rằng: “Hết thảy chúng sanh do tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp cũng khác nhau, vì vậy mà có sự luân chuyển trong các đường.”
Đây là một đoạn nhỏ. Ở đây, Thế Tôn đã nói rõ cho chúng ta, lục đạo luân hồi là do đâu mà có, một câu này đã nói rõ chân tướng sự thật cho chúng ta rồi. Đúng như điều mà chúng ta thường đọc được trong kinh Đại thừa, Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta: “Do tâm hiện, do thức biến.” “Thức” chính là “tâm tưởng” mà chỗ này nói, bởi do tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp sẽ không như nhau. Nghiệp tuy có ba loại lớn là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp, nhưng ba loại lớn này luôn lấy ý nghiệp làm chủ tể, cũng chính là ý niệm. Những tạo tác của thân và miệng đều do ý niệm quyết định. Niệm thiện thì nghiệp người này tạo là thiện nghiệp, niệm ác thì nghiệp người này tạo là ác nghiệp. Pháp thế gian và xuất thế gian, mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều từ tâm tưởng sanh, đây là chân tướng sự thật, người thế gian gọi là chân lý. Nếu như rõ ràng đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì chúng ta đối với an định của xã hội, hưng vượng của quốc gia, thế giới có hòa bình hay không sẽ rất rõ ràng, rất sáng tỏ. Chúng ta xem từ đâu? Xem tâm tưởng của tất cả chúng sanh, họ đang nghĩ gì.
Ở trong kinh điển, Thế Tôn nói với chúng ta, chúng sanh trong thập pháp giới, cao nhất là pháp giới Phật, thấp nhất là pháp giới địa ngục, tâm tưởng dĩ nhiên là vô cùng phức tạp. Thế nhưng trong vô lượng vô biên vọng tưởng, ý niệm thì cái nào là quan trọng nhất? Ở trong tất cả vọng niệm, chúng ta cần tìm ra vọng niệm đứng đầu, nhân tố đứng đầu. Phật nói cho chúng ta biết, chúng ta bắt đầu nói từ dưới lên. Cõi địa ngục, nghiệp nhân đứng đầu là sân giận, đố kỵ, tâm đố kỵ, sân giận nặng thì chắc chắn sẽ phá hoại việc thiện của người khác, ý niệm tự tư tự lợi vô cùng kiên cố, loại tâm tưởng này sẽ tạo nên cảnh giới địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có vậy? Từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng của ai sanh? Tâm tưởng của chính mình sanh, không liên quan đến người khác. Cá nhân tạo nghiệp thì cá nhân thọ báo, bất luận người nào cũng không thể thay thế được. Chúng ta học Phật, dù thế nào thì trước tiên cũng phải hiểu rõ đại đạo lý này, vậy chúng ta mới biết mình chắc chắn có thể được cứu. Vì sao vậy? Ta không tạo ác nghiệp này, ta không khởi lên ý nghĩ này.
Cõi ngạ quỷ, nghiệp nhân đứng đầu là tâm tham, tham không biết chán. Thực ra cõi nào cũng đầy đủ thập ác nghiệp, nhưng ở trong thập ác, nghiêng nặng về cái nào thì Phật bèn dùng cái đó để nói nghiệp nhân đứng đầu, cho nên tâm tham biến thành ngạ quỷ. Có người học Phật, buông xuống pháp thế gian rồi nhưng lại tham ái Phật pháp, họ đến cõi nào vậy? Vẫn là đọa cõi ngạ quỷ. Tâm tham thì đọa ngạ quỷ, dứt khoát không thể nói tôi đã đổi đối tượng tham rồi, tôi không tham pháp thế gian nữa, tôi tham Phật pháp. Bất luận là thế pháp hay Phật pháp, tâm tham của bạn không hề đổi. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật khuyên dạy chúng ta: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp”, Phật pháp cũng không được tham. Phật pháp là dạy chúng ta rõ lý, dạy chúng ta giác ngộ, đây là điều tốt. Thế nhưng chúng ta cũng không được khởi tâm tham đối với Phật pháp, nếu chúng ta khởi tâm tham đối với pháp thế xuất thế gian thì đều rơi vào cõi ngạ quỷ, điều này cần hiểu rõ. Cõi súc sanh, nghiệp nhân đứng đầu là ngu si. Thế nào là ngu si? Không có trí tuệ, trắng đen điên đảo, không có năng lực phân biệt tà chánh, không có năng lực phân biệt thật giả, thậm chí không có năng lực phân biệt thiện ác, đúng sai, lợi hại, rất dễ tin tưởng nghe theo lời đồn đại, trong tâm do dự, không dứt khoát, đây là cõi súc sanh, súc sanh ngu si. Đây là ba đường ác.
Trong ba đường ác còn có cõi a-tu-la. Thực ra a-tu-la trong kinh Lăng-nghiêm nói rất rõ ràng, trừ địa ngục ra là không có a-tu-la, trong bốn cõi khác đều có, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người, cõi trời, trong các cõi này đều có a-tu-la. A-tu-la ở cõi nào thì tùy theo danh xưng của cõi đó, không xây dựng thêm, thế nên trong kinh thường nói “ngũ thú luân hồi” chính là ý này. Nếu như xem a-tu-la thành một cõi, thì thông thường đều tính a-tu-la cõi trời là một cõi, đây là cõi ở trên cõi người. Cõi người, nghiệp nhân đứng đầu là gì? Phật nói với chúng ta là ngũ giới thập thiện, người có thể tu ngũ giới thập thiện thì mới có thể được thân người. Cho nên, Phật thường nói “thân người khó được nhưng dễ mất”, lời nói này chúng ta hãy lắng lòng suy nghĩ, chẳng phải không có đạo lý. Chúng ta hiện nay có được thân người rồi, nhưng đời sau có thể được thân người nữa hay không? Hãy suy nghĩ thật kỹ xem, ngũ giới chúng ta làm được như thế nào rồi? Thập thiện tu như thế nào rồi? Nếu như ngũ giới thập thiện, tự mình suy nghĩ thấy chưa đạt, không đủ trình độ thì đời sau sẽ không thể được thân người. Thử đem tham sân si mạn của mình so sánh với ngũ giới thập thiện mà xem, nếu như ngũ giới thập thiện của chúng ta quả thật vượt hơn ý niệm tham sân si, vậy chúc mừng bạn, đời sau vẫn có thể được thân người. Giả như ngũ giới thập thiện của bạn so với tham sân si mà không bằng tham sân si, ý niệm tham sân si quá nặng, ngũ giới thập thiện quá mỏng yếu, vậy đời sau nhất định đọa ác đạo. Đây là lời cảnh cáo của Phật cho chúng ta: “Thân người khó được nhưng dễ mất.”
Cõi trời phải tu thượng phẩm thập thiện, tứ vô lượng tâm, tứ vô lượng tâm là “từ bi hỷ xả”. Chúng ta nghĩ xem mình có hay không? Sau đó ngẫm lại xem, cõi trời mình có phần hay không? Cư sĩ Hứa Triết của Singapore thường nói, bà vô cùng tự tin, trong đời sống thường ngày, bạn hãy xem lòng tin của bà: “Ông trời sẽ phù hộ cho tôi.” Sau khi qua đời, bà nhất định được sanh thiên, tiền đồ là một mảng xán lạn, không hề có mảy may nghi ngờ. Hiện nay bà niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh độ, chúng tôi biết bà nhất định vãng sanh. Vì sao biết vậy? Bà quả thật không có tham sân si, đã đoạn hết rồi, ngũ giới thập thiện, tứ vô lượng tâm bà đều đầy đủ cả, vậy bà niệm Phật đâu có lý nào lại không vãng sanh! Đây là tấm gương, là hình mẫu của chúng ta. Người ta có thể làm được, vì sao chúng ta không làm được? Chướng ngại của chúng ta rốt cuộc là ở đâu, phải tìm cho ra chướng ngại, tiêu trừ những chướng ngại này rồi thì chúng ta cũng có thể làm được.
Lại lên phía trên cõi trời nữa, ở đây cũng nói thêm một chút về cõi tu-la. Tu-la cũng tu ngũ giới thập thiện, cũng tu tứ vô lượng tâm, vì sao lại biến thành tu-la vậy? Vì chưa buông xuống tâm hiếu thắng, việc gì cũng muốn hơn người khác. Thắp nén nhang nơi cửa Phật, họ cũng dứt khoát phải thắp nén đầu tiên, thắp nén thứ hai họ cũng không cam tâm. Đây gọi là a-tu-la, quả báo ở a-tu-la, làm việc tốt cũng đều hiếu thắng, đây là nghiệp nhân của cõi a-tu-la. Cho nên a-tu-la hiếu thắng, ưa tranh đấu, ưa tranh hơn với người khác, ở trên trời thường hay đấu tranh với vua trời, ở nhân gian cũng thường ưa đấu tranh với người khác, ở cõi nào họ cũng đều ưa thích đấu tranh. Họ có phước báo, phước báo là do quá khứ trì giới, tu thiện, tích đức. Nếu họ có thể khiêm tốn, có thể nhún nhường, thì người này chắc chắn sẽ sinh cõi trời, chứ không phải cõi a-tu-la.
Chỉ giới thiệu sơ lược về lục đạo vậy thôi, là do tâm tưởng khác nhau. Lên trên nữa, Thanh văn là tâm tứ đế, Bích-chi Phật là tâm thập nhị nhân duyên, Bồ-tát là tâm lục độ, chư Phật Như Lai là tâm bình đẳng. Đây là Phật nói cho chúng ta nhân tố đứng đầu trong thập pháp giới. Chúng ta từ sáng đến tối nghĩ cái gì? Cho nên tự mình lắng lòng tư duy thì biết được mình phải đi đến cõi nào, biết được rất rõ ràng, rất sáng tỏ, việc này đâu cần đi hỏi người khác? Sau khi thật sự sáng tỏ rồi, đại đức xưa khuyên dạy chúng ta “tự cầu đa phước”, đây là điều mà bất cứ ai cũng không thể giúp được, chư Phật Bồ-tát từ bi cỡ nào cũng không thể giúp được, Bồ-tát từ bi chỉ có thể nói những chân tướng sự thật này cho chúng ta biết, còn thọ quả báo như thế nào đều do chính mình chọn lấy.
Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, quay lại nhìn thế giới ngày nay xem, sự cấu thành của thế giới, chúng ta cũng cần nên nhớ kỹ lời Phật đã nói, “y báo chuyển theo chánh báo”, câu nói này là chân lý, là lời thật. Y báo là gì? Là hoàn cảnh sống của chúng ta. Ở trong hoàn cảnh sống của chúng ta có hoàn cảnh nhân sự, có hoàn cảnh vật chất, hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất đều chuyển đổi theo ý niệm của chúng ta. Cư sĩ Hứa Triết gặp chúng tôi, bạn nghĩ thử xem, bà nói thế giới trong con mắt của bà là thế giới tốt đẹp, trong mắt bà tất cả chúng sanh trên thế giới này đều là lương thiện, vì vậy bà sống trong thế giới tốt đẹp, lương thiện. Nhưng hoàn cảnh sống của chúng ta là ngũ trược ác thế, nguyên nhân ở đâu vậy? Do tâm tưởng khác nhau. Bà nhìn thấy mọi người đều là người thiện, bà chỉ nhìn chỗ tốt của người khác, chỉ nhớ nghĩ điều thiện của người khác. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà: “Bà nhìn thấy những người bất thiện, những việc bất thiện kia, người ác, việc ác, bà nhìn họ như thế nào?” Bà nêu ví dụ rất hay, giống như ta đi trên đường, nhìn thấy những người lạ đang đi qua lại trên đường vậy, có nhìn thấy họ hay không? Có nhìn thấy. Có ấn tượng hay không? Không để lại ấn tượng. Thử hỏi khi bạn đi trên đường, bạn nhìn thấy những người nào, bạn còn nhớ được không? Bạn nghe thấy người trên đường nói chuyện, bạn có nhớ họ nói gì không? Không lưu lại ấn tượng. Ấn tượng lưu lại toàn là ấn tượng tốt. Đây chẳng phải do tâm tưởng khác nhau hay sao? “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Ở trong hoàn cảnh vật chất, bà cũng chỉ nhớ hoàn cảnh tốt, tuyệt đối không nhìn thấy hoàn cảnh tồi tệ. Loại quan niệm, kiến giải, hành vi này của bà, há chẳng phải là “cảnh duyên không tốt xấu” mà đại sư Ngẫu Ích đã nói hay sao? Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự. Nhân sự và vật chất bên ngoài, thật ra mà nói là không có tốt xấu, không có thiện ác, cũng không có đúng sai, tất cả mọi đúng sai, thiện ác, tốt xấu đều sinh khởi từ trong tâm của chúng ta. Tâm của mình thuần thiện thì thế giới này của chúng ta tốt đẹp, tâm của mình bất thiện thì thế giới Cực Lạc cũng là thế giới trược ác. Cho nên câu nói này của Phật, chúng ta phải khắc ghi trong lòng, “hết thảy chúng sanh, do tâm tưởng khác nhau, nên tạo nghiệp cũng khác nhau”, cho nên quả báo không như nhau.
Chư Phật Bồ-tát là người đại tu hành chân chánh, tâm địa của các ngài là “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, vì vậy cảnh giới của các ngài luôn tốt đẹp. Cảnh giới tốt đẹp thì phải tự mình cầu, tự mình tu, không phải do người khác cho bạn, bạn phải hiểu đạo lý này, hiểu chân tướng sự thật này. Ngày nay, chúng ta thử nhìn lại muôn vàn chúng sanh trong thế gian này, chúng sanh tâm tưởng bất thiện. Bất thiện như thế nào? Chuyên nhìn thấy khuyết điểm của người khác, chỉ nhớ lỗi lầm của người khác, việc này hỏng rồi! Thế gian không có người nào là người tốt, thế gian không có việc gì là việc tốt, đọa lạc ở trong đó, là cõi ác ở nhân gian.
Vì sao ngày nay tỉ lệ ly hôn cao như vậy? Quý vị phải hiểu rằng tỉ lệ ly hôn cao thì xã hội động loạn. Toàn bộ kết cấu xã hội là gì vậy? Là gia đình. Bạn xem nhà Nho nói, điều mà nhà Nho nói là đại đạo lý, không thể thay đổi, là chân lý, “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Bình thiên hạ là thiên hạ được công bình, được hòa bình, là ý nghĩa này. Bình thiên hạ chính là ngày nay chúng ta gọi là thế giới hòa bình. Thế giới hòa bình nhờ vào đâu vậy? Nhờ vào sự hưng vượng của quốc gia, mỗi một quốc gia đều hưng vượng thì thế giới hòa bình. Quốc gia hưng vượng thì phải nhờ vào gia đình, gia đình nhờ vào vợ chồng, tu thân! Hai bên đều có tình cảm với nhau thì mới kết hôn, sau khi kết hôn rồi, hai bên nhìn nhau đều thấy chướng mắt, đều nhìn vào khuyết điểm của đối phương, vậy thì xong rồi, không được mấy ngày sẽ ly hôn thôi, nhà tan rồi! Gia không tề thì quốc không thể trị, thiên hạ sẽ loạn. Cho nên, nam nữ kết hôn không phải là việc của hai người họ, hai người họ là chuyện nhỏ, họ đã hại toàn thể. Thế giới giống như cơ thể này của chúng ta vậy, gia đình là một tế bào trên cơ thể chúng ta, tế bào này hỏng rồi thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể. Mấy người hiểu được đạo lý này? Nếu hai người này ở cùng nhau chỉ nhìn vào điều tốt của đối phương, chỉ nhớ ưu điểm của đối phương thì làm sao họ tan vỡ được? Không thể! Chỉ sai lầm trong một niệm mà đã hủy hoại hết toàn bộ tiền đồ của mình rồi, đây đích thực là ngu si đến cực điểm.
Tại sao có hiện tượng này vậy? Vì không có người dạy. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật rất từ bi nói: “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy.” Thật đáng thương! Cho nên, hòa bình và ổn định của thế giới được xây dựng trên nền tảng của giáo dục, đứng đầu là giáo dục gia đình, rồi đến giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, giáo dục tôn giáo, đây là bốn trụ cột lớn. Nếu như giáo dục sụp đổ thì chúng sanh chắc chắn phải sống cuộc đời rất đau khổ, xã hội không an định, thế giới không hòa bình. Cho nên, thời xưa nam nữ kết hôn là một sự nghiệp lớn nhất, nghi lễ vô cùng long trọng. Đó là nói cho bạn biết, hai người bạn kết hợp lại không phải là việc riêng của hai bạn, là chuyện đại sự của quốc gia, thiên hạ, tức là hy vọng các tế bào của toàn bộ cơ thể này được kiện toàn khỏe mạnh, bạn không phải là tế bào hỏng, chúng ta phải hiểu đại đạo lý này. Thế nên, chúng ta đọc đoạn kinh văn này thì hiểu được lục đạo luân hồi do đâu mà có, an nguy của xã hội, thế giới hòa bình được xây dựng từ đâu. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến chỗ này.