PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 132/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem điều thứ ba của bát chánh đạo là “chánh ngữ”, ngữ là ngôn ngữ, tiêu chuẩn của chánh ngữ vẫn là thực hành bốn loại thiện nghiệp trong kinh này: thứ nhất là không nói dối, thứ hai là không nói ly gián, thứ ba là không nói thêu dệt, thứ tư là không nói thô ác. Phạm vi của bốn điều này vô cùng rộng lớn, Phật nói cho chúng ta bốn cương lĩnh này, nếu như chúng ta có thể thọ trì, y giáo phụng hành thì ngữ của chúng ta chính là chánh ngữ, chính là thiện ngữ. Ngữ là từ tâm sanh, muốn thân ngữ thiện thì tâm phải thiện. Tâm tánh của chúng ta, trong chân tâm bổn tánh tuyệt đối không có mảy may lỗi lầm, lỗi lầm còn không có thì làm gì có ý niệm ác? Chân tâm bổn tánh là thuần thiện.
Ngày trước Trung Quốc dạy trẻ nhỏ, trẻ nhỏ bốn, năm tuổi bắt đầu đi học là học Tam Tự Kinh, câu đầu tiên là: “Người ban đầu, tánh vốn thiện.” Câu nói này là thật, tánh này là bổn tánh, là chân tâm, tánh vốn dĩ là thiện, thuần thiện, không có mảy may xấu ác. Vì sao chư Phật Như Lai thấy tất cả chúng sanh đều là Phật? Các ngài nhìn từ nơi bổn tánh, chính là nhìn từ nơi “tánh vốn thiện”, tất cả chúng sanh đều là tánh vốn thiện, tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật; các ngài chính là nhìn như vậy, không hề nhìn sai chút nào. Hiện nay phiền não của chúng ta hiện hành, ngay cả ở trong mắt cũng không có Phật Bồ-tát. Đây là nguyên nhân gì? Chúng ta chính mình đã mê mất bổn tánh; chẳng phải không có bổn tánh, có nhưng mê rồi. Mê mất đi bổn tánh cũng chính là mê mất đi bổn thiện, cho nên biến thành thế nào? Biến thành bất thiện. Đây chính là câu thứ hai của Tam Tự Kinh: “Tánh gần nhau, tập xa nhau.” Gần nhau là giống nhau, chính là tất cả chúng sanh và chư Phật Như Lai không hề khác biệt, tánh vốn thiện. Thế nhưng hiện tại thì khác biệt, khác ở chỗ nào? Tập xa nhau. Tập là gì? Tập là tập khí, thói quen. Chúng ta từ nhỏ đã dưỡng thành thói quen không tốt, không chỉ là từ nhỏ, mà là đời đời kiếp kiếp, trong đời quá khứ vô lượng kiếp đến nay đã dưỡng thành tập khí, thói quen không tốt rồi. Điều này thật phiền phức, như vậy thì với bổn thiện sẽ càng ngày càng xa, quả báo là biến thành mười pháp giới, biến thành sáu cõi, biến thành ba đường ác.
Cho nên phải biết mười pháp giới, sáu cõi, ba đường ác đều là từ tập tánh biến hiện ra. Nó có hay không? Xác thực là không có. Những thứ này giống như nằm mộng vậy. Do đây có thể biết, mê mất bổn chân, mê mất bổn tánh, họ đang ở trong giấc mộng lớn, giấc mộng này nếu họ không thể tỉnh lại thì phiền phức lớn! Nếu họ tỉnh lại thì họ sẽ thành Phật, họ sẽ khôi phục bổn thiện. Do đây có thể biết, chư Phật Bồ-tát xuất hiện ở thế gian không gì khác hơn là giúp chúng ta phá mê khai ngộ; cũng chính là nói công tác của chư Phật Bồ-tát ở thế gian chính là đánh thức người trong mộng mà thôi. Chúng sanh sáu cõi, chúng sanh mười pháp giới đều là người trong mộng. Các ngài đến đây để thức tỉnh chúng ta. Ngôn hạnh của các ngài đều khơi gợi dẫn dắt chúng ta, giúp chúng ta giác ngộ. Đến khi nào chúng ta mới thể hội được? Việc này phải xem căn tánh của mỗi người, duyên phận của mỗi người.
Phật thường nói trong kinh, căn tánh của tất cả chúng sanh có thể phân thành ba bậc: thượng, trung, hạ. Thượng, trung, hạ là phần lớn, còn phân chia tỉ mỉ thì rất phức tạp. Người thượng căn tiếp xúc với Phật pháp, họ có thể lĩnh ngộ, họ sẽ học tập theo Phật, y giáo phụng hành, họ có thể làm theo; hay nói cách khác, họ một đời liền thành tựu, liền được độ. Họ có thể buông xuống toàn bộ tập khí và thói quen của chính mình, tùy thuận Phật Bồ-tát, trải qua đời sống giống như Phật Bồ-tát, họ liền thành công, một đời liền thành tựu, đây là thượng căn. Người trung căn cũng có thể tiếp nhận, nhưng họ không phải hoàn toàn tiếp nhận, họ tiếp nhận một phần, vì sao vậy? Vì họ không thể hoàn toàn buông xuống tập khí ô nhiễm của mình, cũng chính là họ không cách gì y giáo phụng hành được 100%, họ chỉ có thể làm đến phân nửa, hoặc là hơn phân nửa một chút, cho nên đời này không thể thành tựu được. Đời này thành tựu thì cần phải làm được 100%, nếu bạn nói: “Bạn làm được 99%, vẫn còn một phần chưa làm được”, vậy thì đời này bạn cũng không thể thành tựu. Quý vị cần phải biết, tu học Phật pháp thì không được giảm bớt, khác biệt giữa thượng căn và trung căn chính là ở chỗ này. Người hạ căn càng kém hơn, bán tín bán nghi, cũng chịu làm, nhưng đại khái chỉ làm được mấy phần trăm mà thôi, vì sao vậy? Họ không cách gì buông xuống tập khí của mình. Chúng ta thấy rất nhiều người hạ căn, tập khí cả đời đều không sửa đổi, loại người này cả đời học Phật chỉ có thể nói là kết duyên với Phật, gieo hạt giống Phật vào trong a-lại-da, họ đáng phải luân hồi thế nào thì vẫn phải luân hồi như thế đó, đáng đọa ba đường ác thì vẫn phải đọa ba đường ác, không còn cách nào; cũng chính là nói, họ làm không được.
Điểm này chúng ta phải đặc biệt chú ý, cho dù pháp sư học giảng kinh, biết giảng cho người khác nghe, không giảng sai, nhưng chính mình không làm được thì quả báo như thế nào? Quả báo vẫn là đọa ba đường ác. Quý vị phải nên biết, giảng kinh cũng không cứu được chính mình, giảng kinh là thuộc về phước đức, không phải công đức. Việc này Lục tổ nói rất hay trong Đàn Kinh, việc lớn sanh tử này thì “phước không thể cứu”. Cho nên giảng kinh là tu phước, chúng ta nhất định phải biết làm thế nào đem phước đức biến thành công đức thì chúng ta chính mình sẽ được độ. Muốn đem phước đức biến thành công đức, đại đức xưa nói với chúng ta hãy “tùy văn nhập quán”, vậy thì biến thành công đức. Dựa theo kinh văn mà chúng ta khế nhập cảnh giới; cũng chính là nói, dựa vào kinh văn mà sửa đổi quan niệm của chính mình, vậy thì biến thành công đức, việc này có lợi ích lớn đối với chính mình. Tấm gương tốt nhất chính là 53 lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm. Bạn thấy đó, ngài tham vấn một vị thiện tri thức, ngài thật sự là tùy văn nhập quán, tùy ngữ nhập quán, thiện tri thức khai thị cho ngài, khi nhìn thấy hành vi của thiện tri thức, ngài bèn tùy ngữ nhập quán, tùy hạnh nhập quán, loại tu hành này thật cừ khôi! Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài thảy đều là trí tuệ, cho nên ngài thành Phật ngay trong một đời, không phải đến đời thứ hai; tham vấn một vị thiện tri thức thì cảnh giới của ngài nâng lên thêm một tầng, từ Sơ trụ, Nhị trụ cho đến Đẳng giác, vậy thì thành tựu rồi.
Có lẽ có người nói: Thiện Tài có số may mắn gặp được thiện tri thức tốt đến như vậy, chúng ta không tốt số như thế. Cách nghĩ này hoàn toàn sai lầm, đây gọi là tà kiến, không phải chánh kiến. Kinh Hoa Nghiêm bày ra trước mặt bạn, bạn hãy đọc từng quyển một, mỗi lần đọc một quyển thì cảnh giới của chính mình liền nâng lên cao, tuyệt đối không thua kém Thiện Tài đồng tử. Ta đọc đến chương Sơ trụ thì ta chính là Sơ trụ Bồ-tát; đọc chương Nhị trụ thì ta chính là Nhị trụ Bồ-tát; đọc đến sau cùng chính là Đẳng giác Bồ-tát, vậy thì thành Phật rồi. Đây là gì? Tùy văn có thể nhập quán. Quán là gì? Là quan niệm. Dựa vào kinh văn mà sửa đổi quan niệm của chính mình, đem những tập khí, tập tánh ô nhiễm từ vô lượng kiếp đến nay thảy đều sửa đổi hết, đây là người thượng thượng căn. Vậy thì không uổng công đọc kinh, không uổng công xem kinh, mỗi một biến đều khế nhập vào cảnh giới trên quả địa Như Lai. Nếu chúng ta học được phương pháp tu hành này thì có lợi ích lớn đối với chính mình. Nếu như không thể, vậy thì hạ xuống mức độ thấp nhất, nhất định phải tương ưng với bốn loại khẩu nghiệp thiện, phải “khéo giữ khẩu nghiệp”; bạn không thể tùy văn nhập quán thì bạn phải từ khẩu nghiệp mà hạ công phu, công phu này có chỗ tốt, thế nhưng phiền não tập khí của bạn chưa đoạn hết. Đối với tất cả chúng sanh nhất định không được có tâm dối gạt, đương nhiên chúng ta sẽ không nói dối; nhất định không có tâm tổn hại, nhất định không có tâm chiếm tiện nghi của người khác. Trước tiên tu tâm, sau đó mới có thể chân thật làm được không nói dối, bất luận đối với người nào, mỗi câu đều là lời thành thật.
Chúng ta nghĩ đến tất cả chúng sanh, ý niệm đầu tiên thường là bảo vệ chính mình, “nếu tôi nói lời nói này gây bất lợi cho chính mình thì làm sao?” Họ liền không dám nói lời thành thật. Chỗ này chúng ta nhất định phải nghĩ rằng, bất lợi đối với ta, có tổn hại đối với ta, nhưng tổn hại này đến mức độ nào? Trong đây có phương tiện khéo léo. Nếu mức độ tổn hại không lớn, chúng ta vẫn phải nói lời thành thật. Nếu là tổn hại nặng nề, từ chính mình dẫn đến liên lụy xã hội, liên lụy đến quần chúng, vậy thì có thể không nói lời thật; điều này ở trong nói dối gọi là khai duyên, giới điều này là khai giới, không phải phá giới, không những không có tội lỗi, mà còn có công đức. Việc này trong kinh Phật thì Thế Tôn có nêu ra thí dụ để nói, có một người thọ trì ngũ giới thập thiện, gặp một người đi săn ở ngã ba đường, người đi săn này đuổi theo một con thỏ, muốn giết con thỏ này. Con thỏ này chạy vào con đường kia, người trì giới này nhìn thấy. Người đi săn hỏi người trì giới: “Anh có nhìn thấy con thỏ không?” Người trì giới đáp: “Tôi nhìn thấy.” Người đi săn hỏi: “Nó chạy về hướng nào?” “Chạy về hướng bên đó”, người này chỉ sai phương hướng, đây là nói dối, việc nói dối này cứu được mạng con thỏ, đây là tâm thiện, lại còn cứu được người đi săn, người đi săn này sát sanh, tương lai phải chịu quả báo, hai bên đều được cứu. Cho nên, đây gọi là khai duyên, việc này không gọi là phá giới. Cho nên tu học ngũ giới thập thiện, đây là căn bản, nhất định phải biết được “khai, già, trì, phạm”, ở trong tình huống nào thì phải dùng phương pháp gì, phải linh hoạt, không được chết cứng, không cứng nhắc.
Lại nói về giới trộm cắp, thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ, về sau là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh độ tông chúng ta, trước khi xuất gia, ngài làm một quan chức nhỏ, là một viên chức quản việc xuất nạp thuế ở phòng thuế vụ, tiền bạc thường hay qua tay của ngài, ngài đã lấy trộm. Đó là tiền thuế của quốc gia, là công khoản trong quốc khố, ngài thường lấy trộm tiền này, lấy để làm gì? Phóng sanh. Về sau bị người ta phát hiện, đem việc này báo lên quan, quan trên hỏi ngài: “Ngươi có lấy trộm không?” Ngài rất thành khẩn thú nhận là có lấy trộm. “Trộm bao nhiêu tiền?” Ngài nói ra hết tất cả. Việc này bị phán hình phạt tử hình, ngài tuyệt nhiên không trốn tránh, bằng lòng tiếp nhận hình phạt này; đây là một người thành thật, chắc chắn không có một câu nói dối. Hoàng đế khi đó gặp vụ án như vậy, cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng vẫn phải chiếu theo pháp luật mà xử chém đầu.
Trói ngài đến pháp trường để chấp hành tử hình, bị chém đầu. Hoàng đế dặn dò quan giám sát xử trảm: “Khi chuẩn bị giết ông ấy, nếu thấy thái độ của ông ấy rất ung dung, không hề lo sợ, không hề kinh hãi thì khanh hãy đưa ông ấy đến gặp ta. Nếu thấy ông ấy rất lo lắng, rất sợ hãi, thì cứ giết đi là được.” Kết quả, khi đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ được dẫn đến pháp trường, thái độ của ngài rất ung dung, rất hoan hỷ. Quan giám sát xử trảm hỏi ngài: “Vì sao ông có thái độ như vậy?” Ngài nói: “Một mạng của tôi có thể cứu sống được ngàn vạn sinh mạng thì thật là xứng đáng!” Quan giám sát xử trảm đem câu nói này trình lên hoàng đế, hoàng đế bèn triệu kiến. Sau đó hỏi chí nguyện của ngài, ngài nói ngài muốn xuất gia, hoàng đế thành tựu chí nguyện của ngài, làm hộ pháp cho ngài. Ngài phạm giới trộm cắp không phải là vì chính mình, mà vì cứu giúp tất cả chúng sanh, ngài sẵn sàng dùng sinh mạng của chính mình để đổi lấy sinh mạng của những chúng sanh này, tâm của ngài phát ra là tâm Bồ-tát. Nếu như trộm cắp là vì lợi ích chính mình thì đây là tội lớn; Vĩnh Minh Diên Thọ làm việc này là thuộc về khai duyên, là vì cứu giúp tất cả chúng sanh. Cho nên bạn tỉ mỉ mà quan sát, giới điều của nhà Phật là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đều xét đến mọi mặt, vô cùng hoàn thiện.
Khẩu nghiệp là dễ tạo nhất, người xưa nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra.” Nếu bạn muốn thân thể khỏe mạnh thì phải hết sức cẩn thận khi ăn uống; nếu bạn muốn cả đời được bình an thì lời nói của bạn phải cẩn thận. Nhất định không được tổn thương người khác, nhất định không được tạo ác nghiệp, phải giữ được không nói dối, không nói dối sẽ có lợi ích lớn đối với chính mình. Không nói ly gián là nhất định không được khiêu khích thị phi, cho dù nhìn thấy có những việc không như pháp, nếu chúng ta không thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật thì không được tùy tiện kết luận phán xét; nhất định phải làm rõ chân tướng sự thật, đáng nên nói thế nào thì mới nên nói như thế đó. Chúng ta là phàm phu mắt thịt, cho nên nhìn thấy Phật Bồ-tát có rất nhiều sự hành trì dường như là không như pháp, kỳ thật không phải vậy, họ không có lỗi lầm, chính chúng ta có lỗi lầm.
Hơn nữa, khiêu khích thị phi thì nghiệp tạo ra nặng vô cùng. Trong gia đình mà khiêu khích thị phi, khiến cho người cả nhà bất hòa thì phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả; trong một đoàn thể mà khiêu khích thị phi, khiến cho đoàn thể này bất hòa, nếu là đoàn thể Phật giáo thì là “phá hòa hợp tăng”, tội phá hòa hợp tăng là đọa địa ngục A-tỳ. Trong Giới Kinh, Phật nói năm nghiệp nhân đọa địa ngục A-tỳ là: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng. Phá hòa hợp tăng chính là ưa thích khiêu khích thị phi. Bởi vậy, trong tăng đoàn tuy là có những sự việc không như pháp, chúng ta nhìn thấy rồi có dám nói hay không? Không dám nói. Vì sao không nói? Sợ làm cho tăng đoàn chia rẽ, chúng ta là người nói ra thì sẽ có trách nhiệm. Khi chúng ta nhìn thấy sự việc này thì chỉ có thể khuyên bảo riêng, khuyên người sửa lỗi hướng thiện; nếu khuyên bảo không nghe thì chúng ta rời khỏi là được, quyết không được có một câu phê bình. Vì sao vậy? Nếu như bạn ở bên ngoài phê bình tăng đoàn này thì bạn sẽ làm cho tín chúng mất lòng tin đối với tăng đoàn, vẫn là phá hoại tăng đoàn, trách nhiệm nhân quả này quá lớn quá lớn, nhưng hiện tại rất nhiều người không biết. Bất kỳ một đoàn thể nào, chúng ta đều hy vọng họ có thể chung sống hòa thuận, do đó không được chia rẽ, không được phá hoại. Nói rộng hơn đó là đoàn kết chủng tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quốc gia, nhất định phải nghĩ đến những việc này, có vậy thì chúng ta chắc chắn không dám khiêu khích thị phi. Ác ý dựng chuyện sanh sự thì quả báo càng nghiêm trọng hơn. Nói thêu dệt là lời nói ngon ngọt lừa gạt chúng sanh, mê hoặc chúng sanh. Nói thô ác là nói lời thô lỗ, rất dễ tổn thương người khác, không hay không biết gây tổn thương người khác mà chính mình vẫn không hề biết. Đây đều là gây chướng ngại cho chính mình, nhất định phải biết để ngăn ngừa! Khi muốn nói chuyện, Phu tử nói: “Nghĩ kỹ hãy nói”, nghĩ kỹ xem có nên nói lời này hay không, phải bắt đầu từ ngay chỗ này mà tu “chánh ngữ”. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.