PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 87/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bốn, hàng cuối cùng:
Nhẫn nhục trang nghiêm nên được viên âm của Phật, đủ các tướng hảo.
Đây là nói hành thập thiện nghiệp đạo, thực hành vào trong nhẫn nhục ba-la-mật. Hai câu phía trước của đoạn kinh văn này sẽ xuyên suốt toàn bộ tất cả kinh văn bên dưới, đó là câu “nêu ra điều trọng yếu để nói, hành đạo thập thiện”, tiếp theo chính là “vào trong nhẫn nhục trang nghiêm nên được viên âm của Phật, đủ các tướng hảo”, đọc như vậy thì ý nghĩa sẽ rất hoàn chỉnh. Đây là người kết tập kinh tạng đã tỉnh lược về mặt văn tự, cách tỉnh lược này là mỹ hóa văn chương. Người Trung Quốc bất luận là trên văn tự hay trong ngôn ngữ, đều chú trọng “giản yếu tường minh”, tức là tuy đơn giản, yếu lĩnh, nhưng vẫn tường tận, rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn này thì là văn chương hay, ngôn ngữ hay. Vì vậy phiên dịch kinh Phật cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc này. Chúng ta đọc tụng, nghiên cứu, giảng giải nhất định phải hiểu được nghĩa thú viên mãn đầy đủ hàm chứa trong bài văn, đều là nêu ra điều trọng yếu để nói.
Nhẫn nhục là việc rất khó làm, đặc biệt là khi bị sỉ nhục. Sáu ba-la-mật trong Phật pháp Đại thừa, Phật chỉ nói một chữ “nhẫn”, mà không phải chuyên chỉ cho nhẫn nhục. Sau khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc, pháp sư dịch kinh đặc biệt thêm chữ “nhục” vào điều này, nguyên nhân là gì? Người có học ở Trung Quốc thời xưa, chúng ta gọi là giai cấp sĩ đại phu, nói theo hiện nay thì chính là phần tử trí thức. Người Trung Quốc vô cùng tôn kính phần tử trí thức, có thể nói Trung Quốc lập quốc 5.000 năm nay, phần tử trí thức giữ địa vị vô cùng quan trọng, bất luận là thay đổi triều đại như thế nào, không ai không tôn trọng phần tử trí thức, cho nên có câu “tuyển chọn người tài đức”. Trước đây giai cấp sĩ đại phu có câu: “Kẻ sĩ có thể chết, không thể bị nhục”, người có học ở Trung Quốc xem việc bị sỉ nhục là vô cùng nghiêm trọng, đây là điều không thể nhẫn chịu được; chém đầu cũng không sao, còn có thể chịu được, chứ bị sỉ nhục thì không thể chịu được. Pháp sư dịch kinh nhìn thấy giai cấp sĩ đại phu có sự chấp trước nghiêm trọng như vậy, cho nên đã thêm chữ “nhục” vào phía sau chữ “nhẫn”. Nếu như nhục còn có thể nhẫn thì đương nhiên không có gì không thể nhẫn được, mọi thứ đều có thể nhẫn được, cho nên đặc biệt dùng chữ “nhẫn nhục”. Chúng ta phải hiểu danh từ này, trong nguyên văn kinh Đại thừa, kinh điển tiếng Phạn hoặc là kinh điển tiếng Pa-li ngày nay, kinh điển bằng tiếng Tạng đều không có nghĩa nhẫn nhục này, chúng ta phải biết điều này.
Nếu không thể nhẫn thì chúng ta có thể tưởng tượng ra được. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều người, thậm chí kể cả chính mình, bạn xem khi bạn không nhẫn được thì đức tướng đó nó sẽ như thế nào? Thử soi gương là biết ngay, hiện nay có thể ghi hình thì càng rõ hơn, bạn xem bộ dạng đó như thế nào? Chắc chắn không thể khiến người khác nhìn thấy mà sanh tâm hoan hỷ được, sẽ khiến người khác nhìn thấy sợ hãi, chán ngán, tránh xa bạn, không dám đến gần. Tình trạng này, bất luận là thế pháp hay Phật pháp thì đều là phá hoại chứ không phải thành tựu.
Nếu chúng ta muốn có được thành tựu viên mãn trong pháp thế xuất thế gian thì nhẫn là công phu, nhẫn là mấu chốt. Ngạn ngữ Trung Quốc thường nói: “Việc nhỏ không thể nhẫn thì sẽ hỏng việc lớn”, trong kinh Kim Cang Bát-nhã mà mọi người đọc rất thuộc, Phật đã nói một câu danh ngôn: “Hết thảy pháp thành tựu nơi nhẫn.” Thế xuất thế gian bất luận việc lớn việc nhỏ, bạn muốn thành tựu thì phải làm được nhẫn. Ý nghĩa của nhẫn sâu rộng vô tận. Điều quan trọng nhất là trong đời sống thường ngày, con người chắc chắn không thể tách rời xã hội để tồn tại độc lập, mà con người nhất định phải dựa vào đại chúng, sống chung với đại chúng nếu không thể nhẫn thì làm sao được? Nhất là trong thời đại mạt pháp hiện nay, thời đại này phiền phức rất nhiều. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn vô cùng cảm thán nói với chúng ta: “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy.” Chúng ta từ nhỏ không được tiếp nhận nền giáo dục tốt đẹp nên đã dưỡng thành rất nhiều tập khí bất thiện, rất khó sống chung với đại chúng, điều này khó!
Chúng ta thử xem pháp thế xuất thế gian, phàm là người có thành tựu, làm sự nghiệp càng lớn, có địa vị càng cao thì càng khiêm tốn, càng hòa kính, như vậy họ mới được người khác tôn kính, được người khác ngưỡng mộ, họ làm một việc có thể khiến bạn cả đời cảm ơn không hết. Trước đây khi còn trẻ, tôi từng làm nhân viên công vụ nhỏ, có đi làm. Khi đi làm có lúc công việc không nhiều thì chúng tôi ở văn phòng xem báo chí, đọc sách, đây là việc thường làm. Tôi có thói quen xấu, đó là ngồi trên ghế không ngồi cho đàng hoàng, mà dựa lưng ra sau ghế, chổng hai chân ghế phía trước lên, nằm rất thoải mái. Thủ trưởng của tôi từ phía sau đi đến, vỗ vỗ lên vai tôi, tôi vừa thấy liền đứng dậy ngay, ông không hề khiển trách tôi, ngược lại còn nói rất nhẹ nhàng từ tốn, ông nói: “Anh ngồi như vậy dễ bị ngã, dễ bị thương đó.” Ông không nói gì khác, một lần dạy bảo mà cả đời không quên, tôi vĩnh viễn sửa đổi tật xấu này. Nếu như ông quát tháo một trận, mắng tôi một trận, lên lớp [dạy đời] một trận, thì khi ông đi rồi tôi vẫn ngồi kiểu như vậy, vì không phải khâm phục từ nội tâm, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ông chỉ dạy tôi, chẳng khác nào cho tôi một buổi học, tôi hiểu được rồi, nếu tôi làm thủ trưởng thì tôi nên đối xử với cấp dưới của mình như thế nào để có được sự ủng hộ chân thành từ họ, để họ hết lòng phụ trách làm việc cho tôi? Đều là do khiêm kính. Khiêm tốn và cung kính người khác, từng giây từng phút chỉ cần chúng ta lưu ý thận trọng thì nơi nơi đều là chỗ để chúng ta học tập.
Trước đây đại sư Thái Hư đề xướng “Bồ-tát học xứ”, trước tiên chúng ta phải học cách chung sống với mọi người. Chung sống với mọi người thì điều quan trọng nhất là phải hòa thành một khối với mọi người. Ngày nay, Phật giáo chúng ta không bằng Ki-tô giáo, Thiên Chúa giáo, nguyên nhân là chúng ta không thể hòa thành một khối với người nghèo khổ nhất, không thể sống cuộc sống nghèo khổ. Hôm qua có hai vị nữ tu Thiên Chúa giáo đến thăm tôi, cho nên thời gian giảng kinh của chúng ta đã chậm nửa tiếng đồng hồ. Tôi tiếp kiến họ, họ ở châu Phi xây một bệnh viện, họ nói với tôi là người châu Phi vô cùng đáng thương, họ đã làm việc ở bên đó 12 năm rồi, bệnh viện và trường học rất ít, cho nên bệnh nhân đi khám bệnh phải đi quãng đường rất xa mới có thể đến phòng khám của họ. Họ mong có được một chiếc xe cứu thương, nên họ đến tìm tôi, tôi nhận lời tặng họ một chiếc xe. Chúng tôi nghe rồi thì vô cùng cảm động, những nơi đó thì người trong Phật giáo chúng ta đều không muốn đi, còn họ thì chịu đi, lại có thể chịu khổ giống như cư dân ở đó vậy, không hề có mảy may than vãn, mà hòa thành một khối với mọi người, toàn tâm toàn lực chăm sóc những người này, giúp đỡ những người này.
Giống như nữ tu Hứa Triết của Singapore chúng ta, bà cả đời cũng làm như vậy. Trong mắt bà chỉ có chúng sanh khổ nạn, người già, người bệnh, trước giờ bà chưa từng nghĩ đến bản thân, luôn hòa thành một khối với những người này. Đây là hy hữu hiếm có, đây là việc mà chúng ta rất cần phải noi theo, cần phải chú ý đến. Trong thế pháp và Phật pháp, cổ thánh tiên hiền chỉ dạy chúng ta, chúng ta ở cương vị công tác nào thì nhất định phải làm tốt công việc thuộc bổn phận của mình, mỗi người đều có thể làm tốt công việc bổn phận của mình thì thế giới này tốt đẹp hài hòa. Mọi người cần phải hỗ trợ hợp tác, nếu không có công phu nhẫn nhục thì không thể thành tựu. Nhẫn nhục thì nhất định phải được thực hiện trong đời sống thường ngày của chúng ta, mọi việc đều phải nhẫn, Phật dạy chúng ta tùy duyên, nếu không thể nhẫn thì không thể tùy duyên; khăng khăng muốn thuận theo ý của mình, thuận theo sự ưa ghét của mình thì khó rồi. Đâu biết rằng sự ưa ghét của chính mình là phiền não, khiến tâm không thanh tịnh; có thể buông xuống sự ưa ghét của chính mình, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức thì công đức đó chính là nhẫn nhục ba-la-mật.
“Trang nghiêm” chính là làm đến tận thiện tận mỹ, bạn tu nhẫn nhục đến mức độ tận thiện tận mỹ thì bạn được quả báo. Hai câu trên là nói tổng quát. “Được viên âm của Phật”, Phật dùng một âm thanh thuyết pháp, chúng sanh tùy loại đều nghe hiểu, âm này mới là viên âm. “Đủ các tướng hảo”, nhân tố của tướng hảo quả thật rất nhiều, trong rất nhiều nhân tố thì nhân tố đứng đầu là nhẫn nhục. Bồ-tát tu thành Phật còn phải đặc biệt dùng thời gian 100 kiếp, đây không phải là thời gian ngắn, để tu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp; 100 kiếp này tu pháp môn gì vậy? Thưa với quý vị, vẫn là sáu ba-la-mật, nhưng trong sáu ba-la-mật lấy nhẫn nhục ba-la-mật làm đầu. Chúng ta muốn hỏi, vì sao các ngài phải tu tướng hảo? Vì chúng sanh thích tướng hảo, chúng sanh thích tướng hảo nên Phật dùng tướng hảo để nhiếp thọ chúng sanh.
Xác thực là tướng hảo của Phật đã độ rất nhiều chúng sanh. Chúng ta xem trong kinh điển, A-nan là một ví dụ rõ rệt nhất. Tại sao A-nan xuất gia? Vì sao học với Thích-ca Mâu-ni Phật? Chính là nhìn thấy tướng hảo của ngài. Trong kinh Lăng-nghiêm, Phật hỏi A-nan: “Tại sao ông phát tâm xuất gia?” A-nan đáp: “Vì ngưỡng mộ tướng hảo của Phật.” Phật nói tướng hảo này không phải do cha mẹ sinh ra, đây là do ngài tu được. Cho nên A-nan phát tâm học Phật, không học gì khác mà muốn học tướng hảo. Như vậy bạn mới biết được tướng hảo nhiếp thọ chúng sanh, sức mạnh này mạnh biết bao! Thật ra mà nói, Thích-ca Mâu-ni Phật sớm đã chứng được quả địa cứu cánh viên mãn rồi, ngài còn cần tu tướng hảo sao? Ngài làm ra cho phàm phu sáu cõi chúng ta xem. Phàm phu sáu cõi có người nào không muốn mình có tướng hảo đâu! Người nào cũng muốn có tướng hảo, bất luận bạn là dân tộc nào, bất luận bạn tin tôn giáo nào, có người nào mà không muốn mình có thân thể khỏe mạnh, dung mạo xinh đẹp? Đều có mong muốn này. Phật thị hiện như vậy là nói cho bạn biết, mong muốn này của bạn có thể toại nguyện, chỉ cần bạn tu nhẫn nhục ba-la-mật thì sẽ đạt được nguyện vọng của mình.
Nhẫn được mọi việc, nhẫn được mọi lúc, nhẫn được mọi nơi, nhẫn nhục ba-la-mật viên mãn chính là tướng hảo quang minh viên mãn. Cho nên quý vị đồng tu phải biết, nhẫn nhục là phương tiện trước tiên của thiền định, một người không thể nhẫn thì không cách gì tu định được. Định là Phật pháp, bất luận Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ thì định là mấu chốt, thảy đều tu thiền định. Tám vạn bốn ngàn pháp môn chỉ là tám vạn bốn ngàn phương pháp khác nhau, cách thức khác nhau, tu điều gì vậy? Thảy đều tu thiền định. Nhẫn nhục làm không được thì chẳng cách gì tu thiền định. Cho nên, Phật nói với Bồ-tát sáu điều nguyên tắc tu hành này là có thứ lớp, dứt khoát không được đảo lộn.
Điều thứ nhất là bố thí, là dạy bạn buông xuống; nếu bạn không thể buông xuống thì bạn sẽ không giữ quy củ, giữ quy củ là trì giới; bạn không thể giữ quy củ thì bạn chắc chắn không thể nhẫn nhục; bạn không thể nhẫn nhục thì bạn chắc chắn sẽ không có tiến bộ, tiến bộ là tinh tấn; không có tiến bộ thì làm sao có thể đắc thiền định? Cho nên, sáu điều này giống như lên sáu tầng lầu lớn vậy, không có tầng phía dưới thì nhất định không có tầng phía trên. Chúng ta phải tu như thế nào đây? Phải tu từ bố thí. Thật sự buông xuống được, thật sự giữ quy củ, tuân thủ pháp tắc, tuyệt đối không được phép đắp nặn bản thân thành một nhân vật đặc thù, đó là sai rồi. Tại sao vậy? Vì xa rời quần chúng. Xa rời quần chúng thì sẽ không được quần chúng giúp đỡ; hay nói cách khác, bạn đã trở nên cô lập. Nếu bạn cô lập thì bất luận pháp thế gian hay xuất thế gian thảy đều thất bại.
Cho nên, chúng ta hãy quan sát tỉ mỉ xưa nay trong và ngoài nước, người thành công chắc chắn là được mọi người ủng hộ, được mọi người yêu mến. Nhất là hiện nay xã hội dân chủ tự do cởi mở, tranh cử dựa vào phiếu bầu để trúng cử, phiếu bầu thì nhờ vào sự yêu mến, sự ủng hộ của quần chúng đối với bạn. Bạn ngày thường không chăm lo người khác thì ai chịu giúp đỡ bạn? Cho nên, chung sống với mọi người là học vấn lớn nhất, chung sống với mọi người thì phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục. Làm được ba điều này rồi thì trong nhà Phật gọi là pháp duyên của bạn thù thắng, công đức vô lượng. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.