Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 25/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 25/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ năm, kinh văn hàng thứ ba:

Long vương nên biết, Bồ-tát có một pháp có thể đoạn tất cả khổ trong các đường ác. Pháp đó là gì? Là ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp, khiến các thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, chẳng để mảy may bất thiện xen tạp, như vậy sẽ có thể khiến cho các ác dứt hẳn, thiện pháp viên mãn.

Đoạn khai thị này là trung tâm của bộ kinh này, không chỉ là phần quan trọng nhất của bộ kinh này, mà cũng có thể nói đó là trung tâm mà Thích-ca Mâu-ni Phật 49 năm giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh. Thích-ca Mâu-ni Phật như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cũng không có gì khác, đó gọi là “Phật Phật đạo đồng”. Do đây có thể biết tính quan trọng của đoạn kinh văn này. Chúng ta tu hành là tu gì? Đoạn kinh văn này đã nói rất rõ ràng sáng tỏ, pháp môn chúng ta tu là Tịnh độ, tại sao chúng ta phải học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo? Thậm chí còn có người hỏi: “Tại sao ngài còn phải giảng kinh Hoa Nghiêm?” Một số người sơ học không hiểu rõ đạo lý này. Học Tịnh độ từ đâu vậy? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, phu nhân Vi-đề-hy gặp đại nạn, là biến cố gia đình, biến cố của quốc gia, bà đau khổ không thiết sống, thỉnh cầu Thế Tôn chỉ giáo, liệu có hoàn cảnh sống nào tốt hay không, bà muốn cầu sanh về đó. Thế Tôn vô cùng từ bi, đem cõi nước của chư Phật mười phương biến hiện ra trước mặt bà, để tự bà nhìn thấy, tự bà lựa chọn. Bà đã chọn thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật, bà chọn đúng rồi, Thế Tôn vô cùng tán thán đối với sự lựa chọn của bà.

Bà muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, Thích-ca Mâu-ni Phật dạy bà như thế nào? Điều này chúng ta không thể không lưu ý. Trước khi Phật dạy bà phương pháp vãng sanh, ngài dạy bà “tịnh nghiệp tam phước”. Điều thứ nhất: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp.” Điều thứ hai: “Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi.” Điều thứ ba: “Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả.” Phật lại nói với bà, ba điều này là “chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”, pháp môn mà ba đời chư Phật đã tu không như nhau, ý này là nói trong vô lượng vô biên pháp môn thì đây là nền tảng, vô lượng vô biên pháp môn chính là tu ba điều này, ba điều này là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh. Mà tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc, trên thực tế chính là hai câu phía trước: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”, là hai câu này. Tu học Phật pháp bắt đầu từ chỗ này và cũng viên mãn ngay chỗ này, đây là căn bản, những điều phía sau đều là phương tiện. Làm thế nào viên mãn hai câu này? Đó chính là chín câu phía sau, từ câu “từ tâm không giết” trở về sau là phương tiện, ở trong phương tiện thì điều quan trọng nhất là “từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là giảng giải hai câu này. Bạn nói xem, chúng ta có cần học kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo hay không? Bạn không hiểu được thập thiện nghiệp đạo thì hiếu thân tôn sư chỉ là hai câu khẩu hiệu rỗng không, không thể thực hiện. “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng” thực hiện ở “từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, thực hiện ở đây, đây là “chánh nhân tịnh nghiệp”.

Đặc biệt là muốn cầu sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là Tịnh độ, làm sao có thể vãng sanh Tịnh độ? Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, tâm thanh tịnh rồi thì ngữ nghiệp thanh tịnh, thân nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp đều thanh tịnh. Nếu như bạn tỉ mỉ đọc kinh Vô Lượng Thọ, kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu là nhắc nhở chúng ta cương lĩnh tu hành, cũng là tịnh nghiệp tam phước, dạy chúng ta “khéo giữ khẩu nghiệp”. Ở trong khéo giữ khẩu nghiệp, điều quan trọng nhất là “không chê lỗi người”, cùng với điều đại sư Lục tổ Huệ Năng nói trong Đàn Kinh là hoàn toàn tương ưng. Đại sư Huệ Năng nói: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”, chính là trong kinh Vô Lượng Thọ nói “khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”. Hằng ngày nói thị phi, hằng ngày phê bình người khác, hằng ngày ý kiến rất nhiều thì người này không phải người tu hành, người này không phải là đệ tử Phật, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Phật dạy chúng ta khéo giữ ba nghiệp, dạy chúng ta phải làm đến thuần thiện, bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu từ đoạn kinh văn ngày hôm nay. Kinh văn vừa mở đầu Phật bảo: “Long vương nên biết”, long vương Sa-kiệt-la là người đương cơ của kinh này, long vương Sa-kiệt-la là đại biểu cho chúng ta. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, nghĩa là “biển mặn”, nước biển có vị mặn, biểu thị ý gì vậy? Biểu thị tâm chúng ta không thanh tịnh. Nước biển là mặn, là khổ, chúng ta biết được nước biển là do tất cả sông ngòi trên lục địa đều chảy về biển, nước của mỗi dòng sông khác nhau là đại biểu cho nghiệp khác nhau của tất cả chúng sanh, đều tập trung về biển lớn. Biển lớn này chính là đại biểu cho biển nghiệp mà trong kinh Địa Tạng chúng ta thường hay đọc. Long là đại biểu cho ý gì vậy? Long là đại biểu cho biến hóa, chúng ta từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, niệm niệm không dừng, thiên biến vạn hóa, là biểu thị ý này. Trong kinh Phật, điều khó hiểu nhất chính là biểu pháp của kinh, bạn hiểu được biểu pháp của kinh thì kinh Phật không còn khó nữa, bạn sẽ lý giải rất dễ dàng, mới thật sự biết ý nghĩa mà Phật thuyết pháp, trong kệ khai kinh nói: “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai.” Cho nên, đây là nói với chúng ta, nói với chúng sanh trong sáu cõi.

“Nên biết Bồ-tát có một pháp”, Bồ-tát có nghĩa gì? Là người giác ngộ, chúng sanh giác ngộ thì gọi là Bồ-tát. Đại sư Huyền Trang phiên dịch Bồ-tát thành “giác hữu tình”, chúng ta là chúng sanh hữu tình. Hữu tình tức là nói phàm phu lục đạo, chúng sanh hữu tình trong thập pháp giới. Chúng sanh hữu tình khi nào giác ngộ rồi thì người này được gọi là Bồ-tát. Cho nên, ý nghĩa của Bồ-tát là chúng sanh hữu tình đã giác ngộ, phàm phu thông thường chúng ta là chúng sanh hữu tình mê hoặc. Người này bắt đầu giác ngộ rồi. Thế nào gọi là giác ngộ? Muốn lìa khổ được vui thì người này giác ngộ. Người thế gian chúng ta, có người nào không muốn lìa khổ được vui đâu? Người người đều muốn lìa khổ được vui, thế nhưng họ nghĩ sai rồi, họ đem khổ cho là vui, đem vui cho là khổ, họ đã làm điên đảo, đây là ngu si, đây là mê hoặc. Người thế gian cho rằng danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần là vui, họ không biết đây là nguồn gốc của khổ, hoàn toàn không phải vui; hưởng thụ những thứ này, kết quả là khổ báo ở ba đường ác. Trong kinh Phật thường hay dùng “liếm mật trên lưỡi dao” để làm thí dụ, người này chưa giác ngộ. Người thật sự giác ngộ rồi thì nhất định đi theo Phật Bồ-tát, trải qua đời sống của Phật Bồ-tát. Phật Bồ-tát sống đời sống ra sao? Thứ nhất buông xuống tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm vì chúng sanh, vì xã hội, vì chánh pháp cửu trụ, người này đã giác ngộ, đoạn ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ, người này được gọi là Bồ-tát.

Ở đây Phật nói cho chúng ta biết, Bồ-tát có một biện pháp, có một phương pháp “có thể đoạn dứt tất cả khổ trong các đường ác”, “các đường ác” không những là chỉ cho tam đồ lục đạo, mà bao gồm cả thập pháp giới trong đó. Cái khổ ở tam đồ, trong kinh điển nói rất nhiều, mặc dù quý vị đọc kinh không nhiều, tôi tin rằng mọi người đều đọc kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện rồi, kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện đã nói không ít về nỗi khổ trong tam đồ. Chúng ta thường xuyên đọc, thường xuyên cảnh giác chính mình. Nếu chúng ta không thật sự làm nghiêm túc, nếu không cầu giác ngộ thì những quả báo mà trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện đã nói, chúng ta tương lai nhất định phải thọ nhận. Chúng ta có sợ không? Chắc chắn là không thể tránh khỏi, bởi chúng ta ngày nay khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều không tương ưng với lời Phật dạy trong kinh. Nỗi khổ ở nhân gian, chúng ta hiện nay đã đích thân cảm nhận được, trên trời tuy vui nhưng có hoại khổ, có hành khổ, tứ thánh pháp giới có khổ của không thể phá vô minh, chứng pháp thân, thập pháp giới đều khổ! Bồ-tát có phương pháp gì có thể đoạn khổ nạn của thập pháp giới vậy? Chỉ cần có khổ thì chính là ác đạo, chúng ta nói tứ thánh pháp giới vẫn là ác đạo, tứ thánh pháp giới so với nhất chân pháp giới thì đó chính là ác đạo, so với lục đạo thì đó là đường thiện, nhưng so với nhất chân pháp giới đó là đường ác. Bộ kinh này là kinh Đại thừa, không phải kinh Tiểu thừa.

“Pháp đó là gì”, Bồ-tát rốt cuộc dùng pháp gì vậy? Ở chỗ này, Phật chỉ ra cho chúng ta, đó là “ngày đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp”. “Thiện pháp” này là thông suốt đến tận phía trên, chúng ta nếu không phiền thì hãy đọc là “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”, chúng ta đọc như vậy, mọi người sẽ hiểu dễ dàng hơn. Thiện pháp là gì? Phần sau chỉ ra cho chúng ta thấy, pháp ấy chính là thập thiện nghiệp đạo. Ở trang này, hàng thứ ba từ dưới lên, xem từ hai chữ sau cùng: “Pháp ấy chính là thập thiện nghiệp đạo.” Đây là nền tảng tu hành, căn bản tu hành của chúng ta, ngay cả điều này cũng không có thì không cần bàn đến niệm Phật, khỏi phải bàn đến tu hành nữa. “Ngày đêm” là không gián đoạn, ngày nay gọi là 24 tiếng đồng hồ không gián đoạn. “Thường niệm” là trong tâm thật sự có, đây là tâm thiện. “Tư duy” là ý niệm, khởi tâm động niệm, là ý niệm thiện. “Quán sát” là hành vi, lời nói việc làm, “thân, ngữ, ý” không có bất thiện, như vậy mới được. Trong tâm vẫn còn tự tư tự lợi, đây là tâm bất thiện, đây là bất thiện căn bản. Vì sao bạn lại tạo tội nghiệp? Vì sao bạn lại tạo mười ác? Đều là vì tự tư tự lợi, chỉ có mình, không có người khác, cái sai này là sai lầm căn bản. Bồ-tát giác ngộ rồi. Từ đây biết được, phàm phu chúng ta mê, mê chính là mỗi niệm đều tự tư tự lợi, đây là mê.

Phật đã nói mấy câu trong kinh Kim Cang, chúng ta có thể lấy đó để đối chiếu. Trong kinh Kim Cang nói: “Nếu Bồ-tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì không phải Bồ-tát”, đó không phải là Bồ-tát; nửa phần sau nói rất hay: “Nếu Bồ-tát có thấy ta, thấy người, thấy chúng sanh, thấy thọ giả thì không phải Bồ-tát.” “Thấy” là gì vậy? Là khởi tâm động niệm, kiến giải. Chúng ta ngày nay nói, bạn còn có cách nghĩ này, cách nhìn này thì bạn không phải là Bồ-tát, bạn là mê, bạn không ngộ rồi. Người thật sự giác ngộ thì “vô ngã”, người này giác ngộ rồi. Vô ngã tức là chúng ta ngày nay nói tương đối dễ hiểu là không có tự tư tự lợi, người này giác ngộ; còn có tự tư tự lợi thì người này mê hoặc, chưa có giác ngộ. Phàm phu có khi nghe kinh nghe pháp, phát sinh một niệm sáng suốt, khoảnh khắc này là giác ngộ, thế nhưng ý niệm thứ hai lại mê, giác ngộ này không thể duy trì, không thể kéo dài. Chúng ta ở giảng đường nghe kinh, dường như hiểu rõ rồi, sau khi bước ra ngoài thì liền mê hoặc, không ngăn nổi sự cám dỗ của danh văn lợi dưỡng, tài sắc danh thực thùy ở bên ngoài, lập tức liền thoái chuyển. Cho nên, ngày đêm không được gián đoạn thì bạn mới là Bồ-tát, thỉnh thoảng phóng quang giống như tia chớp, vậy thì không khởi tác dụng. Tuy không khởi tác dụng nhưng cũng rất đáng quý, vì sao vậy? Vì từ vô thủy kiếp đến nay chưa từng phóng quang, tuy phóng quang rất ngắn ngủi nhưng một sát-na cũng rất đáng quý.

Cho nên, chúng ta nhất định phải học tâm thiện, phải học ý niệm thiện, phải học hành vi thiện. Bắt đầu học từ đâu? Bắt đầu học từ thập thiện nghiệp đạo, bạn nhất định không được có ý niệm tổn hại chúng sanh, đây là sát sanh. Không những không được sát sanh mà khiến chúng sanh sanh phiền não thì cũng ngang bằng với sát sanh. Mạng sống của con người có thân thể vật chất, có pháp thân huệ mạng tinh thần. Cho nên trong kinh thường nói, chư Phật Bồ-tát đều khiến tất cả chúng sanh thường sanh tâm hoan hỷ, đó là chư Phật Bồ-tát, các ngài tuyệt đối sẽ không khiến tất cả chúng sanh sanh phiền não. Người khiến tất cả chúng sanh sanh phiền não, người đó là ma, không phải Phật, Phật sẽ không làm việc này. Cũng có thể là Phật Bồ-tát đến thử thách bạn, đến giày vò bạn, có chuyện này không? Có. Ma cũng học theo cách làm này, nhưng ma là giày vò bạn thật sự chứ không phải thử thách bạn. Phật Bồ-tát thử thách bạn, nếu bạn vượt qua thử thách này thì bạn chắc chắn thành tựu. Giống như “gậy và hét”[1] ở trong tông môn Thiền tông, đây là phương pháp dạy học của Thiền tông. Các ngài thật sự có năng lực, thật sự có trí tuệ, một gậy đánh xuống thì người này khai ngộ ngay, đó thật sự là phương tiện. Nếu đánh chết cũng không khai ngộ thì đó là ma, đó chắc chắn không phải Phật. Phật biết một thiền bảng đánh xuống thì họ liền khai ngộ, minh tâm kiến tánh; khi hét lên một tiếng thì họ liền khai ngộ, họ hiểu rõ rồi. Nếu đánh họ cũng không khai ngộ, hét mắng cũng không khai ngộ thì tuyệt đối không dùng phương pháp này. Ma học cách thức này của Bồ-tát, hại tất cả chúng sanh còn lấy danh nghĩa tốt, nói: “Tôi thành tựu cho anh.” Cho nên, chúng ta phải có năng lực phân biệt giữa Phật và ma, không được bị lừa. Ở đây đưa ra cương lĩnh, ngày đêm đều phải tư duy thiện pháp, phải tâm thiện, hạnh thiện. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.


[1] Gậy và hét: Đây là cách tiếp hóa đệ tử của tổ sư Thiền tông. Bậc tông tượng (bậc thầy giỏi) trong nhà thiền, tiếp dẫn người học thường dùng tiếng hét hoặc dùng gậy đánh để dứt hẳn những suy nghĩ, vọng tưởng của họ, hoặc để khảo nghiệm mức chứng ngộ của đệ tử.

Tương truyền việc dùng gậy đánh bắt đầu từ các ngài Đức Sơn Tuyên Giám và Hoàng Bá Hi Vận đời Đường; tiếng hét thì bắt đầu từ ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (hoặc có thuyết nói là từ Mã Tổ Đạo Nhất). Vì ngài Đức Sơn khéo dùng gậy, ngài Lâm Tế giỏi dùng tiếng hét, nên có câu: “Gậy Đức Sơn, hét Lâm Tế”. Về sau, các thiền sư tiếp dẫn người học, phần nhiều dùng cả gậy lẫn hét, tất cả đều muốn nhờ phương tiện này để thúc giục người học mau giác ngộ.