Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 122/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 122/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ ba từ dưới lên: “Ngũ lực trang nghiêm nên mọi oán diệt hết, không gì hoại được.” Hai câu này nói về hiệu quả của ngũ lực, trong hiệu quả nói “mọi oán diệt hết”. Một chữ “oán” này hàm nghĩa vô cùng sâu rộng, không những chướng ngại đến từ bên ngoài là oán nghiệp, mà chướng ngại của chính bản thân cũng là oán nghiệp, giải đãi, lười biếng đều là oán nghiệp. Ngũ căn là để đối trị, nghi chướng được nói trong Giáo thừa pháp số là hoài nghi, chướng ngại, đây là oán nghiệp, giải đãi là oán nghiệp, hôn trầm, thất niệm, quên mất đều là oán nghiệp; phía sau nói tán loạn, ngu mê, những thứ này đều là oán gia phiền não, những thứ này chẳng phải đến từ bên ngoài. Đúng như trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật nói với chúng ta về bốn loại ma, trong đó có ba loại là thuộc về bên trong, “ngũ ấm ma” là ở bên trong, không phải bên ngoài, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đây là trong thân chúng ta, “phiền não ma” cũng là bên trong chúng ta, “tử ma” cũng là sự việc của chính chúng ta. Tất cả những ma chướng ở bên ngoài đều gọi là “thiên ma”, chẳng phải thuộc về chính mình. Nhân đây hiểu được phạm vi của oán nghiệp rất lớn. 

Nếu chúng ta muốn phá oán nghiệp bên ngoài thì trước tiên phải đoạn oán nghiệp trong tâm. Bên trong đoạn rồi thì toàn bộ bên ngoài đều được hóa giải; nếu không đoạn bên trong, muốn hóa trừ oán gia ở bên ngoài thì không có đạo lý này. Oán gia bên ngoài đã kết từ vô thỉ kiếp, vĩnh viễn đoạn không hết. Cho nên, Bồ-tát thành Phật nhất định phải làm đến “nghiệp tận tình không” thì mới có thể thành Phật được. Chúng ta nghĩ xem các ngài thực hiện câu nói này như thế nào? Chắc chắn là bắt đầu làm từ bản thân. Chúng sanh thành Phật, tu đạo gian nan đến như vậy, rốt cuộc khó ở chỗ nào? Khó ở chỗ quan niệm sai lầm, chúng ta chỉ biết đối ngoại, không biết đối nội; chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng, tầm mắt của ta chỉ nhìn bên ngoài, không biết rằng tiêu trừ nghiệp chướng ở bên trong là quan trọng. Hơn nữa, Phật thường nói với chúng ta trong kinh luận: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Câu nói này vô cùng quan trọng! Mười pháp giới y chánh trang nghiêm của thế xuất thế gian từ đâu mà có? Do tâm tưởng sanh. Vì sao thế gian này có nhiều người xấu đến như vậy? Do tâm tưởng của ta sanh ra. Lìa khỏi tâm tưởng thì chẳng có một pháp nào có thể được. Nghịch cảnh, người xấu là do ý niệm bất thiện của chính chúng ta sanh ra, làm sao có thể trách hoàn cảnh bên ngoài được? Trách lầm người ta rồi. Nếu chính mình mỗi niệm đều là thiện, sau đó bạn nhìn cảnh giới bên ngoài thì không có thứ nào là bất thiện. Vì sao Phật thấy tất cả chúng sanh đều là Phật? Bởi tâm của ngài là Phật. Tâm của Phật thấy cảnh giới bên ngoài thảy đều là Phật. Chúng ta chính mình đến hôm nào thì thành tựu? Không cần nói thành Phật Bồ-tát, vậy thì quá cao rồi, chúng ta chỉ nói người thiện, người tốt. Đến khi nào chính chúng ta mới thật sự trở thành người thiện, người tốt vậy? Người thiện vừa mở mắt ra thì thấy tất cả thế gian không có pháp nào là bất thiện, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh đều là thiện, đó mới là người thiện. Nếu còn có bất thiện xen tạp trong đó thì không phải là người thiện, thiện đó của họ là thiện tương đối, không phải thuần thiện, thuần thiện thì nhất định phải lìa khỏi tương đối, vậy mới đúng.

Cho nên chúng ta chính mình nghĩ xem, những điều được nêu trong kinh đều là phiền não nghiêm trọng, quy nạp chúng thành “hoài nghi”. Chúng ta không chỉ hoài nghi đối với giáo huấn của thánh hiền, mà hoài nghi đối với tất cả mọi người, hoài nghi đối với việc, hoài nghi đối với vật. Đến khi nào có thể đoạn cái nghi này? Không được nói người khác hoài nghi mình thì mình cũng hoài nghi họ, vậy là sai rồi, vậy thì biến thành chướng ngại lớn, chúng ta vĩnh viễn không cách nào tiến bộ. Họ hoài nghi ta, ta không hoài nghi họ. Họ cự tuyệt ta, bài trừ ta thì ta nhường, ta tạm thời né tránh, ta quyết không hoài nghi họ; đến khi công phu của chính mình thật sự sâu rồi, “tâm chân thành đến cực điểm, vàng đá cũng bị cảm động”, vậy thì có thể hóa giải hoài nghi của người bên ngoài đối với chính mình. Họ đối với ta vẫn còn hoài nghi, đây là nói rõ tâm chân thành của mình chưa đủ, chính mình chưa làm được tốt, quyết không có mảy may tâm oán hận đối với người khác. Mỗi niệm phải hồi quang phản chiếu! Tại sao người khác hoài nghi ta? Vì sao bài trừ ta? Chúng ta thành tâm thành ý như vậy, toàn tâm toàn lực vì chúng sanh mà phục vụ, vì xã hội mà phục vụ, xã hội vẫn không chịu tiếp nhận chúng ta; chúng ta toàn tâm toàn lực vì Phật giáo, vì quốc gia ở nơi đây bồi dưỡng nhân tài, vì sao quốc gia không cần chúng ta, cự tuyệt chúng ta? Vì tâm chân thành của chúng ta chưa đủ! Nhất định không thể trách người khác, không thể trách xã hội, tại chính mình làm chưa đủ [đó thôi].

Chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền, không một ai không hạ công phu từ nơi tâm tánh của chính mình, đây gọi là nội học. Nếu như tất cả đều nhìn ra bên ngoài, nhìn người khác thì đây gọi là ngoại đạo. Nhà Phật nói nội học, ngoại đạo là từ chỗ này mà phân ra. Chúng ta chính mình học Phật, nhất định không được học thành ngoại đạo. Ngoại đạo là gì? “Cầu pháp ngoài tâm” thì gọi là ngoại đạo. Chỗ nào cũng đều nhìn thấy người khác không đúng, đây là ngoại đạo; niệm niệm đều phản tỉnh sai lầm của chính mình thì đó là học Phật. Xác thực là người khác không có lỗi lầm, cho dù họ tạo ngũ nghịch thập ác, họ cũng không có lỗi lầm, vì sao vậy? Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ ràng: “Đời trước không tốt, không biết đạo đức, không có người dạy”, do không có người dạy họ. Nếu không có người dạy họ, chúng ta muốn trách họ thì chúng ta sai rồi. Chúng ta nghĩ xem, câu nói này trong kinh có đúng hay không? Suy nghĩ kỹ xem, đích thực cha mẹ họ không dạy họ, trưởng bối của họ không dạy họ, thầy của họ không dạy họ thì làm sao mà họ biết được? Cho nên họ phạm tất cả lỗi lầm, chúng ta nhất định không thể trách họ; nếu chúng ta có một ý niệm trách cứ thì tâm của chúng ta quá hà khắc rồi. 

Chúng ta cũng là không dễ gì mới hiểu được đạo lý này, chúng ta cũng mới từ trong vô số tập khí xấu xưa kia mà quay đầu lại. Quay đầu không dễ dàng! Ngày ngày thân cận Phật Bồ-tát, mỗi ngày đọc kinh, mỗi ngày cùng đồng tu bạn đạo nghiên cứu thảo luận kinh điển, đây là thân cận Phật Bồ-tát. Trong 50 năm, thời gian dài như vậy, miên mật không rời, ngày ngày đang làm, không một ngày nào ngừng nghỉ, chúng tôi mới chuyển đổi được ý niệm này, thật không dễ dàng! Nếu bạn không có nghị lực, không có quyết tâm, bạn làm sao có thể chuyển đổi được? Trong thời đại này, tốn thời gian 50 năm để quay đầu, để chuyển đổi thì đã xem là rất nhanh rồi, đã là rất khó làm, đáng quý lắm rồi. Chúng ta chuyển đổi được thì chắc chắn không còn đọa lạc. Một câu nói trong tôn giáo đó là “chính mình được cứu rồi”, nhà Phật nói “chính mình được độ rồi”. Sau khi chính mình được độ, thân thể này vẫn còn lưu lại thế gian, quyết không vì chính mình, chính mình không còn nữa; thân thể lưu lại thế gian này để giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, giúp đỡ chúng sanh hiểu rõ đại đạo lý này. 

“Tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới vốn là một thể”, Phật đã nhiều lần tuyên nói điều này ở trong kinh điển Đại thừa, chúng tôi không ngờ rằng những thổ dân ở Úc có quan niệm này, họ biết được chúng sanh trong vũ trụ là một thể. Cho nên tư tưởng của họ, đời sống của họ, hành vi của họ, văn hoá của họ không hề làm trái với quy luật tự nhiên. Chính ngay hiện tại, họ vẫn tuân thủ quy củ xưa mà tổ tiên họ đã truyền lại từ hàng ngàn năm trước, họ không thay đổi. Cho nên, họ tự xưng là “người thuần chân”, và gọi những người như chúng ta là “người biến chủng”, chúng ta bị văn minh vật chất làm ô nhiễm, làm ô nhiễm tâm linh, làm ô nhiễm thể năng, bản năng của thân thể chúng ta bị ô nhiễm rồi. Lời nói này của họ là có chứng cứ, họ nói: “Các bạn là những người biến chủng, các bạn có dám không mặc quần áo ở dưới mưa lớn hay không? Có thể dầm mưa một ngày mà thân thể của bạn vẫn rất khỏe mạnh, một chút bệnh cũng không có hay không?” Họ đưa ra chứng cứ này. Tôi nghĩ lại, chúng ta không làm được, chúng ta dầm nước mưa xong thì bị cảm lạnh, cảm cúm ngay. Thể năng của chúng ta đã bị ô nhiễm. 

Những thổ dân này không mặc quần áo, nam nữ đều không mặc quần áo, sống với thiên nhiên, trở về với tự nhiên. Họ sinh sống ở đồng cỏ rộng lớn, chính phủ Úc xây nhà cho họ, họ dùng nhà đó để làm kho chứa đồ, họ vẫn sinh sống ở ngoài trời, buổi tối thì ngủ ở ngoài trời. Hệ tiêu hóa của họ tốt, thức ăn là lấy những thứ mọc hoang trên núi về ăn, họ cũng không có bệnh, họ ăn mà rất khỏe mạnh, ăn mà rất cường tráng. Thật sự thể năng của người biến chủng như chúng ta, bản năng mà trời phú cho chúng ta thảy đều bị mất hết, cách sinh hoạt của họ, chúng ta không thể sống được. Nói theo lời của họ thì người thuần chân và người biến chủng trên thực tế chính là khác biệt ở một niệm, đều là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà sanh ra, lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì khôi phục được thiên chân. Tâm địa của họ thanh tịnh, không có phiền não, không có lo lắng, không có vướng bận, không có tham sân si mạn, không có đúng sai ta người, cho nên người có công năng đặc dị rất nhiều. Việc này chúng ta biết được, trong Phật pháp gọi công năng đặc dị là thần thông. Thông này từ đâu mà có? Thông là từ tâm thanh tịnh mà có. Thân tâm họ thanh tịnh, cho nên họ có thể đột phá được các chiều thời gian và không gian khác nhau, họ có thể câu thông, qua lại với chúng sanh ở những chiều không gian khác. Họ biết cảm ơn, cầu nguyện, cho nên đối với một số giáo hội đến bên đó để truyền giáo, họ nhìn thấy rất kỳ lạ. Thầy truyền giáo dạy người cầu nguyện, họ nói đó đều là hình thức. Họ cả ngày từ sáng đến tối đều đang cầu nguyện, mỗi niệm đều là cảm ơn, đúng như điều mà trong kệ hồi hướng của chúng ta nói: “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu ba đường khổ”, họ đã thực hiện được rồi; chúng ta chỉ là đang niệm, còn họ trong mỗi một niệm đều không quên bốn ân nặng. Họ cảm ơn thần, cảm ơn trời đất, cảm ơn vạn vật trong thiên nhiên. Đích thực là họ có trí tuệ cao độ, có văn hoá rất cao. Thế nhưng người thông thường xem họ như là dân tộc man rợ, ngay đến quần áo cũng không mặc, điều này rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Chúng ta làm thế nào có thể phá trừ nghi và chướng, việc này vô cùng quan trọng! Có thể đột phá cửa ải này rồi thì phía sau sẽ không quá khó, bạn tinh tấn thì niệm căn niệm lực, định căn định lực, tuệ căn tuệ lực tự nhiên sẽ tăng trưởng, tự nhiên bạn sẽ tinh tấn không giải đãi, không cần người đốc thúc? Vì sao vậy? Vì đây là việc vui sướng, thế xuất thế gian không có việc gì vui hơn việc này. Người xưa thích đọc sách, “đọc sách vui”! Người hiện nay vì sao không thích đọc sách? Đọc sách quá khổ. Trong việc đọc sách có niềm vui nhưng họ không đạt được, nếu họ thật sự đạt được thì sao họ không chịu đọc! Vì sao chúng ta đọc sách không có niềm vui? Vì chưa thâm nhập, chưa nếm được nghĩa thú và đạo vị trong sách. Phật pháp còn vui hơn, không gì có thể sánh được. Ngày nay, những gì mà Phật đã nói, chúng ta chưa thật sự hiểu được, chưa thật sự thể hội được, không thể đem Phật pháp dung hội biến thành cái của chính mình. Nếu như dung hội thành tư tưởng, kiến giải, hành vi đời sống của chính mình thì họ làm sao không vui? Nói theo hiện nay là bạn không đạt được niềm vui, giống như ăn thức ăn mà không có được chất dinh dưỡng, sau khi bạn ăn rồi vẫn chưa tiêu hóa, không phải thức ăn không thể tiêu hóa, mà do hệ tiêu hóa của chính chúng ta có vấn đề, có trục trặc. Tại sao có người khi đọc thì họ có thể tiêu hóa, chúng ta đọc thì không thể tiêu hóa? Vì hệ tiêu hóa của chúng ta có vấn đề, vấn đề này là tham sân si mạn nghi, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, những thứ này làm cho hệ tiêu hóa của chúng ta xảy ra vấn đề. 

Cho nên, chấp trước không thể không có, vì sao vậy? Bạn là phàm phu, làm sao có thể không có chấp trước cho được? Phải biết giảm bớt thì bạn sẽ được lợi ích. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ít đi một phần thì bạn có thể hấp thu được một phần Phật pháp; có thể ít đi hai phần thì bạn có thể hấp thu được hai phần Phật pháp. Đạo lý chính là như vậy. Nếu vẫn cố chấp với vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình thì trong đời này, bạn dụng công khổ học như thế nào cũng đều không thể tiêu hóa. Ăn nhiều đến đâu cũng không tiêu hóa, không có được chất dinh dưỡng! Cho nên, nếu muốn đạt được giáo huấn của thánh hiền, thật ra mà nói, đó chính là trí tuệ, đức năng vốn có trong tâm tánh, bạn muốn đạt được thứ bổ dưỡng chân thật này thì phải điều chỉnh thân thể và thân tâm cho tốt, khôi phục công năng tiêu hóa của chính mình, như vậy trên đạo Bồ-đề tự nhiên sẽ thuận buồm xuôi gió.

Tóm lại mà nói, trong Phật pháp, cương lĩnh nguyên tắc đệ nhất chính là thiền định, thiền định là then chốt của Phật pháp. Hai chữ “thiền định” này giảng giải như thế nào? Trong kinh Kim Cang nói: “Không chấp vào tướng, như như bất động”, vậy thì chúng ta liền khôi phục. “Không chấp vào tướng” chính là ngoài không dính tướng. Bên ngoài, làm thế nào để không dính tướng? Phải thường xuyên nghĩ đến “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Nhìn thấy tướng tốt, thuận cảnh, trong lòng hoan hỷ, liền nghĩ “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, đè tâm hoan hỷ xuống. Tâm hoan hỷ là phiền não! Gặp nghịch cảnh, người xấu, thì “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, đè tâm sân giận xuống. Mọi lúc mọi nơi đều giữ tâm bình thường, bình là bình đẳng, thường là thường hằng, vĩnh viễn giữ tâm bình đẳng. Cho nên, chúng ta ở trước Phật cúng một ly nước, nước biểu thị cho điều gì? Biểu thị cho bình đẳng, biểu thị cho thanh tịnh, vĩnh viễn giữ tâm của bạn thanh tịnh, bình đẳng, đây là Phật đạo, là đại đạo, “tâm bình thường là đạo”. Sáu căn vừa tiếp xúc với bên ngoài, mới có sóng gió nho nhỏ thì đã không giữ được tâm của mình rồi, vậy thì không có đạo, đó là tâm phàm, không phải tâm đạo. Quý vị phải ghi nhớ, tâm đạo là tâm thanh tịnh, bình đẳng, tâm phàm là tâm mừng giận buồn vui. Làm thế nào để siêu phàm nhập thánh? Nếu bạn hiểu rõ rồi thì bạn sẽ biết được dụng công thế nào. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.