Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 32/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 32/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, chúng ta đọc từ hàng đầu tiên: “Long vương, nếu lìa sát sanh thì được thành tựu mười pháp lìa phiền não. Những gì là mười? Một, bố thí vô úy rộng khắp chúng sanh. Hai, thường khởi tâm đại từ bi với chúng sanh. Ba, vĩnh viễn đoạn trừ hết thảy tập khí sân giận. Bốn, thân thường không bệnh. Năm, thọ mạng dài lâu.” Lần trước tôi đã giảng đến đây, chúng ta tiếp tục xem phía dưới: 

Sáu, thường được phi nhân bảo vệ.

“Phi nhân” là chỉ cho ngoài cõi người, phần lớn là chỉ cho quỷ thần. Quỷ thần, ngạn ngữ thường nói: “Người cùng tâm này, tâm cùng lý này.” Mặc dù là ngạ quỷ, nhưng đối với người có tâm thiện thì họ cũng tôn kính, họ sẽ không làm tổn hại. Cho dù là có oan nghiệp hay là oan gia trái chủ trong quá khứ, gặp người có tâm từ, họ vẫn cung kính như nhau, không những không đến gây phiền phức mà còn ủng hộ bạn. Vì sao vậy? Vì nhờ thiện tâm, thiện hạnh của bạn nên họ cũng được thơm lây, họ cũng được phước. Vì vậy tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện là quan trọng hơn hết.

Trong tất cả mọi bệnh tật, chúng ta biết nguồn gốc của bệnh tật quy nạp lại không ngoài ba phương diện: Thứ nhất là ăn uống sinh hoạt không điều độ, ngày nay chúng ta gọi là không vệ sinh, dẫn đến bệnh tật, bệnh này phải tìm thầy thuốc, thuốc men có thể giúp được. Thứ hai là oan gia trái chủ tìm đến, giống như quốc sư Ngộ Đạt bị ghẻ mặt người, đây là thuộc loại này, trong Phật pháp gọi là phi nhân, người thế gian gọi là bị oan quỷ nhập thân. Chúng tôi ở Trung Quốc và nước ngoài thường gặp sự việc này rất nhiều, họ đến tìm tôi, gặp phải trường hợp này thì làm thế nào? Bị những loại oan quỷ này quấy phá, chúng ta phải điều giải. Phàm là gặp phải loại này, đi khám bệnh uống thuốc chỉ là giúp được chút ít thôi, chắc chắn không thể trị khỏi, việc quan trọng nhất là tụng kinh bái sám để điều giải. Như “Lương Hoàng Sám”, “Từ Bi Tam-muội Thủy Sám”, những loại này đều thuộc về điều giải. Nếu đối phương tiếp nhận điều giải thì họ rời đi, bệnh của bạn sẽ khỏi. Thứ ba là bệnh nghiệp chướng, đây không phải oan gia đối đầu, mà là bản thân tạo tội nghiệp quá nhiều nên bị nghiệp báo. Bệnh này rất phiền phức, thuốc men không thể chữa trị, điều giải cũng không được, Phật dạy chúng ta sám hối, trong thập đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền nói là “sám trừ nghiệp chướng”. Sám từ đâu vậy? Sám từ trong tâm, đoạn ác tu thiện, sửa lỗi làm mới thì bệnh này sẽ có khả năng chuyển biến tốt, chuyển nguy thành an. Hai loại bệnh phía sau này, dùng phương pháp đoạn ác tu thiện đều rất có hiệu quả. Đặc biệt một người thật sự quay đầu, biết được chính mình khởi tâm động niệm, lời nói việc làm sai rồi, triệt để sửa lỗi làm mới, không những bệnh nghiệp chướng không còn nữa, đã tiêu trừ, tức là oan gia trái chủ cũng sẽ không tìm bạn kiếm chuyện nữa. 

Người thiện thì mỗi niệm đều vì xã hội, mỗi niệm đều vì chúng sanh, cho nên phi nhân cũng được phước, họ không những không hại bạn mà còn đến bảo vệ bạn. Cho nên, trong đồng tu chúng ta khi niệm Phật, tụng kinh, cảm giác được bên cạnh có những phi nhân này, thậm chí là tự mình thấy sởn tóc gáy. Có cảm giác này thì không nên sợ hãi, quả thật là bên cạnh bạn có, có lẽ cũng không phải ít, nếu ít thì bạn sẽ không có cảm giác rõ rệt như vậy. Lúc này, bạn chân thành niệm Phật, tụng kinh hồi hướng cho họ, chính là bạn đang siêu độ họ. Đọc kinh cho họ nghe, họ nghe xong sẽ giác ngộ. Giống như trước đây, đại sư Huệ Năng của Thiền tông tình cờ đi ngang qua cửa sổ nhà người ta, trong nhà có người tụng kinh Kim Cang, ngài vừa nghe qua liền hiểu rõ, ngài liền giác ngộ. Trong cõi quỷ thần, có rất nhiều vị thích nghe kinh, cho nên bạn sẽ thường được thiên địa quỷ thần bảo vệ, trong cửa Phật chúng ta gọi là thần hộ pháp, thần hộ pháp bảo hộ bạn.

Bảy, thường không ác mộng, giấc ngủ an vui.

Đây là vào mỗi buổi tối, bạn nghỉ ngơi, ngủ nghỉ vô cùng yên ổn, không có ác mộng. Chúng ta phải thường xuyên lấy điều này để kiểm tra công phu tu hành của bản thân mình, công phu có đắc lực hay không, có thể từ chỗ này mà kiểm tra. Khi chưa học Phật thì thường xuyên gặp ác mộng, hầu như ngày nào cũng gặp ác mộng, sau khi học Phật được một thời gian thì ác mộng ít đi, đây chính là công phu đắc lực, bạn có thành tựu rồi. Càng nâng cao lên thì ác mộng không còn nữa, trong một năm hiếm có một lần ác mộng, vậy là công phu của bạn khá rồi. Nếu công phu thuần thục hơn thì thường mộng thấy thánh hiền, mộng thấy Phật Bồ-tát, mộng thấy cảnh giới thù thắng mà trong kinh điển nói, đây là tướng tốt. Nếu chúng ta học Phật, trong một tuần vẫn còn thấy hai, ba lần ác mộng thì phải đặc biệt cảnh giác, công phu của chúng ta không đủ. Khởi tu từ đâu vậy? Đoạn ác tu thiện, nhất định phải thật nghiêm túc sửa lỗi làm mới. Cho nên, đây là phương pháp dễ dàng nhất, bình thường nhất để kiểm tra công phu tu hành của chúng ta.

Tám, diệt trừ oán kết, các oán tự giải. 

“Oán kết” chính là chúng ta thường gọi là có hiềm khích với người, có chuyện không vui với người, trong thế tục thường nói là “đắc tội với người”. Việc đắc tội với người quá nhiều, việc đắc tội với người rất dễ phạm phải, đặc biệt là trong lời nói, trong cố ý hay vô ý đã kết oán với người. Lời nói, thái độ của chúng ta, điều này vào thời xưa thì được cha mẹ, thầy cô dạy từ nhỏ. Mục đích việc dạy này là gì? Không được đắc tội với người, mục đích là ở chỗ này. Một người quả thật có thể làm được cả đời không đắc tội với người thì người này rất tuyệt vời, được gọi là chánh nhân quân tử. Nhưng trong xã hội hiện nay, chúng ta đều không gặp được giáo dục cổ xưa, chuẩn mực xử sự đối nhân tiếp vật chúng ta chưa hề nghe thấy, cho nên trong cố ý hay vô ý chúng ta đã đắc tội với rất nhiều người. Người thông minh thường xuyên va vấp thì dần dần họ học được kinh nghiệm, họ biết cẩn thận, người này ở trong xã hội, bất luận là làm trong ngành nghề nào thì họ đều thành công cả. Vì sao vậy? Họ được rất nhiều bạn bè giúp đỡ. Nếu bạn không hiểu rõ đạo lý này, đến đâu cũng đắc tội với người thì bạn không được người khác giúp đỡ, bạn trơ trọi một mình thì bất kể bạn làm ngành nghề nào cũng đều thất bại. Người xuất gia cũng không ngoại lệ, đắc tội với người nhiều rồi thì hộ pháp sẽ không còn nữa, nội hộ hay ngoại hộ đều không còn thì bạn sẽ rất gian nan khốn khổ. Cho nên, Phật pháp thường nói kết duyên, nên kết thiện duyên, nên kết pháp duyên, điều này quan trọng. 

Trước đây, chúng tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thời đó chúng tôi vẫn chưa xuất gia, học Phật với ngài, học giảng kinh với ngài. Thầy căn dặn chúng tôi, việc quan trọng hàng đầu chính là kết duyên với đại chúng. Thầy nói với chúng tôi, nếu không kết thiện duyên, không kết pháp duyên với tất cả chúng sanh, cho dù bạn học giỏi đến đâu, bạn lên bục giảng, giảng đến nỗi hoa trời rơi lả tả cũng không có ai thích nghe. Khi lên bục giảng kinh, thính chúng rất nhiều là pháp duyên của bạn thù thắng, bạn kết duyên tốt với người nhiều. Dứt khoát không được kết ác duyên, kết ác duyên thì phiền phức lớn rồi, chướng ngại của bạn sẽ nhiều, kẻ thù của bạn sẽ nhiều. Ác duyên cũng phải đem nó hóa giải, phương pháp hóa giải là tự mình thật sự đoạn ác tu thiện. Cho nên, nói “diệt trừ oán kết, các oán tự giải”, chỉ cần bạn thật sự quay đầu, thật sự là người thiện, được sự khẳng định của xã hội đại chúng, thì oan gia trái chủ của bạn nhìn thấy, nghe thấy, tâm họ cũng bình rồi nên ý niệm trả thù không còn nữa, đây là phương pháp giải trừ oan kết.

Chín, không sợ rơi vào đường ác. 

Bản thân có tín tâm chắc chắn tương lai sẽ không đọa ba đường ác. Vì sao vậy? Mặc dù có nghiệp nhân của ba đường ác, điều này là không thể tránh khỏi, vì vô lượng kiếp trước đã tạo nghiệp ác, tuy nhiên nhân muốn khởi hiện hành, tức là muốn kết thành quả báo thì nhất định phải có duyên, có nhân mà không có duyên thì sẽ không kết quả. Giống như chúng ta có hạt dưa, đó là nhân, đem nó để vào trong ly thủy tinh, để 100 năm nó cũng không sinh trưởng thành dưa được. Vì sao vậy? Vì không có duyên. Duyên của nó nhất định phải là thổ nhưỡng, nước, ánh nắng, không khí, bạn đoạn hết duyên của nó rồi thì tuy có nhân nhưng không thể kết thành quả. Chúng ta biết trong a-lại-da thức của mỗi chúng sanh, nghiệp nhân của mười pháp giới thảy đều đầy đủ. Chúng ta có nhân của ba đường ác, chúng ta cũng có nhân làm Phật, làm Bồ-tát, thảy đều có đủ. Cho nên, trong mười pháp giới, nếu chúng ta muốn có thành tựu như thế nào, bạn chỉ cần hiểu được duyên là được rồi. Ta muốn làm Phật thì ta khiến cái duyên Phật này của ta niệm niệm tăng trưởng, còn duyên của chín pháp giới khác thì ta khống chế nó, rời xa nó, vậy trong đời này ta làm Phật rồi. 

Điều quan trọng nhất của duyên làm Phật là gì? Niệm Phật, niệm niệm đều tương ưng với Phật thì bạn nhất định làm Phật. Không nên nghi ngờ mình không có thiện căn, không có hạt giống Phật, vậy là sai rồi, tất cả chúng sanh đều có hạt giống Phật, cho nên chúng ta phải có tín tâm. Điều thứ ba của tịnh nghiệp tam phước là “phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả”, điều này chúng tôi đã giảng rất nhiều rất nhiều lần rồi, tin sâu nhân quả đó không phải nhân quả gì khác, mà là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Chúng ta nhất định phải tin rằng niệm Phật thì thành Phật, niệm Bồ-tát thì thành Bồ-tát. Cho nên, người thật sự hiểu được, người sáng suốt thì họ từ sáng đến tối chỉ niệm A-di-đà Phật, họ không cần tụng kinh, không cần niệm chú, cũng không cần tu những pháp môn khác. Vì sao vậy? Xen tạp, đã tạp, đã loạn thì công phu không thuần. Quan trọng nhất là công phu thuần, công phu thuần thì bạn chắc chắn thành công. Vì sao một số người tín tâm của họ đối với việc vãng sanh có đầy đủ mười phần vậy? Vì họ chuyên tu, không tạp. Nếu xen tạp thì bạn có thể vãng sanh hay không còn là một ẩn số. Công phu thuần nhất thì bạn chắc chắn khẳng định, cho nên bạn còn đi làm những thứ khác để làm gì? 

Chúng ta mỗi ngày nghe kinh, đọc kinh là để làm gì? Để đoạn nghi sanh tín, là vì việc này. Nếu bạn đã tin rồi, nhất định không có mảy may nghi ngờ thì không cần kinh giáo nữa, bạn còn nghe kinh, đọc kinh làm gì? Một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Năm xưa, niệm Phật đường của đại sư Ấn Quang chỉ có một câu Phật hiệu, nhất định không xen tạp những thứ khác. Khi đốt hương thì niệm một biến kinh A-di-đà, để làm gì vậy? Để nhiếp tâm. Trước khi vào niệm Phật đường, tâm thường tán loạn, tụng một biến kinh A-di-đà là để thâu tâm lại, ý nghĩa là như vậy. Nếu tâm thanh tịnh, tâm không tán loạn thì kinh A-di-đà cũng là dư thừa. Qua đó chúng ta mới biết, người dụng công phu tối thượng thừa là dùng phương pháp thế nào. Ngày nay, chúng ta niệm Phật lại muốn đọc kinh Địa Tạng, lại muốn đọc phẩm Hạnh Nguyện, lại còn muốn tu Mật tông, xen tạp rất nhiều pháp môn, đây là người không có phước báo, chúng ta xem qua thì biết, đây là người phước mỏng, không phải người tối thượng thừa trong Phật pháp nói. Chúng ta phải hiểu rõ, tối thượng thừa chính là một câu Phật hiệu. 

Đạo tràng chúng ta mỗi ngày vẫn giảng kinh là để làm gì? Là để tiếp dẫn người sơ cơ, giúp đỡ xã hội tiêu trừ tai nạn, cho nên việc giảng kinh là điều rất cần thiết, việc này giúp đỡ xã hội. Thế gian có thêm một người học Phật, thêm một người hiểu rõ Phật pháp thì thế gian có thêm một người thiện, thêm một người thiện thì bớt đi một người ác. Người thiện nhiều, “thường được phi nhân bảo vệ”, xã hội này, thế giới này sẽ có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần ủng hộ. Chúng ta giúp đỡ tất cả chúng sanh tiêu tai miễn nạn nên mới làm việc giảng kinh này, còn đối với bản thân chúng ta thì nhất định là một câu Phật hiệu niệm đến cùng, nhất định phải hiểu được đạo lý này. Nếu tín tâm của bạn không đầy đủ, vẫn còn nghi hoặc, vẫn còn hoài nghi, gặp phải cảnh giới vẫn còn động tâm thì bạn cần phải đọc kinh, nghe kinh. Đọc kinh tốt nhất chỉ là một bộ kinh thì bạn mới chuyên, chuyên đọc kinh Vô Lượng Thọ, chuyên nghe kinh Vô Lượng Thọ. Vậy có cần phải nghe kinh khác hay không? Tín tâm không đủ, có nghi hoặc không thể giải trừ thì hãy nghe nhiều, nếu không còn nghi ngờ nữa thì bạn nghe nó để làm gì? Đây là phương pháp giúp đỡ người thượng thượng căn của cổ thánh tiên hiền và tổ sư nhiều đời. Nếu bạn phát tâm Bồ-đề muốn phổ độ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả đại chúng thì bạn phải học nhiều. Vì sao vậy? Vì căn tánh chúng sanh không như nhau. “Quảng học đa văn” là vì ai vậy? Là vì người khác, không phải vì mình, nhất định phải biết điều này. Ta học thật rộng là để ta có thể độ rất nhiều chúng sanh căn tánh không như nhau. Cho nên, học là vì người khác, niệm Phật là vì bản thân, tự lợi và lợi tha phải hiểu cho thật rõ ràng sáng tỏ. Lợi tha tuyệt đối không làm hại tự lợi, tự lợi cũng có thể giúp lợi tha, vậy thì tốt. Cho nên, nhất định tự mình phải có tín tâm, tuyệt đối không đọa ba đường ác.

Mười, chết được sanh lên trời. 

Đây là nói nếu bạn không phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì bạn chắc chắn sanh lên trời, đời sau sẽ không ở cõi người, mà lên cõi trời để hưởng phước trời. Tại vì sao? Người trời là từ bi, bạn có thể không sát sanh, cả đời trì thiện pháp không sát sanh này thì trình độ đức hạnh này của bạn ngang bằng với cõi trời, sanh lên trời là do đạo lý này mà được sanh. Không phải nói hằng ngày cúng dường thiên thần thì bạn có thể sanh lên trời, mỗi ngày nịnh nọt họ cũng không được. Trình độ đức hạnh của bạn phải ngang bằng với họ, bạn không lạy trời, bạn cũng sẽ sanh lên trời. Mười loại quả báo này đều là quả báo thiện, cho nên vĩnh viễn lìa khỏi tất cả phiền não, đây là dạy chúng ta có thể lìa sát sanh thì có thể lìa những pháp khổ não này. Điều sau cùng:

Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được thọ mạng tùy tâm tự tại của Phật.

Không sát sanh là bố thí vô úy, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh trường thọ. Cho nên, nếu bạn có thể đem công đức này hồi hướng đạo vô thượng Bồ-đề, tương lai thành Phật sẽ được vô lượng thọ của Phật, vô lượng thọ tùy tâm tự tại. Chúng ta biết được quả báo thù thắng như vậy, viên mãn như vậy thì chúng ta cần phải hết lòng mà học tập, đối với tất cả chúng sanh dứt khoát không có tâm tổn hại. Không những không được làm tổn hại, mà khiến chúng sanh sanh phiền não thì chúng ta cũng sai rồi. Chúng ta khiến chúng sanh vì ta mà sanh phiền não thì bản thân chúng ta sẽ thường xuyên có phiền não, vậy là không thể đoạn phiền não. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.