Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 67/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 67/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, kinh văn hàng thứ hai từ dưới lên, chúng ta xem:

“Ba, không có tâm tranh tụng.” Đây cũng là hình tượng cụ thể của lìa sân giận. Tranh là tranh luận. Phàm có tranh tụng thì tâm nhất định bất bình, nhất định chất chứa oán hận. Chư Phật Bồ-tát vì sao không có vậy? Chúng ta cần suy nghĩ thật kỹ, nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu? Chư Phật Bồ-tát triệt để giác ngộ rồi, biết được tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, trong Đại kinh thường nói: “Mười phương ba đời Phật, cùng chung một pháp thân.” Lời nói này là lời chân thật. Nếu nhận biết đây là một pháp thân, là một thể thì tâm từ bi mới có thể tỏa khắp pháp giới, từ bi chính là tâm yêu thương. Yêu thương tất cả chúng sanh chính là thật sự yêu thương chính mình; người khác được lợi ích tức là mình được lợi ích, người khác bị tai nạn tức là mình bị tai nạn. Ta người không hai, sanh Phật một thể, sanh là chúng sanh. Sao có thể có tranh tụng được? 

Cổ thánh tiên hiền dạy chúng ta, giữa người với người chung sống với nhau phải nhường nhịn. Chư Phật Bồ-tát chung sống với tất cả mọi người ngay cả ý niệm nhường nhịn cũng không sanh khởi, vì sao vậy? Có ý niệm nhường nhịn là đã cách một bậc rồi, không phải là một thể thì mới nhường nhịn, nếu là một thể thì không thể nói nhường nhịn được. Do đó, lý càng rõ, càng sáng tỏ, càng thấu triệt thì sự mới thật sự đạt đến viên mãn, trong Phật pháp thường gọi là đại viên mãn, đại tự tại. Không thể hiểu rõ thấu triệt lý và sự thì sao có thể làm được? Người thế gian tranh danh, tranh tài, tranh lợi. Nếu là Phật Bồ-tát thì bạn cần thứ gì ngài sẽ cho bạn hết. Bạn thọ dụng hay tôi thọ dụng có gì khác nhau đâu? Đều như nhau cả! Bạn cảm thấy cái này có lợi ích với bạn, tôi đều có thể nhường cho bạn. Sự biểu hiện của Phật Bồ-tát cho chúng ta, đó là chính mình nhất định phải trải qua đời sống vật chất ở mức thấp nhất. Đây là dạy điều gì? Dạy người không tranh. Hơn nữa hằng ngày vì xã hội, vì chúng sanh mà tu phước, bồi phước, tạo phước, phước báo đều nhường cho mọi người hưởng. Xã hội an định hài hòa, phồn vinh hưng vượng, đây là sự hưởng thụ của chư Phật Bồ-tát; nhìn thấy mọi người đều tốt thì các ngài hoan hỷ, đây là sự hưởng thụ của các ngài. 

Cả xã hội động loạn bất an, tất cả chúng sanh chung sống không hài hòa thì Phật Bồ-tát nhìn thấy đau lòng, lo lắng. Giống như cha hiền lo cho con cháu, người tuổi tác cao, đã 80-90 tuổi rồi, lúc này đối với họ mà nói, thế nào là hưởng thụ lớn nhất? Người một nhà hòa thuận, tương thân tương ái, tôn trọng lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác thì trong tâm người già hoan hỷ, họ hoàn toàn không mong cầu được cung cấp vật chất để thọ dụng, họ không cầu những thứ này, chẳng cần thứ gì cả. Chư Phật Bồ-tát, người thật sự giác ngộ đều có tâm thái như vậy, chúng ta chưa giác ngộ thì rất khó lý giải, tưởng tượng không ra, sau khi bạn giác ngộ rồi thì bạn sẽ hiểu rõ. Giống như người trẻ tuổi không thể nào hiểu được lý niệm, cách nghĩ, cách nhìn của người già, đến khi chính họ già rồi, 80-90 tuổi rồi thì họ hiểu rõ vì sao người già trước đây đối đãi với con cháu đời sau như vậy, họ sẽ hiểu rõ thôi. Cho dù chính mình trong đời này đã tạo rất nhiều sai lầm, nhưng ngạn ngữ nói rất hay: “Con người sắp chết, lời nói thiện lành.” Vì sao vậy? Vì họ biết sai rồi. Họ hy vọng người đời sau đừng phạm sai lầm, mỗi một câu khuyên nhủ người đời sau đều là lời chân thật. 

Chư Phật Bồ-tát đối với chúng ta mà nói đều là người xưa. Thích-ca Mâu-ni Phật diệt độ đã 3.000 năm, cả đời thật sự là dũng mãnh tinh tấn, cầu học dạy người, ngài đã vì chúng ta mà thị hiện. Phật đã đạt đến trí tuệ cứu cánh viên mãn, nhưng tấm gương mà ngài làm ra là ham học không biết mệt mỏi. Ấn Độ vào thời đó có thể nói học thuật tương đối phát triển, so với bách gia chư tử thời Xuân Thu Chiến Quốc của chúng ta, đại thể là giống nhau. Trong kinh điển ghi chép, Ấn Độ vào thời đó có 96 loại học phái tôn giáo, mỗi một loại Thích-ca Mâu-ni Phật đều tiếp xúc qua, mỗi một loại ngài đều nghiên cứu, đều hiểu rõ họ, thành tựu trí tuệ chân thật của mình. Những thánh nhân này không ai mà không hiếu học.

Thầy Dương đã mua được cuốn “Đạo Đức Kinh Chú Giải” từ Đài Loan. Tôi mở ra xem thử, thiên đầu tiên là hoàng đế Khang Hy viết lời tựa, trong lời tựa thì ông khẳng định sách chú giải này là chú giải hay. Ông đã xem qua rất nhiều chú giải cho Lão Tử, cho rằng sách chú giải này nói rất rõ ràng, nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu. Ông dặn dò vương công, đại thần, vương tử, vương tôn trong cung đình đều phải đọc. Đây là người có học, khi họ tại vị, đối với học thuyết thế xuất thế gian thảy đều đọc qua, không có điều gì không thông đạt, vì vậy họ mới có thể quản lý quốc gia tốt như vậy, họ có đạo lý. Diện tích lãnh thổ của quốc gia lớn nhỏ không như nhau, nhân dân cư trú trong đất nước bao gồm nhiều dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, làm thế nào để dung hợp lại? Đây chính là nền tảng của xã hội an định. Singapore là một nước nhỏ, ngày hôm kia trên báo đăng, dân số đã lên đến bốn triệu. Bốn triệu người này có rất nhiều dân tộc khác nhau, thông thường nói có bốn dân tộc lớn, đây là phần lớn, trong mỗi dân tộc còn có dân tộc nhỏ; về tôn giáo thì Singapore có chín tôn giáo. Chúng ta muốn thành tựu đức hạnh, muốn thành tựu học vấn, thử hỏi xem nhiều dân tộc như vậy, nhiều tôn giáo như vậy, nền văn hóa khác nhau, chúng ta có cần tìm hiểu hay không? Cần! Bạn muốn hiểu họ, bạn không học tập thì làm sao bạn hiểu được? Cho nên cổ nhân nói: “Sống đến già, học đến già, học không hết”, mỗi ngày chúng ta phải chăm chỉ mà đọc sách. Kinh điển của mỗi tôn giáo tôi đều đọc, hằng ngày đều đang đọc. Chúng tôi là người làm giáo dục tôn giáo, do đó kinh sách của tôn giáo phải thông thạo, phải đọc; sách vở thế gian cũng phải đọc qua, quá nhiều sách. Chúng ta phải biết lựa chọn trọng điểm, phải có thể bao quát toàn diện, thành tựu trí tuệ, phong phú thường thức, như vậy mới có thể tự độ độ tha. Dứt khoát không có chuyện kiến thức nông cạn mà bạn có thể thành tựu được sự nghiệp, đây là việc không thể. 

Thánh giáo có lợi ích lớn đối với chúng ta; thánh giáo nhất định là vô tư, nhất định là vô ngã, nhất định là thanh tịnh vô vi. Nhà Đạo nói “vô vi”, nhà Phật nói “tam luân thể không”, tam luân thể không chính là vô vi. Vô vi là không vì bản thân, không làm nhưng không gì chẳng làm. Không gì chẳng làm là làm lợi ích cho quảng đại xã hội, quảng đại quần chúng, cho nên nó không phải tiêu cực. Có người nói Phật giáo là tiêu cực, chỉ lo cho bản thân, không lo cho xã hội, nói vậy sai rồi. Nếu chỉ lo bản thân, không lo xã hội, vậy thì Thích-ca Mâu-ni Phật việc gì phải giảng kinh thuyết pháp 49 năm? Ngành nghề trong xã hội rất nhiều, nghề mà Thích-ca Mâu-ni Phật lựa chọn là nghề dạy học, ngài ở trong nghề nghiệp này rất chăm chỉ, rất siêng năng, không hề mảy may biếng nhác, mỗi ngày lên lớp 8 giờ, 49 năm không gián đoạn, tìm đâu ra vị thầy tốt đến như vậy? Lại không thu học phí của học sinh, bạn có thể nói ngài tiêu cực sao? Phải đem chân tướng sự thật này làm cho rõ ràng sáng tỏ. 

Những điều ngài nói là chân lý, thế nào gọi là chân lý? Đó là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Người thế gian chúng ta mê hoặc điên đảo, đối với toàn bộ vũ trụ, thế gian chúng ta đều mê hoặc, có thể nói là hoàn toàn vô tri. Hiện nay nhà khoa học nói với chúng ta, có sự tồn tại vô hạn chiều không gian, chúng ta không hiểu chân tướng sự thật này. Trong kinh Phật và kinh điển tôn giáo khác nói với chúng ta, con người có quá khứ, có vị lai. Trong tôn giáo thông thường, tuy không có nói lục đạo nhưng họ nói đến thiên đường, nói đến địa ngục, ít nhất họ khẳng định có cõi người, có cõi trời, có cõi địa ngục. Chúng ta nói cho họ biết thêm, bạn có nhìn thấy rất nhiều súc sanh hay không? Có cõi súc sanh tồn tại. Ấn Độ giáo và Phật giáo nói rất rõ ràng, nhà Phật nói mười pháp giới, Ấn Độ giáo nói sáu cõi luân hồi. Sáu cõi chính là sáu chiều không gian khác nhau, mười pháp giới chính là mười chiều không gian khác nhau. Đây là sự phân chia lớn, còn phân chia nhỏ thì vô cùng phức tạp, toàn bộ bạn đều hiểu rõ thì bạn mới thật sự biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Ví dụ nói về mười pháp giới, bạn chỉ biết một pháp giới, chín pháp giới khác bạn đều không biết thì tư tưởng kiến giải của bạn sẽ bị lệch lạc, sẽ có sai lầm. Đây là điều chúng ta có thể lý giải, có thể tưởng tượng được. Nếu bạn đều hiểu rõ, đều sáng tỏ rồi thì tư tưởng kiến giải chính xác, hành vi của bạn sẽ chính xác. 

Tâm hạnh đúng đắn thì tương ưng với lời giáo huấn của thánh nhân, giáo huấn của thánh nhân tương ưng với chân tướng sự thật. Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta hằng thuận, tùy hỷ, đây là tương ưng. Hằng thuận, tùy hỷ đều phải lấy pháp tánh làm tiêu chuẩn, chúng ta hằng thuận pháp tánh, tùy hỷ pháp tánh, thì người này có tư tưởng của Phật Bồ-tát, kiến giải của Phật Bồ-tát, đời sống của Phật Bồ-tát là tự tại mỹ mãn, nhà Phật nói là “thường sanh trí tuệ, không sanh phiền não”. Nếu trái ngược với tánh đức thì bạn thường xuyên mê hoặc, thường sanh phiền não. Tương lai sẽ đi về đâu? Đương nhiên đi về ba đường ác, đây là đạo lý tất nhiên. Tất cả thánh hiền, tất cả tôn giáo đều nói với chúng ta, tham sân si là không tốt, không có tôn giáo nào nói tham sân si là tốt cả, chúng ta không hề nhìn thấy. Trong rất nhiều kinh điển tôn giáo, chúng ta đều không hề thấy nói tham sân si là tốt. 

Thế nhưng hiện nay, hôm qua tôi mới nghe người ta nói, gần đây trên báo đã đăng một bài khá dài, nói: “tham là vô tội”. Không biết các bạn có xem qua hay chưa, hy vọng các bạn tìm cho tôi xem thử. Tôi thường nghe người phương Tây nói: “Tham lam là nguồn động lực để xã hội tiến bộ”, cổ vũ con người tham không biết chán. Từ trong giáo huấn của thánh nhân tất cả tôn giáo mà xem câu “tham không biết chán” này, nếu các bạn nói nó là nguồn động lực để xã hội tiến bộ, điều này không sai, đúng vậy! Đây là xã hội gì? Xã hội của cõi quỷ, xã hội của cõi địa ngục, xã hội của cõi súc sanh, xã hội của ba đường ác, tuyệt đối không phải của trời người. Từ chỗ này chúng ta cũng thật sự tỉnh ngộ trở lại, Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Lăng-nghiêm: “Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng.” Thế nào là tà sư? Thuyết pháp trái ngược với tự tánh đều là tà sư, phải ương ưng với tự tánh. 

Tham sân si gọi là tam độc phiền não! Tam độc nếu tăng lên rồi thì trời người sẽ không còn nữa, mà ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sẽ hiện tiền, chúng ta phải suy ngẫm nhiều. Cho nên, tôn giáo phương Tây nhấn mạnh phải tin có ngày tận thế; trong kinh Cô-ran nói tin vào thánh A-la, tin có ngày tận thế. Chúng ta hãy xem hiện tượng xã hội ngày nay cách ngày tận thế rất gần, rất gần rồi. Đây là điềm báo trước của ngày tận thế, là điềm báo trước vô cùng không tốt, sao chúng ta có thể không cảnh giác cho được? Người ta tranh, chúng ta nhường, “không tranh với người, không cầu nơi đời”, cho dù chúng ta chết rồi thì cũng có nơi tốt để đi, nhất định không đọa ba đường ác. Chúng ta cần phải có năng lực phân biệt tà chánh, phân biệt đúng sai, phân biệt lợi hại. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.