Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 36/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 36/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được mười loại pháp bảo tín. Những gì là mười? Một, của cải chồng chất; vua, trộm cướp, nước lửa và con phá của không thể tiêu tán. Hai, nhiều người yêu mến. Ba, người khác không ức hiếp. Bốn, mười phương khen ngợi. Năm, không lo tổn hại. Sáu, tiếng tốt truyền khắp. Bảy, ở trong hội chúng không hề sợ hãi.” Chúng ta lần trước đã giảng đến đây.

Hôm nay, chúng ta xem tiếp: “Tám, tiền tài, thọ mạng, hình sắc, sức lực an vui, biện tài đầy đủ không thiếu.” Ở trong kinh, không chỉ là bộ kinh này, Phật nói với chúng ta một chân tướng sự thật, loại chân tướng sự thật này chính là chân lý về nhân duyên quả báo. Không những pháp thế gian như vậy, mà pháp xuất thế gian cũng không ra khỏi định luật này. Định luật cũng chính là chân lý mà chúng ta thường nói, chúng ta phải thể hội thật sâu, tin tưởng thật sâu. Làm ác thì quả báo của ác chính là mặt đối lập của mười loại pháp bảo tín mà chỗ này nói. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì vì sao chúng ta không đoạn ác tu thiện? Con người đều mong cầu quả báo tốt, người thế gian bất luận là người xưa hay người nay, nơi đây hay cõi khác, tất cả chúng sanh không ai không cầu mong giàu có, sống lâu, trí tuệ. Có thể cầu được không? Đáp án là chắc chắn được, nhất định có thể cầu được, cho nên nhà Phật thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng.” Thế nhưng chúng ta nhất định phải cầu như lý như pháp, nếu không hợp lý, không hợp pháp thì việc cầu này không có cảm ứng, chỉ cần như lý như pháp thì không có gì không cầu được.

Quả báo của “không sát sanh” thù thắng không gì bằng, trong rất nhiều quả báo thù thắng thì điều quan trọng nhất là trường thọ, khỏe mạnh trường thọ, đây là đức hàng đầu, dứt khoát không có ý niệm tổn hại chúng sanh. Nhưng điều này rất nhiều người rất khó làm được, nguyên nhân ở đâu vậy? Tập khí quá nặng, tập khí sân giận, tập khí cống cao ngạo mạn, khi đối đãi với người, với việc, với vật, không hay không biết nó lại khởi hiện hành, vẫn tạo tác ác nghiệp như xưa. Cho nên, Phật dạy chúng ta phải đoạn phiền não, càng phải đoạn tập khí. Chúng ta nhìn thấy nghệ thuật tạo tượng của nhà Phật, bạn thử xem mỗi tượng của A-la-hán đều khác nhau, thế nhưng tỉ mỉ mà quan sát thì tượng của họ vẫn là từ bi. Tạo tượng của Bồ-tát thì không như vậy, hầu như diện mạo của Bồ-tát đều giống nhau, đây là nguyên nhân gì? A-la-hán đã đoạn hết ác nghiệp rồi, nhưng vẫn chưa đoạn tập khí ác, Bồ-tát ngay cả tập khí cũng đoạn rồi, cho nên diện mạo hiền từ, hòa nhã, tất cả chúng sanh nhìn thấy đều sanh tâm hoan hỷ, không giống như A-la-hán. Ở chỗ này chúng ta cần phải thể hội được, biết làm thế nào để học tập, điều quan trọng nhất là phải đoạn tập khí.

Cách đoạn tập khí như thế nào? Chúng ta nhất định phải xem trọng phương pháp, đương nhiên phương pháp có hiệu quả nhất là chúng ta đem hành vi sinh hoạt, cách đối nhân xử thế của chính mình quay thành video, sau đó tự mình thử xem lại xem, đây là biện pháp hay. Nhưng mà không có người ghi hình giúp bạn, thế là chúng ta nghĩ đến cổ nhân, cổ nhân dùng phương pháp gì vậy? Hằng ngày soi gương, khi trong tâm bạn có mừng, giận, buồn, vui thì bạn dùng gương soi lại chính mình, xem đức tướng đó của mình thì có thể tỉnh ngộ được. Thật ra chỉ cần tự mình lưu ý, tự mình chịu dụng tâm, trong đời sống hằng ngày, chúng ta nhìn người khác, nhìn chính mình thì không nhìn thấy, nên phải nhìn người khác, người khác chính là tấm gương của chúng ta. Khi chúng ta nhìn thấy nhan sắc, vẻ mặt, ngữ khí của người ta bất thiện, chúng ta cảm thấy như thế nào? Quay trở lại nghĩ bản thân mình, chúng ta đối xử với người khác có giống như vậy hay không. Phu tử nói với chúng ta: “Ba người cùng đi, ắt có thầy ta”, bạn thử xem dáng vẻ của người thiện, dáng vẻ của người bất thiện, chỉ cần tự mình chịu lưu ý thì biết sửa lỗi, từng li từng tí trong đời sống hằng ngày đều sẽ biết dụng tâm mà học tập.

Chỉ có người sơ ý qua loa thì khó, nhưng loại người này lại nhiều. Đặc biệt là trong thời đại hiện nay, loại người này trong kinh điển Phật thường gọi là “kẻ đáng thương xót”. Kẻ đáng thương xót thì chúng ta nhất định không được trách cứ họ, tại sao vậy? Vì họ đáng thương mà. Đáng thương ở chỗ nào? Không có người dạy họ, cổ nhân Trung Quốc nói là họ chưa được nhận qua giáo dục. Giáo dục mà người xưa Trung Quốc nói với giáo dục hiện nay ý nghĩa không như nhau, hiện nay học đến đại học, học đến tiến sĩ, cầm được học vị tiến sĩ rồi, nhưng trong mắt của cổ nhân Trung Quốc thì bạn chưa được giáo dục, chưa được nhận qua giáo dục làm người. Cho nên ngày nay, những thứ mà nhà trường dạy là khoa học kỹ thuật, kỹ năng. Khổng lão phu tử dạy học có bốn môn, trong đó môn thứ nhất là đức hạnh, môn thứ hai là ngôn ngữ, hai môn này ngày nay không có, chỉ có hai môn sau là chính sự và văn học mà thôi.

Cổ thánh tiên hiền dạy người, không những ở Trung Quốc mà ở nước ngoài cũng vậy, chúng ta thử xem tất cả kinh điển tôn giáo, tôn giáo là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, giáo học của mỗi tôn giáo đều là vượt qua thời gian, không gian, vượt qua lãnh thổ quốc gia, vượt qua chủng tộc, và cũng vượt qua tôn giáo, đây là nền giáo dục đức hạnh. Ngày nay danh từ này gọi là giáo dục nhân văn, dạy bạn làm người như thế nào, chỉ cần biết làm người thì người với người mới có thể chung sống hòa thuận, mới có thể đối xử bình đẳng. Nền tảng căn bản của chung sống hòa thuận là đối xử bình đẳng, không có bình đẳng thì chắc chắn không có hòa thuận. Cống cao ngã mạn chính là không có bình đẳng, luôn cảm thấy ta cao hơn người, người không bằng ta.

Thế xuất thế gian, đại thánh đại hiền, sao các ngài có thể trở thành thánh hiền vậy? Chính là tâm của các ngài bình đẳng. Cho nên, trong Phật pháp nói đến nghiệp nhân quả báo, nghiệp nhân của Phật đứng đầu là tâm bình đẳng, tâm bình đẳng là Phật, tâm lục độ là Bồ-tát, Bồ-tát vẫn chưa làm được bình đẳng viên mãn. Cho nên, bình đẳng khó, nhưng chúng ta nhất định phải học. Khi tâm bình đẳng hiện tiền, lại có thể hạ mình mà tôn người thì người này chính là thánh nhân, chúng ta gọi họ là đại thánh. Trong bình đẳng có thể tôn kính người khác, chính mình có thể khiêm nhường, đây là Phật, đây là đại thánh, chúng ta cần phải học tập. Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai”, “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, nhưng chúng ta ngày nay biến thành hình dáng này, nguyên nhân đích thực chính là không tiếp nhận giáo dục thánh hiền, chúng ta tùy thuận tập khí phiền não của mình, cho nên mới biến ra hình dáng này, tiền đồ là một mảng tối tăm.

Pháp cơ bản của Phật pháp chính là thập thiện nghiệp đạo, trong câu thứ tám đã nói “tài, mạng, sắc, lực”, tài là tiền tài, mạng là tuổi thọ, sắc lực là khỏe mạnh, chữ “lực” này còn bao gồm năng lực, được an lạc. Không chỉ như vậy mà còn được “biện tài đầy đủ không thiếu”, biện tài là xử sự đối nhân tiếp vật nhất định phải hoàn bị, không những chính mình được lợi ích mà còn có thể giúp đỡ người khác.

“Chín, thường sẵn lòng bố thí”, “thí” là giúp đỡ người khác, chúng ta thường xuyên giữ ý niệm giúp đỡ tất cả chúng sanh. Phải thường giữ tâm này, khi gặp chúng sanh có nhu cầu thì tự nhiên chúng ta hoan hỷ thí xả, đây là đức hạnh chân thật.

“Mười, chết được sanh lên trời”, đây là nói rõ bạn vẫn chưa phát nguyện thoát khỏi tam giới thì quả báo của bạn ở trên trời. Chỗ này chúng ta nhất định phải giác ngộ, phạm giới trộm cắp thì ngay cả sanh thiên còn không thể được, làm sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc? Chúng ta không được xem nhẹ sự việc này. Phạm vi của trộm cắp sâu rộng vô cùng, chúng ta ở trong đời sống hằng ngày thường hay phạm phải mà không thể phát hiện ra. Vì vậy, chúng ta niệm Phật cả một đời, nhưng đến khi lâm chung không thể vãng sanh, còn đi trách Phật không linh: “Tôi đều y giáo phụng hành rồi, niệm Phật cả đời rồi, vì sao không được vãng sanh? Sao Phật không đến tiếp dẫn?” Không biết có câu “miệng niệm Di-đà, tâm tán loạn”, tâm tán loạn chính là trong tâm của bạn còn xen tạp rất nhiều ác nghiệp ở trong đó, vậy bạn sao có thể vãng sanh được? Bạn niệm câu Phật hiệu này không tương ưng, đạo lý là ở chỗ này.

Tôi thường nói hai chữ “trộm cắp” này, cũng nói rất đơn giản, mọi người dễ hiểu, chính là ý niệm quen chiếm tiện nghi, ý niệm này là tâm trộm. Chiếm tiện nghi của người khác, chiếm tiện nghi của tập thể, trong tự viện thì chiếm tiện nghi của thường trụ, những điều này rất dễ phạm. Cầm điện thoại của thường trụ tán gẫu với bạn bè cũng là trộm cắp, ai hiểu được đạo lý này? Có công việc cần thiết thì nên nói càng đơn giản càng tốt. Ngày nay ai biết quý tiếc vật của thường trụ? Chúng ta phải suy nghĩ nhiều, chúng ta có lãng phí của thường trụ hay không? Trong kinh Địa Tạng nói quả báo thật đáng sợ, trộm vật của thập phương thường trụ, tội này Phật không thể cứu được. Phật nói ở trong kinh, bạn phá giới, tạo tội ngũ nghịch thập ác, Phật đều có thể cứu được, lời nói này là thật, không phải giả. Chúng ta đọc thấy trong kinh Vô Lượng Thọ, tạo tội ngũ nghịch thập ác, lâm chung sám hối, Phật vẫn có thể giúp bạn vãng sanh. Trộm vật của thập phương thường trụ, tội này Phật không cứu được, vì sao vậy? Sám hối không thông. Cho nên, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng mà chúng ta thường không để ý đến.

Thật sự mà nói, nó còn nghiêm trọng hơn cả tội sát sanh. Sát sanh, bạn giết người, giết thân mạng của chúng sanh, nhưng bạn không đoạn huệ mạng của họ, đó là trách nhiệm một đối một nên dễ dàng sám hối. Còn trộm cắp, đặc biệt là trộm cắp vật của thường trụ, thường trụ này là tận hư không khắp pháp giới, tứ chúng đệ tử đều là chủ nợ, tội còn nặng hơn cả trộm cắp vật của quốc gia. Quốc gia là một đất nước của bạn, số người quả thật vẫn là có hạn, giống như Trung Quốc là một nước lớn, cũng chẳng qua là có 1,2 tỉ người mà thôi, bạn chỉ thiếu nợ 1,2 tỉ người này. Nhưng hư không pháp giới là không có số lượng, thường trụ là thông hư không khắp pháp giới, người hiểu được điều này quá ít. Hơn nữa, nhìn thấy mọi người dường như đều chiếm tiện nghi của thường trụ, đều chiếm tiện nghi của người khác, trở thành thói quen rồi, đều cảm thấy đây là lẽ đương nhiên mà không biết hậu quả nghiêm trọng như vậy, chướng ngại sanh thiên. Cho nên, chúng ta phải biết quý tiếc vật của thường trụ, phải nghĩ kỹ trước từng li từng tí. Câu cuối cùng: “Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ chứng được trí thanh tịnh đại Bồ-đề.” Trí tuệ đức năng vô lượng vô biên trên quả địa Như Lai, họ làm sao chứng được vậy? Ắt có nguyên nhân. Phật pháp gọi là nhân duyên, nhất định có nhân duyên. Nhân là tự tánh vốn đầy đủ trí tuệ đức năng, duyên là trong khi hành Bồ-tát đạo đã tích lũy công đức, đây là duyên. Bạn có nhân mà không có duyên thì quả báo không thể hiện tiền, đạo lý này chúng ta nhất định phải nghĩ cho thông suốt. Thập địa Bồ-tát, Đẳng giác Bồ-tát thì “trí thanh tịnh đại Bồ-đề” chưa viên mãn, duyên còn thiếu một phần. Duyên là tu công tu đức, vẫn thiếu một phần. Cho nên, phải đem ý niệm trộm cắp đoạn cho thật sạch sẽ thì hành vi trộm cắp đương nhiên là không còn nữa, đây chính là tu từ căn bản.

Trong kinh này, Thế Tôn nói ra mười loại pháp bảo tín cho chúng ta. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn của đạo, mẹ của các công đức.” Nhà Nho nói: “Nếu người không có tín thì không có chỗ đứng trong xã hội.” Làm sao có thể gìn giữ “tín”? Người hiện nay gọi là tín dụng, trong Phật pháp thì nói sâu hơn một bậc, gìn giữ tín tâm, tin mình tin người. Trong kinh A-di-đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta sáu loại tín là: tin mình, tin người, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý. Làm sao có thể gìn giữ tín tâm? Mười loại phương pháp này. Thành tựu cho tam tư lương “tín, nguyện, hạnh” trên đường tu học đạo Bồ-đề của chúng ta, tín là điều đầu tiên. Không buông bỏ tâm trộm thì tín của bạn sẽ không có; hay nói cách khác, điều đầu tiên của tam tư lương còn không có thì hai điều phía sau xin miễn bàn, bạn làm sao có thể vãng sanh? Đại đức xưa thường nói, người niệm Phật nhiều mà người vãng sanh ít. Chúng ta đọc bộ kinh này, tư duy cho thật kỹ thì chúng ta sẽ sáng tỏ, hiểu rõ, khẳng định rồi, vì sao người vãng sanh ít như vậy. Quay trở lại nhìn bản thân mình, chính mình ở trong đời này có thể vãng sanh hay không? Điều này có quan hệ vô cùng, vô cùng to lớn đối với chúng ta. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến chỗ này.