Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 34/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 34/149

Ở đây có một vị đồng tu tên là Phạm Sinh Hoa, anh hiện đang đợi ở trên mạng Internet. Nội dung anh hỏi là bà ngoại của anh tin Phật, niệm Phật nhiều năm nay, gần đây bị tai biến trở thành người thực vật, làm sao để người đã mất ý thức có thể vãng sanh Tây Phương? Bản thân bà vô cùng nhàm chán Ta-bà, thích sanh Tịnh độ. Để giúp bà vãng sanh Tây Phương, anh vì bà niệm Phật và tụng kinh Địa Tạng, không biết tụng kinh Địa Tạng và kinh Vô Lượng Thọ có gì khác biệt không? Anh ấy lúc nhỏ tụng kinh Địa Tạng, hiện tại học kinh Vô Lượng Thọ. Vấn đề này quả thật vô cùng nghiêm trọng, vì điều kiện đầu tiên để vãng sanh chính là thần trí phải tỉnh táo, người có thể vãng sanh hay không, quyết định ở một niệm cuối cùng. Một niệm cuối cùng rất tỉnh táo, rất sáng suốt, hoan hỷ vãng sanh thì nhất định được sanh, một niệm cuối cùng mơ hồ thì rất phiền phức, siêu độ cũng không dễ dàng. Phật sự siêu độ, lúc họ đang tiếp nhận siêu độ liệu họ có hồi tâm chuyển ý cầu sanh Tây Phương hay không, đây là do bản thân họ quyết định. Nếu làm Phật sự siêu độ mà bản thân họ vẫn thờ ơ không quan tâm, không chút động lòng thì họ vẫn không thể vãng sanh, cho nên khẳng định có phần chắc chắn vãng sanh là một niệm cuối cùng phải thật tỉnh táo.

Trong Phật pháp, đây thuộc về một loại nghiệp chướng, bị tai biến trở thành người thực vật, chứng mất trí nhớ của người già đều thuộc về nghiệp chướng, con cháu hiếu thuận có thể giúp họ chuyển nghiệp này được hay không? Cần phải học Quang Mục nữ, Bà-la-môn nữ trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, phải phát tâm lớn như vậy thì sức mạnh đó rất lớn, có thể chuyển nghiệp báo của họ. Nếu không thể phát được tâm lớn như vậy thì chỉ có thể giảm bớt nỗi đau khổ của họ, chứ vãng sanh thì rất khó khăn. Trong kinh Địa Tạng có ghi rõ ràng, bạn tụng kinh Địa Tạng nhiều như vậy, cần phải hiểu rõ, bạn nhất định phải phát tâm làm Bồ-tát, phổ độ tất cả chúng sanh khổ nạn ở thế gian thì bà ngoại của bạn sẽ được độ. Nếu bạn không phát tâm lớn như vậy, không làm Bồ-tát thì bạn không thể độ nổi, bạn làm Bồ-tát thì người thân quyến thuộc của bạn đều được độ. Sự việc này quyết định là ở chính bạn, người khác không thể giúp được, chư Phật Bồ-tát cũng không thể giúp được.

Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ sáu, chúng ta đọc từ hàng thứ ba từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa trộm cắp thì được mười loại pháp bảo tín.” “Bảo” là giữ gìn, không bị mất đi. Mười loại pháp bảo tín này, phía trước đã giới thiệu với quý vị loại thứ nhất rồi. Loại thứ nhất là “của cải chồng chất, không bị vua, giặc, nước, lửa và con phá của làm cho tiêu tán mất”.

Loại quả báo thứ hai là “nhiều người yêu mến”. Người không trộm cắp, không trộm cắp giống như không sát sanh đã nói ở phía trước, đều thuộc về bố thí vô úy; hay nói cách khác, khiến tất cả chúng sanh xa lìa sợ hãi lo lắng. Người thế gian thường nói “đừng phơi của ra”, tiền tài của bạn mà để người khác biết, họ sẽ khởi ác niệm đến trộm cắp của bạn, hoặc là đến cướp đoạt của bạn. Nếu người này là người trì giới, bạn có của cải nhiều đến đâu, cho dù họ nhìn thấy rồi, biết rồi nhưng họ cũng không động tâm, không khởi ác niệm, bạn có thể rất yên tâm, có thể rất an toàn, cho nên đây là thuộc về bố thí vô úy. Bố thí vô úy nhất định được “nhiều người yêu mến”, trong thế gian này bạn sẽ được rất nhiều người ủng hộ, rất nhiều người quan tâm bạn, đây là quả báo rất thù thắng.

“Ba, người khác không ức hiếp”, nghiệp nhân quả báo này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Ta không ức hiếp người thì người sẽ không ức hiếp ta. Ta không ức hiếp người mà vẫn có người khác ức hiếp ta, đó là do ác nghiệp đã tạo trong đời quá khứ. Dứt khoát không thể nói: “Tôi hành thiện, tại sao vẫn gặp phải điều không tốt như vậy?” Đây là tiêu nghiệp chướng, nghiệp chướng của bạn đã trả hết rồi. Sau khi nghiệp chướng của bạn tiêu hết thì quả thiện của bạn nhất định sẽ hiện tiền, cho nên bạn nhất định phải có tín tâm đối với mười loại pháp bảo tín này, phải có tín tâm, đối với thánh giáo dứt khoát không có nghi ngờ.

Phần trước, tổng cương lĩnh mà Phật nói với chúng ta: “Một người có tâm thiện, tư tưởng thiện, hành vi thiện, nhất định được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ.” Cho dù gặp phải khổ nạn, khổ nạn không quan trọng, cũng không cần sợ hãi, gặp phải tai nạn hiện tiền, tự mình tin tưởng sâu sắc là Phật, Bồ-tát đang chăm lo, đây chỉ là tiêu nghiệp chướng mà thôi, nghiệp chướng đời nay và đời quá khứ đã tạo, ngay đây đều trả hết rồi, dứt khoát không được có mảy may ý niệm oán trời trách người. Nếu có ý niệm này hiện tiền, không những nghiệp chướng không thể tiêu được mà còn tăng thêm, tăng trưởng hơn.

Cho nên chúng ta học Phật, đây là điều rất không dễ dàng, trong kinh Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe”, cơ duyên như vậy là “trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”, đây là lời chân thật, không phải giả dối, thật không dễ gì gặp được. Sau khi gặp được, chúng ta nhất định phải trân quý, nhất định phải khắc phục tập khí phiền não của mình, biết không dễ gì gặp được cơ hội này, cư sĩ Bành Tế Thanh nói: “Một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”; hay nói cách khác, vô lượng kiếp mới gặp được một lần, đâu có dễ dàng như vậy! Thật sự hiểu rõ đạo lý này thì tập khí phiền não thế nào đi nữa cũng phải khắc phục. Chúng ta phải biết, nếu không khắc phục tập khí phiền não này thì về sau lại phải chịu khổ vô lượng kiếp, chịu khổ trong lục đạo luân hồi, đây không phải là người thông minh, không phải là người giác ngộ, trong kinh Phật gọi là nhất-xiển-đề. Nhất-xiển-đề là không có thiện căn, không biết giác ngộ. Gặp được rồi, bất chợt [lóe lên] giống như tia điện của đá lửa, tia chớp vậy, xẹt một cái rồi vụt tắt ngay, lại thoái chuyển rồi, lại lui sụt rồi. Loại tình trạng này, loại người này nhiều vô cùng, trước mắt chúng ta trong một vạn người niệm Phật thì đã có chín ngàn chín trăm người là thuộc về người như vậy. Cho nên, thầy Lý thường nói: “Một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có hai, ba người.” Hai ba người đó là ai vậy? Thật sự hiểu rõ rồi, thật sự không muốn tạo sanh tử luân hồi nữa, cố gắng khắc phục tập khí phiền não, tham, sân, si, mạn của chính mình, vậy thì đời này chúng ta thành công, thành tựu rồi. Cho nên, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nếu chúng ta không thể khắc phục tập khí phiền não, vẫn đọa lạc trong tham, sân, si, mạn thì chúng ta tương lai nhất định vẫn là sanh tử luân hồi vô lượng kiếp, cho nên phải biết là sự việc này thật đáng sợ!

Biết sự việc này đáng sợ thì đối với danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần phải giữ khoảng cách càng xa càng tốt, không nên đến gần nó. Bản thân bạn không có công phu, không có định lực, không có trí tuệ, bạn vừa đến gần thì phiền não của bạn liền khởi hiện hành. Cho nên đại đức xưa xây đạo tràng, tại sao xây ở nơi núi sâu, nơi không có dấu chân người đến? Tức là để bạn không thuận tiện. Hiện tại thì giao thông tiện lợi, cho nên chỉ có tự mình thật sự phát tâm lo cho chính mình, người khác muốn giúp đỡ cũng không thể giúp được, chỉ có bản thân phải biết rời xa. Phương pháp rời xa là gì? “Không cần thiết thì không đến gần, không cần thiết thì bớt chuyện trò, niệm Phật nhiều, đọc tụng kinh điển nhiều”, chỉ dùng phương pháp này. Bồ-tát Giác Minh Diệu Hạnh dạy chúng ta: “Nói ít một câu nói, niệm nhiều một câu Phật, đánh chết được ý niệm, để pháp thân ngươi sống”, đây là một bài kệ trong Tây Phương Xác Chỉ. Nếu chúng ta không thật làm như vậy thì bạn có năng lực gì ở trong cảnh giới mà không bị ô nhiễm cho được? Đó là công phu thật. Trong cảnh giới ngũ dục lục trần mà thật sự thân tâm không nhiễm, đây là người công phu tịnh nghiệp đã thành tựu.

Trong mười tông phái lớn thì Tịnh độ và Mật tông đều là tu tâm thanh tịnh, chúng ta cần phải hiểu rằng, Mật tông là tâm thanh tịnh thượng thượng thừa, Tịnh độ thì thượng, trung, hạ đều có. Người bình thường không thể học Mật tông được, Mật tông là không rời danh văn lợi dưỡng, không rời ngũ dục lục trần, mà ở trong đó đắc được tâm thanh tịnh, được nhất định không bị ô nhiễm, đây là công phu chân thật! Cho nên người thông thường học Mật, nếu không có công phu chân thật thì ắt đọa địa ngục. Mật tông chỉ có hai kết quả, một là thành Phật, hai là đọa địa ngục, không có khoảng giữa. Sự thù thắng của Tịnh độ tông là đối với phàm phu chúng ta, đối với người không có công phu mà nói thì lợi ích thù thắng của Tịnh độ là rời xa ngũ dục lục trần, không tiếp xúc, như vậy thì mới có thể giữ mình được, nhất định phải biết đạo lý này. Chúng ta có thể rời xa thì chư Phật hoan hỷ, thiện thần ủng hộ, nhiều người yêu mến, không bị người khác ức hiếp.

“Bốn, mười phương khen ngợi”, ai khen ngợi bạn vậy? Chư Phật Như Lai mười phương, pháp thân đại sĩ mười phương khen ngợi bạn, rất hiếm có. Bạn có thể khắc phục tập khí phiền não của mình, đây là công phu chân thật.

“Năm, không lo tổn hại”. Thật ra mà nói, mặc dù người khác đến làm tổn hại ta thì cũng không lo âu. Giống như người vãng sanh gần đây nhất của chúng ta là Lý Tú Cầm – Phó lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm. Tôi nghe nói, bà mở một cửa tiệm nhỏ, có một số học sinh nhỏ đến cửa tiệm của bà lấy trộm đồ, bà nhìn thấy rồi, liền gọi chúng lại hỏi: “Đủ chưa? Còn cần nữa không? Cứ lấy thoải mái”, bà không lo tổn hại. Bà con xóm giềng đều cảm động, khi bà vãng sanh thì người trong cả xóm đều đưa tiễn bà. Không những không trộm cắp mà còn hoan hỷ bố thí, đây là tấm gương tốt cho việc tu hành thời mạt pháp của chúng ta. Chúng ta bị tổn hại không bao nhiêu, còn họ cần mà lại không có tiền, chúng ta nên giúp đỡ họ, không quở trách họ, dùng tâm tốt đối xử với họ, cảm hóa họ, đây là Bồ-tát giáo hóa chúng sanh.

“Sáu, tiếng tốt truyền khắp.” Đại chúng xã hội đều tán thán bạn là người tốt, bạn là người thiện. Bạn là người tốt, người thiện thì ngay cả người ác cũng sẽ không đến xâm phạm bạn, người ác cũng sẽ yêu thương bảo vệ bạn, đây là đức hạnh của bạn chiêu cảm.

“Bảy, ở trong hội chúng không hề sợ hãi”, “chúng” là đoàn thể, bất luận là trong đoàn thể nào, bạn đều rất ung dung, đều rất tự tại. Những người nào sống với tập thể mà thân tâm bất an vậy? Đó là người tạo tác nghiệp bất thiện, người tạo tác nghiệp bất thiện thì thân tâm không yên ổn, đó gọi là nội tâm có áy náy, có lỗi với Phật Bồ-tát, có lỗi với tổ sư đại đức, có lỗi với những hộ pháp, trong tâm cảm thấy áy náy, cho nên trong đoàn thể họ mới biểu hiện thần sắc bất an. Nếu thật sự làm được “ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với đất” thì là người thông minh chánh trực, dứt khoát không có mảy may ý niệm hại người khác.

Không những không được hại người, ngay cả động vật nhỏ cũng không được hại. Mỗi ngày, trong nhà của chúng ta có lẽ sẽ có muỗi, ruồi, kiến, chúng ta tuyệt đối không làm tổn hại chúng, biết chúng chỉ đến để tìm thức ăn, không phải vì cái gì khác, chúng đến kiếm ăn, giống như chúng ta vậy, mỗi ngày làm việc kiếm sống thì có tội gì? Chúng ta nhìn thấy tuyệt đối không nên sát hại, phải nên cảm thông. Tổ sư đại đức nhà Phật dạy chúng ta, phải giữ gìn đạo tràng gọn gàng sạch sẽ thì những động vật nhỏ này tự nhiên sẽ bớt đi, chúng thường đến những nơi dơ bẩn bừa bãi, nếu giữ gìn gọn gàng sạch sẽ thì sẽ không có. Buổi tối, nếu có muỗi đến quấy rầy, chúng ta có thể tắt hết đèn trong phòng, bởi vì những động vật nhỏ này thường tìm đến chỗ có ánh sáng, vừa mở cửa sổ ra, chúng sẽ bay ra bên ngoài. Cho nên có rất nhiều người không hiểu, trong phòng của bạn thắp đèn, bên ngoài thì không có đèn, ánh sáng trong phòng thì mạnh, nếu chúng ta mở cửa sổ ra thì nó sẽ bay vào. Bạn không cần phải bắt giết chúng, bạn có tâm từ bi, có thiện ý thì động vật nhỏ cũng thấu tình đạt lý, chúng sẽ không đến quấy nhiễu bạn.

Đại sư Ấn Quang năm xưa là Bồ-tát thị hiện, chúng ta biết ngài là Bồ-tát Đại Thế Chí tái lai, phòng của ngài ở cũng có muỗi, cũng có bọ chét, thị giả của ngài muốn dọn sạch cho ngài. Phật dạy tuyệt đối không được sát sanh, nên bắt chúng lại nuôi trong ống tre nhỏ, hoặc đem thả ra bên ngoài. Ấn tổ nói với thị giả: “Không cần, cứ để chúng ở đây, để cảnh tỉnh bản thân ta.” Vì sao vậy? “Do đức hạnh của ta không đủ, không thể cảm hóa nó. Ta nhìn thấy có những động vật nhỏ này ở đó thì ta có thể sanh tâm hổ thẹn, xem chúng giống như thầy vậy, từng giây từng phút nhắc nhở mình, tự mình phải nghiêm túc phản tỉnh, sửa lỗi làm mới.” Quả nhiên sau 70 tuổi, bất luận tổ sư sống ở nơi nào, kể cả nơi có rất nhiều những động vật nhỏ này, chỉ cần lão nhân gia ngài đến nơi đó ngồi, trú ngụ lại mấy đêm thì một con cũng không thấy. Người ta nói những động vật nhỏ này di dời rồi, di dời tức là dọn nhà rồi. Đức hạnh có thể cảm động những động vật nhỏ này thì sao không thể cảm động người cho được? Con người là tinh anh nhất trong vạn vật, không thể cảm động là vì chính mình không có đức hạnh. Cho nên, tiến đức tu nghiệp là việc đại sự làm người của chúng ta, chúng ta không thể không biết.

“Tám, tiền tài, thọ mạng, hình sắc, sức lực an vui.” Tài là tiền của của bạn, thọ mạng là tuổi thọ, hình sắc chính là hiện nay gọi là khỏe mạnh, ba thứ này đều là những thứ mà tất cả chúng sanh mong cầu. Tiền của không cần nhiều, đủ dùng là tốt rồi. Cho nên, không chỉ là Phật pháp mà bất kỳ một tôn giáo nào, thậm chí là giáo huấn của cổ thánh tiên hiền đều dạy chúng ta biết đủ thường vui, biết đủ là giàu. Bạn thấy Phật thành Phật, điều kiện Phật thành Phật là gì vậy? Biết đủ, biết đủ mới có thể thành Phật, không biết đủ thì không thể thành Phật. Cho nên, hậu bổ Phật đều trụ ở cõi trời biết đủ, trời Đâu-suất chính là trời biết đủ, họ trụ ở nơi đó chính là đại biểu cho biết đủ, biết đủ mới là viên mãn, viên mãn thì thành Phật. Người không biết đủ, dù giàu có đến đâu thì họ cũng là bần cùng; còn người biết đủ, dù đi ăn xin thì họ cũng viên mãn. Do đây có thể biết, cát hung họa phước đều quan hệ trong một niệm, tùy theo cách nghĩ của bạn thế nào. Một niệm giác ngộ rồi thì phàm phu làm Phật, một niệm mê thì vĩnh viễn đọa ác đạo, đây là điều chúng ta cần phải hiểu rõ, phải sáng tỏ.

Cho nên kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, chúng ta nhất định phải học thuộc bản kinh nhỏ này, đương nhiên tốt nhất có thể thuộc lòng, mỗi ngày thọ trì làm phụ trợ cho việc tu Tịnh độ của chúng ta. Tổ sư thường nói rằng pháp môn Tịnh độ là chánh trợ song tu, chúng ta dựa vào kinh Vô Lượng Thọ, dựa vào lục tự hồng danh, đây là chánh tu; dùng kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mỗi ngày kiểm điểm tư tưởng, thân tâm của chúng ta, đây là trợ tu, chánh trợ song tu thì chắc chắn thành tựu! Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng tới đây.