Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 108/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 108/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ ba: “Thần túc trang nghiêm nên hằng khiến cho thân tâm khinh an, vui vẻ.” Hôm qua đã giảng cho quý vị điều thứ nhất của tứ thần túc, đó là dục; điều thứ hai là niệm, thứ ba là tấn, thứ tư là tuệ. Những danh từ này được dùng rất rộng rãi phổ biến trong kinh luận, chỗ ứng dụng của nó không như nhau, nên ý nghĩa cũng khác nhau. Thần túc được nói ở đây, thần túc còn được gọi là tư duy, cũng gọi là như ý. Để tương đối dễ lý giải thì lấy ý nghĩa “như ý” là dễ hiểu, chúng ta gọi là vừa lòng như ý. Dục vọng có thể được vừa lòng như ý, ý nghĩa đã nói ở phần trước rồi. 

Hôm nay giới thiệu với quý vị điều thứ hai là “niệm”, trong chú giải của kinh luận gọi là “nhất tâm chánh trụ”, đây là “niệm như ý túc”. Từ cách nói này thì người niệm Phật chúng ta lập tức thể hội được điều mà trong kinh A-di-đà nói là “nhất tâm bất loạn”. Nhất tâm bất loạn thì niệm đã như ý, niệm đã tự tại rồi. Nhất tâm là chân tâm, quả thật đây mới có thể gọi là chánh trụ. Trong bộ kinh Kim Cang, Tu-bồ-đề hướng về Thế Tôn thỉnh giáo, tâm phải an trụ vào đâu? Vấn đề trọng tâm là ở chỗ này, tâm của chúng ta phải an trụ vào chỗ nào? Nếu an trụ không đúng chỗ thì bạn sẽ không như ý, sẽ không tự tại, đó gọi là tà trụ, không gọi là chánh trụ. Chánh trụ là nhất tâm, trong kinh A-di-đà gọi là “nhất tâm bất loạn”, “tâm không điên đảo”, đây là chánh trụ. 

Chúng ta phải làm thế nào khế nhập cảnh giới này? Pháp môn Tịnh tông tuyệt diệu, thật thà niệm một câu “A-di-đà Phật” thì bạn có thể khế nhập cảnh giới này. Quý vị phải nhớ kỹ là thật thà niệm, mấu chốt là ở thật thà. Chúng ta niệm Phật đã rất lâu rồi, đều không đạt được nhất tâm chánh trụ, đây là nguyên nhân gì? Chúng ta không thật thà. Thế nào gọi là không thật thà? Trong niệm Phật có nghi hoặc, đây chính là không thật thà; trong niệm Phật có xen tạp thì càng không thật thà, lại còn gián đoạn nữa, cho nên đã tu lâu như vậy mà công phu không đắc lực. Bồ-tát Đại Thế Chí trong chương Viên Thông dạy chúng ta niệm Phật, cương lĩnh là tám chữ “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nhiếp trọn sáu căn là nhất tâm, tịnh niệm tiếp nối là chánh trụ, trụ đó là Phật trụ, Bồ-tát cũng là trụ vào Phật trụ. Thông thường chúng ta nói Bồ-tát trụ vào lục độ, Thanh văn trụ vào tứ đế, Duyên giác trụ vào mười hai nhân duyên, trụ này là nói giữ tâm, là giữ cái tâm nào đó. Thiên nhân trụ vào thập thiện, tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xả. Chỉ có chúng sanh trong ba đường ác, tâm của họ trụ ở trong tham sân si; khởi tâm động niệm đều là tham sân si, đây là chúng sanh trong ba đường ác. 

Nếu chúng ta khởi tâm động niệm cũng rơi vào tự tư tự lợi, rơi vào tham sân si mạn, hằng ngày tạo thị phi nhân ngã, bản thân chúng ta nhất định phải hiểu rõ tiền đồ của mình là gì? Tiền đồ là ba đường ác, con đường bạn đi là đường địa ngục, đường súc sanh, đường ngạ quỷ. Thế gian này rất ngắn ngủi tạm bợ, thời gian 100 năm trong khoảng khảy ngón tay là trôi qua rồi. Bạn đi về đâu vậy? Đi về đường ác. Ai bảo bạn đi về đường ác? Là bạn tự làm tự chịu, không có bất kỳ người nào can thiệp vào, cũng không có bất kỳ người nào có thể chi phối bạn. Bạn làm Phật hay bạn xuống địa ngục, hoàn toàn là việc của bản thân bạn, không người nào có thể giúp được, không người nào có thể chướng ngại được, Phật Bồ-tát đối với bạn cũng bất lực, điều này bạn nhất định phải biết.

Sự từ bi, sự gia trì của Phật Bồ-tát đối với chúng sanh là dạy học, chỉ dạy chúng ta. Chúng ta có thể tiếp nhận sự dạy học, có thể lĩnh ngộ, có thể sửa lỗi làm mới, “quay đầu là bờ”; quay đầu từ đâu? Từ lục đạo mà quay đầu, từ thập pháp giới mà quay đầu, chúng ta hướng về nhất chân pháp giới, đây gọi là quay đầu là bờ. Lục đạo, thập pháp giới là gì? Là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Quay đầu chính là chúng ta phải đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xả sạch, phải xả bỏ lục đạo! Nghiệp nhân quan trọng nhất của lục đạo chính là kiến tư phiền não, kiến tư phiền não tạo ra lục đạo luân hồi. “Kiến hoặc” được quy nạp thành năm loại lớn là: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến và tà kiến, đây là năm cách nghĩ sai lầm; “tư hoặc” là: tham, sân, si, mạn, nghi, năm loại lớn. Bạn hãy đem kiến tư phiền não, tổng cộng mười loại lớn này thảy đều buông xuống, thảy đều xả sạch, hãy quay đầu từ chỗ này, vừa quay đầu thì chính là thập thiện nghiệp đạo. 

Cho nên, nếu đối với kiến tư phiền não không thể lý giải, vì những danh tướng này rất phức tạp chi li, cũng rất khó hiểu, bạn chỉ cần nhớ kỹ cái đơn giản nhất là thập thiện nghiệp. Đối lập của thập thiện nghiệp là thập ác nghiệp. Từ giết, trộm, dâm quay đầu thì là không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục. Từ nói dối, nói ly gián, nói thô ác quay đầu; chúng ta suốt đời không làm việc nói dối, không lừa mình dối người, không nói thô ác, không nói ly gián, không nói thêu dệt là bạn đã thật sự quay đầu rồi. Quay đầu là Phật Bồ-tát, không làm phàm phu nữa, chúng ta phải đi làm Phật, làm Bồ-tát. Ý có ba thứ là tham sân si, từ tham sân si mà quay đầu, không tham, không sân, không si. Không những không tham tất cả pháp thế gian, mà pháp xuất thế gian cũng không tham, vậy thì niệm của bạn làm sao mà không thanh tịnh cho được? Lúc này mới là nhất tâm chánh trụ, đối đãi với tất cả chúng sanh giống như với chư Phật Bồ-tát vậy, bản thân nhất định là nhất tâm chánh trụ. Giáo hóa chúng sanh, nếu họ là chủng tánh Bồ-tát thì dùng lục độ dạy họ; họ là chủng tánh Thanh văn thì dùng tứ đế dạy họ; họ là chủng tánh thiên nhân thì dùng thập thiện, tứ vô lượng tâm dạy họ, đây là phương tiện giáo hóa chúng sanh. Vậy có chướng ngại với nhất tâm chánh trụ của mình hay không? Hoàn toàn không có chướng ngại, như vậy mới thành tựu vô lượng vô biên công đức chân thật.

Tâm của chúng ta rốt cuộc an trụ ở đâu? Phật dạy mọi người trong kinh Kim Cang: “Nên không trụ vào đâu mà sanh tâm kia.” Không trụ vào đâu chính là chánh trụ, không trụ vào đâu là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, điều này khó! Đây không phải việc mà phàm phu có thể làm được. Phàm phu chúng ta không làm được thì phải thế nào? Vậy Phật mới nói cho chúng ta tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, đây là phương tiện. Quý vị nên biết, tất cả Phật pháp toàn là pháp phương tiện, không nói ra pháp chân thật được, pháp có thể nói ra được thì toàn là pháp phương tiện. Cho nên, trong kinh Phật mới nói với chúng ta: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp!” Pháp mà Phật có thể nói ra, Phật có thể biểu hiện ra, toàn là pháp phương tiện. Người thông minh thì từ trong phương tiện mà ngộ nhập chân thật, đây chính là chân đế giáo học của Phật, từ phương tiện mà ngộ nhập chân thật. Nếu không có phương tiện thì đối với chúng ta mà nói, chúng ta sẽ không biết bắt đầu từ đâu, cho nên phải dùng pháp phương tiện, nhưng không được chấp trước. Trong kinh có nêu ví dụ rất hay, giống như qua sông, chúng ta phải dùng thuyền, thuyền là pháp phương tiện, sau khi qua sông rồi thì không cần thuyền nữa. Còn có thể vác thuyền lên bờ sao? Phật pháp giống như thuyền vậy, chúng ta có thể dùng nó nhưng không được chấp trước nó, chấp trước nó là sai, bạn bị nó hại rồi, vậy mới nói “pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp”. Nhất định phải giữ tâm địa thật sạch sẽ, không nhiễm mảy trần.

Đại sư Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông nói rất hay: “Xưa nay không một vật.” Xưa nay không một vật chính là điều mà trong kinh Kim Cang gọi là “nên không trụ vào đâu”; “mà sanh tâm kia” tức là sanh tâm độ hóa chúng sanh. “Vô trụ” với “sanh tâm” là một, không phải hai. Chúng ta ngày nay rất khó khăn, chúng ta sanh tâm thì chẳng thể vô trụ được, tâm liền có trụ, nếu vô trụ thì không thể sanh tâm được, luôn là ở hai bên mà không thể kết hợp lại, đây là phàm phu. Chư Phật Bồ-tát thì sanh tâm với vô trụ là một, không phải hai, sanh tâm chính là vô trụ, vô trụ chính là sanh tâm. Mọi người cứ dần dần từ trong đây mà thể hội, rồi sau đó bạn mới thể hội được một chút tư tưởng của Viên giáo, nghĩa thú của Viên giáo. 

Không và có là đồng thời, trong giáo lý Đại thừa thường gọi là “pháp môn bất nhị”. Cho nên Âu Dương Cánh Vô nói: “Phật pháp không phải tôn giáo, cũng không phải triết học, Phật pháp chính là Phật pháp, bất kỳ pháp nào của thế gian cũng không thể sánh bằng.” Nguyên nhân là gì? Pháp thế gian là sinh ra từ trong ý thức, còn Phật pháp là từ trong chân tánh mà lưu lộ ra, khác nhau ở chỗ này. Chúng ta làm thế nào có thể khế nhập cảnh giới? Phải dùng nhất tâm. Khởi một ý nghĩ thì chính là hai tâm. Nhưng mà ở đây phải nhớ kỹ, người thông thường chúng ta khởi niệm là vọng tưởng, không khởi niệm là vô minh, đều không phải nhất tâm; phàm phu nếu không rơi vào bên vọng tưởng thì rơi vào bên vô minh. 

Chân tâm rốt cuộc ra làm sao? Trong Phật pháp Đại thừa có một danh tướng gọi là “tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch, tịch chiếu đồng thời.” Tịch chính là vô trụ, chiếu chính là sanh tâm, “tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch” chính là “vô trụ mà sanh tâm, sanh tâm mà vô trụ”. Chúng ta giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn phải tận tâm tận lực, hết lòng nỗ lực mà làm, khi làm và sau khi làm xong thì tâm địa thanh tịnh, không nhiễm mảy trần, đây là cảnh giới của “tịch chiếu viên dung”. Phàm phu không làm được cảnh giới này, phàm phu khi làm một số việc tốt giúp đỡ chúng sanh, cảm thấy mình đã làm rất nhiều việc tốt, công đức rất lớn, bèn kể công, niệm niệm không quên. Bạn đã dính tướng rồi, tâm của bạn bèn không thanh tịnh. Làm và không làm là một, không phải hai, tuyệt đối không dính tướng, không có chấp trước; không những không có chấp trước, mà ngay cả phân biệt, vọng tưởng cũng không có, vậy mới gọi là “nhất tâm chánh trụ”, niệm của bạn liền tự tại, niệm liền như ý. 

Trong bốn điều của tứ thần túc thì dục và niệm là quan trọng nhất; phía trước là nói về dục, kế đến là nói về niệm, hai điều này là quan trọng nhất, đặc biệt là niệm. Thật ra mà nói thì chúng ta vô cùng may mắn, trong vô lượng pháp môn chúng ta gặp được pháp môn Tịnh độ, pháp môn này thuận tiện, pháp môn này dùng một câu Phật hiệu, bảo chúng ta luôn trụ tâm vào trong câu Phật hiệu này. Vậy thì có niệm hay không? Có, vẫn có niệm. Dùng một niệm này để dừng tất cả vọng niệm, bất luận làm việc gì, trong tâm chỉ có A-di-đà Phật. 

Ví dụ nói chúng ta tu lục độ, thực hiện lục độ vào trong đời sống, nhưng trong tâm ta là A-di-đà Phật; chúng ta học tứ nhiếp pháp, đối nhân xử thế tiếp vật, trong tâm cũng là A-di-đà Phật; chúng ta đoạn thập ác, tu thập thiện, trong tâm vẫn là A-di-đà Phật, tất cả mọi tu học thảy đều quy về một câu A-di-đà Phật. Trong tâm chỉ có một câu A-di-đà Phật, ngoài A-di-đà Phật ra, không khởi niệm thứ hai nào khác thì người này gọi là người niệm Phật, người này chắc chắn vãng sanh. Không những vãng sanh mà còn sanh phẩm vị cao, chắc chắn không sanh cõi Phàm thánh đồng cư. Những pháp môn khác không tìm thấy sự tiện lợi như vậy, tu học pháp môn khác không dễ dàng thành tựu như vậy, còn pháp môn này thì dễ dàng. Niệm niệm nắm chắc A-di-đà Phật, A-di-đà Phật chính là mạng căn của chúng ta, chỉ có A-di-đà Phật là chân thật, tất cả mọi thứ khác đều là hư vọng, vậy mới gọi là “thật thà niệm Phật”, điều này quan trọng hơn hết thảy!

Chúng ta nhất tâm là trụ vào trong câu “A-di-đà Phật”, không có phân biệt, không có chấp trước, không có gián đoạn. Trong đời sống thường ngày, nương theo lời chỉ dạy của kinh điển, ngày nay chúng tôi quy nạp thành năm khoa mục, chúng ta trong đời sống thường ngày nhất định không làm trái với năm môn này. Khoa mục thứ nhất là “tịnh nghiệp tam phước”, khoa mục thứ hai là “lục hòa kính”, phải thật làm! Người khác bất hòa với ta, ta phải hòa với họ, mỗi người chúng ta đi theo con đường của riêng mỗi người. Họ bất hòa với ta, họ phải đi lục đạo, nếu ta hòa với họ thì ta đi về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ta có thể giúp họ thì ta giúp họ hết lòng, nếu thật sự không giúp được thì cũng không thể bị họ làm liên lụy, họ đọa ba đường ác, ta không được đi theo họ. 

Cho nên bản thân bạn cần phải biết, họ cố sức chui vào ba đường ác, có kéo lại cũng không kéo được, “thôi, không kéo họ nữa, để họ đi đi”. Đây không phải là không từ bi, vì nếu không để họ đi thì chính mình sẽ bị họ lôi vào trong đó. Cho nên lúc này nhất định phải buông tay, đợi đến khi nào họ quay đầu rồi thì hãy đi độ họ. Giúp đỡ một người tuyệt đối không phải ở một đời một kiếp, mà là đời đời kiếp kiếp! Đến khi nào họ muốn quay đầu thì đến lúc đó bạn đi giúp họ, vì cơ duyên đã chín muồi; khi họ không muốn quay đầu thì chư Phật Bồ-tát cũng không giúp được, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Đây cũng là điều mà trong kinh Phật thường hay nói là “trước độ chính mình”, chính mình chưa được độ mà muốn độ người khác thì không có việc này.

Khoa mục thứ ba là “tam học”, tam học: giới, định, tuệ. Những câu nói trong kinh Vô Lượng Thọ về tam học là vô cùng cụ thể: “khéo giữ ba nghiệp” là giới học, “quán pháp như hóa” là tuệ học, “tam-muội thường tịch” là định học. Lời khai thị này vô cùng tuyệt vời! Khoa mục thứ tư là “lục ba-la-mật”. Khoa mục cuối cùng là “Phổ Hiền Bồ-tát thập nguyện”. Chúng ta sống, làm việc, đối nhân xử thế tiếp vật phải tuân thủ năm khoa mục này, đây là đạo Bồ-tát. Người khác không đi thì ta đi! Ta biết đây là đại đạo của Bồ-tát, chúng ta phải đem tâm trụ vào trong đạo này, đây là lợi tha, một câu “A-di-đà Phật” này là tự lợi, tự lợi và lợi tha là đồng thời. Tự lợi chính là lợi tha, lợi tha chính là tự lợi, niệm niệm không xả bỏ “A-di-đà Phật”. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.