Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 117/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 117/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ tư, chúng ta đọc kinh văn một lượt: “Ngũ căn trang nghiêm, nên tin sâu kiên cố, tinh cần không biếng nhác, thường không mê mất, vắng lặng điều thuận, đoạn dứt các phiền não.” Hai câu phía trước đã giới thiệu qua với quý vị, hiện tại chúng ta xem từ câu “thường không mê mất”, đây là thành tựu của “niệm căn”. Do đây có thể biết, chúng ta hiện tại thường hay mê hoặc, thường hay quên mất, đây là do nguyên nhân gì? Do niệm này không có gốc, nên nó có hiện tượng này. Chữ “niệm” (念) trong văn tự của Trung Quốc là thuộc về chữ hội ý, trên là chữ “kim” (今), dưới là chữ “tâm” (心), đây chính là “một niệm ngay tức thời” mà trong Phật pháp nói, đây là nghĩa gốc của chữ “niệm”, trong mỗi niệm đều không mất đi. 

Phật nói một niệm thật sự thường không mê mất của phàm phu sáu cõi là gì? Là “ta”, phàm phu sáu cõi mỗi niệm đều không quên cái ta. Cho nên mạt-na thức, thức thứ bảy chính là “chấp ta”, chấp trước kiên cố cái ta, bất luận lúc nào, bất luận nơi đâu, trước giờ chưa từng đoạn dứt ý niệm này. Nếu đoạn ý niệm này rồi thì liền ra khỏi sáu cõi luân hồi, đáng tiếc là chúng ta không thể đoạn ý niệm này. Phật dạy chúng ta chuyển đổi ý niệm này lại. Mà trong tất cả các pháp thì pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất, chúng ta đem “ta” đó đổi thành “Phật”, vậy thì đời này nhất định thành tựu. Đừng niệm ta, hãy niệm Phật, cho nên gọi là “pháp môn niệm Phật”. Pháp môn này nói theo nghĩa rộng thì vô lượng pháp môn mà chư Phật Bồ-tát đã nói, không có pháp môn nào không phải là pháp môn niệm Phật, ý nghĩa này là ở trong 53 tham của kinh Hoa Nghiêm. Trong Bát Thập Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử tham vấn vị tri thức đầu tiên là tỳ-kheo Đức Vân; trong Tứ Thập Hoa Nghiêm thì gọi là tỳ-kheo Kiết Tường Vân, “kiết tường” với “đức” là cùng một ý nghĩa, người phiên dịch dùng danh từ không giống nhau, nhưng đều chỉ cho một người, kiết tường chính là đức, Đức Vân chính là Kiết Tường Vân. Trong kinh, ngài đã nói với chúng ta 21 loại pháp môn niệm Phật. Số 21 này là biểu pháp của Mật tông, ý nghĩa là viên mãn. Cho nên nói, không có pháp môn nào không phải là pháp môn niệm Phật.

Hơn nữa, niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ chỉ là một pháp môn niệm Phật đặc biệt trong tất cả các pháp môn niệm Phật, đây là Thế Tôn lựa chọn cho chúng ta, giúp chúng ta trong một đời được thành tựu viên mãn. Đạo lý này rất sâu, thế nhưng tuyệt nhiên không khó hiểu. Chúng ta đọc rất nhiều kinh điển, ấn tượng cũng tương đối sâu sắc, Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Vậy tại sao chúng ta không tưởng Phật? Tại sao không niệm Phật? Tại sao chúng ta vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước khác? Chúng ta sai chính là sai ở chỗ này. Phật dạy chúng ta phải nhìn thấu. Cái gọi là “nhìn thấu” chính là thông đạt tường tận về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đây gọi là nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu thì bạn mới có thể buông xuống. Buông xuống cái gì? Buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tâm của chúng ta bèn khôi phục được chân tâm, Tông môn nói đây là cảnh giới “minh tâm kiến tánh” đã hiện tiền, kiến tánh chính là Phật. Do đây có thể biết, phiền phức lớn nhất, chướng ngại lớn nhất, kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là bên ngoài, mà là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. Những thứ bên ngoài không đáng sợ, những thứ này mới chân thật đáng sợ, chánh niệm của chúng ta không thể hiện tiền, đều là do những thứ này nhiễu loạn, chướng ngại.

Loại người nào trong đời này chắc chắn thành tựu, có thành tựu không thể nghĩ bàn vậy? Từ trong kinh nghiệm của người xưa, chúng ta thể hội được rằng, người mà trong 24 tiếng đồng hồ ngoài một câu “A-di-đà Phật” ra, nhất định không có một tạp niệm nào, vậy thì người này thành công. Đối với cảnh giới hiện tiền của chúng ta mà nói, ngoài một niệm “A-di-đà Phật” ra, các thứ khác toàn là vọng niệm! Cho nên, niệm Phật đường của tổ sư chỉ có một câu Phật hiệu, trong niệm Phật đường không có giảng kinh, quyết không có xen tạp, chân thật là “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, vậy thì thành công. Đạo tràng này là đạo tràng đệ nhất thế gian, tức là chỉ một câu Phật hiệu. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều niệm Phật đường, có một số lão hòa thượng rất là từ bi, họ cũng biết xây niệm Phật đường để thành tựu mọi người, nhưng vì sao không làm được nhất tâm xưng niệm? Trong niệm Phật đường, không những là thanh chúng, mà ngay cả chấp sự trong đó, thậm chí đến đường chủ, đều vẫn xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm Phật đường này không thể thành công, nguyên nhân là ở chỗ này. Cho nên, niệm Phật đường không phải người thông thường có thể bước vào, người thông thường bước vào là kết duyên, phương tiện kết duyên, không phải chân thật dụng công. Chân thật dụng công thì trong Tông môn gọi là “trường tuyển Phật”, niệm Phật đường của Tịnh Tông là “thành Phật đường”, bạn đến nơi đó để thành Phật. Bạn hãy quan sát kỹ, những người bước vào đó có giống Phật hay không? Từ những chỗ này chúng ta mới thể hội được sự thù thắng của loại đạo tràng này, sự trang nghiêm của đạo tràng, bản chất của đạo tràng. 

Nếu không đầy đủ những điều kiện này, vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì phải làm sao? Không thể không cầu giáo. Cho nên Thế Tôn năm xưa ở đời, vì sao 49 năm giảng kinh thuyết pháp, vì sao không mở niệm Phật đường để mọi người thành tựu, bớt việc biết mấy! Vì sao không mở thiền đường để mọi người tham cứu? Năm xưa, Thế Tôn ở đời không có thiền đường, cũng không có niệm Phật đường, mà chỉ có giảng đường. Giảng đường là giúp bạn nhìn thấu, sau khi nhìn thấu rồi thì tự nhiên sẽ buông xuống, bạn chính mình liền biết dụng công, đều không cần đến giáo nữa, cho nên đây là chú trọng vào giáo học. Phiền não tập khí của chúng ta mang theo từ vô lượng kiếp, chúng ta rất muốn đoạn nhưng đoạn không được, điều này nói rõ không dễ dàng gì đoạn được, như vậy mới ở nơi Giáo hạ mà hạ công phu. Hạ công phu nơi Giáo hạ cũng phải biết phương pháp, không biết phương pháp thì công phu một đời này của bạn cũng bị lãng phí, bạn không thể khế nhập.

Mấy ngày trước tôi ở Úc, đồng tu Hồng Kông gọi điện thoại nói với tôi rằng ở Hồng Kông có một luật sư, là một luật sư trẻ tuổi, đã giảng kinh Vô Lượng Thọ ở Hồng Kông được một năm rồi. Sự việc này tôi không biết. Thính chúng đều là luật sư, đều là thành phần trí thức cao cấp, ông giảng rất thành công. Họ đã hẹn, lần này tôi đến Hồng Kông, họ sẽ đến để gặp mặt tôi. Tôi nghe nói, họ đem giảng ký của kinh Vô Lượng Thọ mà ngày trước tôi đã giảng in ra, tổng cộng có bốn cuốn đóng bìa cứng, họ từ đầu đến cuối đọc qua sáu lần. Diễn giảng của họ hoàn toàn y theo giảng nghĩa mà giảng giải, lại thêm vào tâm đắc tu học của bản thân họ, rất được hoan nghênh. Đồng tu nói với tôi sự việc này, xem ra người Hồng Kông vẫn là có phước. Nếu họ giảng như vậy không gián đoạn, thì từ ba đến năm năm, phong khí xã hội sẽ cải thiện, việc này có thể khẳng định. Phải có người chân thật giác ngộ! Tôi nghe nói, vị luật sư này rất cảm khái nói ra tâm đắc tu học của mình với mọi người. Ông cũng học Phật nhiều năm, trước đây đã thân cận rất nhiều pháp sư, cũng học qua rất nhiều kinh luận pháp môn, ông nói ông nghe tôi giảng kinh, chỉ nghe một câu mà được thọ dụng rất lớn. Ngày nay, ông có được thành tựu này là nghe một câu nói của tôi. Tôi hỏi: “Câu gì vậy?” “Nhất môn thâm nhập”, ông trả lời. Lúc trước ông học loạn hết, học quá nhiều, học quá tạp, học rất nhiều năm mà vẫn mờ mịt (người Hồng Kông gọi mơ mơ hồ hồ là mờ mịt). Sau khi nghe tôi giảng, ông thảy đều xả bỏ hết, nhất môn thâm nhập, chuyên chú vào kinh Vô Lượng Thọ, ông bèn thành tựu. Đây chính là phương pháp học giáo, nhất định phải biết hạ công phu nơi một môn. 

Hiện tại, chúng tôi khai giảng kinh Vô Lượng Thọ, còn có kinh Hoa Nghiêm, giờ cơm sáng ở nơi đây còn giảng kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, nhưng các vị nhất định phải biết được cái nào là chánh tu, cái nào là trợ tu. Chúng ta lấy kinh Vô Lượng Thọ làm chánh tu, chánh khóa, các thứ khác mà tôi giảng là trợ tu. Trợ tu nếu có cơ hội thì có thể nghe, cũng có giúp ích đối với chúng ta, thế nhưng nhất định phải dùng thời gian, tinh lực vào khóa trình chủ tu này, có vậy thì chúng ta mới có thể có thành tựu. Chúng tôi nhờ xưởng in ấn ở bên đây in Giáo thừa pháp số[1], hình như đã bốn tháng rồi mà vẫn chưa in xong, tôi hy vọng có thể in xong sớm hơn một chút, tương lai mỗi một đồng tu đều có được một bộ sách này. Giáo thừa pháp số nói về niệm căn trong ngũ căn là: “Đối với chánh đạo, trợ đạo phải nhớ nghĩ không quên”, đây chính là điều mà tôi vừa mới nói, cái nào là chủ tu, cái nào là trợ tu, là môn lựa chọn, nhất định phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận.

Trong nhà Phật, từ sơ phát tâm cho đến quả địa Như Lai đều là đang học tập, “việc học không có chỗ tận cùng”, mỗi ngày đều phải siêng năng, phấn đấu, nỗ lực mà học tập, vĩnh viễn không gián đoạn. Nhất môn thâm nhập, làm thế nào để thâm nhập? Học từng lần, từng lần một. Kinh Vô Lượng Thọ học một lần không đủ, học tiếp một lần nữa, phải học vô số lần thì bạn mới có thể khế nhập. Năm xưa tôi ở Los Angeles, có một vị cư sĩ tên Triệu Lập Bổn, tôi đoán vị cư sĩ này có lẽ bây giờ cũng đã 70 tuổi rồi, ông là giáo sư của trường Đại học California, lúc tôi gặp mặt ông, ông mới khoảng hơn 50 tuổi. Ông hiểu được ý nghĩa lời của tôi nói, ông chỉ chọn hai bộ kinh, kinh Kim Cang và Lục Tổ Đàn Kinh để chuyên dụng công. Ông nói: “Ông niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh độ.” Tôi nói: “Được!” Hai bộ kinh này, ông đã nghe băng ghi âm của tôi được 26 lần, ông đến nói với tôi. Tôi nói: “Chưa đủ, ít nhất ông phải nghe 100 lần, mỗi ngày nghe đi nghe lại từ đầu đến cuối, cả đời chuyên nghe hai bộ kinh này, chuyên học hai bộ kinh này.” Hiện nay ông đi giảng khắp nơi, chuyên giảng hai bộ kinh này, ông trở thành chuyên gia, đã khế nhập cảnh giới, vô cùng hiếm có! Đây là tấm gương tốt để chúng ta tu học. 

Tuyệt đối không được tham nhiều, điều tối kỵ là làm “thông gia”. Tất cả kinh luận mọi thứ đều thông, đây là điều tối kỵ rất lớn; mọi thứ đều thông, đến sau cùng mọi thứ đều không thông, bạn không có được lợi ích. Sau khi nhất môn thâm nhập rồi thì “một kinh thông, tất cả kinh thông”, bạn sẽ khế nhập cảnh giới. Sau khi thông tất cả kinh rồi thì vẫn chuyên tu một môn này, đây là phương pháp mà Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức dạy cho chúng ta. Chúng ta phải tỉ mỉ mà suy nghĩ, phải tiếp nhận, phải có thể lĩnh hội được. Sau khi khế nhập, vĩnh viễn sẽ không mê mất, vậy thì niệm này của bạn bèn có căn. Niệm có căn thì có lý nào mà không thành tựu? Niệm có căn, trên thực tế cũng chính là nhà Nho đã nói: “Biết mục tiêu thì sau đó có định”, sau niệm này của chúng ta là định, “biết mục tiêu” chính là niệm, đạt đến chí thiện. Giáo học của nhà Nho, thực tế mà nói tổng cương lĩnh chính là “minh đức, thân dân, đạt đến chí thiện”, chính là tám chữ này, đây là đạo của Khổng Mạnh!

Phật-đà dạy người, người học Phật chúng ta hiểu được, còn người không học Phật thì không hiểu. Người học Phật biết, không chỉ Thích-ca Mâu-ni Phật mà mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh, chính là sáu chữ hồng danh. Điểm này một chút cũng không giả. Ngàn kinh muôn luận sau cùng đều quy về một câu Phật hiệu này, công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, có mấy người hiểu điều này? Không phải là người từng trải thì chắc chắn không thể biết được. Cho nên trong tất cả kinh, đại đức thời Tùy – Đường đều công nhận kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất. Bạn xem lời tựa do cư sĩ Mai Quang Hy viết trong phần đầu của bản hội tập thì sẽ hiểu rõ. Những người này đều là những bậc từng trải, không phải là người thông thường. Tựa đề kinh của bản hội tập thật sự là thù thắng không gì bằng, hội tập không chê vào đâu được. Kinh này ở Trung Quốc có mười hai loại bản dịch, ông chọn lấy tựa đề của bản dịch thời Tống là: “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, lại lấy câu “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác” của bản dịch thời Hán, đem hai đề kinh này hợp lại thành “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”, không chê vào đâu được! “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm” là quả đức, là thứ chúng ta mong cầu; “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” là tu đức, tam học và tam tuệ đều ở trong tựa đề kinh. Chúng ta làm thế nào để tu? Phải tu thanh tịnh, bình đẳng, giác, gọi là “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Nếu muốn tu tâm thanh tịnh thì phải buông xuống vạn duyên. Không những buông xuống duyên đời, mà ngay cả Phật pháp cũng phải buông xuống, “pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp”. Buông xuống triệt để, tâm địa thanh tịnh, không nhiễm mảy trần, vậy thì đúng rồi. Đối đãi với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật phải bình đẳng, từ bi. Pháp mà tôi học là pháp này, pháp mà tôi khuyên các đồng học cũng là pháp này.

Có một số người ở bên ngoài cũng giảng kinh thuyết pháp, họ rêu rao nói rằng họ là truyền nhân của pháp sư Tịnh Không, các vị đồng tu phải nên biết, chắc chắn không có việc này, tôi xưa nay không có truyền pháp cho người thì làm gì có truyền nhân? Thế nhưng nếu bạn chính mình chân thật hướng về thanh tịnh, bình đẳng, giác mà tu, vậy thì bạn không phải là truyền nhân của pháp sư Tịnh Không, mà là truyền nhân của A-di-đà Phật, là truyền nhân của Thích-ca Mâu-ni Phật, là truyền nhân của tất cả chư Phật, việc này chính xác. Trong pháp thế gian thì truyền pháp cho một pháp quyến nào đó, pháp quyến đó không đáng tin, không đủ để tin tưởng! Phải chân thật tường tận đạo lý ở trong kinh điển, phải ghi nhớ kỹ giáo huấn trong kinh điển, thực hành những lý luận, giáo huấn này vào trong lời nói hành vi trong đời sống của chính mình, thực hành vào trong việc đối nhân xử thế tiếp vật, vậy thì bạn chân thật là truyền nhân của chư Phật Như Lai, tự hành hóa tha. Ngày nay gọi là “nhớ kỹ trong tâm”, nhất định không được để quên mất. Thời gian đã hết, tiếp theo còn hai câu, ngày mai sẽ giảng tiếp.


[1] Giáo thừa pháp số (教乘法數): Pháp số, 40 quyển, do ngài Viên Tĩnh biên soạn vào đời Minh, Trung Quốc.

Nhân vì cảm thấy những pháp số trang Tạng thừa pháp số và Hiền thủ pháp số bị thiếu sót rất nhiều, nên ngài Viên Tĩnh căn cứ theo quan điểm của tông Thiên Thai, gom tập tất cả những từ ngữ có liên quan đến pháp số trong kinh điển Phật giáo và trong sách của Bách gia Chư tử, biên soạn lại thành sách này.

Nội dung được sắp xếp theo thứ tự pháp số tăng, khiến cho người đọc tiện việc nghiên cứu. Ví dụ như bắt đầu ghi từ chữ “nhất tâm nhị môn” lần lượt đến “bát vạn tứ thiên pháp môn”. Trong sách đó cũng có giải thích những danh số của ngoại điển. Đặc biệt sách này còn dùng cách phân tích, so sánh, quy nạp, thay thế để thuyết minh về pháp.