Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 55/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 55/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ chín, hàng thứ tư từ dưới lên: “Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói thêu dệt thì được thành tựu ba thứ quyết định.” Hôm qua, chúng tôi đã giải thích giản lược về việc nói thêu dệt này. Lỗi của miệng thì vô lượng vô biên, nhỏ thì trong gia đình vợ chồng bất hòa; lớn thì là sự tranh chấp, chiến tranh giữa các quốc gia, họa hoạn vô cùng. Cổ thánh tiên hiền hiểu rõ đạo lý này, cho nên xem sự việc này là vô cùng nghiêm trọng. Khổng lão phu tử dạy học có bốn khoa mục, trong đó khoa mục thứ nhất là đức hạnh, khoa mục thứ hai là ngôn ngữ. Hai khoa mục đức hạnh và ngôn ngữ phải được dưỡng thành từ nhỏ. Hôm qua có một đồng tu đến hỏi tôi: “Dạy dỗ con cái có nên đánh mắng chúng hay không?” Dường như đối với trẻ, đánh mắng chúng giống như là ngược đãi chúng, trong lòng không nỡ, có phải là có lỗi hay không? Họ đến hỏi vấn đề này. Do đây có thể biết, xã hội hiện nay đúng sai lẫn lộn. 

Giống như người ở độ tuổi của tôi, những người 75 tuổi trở lên, từ nhỏ đều từng bị cha mẹ đánh mắng, cũng từng bị thầy cô xử phạt nghiêm khắc như đánh tay, phạt quỳ, đều từng bị xử phạt như thế. Chúng tôi không những không oán hận cha mẹ, không oán hận thầy cô, mà chúng tôi càng yêu thương cha mẹ, càng kính yêu thầy cô, đây là sự yêu thương chân thật. Trẻ có lỗi lầm, bạn không trừng phạt chúng thì chúng sẽ không biết quay đầu. Bị đánh đòn, là đánh cái gì? Đánh cho nhớ, để chúng vĩnh viễn nhớ kỹ, không phạm lỗi nữa. Phương pháp dạy học này của người Trung Quốc đã có lịch sử mấy ngàn năm rồi. Trong mấy ngàn năm này, người làm cha mẹ, làm thầy cô đã phạm tội rồi sao?

Trong các lỗi lầm, đầu tiên chính là lỗi của miệng: nói dối, nói ly gián, khiêu khích thị phi, nói lời ngon ngọt, những việc này cha mẹ và thầy cô nhất định phải dạy bảo nghiêm khắc, không được phép phạm. Lời cổ nhân nói có đạo lý: “Từ nhỏ thành như thiên tánh, thói quen thành tự nhiên.” Từ nhỏ không dạy, đến năm, sáu tuổi thì không dạy được nữa. Cổ nhân nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, bạn mới có biện pháp dạy; bạn không bắt đầu dạy từ lúc còn nhỏ, đến năm, sáu tuổi mới muốn dạy chúng, chúng sẽ không nghe lời bạn, vì chúng đã không được uốn nắn. Cuối cùng thì như thế nào? Cuối cùng người lớn phải nghe theo chúng. Phiền phức của bạn lớn rồi, bạn phải thuận theo ham muốn của chúng, hễ hơi không thuận theo thì liền xuất hiện hành vi phản nghịch. Cho nên, ngày nay chúng ta thường xem thấy trên báo chí, con cái giết cha mẹ, giết anh em; trong trường học, học trò giết thầy, giết bạn học, chúng ta đã nghe quá nhiều rồi. Đây là gì? Dạy dỗ con không nghiêm. Giáo dục tiểu học là căn bản, căn bản này được xây dựng trên nền tảng của giáo dục gia đình, trong gia đình cha mẹ không nghiêm khắc dạy dỗ con cái thì thầy cô cũng đành bó tay thôi, thầy cô có biện pháp gì được? Chúng ta nhất định phải hiểu rõ tính nghiêm trọng của lỗi lầm nơi miệng. Người lớn là tấm gương của con trẻ, bản thân chúng ta không thành thật, chính mình nói chuyện thường hay có lỗi lầm thì bạn sẽ không có cách gì dạy con trẻ. Bạn dạy chúng, nhưng bản thân bạn lại làm như vậy thì bạn có cách gì để dạy? 

Trước đây, khi tôi ở Đài Loan, một năm nọ có một vị thầy dạy trung học đến nói với tôi, ông cũng là tín đồ Phật giáo kiền thành, con trai, con gái của ông, con gái lớn của ông khi đó học lớp năm tiểu học, không biết đã mua ở trong hiệu sách một cuốn sách gì, về nhà nó lên lớp cha mẹ nó: “Điều này ba đã vi phạm, điều kia ba cũng phạm rồi”, khiến cho cha mẹ rất khó chịu. Ông đến hỏi tôi, tôi bảo: “Anh là thầy giáo, người làm thầy trước tiên không được phạm lỗi thì học trò mới không chỉ trích anh được. Lời nói hành vi của bản thân anh không thận trọng, học trò chỉ trích anh thì anh làm sao ứng phó đây? Hiện tại không chỉ học trò chỉ trích anh, mà con gái của anh cũng chỉ trích anh.” Ông vô cùng cảm khái! 

Hiện nay loại phong khí này càng ngày càng thịnh. Chúng ta xem rất nhiều đồng tu khi tụ hội lại nói chuyện với nhau, đối với việc giáo dục con cái thì họ đều lắc đầu. Người làm thầy cũng bí lối, không có biện pháp xử lý, nhưng không tìm được công việc khác tốt hơn, họ không muốn làm nữa. Đây là nguy cơ của xã hội, là tai nạn của thế gian. Đã nhìn thấy mầm mống tai nạn rồi thì sau 20-30 năm nữa tai nạn sẽ hiện tiền. Cho nên, giáo dục nhi đồng là nền tảng đích thực của hòa bình, an định và hạnh phúc, then chốt chính ngay chỗ này. Tứ chúng đồng tu học Phật chúng ta nhất định phải bắt đầu làm từ bản thân, bắt đầu làm từ khéo giữ khẩu nghiệp, dứt khoát không nói dối, không nói ly gián, không nói thô ác, không nói thêu dệt. Cho dù trong đời này chúng ta ở đâu cũng bị thiệt thòi nhưng phải nhớ kỹ lời cổ huấn: “Thiệt thòi là phước.” Ở trong thiệt thòi nhẫn nhường mà tu nhẫn nhục ba-la-mật, tu thiền định ba-la-mật, tu bát-nhã ba-la-mật mới có thể tu thành công. 

Chỉ có nhẫn được, thuận theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, đoạn ác tu thiện thì con cái của bạn, học trò của bạn mặc dù không nghe lời nhưng qua thời gian lâu thì chúng sẽ tỉnh ngộ. Mười năm, hai mươi năm sau chúng giác ngộ rồi, chúng sẽ nghĩ lại những hành vi trước đây của thầy cô, của cha mẹ, lời dạy của cha mẹ đối với mình là có lợi ích chân thật. Nếu muốn nhanh đạt hiệu quả, lập tức có thể nhìn thấy hiệu quả là việc không thể, vì ác duyên và sự cám dỗ trong xã hội này đã quá nghiêm trọng, quá phổ biến. Cho nên, nhất định phải biết thân hóa giáo dục, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của bản thân chúng ta không thể không cẩn thận. Lìa được lỗi lầm của nói thêu dệt sẽ được ba loại lợi ích:

“Một, nhất định được người trí yêu mến.” Ai là người trí? Chư Phật Bồ-tát là người trí, thiện tri thức chân chánh là người trí. Những người này hiện nay ở thế gian chúng ta không nhiều, thế giới phương khác nhiều, các vị đọc kinh Vô Lượng Thọ, người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là người trí, nếu họ không trụ chân thật huệ thì nhất định không thể vãng sanh. Số người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không ai có thể tính được. Chúng ta mỗi ngày ở đây học Hoa Nghiêm, bạn xem người của thế giới Hoa Tạng, đó đều là người trí, đều là pháp thân đại sĩ, thứ họ yêu mến, xem từ thứ họ yêu mến thì chúng ta hiểu được ngay. Hay nói cách khác, chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, chúng ta có thể đạt được điều này. Trong đời sống thường ngày, tâm của bạn là bình hòa, tâm của bạn là an định, bạn rõ lý, lý đắc tâm an, đây là việc tốt hàng đầu. Câu từ trong kinh văn đã khẳng định bạn sẽ đạt được ba món quyết định này, một chút do dự cũng không có. 

“Hai, nhất định dùng trí như thật đáp lại các câu hỏi.” Đàm đạo với người khác, ngôn từ của bạn nhất định là lời trí tuệ chân thật. Lời nói trí tuệ không phải do học mà có, học ở đâu mà được? Lời nói trí tuệ là từ trong tự tánh lưu lộ ra. Phật dạy người phải cầu minh tâm kiến tánh, người tu Tịnh độ cũng không ngoại lệ, nhất định phải cầu minh tâm kiến tánh. Tâm và tánh là thứ vốn có của tất cả chúng sanh, không phải đến từ bên ngoài, cũng không phải do tu mà có, mà là thứ sẵn có trong tự tánh của bạn. Hiện nay vì sao chúng ta không minh tâm, không kiến tánh vậy? Phật nói với chúng ta, đây là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm chướng ngại. Phật đã nói rất nhiều lần, chúng ta nghe mấy chục năm dần dần cũng tỉnh ngộ, hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta đối với pháp thế xuất thế gian đều không chấp trước nữa thì phá được chướng ngại thứ nhất, ở trong Phật pháp gọi là bạn đã chứng quả A-la-hán. 

Tiến thêm một bước nữa, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không còn phân biệt nữa, bạn đã phá được lớp chướng ngại thứ hai, bạn trở thành Bồ-tát, Bồ-tát ở trong thập pháp giới. Tu tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh, tâm lục độ thì bạn là Phật ở trong thập pháp giới. Lại có thể trừ sạch chướng ngại vô minh sau cùng thì bạn thoát khỏi thập pháp giới, bạn vào thế giới Hoa Tạng. Người ở thế giới Hoa Tạng là Phật thật, không phải Phật giả, đại sư Thiên Thai gọi là phần chứng Phật. Tuy bạn chưa chứng được Phật quả viên mãn nhưng bạn chứng được một phần, phần này là thật chứ không phải giả. Trong kinh điển thường dùng mặt trăng để làm thí dụ, trăng vào ngày rằm là viên mãn, là Phật quả cứu cánh; tuy mùng ba, mùng bốn là trăng non, nhưng là trăng thật chứ không phải giả, không phải bóng trăng trong nước, nó là trăng thật. Đây chính là tông môn thường nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. 

Chúng ta có thể làm được phần chứng Phật không? Đáp án là khẳng định, chúng ta trong một đời có thể chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Làm sao biết? Trong kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đã làm thị phạm cho chúng ta rồi, Thiện Tài đồng tử một đời viên chứng Phật quả. Trong kinh Pháp Hoa, Long nữ cũng đã làm thị phạm cho chúng ta thấy, là có thể chứng được. Vì sao bạn không thể chứng được? Bạn không chịu buông xuống phiền não, vấn đề mấu chốt là ở chỗ này. Chỉ cần bạn chịu buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì bạn sẽ thành tựu. Trí tuệ của bạn là từ trong tự tánh lưu lộ ra, nên đương nhiên đối mặt với tất cả chúng sanh bạn có thể “như thật mà đáp lại các câu hỏi”. Đây đâu phải do học mà có! Những gì người khác hỏi, bạn đều trả lời được, bạn không cần phải đi đọc kinh, nghiên cứu giáo lý. Mở kinh Phật ra, lời bạn đáp với điều Phật nói là giống nhau, Phật cũng trả lời như vậy. 

Cho nên kinh điển có tác dụng gì vậy? Vào lúc này, tác dụng của kinh điển là để làm chứng minh cho chúng ta. Có phải đã khai trí tuệ thật hay không? Nếu đã thật khai trí tuệ thì tất cả mọi lời nói hành vi của bạn với những điều trong kinh nói chắc chắn là giống nhau. Nếu so với những điều trong kinh điển nói vẫn chưa giống thì tự mình phải phản tỉnh. Phải hiểu rõ là vẫn chưa buông xuống phiền não của mình, nên chưa khai trí tuệ, trả lời câu hỏi của người khác, phần lớn là từ trên thành kiến của mình mà trả lời, đó là biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến của chính mình, dùng thứ này để trả lời. Vậy thì không thể giải quyết vấn đề, không những không thể giải quyết vấn đề mà còn làm vấn đề càng thêm rối rắm, càng thêm lộn xộn. Do đây có thể biết, lời nói quan trọng biết bao.

“Ba, nhất định nơi trời, người được uy đức tối thắng, không có hư vọng.” “Uy” lẫn “đức” đều nói về ngôn hạnh trí tuệ. Ngôn hạnh trí tuệ dựa vào đạo đức, đây là uy đức chân thật. Trời, người kính ngưỡng, chư Phật hộ niệm, đây là “tối thắng”, không có gì thù thắng bằng điều này. Không nhất định là có địa vị, có tiền tài trong xã hội, bạn thấy Khổng lão phu tử sanh tiền không có địa vị trong xã hội, là dân thường, chưa từng làm quan lớn, nghèo nàn không giàu có. Ngài cả đời khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều dựa vào đạo đức, không làm trái đạo đức. Ngàn năm muôn đời sau khi nhắc đến Khổng lão phu tử có người nào mà không kính trọng? Đây là “được uy đức tối thắng, không có hư vọng”, chúng ta phải nên học.

Thích-ca Mâu-ni Phật tuy có địa vị, có tài phú nhưng ngài từ bỏ, ngài bằng lòng sống đời sống nghèo khổ, khất thực để duy trì mạng sống. Người Trung Quốc gọi khất thực là xin ăn, ngài sống đời sống này. Ngài khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều dựa vào đạo đức, không làm trái đạo đức, giáo hóa khắp toàn thế giới. Sau 3.000 năm, bạn thử xem có bao nhiêu người kính ngưỡng Thích-ca Mâu-ni Phật? Tuổi tác của hai bậc thánh này đều không cao lắm, Thích-ca Mâu-ni Phật viên tịch năm 79 tuổi, người Trung Quốc tính tuổi mụ, nói ngài “trụ thế 80 năm”; Khổng lão phu tử khi ra đi cũng chỉ 70 mấy tuổi, đều chưa đến 80 tuổi. Sống trong thế gian này thời gian không dài nhưng có thể thành tựu được như vậy là dựa vào điều gì? Chúng ta hãy suy nghĩ nhiều về điều này. Chúng ta muốn làm Thích-ca Mâu-ni Phật, làm Khổng tử, hay là muốn ở thế gian này làm quan lại quyền quý? Hãy suy nghĩ thật kỹ để lựa chọn con đường đúng đắn cho tiền đồ của mình. Con đường thuần chánh này được chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ. Đây là ba loại quyết định.

“Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.” Đây là đem công đức mà chính bạn đã tu học được, chính mình không hưởng thụ mà hồi hướng cho ai? Hoàn toàn để cho đại chúng xã hội, tất cả chúng sanh hưởng thụ. “Tương lai thành Phật”, bạn có thể làm được như vậy, đem công đức, phước đức mà mình đã tu tích được thảy đều chia sẻ cho tất cả chúng sanh, tương lai khi bạn chứng được Phật quả viên mãn thì “sẽ được những sự thọ ký của Như Lai”. Những thọ ký này đều ở trong kinh giáo Đại thừa; tất cả sự thọ ký của chư Phật trong kinh giáo Đại Thừa bạn thảy đều đạt được. “Đều không bị thiếu mất”, “thiếu mất” nghĩa là mất mát, đây là thuật ngữ của người xưa. Bạn không bị thiếu mất, tất cả đều đầy đủ. Cho nên, sao thấy việc vui mà không làm? Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.