PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 76/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu cuối cùng:
Chín, trụ kiến giải vô ngại. Mười, không rơi vào các nạn.
Chúng ta xem hai điều này. Đến đây thì đã giới thiệu một cách khái quát về quả báo thù thắng do đoạn ác tu thiện mà đạt được, những quả báo này quả thật là vô cùng thù thắng. Hôm nay xem điều thứ chín là “trụ kiến giải vô ngại”, đây là thuộc về trí tuệ. “Kiến” là nói kiến giải, kiến giải không chướng ngại; hay nói cách khác, đối với pháp thế xuất thế gian đều có thể đạt được thông đạt vô ngại. Lợi ích này tôi nghĩ bất luận người nào, bất luận tín ngưỡng tôn giáo nào, không có ai mà không mong cầu, đây là nguyện vọng chung của tất cả chúng sanh. Phật nói với chúng ta, nguyện vọng này trên thực tế là bản năng của chúng ta; hay nói cách khác, tất cả chúng sanh, mỗi một người vốn dĩ có năng lực này. Trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Thanh Lương nói với chúng ta bốn loại vô ngại: lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại; đây là thứ vốn có trong tự tánh của chúng ta, vốn dĩ đầy đủ. Hiện nay, tư tưởng kiến giải của chúng ta đâu đâu cũng có chướng ngại, chướng ngại từ đâu ra vậy? Chướng ngại là do thập ác nghiệp tạo thành. Trong thập ác có đủ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mỗi một điều đều vô cùng nghiêm trọng, cho nên tánh đức không thể hiện tiền. Trong kinh nói đủ loại quả báo chẳng thể nghĩ bàn đều là thuộc về đức năng vốn có trong tự tánh chúng ta, chỉ cần chúng ta xa lìa thập ác; xa lìa thập ác chính là tu thập thiện, vậy thì tánh đức này mới có thể phục hồi. Phục hồi đến mức độ nào thì đây là vấn đề về công phu.
Từ đó cho thấy, người thông minh, người có trí tuệ, người có phước đức nhất định phải biết “lìa tất cả ác, tu tất cả thiện”; “tất cả” chính là cương lĩnh của mười điều ở đây. Mười điều ác triển khai ra là vô lượng vô biên tội nghiệp. Thập thiện cũng là như vậy, mỗi một điều thiện triển khai ra là vô lượng vô biên phước thiện. Học Phật bắt đầu học từ đây, hy vọng chúng ta trong một đời tu đến thuần thiện. Nhà Nho nói “đạt đến chí thiện”, đây là mục tiêu cao nhất trong việc tu tâm dưỡng tánh của thánh nhân thế xuất thế gian. Nhà Nho dạy người: “Cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia.” Phật dạy người: “Hiếu thân tôn sư, tu thập thiện nghiệp đạo.” Đại thánh đại hiền thế xuất thế gian, chúng ta hợp chung lại xem, xác thực người xưa gọi là “cái thấy của anh hùng thường hay giống nhau”, đây là điều đáng để chúng ta tin tưởng.
Sau khi tin tưởng thật sự thì chúng ta phải nghiêm túc nỗ lực mà học tập, đem những tập khí, hành vi bất thiện không tốt đã phạm trước đây và trong đời này của chúng ta triệt để sửa đổi trở lại. Sửa đổi chính là tu hành, tu là sửa lại cho đúng, sửa đổi sai lầm lại cho đúng, đây là tu hành. Phàm phu thật không dễ dàng phát hiện ra lỗi lầm của chính mình, nhưng lại rất dễ thấy lỗi lầm của người khác. Cho nên cổ nhân dạy chúng ta, khi thấy lỗi lầm của người khác thì lập tức quay đầu lại nghĩ xem ta có phạm lỗi lầm giống như họ hay không? Đây gọi là quay đầu. Quay đầu là kiểm điểm lại lỗi lầm của chính mình, trong Phật pháp gọi là khai ngộ. Vì sao gọi là khai ngộ? Biết lỗi lầm của mình thì người này khai ngộ, giác ngộ rồi. Phàm phu không biết lỗi lầm của chính mình nên vĩnh viễn không có biện pháp để sửa đổi lỗi lầm. Thông thường có thể nói là đa số người tu hành công phu không đắc lực, nguyên nhân là ở đây. Chúng ta thường quan sát người khác, hãy lập tức quay về xét lại bản thân. Không được đem việc quan sát người khác để vào trong tâm của mình, đó là hết sức sai lầm, chính mình thật sự là tội chồng thêm tội; nhìn người khác thì lập tức hồi quang phản chiếu chính mình, đây là trí tuệ. Còn một phương pháp nữa là đọc sách thánh hiền. Thời cận đại, đại sư Ấn Quang vì sao phải hết lòng hết dạ khuyên mọi người đọc Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, đọc An Sĩ Toàn Thư? Thật sự có thể hằng ngày đọc những sách này thì rất dễ dàng phát hiện những tật xấu của mình. Dùng những kinh văn này để đối chiếu một lượt kỹ càng tâm hạnh của chính mình, những ý niệm nào của chúng ta là thiện, những hành vi nào là ác, tự mình phải biết rõ ràng. Tâm thiện, hạnh thiện phải gìn giữ; niệm ác, hạnh ác nhất định phải sửa đổi. Kinh giáo Đại thừa đọc nhiều rồi thì kiến giải và tư tưởng của chúng ta sẽ gần với Phật.
Kiến giải, tư tưởng của Phật Bồ-tát là chánh tri chánh kiến; cách nghĩ, cách nhìn của bản thân chúng ta chắc chắn là sai lầm. Vì sao lại nói như vậy? Chúng ta từ trong sự thật mà quan sát thật kỹ, chư Phật Bồ-tát đời đời kiếp kiếp tu hành, sự trải nghiệm của các ngài quá phong phú, tâm của các ngài thanh tịnh, có thể biết đời quá khứ, cũng có thể nhìn thấy đời vị lai, lời nói này không phải là giả. Tâm tư của chúng ta mê hoặc, đã quên hết những việc trong đời quá khứ, quên hết sạch sẽ, thỉnh thoảng ở trong mộng khởi hiện hành. Người thông thường nằm mộng, rất nhiều cảnh giới trong mộng, phần lớn là hạt giống trong a-lại-da thức hiện hành; những hạt giống đó không phải của hiện tại, đời này chưa từng tạo những sự việc này, mà là trong đời quá khứ. Từ trong mộng nếu bạn tư duy quan sát tỉ mỉ thì có thể có được một chút tin tức về những nghiệp đã tạo trong đời quá khứ, có thể có được một chút tin tức. Đến khi nào chúng ta tự mình tu đến tâm thanh tịnh thì tình trạng đời đời kiếp kiếp trong quá khứ của mình lại có thể nhớ ra, có thể nhớ lại được. Người thông thường trên thế gian chúng ta, nếu tâm của họ tương đối thanh tịnh thì có thể nhớ lại tuổi thơ của họ; nếu tâm thanh tịnh hơn thì có thể nhớ lại được một đời quá khứ, hai đời quá khứ, ba đời quá khứ. Loại sự việc này người hiện nay gọi là công năng đặc dị, người thông thường gọi là thần thông.
Thần thông là thứ đạt được từ trong thiền định. Định công của Phật sâu, thiền định của Phật viên mãn, cho nên những việc trong vô lượng kiếp trước ngài đều có thể nhớ lại được. Điều này theo như lời hiện nay chúng ta nói đó là kinh nghiệm của ngài phong phú hơn chúng ta quá nhiều. Những thứ mà chúng ta học được trong mấy chục năm ngắn ngủi này quả thật là không đáng tin cậy, đây là điều chúng ta nhất định phải lý giải, tuyệt đối không phải là tự ti, mà đây là chân tướng sự thật. Những thứ mà chúng ta học từ nhỏ là học thứ gì vậy? Là kiểu nước chảy bèo trôi ở trong xã hội hiện thực này. Tình trạng xã hội ngày nay là tình trạng gì? Phật nói trong kinh Lăng-nghiêm: “Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng.” Những điều mà chúng ta tiếp xúc đều là tà tri tà kiến. Nhưng vô cùng bất hạnh là chúng ta lại tự cho là đúng, gọi là sai lâu thành đúng, mọi người đều sai rồi, chúng ta cũng sai theo, giống như đều đúng cả.
Tiêu chuẩn của đúng sai thiện ác ở đâu? Ở tâm hạnh của bậc thánh hiền, người thật sự giác ngộ, bạn thấy tư tưởng, lời nói, hành vi của họ mới là tiêu chuẩn. Chúng ta học Phật, tâm hạnh của Thích-ca Mâu-ni Phật là tiêu chuẩn tuyệt đối. Trong pháp thế gian, người Trung Quốc trước đây tôn sùng tâm hạnh của Khổng lão phu tử, lấy đó làm tiêu chuẩn, tâm hạnh của Khổng lão phu tử ở trong Luận Ngữ. Chu Hy (Chu phu tử) của triều Tống biên tập bộ Tứ Thư, lấy Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử, bốn loại sách này hợp lại gọi là Tứ Thư. Tứ Thư là tiêu chuẩn của đúng sai, thiện ác của người Trung Quốc, Tứ Thư là tiêu chuẩn về giá trị quan, nhân sinh quan của người Trung Quốc, đây chính là tinh thần dân tộc Trung Hoa. Thế nhưng người hiện nay không đọc nữa, họ đã vứt bỏ giá trị quan dân tộc mấy ngàn năm của chính mình, thuận theo tà tri tà kiến của thời đại trước mắt. Vì vậy thế gian mới có động loạn, mới có thiên tai nhân họa. Tai nạn này nói thật ra chỉ là mới bắt đầu, không phải kết thúc, sau này còn có tai nạn lớn hơn nữa, có lẽ chúng ta có thể chứng kiến được. Làm sao có thể tiêu trừ tai nạn đây? Thánh hiền thế xuất thế gian đều nói với chúng ta phải từ lòng người mà chuyển biến. Lòng người có thể giác ngộ, chuyển tà thành chánh, không còn thuận theo tập khí phiền não của mình nữa, không còn thuận theo giá trị quan thế tục của xã hội thông thường hiện nay. Chúng ta quay trở lại thuận theo lời giáo huấn của thánh hiền thì tai nạn này mới có thể hóa giải, bạn có thể trụ nơi chánh tri chánh kiến, đối với tất cả sự lý thông đạt vô ngại.
Tiếp theo nói “không rơi vào các nạn”, câu nói này có hai tầng ý nghĩa, ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Chúng sanh đều tạo ác nghiệp, cho nên chiêu cảm đến thiên tai nhân họa. Người giác ngộ ở nơi này có phải bị nạn hay không? Khẳng định là phải bị nạn, vì do cộng nghiệp chiêu cảm, nhưng họ chắc chắn không bị đọa lạc. Vì sao họ không đọa lạc? Vì họ là người sáng suốt, là người thanh tịnh, là người lương thiện, nên ở trong đại nạn họ được đi lên trên chứ không phải đọa xuống dưới. Người học Phật, nếu có đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên như trong kinh A-di-đà đã nói, trong giáo pháp Đại thừa gặp được pháp môn Tịnh độ thì họ nhất định vãng sanh thế giới Cực Lạc. Nếu đại nạn có đến thì họ có chỗ tốt để đi, họ đến thế giới Cực Lạc làm Phật, gọi là “không rơi vào các nạn”. Một nghĩa khác là ở trong tai nạn lớn, họ cũng có thể không bị nạn, đây là nghĩa thứ hai. Chúng ta biết trong rất nhiều tai nạn to lớn, còn có một số người có thể may mắn thoát được. Những người may mắn thoát được này không nằm ngoài hai loại nhân tố: loại thứ nhất là thiện căn phước đức trong đời quá khứ sâu dày, tuy đời này tạo ác nhỏ nhưng họ có dư phước, dư phước của họ rất lớn, rất dày nên có thể tránh được tai nạn này; loại thứ hai là ở trong đời này gặp được thiện tri thức, thân cận thiện tri thức, tiếp nhận lời giáo huấn của thiện tri thức, biết đoạn ác tu thiện nên họ cũng có thể tránh khỏi. Những sự việc này trong Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn và Liễu Phàm Tứ Huấn đều nói rất nhiều, đều có lý luận và chân tướng sự thật, chúng ta nên đọc nhiều.
Chúng ta quan sát tỉ mỉ, quả thiện nhất định có được từ nhân thiện. Tạo tác ác nghiệp mà mong cầu quả báo tốt, Phật thường nói là “không có chuyện này”, không có đạo lý này; tạo tác nhân thiện mà bị quả báo ác, cũng không có đạo lý này. Nhưng ở thế gian, người thông thường luôn nhìn thấy người này cả đời hành thiện mà cuối cùng nhận ác báo, nhìn thấy nhiều người làm ác nhưng hiện tại họ có đủ thứ hưởng thụ, hình như nhân quả báo ứng mà cổ thánh tiên hiền đã nói không chính xác, cho nên họ hoài nghi, không thể tiếp nhận. Đây là vì họ nhìn quá cạn cợt, nhà Phật thường nói “nhân quả thông ba đời”, hiện tại họ làm ác mà vẫn có thể được phước báo là do họ trong đời quá khứ tu tích được dày. Đời này họ làm ác, tạo ác, phước báo của họ đã tổn giảm rồi, tuy tổn giảm nhưng họ vẫn còn dư phước, hoàn toàn chưa tiêu hao hết, họ còn có dư phước, cho nên họ hiện tại hưởng phước. Chứ không phải tạo ác được phước báo, đó là bạn đã hiểu sai. Đời này tích thiện mà nhận khổ báo, chứng tỏ trong đời quá khứ tạo ác nghiệp nhiều, đời này tu thiện đã bù đắp ác nghiệp của họ, nhưng do ác nghiệp của họ quá lớn, còn có dư ác chưa thể đoạn được, cho nên họ mới thọ ác báo. Tuy nhiên nếu họ hành thiện không gián đoạn, họ có lòng tin thì đời sau có phước báo lớn. Cho nên, Phật nói với chúng ta ở trong kinh: “Muốn biết quả đời này”, [tức là] bạn muốn biết quả báo của đời này, “là do nhân đời trước đã tạo”, nghiệp nhân mà chúng ta tạo tác trong đời trước chính là quả báo của đời này; muốn biết quả báo đời sau thì hãy xem những điều bạn tạo trong đời này.
Nhà Phật nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.” Nhân quả chuyển biến bất không, tiếp nối bất không, tuần hoàn bất không. Thiện ác nhất định có quả báo, chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tuyệt đối không tạo ác. Bất luận chúng ta gặp phải gian nan khốn khổ như thế nào, chúng ta một ý niệm ác cũng không sanh thì đời sau có phước báo lớn. Thời gian của đời này ngắn ngủi, thời gian của đời sau dài, người thông minh phải có tầm nhìn xa rộng mà tu phước báo cho đời sau. Việc này tuyệt đối không hề tiêu cực. Phước báo lớn của đời sau thành tựu thì tuổi về chiều của đời này phước báo cũng sẽ hiện tiền. Nhà Phật gọi là hoa báo, bạn tu tích rất nhiều, tu tích rất dày, rất lớn rồi, không đợi đời sau mới nhận phước, mà ngay đời này sẽ hiện tiền. Cho nên đời này gọi là hoa báo, đời sau là quả báo. Hoa báo thù thắng thì có thể biết được quả báo [thù thắng]. Cho nên, phước nhất định là từ tâm thiện, hạnh thiện tu tích mà ra, chúng ta phải tin sâu không nghi, hết lòng nỗ lực mà làm. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.