Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 113/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 113/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay chúng tôi tiếp tục nói về thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong “định căn” của ngũ căn, định căn có thể “nhiếp tâm vào chánh trợ, tương ưng không tán loạn”. Hôm qua, chúng tôi đã nói, tu đạo thì phải chánh trợ song tu. Không chỉ là pháp môn Tịnh độ, mà bất kỳ một pháp môn nào, thậm chí các tôn giáo khác của thế gian, cho đến pháp thế gian đều có chủ tu và trợ tu, hiện nay thông thường chúng ta gọi là “tuyển tu”, có môn tu chính, có môn tu lựa chọn. 

Thế nào gọi là “định”? Tâm của chúng ta định nơi pháp môn tu học, nhất định không dễ bị thay đổi. Đối với Phật pháp, khi khế nhập với một mức độ tương đối sâu thì chúng ta mới chân thật lý giải được những điều Phật đã nói là “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Sau khi chúng ta quyết định chọn lấy một môn, chân thật có thể làm được “thâm nhập một môn, huân tu lâu dài”, vậy định này mới có căn. Có căn thì mới có thể sinh trưởng, mới có thể khai hoa, kết quả. Từ xưa đến nay, người tu học không có thành tựu, sai lầm nghiêm trọng nhất chính là không có định căn, tâm của họ bao chao, nói theo hiện nay là họ ưa thích nhiều phương diện, nhìn thấy cái này thì ưa thích, cái kia cũng ưa thích, mọi thứ đều ưa thích. Do ưa thích nhiều phương diện nên tinh lực của họ bị phân tán, thời gian bị phân tán, có câu là “môn gì cũng hiểu biết, môn gì cũng không chắc”, chỉ là lướt qua một chút ở ngoài da, đều không thể cắm rễ. 

Do vậy, chúng ta nhất định phải biết được, “học rộng nghe nhiều” không phải là ở giai đoạn hiện tại này của chúng ta. Trong kinh thường khuyên chúng ta học rộng nghe nhiều, đây là nói với ai? Nói với pháp thân Bồ-tát, đến khi đó phải nên học rộng nghe nhiều. Còn giai đoạn hiện tại này của chúng ta thì không được, chỉ có thể thâm nhập một môn, chỉ là một môn, nương theo một pháp. Ngày nay, chúng ta chọn lấy một pháp Tịnh độ, nhất là pháp “trì danh niệm Phật” của Tịnh tông, trong pháp này cần phải sanh khởi định căn, nhưng trên thực tế thì không dễ! Vì sao vậy? Vì sự quá đơn giản, người ta không dễ gì tin tưởng; lý quá sâu, rất không dễ gì lý giải thấu triệt. Thế nhưng hiệu quả của nó hết sức rõ rệt, ngay cả người không biết chữ cũng thật sự có thể làm được thật thà niệm Phật. 

Chúng ta thường hay nhắc đến ông thợ vá nồi, là đồ đệ năm xưa của lão pháp sư Đế Nhàn, ông không đi học nên không biết chữ, thứ gì cũng không biết, lão hòa thượng chỉ dạy ông một câu “Nam-mô A-di-đà Phật”, ông có thể thật thà niệm. Hay nói cách khác, con người này rất cừ khôi, thầy truyền cho ông một câu Phật hiệu, ông liền có đầy đủ ngũ lực: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Ông tin tưởng lời của thầy, không hoài nghi. Thầy dạy ông: “Niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong rồi thì tiếp tục niệm”, đây là tinh tấn, thật sự là 24 tiếng đồng hồ niệm niệm không quên Phật hiệu thì niệm lực thành tựu. Nhất tâm chuyên chú, không xen tạp bất kỳ vọng tưởng nào thì định lực thành tựu. Cho nên trong 3 năm ông có thể thành tựu, đứng mà vãng sanh. 

Có phải sau 3 năm thì thọ mạng của ông vừa vặn đến rồi hay không? Tôi nghĩ chắc chắn không phải, mà là công phu thành tựu. Rất nhiều người niệm Phật vãng sanh không phải là thọ mạng hết rồi, mà công phu thành tựu rồi thì đi trước. Ví dụ như pháp sư Oánh Kha của triều Tống, A-di-đà Phật nói với ông, ông còn đến 10 năm dương thọ, nhưng ông không cần, ông nói: “Hiện tại con muốn đi với ngài.” Ba ngày sau thì A-di-đà Phật đến tiếp dẫn, đây là chính mình vẫn còn thọ mạng nhưng không cần nữa. Thông thường công phu đạt đến trình độ này đều sẽ ra đi, tuyệt đối sẽ không lưu lại thế gian này. Người lưu lại thế gian này chỉ có một điều kiện, họ còn có duyên phận độ hóa chúng sanh; nếu có cơ duyên độ hóa chúng sanh thì không được đi, nếu không có cơ duyên này thì lập tức ra đi.

Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian, thời gian trụ thế dài hay ngắn không chút liên quan gì đến các ngài, chỉ xem cơ duyên giáo hóa chúng sanh; có duyên thì ở, không có duyên thì đi, đến đi tự do, không có chút chướng ngại nào cả. Chúng ta chính mình tu thành rồi thì cũng là như vậy. Cho nên, “định” vô cùng quan trọng, chúng ta chọn lấy pháp môn này, sau khi chọn lựa chắc chắn rồi thì nhất định không nghi hoặc, nhất định phải chuyên chú. Gần đây có rất nhiều đoàn đến từ Trung Quốc, có không ít đồng tu đều hỏi một vấn đề chung là: “Chúng con chuyên niệm một câu Phật hiệu, chuyên thọ trì một bộ kinh Vô Lượng Thọ thì có thể vãng sanh không?” Dường như họ hoài nghi rằng nhiêu đây vẫn không đủ, quá ít. “Có một số pháp sư nói như vậy không được, phải nên thọ trì rất nhiều kinh luận.” Họ đều nêu ra vấn đề này, đây chính là ngay cả tín căn cũng không có thì làm sao có thể thành tựu? Then chốt là ở chỗ này. 

Chúng ta đọc thấy từ trong kinh A-di-đà, sau khi vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn phải tu “ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát thánh đạo phần”, bạn mới biết được khoa mục này quan trọng. Khoa mục mở ra trong kinh A-di-đà, không hề nhắc đến ba môn phía trước là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc. Do đây có thể biết, ba môn phía trước là chúng ta nhất định phải hoàn thành trong giai đoạn hiện tại này, không có ba môn phía trước thì không có căn. Phải biết “tín, tấn, niệm, định, tuệ”, năm loại căn này là từ trên nền tảng của ba khoa mục phía trước mà sanh căn. Trong lúc giảng kinh, tôi thường nêu lên để khuyên lơn các đồng tu, không thể không xem trọng niệm xứ, chánh cần, thần túc, vì nếu bạn không xem trọng thì bạn không có căn. 

Chúng ta là người học Phật, hãy bình lặng mà quán sát, có rất nhiều người, không chỉ là đồng tu tại gia, mà cả đồng tu xuất gia, thậm chí đã xuất gia mấy mươi năm rồi, nghe đến những thứ bên ngoài, tâm vẫn còn dao động, còn do dự không quyết, đây là không có tín căn. Chúng tôi đề xướng kinh Vô Lượng Thọ, bản hội tập này là hiếm có khó gặp, chúng ta biết đây đích thực là kinh đệ nhất trong kinh điển Đại thừa. Bản hội tập này, một, hai năm gần đây có không ít người phản đối có tổ chức. Không ít đồng tu đến nói với tôi, tôi nói với họ: “Không phải họ phản đối bản hội tập, mà họ phản đối một mình tôi. Nếu tôi không đề xướng bản hội tập này thì không việc gì; tôi đề xướng bản nào thì họ sẽ phản đối bản đó. Họ là đối với người, không phải đối với việc, việc này phải rõ ràng.” Là đối với người, có câu là “cây cao đón gió”, rước lấy những phiền phức. 

Đích thực có không ít người vì những lời bịa đặt này mà sanh khởi nghi hoặc, lòng tin dao động. Tôi tuyệt đối sẽ không dao động, tôi nói: “Người trên toàn thế giới này thảy đều không tin, nhưng một mình tôi vẫn tin tưởng, tôi tuyệt đối sẽ không dao động.” Tôi nhận được lợi ích sâu sắc từ bản kinh này thì làm sao tôi có thể dao động cho được? Hơn nữa, quyển này là thầy đã đích thân truyền cho tôi. Tôi tin tưởng thầy, tôi có lòng tin kiên định đối với thầy nên thầy mới chịu đem vật này truyền lại cho tôi. Đệ tử chúng tôi nhiều như vậy, vì sao thầy không truyền cho người khác? Tôi không có năng lực gì khác, tôi tôn sư trọng đạo, từ nhỏ tôi học được một chút điều như vậy, tôn kính đối với thầy, không hoài nghi đối với thầy. Cho dù có hoài nghi thì tôi trực tiếp thỉnh giáo với thầy, thầy sẽ giải thích cho tôi, tôi không dễ gì bị người khác làm dao động, đây là điểm mạnh của tôi.

Ngày trước, tôi ở Đài Trung thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, tôi đã hai, ba lần từng có vấn đề nghi hoặc, tôi bèn thỉnh giáo thầy. Có một số người hủy báng thầy, tôi đi thỉnh giáo thầy. Có một lần là vấn đề về kinh luận, lời mà thầy nói tôi chưa từng nghe qua, trước giờ chưa từng nghe đến, tôi hỏi thầy đây là ý của chính thầy hay là có căn cứ trong kinh điển? Thầy nói với tôi, không phải là ý của chính thầy, mà là ở trong kinh điển. Do chúng ta đọc kinh quá ít, thông qua sự chỉ điểm của thầy, tôi mới biết được mỗi câu mỗi chữ đều có kinh điển làm căn cứ, nhất định không dám nói xằng bậy. Vì vậy, tín tâm của tôi đối với thầy càng thêm kiên cố, mới có thể đặt một chút nền tảng cho đạo nghiệp này. Cho nên tôi thường nói, đây cũng là trong kinh Phật thường khuyên bảo chúng ta nên “thân cận thiện tri thức”. Ai là thiện tri thức của ta? Người mà mình tin sâu không nghi, lời nói của họ mà mình hoàn toàn y giáo phụng hành thì người này chính là thiện tri thức của mình. Thiện tri thức của tôi chưa chắc là thiện tri thức của bạn, thiện tri thức của bạn chưa chắc là thiện tri thức của họ; thiện tri thức không có tiêu chuẩn, mà là sự tín ngưỡng của cá nhân dành cho đối phương, từ trong đây mà quyết định. 

Cho nên, chúng ta xem thấy trong sách xưa Trung Quốc, sách “Ngũ Đăng Hội Nguyên”, đây là của Tông môn, Giáo hạ cũng không ngoại lệ, học nhân đi tham phỏng một vị thiện tri thức. Sau khi tiếp kiến, nói chuyện xong, pháp sư này rất có thể sẽ nói với họ rằng: “Duyên của bạn không ở chỗ tôi, bạn hãy đi đến nơi nào đó, bạn hãy đi thân cận người nào đó, duyên của bạn ở chỗ đó.” Họ có loại bản lĩnh này, có năng lực này, vì sao nói “duyên của bạn không ở chỗ tôi, mà ở chỗ người nào đó”? Kỳ thật trong văn tự Trung Quốc ghi chép đơn giản, nhưng trong tưởng tượng của chúng ta, khi họ nói chuyện thì làm gì chỉ nói có mấy câu như vậy? Ít nhất lúc tiếp kiến cũng là một, hai giờ đồng hồ. Nội dung nói chuyện rất nhiều, khi hàn huyên thì nhất định hỏi qua bạn là người ở đâu, năm nay bao nhiêu tuổi, bạn học Phật khi nào, trước đây đã từng xem sách gì rồi, đối với thiện tri thức đương đại thì bạn kính ngưỡng, bội phục nhất là người nào? Họ hỏi như vậy, người mà bạn kính ngưỡng nhất, bội phục nhất, “người đó có duyên với bạn, bạn nên đi đến nơi đó”; không phải vị đó có thần thông. Đây chính là nói: bạn hãy học với người mà tâm bạn bội phục nhất, kính ngưỡng nhất thì nhất định bạn có thành tựu. Vì sao vậy? Lời của họ nói, bạn sẽ nghe theo một trăm phần trăm. Nếu như người này không phải là người bạn kính ngưỡng nhất, tuy vị thầy này nói lời giống như vậy, nhưng bạn sẽ giảm bớt đi sự [tin tưởng] với thầy, không thể hoàn toàn tin tưởng, cho nên bạn không thể thành tựu. Chúng ta hiểu được đạo lý này, không có thiện tri thức nhất định, nguyên nhân là ở chỗ này. 

Người mà chúng ta muốn đi theo chính là thánh nhân trong suy nghĩ của chính mình, người được kính ngưỡng nhất trong suy nghĩ của chính mình; có vậy thì lời mà họ nói, mình đều làm được, cho dù chính họ làm không được. Tình huống này rất nhiều, người xưa nói: “Trò học từ thầy lại vượt trội hơn thầy.” Thầy giảng không sai, nhưng thầy không làm được, học trò làm được, nên thành tựu của học trò vượt hơn thầy. Ngạn ngữ xưa thường nói: “Có học trò là trạng nguyên, chưa nghe nói có thầy là trạng nguyên.” Thầy của trạng nguyên luôn luôn là một tú tài nghèo, vì sao họ đào tạo ra học trò có thể đậu trạng nguyên, còn chính mình cả đời làm một tú tài nghèo? Vì họ nói mà không làm được, học trò học với họ đều có thể làm được, cho nên thành tựu của học trò vượt hơn thầy, sự việc này xưa nay trong và ngoài nước có quá nhiều, quá nhiều. Đại sư Thiên Thai nói rất hay: “Có thể nói mà không thể làm, đó là quốc sư”, ngài nói không sai chút nào, bản thân họ không làm được, “sư” là thầy giáo, thầy giáo tốt; “có thể nói lại có thể làm, đó là quốc bảo”, người này vô cùng hiếm có. Hai câu nói này của đại sư Thiên Thai nói rất hay, chúng ta phải biết được “làm” quan trọng hơn tất cả, không những có thể nói mà còn phải làm được. 

Chúng ta sinh vào thời đại này, đây là một thời đại bi thảm! Chúng ta hãy bình lặng mà quan sát xã hội này, mọi người trong xã hội nghĩ những gì? Nói những gì? Làm những gì? Toàn là tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn, như vậy có nguy không? Hiện tượng này hiện đang gia tăng tốc độ, gia tăng tốc độ lan rộng, hậu quả là gì? Thông thường trong các tôn giáo gọi là “ngày tận thế”, đây là một chút mê tín cũng không có. Chúng ta vô cùng may mắn, chân thật là vô lượng kiếp đến nay tu được thiện căn phước đức nhân duyên, nên ở thời đại này chúng ta có thể gặp chánh pháp. Chỉ cần chúng ta kiến lập ngũ căn thì trong một đời này sẽ không gặp nạn, khi đại kiếp nạn đến thì chúng ta vãng sanh Tịnh độ, lúc nào cũng có thể đi, chắc chắn đi được. Thân ta lưu lại thế gian này chỉ vì một sự việc là trụ trì chánh pháp. Thế nào gọi là trụ trì chánh pháp? Y theo chánh pháp mà tu hành, ta sống một ngày, ta tu một ngày, đây gọi là trụ trì chánh pháp. Hoằng dương chánh pháp, hoằng dương chánh pháp là giáo hóa chúng sanh. Chúng ta trụ trì cũng là hoằng dương, trụ trì là làm ra tấm gương cho người khác xem. Còn về trợ đạo, trợ đạo chính là “đoạn tất cả ác, hành tất cả thiện”. 

Tiêu chuẩn của thiện ác, tóm lại mà nói chính là y theo “thập thiện nghiệp đạo”. Bộ kinh này do Phật giảng cho chúng ta, nó rất quan trọng, phải đem mỗi câu mỗi chữ biến thành tư tưởng, ngôn hạnh của chính chúng ta, hoàn toàn thực hành trong cuộc sống của chính mình. Không có gì khác, đó chính là giữ tâm của chúng ta, “chánh đạo” là niệm niệm không quên A-di-đà Phật, niệm niệm không quên y chánh trang nghiêm của Tây Phương, đây là chánh đạo của chúng ta; “trợ đạo” là niệm niệm không quên chúng sanh khổ nạn, chúng ta phải vì chúng sanh khổ nạn làm ra tấm gương tốt, phải làm ra cho họ xem, giúp đỡ họ giác ngộ, làm như vậy có vô lượng công đức. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì phải phước tuệ song tu, vì nơi đó đều là “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, “thượng thiện” chắc chắn là phước tuệ đầy đủ viên mãn. Chúng ta làm tấm gương cho người khác xem, giáo hóa tất cả chúng sanh, đây là phước đức, nhất tâm xưng niệm A-di-đà Phật là định tuệ; có phước, có định, có tuệ thì mới có thể thành tựu. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.