Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 77/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 77/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười một, hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ giữa:

Nếu có thể hồi hướng về A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, tương lai thành Phật sẽ nhanh chứng được hết thảy Phật pháp, thành tựu thần thông tự tại.

Đây là nói lìa tà kiến chẳng những thành tựu mười loại pháp công đức thù thắng, nếu có thể hồi hướng về vô thượng Bồ-đề. Đoạn kinh văn này, từ đầu đến giờ tổng cộng có mười đoạn nhỏ, mỗi một đoạn đều dùng câu này làm lời kết, ở đây có thể nói là tổng kết. Thế nào gọi là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề? Câu này là tiếng Phạn, vào thời xưa dịch kinh, theo thể lệ có năm loại không dịch[1], câu này có thể phiên dịch, trong năm loại không dịch thì đây thuộc về “tôn trọng không dịch”. Mục tiêu cuối cùng của học Phật là gì vậy? Chúng ta sau cùng mong muốn đạt được, đắc được những gì? Chính là một câu này. Ý nghĩa của câu này, phiên dịch thành Hoa văn là Vô thượng chánh đẳng chánh giác; “a” dịch thành “vô”, “nậu-đa-la” dịch thành “thượng”, Ấn Độ gọi là “tam” thì Trung Quốc nghĩa là “chánh”, “miệu” là “đẳng”, “bồ-đề” là “giác”. Bởi vì tôn trọng nên giữ lại phần dịch âm. Trong câu này có ba thứ bậc là: Chánh giác, Chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đây là điều mà người học Phật mong cầu. 

Nếu đạt đến Chánh giác rồi, trong Phật pháp gọi là chứng quả A-la-hán, tiểu thừa A-la-hán, Bích-chi Phật đều đạt được Chánh giác. Phật nói với chúng ta, trời người của thế gian cũng có người rất thông minh, họ đối với vũ trụ nhân sinh có sự giác ngộ tương đối, thế nhưng không được gọi là chánh, danh hiệu “chánh” này rất khó đạt được. Nhà Phật nói tiêu chuẩn của chánh là gì? Nhất định là phá chấp ta rồi thì mới gọi là chánh. Nếu dùng cách nói trong kinh Kim Cang thì mọi người sẽ rất rõ ràng khái niệm này, “không tướng ta” mới được gọi là Chánh giác. Trời và người của thế gian rất thông minh, chúng ta biết hiện nay có rất nhiều nhà khoa học, nhà triết học, nhà tôn giáo, họ vẫn có ta, vẫn còn chấp ta, vẫn còn chấp pháp. Những người này tuy gọi là giác nhưng không thể gọi là Chánh giác, nhất định phải đạt đến “không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả” thì mới gọi là Chánh giác. 

Tuy phá bốn tướng rồi nhưng vẫn chưa phá hết triệt để, bốn tướng này có cao thấp khác nhau. Ví dụ nói đã phá 100% tướng ta rồi, không còn nữa, nhưng tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả vẫn còn, vẫn chưa phá hết. Vì sao vậy? Tướng ta là thuộc về chấp ta, chính là chấp trước, chấp trước không còn nữa; tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả là thuộc về phân biệt, là thuộc về vọng tưởng, những thứ này chưa đoạn hết. Do đó, nhà Phật chia giác ngộ làm ba giai đoạn. Đoạn hết phân biệt rồi, nhưng vọng tưởng vẫn chưa hết, cấp bậc này gọi là Chánh đẳng chánh giác. “Đẳng” là ngang bằng Phật, quý vị phải biết, ngang bằng Phật nhưng họ không phải Phật, chỉ là ngang bằng mà thôi. Cần phải đoạn hết phân biệt, vọng tưởng thì lúc này mới gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên, Vô thượng chánh đẳng chánh giác chỉ có một vị, đó là Phật quả viên mãn trong Viên giáo, Bồ-tát Đẳng giác trở xuống đều thuộc về Chánh đẳng chánh giác. Nhưng quý vị phải biết, thứ bậc thấp nhất của Chánh đẳng chánh giác là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo. Do đây có thể biết, trong tứ thánh pháp giới, nói tóm lại đều là thuộc về Chánh giác, tuy thứ bậc của họ cũng có cao thấp khác nhau, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát, Phật. Phật ở đây trong tông Thiên Thai gọi là tạng giáo Phật, thông giáo Phật, đều thuộc về Chánh giác, không thể xưng là Chánh đẳng chánh giác. Đại sư Thiên Thai trong phán giáo “Lục tức Phật” xếp họ vào “tương tợ tức Phật”, tức là tứ thánh pháp giới là tương tợ tức Phật. 

Họ đã thoát khỏi thập pháp giới, đến nhất chân pháp giới, nhất chân pháp giới là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, lúc này là “phần chứng tức Phật”, mới gọi họ là Chánh đẳng chánh giác. Cho nên, quý vị cần phải có khái niệm thật rõ ràng, Chánh đẳng chánh giác gọi là pháp thân Bồ-tát, người chưa chứng được pháp thân không ở trong đây, tông Thiên Thai gọi là phần chứng tức Phật, họ là thật, họ không phải giả. Mục tiêu chúng ta học Phật là ở chỗ này, không cầu gì khác, mà cầu sự giác ngộ cứu cánh triệt để viên mãn đối với vũ trụ nhân sinh, đó được gọi là Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Làm thế nào cầu được? Bạn xem ở đây, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, Phật đem tất cả thiện ác quy nạp thành mười điều, mặt trái của thập thiện chính là thập ác, lìa thập ác chính là thập thiện. Từ đó cho thấy, thể của thiện ác là một, là một thể tánh, chỉ do mê ngộ bất đồng mà thôi. 

Ở trong lục đạo, người mê thì nhiều, người giác ngộ thì ít. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay, không những người mê nhiều, hơn nữa là mê vô cùng nghiêm trọng, đối với thánh giáo, đối với lời thiện họ không thể tiếp nhận, điều này trong Phật pháp gọi là tập khí, nghiệp chướng quá nặng. Tuy hằng ngày đang tu học nhưng họ đều không có cách gì nhập cảnh giới. Cảnh giới này, chúng ta thông thường gọi là cửa Phật, họ không có cách gì vào cửa Phật. Chúng ta ngày nay đều ở bên ngoài cửa Phật, chưa vào trong được. Người nào vào được vậy? Sơ quả Tiểu thừa, Bồ-tát địa vị Sơ tín của Viên giáo Đại thừa. Đây là giống như đi học vậy, Thập tín là tiểu học, quả vị Sơ tín là lớp một, bạn đã bước vào lớp một rồi. Điều kiện của lớp một là gì? Tám mươi tám phẩm kiến hoặc trong tam giới đã đoạn hết, lúc này chứng được quả vị sơ quả Tiểu thừa; nếu là Bồ-tát của Viên giáo thì đây là Bồ-tát quả vị Sơ tín trong Thập tín. Công phu đoạn phiền não của Bồ-tát quả vị Sơ tín và sơ quả Tiểu thừa là tương đồng, nhưng trí tuệ thì không như nhau. Sơ quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa nếu so với Bồ-tát quả vị Sơ tín của Viên giáo thì trí tuệ kém hơn rất nhiều, rất nhiều. 

Hoa Nghiêm là Viên giáo, trí tuệ mà họ hiển thị là viên mãn, viên dung vô ngại. Bồ-tát quả vị Sơ tín còn như vậy, huống hồ Bồ-tát quả vị cao? Cho nên, Bồ-tát Sơ trụ là minh tâm kiến tánh rồi. Đây là nguyên nhân gì? Phật đã nói trong hội Lăng-nghiêm, phiền não chướng và sở tri chướng, hai loại chướng này, tất cả chúng sanh hoàn toàn không giống nhau. Bồ-tát quả vị Sơ tín của Viên giáo thì hai loại chướng này đều mỏng nên họ chứng được Sơ tín của Đại thừa. Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa thì phiền não chướng nhẹ, sở tri chướng nặng, cho nên họ có thể đoạn 88 phẩm kiến hoặc, nhưng do sở tri chướng nặng nên trí tuệ của họ không khai mở. Phật thuyết kinh giáo Đại thừa, họ không thể lý giải, nguyên nhân là ở đây. Chúng ta nhìn thấy trên hội Lăng-nghiêm vô cùng rõ rệt, chỗ mà tôn giả A-nan chứng là sơ quả Tiểu thừa, trí tuệ của ngài rất cao, Phật nói kinh Lăng-nghiêm, nói đến quyển thứ ba thì ngài bèn bước ra tán thán Phật, ngài đã hiểu rồi. Tôn giả Phú-lâu-na là tứ quả A-la-hán nhưng tôn giả Phú-lâu-na nghe không hiểu, cho nên đứng lên hướng về Phật thỉnh giáo: “Thầy ấy là sơ quả, sao thầy ấy hiểu được? Con là tứ quả A-la-hán, sao con chưa hiểu?” Phật mới nói rõ với ngài, A-nan là phiền não chướng nặng, cho nên chỉ chứng được sơ quả, nhưng do sở tri chướng nhẹ, nên ông ấy có thể hiểu rõ kinh pháp Đại thừa, ông ấy có thể tiếp nhận. Tôn giả Phú-lâu-na thì hoàn toàn ngược lại với A-nan, ngài là phiền não chướng nhẹ, cho nên chứng được tứ quả A-la-hán, 81 phẩm tư hoặc của tam giới ngài cũng đoạn rồi, nhưng do sở tri chướng nặng nên kinh giáo Đại thừa ngài nghe không hiểu.

Trong giáo học Đại thừa, xưa nay những tổ sư đại đức thường dạy người “nhìn thấu, buông xuống”. Chúng ta có thể buông xuống, buông xuống phiền não chướng, nhìn thấu là phá sở tri chướng. Hai loại công phu này là dùng hỗ tương không gián đoạn, nhìn thấu giúp cho buông xuống, buông xuống giúp cho nhìn thấu, nhất định phải thật làm. Hơn nữa, trong cảnh giới này của chúng ta thì trước tiên nhất định phải bắt đầu từ buông xuống, buông xuống tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Phật dạy chúng ta: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, Phật đều nói như vậy trong Hoa Nghiêm và Viên Giác; kinh Vô Lượng Thọ nói: “Tất cả đều thành Phật”; trong kinh Đại thừa chúng ta thường xem thấy: “Phàm có Phật tánh, đều sẽ làm Phật.” Chúng ta phải dùng tâm thái như thế nào để đối nhân, xử thế, tiếp vật đây? Nhất định phải giống với thái độ tu học của Thiện Tài đồng tử. Ở trong mắt của Thiện Tài đồng tử thì phàm phu chỉ có mỗi mình ta, ngoài ta ra thì tất cả đều là chư Phật Như Lai. Thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, toàn là chư Phật Như Lai hóa thân đến độ ta. Cho nên, ngài ở trên đường Bồ-đề thuận buồm xuôi gió, không có chướng ngại. 

Chúng ta ngày nay tu hành có biết bao chướng ngại! Chướng ngại từ đâu mà có? Từ trong tâm bất thiện của chúng ta mà biến hiện ra. Mọi người đọc kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo thì đã biết, phần trước có nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm của chúng ta bất thiện; nhìn thấy người này vừa mắt thì khởi tham ái, thấy không vừa mắt thì khởi sân giận, đây là tâm bất thiện. Tâm của chúng ta không chân thành, không thanh tịnh, không bình đẳng, bởi vậy tạo nên vô lượng vô biên chướng ngại trên đường Bồ-đề. Chướng ngại này làm sao đột phá? Thiện Tài đã làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Ngài thật sự là thuận buồm xuôi gió, gặp được Bồ-tát Văn-thù, dưới hội của Văn-thù đã thành tựu căn bản trí, sau đó Bồ-tát Văn-thù bảo ngài đi tham học, tham vấn 53 vị thiện tri thức, ngài đã thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn. Mỗi lần tham vấn một vị thiện tri thức thì cảnh giới của ngài được nâng lên một cấp. Tỳ-kheo Kiết Tường Vân đại biểu Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo, là phát tâm trụ, ngài tham vấn Sơ trụ Bồ-tát thì bản thân ngài đạt đến Sơ trụ; tham vấn Bồ-tát Hải Vân, ngài liền thăng đến Nhị trụ; tham vấn Tỳ-kheo Diệu Trụ, ngài liền thăng đến Tam trụ, cảnh giới cứ mãi thăng hoa, không có một chút trắc trở. Nguyên nhân gì vậy? Có thái độ tốt của học sinh. Sự việc này, đại sư Ấn Quang nói trong Văn Sao rất nhiều: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, hai phần thành kính được hai phần lợi ích.” Thiện Tài đồng tử là đầy đủ thành kính viên mãn, cho nên ngài được lợi ích viên mãn. Bạn thấy tổ sư nói đơn giản như vậy! 

Nói thêm với quý vị, lúc làm cũng là đơn giản như vậy, bạn không chịu làm thì vô phương. Tại sao không chịu làm? Bản thân chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay tập khí phiền não quá nặng. Trong các phiền não thì phiền não lớn nhất đối với người tu hành mà nói là cống cao ngã mạn; luôn cảm thấy mình cao hơn người khác một bậc, người khác đều không bằng mình, ngã mạn cao như núi, điều này đã tạo thành chướng ngại trên đường Bồ-đề của mình. Tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn đã tạo nên biết bao nhiêu là chướng ngại. Bạn có thể trừ bỏ những thứ này, nhất định không có tự tư tự lợi, nhất định không dính danh văn lợi dưỡng, thật sự xa lìa được tham sân si mạn thì chúng ta sẽ giống như Thiện Tài đồng tử vậy, đối người, đối việc, đối vật chân thành, cung kính, đã thực hiện được hạnh Phổ Hiền. Lễ kính chư Phật, ai là chư Phật? Tất cả chúng sanh là chư Phật, tất cả người, tất cả việc, tất cả vật đều là chư Phật, chí thành cung kính, không hề có mảy may thái độ khinh mạn. Xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng, vậy trên đường Bồ-đề làm gì có chướng ngại cho được? Cho nên kinh Hoa Nghiêm hay, sau cùng Thiện Tài với 53 vị, đó là Phật-đà, đó là thiện tri thức, là chư Phật Như Lai đến thị hiện. Thị hiện bất luận là thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, không có người nào không phải là thiện tri thức. 

Thế Tôn trong một đời dạy học, tu học pháp môn phổ biến một đời thành Phật thì chỉ có hai bộ kinh: Hoa Nghiêm, Thiện Tài biểu diễn cho chúng ta thấy một đời thành tựu; kinh Pháp Hoa, Long nữ 8 tuổi thành Phật. Đây là làm ra để chúng ta thấy, nói cho chúng ta biết, người ở thế gian này trong một đời thành Phật là điều có thể, không phải không thể; chỉ cần bạn biết được đạo lý này, hiểu được phương pháp này, thật sự thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói thì bạn có thể thành tựu. Thế nên trước đây có người hỏi tôi phương pháp giảng kinh, tôi đã viết một bài cương lĩnh về nghiên cứu nội điển, đính kèm ở phần sau cuốn sách nhỏ “Nghiên cứu giảng tọa nội điển” của các bạn, các bạn có thể xem. Câu trả lời của tôi đặc biệt nhấn mạnh là học kinh giáo thành tựu 90% là ở thái độ tu học của bạn, còn phương pháp tối đa chỉ chiếm 10% mà thôi. Thế nên phương pháp không khó, một tuần lễ thì có thể dạy cho bạn biết rồi, thái độ tu học của bạn quyết định sự thành bại của bản thân bạn. 

Chúng ta gần gũi thiện tri thức không phải một người, đồng tu rất nhiều. Tại sao trong rất nhiều đồng tu ấy, người có thể thành tựu chỉ có vài ba người? Thầy dạy học như nhau, không phân đây kia, cùng lên lớp như nhau, vì sao có người có thể thành tựu, có người không thể thành tựu? Quyết định bởi thái độ tu học, tức là như Ấn tổ đã nói: một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích. Trước đây, chúng tôi thân cận đại sư Chương Gia, thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thậm chí thân cận một người tại gia là tiên sinh Phương Đông Mỹ, chúng tôi có mười phần thành kính nên chúng tôi có thể có được một chút lợi ích; không có tâm cung kính như vậy thì cái mà bạn đạt được chỉ là phần ngoài da. Do đây có thể biết, chúng ta có thể thành tựu hay không, có phải là do sự chỉ dạy của thầy hay không? Không phải. Thích-ca Mâu-ni Phật độ hóa chúng sanh, bản thân ngài không kể công. Vì sao vậy? Ngài thành Phật là tự bản thân ngài thành Phật, không phải Phật có năng lực giúp đỡ ngài thành Phật. Nếu Phật có năng lực giúp ngài thành Phật thì chúng ta việc gì phải tu hành? Nếu Phật không giúp chúng ta thành Phật thì ngài không từ bi rồi! Đây là việc mà Phật cũng không thể làm được, hoàn toàn do chính bạn thành tâm, thành ý tu học. Cho nên trong bốn loại duyên, Phật pháp là do duyên sanh, bản thân chúng ta có đầy đủ thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, Phật chỉ là tăng thượng duyên đối với chúng ta mà thôi. Cho dù tăng thượng duyên tốt đến đâu, nếu chúng ta không đầy đủ ba duyên phía trước thì không thể thành tựu, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Ở đây nói “hồi hướng” là đem công đức tu học của mình cho tất cả chúng sanh hưởng; bản thân mình không cần, đem cho tất cả chúng sanh hưởng. Bản thân nếu vẫn có một chút “ta cùng hưởng với tất cả chúng sanh”, vậy thì “cái ta” vẫn chưa xả hết, vẫn còn chấp ta ở bên trong, “ta cùng hưởng với tất cả chúng sanh”. Nếu chúng ta đem công đức cho tất cả chúng sanh hưởng, bên trong không có “ta” thì bạn mới có thể đi trên đường Bồ-đề.

“Tương lai thành Phật sẽ nhanh chứng được hết thảy Phật pháp”, bạn phải hiểu được thế nào là Phật pháp, “pháp” chính là hết thảy pháp; đối với hết thảy pháp không gì không biết, không gì không thể thì gọi là Phật. Phật có nghĩa là giác ngộ, đối với hết thảy pháp đều là giác mà không mê. “Thành tựu thần thông tự tại”, đây là đức dụng. Đối với hết thảy pháp thế xuất thế gian bạn đều có thể giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm thì bạn được đại tự tại. Thần thông không phải là tự thọ dụng, mà thần thông là tha thọ dụng. Tự thọ dụng là tự tại, tha thọ dụng là thần thông, bạn có năng lực giáo hóa tất cả chúng sanh. Đây là một đoạn văn lớn. Đoạn của ngày mai, Phật ở đây rất từ bi, ngài nêu ra một thí dụ tu hành thập thiện, thực hành thập thiện ở sáu ba-la-mật thì sáu ba-la-mật mới viên mãn. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây. 


[1] Năm loại không dịch (Ngũ chủng bất phiên – 五種不翻): Năm lý do cần phải giữ nguyên âm tiếng Phạn, khi một bản kinh Phạn được dịch sang tiếng Trung Quốc, do đại sư Huyền Trang đề xướng làm quy chuẩn cho người dịch kinh đời sau:

1. Vì bí mật: Như các Đà-la-ni trong kinh, là lời nói bí mật của chư Phật, mầu nhiệm sâu kín không thể nghĩ bàn nên không dịch nghĩa.

2. Một từ bao hàm nhiều nghĩa: Như từ Bạc-già-phạm có 6 nghĩa: tự tại, xí thạnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường và tôn quý nên không thể dùng một nghĩa nào để phiên dịch.

3. Vì ở Trung Quốc không có: Như cây Diêm-phù sống ở Ấn Độ; Trung Quốc không có loại cây này nên phải giữ nguyên âm.

4. Theo thông lệ từ xưa: Như từ A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề nghĩa là Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng từ thời Đông Hán trở về sau các nhà phiên dịch đều để nguyên âm, vì muốn giữ lại cách thức của người xưa nên không dịch.

5. Vì lòng tôn trọng: Như từ Bát-nhã, Thích-ca Mâu-ni, Bồ-đề Tát-đỏa… không dịch là trí tuệ, năng nhân, đạo tâm chúng sanh… là vì muốn cho mọi người có ý niệm tôn trọng, nếu dịch ra sẽ bị xem thường.