Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 110/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 110/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, bắt đầu xem kinh văn từ hàng thứ tư: 

Ngũ căn trang nghiêm nên tin sâu kiên cố, tinh cần không biếng nhác, thường không mê mất, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não.

Đoạn này là nói, nếu chúng ta thực hành thập thiện nghiệp đạo vào ngũ căn thì sẽ đạt được lợi ích thù thắng như trong bốn câu dưới đây. “Tin sâu kiên cố”, đây là nhu cầu cấp bách trong việc tu học của chúng ta hiện nay; “tinh cần không biếng nhác”, đây cũng là điều chúng ta mong mỏi; “thường không mê mất”, đây là trí tuệ hiện tiền; “vắng lặng điều hòa”, đây là công phu chân thật. Quả của nó là đoạn dứt các phiền não. Có năm loại ngũ căn, thế nào gọi là căn? Ở đây Thế Tôn dùng thí dụ để nói, giống như thực vật, nó có rễ thì nó có thể đâm chồi, có thể trưởng thành, ra hoa, kết quả. Phật nói “tín, tấn, niệm, định, tuệ”, năm điều này là gốc rễ của vô thượng Bồ-đề, nếu như không có cái gốc này, chúng ta tu như thế nào cũng không thể thành tựu, năm điều này là có thứ lớp, có thứ tự trước sau. Cái thứ nhất là tín, cái thứ hai là tinh tấn. Không có “tín” thì làm gì có “tấn”? Không có tấn thì làm gì có “niệm”? Từ đó cho thấy, trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín là nguồn của đạo, mẹ của các công đức, nuôi lớn tất cả các thiện căn”, câu này nói rất có đạo lý, nói không sai tí nào.

Niệm Phật, xưa nay tổ sư đại đức nói với chúng ta, ba điều kiện của Tịnh tông gọi là “tam tư lương”, chúng ta muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải đầy đủ ba điều kiện này. Ba điều kiện này không đầy đủ, dù một ngày niệm 100.000 tiếng Phật hiệu thì cũng chỉ là kết thiện duyên với Tây Phương Tịnh Độ, đời này chắc chắn không thể vãng sanh, chúng ta phải biết đạo lý này. Ba điều kiện này, thứ nhất là tín, thứ hai là nguyện, thứ ba là hạnh. Hạnh chính là đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, thật thà niệm Phật. Cổ nhân lại nói, thật thà niệm Phật là chánh hạnh, đoạn ác tu thiện là trợ hạnh, lời nói này cũng có đạo lý. Nhưng mà điều quan trọng hơn, đại sư Liên Trì, đại sư Ngẫu Ích đều dạy chúng ta rằng “chánh trợ không hai”, “chánh trợ song tu”, không được xem nhẹ trợ tu thì chúng ta mới có thành tựu.

Tam tư lương, thứ nhất là tín, tin điều gì? Giáo hạ thông thường nói “tin các đế lý”, “tín, nhẫn, nhạo, dục”. Đối với tất cả chân lý, hiện nay chúng ta gọi “đế lý” là chân lý, là đạo lý chân thật, bạn phải tin. Sau “tín” là “nhẫn”, nói theo hiện nay thì chữ nhẫn này chính là khẳng định. Tôi tin rồi, nhưng vẫn không thể khẳng định thì tín này không thể được xem là căn; bạn có tín, nhưng cái tín này không có căn. Không những phải khẳng định, mà còn phải “nhạo”, tức là yêu thích. Bạn tin rồi, bạn khẳng định rồi mà bạn không yêu thích nó thì có lợi ích gì? Đến khi rất yêu thích rồi, rất yêu thích nhưng nếu không thể thực hiện được nó thì vẫn không gọi là căn. Sau cùng là “dục”, dục là dục vọng, biến nó thành dục vọng của mình. Chúng ta ngày nay lấy Tịnh độ để nói, chúng ta tin A-di-đà Phật, chúng ta tin thế giới Cực Lạc, sau khi chúng ta tin rồi, trong tâm chúng ta khẳng định, yêu thích, thật sự biến thành ham muốn của mình, ta nhất định muốn sanh về thế giới Cực Lạc, nhất định ao ước thân cận A-di-đà Phật thì cái tín này mới gọi là có căn. Nếu như không có dục vọng mãnh liệt muốn cầu vãng sanh, muốn thân cận A-di-đà Phật thì cái tín này của bạn không có căn, tuy có tín nhưng không có căn. 

Do đây có thể biết, cổ nhân nói người niệm Phật nhiều mà người vãng sanh ít, chúng ta chẳng phải đã hiểu rõ rồi đó sao. Tại sao người vãng sanh ít? Người tu pháp môn niệm Phật, chúng ta biết, họ đều tin, nhưng có thể khẳng định hay không? Không nhất định. Xin nêu ví dụ rõ rệt nhất để nói, chúng ta ngày nay tu Tịnh độ, nương vào bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, ở Đài Loan, ở Trung Quốc có một số người đưa ra nghi vấn về bản hội tập, thế là rất nhiều người niệm Phật tín tâm bị dao động. Đó chính là họ có “tín” mà không có “nhẫn”, hai chữ phía sau đương nhiên càng không có rồi. Nếu không có người nêu lên sự dị nghị thì có lẽ cái tín này của họ dần dần có thể bồi dưỡng thành, cũng có thể vãng sanh; những người nêu lên sự dị nghị này đã phá hoại hết thiện căn của những người này rồi. Quý vị phải biết, những người này không thể phá hoại nổi Phật pháp, cũng không thể phá hoại nổi người có thiện căn sâu dày, chỉ có người thiện căn mỏng yếu mới bị họ phá hoại toàn bộ. Bởi người có thiện căn sâu dày thì họ có căn, niềm tin của họ có căn, họ sẽ không bị dao động, dù nói có lý đến đâu thì họ cũng không bị dao động. Như những gì mà đại sư Thiện Đạo nói trong chương Thượng phẩm thượng sanh của “Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ”.

Kinh văn mà bản hội tập trích ra, từng câu từng chữ là do Phật nói, không phải do người hội tập nói. Từng câu từng chữ đều có nguồn gốc, đều có căn cứ, đều là y cứ vào năm loại bản dịch gốc mà trích dẫn ra, đâu có gì sai? Giả như chúng ta đối với bản hội tập thật sự hoài nghi, chúng ta có thể không dùng bản hội tập này, chúng ta chọn dùng bản dịch gốc. Căn tánh của chúng sanh không như nhau, cho nên Phật độ chúng sanh không phải chỉ dùng một pháp môn, mà vô lượng pháp môn. Tại sao Phật nói nhiều pháp môn như vậy? Vì để thích ứng căn tánh của chúng sanh. Pháp môn nào thích hợp với căn tánh của ta vậy? Pháp môn nào ta xem rồi mà có thể sanh tâm hoan hỷ, ta có thể xem hiểu, vậy thì cái này có duyên với ta, có thể khế hợp với căn cơ của ta. Cho nên, hiện nay thế gian lưu hành kinh Vô Lượng Thọ gồm bản dịch, bản hội tập, bản tiết lục hiệu đính, tổng cộng có chín bản, chín bản đều tốt. Phải nhớ kỹ, trong kinh Phật dạy chúng ta: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp.” 

Bản hội tập là lời Phật nói, dù cho không phải là Phật nói, chỉ cần phù hợp pháp ấn của Phật thì Phật thảy đều thừa nhận đó là kinh Phật, bạn xem tâm lượng của Phật rộng lớn biết bao! Quý vị đều biết, có năm loại người nói kinh Phật, Phật chỉ là một loại trong năm loại ấy, có loại do đệ tử nói, có loại do tiên nhân nói, chỉ cần nói phù hợp với pháp ấn của Phật. Pháp ấn của Phật là gì? Đồng học chúng ta đều biết, ba pháp ấn của Tiểu thừa là: vô thường, vô ngã, niết-bàn; Đại thừa có một pháp ấn, đó là thật tướng. Thật tướng chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Điều mà họ nói là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, điều mà chư Phật Như Lai nói cũng là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, vậy thì sao không phải là kinh Phật cho được? Phật dạy chúng ta lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tín tâm là một tánh đức quan trọng nhất trong tự tánh của chúng ta, phàm phu chúng ta đã mê mất tự tánh, tánh đức không thể hiện tiền. Phật Bồ-tát đến giúp đỡ chúng ta, khơi gợi cho chúng ta, để chúng ta khôi phục tánh đức, giúp chúng ta minh tâm kiến tánh, thế nên chúng ta mới thật sự có thể lĩnh hội, giác ngộ chân tướng, chân lý của vũ trụ nhân sinh. “Tín căn” là từ chỗ này mà sinh ra. 

Người phàm phu, Phật thường nói, người thượng thượng căn thì phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, đối với điều Phật đã nói, họ vừa tiếp xúc liền có thể tin sâu không nghi, đây là thượng căn. Một loại khác là người hạ hạ căn cũng có cái hay, họ tuy không có trí tuệ nhưng họ thật sự trong đời quá khứ có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dày, họ gặp được thiện tri thức dạy, họ tin sâu không nghi, thông thường chúng ta gọi là thật thà, người hạ hạ căn là chỉ cho người thật thà, họ không hoài nghi, họ tin tưởng thầy, tin thầy có đức hạnh, có trí tuệ, tin tưởng thầy nhất định không lừa gạt chúng sanh, cho nên đối với lời dạy của thầy thì họ hoàn toàn tin tưởng, không hề có mảy may nghi hoặc, loại người này dễ dàng thành tựu.

Chúng ta đọc sách, xem thấy trong sách ghi chép người tu hành trước đây, nếu như chúng ta lưu ý, hãy xem những người tu hành xung quanh trước mắt chúng ta, người thật sự có thành tựu, người tu pháp môn khác, chúng ta tiếp xúc tương đối ít, nhưng người tu pháp môn Tịnh độ chúng ta tiếp xúc tương đối nhiều, chúng ta nhìn thấy rất nhiều người vãng sanh tướng lành hiếm có. Hãy nghe ngóng thật kỹ, quan sát một chút, những người này đều là người thật thà, đều là đối với kinh giáo tin sâu không nghi, y giáo tu hành, họ mới có thành tựu thù thắng như vậy. Trong “tam chuyển pháp luân” mà nhà Phật thường nói thì sự vãng sanh của những người này, thành tựu của họ gọi là tác chứng chuyển, họ đã làm chứng minh cho chúng ta.

Người vãng sanh gần đây nhất là vào tháng 8 năm ngoái, lão lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm Phật giáo Singapore, ông Trần Quang Biệt, đã vãng sanh ngày mồng 7 tháng 8, trước đó ba tháng ông đã biết trước ngày giờ. Ba tháng trước, ông đã viết lên giấy báo mười mấy lần “mồng 7 tháng 8”, người trong nhà nhìn thấy cũng không dám hỏi ông đó là ý gì. Mồng 7 tháng 8, ngày đó ông vãng sanh, trước đó ba tháng ông đã biết rồi, tướng lành vãng sanh này chúng tôi chính mắt nhìn thấy. Những oan gia trái chủ của ông đến niệm Phật đường Cư Sĩ Lâm, nhập vào người của cư sĩ Đỗ, việc này mọi người cũng đều nhìn thấy, họ nhập vào người cư sĩ Đỗ, nói rằng họ là oan gia trái chủ của lão lâm trưởng, họ nhìn thấy lão lâm trưởng niệm Phật vãng sanh thì vô cùng tán thán. Không những họ không gây phiền phức mà còn rất hoan hỷ, mong muốn đến Cư Sĩ Lâm để quy y, xin được đến Cư Sĩ Lâm để nghe kinh. Vì vậy, lầu một và lầu hai của Cư Sĩ Lâm có lắp đặt tivi, 24 giờ phát băng video giảng kinh, đó không phải là cho người xem, đó là do oan gia trái chủ của lão lâm trưởng mong muốn, mở cho họ nghe ngày đêm không gián đoạn. Nếu chúng ta không nghiêm túc tu học Tịnh độ cho tốt thì thật sự chúng ta ngay cả quỷ cũng không bằng, đây là chân tướng sự thật gần nhất. 

Cho nên, tu học Phật pháp có thể có thành tựu hay không, thành tựu của bạn bao lớn, mấu chốt là ở tín tâm. Tín tâm của bạn càng kiên định thì thành tựu của bạn càng lớn; nếu tín tâm của bạn có vấn đề, bán tín bán nghi thì bạn sẽ không có thành tựu trong pháp môn này. Không những Tịnh độ là như thế, mà bất luận tông phái nào, bất luận pháp môn nào của Phật pháp cũng đều không ngoại lệ, đều là xây dựng trên nền tảng của tín tâm, cho nên tín tâm quan trọng hơn hết thảy. Thế nhưng tín tâm quả thật rất khó thiết lập, vì nó có quan hệ rất lớn với thiện căn, phước đức, nhân duyên đã tu tích trong đời quá khứ, cho nên sự thành tựu không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là chuyện của một đời một kiếp. Trong đời quá khứ có thiện căn, phước đức, trong đời này gặp được cơ duyên rất tốt thì trong đời này khẳng định thành tựu. Bạn gặp được thiện tri thức chân chánh, đối với lời chỉ dạy của thiện tri thức tin sâu không nghi, y giáo phụng hành, thật sự từ “tín” đi đến “khẳng định”, đến “hoan hỷ tiếp nhận”, cho đến thực hành vào trong đời sống hành trì của chính mình thì tín này mới có gốc, gốc mới có thể sanh trưởng; sanh trưởng này là tăng trưởng tâm đạo, tâm Bồ-đề tăng trưởng rồi. 

Thứ mà cần có đủ trong Tịnh tông là “tâm đại Bồ-đề vô thượng”. Đây là điều mà đại sư Ngẫu Ích nói trong Yếu Giải: tín nguyện kiên định cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tâm này là tâm đại Bồ-đề vô thượng. Chúng ta phải cắm rễ từ chỗ này, từ chỗ này mà hết lòng tu học. Tại sao người khác có thể tin, ta không thể tin? Tại sao người khác không hoài nghi, ta hoài nghi? Hãy suy nghĩ nhiều một chút, hãy nối gót tổ sư đại đức xưa nay, thời cận đại có đại sư Ấn Quang, cuối đời Minh, đầu đời Thanh có đại sư Liên Trì, đại sư Ngẫu Ích, các ngài đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta, đáng để chúng ta học tập, đáng để chúng ta noi theo. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.