PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 125/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Trong thất giác chi, phạm vi bao quát của “trạch pháp” vô cùng rộng lớn. Bất luận pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, chúng ta trong một đời, thí dụ nói cầu học, làm việc, đều phải nên chọn lựa thận trọng. Đi học, trong trường học có nhiều khoa hệ như vậy, trong xã hội có nhiều nghề nghiệp như vậy, đều phải có trí tuệ để chọn lựa. Tiêu chuẩn để chọn lựa, trong Phật pháp cho chúng ta một khải thị, đó là phải phân biệt thật giả, phải chọn thật, không được chọn giả; chúng ta đem thật giả đổi thành một tên gọi khác, chúng ta phải chọn điều thiện, không được chọn điều ác. Chúng ta phải chọn lấy việc có lợi ích chúng sanh, có lợi ích cho xã hội, quyết không được chọn việc tổn hại chúng sanh, tổn hại xã hội, chọn lựa như vậy mới chân thật có thể đạt đến đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Từ trong cuộc sống, công việc của chúng ta, cho đến đối nhân, xử thế, tiếp vật phải khéo chọn lựa, người hiện nay thường nói là phải biết nắm lấy cơ hội, trong Phật pháp gọi là duyên, phải nắm lấy duyên. Cơ duyên thù thắng rất không dễ gì gặp được, cơ duyên hiện tiền, nếu bạn không thể nắm lấy thì trong sát-na liền tiêu mất, sau này mong muốn cái duyên này xuất hiện thì không phải là việc dễ dàng. Cho nên, nhất định phải nắm lấy cơ hội, quyết không được tùy tiện đánh mất nó. Tu học pháp môn cũng không ngoại lệ, phải nắm lấy cơ hội học tập, hoàn cảnh học tập, vậy chúng ta mới có thành tựu.
Đối với pháp môn tu học, càng phải nên thận trọng mà chọn lựa. Trong một đời hãy chuyên dụng công một bộ kinh, làm chuyên gia, đừng làm thông gia. Sau khi chuyên đến một trình độ nào đó, chúng ta đích thực sẽ thông. Người xưa thường nói: “Một kinh thông, tất cả kinh thông.” Sau khi thông tất cả kinh rồi thì vẫn làm chuyên gia, không làm thông gia. Đó là gì vậy? Đó là đại từ đại bi, làm tấm gương cho hậu học, đừng để hàng hậu học nhìn thấy: “Thầy mọi thứ đều thông, mọi thứ đều giảng, vì sao muốn mình giảng một thứ?” Họ sẽ sinh ra hoài nghi. Cho nên, vì người sau mà làm gương, đó gọi là đại từ đại bi. Chúng ta nhìn thấy ví dụ này trong 53 tham của kinh Hoa Nghiêm. Trong 53 lần tham vấn, thực tế mà nói thì bất kỳ vị thiện tri thức nào họ cũng đều thông, Thiện Tài đồng tử hà tất phải đi tham vấn 53 vị thiện tri thức? Một người là đủ rồi, bản lĩnh của những vị thiện tri thức khác họ đều biết, tại vì sao họ không nói, mà lại nói: “Tôi chỉ giảng cho anh một môn, ngoài ra các môn khác, anh đi tìm người khác”, vì sao vậy? Mỗi vị đều thị hiện làm chuyên gia, không làm thông gia, dụng ý chính là ở chỗ này. Họ đều là pháp thân đại sĩ, đều là cổ Phật tái lai, vậy làm gì có lý nào mà không thông? Pháp thế xuất thế gian thảy đều thông đạt. Bạn xem, họ thị hiện chỉ biết một môn, “ngoài ra thì tôi không bằng người nào đó”, hàm nghĩa chân thật của lời nói này ở chỗ nào, chúng ta phải thể hội được thì chúng ta mới chân thật học được cái cần học.
Cho nên, suy nghĩ của các ngài đều là vì lợi ích chúng sanh, lợi ích cho hàng hậu học, quyết không toan tính cho sự tiện lợi của mình. Học trò của mình muốn học cái gì thì ta dạy cho họ cái đó, hà tất bảo họ đến nơi khác để tham học? Dụng ý đó rốt cuộc ở chỗ nào? Chúng ta nhất định phải hiểu được. Trừ trường hợp bất đắc dĩ, trong số đồng học của chúng ta phát tâm muốn học pháp môn khác, thật sự tìm không ra người dạy, đây gọi là bức bách không còn cách nào. Nếu như pháp môn này, hiện nay ở thế gian vẫn có người đang dạy, dạy không tệ, vậy chúng ta không dạy, liền giới thiệu họ đến nơi đó để tham học. Quý vị thấy trong Cao Tăng Truyện, ở Trung Quốc ngày trước, trong lịch sử của các tự viện, chùa chiền đều có thể xem thấy những mẩu chuyện ghi chép, học nhân đến tham học, sau khi gặp được lão hòa thượng rồi, lão hòa thượng nói với họ: “Duyên của anh không ở chỗ tôi, anh hãy đến nơi nào đó tìm một người nào đó.” Họ đến nơi đó ở ba năm, năm năm thì thật sự được thành công, họ khai ngộ, chứng quả. Lão hòa thượng có được bản lĩnh này, chỉ bảo họ đến nơi nào đó để tham học, họ có thể thành tựu. Còn ở chỗ của ngài vì sao họ không thể thành tựu? Những ngụ ý ngầm ở trong đó rất nhiều, chúng ta đều phải hiểu được. Nếu quả thật là việc bất đắc dĩ thì đó lại là chuyện khác.
Gần đây, chùa Cực Lạc ở Tân Thành, pháp sư Nhật Hằng muốn thành lập lớp chuyên tu Lăng-nghiêm, ông ở Trung Quốc tìm được hơn hai mươi người xuất gia trẻ tuổi, muốn đến tìm tôi. Cư sĩ Lý Hồng Ân hôm trước đến nói với tôi, tôi giới thiệu với ông, lão hòa thượng Minh Sơn sẽ đến nơi đây giảng kinh Lăng-nghiêm, dự định giảng ba tháng thì viên mãn, quý vị mở lớp Lăng-nghiêm thì hãy mời ngay thầy ấy, quá tốt rồi. Nếu thầy ấy không thể đến chùa Cực Lạc, Tân Thành, thì hai mươi mấy người các vị đến bên đây ở ba tháng, cố gắng học tốt bộ kinh này. Có người giảng, có đại đức ở đây dạy, nên chúng tôi liền giới thiệu cho họ. Nếu thật sự không có người, tôi bí quá không còn cách nào, vậy thì đành phải giúp họ mở lớp Lăng-nghiêm. Hiện tại kết quả bàn bạc, tôi nghe nói lão hòa thượng Minh Sơn bị bệnh nên không biết ngày đến Singapore có bị lùi về sau hay không, kiến nghị của tôi là lớp này nên sắp xếp xen kẽ với lớp bồi huấn của chúng ta. Lớp bồi huấn của chúng ta tốt nghiệp rồi, sau khi tốt nghiệp, khóa thứ sáu vẫn chưa khai giảng, mượn thời gian trống này, tôi nói tôi sẽ đến Tân Thành ở mấy ngày.
Việc trạch pháp rất là rộng lớn, học Phật thì càng phải chọn lựa. Rất nhiều người học Phật, đối với Phật pháp không nhận biết rõ ràng, cho rằng cầu cơ, phù loan cũng là học Phật, thậm chí hiện nay xem Pháp Luân Công cũng là học Phật, vậy là sai rồi! Không có trí tuệ trạch pháp, không có năng lực trạch pháp, ai bảo sao hay vậy thì sao được! Chắc chắn sẽ đi con đường sai lầm. Cho dù biết quay đầu, nhưng đối với thời gian và tinh lực của chính mình cũng đã lãng phí rất nhiều.
Điều thứ ba là “tấn giác chi”, là tinh tấn, “khi tu đạo pháp, do khéo có thể biết rõ hạnh chánh và bất chánh, nên không sai lầm hành các pháp khổ hạnh vô ích”. Giác chi, chỗ này giải thích rất hay, chính là các chữ “khéo có thể biết rõ”. Ý nghĩa của “giác chi”, chi là chi phần, là nói bảy điều sau đó, trọng điểm là ở giác. Chú giải của nó là khéo có thể biết rõ cái nào là chánh hạnh, cái nào không phải là chánh hạnh; chánh hạnh thì phải tinh tấn, không phải là chánh hạnh thì phải xả bỏ. Phật dạy đệ tử đừng tu những loại khổ hạnh vô ích, khổ hạnh này không có giúp đỡ thật sự đối với đạo nghiệp của chúng ta, cho nên Phật không dạy chúng ta tu. Còn có một điểm chúng ta phải nghĩ đến, căn tánh của mỗi một người không giống nhau, do đó phương pháp của họ chưa chắc thích hợp với ta, phương pháp tu học của ta cũng chưa chắc thích hợp với họ, quán cơ là việc không dễ dàng.
Không những quán cơ không dễ dàng, mà việc chúng ta hiểu rõ chính mình cũng là tương đối khó khăn. Nhận thức được chính mình, nhận thức được căn tánh của chính mình thì pháp môn mà chúng ta chọn lựa có thể khế hợp với căn tánh của chính mình, vì vậy mà khế cơ, khế lý. Chúng ta mới vào cửa Phật, tất nhiên mỗi một tông phái đều phải xem qua, vì sao vậy? Mong hiểu rõ sơ bộ, sau đó từ chỗ này mà chọn lựa. Chọn lựa cũng chưa chắc thích hợp, đây là do nguyên nhân gì? Do không biết căn tánh của chính mình. Nhìn thấy pháp môn của người ta tốt, rất là ngưỡng mộ, muốn học, vấn đề là chúng ta có thể học được thành công hay không? Nếu học không thành công thì đó chính là không khế cơ, không thích hợp với căn tánh của chúng ta; nếu ta miễn cưỡng đi học thì nhất định lãng phí thời gian, lãng phí tinh lực, đến sau cùng không thành được việc nào.
Trong Phật pháp nói, mức độ thành tựu thấp nhất là phải thoát khỏi sáu cõi; nếu không có năng lực thoát khỏi sáu cõi luân hồi trong tam giới thì không xem là thành tựu, sanh lên trời cũng không được xem là thành tựu, vì hưởng hết phước trời vẫn phải đọa lạc. Đây là thành tựu nhỏ, nhà Phật gọi là tiểu quả; chân thật thành tựu là Đại thừa, thành tựu của Đại thừa là phải phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, đây là thành tựu lớn. Khi tôi mới học Phật, do trước khi học Phật tôi ưa thích đọc sách, nên sau khi tiếp xúc Phật giáo thì rất là ngưỡng vọng Giáo hạ. Trong Giáo hạ, ban đầu tiên sinh Phương Đông Mỹ trong lúc dạy học đã giới thiệu cho tôi: “Trong Phật giáo có hai môn học vấn rất hiếm có trong thế gian, một môn là Tánh tông Phật giáo, một môn là Tướng tông Phật giáo. Tánh tông lấy Thiền tông làm đại biểu; Tướng tông lấy pháp tướng duy thức làm đại biểu.” Cho nên vừa mới tiếp xúc Phật pháp, tôi đặc biệt lưu ý đối với hai môn này.
Về sau, tôi từ bỏ công việc của mình, lúc đó tôi có ý định xuất gia, chuyên chú học tập kinh điển của Giáo hạ. Tôi ở am tranh với pháp sư Sám Vân được năm tháng rưỡi, pháp sư Sám Vân đem pháp môn Tịnh độ giới thiệu cho tôi. Lúc đó tôi rất khó tiếp nhận, hứng thú của tôi không ở pháp môn này. Ngài mang ra ba quyển sách, muốn tôi làm khoa phán, đó là ba bộ sách: Di-đà Kinh Sớ Sao, Di-đà Kinh Yếu Giải, Di-đà Kinh Viên Trung Sao. Sau khi tôi làm khoa phán xong, khoa phán không phải do tự tôi làm, mà từ chú giải của đại sư Liên Trì, đại sư Ngẫu Ích, đại sư U Khê, tức là từ chú giải của các ngài, tôi đem khoa phán chỉnh lý vẽ thành một tờ biểu giải rất là dài, sau khi vẽ xong thì tôi rất hoan hỷ; tôi thấy được kết cấu chương pháp, hệ thống tư tưởng của kinh điển thì sanh tâm hoan hỷ, thế nhưng vẫn chưa có ý muốn học pháp môn này. Trong thời gian dài ở trên núi như vậy, ngài bảo tôi xem Ấn Quang Đại Sư Văn Sao, việc này rất có thọ dụng. Sau khi đọc qua Văn Sao thì khái niệm đối với Tịnh độ đã có sự thay đổi. Trước đây thì xem thường Tịnh độ, sau khi đọc Văn Sao rồi tôi không dám xem thường, biết được trong đó rất là hiếm có, tôi không bài trừ nữa, cũng có một chút tín tâm, nhưng vẫn chưa phát tâm học Tịnh độ. Tôi có chút tôn trọng đối với pháp môn này, biết được pháp này không phải để dạy cho các bà lão, mà trong đây có đại học vấn.
Tôi rời khỏi pháp sư Sám Vân, đến thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Ở thư viện Từ Quang, Đài Trung, trong khoảng thời gian này tôi nghiêm túc học Tịnh độ. Pháp sư Sám Vân tu Tịnh độ, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam cũng tu Tịnh độ, thế nhưng pháp sư Sám Vân nói không ra được, thầy Lý thì có thể đem pháp này giảng rõ ràng, giảng tường tận, đoạn hết tất cả nghi hoặc của tôi, tôi mới nghiêm túc học tập, cho nên chọn lựa đúng pháp môn mới có thể tinh tấn, không giải đãi. Tôi nói với các đồng học, khi tôi đến Đài Trung học không phải là chuyên tu một môn, thế nhưng điều kiện của thầy Lý là: “Anh học một môn này xong rồi thì mới được phép học môn thứ hai.” Tiến độ học tập của tôi rất nhanh, học rất có thành tích, một tháng học một bộ kinh, học xong bộ kinh này thì tôi liền có thể lên bục giảng. Vào lúc đó tôi chưa xuất gia, tôi theo thầy một năm ba tháng, trong mười lăm tháng, tôi học mười lăm bộ kinh, chân thật là pháp hỷ sung mãn, rất có cảm giác thành tựu! Học rất vất vả, nhưng học vui vô cùng, thật sự có thu hoạch.
Về sau xuất gia rồi, tôi rời khỏi thầy. Sau khi xuất gia, mỗi tháng tôi trở về thư viện Từ Quang ở một tuần lễ, đại khái là duy trì hơn một năm thì tôi liền rời khỏi tự miếu, trở lại Đài Trung ở dài lâu, lúc này thì ở đến bảy, tám năm, không rời khỏi thầy Lý. Tôi phát hiện ra rằng, tôi không thể rời khỏi thầy, một tháng chỉ có một tuần lễ, thời gian không đủ, tôi liền quay trở lại. Khi trở lại, tôi theo thầy học mấy bộ kinh lớn, học kinh Lăng-nghiêm. Cho nên, nền tảng kinh giáo Phật pháp của tôi là Lăng-nghiêm, tôi cũng giảng qua không ít lần kinh Lăng-nghiêm. Thật sự bạn có thể giảng được bộ kinh này rồi thì tất cả các kinh khác, bạn cầm trên tay, bạn đều có thể giảng được. Kinh Hoa Nghiêm rất lớn, nhưng tôi chỉ cần nghe thầy Lý giảng Hoa Nghiêm, tôi nghe một quyển, một quyển thì đủ rồi, 79 quyển phía sau của 80 quyển Hoa Nghiêm liền không thành vấn đề nữa, tôi đều có thể giảng. Hơn nữa, giảng còn tỉ mỉ hơn thầy Lý, bởi vì thời gian của tôi dài hơn thầy.
Trạch pháp, tinh tấn. Đừng tu những loại khổ hạnh vô ích, Thích-ca Mâu-ni Phật rất tán thán tu khổ hạnh, vì khổ hạnh có thể hạ thấp dục vọng của con người, gìn giữ đạo tâm bất thoái; thế nhưng đối với việc tu học của chúng ta, những loại khổ hạnh không có lợi ích thì không cần thiết, việc này chúng ta nhất định phải hiểu. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến điều này.