PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 94/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng thứ hai từ dưới lên:
Tâm xả trang nghiêm nên đối với cảnh thuận nghịch, tâm không có thương giận.
Chúng ta xem đoạn này, đây là đoạn cuối cùng của tứ vô lượng tâm. Bồ-tát tu hành thập thiện nghiệp đạo, thực hành vào trong tâm xả, công đức lợi ích thù thắng đạt được là “đối với cảnh thuận nghịch, tâm không có thương giận”, chúng ta đọc đến câu này thì phải nghĩ đến thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Những cương lĩnh quan trọng này nói ra thì dễ, nhưng tại sao chúng ta không làm được? Là do chưa tu tâm xả. Nếu thật sự có thể tu từ bi hỷ xả thì chân tâm của chúng ta, tánh đức của chúng ta tự nhiên sẽ hiện tiền. Từ bi hỷ xả là tánh đức, vốn sẵn đầy đủ trong tự tánh của tất cả chúng sanh, Vương Dương Minh gọi là “lương tri lương năng”, không phải đến từ bên ngoài. Nhưng phàm phu lục đạo từ kiếp lâu xa đến nay đã mê mất tánh đức rồi, chúng ta phải nghe cho rõ, đây là mê mất, chứ hoàn toàn không phải thật sự mất, chỉ là mê mất mà thôi, nếu chúng ta thật sự giác ngộ rồi thì tánh đức lập tức khôi phục trở lại. “Xả” là buông xuống, vì sao chúng ta không thể buông xuống? Không thể buông xuống là bởi vì chưa nhìn thấu.
Lúc tôi mới học Phật, đại sư Chương Gia dạy tôi hai câu: “Nhìn thấu, buông xuống.” Hai câu này bắt đầu làm từ đâu? Thật ra mà nói là bắt đầu làm từ xả. Thầy dạy tôi bắt đầu làm từ bố thí, bố thí chính là xả. Nhưng chữ “xả” ở đây có ý nghĩa tinh thâm sâu xa hơn, đó chính là trong thuận cảnh và nghịch cảnh, ở trong thuận cảnh, nghịch cảnh tu tâm bình đẳng, tu tâm thanh tịnh. Trong thuận cảnh không có tham ái, trong nghịch cảnh không có sân giận, phải từ đây mà dụng công phu chân thật thì tâm địa của chúng ta sẽ đạt được bình lặng, bình đẳng, thanh tịnh, chân tâm bèn hiện tiền. Sự việc này nói thì dễ, làm mới khó, quả thật là rất khó. Chúng ta cũng biết việc này là đúng, là tốt, nhưng không thể buông xuống tập khí phiền não; hay nói cách khác, chính là không xả được. Không xả được thì công phu của bạn không có cách gì tiến bộ, đây là công phu gì vậy? Xin thưa với quý vị, đây là công phu nhập môn Phật pháp. Nếu không thể nhìn thấu, không thể buông xuống, nhìn thấu là trí tuệ, buông xuống là công phu, không thể buông xuống thì bạn không cách gì thấy đạo, chứ đừng nói đến tu đạo, căn bản là bạn còn chưa nhìn thấy đạo ở đâu thì bạn còn tu cái gì? Cho nên cảnh giới này, nếu thật sự thành tựu rồi thì đây là “địa vị thấy đạo”.
Thế nhưng tứ vô lượng tâm là pháp mà người trời tu, họ tu thập thiện nghiệp và tứ vô lượng tâm nên cảm được phước báo ở trên trời, họ đã thấy đạo hay chưa? Chưa thấy. Vì sao chưa thấy đạo? Vì chưa phá chấp ta, đối với cảnh giới thuận nghịch có thể không động tâm là rất khá rồi, nhưng đây là phương tiện tiền đề để thấy đạo, chúng ta thông thường gọi là công phu dự bị. Nếu công phu của họ có thể nâng lên một tầng, xả bỏ tự tư tự lợi, nếu có thể xả bỏ danh văn lợi dưỡng, xả bỏ hưởng thụ ngũ dục lục trần, mà ý niệm về “ta” đó vẫn còn thì không thể thấy đạo. Trong kiến tư phiền não, điều đầu tiên là “thân kiến”, thực tế mà nói phá được thân kiến rồi thì bốn loại kiến khác cũng đồng thời đều phá cả, thân kiến là căn bản. Trong kinh điển thường nói 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới, 88 phẩm kiến hoặc mấu chốt là ở thân kiến, không còn chấp trước thân này là ta nữa thì đây là quả Tu-đà-hoàn, địa vị sơ quả của Tiểu thừa, là quả vị Sơ tín của Bồ-tát Viên giáo Đại thừa, đây là thấy đạo rồi. Chúng ta suy nghĩ một chút, nếu không hạ công phu ngay chỗ này thì chúng ta vĩnh viễn quanh quẩn ở ngoài cửa Phật, muốn thành tựu thật khó! Điều này chứng tỏ tám vạn bốn ngàn pháp môn, tu hành bất kỳ pháp môn nào cũng đều không dễ dàng.
Thế Tôn thấy rất rõ ràng, cho nên nói với chúng sanh thời mạt pháp chúng ta, ngoài tu Tịnh độ, nương vào uy thần bổn nguyện của A-di-đà Phật gia trì tiếp dẫn vãng sanh ra, quả thật không có con đường thứ hai. Sự tiện lợi của pháp môn Tịnh độ chính là không cần đoạn phiền não, ví dụ như chúng ta nói đến “thân kiến”, chúng ta hoàn toàn chưa đoạn hết thân kiến, chúng ta dùng công phu niệm Phật đè nó xuống, đè xuống là không cho khởi hiện hành, cũng tức là không để nó khởi tác dụng, có công phu như vậy thì có thể vãng sanh. Cũng chính là nói, thật sự chưa đoạn “ta”, nhưng có khi đạt đến được tạm thời quên cái “ta” trong thời gian ngắn, đây gọi là phục, việc này nếu chúng ta hết lòng nỗ lực một chút thì có thể làm được. Thích-ca Mâu-ni Phật chẳng phải đã làm cho chúng ta thấy rồi sao? Thân tâm thế giới, tất cả vạn duyên ngài thảy đều buông xuống, trải qua đời sống đơn giản nhất thì sẽ dễ dàng chế phục được chấp vào ta. Loại phương pháp tu học này rất dễ dàng đạt được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, Phật cũng đã làm gương, cũng đã làm mô phạm cho chúng ta thấy, chúng ta phải thể hội được, có thể hiểu được ý của Phật. Phật vì sao làm như vậy? Cách làm này của Phật dạy chúng ta điều gì? Là dạy chúng ta xả, dạy chúng ta buông xuống.
Chúng ta sống ở thế gian này, nhất định phải giác ngộ sanh mạng vô cùng mong manh, thế gian này chắc chắn không thể ở lâu, tất cả mọi cảnh giới đều như mây khói thoảng qua, xem chơi mà thôi, đâu có thứ gì bạn có thể nắm bắt được? Có cái nào bạn có thể giữ được? Mọi thứ đều không giữ được, kể cả thân thể này của mình cũng không giữ được, huống hồ là vật ngoài thân? Do đó xả là điều nhất định phải làm. Bạn muốn hỏi lý do là gì? Không có lý do gì cả, xả là chắc chắn chính xác, thuật ngữ nhà Phật nói là “pháp vốn như vậy”. Tất cả chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, có vị nào mà không xả đâu? Chúng ta hãy xem 28 tầng trời, vì sao trời có 28 tầng vậy? Chúng ta thấy rõ ràng, là do họ xả nhiều hay ít; xả được ít thì vị trí của họ thấp, xả được nhiều thì vị trí của họ nâng cao. Đối với ý niệm ngũ dục lục trần, về sự thì buông xuống rồi, xả hết rồi, nhưng chưa buông xuống hết ý niệm thì sanh thiên, sanh về trời Dục giới. Nếu ý niệm hưởng thụ ngũ dục lục trần đều xả bỏ hết, ý niệm danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần đều không còn nữa thì họ sanh về trời Sắc giới. Trời Sắc giới còn có sắc thân, nếu như sắc thân này cũng xả bỏ luôn, ý nguyện này đều không còn nữa thì sanh về trời Vô Sắc giới. Điều này rất rõ ràng, xả càng nhiều thì sanh lên địa vị càng cao. Đến quả địa cứu cánh của Như Lai, họ cũng xả nốt luôn một phẩm sanh tướng vô minh cuối cùng của Đẳng giác Bồ-tát, họ chứng được quả vị cứu cánh viên mãn. Nếu một phẩm sanh tướng vô minh đó vẫn còn, chưa xả hết thì họ là Đẳng giác Bồ-tát. Do đây có thể biết, pháp thế xuất thế gian, sở dĩ nói với bạn nhiều phẩm vị như vậy, phẩm vị hình thành như thế nào? Chính là xả nhiều hay ít mà thôi. Đạo lý, chân tướng sự thật này chúng ta không thể không biết.
Thuận cảnh, người thế gian gọi là “mọi việc như ý”, người thiện, người và vật mà bạn ưa thích, loại cảnh giới này dễ dàng khởi tâm tham luyến, trong phiền não gọi là “ái biệt ly” (yêu thích mà phải rời xa), chính là nói đến cảnh giới này. Nghịch cảnh, đời sống khó khăn vất vả, người ác, oan gia đối đầu của mình, rơi vào trong cảnh giới này thì tâm không tự tại, tâm sân giận dễ hiện tiền, tiếng oán than dậy đất, oán trời trách người. Cảnh giới của phàm phu sáu cõi không ngoài những việc như thế, [bởi vì] chúng ta không rõ chân tướng của nhân quả, cho nên thuận cảnh thì khởi tâm tham, nghịch cảnh thì khởi tâm sân giận, tức là nghiệp chướng này càng tạo càng nặng, quả báo ngày càng đọa lạc đi xuống, muốn nâng lên thì quá khó, quá khó.
Cho nên trong sáu cõi, chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, đi lên thì rất khó, đọa lạc xuống thì rất dễ. Như vậy chúng ta có thể thể hội được rằng chúng sanh luân hồi trong sáu cõi, lúc nào cũng là đời sau tệ hơn đời trước, chỉ có gặp được giáo huấn của thánh hiền thì mới có cơ duyên nâng cao lên, nhưng cơ duyên này không nhiều. Hiện nay trên thế giới gần 7 tỉ người, được mấy phần trong số đó trong một đời gặp được giáo huấn thánh hiền? Một thế kỷ trước, người gặp được giáo huấn thánh hiền phần lớn đều được nâng cao; trong thế kỷ hiện nay, cho dù gặp được giáo huấn của thánh hiền nhưng vẫn bị đọa lạc, nguyên nhân do đâu? Do không thắng nổi phiền não, không ngăn nổi cám dỗ. Sức cám dỗ của xã hội hiện nay quá lớn, ngạn ngữ thường nói: “Nhìn thấu rồi nhưng không nhẫn được.” Đạo lý mà thánh nhân nói không sai, là rất hay, nhưng trong thực tế họ không nhẫn được. Không nhẫn được thì họ không thể thuận theo giáo huấn của thánh hiền, vẫn là thuận theo tham sân si mạn của mình, vẫn là tùy thuận tự tư tự lợi của chính mình nên đọa lạc như cũ. Biết rõ mà cố phạm thì còn cách gì nữa!
Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, hiểu cạn cợt thì vẫn không được, phải hiểu sâu đạo lý của nó, hiểu rõ ràng sâu sắc chân tướng sự thật. Trước mắt, nếu chúng ta có thể cắn chặt răng nhẫn chịu thì tiền đồ là một mảng xán lạn, dù bạn không thể thoát khỏi sáu cõi, bạn vẫn có thể giữ được thân người, vẫn có thể từ thân người mà thăng tiến lên, sống những ngày hạnh phúc mỹ mãn. Nếu bạn không nhẫn được, vẫn tùy thuận tập khí phiền não của chính mình thì nhất định đọa lạc đi xuống. Hiện nay đọa lạc đi xuống, nói lời thành thật, cơ hội đọa lạc xuống địa ngục là nhiều nhất. Bất luận bạn có tin lời của thánh hiền nói hay không, chẳng phải nói không tin thì không đọa lạc, có một số người nói: “Những chuyện về tôn giáo, những chuyện về quỷ thần, tin thì có, không tin thì không có.” Nếu đơn giản như vậy thì chúng ta đừng tin là được; bạn tin thì có, không tin thì vẫn có, sự việc này bất luận bạn tin hay không thì sự thật vẫn tồn tại. Vì vậy, chữ “xả” này vô cùng quan trọng, từng giây từng phút phải để ở trong tâm, phải nhắc nhở chính mình, hoan hỷ xả, tận lực xả, có thể xả đến mức giống như Thích-ca Mâu-ni Phật là tốt nhất; xả đến mức chỉ còn lại những thứ thật cần thiết cho đời sống của mình, điều này trong nhà Phật chúng ta gọi là “y đơn”, ta vẫn còn hai bộ quần áo thay đổi, tối ngủ còn có chăn đắp là đủ rồi, những thứ khác thảy đều không cần.
Sự việc này người trẻ tuổi hiện nay các bạn không cách gì tưởng tượng được, những người Trung Quốc thuộc thế hệ của tôi đa phần đều trải qua. Thời kỳ chúng tôi là học sinh, đúng lúc gặp phải chiến tranh Trung – Nhật, cuộc sống 8 năm kháng chiến khi đó, chúng tôi còn là học sinh, lúc đó chúng tôi là học sinh tiểu học. Hình như vào năm kháng chiến đó thì tôi là học sinh lớp ba tiểu học, cả thời gian kháng chiến đó, tôi trải qua thời tiểu học và trung học trong chạy nạn. Chúng tôi thật sự là chỉ có hai bộ đồ thay đổi, một cái chăn vải rất nhỏ, mỗi ngày vác trên người mà đi, toàn bộ tài sản chỉ có nhiêu đó, còn sách giáo khoa thì có vài cuốn, toàn bộ tài sản của tôi chỉ có bấy nhiêu. Sống những tháng ngày đó trong 8 năm, sống rất tự tại, rất vui vẻ. Tôi mỗi ngày du sơn ngoạn thủy, trong 8 năm tôi đã đi qua 10 tỉnh, 10 tỉnh Giang Nam đều đi hết cả, toàn là đi bộ. Thế nên, các bạn không thể nào tưởng tượng được cuộc sống như vậy. Lúc đó người dẫn dắt chúng tôi là đồng học lớn tuổi, là thầy giáo, khi đó chúng tôi được gọi là học sinh lưu vong, thật sự là phải nhờ vào sự cứu tế để sống. Đi đến đâu cũng đều có những người làm từ thiện giúp đỡ chúng tôi, cho chúng tôi một ít thức ăn, tìm cho chúng tôi nơi có thể che mưa chắn gió để tạm trú ngụ. Thời gian trú ngụ dài nhất đều không quá một năm, thường là ba tháng đến sáu tháng thì dọn đi rồi, phải lên đường rồi. Thời gian lặn lội đường xa, có nơi chỉ ở một ngày, hai ba ngày. Cho nên, chúng tôi có kinh nghiệm về chữ “xả” này, chúng tôi đã trải qua rồi, biết được lợi ích của nó. Vì sao vậy? Không có gánh nặng gì cả, ý nghĩ gì cũng không có, không có vọng tưởng. Cõng toàn bộ gia sản trên người, bạn còn có vọng tưởng gì nữa chứ? Không có vọng tưởng nữa, sanh mạng với tài sản kết hợp thành một thể.
Trong Phật pháp chúng ta đã nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật là người như vậy, tổ sư đại đức nhiều đời thị hiện cho chúng ta cũng là hình ảnh này, trải qua đời sống đơn giản nhất, buông xuống vạn duyên, làm công việc tích cực nhất trong xã hội là giáo hóa chúng sanh, làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng sanh. Từ bi hỷ xả, đây là tứ vô lượng tâm, đến đây thì đã giới thiệu đơn giản cho quý vị rồi. Bốn chữ này đối với việc tu học của chúng ta là vô cùng quan trọng, Phật đem nó xếp vào sau sáu ba-la-mật của Bồ-tát, có thể thấy được dụng ý dạy học của Thế Tôn, đối với môn học này ngài vô cùng coi trọng. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến chỗ này.