PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 131/149
Chúng tôi tiếp tục giảng điều thứ hai của bát chánh đạo là “chánh tư duy”, chánh tư duy tức là tư tưởng đúng đắn. Phần đầu kinh này, Thế Tôn dạy chúng ta: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp”, tư duy vô cùng quan trọng! Nói đến phàm phu thì bao gồm sáu cõi trong đó, luôn không ngừng khởi ý niệm, ý niệm không dứt, ý niệm cũng không trụ. Không trụ chính là sát-na sanh diệt, niệm trước vừa diệt thì niệm sau liền sanh, hết thảy ý niệm đều thuộc về vọng niệm. Tư duy như thế nào mới được xem là chánh tư duy? Trong Phật pháp có một nguyên tắc, trong chân tâm bổn tánh không có tư duy, không có ý niệm, Phật thường nói trong kinh Đại thừa là “chân tâm lìa niệm”; hay nói cách khác, chỉ cần có ý niệm tồn tại thì ý niệm này đều là vọng niệm.
Chúng ta muốn hỏi: chúng ta mỗi ngày nghĩ A-di-đà Phật, niệm A-di-đà Phật có phải là vọng niệm không? Nói thật ra, vẫn là vọng niệm, nhưng vọng niệm này là gần với chân thật nhất. Phải nhớ kỹ, nó vẫn là vọng niệm, chẳng qua là vọng niệm này gần với chân thật, chúng ta dùng vọng niệm này để đoạn tất cả vọng niệm, phương pháp này hay! Đây gọi là phương tiện thiện xảo. Sau khi đến thế giới Cực Lạc rồi thì câu “A-di-đà Phật” này vẫn phải buông bỏ. Cho nên, trong bốn loại niệm Phật thì trì danh là tiện lợi nhất. Quán tưởng trong kinh Thập Lục Quán rất khó mà quán thành được, mở mắt ra, nhắm mắt lại, cái tướng này đều ở trước mắt, đến thế giới Cực Lạc vẫn phải đem cái tướng này trừ sạch, vì sao vậy? “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng.” Quán thành công không dễ dàng, mà trừ bỏ nó cũng rất khó! Không dính tướng, phải trừ bỏ cái tướng này và trừ bỏ cái giả danh này. Chúng ta liền có thể tưởng tượng được, không chấp trước giả danh thì dễ, xả bỏ giả danh thì dễ, nhưng xả bỏ vọng tướng thì khó, đây là nói rõ lợi ích của trì danh là ở chỗ nào. Thành phần chúng ta chấp trước vào danh hiệu thì nhẹ hơn rất nhiều so với chấp trước vào hình tướng. Vì vậy, người ta thông thường không thích cái tên này thì đổi sang cái tên khác, bỏ cái tên đó rất dễ dàng, nhưng tướng thì khó, chúng ta gọi là ấn tượng sâu sắc, đối với tướng thì khó.
Cho nên, tư duy phải chính xác. Trước mắt chúng ta, chúng ta không cần nâng mức độ của “chánh” này lên quá cao, vì quá cao là bàn huyền thuyết diệu rồi, đối với việc tu trì hiện thực của chúng ta, không thể đạt được lợi ích chân thật. Hôm nay, chúng tôi giảng bát chánh đạo là muốn đem bát chánh đạo ứng dụng vào trong thập thiện nghiệp đạo. Từ đó cho thấy, chúng ta thường xuyên tư duy thập thiện nghiệp thì đó chính là chánh tư duy, việc này rất quan trọng! Thường xuyên nghĩ đến điều Phật dạy chúng ta trong kinh, “ngày đêm thường niệm thiện pháp” chính là pháp thập thiện, thường niệm điều này; tư duy thập thiện, quán sát thập thiện. Mọi lúc mọi nơi, niệm niệm không lìa thập thiện thì chúng ta biến thành người thiện rồi. Người thiện niệm A-di-đà Phật thì chắc chắn vãng sanh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi các bậc thượng thiện cùng tụ hội, chúng ta giữ tâm thiện, tư tưởng thiện, ngôn hạnh thiện thì đâu có lý nào không vãng sanh? Vãng sanh, nói thật ra chỉ cần phát nguyện: “Con nguyện sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc”, niệm Phật một niệm, mười niệm là có thể vãng sanh, không cần niệm một ngày trăm ngàn tiếng, hai trăm ngàn tiếng, không cần thiết như vậy. Bạn muốn niệm nhiều cũng chẳng sao cả, bạn niệm ít cũng chẳng sao cả, chắc chắn vãng sanh. Tại sao vậy? Vì bạn là người thiện.
Từ “thiện” nâng lên cao, nâng lên đến “tịnh”, tịnh niệm tiếp nối thì phẩm vị của bạn cao rồi. Tâm thiện vãng sanh đến cõi Phàm thánh đồng cư, tịnh niệm vãng sanh đến cõi Phương tiện hữu dư và cõi Thật báo trang nghiêm. Thế nhưng quý vị phải biết, gốc của tịnh niệm là thiện niệm, nếu tâm bất thiện thì làm sao thanh tịnh được? Đây là điều không thể. Cho nên nhất định phải đoạn ác tu thiện, đạo lý này rất quan trọng! Cách đoạn ác tu thiện như thế nào? Từng giây từng phút phải phản tỉnh; nếu như từng giây từng phút không thể phản tỉnh được thì ít nhất là mỗi tối phải phản tỉnh một lần. Buổi tối thì công việc đều buông xuống rồi, trước khi đi ngủ hãy nghĩ kỹ lại một chút, ngày hôm nay đối với người, với việc, với vật, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, dùng thập thiện nghiệp làm tiêu chuẩn, xem ta có lỗi lầm gì không? Có lỗi thì phải sửa! Cho nên cuối thời Minh, đầu thời Thanh, đại đức trong cửa Phật, bất luận là xuất gia hay tại gia, họ đều dùng Công quá cách[1] để phản tỉnh, đây là việc tốt. Các bạn thấy tiên sinh Liễu Phàm, Viên Liễu Phàm là người ở vào cuối thời Minh. Người xuất gia dùng Công quá cách thì đại sư Liên Trì là người đại biểu, đại sư Liên Trì có viết một quyển sách nhỏ tên là “Tự Tri Lục”, trên thực tế chính là Công quá cách. Ngày hôm nay ta đã làm những việc thiện nào, ghi ra từng điều từng điều một; ta làm những việc ác nào, cũng từng điều từng điều ghi ra. So sánh xem việc thiện của ta nhiều hay là việc ác nhiều? Công đức của việc thiện lớn hay là nghiệp ác của việc ác lớn? Hãy làm sự so sánh. Phương pháp này vô cùng có hiệu quả đối với người trung hạ căn.
Vào thời cận đại, sách Liễu Phàm Tứ Huấn do lão pháp sư Ấn Quang đề xướng, tiên sinh Liễu Phàm làm thế nào thay đổi được vận mệnh của mình? Ấn tượng của mọi người đều rất sâu. Vận mệnh là thuộc về quả báo, vận mệnh từ đâu mà có? Từ nghiệp thiện ác mà có. Cho nên, cải tạo vận mệnh không có gì khác, chính là đoạn ác tu thiện, làm nhiều việc tốt. Tiêu chuẩn của việc tốt chúng ta phải biết: phàm là việc lợi ích người khác, lợi ích xã hội thì đây là việc tốt; phàm là việc lợi ích cho bản thân mà bất lợi đối với người khác, bất lợi đối với xã hội thì đây là việc ác. Có một số người, đặc biệt là người sơ học không biết đạo lý này, thông thường xã hội có quan niệm sai lầm, họ nói: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt. Có người nào không vì mình đâu? Vì mình thì có lỗi gì chứ? Có gì sai lầm?” Phật không nói như vậy, Phật nhất định không cho phép đệ tử vì bản thân. Tại sao vậy? Chỉ cần có ý niệm vì bản thân thì tăng trưởng chấp ta, đạo lý là ở chỗ này. Quả báo của tăng trưởng chấp ta chính là lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi từ đâu mà có? Thực ra mà nói, lục đạo luân hồi vốn dĩ không có, lục đạo luân hồi từ đâu mà có? Từ chấp ta mà biến hiện ra. Cho nên, niệm niệm còn vì mình thì niệm niệm của bạn đang tăng trưởng chấp ta, bạn vĩnh viễn không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Phật dạy chúng ta phải phá chấp ta, vậy chúng ta mới hiểu ra, phá chấp ta chính là thoát khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi tam giới. Phá chấp pháp thì bạn ra khỏi mười pháp giới. Có thể thấy “chấp trước” là sự việc rất nghiêm trọng! Tuyệt đối không được chấp trước, chấp trước là thiệt thòi cho chính mình, không liên quan đến người khác! Do đó nhất định phải phá chấp trước. Đây đều là vấn đề thuộc về phương diện tư tưởng.
Cổ nhân Trung Quốc tạo chữ rất có ý nghĩa, thật sự khiến bạn nhìn thấy phù hiệu này thì bạn liền khai trí tuệ. “Tư” (思) là ở trong tâm đã có phân biệt, bạn thấy hình dạng của phù hiệu này, trên chữ “tâm” (心) có vẽ rất nhiều ô vuông, là chữ “điền” (田), chữ điền tức là ô vuông, đó chính là phân biệt, ở trong tâm vốn dĩ không có thứ này. “Tưởng” là bạn đã dính tướng, trong tâm đã dính tướng rồi. Tưởng là chấp trước, tư là phân biệt, hai từ “tư tưởng” này không phải là từ hay, trong Phật pháp gọi là “phân biệt, chấp trước”. Phân biệt, chấp trước không còn nữa thì còn lại là chân tâm, vậy mới tốt! Vấn đề được giải quyết rồi. Cho nên, chúng ta làm thế nào bỏ đi sự chấp trước vào tướng, bỏ đi sự phân biệt, bỏ đi cái tư này? Ở trong tất cả cảnh giới, đối với người, việc, vật, chúng ta không có phân biệt, không có chấp trước thì cảnh giới tướng này là bình đẳng. Chúng ta nói cảnh giới này là thiện, cảnh giới kia là ác, cảnh giới này tốt, cảnh giới kia xấu, toàn là từ trong phân biệt, chấp trước mà biến hiện ra. Lìa khỏi phân biệt, chấp trước thì tất cả pháp đều bình đẳng; pháp giới chân thật bình đẳng gọi là nhất chân pháp giới. Từ đó có thể biết, mười pháp giới từ đâu mà có? Là từ trong tư tưởng biến hiện ra. Phật thường nói trong Đại kinh: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Tam đồ, lục đạo là từ trong tâm tưởng mà sanh ra, bạn trách ai được đây? Tự làm tự chịu!
Phật pháp nói đến cương lĩnh là nói giải thoát. “Giải” chính là nói đối với phân biệt, chấp trước; bạn mở được nút thắt phân biệt, chấp trước rồi; “thoát” là nói từ trên quả báo, bạn liền thoát khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi mười pháp giới. Nếu bạn không thể mở được nút thắt phân biệt, chấp trước thì sẽ không thoát khỏi lục đạo luân hồi, không có cách gì thoát khỏi. Phương pháp mà chúng ta ngày nay dùng có thể nói là vô cùng thiện xảo. Chúng ta muốn lìa phân biệt, chấp trước, nói thì rất dễ, nhưng thật sự làm được là điều chẳng phải dễ! Cho nên, Phật dạy chúng ta phương pháp này, dạy chúng ta tư duy thập thiện; thuận theo lời giáo huấn của Phật-đà, tư duy thập thiện. Giữ tâm thiện, tư tưởng thiện, hành vi thiện, những điều phía sau là “chánh ngữ”, “chánh nghiệp”, “chánh tinh tấn” đều là hành vi, chúng ta có thể duy trì cảnh giới này, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đây là con đường duy nhất đạt được thành tựu chân thật trong thời kỳ mạt pháp. Con đường này, nói theo lời hiện nay là thuộc về giáo dục tư tưởng, trong Phật pháp chúng ta thông thường gọi là “chánh tri, chánh kiến”, chánh tư duy là chánh tri, cách nhìn chính xác là chánh kiến. Chúng ta có thể nắm chắc được điều này thì đây là căn bản của tu hành, đại đức xưa thường nói “tu từ căn bản”, tu từ căn bản chính là tu từ tâm địa. Nói thật ra, tâm địa chính là từ khởi tâm động niệm, mà khởi tâm động niệm thật sự chính là tư duy mà ở đây nói. Khởi tâm động niệm thuận theo giáo huấn của kinh điển thì chính là chánh tư duy hiện nay của chúng ta. Nhất định phải biết đạo lý này, hơn nữa nhất định phải hết lòng mà làm.
Cho nên chúng tôi đề xướng đọc kinh, đọc kinh là phương pháp tốt nhất để chúng ta tu chánh tư duy. Đặc biệt là đối với người căn tánh trung hạ thì nên bắt tay từ đọc tụng, thọ trì. Sau khi đọc rồi phải hiểu rõ ý nghĩa trong kinh, không có người giảng không sao cả, người xưa thường nói: “Đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự hiểu”, hằng ngày đọc, không có vọng tưởng, không có tạp niệm, chúng ta gọi là chuyên tâm tụng kinh, tụng lâu rồi thì khai trí tuệ. Vì sao vậy? Tụng lâu rồi thì tâm sẽ định, tâm thanh tịnh rồi. Bởi vì bạn chuyên đọc kinh, chuyên tâm tụng kinh, ở trong đó không xen tạp vọng tưởng, không xen tạp phân biệt, chấp trước thì tụng kinh sẽ được định, đây là một phương pháp tu định; sau khi tâm thanh tịnh rồi thì ý nghĩa trong kinh dần dần sẽ sáng tỏ, “nghĩa kia tự hiểu”. Sau khi sáng tỏ rồi, chúng ta nhất định phải làm theo, nhất định phải kiên trì y giáo phụng hành, đây gọi là “thọ trì”; thọ trì là tự lợi, bản thân chúng ta được lợi ích. Sau khi bản thân có được lợi ích rồi thì nhất định phải đem lợi ích này cùng hưởng với người khác, đó chính là “vì người diễn nói”. Ở trong “diễn nói” thì quan trọng nhất là diễn, diễn là gì vậy? Bản thân ta làm được rồi thì biểu diễn cho người khác thấy, mình làm được rồi. Sau khi làm được rồi thì mới nói. Phật đem “diễn” để ở phía trước, “nói” để ở phía sau; ngài không nói là “nói diễn”, mà ngài nói là “diễn nói”. Vì người diễn nói, đây chính là tự lợi lợi tha, công đức vô lượng vô biên.
Học Phật, nếu như kiến giải, tư duy của chúng ta bất chánh thì toàn bộ phần phía sau đều không có. Vì sao vậy? Vì không có căn, cho nên dù dụng công tu trì tinh tấn như thế nào đi nữa thì cũng đều rơi vào ma đạo, chứ không phải Phật đạo, tâm bất chánh; trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Nhân địa không thật thì chiêu cảm quả cong vạy”, rơi vào ma đạo, không phải Phật đạo, điều quan trọng nhất là nhân phải chánh. Hai điều này chính là “kiến hòa đồng giải” trong lục hòa kính, chúng ta nhất định phải đặc biệt chú ý đến, nhất định phải hết lòng nỗ lực tu học. Cái hay của bộ kinh này là ở đây, chỉ có mười điều, rất dễ ghi nhớ, thân ba, khẩu bốn, ý ba, thường xuyên nghĩ đến, thường xuyên nhớ đến, thường xuyên đem tiêu chuẩn này để đánh giá khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chính mình, đây là chánh tư duy trong giai đoạn hiện tiền của chúng ta. Ở trong Tịnh tông, ngoài việc tu hành như vậy ra, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, vậy thì chắc chắn chính xác, đời này nhất định không luống qua vô ích! Tốt rồi, chúng ta giảng đến chỗ này.
[1] Công quá cách (功過格): Cuốn sổ ghi chép việc thiện ác hằng ngày, để nhờ đó mà xét lại hành vi tốt xấu của mình. Cách kiểm điểm này, bắt nguồn từ bộ sách Bảo Phát Tử của đạo sĩ Cát Hồng viết vào đời Đông Tấn, Trung Quốc. Đến đời Kim năm 1171, đạo sĩ Tịnh Minh Đạo viết quyển Thái Vị Tiên Quân Công Quá Cách, lập ra Công cách có 36 điều, Quá luật có 39 điều. Như: trị bệnh, cứu mạng, truyền đạo, cầu cúng cho người, khuyên người làm lành, đều được ghi vào công; còn như: làm ác, bất nhân, bất nghĩa, không mẫu mực thì ghi là quá (tội).
Theo Truyền Gia Bảo của ông Thạch Thành Kim đời Thanh thì các ông Phạm Trọng Yêm, Tô Tuân ở đời Tống đều có làm Công quá cách. Nhưng đến năm 1604, ngài Vân Thê Châu Hoằng (đại sư Liên Trì) viết bộ Tự Tri Lục, và sau khi thiền sư Vân Cốc truyền Công quá cách thì hình thức này mới phổ biến trong dân chúng.