Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 16/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 16/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tư, dòng thứ nhất, xem từ ở giữa trở đi: 

Tự tánh như huyễn, người trí biết như thế, nên tu thiện nghiệp, nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới, v.v. thảy đều đoan chánh, người khác nhìn không chán.

“Tự tánh như huyễn” là nói nó khởi dụng, khi nó khởi tác dụng, trong kinh Kim Cang, Phật gọi là “mộng huyễn bọt bóng”. Sự việc này Thế Tôn thường dùng câu “không thể nghĩ bàn” để nói rõ chân tướng sự thật. Nhưng mà chúng ta sau khi nghe xong, đối với cách nói này quả thật là rất khó khiến người ta hài lòng. Vì sao Thế Tôn không nói ra chân tướng này, mà chỉ dùng câu “không thể nghĩ bàn”, giống như là né tránh vậy? Thực ra lời Phật nói là chân thật, chỉ có dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành thì chân tướng sự thật mới hiển lộ, bạn mới hoàn toàn hiểu rõ. “Nghĩ” là ý thức, “bàn” là ngôn ngữ, chân tướng sự thật này tuyệt đối chẳng phải ngôn ngữ có thể nói ra được, cũng không phải tư duy tưởng tượng có thể đạt đến được. Do đó, “không thể nghĩ bàn” là câu nói chân thật, hoàn toàn không mơ hồ, hoàn toàn không phải để né tránh, mà là nói lời chân thật với bạn. Chỉ cần bạn không nghĩ, không bàn thì chân tướng sự thật hiện tiền ngay. Vì sao vậy? Phần trước đã nói tất cả pháp là từ tâm tưởng sanh, bạn dừng tâm tưởng lại rồi, sau đó bạn thấy được chân tướng của tất cả pháp. Tất cả pháp vốn dĩ “không sanh không diệt, không đến không đi, không một không khác, không thường không đoạn”, trong Trung Quán Luận gọi là “bát bất”, vào lúc này bạn mới thật sự thể hội được.

Chúng ta là phàm phu, chúng ta trước sau không rời khỏi nghĩ bàn, cho nên vĩnh viễn không thể thấy đạo. Đạo ở đây chính là tự tánh, Tông môn gọi là minh tâm kiến tánh, phàm phu vĩnh viễn không có cách gì kiến tánh. Người nào có thể kiến tánh vậy? Họ đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không nghĩ, không bàn thì họ kiến tánh. Vì sao phải dùng phương pháp này? Trong kinh luận Phật thường nói “dứt đường ngôn ngữ” là không thể nghĩ, “bặt dấu tâm hành” là không thể bàn, cho nên không thể nghĩ bàn chính là nói dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành thì chân tướng liền hiện tiền. Thế nhưng Thế Tôn dạy chúng ta, trong không nghĩ bàn, ngài dạy cho chúng ta nghĩ bàn; trong không thể nói, ngài thường nói với chúng ta. Trong đây có điều huyền bí, chúng ta phải hiểu rõ. Cách nói của Phật là “nói mà không nói, không nói mà nói”, điều này ai hiểu được? Người biết nghe, “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” thì họ khế nhập được, đây gọi là chúng sanh căn cơ chín muồi, chúng sanh thượng thượng căn. Phật nói không sai, nhưng chúng ta nghe sai rồi, vì sao chúng ta nghe sai vậy? Vì chúng ta có nghĩ, có bàn, chúng ta không hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Cho nên, “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, câu nói này làm không hề dễ! Tự tánh khởi dụng chính là thập pháp giới y chánh trang nghiêm, không chỉ là thập pháp giới, mà nhất chân pháp giới cũng là tự tánh khởi dụng. Thập pháp giới như huyễn thì nhất chân pháp giới cũng không thật, trong kinh gọi là “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, bao gồm cả thế xuất thế gian. Cho nên, người giác ngộ, pháp thân đại sĩ trụ nhất chân pháp giới, trụ Hoa Tạng, trụ Cực Lạc mà không hề mảy may dính mắc. Vì sao vậy? Vì các ngài biết đó đều là mộng, huyễn, bọt, bóng.

Cho nên câu tiếp theo: “Người trí biết như thế.” Người trí ở đây là chư Phật, Bồ-tát. Trong Bồ-tát thì đặc biệt là chỉ pháp thân Bồ-tát, pháp thân đại sĩ, các ngài biết, hiểu rõ thật tướng các pháp. Sau khi biết rồi, các ngài sống như thế nào? Quan niệm, hành vi đời sống của các ngài cùng với chúng ta không như nhau, các ngài tu thiện nghiệp. Không những là hành vi thiện, lời nói thiện, mà trong tâm một mảy may ác niệm cũng không có. Chúng ta ngày nay không làm được, vì sao làm không được? Chúng ta đối với chân tướng sự thật không hiểu rõ, cho nên làm không được. 

Ở đây Phật khuyên, chữ “nên” này là lời khuyên nhủ chúng ta nên tu thiện nghiệp. “Nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới, v.v.”, “uẩn, xứ, giới” là thứ được sanh ra, tự tánh là năng sanh; năng sanh, năng hiện, năng biến. Tự tánh năng hiện là thuộc về bản năng của nó, còn năng biến là đã mê mất tự tánh, hiện tượng mà tự tánh hiện ra sẽ sinh ra thay đổi, đem nhất chân pháp giới biến thành thập pháp giới, biến thành vô lượng vô biên pháp giới. Ba câu này, “biết” là duyên, “tu thiện” là nhân, tiếp theo nói “sanh ra uẩn, xứ, giới v.v. thảy đều đoan chánh”, đây là quả, “người khác nhìn không chán” là thiện báo, gieo nhân thiện được quả thiện.

Vì sao phải tu thiện nghiệp vậy? Tu thiện nghiệp không có lý do, không có nguyên nhân, pháp vốn như vậy, vốn dĩ là như vậy. Sự việc này thánh nhân Trung Quốc cũng đã nói đến rồi, nhưng nói không thấu triệt bằng kinh Phật nói. Tuy nhiên ngẫm kỹ lại, những người này rất có thể cũng là chư Phật Như Lai ứng hóa, Khổng phu tử, Mạnh phu tử, Lão tử, Trang tử có phải là chư Phật Như Lai ứng hóa hay không? Về mặt lý luận mà nói thì hoàn toàn có lý, nhưng trên sự tướng thì không có chứng cứ, về lý thì hoàn toàn nói được thông. Nhà Nho nói “người ban đầu, tánh vốn thiện”, vốn dĩ là thiện. “Tánh gần nhau, tập xa nhau”, gần nhau nghĩa là giống nhau cả, bản tánh là giống nhau, điều này giống với trong Phật pháp gọi là không hai không khác. Phật pháp nói “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, Phật tánh là bình đẳng. Có người nào không phải là người tốt? Có người nào không phải là Phật? Đã có Phật tánh thì đều sẽ làm Phật. Trong kinh Vô Lượng Thọ có một câu nói rất tuyệt vời: “Tất cả đều thành Phật.” Họ vì sao bất thiện vậy? Mỗi người chúng ta đều là thuần thiện, nhưng vì sao bây giờ chúng ta biến thành bất thiện, đi tạo ác vậy? Nhà Phật thường nói là do chúng ta mê, mê cái gì? Mê mất tự tánh, không phải mê gì khác mà đã mê mất tự tánh. Dù đã mê mất tự tánh nhưng tự tánh này vẫn khởi tác dụng, khởi tác dụng kèm theo mê, thế là tạo ác nghiệp, sự tình là như vậy. Chư Phật Như Lai nhìn tất cả chúng sanh là nhìn vào bản tánh, cho nên trong tâm các ngài một ác niệm cũng không có. Phàm phu nhìn tất cả chúng sanh là nhìn vào tập tánh, nên thế gian không có người nào là người tốt. Do sự khác biệt của một niệm này đã làm biến đổi hiện tượng bên ngoài, nếu như là niệm thiện thì hiện tượng bên ngoài trở nên rất tốt. 

Cho nên, chúng ta nhất định phải khẳng định điều mà Thế Tôn nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.” Trong tất cả pháp này, gần gũi với chúng ta nhất là thân thể của chúng ta, tướng mạo của chúng ta, người tâm tinh tế một chút có thể nhận thấy rất rõ ràng. Người có tâm địa lương thiện thì tướng mạo sẽ từ bi, cử chỉ nhu hòa, nhã nhặn; người có tâm hạnh bất thiện thì tướng mạo đáng sợ, người khác nhìn thấy liền sợ hãi, chúng ta thường nói người này có sát khí, sát khí rất nặng. Sát khí là nói khí toát ra, trong khí công nhìn thấy khí của người, người nước ngoài gọi là từ trường. Từ trường đó rất xấu, khiến người ta nhìn thấy bạn, tiếp xúc với bạn, toàn thân cảm thấy sợ hãi, cảm thấy không thoải mái. Người tâm địa lương thiện từ bi thì từ trường của họ tốt, khi người ta tiếp xúc đều sanh tâm hoan hỷ, đều cảm thấy mát mẻ tự tại, rất muốn gần gũi với họ. Đây là điều mà trong kinh nghiệm cuộc sống chúng ta quan sát được, cảm nhận được. Tôi trước đây tiếp xúc với ba vị thầy, hễ có thời gian là tôi liền đi tìm các thầy, gần gũi các thầy. Mặc dù chẳng nói một câu nào, tôi ngồi trong căn phòng đó cũng cảm thấy được không khí rất tốt, từ trường rất tốt, chúng tôi đi tiếp nhận, đi cảm nhận. Điều này chứng tỏ người tâm thiện thì từ trường của bạn sẽ thiện, bầu không khí quanh bạn sẽ thiện, bầu không khí thiện này có thể làm cảm động người khác, khiến người khác sanh tâm hoan hỷ.

Ở đây nói: “Nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới, v.v.”, đây là quả thiện. Vì bạn có nhân thiện, tu nghiệp thiện nên bạn cảm được quả thiện. “Uẩn” là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thân của bạn; thọ, tưởng, hành, thức là tâm của bạn, đều là nói tâm lý. Trong Tâm Kinh nói: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đây là nói ngũ uẩn, ngũ uẩn là đã bao gồm hết tất cả mọi pháp trong vũ trụ rồi. “Sắc” này là nói tất cả mọi hiện tượng thế xuất thế gian, dùng một chữ này để đại biểu. “Tâm pháp” nói rất tường tận, có bốn điều: thọ là cảm nhận của bạn; tưởng là tư duy của bạn; hành thì tương đối khó hiểu, hành là sát-na không dừng lại, ý niệm sanh diệt này vĩnh viễn sẽ không ngừng nghỉ, niệm trước diệt, niệm sau liền sanh, đây gọi là hành, niệm niệm không dừng; thức là hàm chứa. Những thứ mà bạn tạo tác, bất kể là thiện pháp, ác pháp, vô ký pháp, hình bóng lưu lại của nó được chứa trong a-lại-da thức. Trong kinh Phật gọi nó là hạt giống, thứ này thì phiền phức! Hạt giống mà a-lại-da thức hàm chứa vĩnh viễn không bị mất đi, vĩnh viễn không bị tiêu diệt, gặp được duyên thì nó khởi tác dụng, khởi hiện hành, gặp duyên thì sanh khởi hiện tướng, chúng ta gọi là thọ báo. Trong kinh Phật nói: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã tạo không mất”, những thứ chứa trong a-lại-da thức vĩnh viễn không bị mất đi. “Khi nhân duyên hội ngộ, quả báo vẫn tự thọ”, đây là Phật nói ra chân tướng sự thật cho chúng ta. Nếu chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật thì người này chắc chắn sẽ không tạo ác. Vì sao vậy? Tạo ác nhỏ bằng sợi lông cũng phải tự mình chịu các ác báo. Những việc mà chúng ta đã làm ra, người khác không thể chịu thay, tự làm tự chịu, phải hiểu đạo lý này. 

“Xứ” là nói mười hai xứ, chỗ này chúng tôi nói tường tận một chút. Sáu căn, sáu trần mà chúng ta nói, sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Theo cách nói này thì tâm pháp chỉ nói có một điều, ý là tâm pháp, trong sắc pháp triển khai ra mà nói là mười một pháp. Phật vì sao phải nói như vậy? Chúng sanh mê ngộ không giống nhau. Nếu người đối với sắc pháp mê nhẹ, đối với tâm pháp mê nặng, Phật bèn giảng ngũ uẩn cho họ. Cho nên, tâm pháp nói bốn điều, bạn mê sâu thì nói nhiều, sắc pháp mê nhẹ thì chỉ nói một điều. Bạn nghĩ đến Phật nói mười hai xứ thì ý nghĩa đã rõ ràng rồi. Người đương cơ ở đây thì hoàn toàn ngược lại, tâm pháp mê nhẹ, sắc pháp mê nặng, mê nặng thì nói nhiều. Cho nên, sắc pháp nói mười một điều, tâm pháp nói một điều. “Mười tám giới” là nói cho người tâm pháp và sắc pháp đều mê nặng. Thế là trong mười hai xứ lại cộng thêm sáu thức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đây là sáu thức. Sáu thức cộng thêm “ý” trong mười hai xứ thì có bảy điều. Trong mười tám giới thì có bảy điều nói tâm pháp, mười một điều nói sắc pháp. Đây là đối với người sắc pháp và tâm pháp đều mê rất nặng, Phật bèn nói cách này. Cho nên, tổng quy nạp lại chính là hai pháp: sắc pháp và tâm pháp, tâm pháp là năng biến, sắc pháp là sở biến. Uẩn, xứ, giới là một sự việc, chỉ là khai hợp không như nhau. Ngày nay chúng ta gọi là quy nạp, diễn dịch, quy nạp là hợp, diễn dịch là triển khai, tuy cách nói khác nhau nhưng chỉ là một sự việc. Nói theo lời hiện nay, “sanh ra uẩn, xứ, giới v.v.” chính là cái mà chúng ta ngày nay gọi là hiện tượng của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, chính là ý này.

“Thảy đều đoan chánh”, điều này tốt! Từ thân tướng của chúng ta cho đến hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, thân tướng của chúng ta đoan chánh, hoàn cảnh chúng ta sống đoan chánh, xã hội chúng ta sống đoan chánh, quốc gia chúng ta sống đoan chánh, thế giới chúng ta sống đoan chánh; mở rộng thêm nữa, người hiện nay gọi là hệ ngân hà mà chúng ta sống đoan chánh. Thế chẳng phải là y báo chuyển theo chánh báo đó sao? Ngày nay chúng ta nói xã hội này không tốt, thế giới không thái bình, nguyên nhân từ đâu ra vậy? Từ không biết tu thiện pháp, không biết chân tướng khởi dụng của tự tánh. Chúng ta ngày nay đã hiểu rõ chưa? Nếu như thật sự hiểu rõ rồi thì chúng ta sẽ thật làm. Vẫn chưa phát tâm thật làm, thật ra mà nói là bạn chưa hiểu rõ. 

Năm xưa, khi tôi học với đại sư Chương Gia, đại sư Chương Gia nói cho tôi biết chân tướng sự thật này, nói Phật pháp là “biết khó làm dễ”. Tôi nghe thầy nói rất nhiều lần câu “biết thì quá khó, còn làm thì rất dễ”. Thật sự biết rồi thì phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm, chuyển ý niệm lại thì thành Phật rồi. Vì sao bạn không chuyển được ý niệm? Vì không biết. Cho nên, Phật pháp là trước hiểu, sau hành. Ngài Thanh Lương giảng giải kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta, ngài đem toàn kinh chia làm bốn phần là: tín, giải, hành, chứng. Tín giải khó, thật tin thật hiểu thì hành chứng sẽ không khó, thật sự dễ như trở bàn tay. Chúng ta ngày nay cảm thấy hành chứng khó như vậy là do chưa kiến lập nền tảng của tín giải. Sau đó chúng ta nghĩ đến, vì sao Thế Tôn phải hết lòng hết dạ thuyết pháp 49 năm, mục đích của 49 năm thuyết pháp là gì? Nhằm giúp chúng ta tín giải. Hành và chứng thì Phật hoàn toàn không quan tâm đến, không cần nói, chỉ cần bạn tin và hiểu rồi thì hành và chứng là việc của bản thân bạn. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.