Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 138/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 138/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất:

Chỉ trang nghiêm nên có thể dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang nghiêm nên có thể hay biết như thật tự tánh các pháp.

Hai điều này là nói “chỉ quán”, chúng ta đem chỉ và quán hợp chung lại nói, tiếng Phạn của Ấn Độ gọi là xa-ma-tha, tỳ-bà-xá-na, thiền-na, đây là chúng ta đọc thấy trong kinh Lăng-nghiêm. Xa-ma-tha dịch là chỉ, tỳ-bà-xá-na dịch là quán, thiền-na là chỉ quán viên dung. Hàm nghĩa danh từ của chúng có thể dùng thay cho nhau, xa-ma-tha có thể dịch là chỉ, cũng có thể dịch là quán, nhưng nghiêng nặng về chỉ; tỳ-ba-xá-na tuy dịch là quán, nhưng trong đó cũng có nghĩa của chỉ; trên thực tế, chỉ và quán nhất định là viên dung, trong chỉ có quán, trong quán có chỉ. Nếu chỉ có chỉ mà không có quán thì đó chính là “vô tưởng định”, tu vô tưởng định thì không liên quan gì đến Phật pháp; thiền định được nói trong Phật pháp là có quán, cũng chính là nói trong định có cảnh giới.

“Chỉ quán” là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành của nhà Phật, bất luận tu học pháp môn nào đều không thể rời khỏi chỉ quán. Pháp môn niệm Phật của chúng ta cũng là tu chỉ quán, trong niệm Phật đường thường nhắc nhở mọi người “buông xuống vạn duyên”, đó là chỉ, “đề khởi Phật hiệu”, đây chính là quán. Từ đó cho thấy, chỉ quán chính là thiền định, niệm Phật đâu có phải là không tu thiền? Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Đại Tập, pháp môn niệm Phật là vô thượng thâm diệu thiền, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên không có thiền định thì chắc chắn không thể khai trí tuệ. Chúng ta biết pháp môn niệm Phật thật sự là vô thượng thâm diệu thiền, bạn còn khởi tâm động niệm muốn đi học thiền, muốn đi ngồi thiền, vậy thì sai rồi, bạn đang tu vô thượng thâm diệu thiền nhưng bạn không biết, không biết sự thù thắng của pháp môn mình đã tu.

Danh xưng tiếng Phạn được dịch thành “chỉ quán”, cũng được dịch thành “định tuệ”, định chính là chỉ, tuệ chính là quán; lại dịch là “tịch chiếu”, ý nghĩa này vừa nói ra thì quý vị liền sáng tỏ, tịch là chỉ, chiếu là quán; lại dịch là “minh tĩnh”, minh là quán, tĩnh là chỉ. “Chỉ” có nghĩa là chấm dứt, có nghĩa là dừng. Trong thập thiện nghiệp đạo, dừng thập ác, đề khởi thập thiện, đây là quán. Khởi tâm động niệm đều là thập thiện, cổ đức gọi là “động niệm thì vạn thiện cùng theo, chỉ tĩnh thì một niệm không sanh”, đây là đã đạt công phu chỉ quán rồi. “Vạn thiện cùng theo”, gốc của vạn thiện chính là thập thiện nghiệp đạo, gốc của vạn ác chính là thập ác nghiệp. Thế Tôn nói bộ kinh này, từ sơ học cho đến quả địa Như Lai, vô lượng vô biên pháp môn, như phần trước chúng ta đã học qua lục độ, tứ nhiếp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, bây giờ chúng ta nói đến chỉ quán, làm thế nào để thực hiện? Đều ở thập thiện nghiệp đạo. Xa lìa thập thiện nghiệp đạo thì tất cả mọi Phật pháp đều là rỗng tuếch.

Từ chỗ cơ bản nhất mà nói, điều đầu tiên trong “tịnh nghiệp tam phước”, nếu như không có thập thiện nghiệp thì “hiếu thân tôn sư, từ tâm không giết” thảy đều là rỗng tuếch, đây là nói đến căn bản của căn bản, là tịnh nghiệp tam phước. Nếu như đối với thập thiện, thập ác mà chúng ta không hiểu, vậy thì chúng ta tu từ đâu? Mỗi ngày tạo nghiệp, giống như trong kinh Địa Tạng đã nói: “Chúng sanh cõi Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì chẳng phải tội.” Vì sao vậy? Đều tương ưng với thập ác, nhất là ở trong xã hội hiện đại. Trong xã hội hiện nay luân thường không còn nữa, chúng ta thường xuyên nghe thấy con cái giết hại cha mẹ, cha mẹ giết hại con cái, anh em tàn sát lẫn nhau, thường xuyên nghe thấy, loại sự việc này những năm gần đây ngày càng nhiều, ngày càng gia tăng, đây không phải là xã hội của con người, con người phải biết đạo lý.

Thế nào là đạo? Quan hệ giữa người với người là đạo. Người Trung Quốc gọi là “ngũ đạt đạo”, đạt là thông đạt, năm loại đại đạo thông đạt chính là ngũ luân: vợ chồng, cha con, anh em, vua tôi, bạn bè, đó là quan hệ giữa người với người. Bạn hiểu được quan hệ này thì bạn phải làm tròn nghĩa vụ. Nghĩa vụ là sự phục vụ không có điều kiện, cha từ – con hiếu, anh nhường – em kính, là nghĩa vụ! Phải làm tròn nghĩa vụ thì xã hội mới có trật tự, giống như bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, người Trung Quốc thường gọi là 24 tiết khí, có quy củ trật tự. Các hành tinh vận chuyển trong không gian là có trật tự; nếu chúng không có trật tự, thế chẳng phải đã loạn rồi sao? Chúng đâm vào nhau, chẳng phải toàn bộ đều bị hủy diệt rồi sao? Tất cả đều có trật tự. Từ đó cho thấy, thế nào gọi là đạo? Đạo chính là trật tự, trật tự này là thiên nhiên, tuyệt đối không phải do con người làm.

Thập thiện nghiệp là thường đạo, là đại đạo căn bản, là đại đạo mà trời người và thánh nhân tam thừa cùng tuân theo. Trái ngược với đại đạo này thì chắc chắn đọa lạc, đây là đạo lý nhất định, đọa lạc chính là ba đường ác. Rơi vào trong ba đường ác thì ân hận rồi, trong ba đường ác cũng có người giác ngộ, biết sai rồi, sửa lỗi làm mới, Phật Bồ-tát đại từ đại bi, không từ bỏ chúng sanh trong ba đường ác, cho nên địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều có chư Phật Bồ-tát giáo hóa ở trong đó. Nhưng mà chúng ta phải biết, trong kinh đức Phật thường nói, chúng sanh trong đường ác bởi do nghiệp chướng quá nặng nên việc tu hành có mức độ khó khăn nhất định, không thuận lợi bằng cõi trời người, họ muốn quay đầu nhưng không dễ dàng; tuy nhiên chư Phật Bồ-tát từ bi đến cực điểm, không bỏ chúng sanh, vẫn giúp họ, giúp họ tiêu nghiệp chướng. Quý vị đã thấy rất rõ ràng, rất sáng tỏ trong kinh Địa Tạng, giúp họ như thế nào vậy? Việc đầu tiên là giúp họ khôi phục lại thân người, thoát khỏi ba đường ác; nhưng khi được thân người, họ lại mê hoặc, thời gian không lâu sau đó thì họ lại quay về ba đường ác. Được thân người, muốn thành tựu trong đời này, vĩnh viễn không đọa ba đường ác, sự việc này là rất khó, bản thân chúng ta là một điển hình. Tập khí của chúng ta tại sao nặng như vậy? Vì chúng ta là từ ba đường ác đến. Nếu không sửa đổi tập khí này thì sau khi chết lại quay trở về ba đường ác, giống như Bồ-tát Địa Tạng đã nói, khó khăn lắm mới giúp bạn đến được cõi người, sao chưa được mấy ngày bạn lại quay trở lại rồi?

Ngày tháng ở nhân gian dường như rất dài, quý vị phải biết rằng, một ngày ở cõi ngạ quỷ là một tháng ở nhân gian. Giả như từ cõi ngạ quỷ trở lại được thân người, cho bạn sống được 100 tuổi, sau khi chết rồi lại quay về cõi ngạ quỷ, cõi ngạ quỷ nhìn thấy bạn đi chưa được mấy ngày thì đã quay trở lại rồi, ở đây có sự chênh lệch thời gian rất lớn. Sự chênh lệch thời gian ở cõi địa ngục càng lớn hơn. Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giới thiệu Phật pháp cho sinh viên đại học chuyên khoa, thầy đã soạn một giáo trình gọi là “Phật học khái yếu thập tứ giảng”, trong đó có nói đến cõi địa ngục. Một ngày trong cõi địa ngục là 2.700 năm nhân gian chúng ta, giả sử bạn sống được 100 tuổi, khi quay trở lại địa ngục, người ta nói: “Anh đi còn chưa đến một tiếng đồng hồ, sao anh lại quay vào nữa rồi?” Khó lắm! Cho nên quả thật là khó ra khỏi ba đường ác. Trong kinh Phật có nêu ví dụ là “vừa ngoi lên, lại chìm xuống”, ví dụ này rất đáng suy ngẫm; hễ còn ở lục đạo thì ba đường ác là quê nhà, đến ba đường thiện thì giống như đi ra ngoài du lịch, thời gian đều rất ngắn ngủi, lập tức liền phải quay về. Cho nên ở trong ác đạo “lại chìm xuống”, chìm xuống dưới đáy nước rồi; “vừa ngoi lên”, thỉnh thoảng ngoi đầu lên, hít một hơi không khí mới, đây gọi là “vừa ngoi lên”. Phật dùng những việc này để hình dung chân tướng ở trong lục đạo, cho nên nói tóm lại là chúng sanh trong lục đạo đều là “kẻ đáng thương xót”. Chúng ta thử xem, tập khí của lục đạo nặng biết bao, vẫn đang truy cầu sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, vẫn đang theo đuổi tài, sắc, danh, thực, thùy, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.

Quan niệm này, nguồn gốc đã có từ lâu, từ vô lượng kiếp huân tập mà thành, Phật buốt lòng rát miệng bảo chúng ta dừng lại. Những tư tưởng này là tư tưởng sai lầm, những cách nhìn này là cách nhìn sai lầm, sống đời sống vật chất quá sung túc rồi thì không muốn xa lìa. Mục tiêu cuối cùng của giáo học Phật pháp là lìa khổ được vui, vậy vì sao Phật đề xướng khổ hạnh? Chẳng phải ngài dạy chúng ta lìa khổ được vui sao? Tại sao Phật phải tu khổ hạnh, tại sao tán thán tu khổ hạnh? Lìa khổ được vui mà Phật nói không phải là cái vui của trời người trong lục đạo, chúng ta phải hiểu rõ ràng điều này, lìa khổ được vui mà Phật nói là vui của thế giới Tây Phương Cực Lạc, là vui của thế giới Hoa Tạng, chẳng những không phải là cái vui của lục đạo, mà ngay cả mười pháp giới cũng không phải. Nếu chúng ta tham luyến cái vui của lục đạo, tham luyến cái vui của mười pháp giới thì chúng ta sẽ vĩnh viễn không thể chứng được nhất chân pháp giới, nhất chân pháp giới đó là chân lạc, vui đó không bị thoái chuyển, không bị biến chất. Cái vui ở trong lục đạo vô cùng dễ dàng biến chất, gọi là “vui quá hóa buồn”.

Chiều hôm qua chúng tôi giải đáp vấn đề, có một đồng tu hỏi, kết hôn chưa đầy hai năm, mà giờ ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau. Khi bạn mới vừa kết hôn chẳng phải vui sao? Thời gian vui còn chưa được hai năm thì buồn đã đến rồi. Hai năm xem ra vẫn còn dài, có một số người kết hôn vài ba tháng là ầm ĩ cả rồi. Những sự việc này chúng ta quan sát tỉ mỉ thì sẽ giác ngộ, biết đây là nghiệp duyên, chán ghét mà phải gặp nhau, là khổ, chắc chắn không phải vui. Phật nói cảnh giới mà A-la-hán chứng được là tiểu quả, đó là vui nhỏ, thoát khỏi lục đạo luân hồi, đến tứ thánh pháp giới thì gọi là tiểu quả, đại sư Thiên Thai gọi đó là “tương tợ tức”, là niềm vui tương tợ, không phải chân lạc, chân lạc là nhất định phải thoát khỏi mười pháp giới. Cho nên, Phật tán thán khổ hạnh là có đạo lý. Khổ hạnh, nói thật ra là để chúng ta không lưu luyến tam đồ lục đạo. Nếu như chúng ta gặp được duyên thù thắng, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, vậy đời này mới có thể có thành tựu. Nếu như từng ý niệm của bạn không xả bỏ cái vui của ngũ dục trong lục đạo thì bạn sẽ không thể vãng sanh, nhất định bỏ lỡ cơ duyên tốt lành của đời này.

Cho nên chúng ta ở trong đời sống thường ngày, phải học năng lực “chỉ quán”, phải dừng lại ý niệm ham thích tất cả sự thọ dụng, tất cả pháp thế xuất thế gian phải nhìn rõ ràng. Khi tôi mới học Phật, đại sư Chương Gia dạy tôi nhìn thấu, buông xuống; nhìn thấu là quán, buông xuống là chỉ. Tôi thỉnh giáo thầy phương pháp thiện xảo nhất để vào cửa Phật. Thầy nói với tôi hai câu: “Nhìn thấu được, buông xuống được”, đây vẫn là chỉ quán. Vì tôi mới học Phật, nếu thầy nói “chỉ quán” thì tôi không thể hiểu, nên thầy đổi cách nói khác là “nhìn thấu, buông xuống”, như vậy tôi có thể nghe hiểu. Nhìn thấu là phải quan sát tỉ mỉ chân tướng sự thật, điều quan trọng nhất của chân tướng sự thật là nhìn thấu nhân quả, nhân quả bày ngay trước mắt, bạn có thể nhìn ra được nhân như thế nào thì kết thành quả báo như thế đó, từ quả báo nhìn thấy được nhân hạnh của nó, từ nhân hạnh bạn có thể nhìn ra quả báo, vậy là bạn sáng tỏ rồi. Thảy đều nhìn thấy rõ ràng sáng tỏ rồi thì bạn đương nhiên sẽ buông xuống, làm gì có đạo lý không buông xuống được? Không buông xuống được là vẫn chưa nhìn thấu rõ ràng, phải biết đạo lý này. Ý nghĩa của chỉ và quán vô cùng rộng, xuyên suốt toàn bộ Phật pháp, nó là tổng cương lĩnh tu hành của Phật pháp. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.