PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 54/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ chín, hàng thứ tư từ dưới lên:
Lại nữa, long vương! Nếu lìa nói thêu dệt thì được thành tựu ba thứ quyết định. Những gì là ba? Một, nhất định được người trí yêu mến. Hai, nhất định dùng trí như thật đáp lại các câu hỏi. Ba, nhất định nơi trời, người được uy đức tối thắng, không có hư vọng. Đó là ba. Nếu có thể hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai thành Phật sẽ được những sự thọ ký của Như Lai, đều không bị thiếu mất.
Đây là loại thứ tư trong khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp là vô lượng vô biên, vì dạy chúng ta nên Phật quy nạp thành bốn loại lớn. Bốn loại lớn này rất là quan trọng, chúng ta nhất định phải lý giải thấu triệt, phải chăm chỉ nỗ lực mà tu học. Trong thập thiện nghiệp đạo, Phật xếp thứ tự cho chúng ta là: thân ba, khẩu bốn, ý ba, chiếu theo thân khẩu ý để nói. Thế nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ chư vị đều đọc thấy Phật dạy chúng ta tu mười nghiệp thiện, ngài đem khẩu nghiệp xếp thứ nhất, “khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”. “Khéo giữ khẩu nghiệp” chính là nói chung cho bốn loại: nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt, hãy khéo giữ khẩu nghiệp. Quả đức của khéo giữ khẩu nghiệp chính là “không chê lỗi người”, chữ “người” này không hoàn toàn chỉ cho người, mà bao gồm tất cả người việc vật ở trong đó, phạm vi của nó vô cùng lớn. Chúng ta nhất định phải tỉ mỉ mà tham cứu nghĩa lý sâu xa trong đó. Cho nên, học Phật phải bắt tay vào từ chỗ nào? Bắt tay vào từ “khéo giữ khẩu nghiệp”, kế đến là “khéo giữ thân nghiệp”, “khéo giữ ý nghiệp”; người căn tánh trung hạ thì tuần tự tiến dần, đây là tiệm giáo. Nếu là đốn giáo thì không phải theo tuần tự này. Đốn giáo thì thứ nhất là “khéo giữ ý nghiệp”, như vậy mới nhanh, ý thanh tịnh rồi thì thân và khẩu làm gì không thanh tịnh? Cho nên, đốn giáo là bắt tay từ ý nghiệp, tiệm giáo là bắt tay từ khẩu nghiệp, đây là phương pháp mà Phật giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải có thể thể hội. Khi chúng ta thể hội được thì cũng hiểu được làm thế nào để giúp người khác.
Phật pháp còn như vậy, thế gian pháp há chẳng phải như vậy sao? Cổ thánh tiên hiền Trung Quốc, như Tư Mã Quang, ông chính mình tu học và giúp đỡ người khác; người ta hỏi ông: “Học vấn đức hạnh nên bắt đầu từ đâu?” Ông trả lời họ: “Bắt đầu từ không nói dối”, ý này hoàn toàn giống với Phật. Phải biết quần chúng và mọi người mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống thường ngày chắc chắn là người có căn tánh trung hạ nhiều, việc thành tựu đức hạnh không có gì khác ngoài sự chân thành. Chân thành chính là Phật, rời khỏi chân thành thì bạn đã rời khỏi Phật. Chẳng phải nói tôi mỗi ngày đều ở bên cạnh Phật, mỗi ngày đi nhiễu quanh tượng Phật, vậy có được xem là thân cận Phật không? Không xem là thân cận, mà là rời xa Phật, căn bản không ở cùng với Phật. Nếu nội tâm chân thành thì trên thực tế bạn hằng ngày ở cùng với Phật, mỗi giờ mỗi khắc đều không rời khỏi, chúng ta phải hiểu đạo lý này.
Hôm nay nói về “nói thêu dệt”, thế nào gọi là nói thêu dệt? Từ trên thí dụ mà nói, “thêu dệt” là loại lụa là gấm vóc mà người Trung Quốc chúng ta thường gọi, rất là hoa lệ, mọi người nhìn thấy đều yêu thích. Do đây có thể biết, nói thêu dệt chính là lời nói đường mật, mọi người rất thích nghe, thế nhưng nội dung thì bất thiện. Nếu chúng ta dùng một số thí dụ trong xã hội hiện nay thì mọi người sẽ hiểu được. Mỗi người đều thích xem phim, mỗi người đều thích xem truyền hình, múa hát, âm nhạc, hội họa, ngày nay gọi là văn nghệ, nói thêu dệt là bao gồm toàn bộ văn nghệ, ai mà không thích văn nghệ? Thế nhưng nội dung trong đó bất thiện, nội dung dạy người “tham sân si mạn”, dạy người “giết trộm dâm dối”, nội dung hoàn toàn trái ngược với thập thiện, thứ mà nó biểu đạt, dùng lời hiện nay mà nói là văn nghệ mức độ cao, thế có nguy hại không?
Toàn bộ thế giới ngày nay, xã hội này là xã hội của nói thêu dệt, phương diện ảnh hưởng của nó quá lớn, sức ảnh hưởng quá sâu. Từ xưa đến nay, khởi nguồn của văn hoá đều từ nơi đây mà khởi lên. Thời đại cổ xưa, điểm khởi đầu của văn minh là ca dao. Hiện nay ở thế gian này vẫn còn rất ít dân tộc chưa được khai hóa, hiện nay chúng ta gọi là thổ dân, họ không tiếp xúc với xã hội bên ngoài, họ không có văn hoá, họ thích ca hát và cũng biết khiêu vũ. Cho nên múa hát là khởi nguồn của văn hoá. Trung Quốc ngày trước, cổ thánh tiên vương rất thông minh, thật có trí tuệ, cho nên đối với múa hát, bất luận trên hình thức hay ở nội dung đều biết gia tăng đề phòng, dùng múa hát để đề xướng mặt tích cực của giáo dục, vậy thì có công đức lớn.
Phật cũng dùng phương pháp này để giáo hóa chúng sanh. Trong nhà Phật xem trọng nghi quy, xem trọng âm nhạc, nhà Phật gọi là Phạm âm, Phạm bối. Thế nhưng trong một, hai trăm năm gần đây, trong Phật giáo không có nhân tài loại này, không có nhân tài nghệ thuật âm nhạc, không có người dạy, không có người đề xướng. Lại xem bên Thiên Chúa giáo và Ki-tô giáo thì họ rất xem trọng điều này, nên thành tựu tuyên dương [giáo lý] của họ vượt hơn Phật pháp là có đạo lý, họ dùng âm nhạc để dạy, âm nhạc này bao gồm ca hát. Phật pháp không phải không xem trọng, mà do thiếu nhân tài về phương diện này. Ngày trước, người học Phật bị câu thúc bởi giới luật, đã tạo ra rất nhiều chướng ngại. Chướng ngại hình thành thì không thể nào hiểu sâu nghĩa thú. Cũng chính là nói, chúng ta tiếp xúc với kinh luận của Phật quá ít, hiểu được quá ít, không đủ độ sâu, cho nên không biết được phải làm như thế nào, do đó tạo thành chướng ngại cho việc hoằng truyền Phật pháp trong thời kỳ mạt pháp, hoằng dương lẫn tuyên truyền.
Trong Đại tạng kinh, chúng ta xem thấy quyển sách “Quy Nguyên Cảnh”, hiện tại chúng tôi đem sách này in lại, đã in nhiều lần. Đây là kịch bản, dùng phương pháp côn khúc để biểu diễn, dùng phương pháp bình kịch để biểu diễn. Thế nhưng ngày nay, côn kịch cùng bình kịch thì người thông thường cũng xem không hiểu, trình độ văn hoá quả thật là xuống cấp rồi. Nếu chúng ta xem từ trong sách xưa của Trung Quốc, đích thực đời sau không bằng đời trước. Hiện tại, mọi người xem là phim truyền hình nhiều tập, bình kịch thì xem không hiểu. Thế nhưng cách làm của người xưa đã cho chúng ta một khải thị rất lớn, về phương diện tuyên dương Phật pháp phải nên đi theo hướng sân khấu, phải đi biểu diễn. Về nội dung biểu diễn, thật sự mà nói thì [nội dung] Phật pháp quá phong phú, tất cả kinh điển đều có thể đem viết thành cốt truyện.
Kinh Hoa Nghiêm sau cùng nói về 53 lần tham vấn của Thiện Tài đồng tử, nội dung này rất phong phú, rất hay. Hy vọng người có thiên tư hãy đem bộ kinh này viết thành phim truyền hình nhiều tập. Mỗi một tham vấn là một chủ đề, đương nhiên trong mỗi chủ đề sẽ có nội dung dài ngắn không như nhau, ngắn cũng có thể viết ra được năm sáu kịch bản, một tuần lễ thì chiếu xong, dài thì có thể chiếu một tháng. Dùng phương pháp này để hoằng pháp thì hiệu quả hơn chúng ta giảng kinh không biết là gấp bao nhiêu lần. Chúng ta giảng đến khô hơi khản tiếng nhưng không có mấy người nghe hiểu, biểu diễn trên sân khấu thì hiệu quả này lớn biết bao. Cho nên, chúng ta phải tận dụng khoa học kỹ thuật cao hiện nay, phải chuyển đổi mô hình của Phật pháp.
Gần đây, chúng tôi xây một đạo tràng nhỏ ở Hồng Kông, do cư sĩ bên Hồng Kông phát tâm mua một tầng lầu tặng cho tôi, 3.000 ft² (foot vuông). Cách tính diện tích ở bên đó của họ giống với Singapore, dùng ft²; 3.000 ft² thì ở Đài Loan chưa đến 100 bình, 100 bình là 3.600 ft², 36 ft² bằng 1 bình của Đài Loan, đại khái cũng rộng gần 280 m². Đồng tu bên đó hiện tại đang sửa sang, hôm trước họ gọi điện thoại cho tôi nói muốn thỉnh tượng Phật, tôi nói: “Hết thảy không cần tượng Phật, để người ta bước vào đây, khỏi cảm thấy đây là đạo tràng của Phật giáo.” Họ hỏi: “Vậy phải làm sao?” Tôi nói: “Hoàn toàn dùng cách làm ở phòng thu hình của đài truyền hình, vừa bước vào thì đây là phòng thu hình của đài truyền hình. Có vài pho tượng Phật đặt ở trong tủ, khi dùng thì bưng ra để ở đây làm đạo cụ, không cúng tượng Phật, hoàn toàn dùng nghệ thuật hiện đại để biểu đạt Phật pháp.”
Nói thêu dệt không phải không tốt, người người thích nghe, người người hoan hỷ, quan trọng là ở nội dung. Khổng lão phu tử rất từ bi, san Thi Thư. “San” là gì? Là loại bỏ những chỗ làm lầm lạc chúng sanh. Tiêu chuẩn của “san”, trong Luận Ngữ nói rất hay là “không nghĩ tà”. Chúng ta đọc Thi Tam Bách, đây là bài thơ, thơ ca, ca dao thời xưa, 300 bài, Khổng lão phu tử thu thập chúng lại, thẩm tra giám định: “Một câu để khái quát tất cả, gọi là không nghĩ tà.” Cũng chính là điều mà trong bộ kinh này Phật nói với chúng ta: “Chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, vậy thì tốt rồi. Nếu chúng ta có thể biên tập thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập như hiện nay, tuân thủ nguyên tắc chỉ đạo của Khổng lão phu tử là “không nghĩ tà”, Khổng lão phu tử dùng ba chữ, còn trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo thì văn tự nhiều hơn là “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, nói dài như vậy, Khổng tử chỉ nói ba chữ, như vậy mới có thể giáo hóa chúng sanh.
Chúng ta xem qua xã hội hiện nay, báo chí, đặc biệt là một số phụ bản của báo chí, nội dung dạy nhân nghĩa đạo đức rất ít, còn điện ảnh, truyền hình, hý kịch, múa hát dạy gì vậy? Chúng ta suy nghĩ kỹ thì sẽ biết, [những thứ đó] đều là dạy người làm điều bất thiện, đều là dạy người tranh lợi, buông thả dục vọng, nói tóm lại việc này nguy hại biết bao! Người người đều tranh lợi thì diễn biến đến sau cùng chắc chắn là chiến tranh đổ máu. Mạnh phu tử nói rất hay: “Trên dưới tranh lợi thì quốc gia lâm nguy.” Quốc gia này, từ người lãnh đạo quốc gia cho đến thường dân bên dưới, mỗi người đều tranh lợi, tranh quyền đoạt lợi thì quốc gia này nguy rồi, xã hội sẽ động loạn, quốc gia nguy vong. Ngày nay, toàn thế giới trên dưới đều tranh lợi thì thế giới này nguy rồi.
Cho nên có rất nhiều người nói thế giới ngày tàn, tôi nghe rồi tôi tin tưởng. Thế giới vì sao có ngày tàn? Điều mà xã hội tuyên truyền dẫn dắt là tranh lợi, là buông thả dục vọng thì có thế giới ngày tàn. Điều mà thánh nhân dạy chúng ta, không chỉ là Phật Bồ-tát, chúng ta xem thánh nhân của mỗi tôn giáo, đại thánh đại hiền thế xuất thế gian đều khuyên chúng ta tiết chế dục vọng, khuyên bảo chúng ta sống tiết kiệm, nhẫn nhường, khuyên bảo chúng ta bố thí, cúng dường người khác. Làm gì có tranh lợi? Cho nên, đạo của thánh nhân cùng xã hội hiện nay hoàn toàn trái ngược 180°. Liệu thế giới này của chúng ta có thể cứu được hay không? Thế giới ngày tàn có thể chậm lại được hay không? Có thể đẩy lùi về sau hay không? Có thể tiêu trừ hay không? Đáp án là khẳng định được! Chỉ cần mọi người có thể quay đầu, không cạnh tranh. “Cạnh tranh”, hai chữ này trong sách của thánh hiền thế xuất thế gian đều không có, làm gì có tranh? Trong sách thánh hiền chỉ có nhường, nhất định không có tranh, bạn cần thì tôi dâng hết cho bạn, nhất định không tranh với người. Trong mạng có thì có bỏ cũng không mất được; trong mạng không có, có cầu cũng cầu không được.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói rất rõ ràng, rất tường tận đạo lý, chân tướng sự thật này. Phật nói với chúng ta lý luận và sự thật của nhân quả báo ứng, dạy chúng ta tự cầu đa phước. Chúng ta muốn tiền tài, tiền tài từ đâu mà có? Tiền tài từ bố thí mà ra; càng thí càng nhiều, càng nhiều càng thí. Nhất quyết không phải vì chính mình, mà vì đại chúng xã hội, vì chúng sanh khổ nạn. Chính chúng ta biết đủ thường vui, mỗi ngày ba bữa ăn có thể no bụng là được, quần áo có thể đủ ấm thì đủ rồi, còn muốn làm gì nữa? Dư ra thì phải cho người thiếu thốn, phải cho người đang cần, thánh hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta như thế. Đại thánh đại hiền đều dạy chúng ta: “Không cầu nơi đời, không tranh với người.” “Không cầu nơi đời” là ít muốn biết đủ, người biết đủ thì thường vui. “Không tranh với người”, quyết không tranh lợi với người, danh văn lợi dưỡng nhất định không tranh. Trong đời sống không thể rời khỏi ngũ dục lục trần, nhưng được ít phải cho là đủ, không cần cầu nhiều. Về nhà ở, ở một cái nhà nhỏ là đủ rồi, quét dọn cũng dễ dàng. Bạn ở nhà lớn, mỗi ngày phải tốn bao nhiêu thời gian để dọn dẹp, tự tìm phiền phức. Mấy người có thể nghĩ thông suốt được việc nhiều dục vọng là khổ, cạnh tranh là khổ? Tự tìm cái khổ!
Thế nên chúng ta trước tiên phải nhận thức nói thêu dệt, nội hàm của nó là gì, phải nhận thức nó rõ ràng. Chúng ta có thể dùng thủ pháp này để hoằng pháp lợi sanh, chỉ cần điều chỉnh nội dung lại thì chính xác. Giáo hóa chúng sanh nhất định phải biết được chúng sanh hiện nay có những bệnh gì, chúng ta phải làm thế nào để đối trị căn bệnh đó. Chúng sanh hiện nay bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, cách dạy của chúng ta là phải đề xướng trung hiếu, phải giảng nhân nghĩa. Người khác bất nghĩa với ta, ta phải có nghĩa với họ; họ bất nhân đối với ta, ta phải nhân từ đối với họ, đây là giáo hóa chúng sanh. Họ không biết ân đức, chúng ta tri ân báo ân; họ không biết hiếu thuận cha mẹ, chúng ta hiếu thuận cha mẹ; họ không biết tôn sư trọng đạo, chúng ta biết tôn sư trọng đạo. Làm cho đại chúng xã hội xem, đây là biểu diễn, đời người như vở kịch. Chư Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian chính là làm diễn viên, diễn cho mọi người xem, nói cho mọi người nghe, đây gọi là phổ độ chúng sanh. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.