Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 80/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 80/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười hai, hàng thứ tư từ dưới lên:

Lìa tà hạnh mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; gia đình chánh trực, hòa thuận; mẹ và vợ con sẽ không có người dùng lòng dục để đối đãi. 

Trong bộ kinh này Phật dạy chúng ta, khai thị cho chúng ta thực hành thập thiện nghiệp vào trong sáu ba-la-mật của Bồ-tát hạnh. Trong sáu ba-la-mật thì bố thí được nói rộng, nói rất cặn kẽ, còn năm loại phía sau thì nói sơ lược. Chúng ta đã hiểu được nghĩa rộng rồi, khi Phật nói sơ qua thì chúng ta cũng có thể thông đạt hiểu rõ, đối chiếu với nghĩa rộng của đoạn phía trước, đây gọi là nêu một suy ba. Hy vọng chúng ta có thể thực hành hạnh thiện này vào trong đời sống, vào trong công việc, trong đối nhân xử thế tiếp vật.

Đoạn này nói về không tà dâm. Phần trước đã nói không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm được thực hiện trên bố thí, bố thí thì nhất định được giàu có, cho nên trong mỗi một câu đều có đoạn “thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt”. Đây là sự thật, người thế gian gọi là chân lý, tu nhân chắc chắn có quả báo, bạn muốn rời khỏi quả báo cũng không rời được, quả báo nhất định sẽ đi theo bạn. Hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì chúng ta muốn cầu giàu có không phải là không cầu được. “Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, cầu có đạo lý của cầu, nhất định phải dùng thập thiện nghiệp mà tu bố thí ba-la-mật, tu ba loại bố thí.

Đây là lìa tà dâm, tức là không tà dâm mà hành bố thí. Hai câu phía trước là tổng thuyết, “thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt” là lời nói chung. Phía sau có quả báo riêng biệt là “gia đình chánh trực, hòa thuận”, gia đình của bạn mỹ mãn, ai nấy đều chánh trực, hòa thuận. Thuận là hòa thuận, gia hòa vạn sự hưng, muốn gia đình mỹ mãn là phải tu thiện hạnh thì mới có thể cảm được; nếu hành vi của bạn bất thiện, dù bạn có thể được giàu có nhưng trong nhà của bạn vẫn không được mỹ mãn. “Mẹ và vợ con”, đây là nói những người nữ trong gia đình bạn, khi người bên ngoài tiếp xúc với họ đều là dùng tâm tôn kính, tâm kính ái, tuyệt đối không có ý niệm dâm dục mà cư xử với họ. Từ đó cho thấy, nhân như thế nào thì sẽ cảm quả báo như thế ấy, nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai. Nếu chúng ta muốn gia đình hòa thuận thì nhất định phải đoạn ác tu thiện mới có thể đạt được.

Xã hội ngày nay, vấn đề nghiêm trọng nhất chính là luân lý đạo đức của gia đình đã bị hủy hoại rồi. Người nào hủy hoại vậy? Chúng ta sau khi đọc kinh Phật mới hiểu được, không phải người khác hủy hoại, là chính mình tạo tác những ác hạnh mà hủy hoại. Bản thân chúng ta có tâm tham lam bủn xỉn, cho nên của cải của ta mới có người mưu toan, xâm phạm, đoạt lấy của mình, là do bản thân chúng ta chưa buông xuống tâm tham lam keo kiệt. Sát sanh, người có tâm sát hại chúng sanh mới bị loại quả báo này. Chúng ta thường có tâm muốn chiếm phần lợi của người khác, đây là tâm trộm, cho nên thứ mà chúng ta đạt được cũng thường hay bị người khác dòm ngó. Chúng ta đối với nữ sắc có tâm dâm dục, thì nữ thân quyến trong nhà cũng sẽ gặp rất nhiều điều thị phi. Nhà của bạn sao có thể bình an? sao có thể có hòa thuận cho được? 

Cho nên xem kỹ kinh Phật thì biết được, ngày nay vấn đề gia đình, vấn đề xã hội, vấn đề con cái, thanh thiếu niên, vì sao lại nghiêm trọng đến như vậy? Quay đầu lại nghĩ xem, bản thân chúng ta không tu thập thiện nghiệp, mọi người trong xã hội cũng lơ là điều này. Chúng ta tuy mỗi ngày niệm A-di-đà Phật nhưng vẫn không tránh khỏi tai nạn. Không phải A-di-đà Phật không linh, A-di-đà Phật dạy chúng ta bắt đầu làm từ hiếu thân tôn sư, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp, chúng ta đã làm chưa? Đây là nghiệp nhân quả báo, Phật Bồ-tát không thể chuyển được, nhất định phải biết rằng đây là tự làm tự chịu. Phật Bồ-tát đối với chúng ta chỉ là dạy học, dạy bảo, là làm tăng thượng duyên cho chúng ta. Bản thân chúng ta nghe lời dạy của Phật Bồ-tát, nếu tin được, hiểu được, hành được thì bạn sẽ được quả báo. Được quả báo tức là chứng, bạn đã chứng được rồi. 

Mong các đồng tu chúng ta, trước đây tư tưởng hành vi của chúng ta bất chánh, đó đã là quá khứ, không cần nhắc lại nữa, chúng ta cần phải sám hối. Sám hối như thế nào? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo đại sư Chương Gia: “Có phải là phải lạy mấy bộ kinh sám hối, cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ hay không?” Đại sư Chương Gia lắc đầu nói: “Không phải như vậy!” Tôi hỏi thầy cách sám hối như thế nào? Thật sự sám hối là sửa xưa tu nay, sửa lỗi làm mới, biết sai rồi, đem sai lầm sửa đổi lại, bắt đầu từ hôm nay ta không phạm lỗi lầm này nữa, đây mới là chân sám hối. Cho nên thiện tri thức chân chánh, các ngài rõ lý, trọng thực chất chứ không trọng hình thức. Hình thức có tác dụng gì vậy? Đại sư cũng nói với tôi rất rõ ràng, hình thức thì giống như diễn kịch vậy, làm cho người khác thấy. Hy vọng mọi người trong xã hội nhìn thấy hình thức này rồi thì có thể sanh tâm sám hối, là ý nghĩa này. Chúng ta mới hiểu ra, mọi nghi thức của nhà Phật đều là diễn kịch. Đó là gì? Là tiếp dẫn chúng sanh, là thuộc về tứ nhiếp pháp. 

Bản thân chúng ta tu hành không ở hình thức, mà trong nội tâm phải thật sự giác ngộ. Nội tâm không giác ngộ, không quay đầu thì hình thức dù làm đẹp đến đâu cũng không có ích gì, không giúp được gì, không chuyển nổi nghiệp báo. Cho nên, từ trong nội tâm chúng ta phải phát nguyện làm một người tốt. Người tốt là người thế nào? Người đầy đủ thập thiện nghiệp là người tốt, là người thiện. Nếu trong tâm niệm niệm vẫn là thập ác, đối xử với tất cả chúng sanh vẫn còn có ý oán hận, vẫn còn ý niệm tổn hại thì bạn bất thiện rồi; còn muốn chiếm phần lợi của người khác, đây là tâm trộm, bạn bất thiện rồi; còn khởi lên ý niệm dâm dục là bạn bất thiện rồi. Nếu bạn muốn được quả báo tốt, đến đâu thì có được vậy? Không những là sáu cõi, mà mười pháp giới cũng không ngoại lệ, nghiệp nhân quả báo đều là tự mình tạo tác, tự mình phải nhận lấy; bạn tạo nghiệp thiện thì nhất định được quả thiện, trong kinh gọi là quả báo tốt, bạn chắc chắn đạt được. Bạn tạo tác bất thiện, tuy trong kinh không có nói quả báo, nhưng phía sau trong phần “Tiết Yếu” của đại sư Ngẫu Ích có nói thêm về quả báo của thập ác. Ngược lại của thập thiện chính là thập ác, bản thân chúng ta có thể tưởng tượng ra được, thế nhưng đại sư Ngẫu Ích vẫn rất từ bi, ngài nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng.

Lìa nói dối mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt. 

Đây là tổng thuyết. “Lìa nói dối” chính là không vọng ngữ, dùng tâm chân thành xử sự, đối người, tiếp vật. Thật ra mà nói, hai chữ này xưa nay trong và ngoài nước chân thật là không phân quốc gia, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo đều tán thán, đều hoan hỷ. Quả báo riêng biệt của nó là bốn câu sau đây:

Rời xa mọi hủy báng, nhiếp trì chánh pháp; được như thệ nguyện, việc làm ắt thành. 

Nói dối, nói ly gián là đại giới trong Phật pháp. Trước đây tôi theo thầy Lý nhiều năm, thầy Lý thường hay nhắc nhở chúng tôi phải thận trọng, xưa nay biết bao người tu hành, tu tích công đức nhưng không thể thành tựu, vì sao vậy? Vì từ trong nói dối, nói ly gián mà rò rỉ mất rồi. Phiền não, trong kinh Phật còn gọi là “hữu lậu”, khiến pháp tài công đức của bạn rò rỉ đi hết, công đức mà bạn tu không còn nữa, chảy hết rồi; lỗ rò rất nhiều, lỗ rò của nói dối, nói ly gián là lớn nhất. Nói ly gián là gây chia rẽ thị phi, bạn thường hay dùng tâm không chân thành đối xử với người thì lời bạn nói không có ai tin, bạn nhất định sẽ bị người khác bàn luận, hủy báng. Bạn có thể chân thành, không nói dối mà hành bố thí thì quả báo mà bạn được là “rời xa mọi hủy báng”, không có ai có thể hủy báng bạn.

Trong cửa Phật chúng ta gần 100 năm nay, người được quảng đại quần chúng tán thán mà không hủy báng, có lẽ chỉ có một vị, đó là pháp sư Ấn Quang. Chúng ta không hề nghe người khác hủy báng về ngài, những đại đức khác đều không thể tránh khỏi việc này. Đời này dù tu tốt đến đâu nhưng trong đời quá khứ đã tạo nghiệp. Do đó càng bị quả báo này thì bản thân chúng ta càng phải cảnh giác. Khi bị hủy báng là ác nghiệp trước đây đã báo hết rồi, người khác hủy báng ta, chúng ta nhất định không được hủy báng người, nợ của chúng ta đến đây là hết rồi. Người khác sỉ nhục ta, chúng ta dứt khoát không được khởi ý niệm trả thù, dù bị sỉ nhục hay hãm hại đều là tốt cả, nghịch cảnh đến đều vui vẻ nhận, biết đây là trong quá khứ, hoặc là trước khi học Phật, hoặc là sau khi học Phật rồi vẫn không rõ đạo lý nên đã tạo tác rất nhiều nghiệp ác, phải nhận lấy quả báo. Làm gì có đạo lý tạo ác nghiệp mà không bị ác báo? Nếu bạn tạo ác nghiệp mà không bị ác báo thì bạn tu thiện cũng không có thiện quả, nghiệp nhân quả báo tơ hào không sai. Cho nên không được nói dối, thật thà mà tu thiện, tu bố thí thì bạn có thể “rời xa mọi hủy báng”.

“Nhiếp trì chánh pháp”, lời nói thành tín thì bạn mới có thể tin nhận [chánh pháp], tin nhận này là đối với chính mình, trì là gìn giữ. Lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, bạn tin được, hiểu được và hành được, thì đây chính là nhiếp trì. Chánh pháp, nghĩa hẹp là lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, nghĩa hẹp nhất chính là lời dạy của Phật trong kinh này, đây là chánh pháp; nói theo nghĩa rộng thì lời giáo huấn của tất cả thánh hiền thế xuất thế gian nhất định đều tương ưng với pháp ấn của Phật. Pháp ấn của Phật là gì? “Chớ làm việc ác, vâng làm việc thiện, tự thanh tịnh tâm”, mười hai chữ này là pháp ấn của chư Phật Như Lai, có thể thông với tất cả thánh hiền thế xuất thế gian.

Có một năm ở giảng tọa đại học chuyên khoa tại Đài Bắc, tôi đã mở một môn học là “Liễu Phàm Tứ Huấn”, cũng rất được các bạn học hoan nghênh. Có một vị pháp sư, đương nhiên vị này là đại biểu cho một số pháp sư, đối với tôi rất không hài lòng. Một hôm, tôi gặp một pháp sư tuổi tác lớn hơn tôi, xuất gia cũng lâu hơn tôi, tôi xem thầy ấy như trưởng bối. Thầy gọi tôi đến bên cạnh, đã khiển trách tôi một trận, thầy nói:

– Thầy mở môn học ở giảng tọa đại học chuyên khoa, thầy giảng Phật pháp là tốt rồi, tại sao thầy lại giảng những thứ của ngoại đạo? 

Tôi nghe xong thì thấy rất kỳ lạ, tôi nói: 

– Tôi không có giảng những thứ của ngoại đạo, tôi giảng Phật pháp mà. 

Thầy nói: 

– Liễu Phàm Tứ Huấn không phải kinh Phật. 

Tôi nói:

– Hóa ra thầy nói đến là việc này. 

Tôi nói: 

– Tuy không phải kinh Phật nhưng nó có pháp ấn của Phật ấn định. 

Thầy nghiêm sắc mặt lại, rất tức giận: 

– Pháp ấn gì chứ? 

Tôi nói:

– Chớ làm việc ác, vâng làm việc thiện, tự thanh tịnh tâm, là chư Phật dạy. 

Tôi hỏi: 

– Liễu Phàm Tứ Huấn có phù hợp với pháp ấn này hay không? 

Tôi vừa nói ra thì thầy liền đỏ mặt, quay đầu bỏ đi. Vì vậy, nếu bạn hiểu được đạo lý này thì tâm lượng của chúng ta bèn rộng mở. Không những có thể bao dung Liễu Phàm Tứ Huấn, mà kinh điển của tất cả mọi tôn giáo, những điều nói bên trong đều là dạy người: “Chớ làm việc ác, vâng làm việc thiện, tự thanh tịnh tâm”, đâu có tôn giáo nào không phải là Phật giáo? Đâu có kinh điển nào không phải là kinh Phật? Vậy là đúng rồi. Nếu không thì Thích-ca Mâu-ni Phật vì sao phải truyền bốn câu nói này? Lòng dạ nhỏ hẹp, thường muốn đối lập, đối địch với người khác thì tạo vô lượng vô biên tội nghiệp.

Ngày nay vì sao thế giới loạn như vậy? Lòng người vì sao bất an như vậy? Chính là bởi vì đối lập, không thể bao dung. Mỗi ngày hô hào hòa bình nhưng ý nghĩa của hai chữ “hòa bình” là gì thì không hiểu. Tôi đi tra từ điển thử, xem cách giải thích hai chữ “hòa bình” như thế nào. Sau khi tôi xem xong, không hài lòng với cách giải thích của nó, cho nên tôi đưa ra cách giải thích của tôi, dùng tám chữ là “chung sống hòa thuận, đối xử bình đẳng”. Nếu như tâm chúng ta không bình đẳng thì đừng nghĩ đến hòa thuận, hòa thuận chắc chắn không thể thực hiện được. Trong Phật pháp, trong kinh Phật đã nói với chúng ta quá nhiều, quá nhiều rồi, tâm của Phật là tâm gì? Tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là Phật, tâm lục độ là Bồ-tát, tâm tứ đế là Thanh văn, tâm nhân duyên là Duyên giác, trong kinh Phật nói rất nhiều, rất rõ ràng rồi. Hai chữ “bình đẳng” rất quan trọng! 

Chúng ta đối với tất cả chúng sanh không có tâm cao thấp, lòng người được bình đẳng rồi thì nhìn tất cả người, tất cả việc, tất cả vật đều có thể dùng tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là gì? Rời khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là bình đẳng. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì làm gì có bình đẳng được? Bình đẳng thì mới có thể chung sống hòa thuận. Có vị thánh hiền nào mà không dạy người chung sống hòa thuận đâu? Cho nên, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, “nhiếp trì chánh pháp”.

“Được như thệ nguyện, việc làm ắt thành”, sự mong cầu của mỗi người không như nhau, có người cầu làm Phật, có người cầu phú quý trời người. Có cầu tất ứng, không có chuyện cầu không được. Chỉ cần bạn hết lòng dùng tâm chân thành tu thập thiện nghiệp đạo thì nguyện vọng của bạn ắt có kết quả. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.