Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 91/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 91/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, kinh văn hàng thứ tư:

Tâm từ trang nghiêm nên đối với các chúng sanh không khởi tâm não hại.

Dưới đây là từ bi hỷ xả, đây là nói tứ vô lượng tâm, thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong từ bi hỷ xả. “Đối với các chúng sanh không khởi tâm não hại”, điều này trong xã hội hiện nay vô cùng quan trọng. Trong thế kỷ này, mỗi một quốc gia khu vực trên toàn thế giới đều tập trung sức lực vào việc theo đuổi sự giàu có, mà đã lơ là giáo dục của thánh hiền. Đặc biệt là nửa thế kỷ gần đây nhất, có thể nói là chúng ta đã mất hết ý nguyện tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền, cho nên mới dẫn đến động loạn trong xã hội hiện nay, lòng người không còn nơi nương tựa, hậu quả nghiêm trọng là thế giới không hòa bình. Nếu chúng ta vẫn không thể tỉnh ngộ ra, vẫn không biết quay đầu, thì lời tiên tri cổ xưa nói về ngày tận thế có thể thật sự sắp ứng nghiệm, đây là sự việc rất bi ai, rất đáng sợ. 

Chúng ta không chỉ muốn cứu vãn kiếp vận của thế giới, mà mức thấp nhất là phải biết cứu chính mình, phải cứu gia đình mình. Nếu bạn muốn nghĩ đến làm thế nào cứu chính mình, làm thế nào cứu vãn vận nhà của mình, mà bạn không quay về với giáo huấn của cổ thánh tiên hiền thì đó là việc không thể. Hiện nay thế gian này, quả thật mà nói, chỉ có số ít người giác ngộ, ít người chịu quay đầu, nhưng sự tỉnh giác của số ít người này không thắng nổi cộng nghiệp của mọi người. Có hiệu quả hay không? Không thể nói không có hiệu quả. Không những trong tôn giáo thừa nhận con người có kiếp sau, mà chúng ta hiện nay nhìn thấy không ít tạp chí, sách vở của phương Tây cũng đang nghiên cứu thảo luận tin tức về thế giới tâm linh. Những năm gần đây, người phương Tây rất hứng thú đối với điều này, họ hy vọng có thể đột phá sự hạn chế của khoa học, tìm tòi nghiên cứu sự tồn tại của siêu khoa học. Chúng ta nghe thấy rồi, đây là một tin vui, nếu nhiều người biết rõ là còn có kiếp sau thì đời này họ sẽ tu thiện. Mặc dù có cộng nghiệp bất hạnh, chúng ta bị tai nạn nhưng chúng ta còn có kiếp sau, kiếp sau nhất định sẽ đẹp, sẽ tốt hơn hoàn cảnh sống của đời này. Từ đó cho thấy, hành thiện thì chắc chắn có giá trị.

Hành thiện trước tiên phải có tâm thiện, trong bộ kinh này Phật dạy chúng ta ngày đêm thường niệm thiện pháp, đây là tâm thiện. Thế nào là tâm thiện? Từ bi hỷ xả là tâm thiện. Người có thể dùng thập thiện nghiệp mà tu từ bi hỷ xả thì nhất định sanh thiên, chắc chắn được phước trời. Trước đây tôi đã từng nghe có người nói, phước trời ở trên trời vẫn không thể khiến con người thỏa mãn, tức là trên trời tuy tốt nhưng vẫn không phải là tận thiện tận mỹ. Nếu tình hình hiện nay trên trái đất cứ tiếp tục diễn biến như vậy thì không thể sống được nữa, có rất nhiều người muốn tìm nơi an toàn để tránh tai nạn, nhưng tôi thành thật nói với mọi người, trên thế giới này không có nơi nào an toàn, nơi thật sự an toàn, hạnh phúc mỹ mãn, không có khiếm khuyết là thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật. Tôi đã nghe không ít người nói, hiện nay ngay cả quỷ thần cũng đều hướng về thế giới Cực Lạc. Lần này có một số đồng tu của chúng ta đến Trung Quốc thọ giới đã trở về, họ cũng nghe tin tức này. Họ trở về kể với tôi, quỷ thần nhập vào thân người, nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, hiện tại họ cũng đang nghe kinh, cũng đang niệm Phật, còn mong được quy y. 

Sự việc này có thể tin hay không vậy? Có thể tin. Bởi vì chúng tôi ở đây đã tận mắt chứng kiến oan thân trái chủ của lão lâm trưởng chúng ta nhập vào người của một đồng tu ở Cư Sĩ Lâm tên Đỗ Mỹ Tuyền, họ cũng mong muốn quy y, cũng mong muốn nghe kinh, cho nên đây là điều có thể tin được. Sau khi quỷ thần rời khỏi thân thể, họ hỏi ông ấy có cảm giác thế nào thì ông hoàn toàn không biết gì, ông chỉ cảm thấy rất mệt, đầu óc rất mê man. Nói chuyện hơn một giờ đồng hồ mà một câu ông ấy cũng chẳng biết, giống hệt tình trạng của Đỗ Mỹ Tuyền vậy. Đây là điều chúng tôi tận mắt chứng kiến, chính tai nghe thấy, không phải giả. Điều này trong tam chuyển pháp luân của Phật pháp gọi là “tác chứng chuyển”, họ đến làm chứng minh cho chúng ta, chắc chắn không phải hư vọng, chắc chắn có đời sau, có kiếp sau, vì sao chúng ta không làm người tốt? 

Gieo nhân thiện thì được quả thiện, thân thể sống hay chết không sao cả, không đáng để ở trong tâm. Người thông minh, người có trí tuệ phải biết mở rộng tâm lượng, bao dung tất cả. Mở rộng tâm lượng, trên thực tế tâm lượng của mỗi một chúng sanh đều là trùm khắp hư không pháp giới, cùng với chư Phật Như Lai không hai không khác. Tâm lượng lớn như vậy, nhưng vì sao lại biến thành nhỏ hẹp? Nguyên nhân này chính là vô thỉ kiếp đến nay chúng ta đã mê mất chính mình, trong thuật ngữ của Phật pháp gọi là đã mê mất tự tánh. Tự tánh là chính mình, là bản tánh của chính mình, vậy mà sanh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; chấp trước càng ngày càng nghiêm trọng, cho nên tâm lượng trở nên nhỏ như vậy, chung sống với người khác thì việc gì cũng không hợp nhau, cho nên mới tạo thành lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi do vậy mà hình thành, vốn dĩ không có lục đạo, trong kinh Phật nói với chúng ta, vốn dĩ là nhất chân pháp giới, lục đạo chẳng phải thật; không những lục đạo không phải thật, mà tứ thánh pháp giới cũng không phải thật. Ngày nay trở thành như thế này, chúng ta trách ai đây? Chỉ trách chính mình, vì sự việc này bất kỳ người nào cũng không thể ảnh hưởng bạn được, xác thực là tự làm tự chịu. Phật Bồ-tát từ bi, các ngài là người từng trải, nhìn thấy chúng ta mê hoặc điên đảo, tạo tác ác nghiệp, ở đây chịu khổ báo, nên các ngài dùng tâm thương xót vô tận mà thức tỉnh chúng ta, Phật Bồ-tát giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta là để thức tỉnh chúng ta. Sau khi chúng ta nghe rồi phải giác ngộ, phải quay đầu, quay đầu là bờ.

Vì sao chúng ta học tập mỗi ngày mà vẫn không giác ngộ, vẫn không thể quay đầu, nguyên nhân ở đâu vậy? Là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nghiêm trọng. Thế nào là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước? Cái mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước kết thành chính là tự tư tự lợi, bạn đem tự tư tự lợi phân tích ra thì chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tự tư tự lợi là sự kết hợp chung của vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, biến thành thứ như vậy. Nếu không phá vỡ thứ này, nếu không thể hóa giải thì Phật Bồ-tát dẫu từ bi đến đâu cũng không cách gì thức tỉnh bạn được; cho dù hằng ngày bạn nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, nghe suốt 49 năm, bạn cũng không biết quay đầu, bạn cũng không biết giác ngộ, đạo lý là ở chỗ này. 

Thế nhưng Phật nói, tất cả chúng sanh nhất định có một ngày quay đầu giác ngộ, nhưng ngày đó là ngày nào thì rất khó nói, có lẽ vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp sau. Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh trong lục đạo, Phật cũng nói rồi, độ dài của thời kiếp đó đều là con số thiên văn. Thọ hết những nỗi khổ này, có lẽ bạn sẽ giác ngộ, sẽ quay đầu. Tướng của giác ngộ như thế nào thì Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức đều thị hiện cho chúng ta rồi, thân tâm thế giới vạn duyên buông xuống, đây là giác ngộ chân thật; nếu bạn còn có mảy may không buông xuống thì bạn chưa giác ngộ, phải buông xuống triệt để. Sau khi buông xuống rồi thì bạn chắc chắn giống như chư Phật Bồ-tát vậy, dùng tâm đại từ đại bi giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, giáo hóa chúng sanh vĩnh viễn không ngừng nghỉ. 

Nhà Phật thường nói: “Trong cửa nhà Phật không bỏ một ai.” Câu nói này mọi người đều hiểu rõ, nhưng có một số người đối với câu nói này lý giải chưa đủ thấu triệt, vẫn sinh ra nghi hoặc: “Trong cửa nhà Phật không bỏ một ai, tại sao Phật Bồ-tát lại từ bỏ tôi? Tại sao không độ tôi?” Có người nêu ra vấn đề này với tôi: “Địa ngục chưa trống không thì thề không thành Phật, tôi hiện nay vẫn chưa được độ, vì sao ngài lại thành Phật?” Đây là bạn hiểu sai rồi. Hôm nay bạn có thể nghe được danh hiệu của Phật, nhìn thấy hình tượng của Phật, là Phật không hề từ bỏ bạn. Bản thân bạn không thể được độ, nguyên nhân ở đâu vậy? Bạn không nghe lời, bạn chưa y giáo phụng hành. Bất luận là Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, Phật đều dạy chúng ta tu thập thiện nghiệp đạo, thập thiện nghiệp là môn học chung, môn học cơ bản, bạn đã làm được chưa? Sát sanh, trộm cắp, dâm dục, bạn có buông xuống chưa? Những thứ này là nghiệp chướng, những thứ này là gốc rễ của sinh tử luân hồi, bạn không chịu buông xuống thì còn cách nào đây? Phật không phải là không dạy bạn, ngài dạy cho bạn rồi. Nói dối, nói ly gián, nói thô ác, nói thêu dệt gây nên sự xung đột giữa người với người, gây bất hòa giữa người với người, tất cả mọi tai họa do con người tạo là từ đây mà ra. Bạn có thể buông xuống chúng thì thiên tai nhân họa sẽ không còn nữa. Mọi người đều biết tham sân si là tam độc phiền não, vô lượng vô biên phiền não đều từ ba thứ này sinh ra, ba thứ này là căn bản phiền não. Phật thật sự đã dạy chúng ta rồi, Phật không hề từ bỏ chúng ta, do chúng ta tự mình vứt bỏ chính mình, không phải Phật từ bỏ chúng ta.

Buông xuống thập ác nghiệp thì chính là thập thiện nghiệp, hoàn toàn không phải là buông xuống thập ác nghiệp thì ngoài ra còn có thập thiện nghiệp nữa, không có; buông xuống thập ác thì chính là thập thiện, chính là tâm thiện. Thực hành tâm thiện này vào trong đời sống, thực hành vào trong công việc, thực hành vào trong đối nhân xử thế tiếp vật thì chính là Phật pháp, Phật pháp không lìa đời sống. Trong kinh văn này Thế Tôn nói rất hay, kinh văn này không dài, vì sao vậy? Tiện lợi cho người sơ học, học Phật phải bắt đầu học từ chỗ này. Nhất định phải nhớ thật kỹ lời giáo huấn của Phật, phải y giáo phụng hành, phải dùng tâm từ bi đối đãi với tất cả chúng sanh. Từ bi chính là tâm thương yêu vô điều kiện, chúng ta yêu bản thân, hãy dùng tâm thương yêu giống như yêu chính mình mà yêu thương tất cả chúng sanh. Nhà Nho gọi là “điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người”, đây là tâm từ. 

Thực hành thập thiện vào trong tâm từ, “đối với các chúng sanh không khởi tâm não hại”, tuyệt đối không có ý niệm tổn hại chúng sanh. Không những là không tổn hại chúng sanh, mà tuyệt đối không khởi ý niệm khiến chúng sanh vì ta mà sanh phiền não, vậy thì bạn thật sự có thể làm được điều mà trong kinh điển gọi là “nơi mà Bồ-tát ở sẽ khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ”. Việc này Bồ-tát Di-lặc đã biểu hiện, đặc biệt là ở Trung Quốc, việc hòa thượng Bố Đại biểu hiện khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ, đó là “từ”. Nội dung thực chất của từ chính là thập thiện nghiệp, không có thập thiện nghiệp thì lòng từ đó là giả bộ, không phải thật. Do đây có thể biết, rất nhiều cương mục mà trong Phật pháp đã nói, nội dung thực chất của mỗi một cương mục đều là thập thiện nghiệp đạo, rời khỏi thập thiện nghiệp đạo thì không có Phật pháp để nói. Chúng ta phải biết đạo lý này, phải hiểu rõ chân tướng sự thật, hết lòng nỗ lực đoạn thập ác, tu thập thiện. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.