Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 90/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 90/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ ba:

Trí tuệ trang nghiêm nên có thể đoạn hết thảy phân biệt, vọng kiến.

Phía trước đã nói thực hành thập thiện nghiệp đạo vào trong sáu ba-la-mật của Bồ-tát, đoạn sau cùng này nói về bát-nhã ba-la-mật. Tam học giới định tuệ là ba nguyên tắc mà mười phương ba đời tất cả chư Phật từ sơ phát tâm cho đến viên mãn Bồ-đề nhất định phải tuân thủ. Định là thể của tâm, tuệ là quán chiếu của tâm, giới là hành vi của tâm, cho nên gọi là tam học, cũng gọi là tam bảo. Tuệ là Phật bảo, định là pháp bảo, giới là tăng bảo, chúng ta gọi là tam bảo Phật pháp tăng, đầy đủ tam bảo thì gọi là hành đạo Bồ-tát, gọi là học Phật. Thiếu một điều trong ba điều thì chắc chắn không thể thành tựu, cổ nhân nói ba điều này ví như ba chân của cái vạc, thiếu một chân thì sẽ ngã đổ, không thể đứng được. Vì vậy, chúng ta muốn học Phật thì không thể không xem trọng ba điều này. Quý vị hãy suy nghĩ thật kỹ, vô lượng vô biên pháp môn, nếu bạn đem chúng quy nạp lại thì cuối cùng quy nạp thành ba điều này, cho nên tam học là tổng cương lĩnh hành môn của Bồ-tát. 

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là giới học, là đại căn đại bản trong giới học. Trong đời sống thường ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải tương ưng với thập thiện thì mới gọi là người học Phật. Nếu vẫn tương ưng với thập ác thì đó là đi ngược lại với Phật pháp, càng đi càng xa. Dứt khoát không được cho rằng giới nhỏ thì có thể bỏ. Tư tưởng này ở thời cận đại vô cùng thịnh hành, thậm chí là trong lúc chúng ta thọ giới, khi tôi thọ giới, pháp sư trong giới đàn, thầy truyền giới cũng đều nói giới nhỏ có thể bỏ, cho rằng chúng ta phải giữ đại giới, không được phép phạm, còn giới nhỏ thì không sao cả. Phật giáo ngày nay suy vi, suy đến mức độ này, nguyên nhân là gì? Là giới nhỏ có thể bỏ, hỏng ở tại chỗ này. Tuyệt không biết rằng tích tiểu ác sẽ thành đại ác, chúng ta đã lơ là việc thiện nhỏ. Không chịu làm việc thiện nhỏ, nhưng chẳng thể ngăn bản thân không tạo ác nhỏ, cho nên tuy cả đời học Phật nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi đọa ác đạo, nguyên nhân này ở đâu thì chúng ta nhất định phải hiểu rõ, nhất định phải sáng tỏ. 

Người tu hành chân thật, quan niệm của họ hoàn toàn ngược lại với chúng ta, họ chịu làm việc thiện cực nhỏ, với việc ác cực nhỏ họ rất cẩn thận, họ đều không phạm, cho nên họ có thể thành tựu, đây gọi là trí tuệ chân thật. Người thế gian là khôn vặt mà hư việc lớn. Trong sáu cương lĩnh hành môn của Bồ-tát, năm điều phía trước đều chú trọng ở trên sự, điều sau cùng này là ở trên lý, điều này phải làm như thế nào? Phật nói với chúng ta rất rõ ràng trong kinh luận, lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chính là tuệ. Trong kinh Bát-nhã nói “tam luân thể không”, chúng ta tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, lìa tất cả tướng, tu tất cả pháp, đây gọi là bát-nhã ba-la-mật. Cho nên, bát-nhã không thể tách rời năm phần phía trước, lìa khỏi năm phần trước thì bát-nhã tan thành mây khói, vì bát-nhã đó chỉ có lý, không có sự, cho nên tan vỡ; cần phải có lý, có sự thì bát-nhã mới viên mãn, không đến nỗi lệch một bên.

Chúng ta đều đã từng nghe qua, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, bản thân ngài giảng kinh thuyết pháp 49 năm, trong đó đã dùng 22 năm trong 49 năm để giảng bát-nhã. Chúng ta nhìn từ lịch sử thì mới biết, Phật giáo hóa chúng sanh đích thực là lấy bát-nhã làm trung tâm, nếu không có bát-nhã thì năm điều phía trước là thiện, từ bố thí cho đến thiền định đều là thiện. Bạn tu bố thí, tu trì giới, tu nhẫn nhục, tu tinh tấn, tu bốn điều phía trước này thì quả báo của bạn ở trời Dục giới. Nếu bạn tu thiền định thì quả báo của bạn ở trời Sắc giới, trời Vô Sắc giới, cũng chỉ là hưởng phước trời, không ra khỏi tam giới. Nếu trong đây bạn có tu bát-nhã ba-la-mật thì bạn ra khỏi tam giới, không những ra khỏi tam giới mà còn ra khỏi thập pháp giới, vậy mới đạt được thành tựu cứu cánh viên mãn. 

Phật giảng bát-nhã 22 năm, giảng nhiều như vậy, nếu chư vị đọc kinh Đại Bát-nhã, đây là bộ kinh lớn nhất trong kinh Phật, kinh Hoa Nghiêm chỉ có 80 quyển, còn kinh Đại Bát-nhã có 600 quyển, trong kinh có những câu lặp lại hơn cả ngàn lần, vạn lần. Cho nên có người nói, người Trung Quốc không thích lặp lại, người Trung Quốc từ xưa đến giờ thích đơn giản rõ ràng, văn tự ngôn ngữ đều ưa chuộng đơn giản vắn tắt, vừa rõ ràng vừa tường tận, đây là tiêu chuẩn của ngôn ngữ văn chương thời xưa. Có thể đạt được tiêu chuẩn này thì là văn chương hay, ngôn ngữ hay, mới không dài dòng. Nhưng mà tập tánh của người Ấn Độ với người Trung Quốc không như nhau, người Ấn Độ ưa thích lặp lại liên tục, lặp lại hết lần này đến lần khác, chúng ta tỉ mỉ suy nghĩ thì thấy nó có cái hay của nó. Nếu nói một lần, vài lần thì ít người quay đầu giác ngộ. Bao giờ cũng là ngàn lần dặn dò, vạn lần nhắc nhở thì họ mới quay đầu, mới thật sự giác ngộ. Đối với người Trung Quốc hiện nay mà nói thì phương pháp này của Phật pháp có hiệu quả. Phương pháp cổ xưa của Trung Quốc chúng ta tuy hay nhưng hiệu quả không bằng Phật pháp, Phật pháp coi trọng việc lặp lại liên tục. Cho dù bạn đã quay đầu, đã giác ngộ rồi, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh rồi nhưng vẫn lặp lại như vậy, nguyên nhân là gì? Bạn giác ngộ rồi nhưng người khác chưa giác ngộ, Phật pháp lấy lợi ích chúng sanh làm đầu, sau đó mới là tự lợi, sự khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa thật ra mà nói chính là ở điểm này. 

Pháp Đại thừa là lấy lợi ích chúng sanh làm đầu, cho nên đem từ bi đặt ở trước; pháp Tiểu thừa thì lấy tự lợi làm đầu, cho nên đặt tịch tĩnh ở trước. Pháp mà Trung Quốc tiếp nhận là pháp Đại thừa, ở trong từ bi tu tịch tĩnh, đây là tự lợi lợi tha vẹn cả đôi đường. Tịch tĩnh là thiền định, phải thực hành từ bi vào trong bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nếu như tách khỏi bốn điều phía trước này thì từ bi chỉ là lời nói suông. Phải thực hành từ bi vào trong đời sống thường ngày, phần trước cũng đã báo cáo ý nghĩa này với quý vị rồi. Nhất định không được gián đoạn tâm bố thí, vì bố thí là lợi ích chúng sanh, lợi ích chúng sanh khổ nạn. 

Những người nào có khổ nạn vậy? Sáu cõi trong tam giới, người nào cũng có khổ, có nạn, chỉ là khổ nạn họ phải chịu khác nhau mà thôi. Có một số người bất luận trên tinh thần, vật chất, thân tâm đều chịu khổ nạn, rất đáng thương; có một số người hưởng thụ vật chất rất đầy đủ nhưng tinh thần rất cực khổ; lại có một số người hưởng thụ tinh thần đầy đủ nhưng trong đời sống vật chất lại gian khổ. Tuy trong tam giới, người có phước báo lớn nhất, trong kinh Phật thường nêu ví dụ về Đại Phạm thiên vương, Ma-hê-thủ-la thiên vương là người có phước báo lớn nhất trong tam giới, họ có khổ nạn hay không? Họ có. Họ có khổ nạn gì vậy? Không ra khỏi luân hồi, đây là khổ nạn của họ. Không ra khỏi luân hồi; hay nói cách khác, thì nhất định phải chịu luân hồi, họ hưởng hết phước trời rồi thì nhất định phải đọa lạc. 

Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là thiện ác xen tạp, không có thuần thiện, cũng không có thuần ác, chỉ là thiện nhiều hay là ác nhiều mà thôi. Tất cả chúng sanh thọ báo khác nhau, mỗi người đều là tự mình tạo, tự mình nhận. Nếu chúng ta hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi thì chúng ta sẽ khai trí tuệ, tuyệt đối sẽ không oán trời trách người. Người khác dụ dỗ bạn tạo tội, vì sao bạn tiếp nhận? Cho nên vẫn là trách chính mình, không thể trách người khác. Họ cám dỗ ta, vì sao ta không cám dỗ họ? Ắt có nhân từ trước, nhân duyên quả báo tơ hào không sai, cho nên Phật dạy chúng ta phải có định, phải có tuệ; có định, có tuệ thì hành vi của bạn sẽ tương ưng với giới.

Nói đến giới học là nói nghĩa rộng, nhất định không phải nghĩa hẹp. Hiện nay rất nhiều người học Phật khi nghe đến giới thì liền nghĩ đến ngũ giới, tỳ-kheo giới, tỳ-kheo-ni giới, Bồ-tát giới, đều nghĩ đến những giới này, phạm vi quá nhỏ hẹp, đây là Phật dạy cho người mới học, còn dạy Bồ-tát thì không phải cách dạy này. Nếu các bạn xem ba đoạn phía trước của Tứ Thập Hoa Nghiêm, tỳ-kheo Kiết Tường Vân là đại biểu cho Phật bảo, tỳ-kheo Hải Vân đại biểu cho pháp bảo, tỳ-kheo Diệu Trụ đại biểu cho tăng bảo, điều trong đây nói so với Đại thừa thông thường nói chỉ có hơi chút khác biệt. Tỳ-kheo Kiết Tường Vân dạy chúng ta pháp môn niệm Phật, dạy Thiện Tài chính là dạy chúng ta, pháp môn niệm Phật chú trọng ở niệm Phật tam-muội, chú trọng ở định học; tỳ-kheo Hải Vân nói pháp, pháp chú trọng ở trí tuệ; tỳ-kheo Diệu Trụ chú trọng ở giới hạnh. Cho nên, ba thứ mà họ đại biểu là tam học giới định tuệ, là tam bảo Phật pháp tăng. 

Định và tuệ có thể làm thể và dụng cho nhau. Định là thể, định khởi tác dụng chính là tuệ; tuệ là thể, tuệ khởi tác dụng chính là định, định và tuệ là một, chẳng phải hai. Bạn xem, giới học mà tỳ-kheo Diệu Trụ nói là rất rộng lớn. Ngài đại biểu cho Đại thừa, ngài nói ra 18 loại giới, chính là 18 loại lớn của giới học, điều đầu tiên chính là tâm đại bi. Chúng ta không nhìn thấy tâm đại bi trong giới điều, nhưng điều đầu tiên là đại bi, “giới không bỏ tâm đại bi”, cho nên Bồ-tát niệm niệm phải thương xót tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Thế nào là khổ? Lục đạo, thập pháp giới là khổ, làm sao giúp họ thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới. Được vui là gì vậy? Chứng được nhất chân pháp giới, đó gọi là vui, tiêu chuẩn của lìa khổ được vui được ấn định ở chỗ này. Không phải nói bạn hôm nay không có ăn, chúng tôi tặng một ít đồ ăn cứu trợ bạn, để bạn được ăn no là bạn lìa khổ được vui, đây là việc nhỏ, là lông gà vỏ tỏi. 

Tiêu chuẩn của khổ vui đích thực là làm thế nào có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi thập pháp giới, đây gọi là Phật pháp Đại thừa. Mục tiêu sau cùng của Đại, Tiểu thừa cũng khác nhau, mục tiêu cuối cùng của Tiểu thừa là thoát khỏi lục đạo luân hồi, lìa khổ được vui; còn mục tiêu sau cùng của Đại thừa là thoát khỏi thập pháp giới, hai mục tiêu này không giống nhau. Cho nên, Tiểu thừa chứng được quả A-la-hán thì họ cho rằng đó là viên mãn rồi, A-la-hán đã thoát khỏi lục đạo luân hồi. Bồ-tát thì không như vậy, Bồ-tát phải thoát khỏi thập pháp giới, A-la-hán còn ở trong thập pháp giới. Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật, đây là thập pháp giới. A-la-hán cho rằng có thể đạt định là được rồi, chúng ta thấy trong kinh Lăng-nghiêm, định bậc thứ chín thì ra khỏi lục đạo. Định cao nhất của lục đạo là định thứ tám, chúng ta gọi là tứ thiền bát định, định này chưa thoát khỏi tam giới, đến định bậc thứ chín mới vượt qua. Thế nhưng định này vẫn không thể ra khỏi thập pháp giới, mà nhất định phải khai tuệ, sau khi khai trí tuệ rồi thì có thể ra khỏi thập pháp giới. Quả báo của họ được nói rất rõ ràng là “đoạn hết thảy phân biệt, vọng kiến”, vọng kiến chính là vọng tưởng; phân biệt thì chúng ta còn gọi là phân biệt, chấp trước. Sau khi khai trí tuệ rồi thì có thể lìa tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. 

Phải làm thế nào giúp chúng ta khai trí tuệ vậy? Chúng ta ở trong đời sống trước mắt, đối với tất cả người, việc, vật cố hết sức đừng phân biệt, đừng chấp trước, đừng đem những sự việc này để ở trong tâm. Đem những sự việc này để ở trong tâm thì chính là vọng tưởng, không để chúng ở trong tâm thì không còn vọng tưởng nữa. Nếu quả thật trong tâm không phân biệt, không chấp trước thì dễ khai ngộ. Nhà Phật thường nói căn tánh nhạy bén, căn tánh chậm lụt. Người căn tánh nhạy bén chính là không đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước để ở trong tâm, những thứ này rất tan nhạt, đây là căn tánh nhạy bén. Người có phân biệt, chấp trước rất nặng thì căn tánh rất chậm lụt, không dễ khai ngộ. Cho nên, tổ sư đại đức dạy chúng ta phải “nhìn thấu, buông xuống”, từ chỗ này mà bồi dưỡng căn tánh Đại thừa viên đốn của chúng ta. Từ bộ kinh này chúng ta thấy, Phật chỉ dạy chúng ta thập thiện là nền tảng của hành môn, cũng chính là nền tảng của giới hạnh, thập thiện là thuộc về giới, thực hành vào bố thí, thực hành vào trì giới, thực hành vào nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã, tuệ này là bát-nhã. Thực hành như thế nào thì họ được lợi ích như thế ấy. Phật đã nói rất cặn kẽ về bố thí, những điều phía sau Phật chỉ nêu lên điểm chính yếu để chúng ta từ một mà suy ba, nghe một biết mười. 

Đoạn này là thực hành thập thiện vào sáu ba-la-mật, chúng tôi đã giới thiệu đơn giản xong. Chúng ta nhìn thấy phương pháp trình bày trong kinh điển thì biết được đây là Đại thừa, không phải Tiểu thừa. Tiếp theo đoạn thứ hai nói về tứ vô lượng tâm: từ – bi – hỷ – xả. Từ chỗ này ta thấy, Thế Tôn trước tiên dạy Bồ-tát, sau đó dạy đại chúng trời người, sau cùng mới khuyên Tiểu thừa. Cách thức sắp xếp của ngài khiến chúng ta từ chỗ này có sự thể hội sâu sắc, nhìn thấy Phật giúp đỡ chúng sanh như thế nào để họ ở trong một đời nhanh chóng viên thành Phật đạo. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.