PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 118/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay, chúng tôi tiếp tục giảng đến câu thứ tư trong ngũ căn: “Vắng lặng điều thuận.” Đây là tác dụng khởi lên từ việc thực hành thập thiện nghiệp vào trong “định căn”, đó chính là vắng lặng điều thuận. Pháp thế xuất thế gian nếu không có “định căn” thì nói theo hiện nay chính là không có chí nguyện kiên định, thế là tâm của họ dao động, đứng núi này trông núi nọ, rất dễ dàng bị sự dụ hoặc của cảnh giới bên ngoài mà dao động tâm chí, như vậy pháp thế xuất thế gian đều không thể thành tựu. Do đó, nói một cách đơn giản thì “định” chính là “trong lòng đã có định liệu”, trong nội tâm của chính mình có chủ tể. Cái chủ tể này không phải là thành kiến, có một số người thành kiến rất sâu, họ cũng sẽ không bị ngoại cảnh bên ngoài dao động, nhưng so với điều chúng ta nói ở đây hoàn toàn không như nhau. Vì sao vậy? Định này của chúng ta là từ tín, tấn, niệm mà sanh ra. Phía trước có tín, tấn, niệm, cho nên định này là chánh định, chắc chắn không phải là tà định; còn loại người thành kiến rất sâu dường như là có sức định, nhưng cái định đó là tà định, không phải chánh định. Chỉ có chánh định mới có thể dựng đại công, lập đại nghiệp, có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, điều này chúng ta cần phải tu học.
Trong Giáo thừa pháp số có cách giải thích thông thường là: “Nhiếp tâm vào chánh trợ, tương ưng không tán loạn”, đây là cách giải thích thông thường. Kinh văn chỗ này nói với chúng ta là “vắng lặng điều thuận”. Vắng lặng là tâm địa thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tự nhiên sanh ra tác dụng điều thuận. Điều là tự thọ dụng, thuận là tha thọ dụng, Bồ-tát Phổ Hiền “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”, ngày nay vì sao chúng ta không thể hằng thuận chúng sanh? Vì chúng ta không có công phu “vắng lặng điều hòa”. Nói theo hiện nay thì điều là điều hòa, điều chỉnh. Điều chỉnh cái gì? Nói tóm lại là điều chỉnh tất cả phân biệt, chấp trước. Chúng ta không thể tùy thuận chúng sanh, đó là bởi vì chính mình có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu có thể đem những thứ này thảy đều buông xuống hết, điều chỉnh thân tâm của chúng ta rồi thì tương ưng viên mãn với tánh đức. Tánh đức giống như nước vậy, nó có thể tùy theo địa hình, nó không hề có chấp trước, địa hình cong thì nó chảy cong, địa hình thẳng thì nó chảy thẳng, nó nhất định không cố chấp là “ta nhất định phải có cách đi như vậy”, nước không như thế. Nếu có thể điều chỉnh thân tâm của chính mình như vậy thì chúng ta sẽ được đại tự tại. Chung sống với tất cả chúng sanh, thuận cảnh rất tốt, nghịch cảnh cũng rất tốt, thế nào cũng tốt, như vậy mới có thể chân thật làm được hằng thuận chúng sanh; đối với chính mình đều không có chút chướng ngại nào, tâm của chính mình vĩnh viễn là vắng lặng, bất động.
Chúng ta qua lại với tất cả chúng sanh, tâm của chúng ta dao động, đây là sai lầm lớn! Làm thế nào có thể làm được tâm tịch tĩnh, không động? Trong tâm phải giống như trong Đàn Kinh đã nói: “Xưa nay không một vật.” Không một vật thì đương nhiên là không động. Hiện tại trong tâm của chúng ta có vật, không chỉ là một vật, mà là vô lượng vô biên các thứ linh tinh, cho nên tâm bèn động, không phải tịch tĩnh. Động là vọng tâm, tịch là chân tâm. Tại sao Tông môn nhấn mạnh việc tu định? Không chỉ là Tông môn, mà Phật pháp Đại, Tiểu thừa, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, vô lượng pháp môn (pháp là phương pháp, môn là con đường) cũng chính là nói tuy phương pháp, cách thức không giống nhau, nhưng mục tiêu của nó đều là thiền định. Tịnh độ tông chúng ta là dùng phương pháp chấp trì danh hiệu để tu thiền định, “nhất tâm bất loạn” chính là thiền định. Nếu pháp môn này không tương ưng với giới định tuệ thì khẳng định đó không phải là Phật pháp. Cho nên, chúng ta muốn phân biệt nó có phải là Phật pháp hay không, một phương pháp rất đơn giản là xem nó có tương ưng với giới định tuệ hay không? Tương ưng là Phật pháp, là chánh pháp; không tương ưng thì không phải là Phật pháp, mà là tà pháp. Bất luận một tông phái nào, bất luận một pháp môn nào, đều không hề ngoại lệ. Cho nên tâm phải tịch tĩnh, trong tâm không được có một vật.
Phật nói như vậy, cổ thánh tiên hiền Trung Quốc cũng nói như vậy. Đại đức xưa thường nói: “Không làm nhưng cái gì cũng làm, cái gì cũng làm nhưng không làm.” “Không làm” là tịch tĩnh, vắng lặng; “cái gì cũng làm” là điều thuận, quý vị nghĩ xem có phải là ý này hay không? Cho nên, không làm là tự thọ dụng, cái gì cũng làm là tha thọ dụng; không làm là bất biến, cái gì cũng làm là tùy duyên. Phật Bồ-tát ứng hóa ở mười pháp giới, trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Thuận theo tâm của chúng sanh mà ứng hiện theo khả năng hiểu biết”, đây là cái gì cũng làm. Tuy là cái gì cũng làm nhưng tâm của các ngài xác thực là thường trụ ở không làm, trong kinh Lăng-nghiêm gọi là “chân tâm thường trụ”, các ngài dùng chân tâm, không dùng vọng tâm, ứng hóa ở thế gian vẫn là dùng chân tâm, không dùng vọng tâm, đây là Phật Bồ-tát tái lai, Phật Bồ-tát ứng hóa, chúng ta học Phật thì phải học từ những chỗ này.
Trong giai đoạn trước mắt này, chúng ta là sơ học, là phàm phu, nên dùng phương pháp thông dụng này, tâm này của chúng ta phải định ở trong pháp chánh trợ. Thế nào là “pháp chánh”? Pháp môn Tịnh độ, ngày nay chúng ta nương vào kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà, hai bộ kinh này đều là chủ trương “trì danh niệm Phật”. Trong kinh Thập Lục Quán thì không như vậy, trong đó có nói có “quán tưởng niệm Phật”, có “quán tượng niệm Phật”, có “trì danh niệm Phật”, nói ra rất nhiều phương pháp để chúng ta chọn lựa, không như hai bộ kinh này, chắc nịch chỉ dạy chúng ta trì danh niệm Phật. Do vậy ta liền biết được, trì danh niệm Phật là pháp chánh, tâm của chúng ta phải thường trụ vào đây. Thế nào là “pháp trợ”? Đoạn ác tu thiện, đây là pháp trợ. Pháp trợ rất là nhiều, chúng ta cũng phải nắm lấy cương lĩnh của nó. Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta dùng Liễu Phàm Tứ Huấn, dùng Cảm Ứng Thiên để làm trợ tu, từ trong Liễu Phàm Tứ Huấn tỉnh ngộ ra, chân thật tin tưởng nhân quả, “một miếng ăn, một hớp nước, không gì không định trước”, thiện nhân chắc chắn có thiện quả, ác nhân chắc chắn có ác báo, cho nên không phải không báo, mà thời giờ chưa đến!
Chúng ta sâu sắc hiểu rõ đạo lý lớn này thì tín tâm liền kiên định. Trong thuận cảnh quyết không khởi một niệm tâm tham ái; phải biết tham ái là phiền não, phiền não chính là chướng ngại, nó chướng ngại bạn khai ngộ, chướng ngại bạn vãng sanh. Trong nghịch cảnh quyết không sanh sân giận, sanh sân giận là tạo nghiệp, là sai lầm nghiêm trọng; gặp nghịch cảnh thì phải như chư Phật Bồ-tát, “nghịch cảnh đến, thuận theo nhận”, ta đón nhận một cách rất vui vẻ, cam tâm tình nguyện, như vậy nghiệp chướng mới tiêu. Bạn chân thật hiểu rõ đạo lý này thì thuận cảnh hay nghịch cảnh đều là tăng thượng duyên tốt của chính mình. Bạn có trí tuệ thì bạn có thể phân biệt, bạn biết phải vận dụng như thế nào, nhà Phật nói: “Ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt”, chúng ta mới thể hội được. Bạn hiểu được thì đó là thật, còn bạn không hiểu thì ngày nào cũng là ngày xấu, giờ nào cũng là giờ xấu. Xấu là gì? Là tạo nghiệp. Tốt là gì? Là tích công lũy đức.
Do đây có thể biết, cảnh giới bên ngoài có tốt xấu hay không? Không có! Tốt xấu là hoàn toàn ở tâm của chính mình. Bạn dùng tâm thiện để nhìn tất cả pháp thì tất cả pháp đều là thiện, thế gian không có người nào không phải là người thiện; bạn dùng tâm xấu để nhìn thì chư Phật Bồ-tát cũng là người xấu. Vậy mới nói “cảnh chuyển theo tâm”. Chúng ta phải dùng tâm như thế nào? Ở trong tất cả kinh luận, Phật khuyên nhủ chúng ta dùng chân tâm, chân tâm là thuần thiện. “Người ban đầu, tánh vốn thiện”, cái thiện này quý vị phải biết, đây là thuần thiện, không phải là thiện của thiện ác; thiện ác là tương đối, không phải chân thiện. Còn đây là chân thiện, trong đó không có thiện ác, ác cũng là thiện. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, phải ở ngay đây mà tu học, đây đều thuộc về tánh đức, là thứ mà trong tự tánh của tất cả chúng sanh vốn sẵn có, không phải đến từ bên ngoài. Phật Bồ-tát chứng được, còn chúng ta thì mê mất. Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian này là giúp chúng ta, khiến chúng ta từ trong mê mất mà tìm lại được chân tâm, chỉ như vậy mà thôi.
Cho nên, tâm nhất định phải an trụ vào trong hai pháp chánh trợ. Trong 24 tiếng đồng hồ nhất định không được quên mất câu Phật hiệu này, nhà Phật gọi là “thất niệm”, không được để thất niệm, phải nhớ kỹ trong tâm! Chúng ta trong một đời này, chỉ có một nguyện vọng là cầu sanh Tịnh độ, thân cận A-di-đà Phật, chỉ có một nguyện vọng như vậy, có nguyện ắt thành. Còn về trợ tu, thân thể này của chúng ta hiện tại vẫn chưa đi, vẫn ở tại thế gian này, mỗi ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người, việc và vật, phải dùng tâm thái như thế nào? Hoàn toàn nương vào giáo huấn của kinh điển. Đại sư Thiện Đạo nói rất hay: “Những gì Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta hết lòng nỗ lực mà làm; những gì Phật dạy chúng ta không được làm thì chúng ta nhất định không được phạm.”
Phải bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu làm từ thập thiện nghiệp đạo, “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói ly gián, không nói thô ác, không nói thêu dệt, không tham, không sân, không si”, phải bắt đầu làm từ chỗ này, mười câu này rất dễ ghi nhớ. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm phải thường xuyên nghĩ đến, đối chiếu với giáo huấn của Phật, viễn ly thập ác, siêng tu thập thiện, mỗi niệm đều ở trong thập thiện, đây là trợ đạo. Vì sao vậy? Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nơi đó đều là “những người thượng thiện cùng tụ hội một chỗ”, đều là tu thập thiện nghiệp. Chúng ta niệm Phật dù tốt đến đâu, nếu không có thập thiện nghiệp thì sẽ không đi đến đó được. Cho dù A-di-đà Phật hoan nghênh chúng ta đi, nhưng đại chúng ở nơi đó không thể dung nạp; không phải đại chúng không dung nạp, mà là chính mình không cách gì tương ưng với họ được.
Do đây có thể biết, niệm Phật thì phải tu thiện, không tu thiện thì không được. Mỗi ngày chúng ta phản tỉnh kiểm điểm, dùng thập thiện làm tiêu chuẩn. Từ sáng đến tối, ta khởi tâm động niệm có làm được “không sát sanh” hay chưa? Có tổn hại động vật nhỏ hay không? Có ý niệm tổn hại người khác hay không? Không những trên hành vi không có, mà trong ý niệm cũng không được có, ý niệm là mỗi niệm yêu thương chúng sanh. Năm nay chúng tôi đặc biệt đề xuất “giáo dục yêu thương”, mỗi một niệm là yêu thương chúng sanh, nhất định không được có một niệm tổn hại chúng sanh. Người khác tổn hại ta thì được, vì sao vậy? Vì họ không học Phật, họ vẫn đang mê. Ta học Phật, ta đã giác ngộ rồi, ta không còn mê, cho dù người khác tổn hại ta, ta cũng không được có mảy may ý niệm báo thù. Nếu ta có ý niệm này thì vẫn phải luân hồi như cũ, chỉ có ở trong luân hồi mới có oan oan tương báo, không bao giờ dứt.
Nếu chúng ta muốn trong đời này thoát khỏi luân hồi thì không được sanh ý niệm tổn hại tất cả chúng sanh. Chẳng những đối với người, mà đối với một con kiến, đối với một con muỗi cũng đều không được, chúng cũng là một sinh mạng, chúng cũng là một chúng sanh, do tạo tác tội nghiệp nặng hơn so với chúng ta nên đầu thai làm những động vật này. Giết một con kiến và giết một con người không hề khác nhau, trong Phật pháp nói là hoàn toàn giống nhau. Đối với sự quấy nhiễu của những động vật nhỏ này, không được có tâm ghét bỏ, phải nên biết, ngày nay chúng đến quấy nhiễu chúng ta là vì ngày trước chúng ta cũng quấy nhiễu chúng, oan oan tương báo, đó là lý đương nhiên. Làm thế nào để cải tiến? Dùng tâm chân thành để câu thông với chúng, thành thì sẽ linh; tâm chân thành là một vọng niệm cũng không có, hãy câu thông với chúng, chúng ta nói chuyện với chúng, chúng sẽ hiểu. Người chân thật đang hành đạo, động vật nhỏ đều sẽ cảm động, chúng cũng sẽ hộ pháp, chúng sẽ không đến quấy nhiễu chúng ta. Chúng ta mỗi người có không gian sinh hoạt của mỗi người, chúng ta giúp đỡ chúng, chúng cũng giúp đỡ chúng ta. Không chỉ những động vật nhỏ này, mà ngay đến những cây cối hoa cỏ ở gần nơi chúng ta, thảy đều là hộ pháp, chung sống hòa thuận, đối đãi bình đẳng, cùng tồn cùng vinh. Hoa cỏ sanh trưởng đặc biệt tươi tốt, khiến chúng ta khi tiếp xúc đến bèn tâm khai ý giải, nhìn thấy những hoa cỏ này dường như chúng đều đang mỉm cười, tâm của chúng ta khoan khoái biết bao!
Nếu chúng ta không tu thiện, ngày ngày đang tạo ác thì động vật nhỏ sẽ đến quấy nhiễu rất nhiều. Bạn hãy tỉ mỉ mà xem, những cây cối hoa cỏ đó dường như đều có ý rất không vui, bộ dạng rất khó chịu, điều này chúng ta có thể thấy được. Có đồng tu nói với tôi, họ đến đây nhìn thấy hình của quán trưởng Hàn, họ nói hình của quán trưởng Hàn rất nghiêm nghị, nhưng một số người lại thấy bà mỉm cười, một số người nhìn hình của quán trưởng Hàn thì thấy bà không được vui. Thật vậy, đạo tràng này nếu mọi người tu hành như lý như pháp thì hình của quán trưởng Hàn dường như đang mỉm cười; nếu đạo tràng chúng ta làm không được như pháp thì tướng mạo của bà giống như đang tức giận vậy. Cũng cùng một tấm hình, bạn tỉ mỉ mà quan sát, đích thực không như nhau, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn! Chúng ta lắng lòng thì sẽ có thể lĩnh hội được. Nếu như tâm địa của chúng ta thanh tịnh thì càng rõ ràng, càng sáng tỏ.
Cho nên, chúng ta dùng thanh tịnh, dùng bình đẳng, dùng chân thành để điều tâm, để đối nhân xử thế tiếp vật thì tự nhiên có thể điều hòa với tất cả chúng sanh. Điều hòa đến cực điểm thì “chúng sanh và Phật không hai”, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới vốn là một thể. Một thể này là gì? Một thể là chân tánh. Quý vị phải biết, nhà Phật nói chân tánh, nói tự tánh là một thứ, hư không pháp giới đều từ tự tánh này mà biến hiện ra. Sau khi kiến tánh thì thông hết, tất cả chướng ngại đều không có, tất cả khởi tâm động niệm của chúng sanh, chính mình rõ ràng tường tận. Vì sao vậy? Tánh của họ và tánh của ta là một tánh, không phải hai tánh, vậy thì sao mà không biết cho được? Cũng giống như thân thể con người chúng ta vậy, muỗi chích một phát ở tay, toàn thân chúng ta đều biết; chích ở dưới chân, hay bò lên, toàn thân chúng ta cũng biết. Vì sao vậy? Là một thể, không phải cục bộ, mà là toàn thể. Bạn hiểu rõ đạo lý này thì bạn liền biết được người minh tâm kiến tánh, trong kinh Vô Lượng Thọ nói người của thế giới Cực Lạc, thiên nhãn thấy thấu suốt, thiên nhĩ nghe thấu tỏ, biết hết tâm ý của người khác, chính là đạo lý này. Hiện tại chúng ta mê rồi, mê là thế nào? Mê chính là tê dại, tê liệt mất cảm giác, muỗi chích cũng không biết. Chỗ này bị tê dại, nhưng chỗ kia tuyệt nhiên không tê dại, tê dại là tạm thời, nó sẽ khôi phục. Cho nên giác ngộ thì liền khôi phục, mê rồi thì tê dại, đạo lý chính là như vậy.
Trong ngũ căn, chúng tôi đã giảng qua tín, tấn, niệm, định, sau cùng là tuệ. “Tín, tấn, niệm, định, tuệ” có tầng thứ, cũng giống như năm tầng lầu vậy, nó có tầng thứ, không thể đảo ngược được. Cho nên, định này cùng với định mà thế gian nói không như nhau, nó phải đầy đủ những điều kiện ở phía trước. Tiếp theo, chúng ta xem câu sau cùng trong ngũ căn trang nghiêm: “Đoạn các phiền não”, đây là điều sau cùng của ngũ căn, tuệ căn. Theo chú giải trong Giáo thừa pháp số về tuệ căn là: “Dùng quán mà tự soi chiếu, chọn lựa phân minh.” Câu nói này chú trọng ở “quán”, cương lĩnh tu hành của nhà Phật thường có danh từ gọi là “quán chiếu”, “tác quán”. Chữ này là từ đại biểu, không chỉ là nhãn quán, mà tai nghe âm thanh cũng gọi là quán, mũi ngửi hương cũng gọi là quán, sáu căn tiếp xúc với sáu trần đều gọi là quán, dùng một chữ này để đại biểu. Thế nào mới gọi là quán? Tuy Tông môn, Giáo hạ có cách nói không như nhau, nhưng ý nghĩa của nó đều giống nhau, “lìa tâm ý thức[1]” thì gọi là quán. Cho nên, Phật pháp không gọi là nghiên cứu, vì sao vậy? Vì nghiên cứu thì chưa lìa khỏi tâm ý thức, mà nhà Phật gọi là tham cứu, tham cứu chính là không dùng tâm ý thức. Lời nói này chúng ta nghe rồi vẫn không dễ hiểu, vì sao vậy? Tâm ý thức là hư vọng, không phải chân thật, dùng tâm ý thức hư vọng thì nhất định không thể nào thấy được chân thật, chúng ta thường gọi là “chân tướng của vũ trụ nhân sinh”, bạn nhất định không thấy được. Vọng thì không thể nào chứng được chân, chỉ có chân mới có thể chứng chân. Chân là gì? Chân là chân tánh. Quán là tự tánh khởi dụng, nghiên cứu là ý thức khởi dụng, nhìn trên hình thức thì dường như là giống nhau, nhưng trên thực tế khác nhau rất lớn.
Người học Phật vì sao có thể tu hành chứng quả? Người thế gian vì sao không làm được? Tóm lại một câu, chính là bạn đã dùng tâm sai rồi. Bạn không biết dùng chân tâm, bạn dùng vọng tâm, dùng chân tâm mới có thể thấy được chân tướng, trong chân tâm không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Quý vị phải biết, tâm khởi lên chồng chất đó chính là vọng tưởng, vọng tưởng biến thành hạt giống của a-lại-da thức, ý thức là phân biệt, mạt-na là chấp trước. Không dùng tâm ý thức, hay nói cách khác, trong cuộc sống thường ngày không có vọng tưởng chính là không dùng a-lại-da, không có phân biệt chính là không dùng thức thứ sáu, không có chấp trước chính là không dùng thức thứ bảy. Đại sư Giao Quang trong “Lăng-nghiêm Chánh Mạch” chủ trương “xả thức, dùng căn”, đạo lý là ở chỗ này, chính là nói xả tám thức, vậy dùng cái gì? Dùng căn tánh của sáu căn. Căn tánh của sáu căn là chân tâm, căn tánh không có phân biệt. Cho nên, ngài dạy chúng ta dùng tánh thấy để thấy tất cả vạn pháp, dùng tánh nghe để nghe tất cả âm thanh, bạn bèn thấy được chân tướng; nếu bạn biết dùng căn tánh của sáu căn thì bạn sẽ thành Phật. Chư Phật Như Lai, chúng ta đem trình độ hạ thấp xuống đến mức thấp nhất thì là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo đã phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, các ngài không còn dùng tám thức, năm mươi mốt tâm sở nữa.
Quý vị phải nên biết, chúng sanh trong mười pháp giới, bao gồm Phật trong mười pháp giới, đều dùng tâm ý thức, đều không lìa khỏi tám thức. Lìa khỏi tám thức liền đến được nhất chân pháp giới, trong kinh Hoa Nghiêm gọi là thế giới Hoa Tạng, thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng là thế giới Hoa Tạng, hoàn toàn không dùng tâm ý thức. Chúng ta tuy biết được đạo lý này, nhưng không thể chuyển đổi được. Vì sao không chuyển đổi được? Vì vô lượng kiếp đến nay, chúng ta dùng tâm ý thức đã quen rồi, học Phật vẫn là dùng tâm ý thức mà học, cho nên học Phật không khai ngộ. Học giáo không thể đại khai viên giải, tham thiền không thể đại triệt đại ngộ, niệm Phật không thể nhất tâm bất loạn, nguyên nhân do đâu? Dùng tâm ý thức, không biết “tác quán”.
Tu hành trong Thiền tông có ba giai đoạn, công phu ban đầu là “quán chiếu”. Đây là công phu sơ khởi nhất, tương đương với “công phu thành phiến” của Tịnh độ tông chúng ta. Đạt đến trình độ này, ở Thiền tông hay ở Giáo hạ đều không thể xem là thành tựu. Vì sao vậy? Không thể dứt sanh tử, không thể ra khỏi tam giới; công phu này tuy đắc lực nhưng không có năng lực thoát khỏi tam giới. Thế nhưng ở Tịnh độ tông thì được, Tịnh độ tông có công phu này thì khẳng định vãng sanh, sanh về cõi Phàm thánh đồng cư. Cho nên Tịnh độ tông không thể nghĩ bàn! Sự thù thắng của Tịnh độ tông chính ngay chỗ này. Bạn dựa vào các pháp môn khác thì không được, bạn không cách gì thoát khỏi sáu cõi luân hồi, Tịnh độ tông chỉ cần chút công phu nhỏ này thì đủ rồi.
Nâng lên cao nữa là “chiếu trụ”, chiếu trụ là được định. Công phu cao nhất là “chiếu kiến”, chiếu kiến là minh tâm kiến tánh. Chúng ta đọc Tâm Kinh: “Quán Tự Tại Bồ-tát chiếu kiến”, đây là công phu tối thượng thừa, là minh tâm kiến tánh. Cho nên, tu các pháp môn khác nhất định phải đạt đến chiếu kiến thì mới được. Vì sao vậy? Bạn mới có thể ra khỏi mười pháp giới, mới có thể chứng được nhất chân pháp giới; chứng được nhất chân pháp giới chính là bạn đã chứng được thật tướng các pháp. Công phu của bạn không đạt đến chiếu kiến thì không được. Thế nhưng ở Tịnh độ tông đích thực là khác biệt, cho nên đây là pháp môn đặc biệt, có công phu quán chiếu thì có thể sanh cõi Phàm thánh đồng cư, có công phu chiếu trụ thì sanh cõi Phương tiện hữu dư, có công phu chiếu kiến thì sanh cõi Thật báo trang nghiêm, họ thảy đều vãng sanh, bốn cõi của thế giới Cực Lạc là thành tựu như vậy. Thế nhưng lại có một điều đặc biệt mà trong cõi nước chư Phật mười phương không có, đó là thế giới Tây Phương tuy có bốn cõi nhưng bốn cõi đều bình đẳng. Việc này không thể nghĩ bàn, được chư Phật tán thán! Thế gian này của chúng ta là bốn cõi không bình đẳng, chúng ta không nhìn thấy được pháp thân đại sĩ, chúng ta cũng không thấy được A-la-hán. Công phu của A-la-hán ở tầng thứ hai, là chiếu trụ; công phu của pháp thân đại sĩ là chiếu kiến.
Đạt được công phu thành phiến, trong pháp môn thông thường mà nói, đó là cảnh giới Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa, đây là vừa mới vào cửa, chúng ta đều không cách gì làm được. Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa đã buông xuống chấp trước rồi, không còn chấp trước cái thân này là ta, không còn chấp trước tự tư tự lợi; ngay đến thân còn không chấp trước, huống hồ là vật ngoài thân? Đường chủ niệm Phật đường thường có câu nói nơi cửa miệng rằng: “Buông xuống tất cả thân tâm thế giới!” Buông xuống tất cả thân tâm thế giới thì công phu mới thành phiến. Nếu còn có một việc không thể buông xuống thì công phu của bạn không thể thành phiến; hay nói cách khác, bạn chưa nắm chắc phần vãng sanh. Bạn thật sự đạt được công phu thành phiến thì bạn đích thực nắm chắc phần vãng sanh. Đây là trí tuệ, có thể đoạn phiền não. Chấp trước là phiền não, gọi là kiến tư phiền não; phân biệt là phiền não, gọi là trần sa phiền não; vọng tưởng là phiền não, gọi là vô minh phiền não. Công phu thành phiến là phá được tầng thứ nhất, đây là quán chiếu; đạt đến chiếu trụ thì phá được tầng thứ hai; đạt đến chiếu kiến thì phá được tầng thứ ba. Cho nên, nhà Phật thường nói “quán”, quý vị phải ghi nhớ, quán là không dùng tâm ý thức, cũng chính là không dùng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây gọi là quán.
Sau cùng, ở trang thứ mười bảy hàng thứ nhất, hàng thứ hai là nói đến “chỉ quán”, ý nghĩa này còn phải nói sâu hơn nữa. Chỉ là định, quán là tuệ. Do đây có thể biết, nếu không đoạn phiền não thì không phải là thánh nhân. Nói đến thánh nhân, khái niệm của chúng ta lại rất mơ hồ, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ, phải đổi cách nói khác: nếu không đoạn phiền não thì bạn không phải là một người sáng suốt. Các vị phải nên biết, ý nghĩa của chữ “thánh” này chính là sáng tỏ, chân thật hiểu rõ, không có chút nghi hoặc thì gọi là thánh. Trong Phật pháp gọi là người giác ngộ, chính là Chánh giác, Chánh đẳng chánh giác, Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đây đều gọi là thánh nhân. Chánh giác là tiểu thánh, Chánh đẳng chánh giác là đại thánh, cách nói này thì mọi người dễ hiểu.
Chúng sanh đang mê, mê thì không giác; chư Phật Bồ-tát là giác, giác thì không mê. Vì sao các ngài giác? Các ngài dùng “quán”, không dùng “tưởng”. Chúng ta thì bất cứ việc gì cũng “bạn tưởng tượng” xem, chúng ta dùng tư, dùng tưởng, tư tưởng thì sai lầm, tư tưởng là hư vọng. Người Trung Quốc tạo chữ rất có trí tuệ, thánh nhân đều dùng một tâm, tâm đó là chân tâm; phàm phu chúng ta không biết dùng tâm này, mà dùng tư tưởng. Tư là gì? Là phân biệt, chấp trước. Bạn xem chữ “tư” (思), đây là trong tâm khởi lên sự giới hạn, chữ “điền” (田) đó là giới hạn, tâm vốn dĩ là rộng lớn vô biên, hiện nay vẽ thành rất nhiều ô vuông, vậy thì hỏng rồi, không phải là chân tâm; trong chân tâm không có tướng, có “tưởng” liền khởi lên cái tướng, liền có hiện tướng, tướng đó là huyễn tướng. Cho nên thánh nhân không dùng tư tưởng, họ không có tư tưởng.
Đại sư Vĩnh Gia nói rất hay: “Phân biệt cũng chẳng phải ý.” Bạn nói ngài có phân biệt hay không? Ngài có phân biệt. Có chấp trước hay không? Ngài có chấp trước. Thế nhưng phân biệt của ngài, chấp trước của ngài không phải tư, cũng không phải tưởng, chính là ý này. Chân tâm vì sao có thể có tư tưởng? Bởi vì bạn có tư, bạn có tưởng, nếu tôi không dùng tư để đối với tư của bạn, không dùng tưởng để đối với tưởng của bạn thì bạn làm sao hiểu được ý của tôi? Phàm phu dùng tâm giống như máy chụp hình vậy, chụp một tấm thì trên phim lưu lại một hình; thánh nhân dụng tâm giống như tấm gương, nó soi chiếu rõ ràng tường tận, nhưng không lưu lại dấu vết nào. Soi chiếu xong, người đi rồi mà nó không lưu lại dấu vết; vậy ngay lúc soi chiếu, nó lưu lại dấu vết để làm gì? Đây gọi là “phân biệt cũng chẳng phải ý”, các ngài cao minh là cao minh ở chỗ này. Thế nên, các ngài thị hiện ở thế gian này là hòa quang đồng trần với người thế gian, trên thực tế các ngài chẳng bị mảy may tiêm nhiễm, đây là bản lĩnh của các ngài, thuật ngữ của nhà Phật gọi là “bất biến mà tùy duyên, tùy duyên mà bất biến”. Hai câu nói này mọi người nghe rất quen tai. Năm xưa tôi giảng kinh đã đem hai câu nói này mở rộng thành bốn câu.
“Bất biến mà tùy duyên”, đây là Phật. Phật ở chỗ này là nghĩa rộng, pháp thân Bồ-tát chính là Phật; trong Tông môn thường gọi là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, cho nên Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo gọi là Phật. Trong kinh Kim Cang nói “chư Phật Như Lai”, bạn xem chú giải trong “Giảng Nghĩa” của cư sĩ Giang Vị Nông thì thấy “chư Phật” mà trong kinh nói chính là Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo cho đến quả vị cứu cánh, 42 vị thứ này gọi là chư Phật: Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, 40 vị thứ này cộng với Đẳng giác và Diệu giác (Diệu giác chính là quả vị Phật cứu cánh), đây gọi là chư Phật, các ngài không dùng tâm ý thức. Nếu còn dùng tâm ý thức, mà dùng rất chánh, dùng không tà, không hề dùng sai, thì đây gọi là “tương tợ vị”. Đó là những người nào? Là tứ thánh pháp giới trong mười pháp giới gồm: A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát và Phật; Phật trong mười pháp giới, Phật trong mười pháp giới chưa kiến tánh. Theo tứ giáo của tông Thiên Thai thì Tạng giáo Phật, Thông giáo Phật chưa kiến tánh, là Phật trong mười pháp giới, Biệt giáo Phật là nhất chân pháp giới. Trong tứ giáo đã nói “Bồ-tát Sơ địa của Biệt giáo” tương đương với “Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo”. Do đây có thể biết, quả vị Phật của Biệt giáo là Bồ-tát Nhị hạnh vị của Viên giáo, đoạn chứng tương đương với Bồ-tát Nhị hạnh vị. Những sự và lý này chúng ta đều phải nắm được, sau đó chính mình lắng lòng mà xét nghĩ, chúng ta trong một đời có thể làm được hay không? Căn tánh của quý vị đồng tu thì tôi không biết, còn tôi thì không làm được! Không cần nói phẩm vị cao, ngay đến quả vị Tu-đà-hoàn, chúng ta đều không cách gì làm được, đều không dễ.
Ngày nay chúng ta nói công phu thành phiến có thể vãng sanh, công phu thành phiến đến trình độ nào? Mỗi một vị thứ đều có ba bậc chín phẩm, chúng ta làm được hạ hạ phẩm của công phu thành phiến thì đều có thể vãng sanh. Chính bởi đạo lý như vậy, cho nên tất cả chư Phật mười phương, không vị nào không tán thán A-di-đà Phật, ngài chân thật là phổ độ tất cả chúng sanh. Công phu thành phiến hạ hạ phẩm, thật ra mà nói thì một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, tuy chưa đoạn được nhưng hàng phục được, khống chế được. Đây là công phu thành phiến hạ hạ phẩm, dùng câu Phật hiệu này hoàn toàn khống chế được phiền não. Cho nên niệm Phật phải biết niệm! Ý niệm trong tâm vừa khởi lên, cho dù nó là niệm thiện hay là niệm ác, lập tức dùng câu “A-di-đà Phật” đè nó xuống, đây là công phu thành phiến hạ hạ phẩm, trong 24 tiếng đồng hồ nhất định không cho phép ý niệm của chính mình khởi lên. Ý niệm thứ nhất chắc chắn sẽ khởi lên, thì ý niệm thứ hai phải là “A-di-đà Phật”, liền đem nó đè xuống, bạn làm công phu này, bạn nhất định được lợi ích. Vị đồ đệ làm nghề vá nồi của lão hòa thượng Đế Nhàn niệm Phật được ba năm thì thành tựu, phương pháp không gì khác, ông biết dùng công phu này, nhất định không cho phép trong tâm có một tạp niệm, chỉ có A-di-đà Phật, cả ngày từ sáng đến tối, ông chỉ chuyên nghĩ A-di-đà Phật, ông đã thành công. Bạn thấy, ông ấy vãng sanh tự tại như vậy, biết trước ngày giờ ra đi, đứng mà vãng sanh. Lão hòa thượng Đế Nhàn tán thán rằng: Pháp sư giảng kinh thông thường, phương trượng của những ngôi chùa nổi tiếng đều không sánh bằng ông! Lời nói này là thật, chẳng phải giả. Làm sao ông được tự tại như vậy? Chính là trong tâm ông không có một tạp niệm nào, câu Phật hiệu này đã khởi tác dụng, chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
Bạn xem, hiện nay thế gian này rất nhiều người tu Mật, thượng sư dạy họ quán tưởng, nghiêm khắc đốc thúc họ, họ quán tưởng thành công. Mấy ngày trước, tôi gặp một vị cư sĩ, ông nói với tôi, có một thượng sư Mật tông dạy ông quán tưởng, ông quán tưởng khoảng bốn, năm tháng rồi, hiện tại ông nói trên đỉnh đầu của ông có cái gì đó rất nóng, nóng hừng hực, mỗi ngày đều quán, quán thành công rồi, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tôi gặp một vị tín đồ ở Hồng Kông, ông tu Pháp Luân Công, cũng rất nghiêm túc mà quán tưởng, hiện tại trong bụng của ông có một cái pháp luân, vậy thì rất phiền phức! Ông rất đau khổ, ông hỏi tôi: “Thưa pháp sư, có phương pháp gì để lấy nó ra không?” Ông hỏi có phương pháp để lấy nó ra không? Có! Đổi phương pháp quán, hãy quán Phật, bạn có thể tập trung tâm lực mà quán Phật, đừng để ý đến cái pháp luân đó; bạn trải qua nửa năm, Phật hiện tiền rồi thì cái pháp luân đó sẽ không còn nữa. Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, trong tâm bạn cứ mãi nghĩ đến cái đó thì nó có thôi; nếu bạn quên mất nó thì nó sẽ không còn, nó là hư vọng, không phải chân thật có. Cho nên bạn phải biết đạo lý này.
Thân thể người rất khỏe mạnh, nhưng mỗi ngày hoài nghi: “Ôi, mình đau chỗ này, chắc có bệnh rồi!” Mấy ngày sau thì có bệnh thật, vì sao vậy? Do nghĩ mà ra, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh. Tại sao bạn không nghĩ đến khỏe mạnh, mà lại nghĩ bị bệnh? Tại sao mỗi ngày bạn không nghĩ đến an vui, mà nghĩ phiền não làm gì? Ý niệm là chủ tể! Trong thế xuất thế gian thì ý niệm đều là chủ tể. Xuất thế gian cho đến pháp thượng thừa là không có ý niệm. Có niệm mới có thiện ác, không có niệm thì làm gì có thiện ác? Có niệm thì có tà chánh, có chân vọng. Không có niệm thì không có tà chánh, cũng không có chân vọng, vậy mới làm được thuần chân không vọng, pháp thân đại sĩ vào được cảnh giới này. Trong mười pháp giới có tà chánh, có chân vọng, có thiện ác, trong nhất chân pháp giới không có, thế nên như vậy mới có thể chân thật đoạn phiền não. Cho nên, nếu như tuệ không có căn thì bạn không thể đoạn được phiền não, tuệ phải có căn. Có căn còn phải tiếp tục nâng lên cao, đó là phải có lực. Đoạn phía sau nói đến ngũ lực: “Ngũ lực trang nghiêm nên mọi oán diệt hết, không gì hoại được.” Tôi giảng về ngũ căn tường tận một chút, còn ngũ lực thì tương đối đơn giản, nói một câu chung chung rồi cho qua. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến chỗ này.
[1] Tâm ý thức (心意識): Tức là tâm, ý và thức. Theo tông Duy Thức thì thức thứ tám là a-lại-da có công năng chứa nhóm chủng tử, nên gọi là tâm. Thức thứ bảy là mạt-na có công năng tư duy, khởi ngã chấp, nên gọi là ý. Sáu thức trước có công năng nhận thức đối tượng, nên gọi là thức.