Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 60/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 60/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời xem kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, bắt đầu xem từ hàng thứ hai: “Hai, tài vật tự tại, tất cả oán tặc không thể cướp đoạt.” Đây là loại tự tại thứ hai do lìa tham dục mà đạt được. Giàu có, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu là những thứ mà tất cả chúng sanh đều mong cầu. Chúng ta tỉ mỉ quán sát chúng sanh sáu cõi, họ sống ở thế gian này, có thể nói điều mà họ cả đời truy cầu không ngoài ba sự việc này. Ba sự việc này có thể cầu được hay không? Nếu như nói chúng ta truy cầu mà có thể cầu được, thì nói thật ra chúng ta có thể toàn tâm toàn lực dốc sức mà truy cầu; nếu không cầu được, vậy thì việc truy cầu của chúng ta sai rồi. Cũng có một số ít người thế gian biết được việc này là sai, tuy biết là sai nhưng vẫn truy cầu, mong rằng biết đâu may mắn có thể có được. Phật nói với chúng ta, thế gian chưa từng có việc gì do may mắn mà có được. Phật nói cho chúng ta biết, ba việc này là quả báo, quả thì ắt có nhân.

Tối hôm qua, các đồng học nghe Thiên Chúa giáo giảng đạo cho chúng ta, cũng có đồng học nêu ra câu hỏi, đưa ra vấn đề về nhân quả. Trong giáo nghĩa của họ không nói nhân quả, họ nói thế nào? Tất cả đều là thần ban cho. Hay nói cách khác, thần ưa thích bạn nên ban cho bạn nhiều hơn một chút; thần không ưa thích bạn thì ban cho bạn ít đi một chút. Vì vậy có rất nhiều người kính yêu thần vì ngài ban cho họ nhiều; có một số người giận thần vì ngài ban cho họ quá ít. Việc này không thể giải quyết được vấn đề. Chân thật giải quyết được vấn đề, chúng ta hãy tỉ mỉ mà tư duy, vẫn là trong Phật pháp nói được hay. Phật pháp nói đây là quả báo, quả ắt có nhân, nếu bạn không tu nhân thì làm gì có quả báo? Phật nói với chúng ta, nhân là bố thí; bố thí tài thì được giàu có, bố thí pháp thì được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu.

Nếu không lìa khỏi tham dục thì dù bạn tu nhân chứng quả vẫn không được tự tại. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát xã hội này, trong xã hội đích thực có người phát tài lớn, có tiền của bạc tỷ, thế gian này rất nhiều người tích lũy tài vật đến vài tỉ đô-la Mỹ, họ có được tự tại hay không? Họ không tự tại. Vì sao không tự tại? Cũng đều có nguyên nhân, họ không hề lìa khỏi tham dục, nên họ giàu có nhưng không tự tại. Thường có người chú ý đến tiền của của họ, muốn chiếm lấy của họ, muốn lấy bớt của họ. Sự việc như thế này rất nhiều, thậm chí như đạo tràng này của chúng ta, việc này chúng ta tuyệt không che giấu, không cần phải kiêng kỵ. Rất nhiều đạo tràng xây dựng rất lớn, tài lực rất hùng hậu, người tại gia, xuất gia đều đã đổi tâm, quên sạch hết đạo nghiệp, trong mắt chỉ có danh lợi, tranh danh đoạt lợi, không những không lìa tham dục, mà tham dục ngày càng thêm lớn. Tham dục tăng trưởng thì Phật nói với chúng ta rằng quả báo là ở đường ngạ quỷ. 

Ba loại ác nghiệp tham sân si chiêu cảm cõi ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh; tâm tham là ngạ quỷ, sân giận là địa ngục, ngu si là súc sanh. Nếu đều tạo hết cả ba tội nghiệp thì quả báo này thật đáng sợ, đây là quả báo tương lai. Còn quả báo hiện tiền thì sao? Hiện tiền không tự tại, oan gia trái chủ của bạn, các đạo tặc đều xem bạn là mục tiêu, đều xem bạn thành con mồi, việc này rõ ràng là không tự tại. Ra khỏi cửa đều phải nhờ rất nhiều vệ sĩ, rõ ràng là không tự tại rồi, nếu như tự tại thì đâu cần vệ sĩ? Có nhiều vệ sĩ như vậy, chứng tỏ họ không tự tại, mỗi giờ mỗi phút đều đề phòng người khác muốn tổn hại họ. Tổn hại bên ngoài còn dễ phòng bị, tổn hại bên trong mới khó. Nếu oan gia trái chủ đầu thai vào trong nhà bạn, làm con cái của bạn, hoặc làm con cháu thế hệ sau của bạn, việc này trong Phật pháp gọi là “phá gia chi tử”, vậy không thể đề phòng. Hiện tại bạn tiền của đầy đủ, vẫn chưa tiêu tan, đó là nhân duyên phước đức của bạn, thông thường người thế gian chúng ta gọi là hiện tại bạn đang may mắn, lúc bạn đang hưng vượng thì những oan gia trái chủ này ở bên cạnh bạn không dám động đến. Thế nhưng vận mệnh rồi cũng sẽ suy, không thể nào giữ được hưng vượng mãi mãi, đến lúc suy thì thế nào? 

Đừng nói là người thế gian, ngay cả Thích-ca Mâu-ni Phật cũng không ngoại lệ. Thích-ca Mâu-ni Phật cũng có oan gia trái chủ, oan gia số một là ma vương Ba-tuần. Khi Phật pháp ở vào giai đoạn hưng thịnh nhất thì ma vương Ba-tuần đến hộ pháp, là hộ pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật, ông ta chờ cơ hội. Ba-tuần từng nói với Thế Tôn, ông ta luôn nghĩ cách để hủy diệt Phật pháp. Phật nói với ông: “Tất cả pháp mà Phật nói ra là pháp thuần chánh, là từ trong tự tánh lưu xuất ra, bất kỳ sức mạnh nào cũng không thể phá hoại Phật pháp.” Ba-tuần bèn nói: “Tôi đợi đến thời kỳ mạt pháp của Thế Tôn”, thời kỳ chánh pháp thì ông ta không thể phá hoại, thời tượng pháp ông cũng không thể phá hoại, đợi đến thời kỳ mạt pháp, ông ta nói: “Tôi sẽ cho ma con, ma cháu của tôi, để con cháu của tôi thảy đều xuất gia, khoác lên ca-sa, hiện tướng tỳ-kheo để phá hoại Phật pháp.” Thích-ca Mâu-ni Phật nghe rồi không nói câu nào, bèn rơi lệ. Trong kinh điển ghi chép: “Ví như trùng sư tử lại ăn thịt sư tử.” 

Phật pháp là như vậy, thế pháp cũng là như vậy. Làm thế nào có thể bảo toàn? Đời đời kiếp kiếp tích lũy công đức thì mới có thể bảo toàn; thời đại nào bỏ đi đức hạnh, đi con đường tranh lợi, phóng túng dục vọng thì thời đại đó hủy diệt. Trong Phật pháp không có tranh chấp, lìa tham dục thì làm gì có tranh chấp? Trong thế xuất thế gian, con người tranh điều gì? Tranh danh, tranh lợi. Nếu như thảy đều xả bỏ hết toàn bộ danh lợi, “với người không tranh, với đời không cầu”, vậy mới có thể bảo toàn. Cho nên Thế Tôn năm xưa ở đời, thực tế mà nói đã làm ra cho chúng ta một tấm gương viên mãn. Hễ bạn có thì có người tranh, bạn không có thì không có người tranh. Thế Tôn năm xưa ở đời, tất cả đệ tử của ngài, đến sau khi Thế Tôn viên tịch cũng không có người tranh. Vì sao vậy? Thế Tôn không có tài sản. Tinh xá, vườn cây, giảng đường nơi ngài cư trú lúc còn tại thế đều có chủ, đều là cư sĩ tại gia, quốc vương, đại thần cung cấp, quyền tài sản thuộc về họ. Phật là mượn ở, không phải tiếp nhận thứ họ tặng cho, không phải. Ngài tiếp nhận các cư sĩ cúng dường, sự cúng dường này là tạm thời, không phải cúng dường quyền tài sản. 

Cho nên tôi thường nói, khi Phật ở đời, ngài có quyền sử dụng, họ cúng dường quyền sử dụng, ngài không có quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, sau khi Phật diệt độ, tài sản này đều trả lại cho thí chủ, mọi người có cái gì để tranh đâu? Không có tranh. Hiện tại vì sao lại có tranh chấp? Hiện nay trong tự viện có quyền tài sản, vậy thì hỏng rồi. Khi Phật giáo vừa truyền đến Trung Quốc, đạo tràng là do quốc gia xây dựng, người xuất gia cũng không có quyền sở hữu, có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu, cũng giống như tất cả cơ cấu của chính phủ vậy. Thế Tôn để lại tấm gương cho chúng ta, chúng ta phải ghi nhớ trong lòng, chúng ta phải thể hội đạo lý trong đây. Cả đời Thế Tôn ngài thị hiện là ba y một bát, ăn một bữa giữa ngày, nghỉ một đêm dưới cây, ngài được đại tự tại, ngài đạt được sự cứu cánh viên mãn. Toàn tâm toàn lực tận nghĩa vụ giáo dục, giúp đỡ người phá mê khai ngộ, giúp đỡ người lìa khổ được vui. Ngài được người thế gian tôn kính, đây chính là thành tựu của ngài, đây chính là quả báo thù thắng không gì sánh bằng của ngài, ngài không có oán địch. 

Cho dù chúng ta thấy có ma vương Ba-tuần, thấy có Đề-bà-đạt-đa, thấy có lục quần tỳ-kheo, nhưng trong kinh Phật nói với chúng ta, những người tạo ác này, người phản đối Thích-ca Mâu-ni Phật, người phá hoại Phật pháp đều là đại quyền thị hiện, chẳng phải là thật. Trong kinh Đề-bà-đạt-đa, Thích-ca Mâu-ni Phật nói Đề-bà-đạt-đa đọa địa ngục, nhưng sự hưởng thụ trong địa ngục còn vui hơn thiên cung. Ông đang diễn kịch, đang biểu diễn cho chúng ta xem, nói với phàm phu chúng ta rằng nếu nghiệp chướng chưa tiêu hết thì sẽ luôn có nghịch duyên. Phật thị hiện nghịch duyên này nhằm dạy bảo chúng ta làm thế nào ở trong nghịch cảnh, ác duyên, trong những hoàn cảnh này thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Ngài làm cho chúng ta xem, nếu nói ra thì chúng ta không dễ thể hội, nhưng nếu tận mắt chúng ta xem thấy thì mới thật sự học được từ trong đó. Ngài biểu diễn cho chúng ta xem, vì vậy từ trong đây chúng ta sinh khởi sự cảm ngộ sâu xa.

Ngày nay, nếu chúng ta gặp phải oan gia đối đầu đến hủy báng chúng ta, đến sỉ nhục chúng ta, hãm hại chúng ta, thì chúng ta phải nghĩ họ là đại quyền thị hiện, họ là Phật Bồ-tát tái lai, xem thử chúng ta có trí tuệ hay không, xem coi chúng ta có thể nhẫn chịu hay không, họ đến để khảo chúng ta. Ý niệm vừa chuyển đổi, chúng ta bèn khởi tâm cung kính đối với oan gia đối đầu, sẽ không khởi niệm ác. Hễ vừa khởi lên một niệm ác thì oan oan tương báo không hồi kết thúc, vậy thì phiền phức rồi. Nếu chúng ta khởi lên tâm cung kính, khởi lên tâm cảm ơn, cho dù thật sự là oan gia đối đầu, thì đến đây là trả xong món nợ, trả hết rồi, lần sau gặp lại là thiện tri thức, là bạn tốt. Cổ đức dạy chúng ta: “Oan gia nên giải, không nên kết”, làm thế nào biến tất cả oán tặc trở thành bạn tốt? Vậy thì bạn phải chân thật biết học Phật, bạn chân thật biết dụng công thì công phu của bạn sẽ đắc lực. 

Oán tặc, họ cũng là chúng sanh, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chúng ta phải độ họ, chúng ta không được loại bỏ họ, vì họ mê sâu hơn chúng ta nên họ mới tạo ra đủ mọi ác nghiệp. Ta phải làm thế nào để giúp đỡ họ phá mê khai ngộ, chuyển ác thành thiện. Chúng ta làm thầy và bạn của nhau, thành tựu cho nhau. Họ tạo tác một số ác nghiệp, chúng ta nhìn thấy thì lập tức quay đầu xét lại chính mình, nghĩ xem chính mình có ý niệm ác này hay không? Có hành vi ác hay không? Nếu như có thì phải nhanh chóng sửa lỗi làm mới. Họ là thầy của chúng ta, nếu họ không thị hiện như vậy thì bản thân chúng ta luôn luôn có lỗi lầm mà chính mình không nhìn thấy, không thể phát hiện. Họ là tấm gương soi của chúng ta, thiện hạnh của họ, ta phải noi theo, phải học tập, phải tán thán; ác hạnh của họ, ta phải kiểm xem ta có hay không. Vì vậy, thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác đều là đạo tràng tu học của Bồ-tát, đều là thiện tri thức để thành tựu thiện nghiệp của mình.

Phần trước của kinh này, Phật dạy chúng ta thường niệm thiện pháp là tâm thiện; tư duy thiện pháp là tư tưởng thiện; quán sát thiện pháp là hành vi thiện; chẳng để mảy may bất thiện xen tạp, đó chính là đạt đến chí thiện, thiện của chúng ta mới được viên mãn. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi mà những người thượng thiện hội tụ, thế nào gọi là thượng thiện? Thượng thiện là chí thiện, chúng ta học từ đâu? Từ thuận cảnh, nghịch cảnh, người thiện, người ác, từ những phương diện này mà học tập thành tựu. Cho nên thuận cảnh, nghịch cảnh đều là cảnh giới tốt, người thiện, người ác đều là thiện tri thức thật sự của chúng ta, đều là thầy tốt của chúng ta, thành tựu sự chí thiện của chính mình. Nếu đối với người thiện bèn khởi lên tham ái, đối với người ác khởi lên sân giận thì bạn không khéo học, không biết học rồi. Người không biết học thì trong cuộc sống thường ngày, trong tâm thường sanh phiền não. Ưa thích là phiền não, chán ghét, sân giận là phiền não, bạn mỗi ngày sống trong phiền não. Người biết học Phật, người hiểu ra thì thường sanh trí tuệ giống như Lục tổ Huệ Năng. Trong thuận cảnh không có tham dục, mà sanh trí tuệ; trong nghịch cảnh không có sân giận, mà sanh trí tuệ. Đối với người thiện người ác, thảy đều sanh trí tuệ, đây mới là đệ tử Phật. Nếu như chúng ta ở trong cảnh duyên, cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự, vẫn khởi tham sân si mạn, vẫn sanh mừng giận buồn vui thì bạn là phàm phu, bạn không hiểu Phật pháp, bạn chưa học Phật. Chúng ta phải lưu ý chỗ này, đương nhiên sẽ đạt được tự tại về tài vật, chuyển hóa oán tặc thành bạn hữu; nếu bạn không rời khỏi, không thể lìa khỏi tham sân si thì bạn không thể làm được điều này. Tham sân si là tam độc phiền não, nhất định phải nhổ bỏ. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.