Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 99/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 99/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Đối tượng mà Phật nói trong kinh văn của kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là long vương Sa-kiệt-la. Ý nghĩa mà long vương Sa-kiệt-la đại biểu, nếu nói theo hiện nay thì chính là người lãnh đạo trong các ngành các nghề trên thế gian này; long vương là đại biểu cho người lãnh đạo, Sa-kiệt-la chính là nói thế giới của chúng ta, chúng ta phải hiểu ý nghĩa này thì bạn mới biết lời Phật nói trong kinh không phải là thần thoại, không phải là mê tín. “Nêu ra điều trọng yếu để nói”, đây là nêu ra hạng mục quan trọng nhất: “Hành đạo thập thiện vào trong tứ nhiếp trang nghiêm nên thường siêng năng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.” Đại ý của đoạn này tôi đã giới thiệu qua với quý vị rồi, hôm nay chúng tôi dùng chút thời gian này để làm tổng kết, vì đoạn này thật sự mà nói là vô cùng quan trọng.

Từ trên báo chí, trong các thông tin, chúng ta thấy ngày nay rất nhiều khu vực trên toàn thế giới đều động loạn bất an, một số nơi thì biến động chính trị, một số nơi thì biến động tài chính, một số thì về chủng tộc, một số thì về tôn giáo, khiến cho biết bao người dân trong xã hội đau khổ. Chúng ta phải tư duy thật kỹ, vì sao lại xảy ra nhiều động loạn như vậy? Vì sao có nhiều tranh chấp như vậy? Vấn đề này rốt cuộc phải giải quyết như thế nào? Người hiện nay phản đối những cách làm của đế vương chuyên chế trước đây, tôn sùng tự do dân chủ. Tự do dân chủ và quân chủ chuyên chế rốt cuộc cái nào tốt? Có người nào thâm nhập nghiên cứu, thảo luận hay chưa? Chúng ta không được mù quáng hùa theo, người ta nói sao mà mình cũng nói vậy thì sẽ bị tổn hại. Nhất định phải quan sát, nghiên cứu, tư duy, thảo luận thật kỹ. 

Trước đây, đối với sự việc này tôi cũng đã từng nói qua, hai chế độ khác nhau, mỗi cái đều có lợi và hại, có ưu điểm và cũng có khuyết điểm. Chuyên chế có cái hay và cái không hay của chuyên chế, tự do dân chủ có cái hay và cũng có cái không hay của tự do dân chủ. Chúng ta phải so sánh cái hay với cái hay, so sánh cái không tốt với cái không tốt để đầu óc chúng ta tỉnh ra. Thực tế mà nói thì chế độ không có gì là tốt hay không tốt, tốt hay không tốt là do con người. Lời của Khổng lão phu tử nói rất đáng để chúng ta tư duy phản tỉnh một cách sâu sắc, ngài nói: “Người còn thì chế độ còn, người mất thì chế độ mất.” Nếu người này tốt thì chuyên chế cũng tốt, dân chủ cũng tốt; nếu người này không tốt thì chuyên chế cũng gây ra tổn hại, mà dân chủ cũng gây ra tổn hại. Có thể thấy được vấn đề là ở con người, hoàn toàn không do chế độ, đây là điều chúng ta phải nhận thức rõ ràng.

Chúng ta nói người này là thánh nhân, là hiền nhân, thế nào gọi là thánh hiền? Ở Trung Quốc thì ý nghĩa của “thánh” là người đối với đạo lý, chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh thông đạt hiểu rõ, vậy người này được gọi là thánh nhân. Người Trung Quốc nói về “thần thánh”, thần cũng là ý nghĩa này. Chữ “thần” (神) này là chữ hội ý[1], chữ này ở bên trái là chữ “thị” (示), chữ thị trong từ khai thị. “Thị” nghĩa là gì? Theo sách Thuyết Văn giải thích thì “thị” là nói về điềm báo của trời; vì vậy ở phía trên là chữ “thượng” (上), hai gạch ngang, gạch ngang phía trên ngắn, gạch ngang phía dưới dài, là chữ “thượng”, phía dưới chữ “thượng” vẽ ba vạch, đây là biểu thị điềm báo của trời. “Hiển thị điềm báo của trời”, nói theo hiện nay chính là hiện tượng tự nhiên. Bên phải là chữ “thân” (申), “thân” có nghĩa là gì? Nếu bạn xem cách viết chữ triện thì bạn sẽ rất dễ dàng thể hội được, ý nghĩa của nó là thông suốt. Tức là nói hiện tượng tự nhiên này, bạn hoàn toàn thông suốt, hoàn toàn hiểu rõ, một chút cũng không mê hoặc thì người này được gọi là thần nhân. Như vậy ý nghĩa của thần và thánh thông với nhau, nghĩa là một người thấu tình đạt lý. Người như vậy, bất luận họ là chuyên chế hay là dân chủ cũng đều tốt, nhất định họ sẽ làm tốt. Vì sao vậy? Họ không có tâm ích kỷ. Ngược lại, nhà Nho nói nếu tiểu nhân lên nắm chính quyền, bất luận họ làm hoàng đế hay làm tổng thống thì nhân dân đều gặp họa. Tại sao vậy? Bởi vì họ tự tư tự lợi, họ không quan tâm đến trăm họ, không quan tâm đến quốc gia. Từ đó cho thấy, con người là quan trọng nhất, chế độ chỉ là thứ yếu. 

Cho nên, quốc gia bồi dưỡng nhân tài là việc lớn hàng đầu, nếu có thể làm tốt giáo dục thì bất luận chế độ gì cũng tốt. Nhà Nho thật sự là thánh nhân, họ nhìn thấy được, họ rất hiểu rõ, rất sáng tỏ, cho nên ở trong Học Ký nêu rằng: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” (dựng nước quản dân, dạy học làm đầu), đây là bồi dưỡng nhân tài. Xây dựng một quốc gia, xây dựng một chính quyền, thống trị nhân dân, lãnh đạo nhân dân; “quân dân”, quân nghĩa là lãnh đạo. Việc gì là quan trọng nhất, là ưu tiên nhất? Giáo dục, “dạy học làm đầu”. Nói đến giáo dục, trong giáo dục thì điều gì là ưu tiên nhất? Tứ nhiếp pháp là ưu tiên nhất. Thầy giáo làm thế nào có thể nhiếp thọ học sinh? Ý nghĩa của nhiếp thọ là khiến học sinh đối với thầy tâm phục khẩu phục, đây gọi là nhiếp thọ. Người lãnh đạo quốc gia làm thế nào nhiếp thọ nhân dân cả nước, khiến nhân dân cả nước đối với người lãnh đạo quốc gia tâm phục khẩu phục? Phật dạy chúng ta tứ nhiếp pháp. Cho nên, tôi dùng nhiều thời gian một chút để giảng đoạn nói về tứ nhiếp pháp này. Phạm vi nhỏ nhất là vợ chồng, trong một gian phòng có hai người, bạn có thể biết được tứ nhiếp pháp thì vợ chồng hòa thuận, gia đình hưng vượng. Lớn là đến quốc gia, đến thế giới, bạn thử nghĩ xem câu nói này quan trọng biết bao! Việc trong thiên hạ, chỉ cần người với người có thể chung sống tốt với nhau thì vấn đề gì cũng giải quyết được; người với người không thể chung sống với nhau, dẫu chế độ có tốt đến đâu cũng là vô ích, cũng sẽ bị phá hoại, bị đánh đổ triệt để.

Chúng ta học Phật, bản thân là đệ tử Phật, bất luận là xuất gia hay tại gia, chúng ta đều có sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh. Hoằng pháp lợi sanh hoàn toàn là đứng trên lập trường giáo dục xã hội, ngày nay gọi là lập trường của người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa, giúp đỡ người lãnh đạo của các tầng lớp trong xã hội, chúng ta ở bên cạnh phối hợp giúp đỡ, giúp họ thúc đẩy giáo dục của cổ thánh tiên hiền. Ở đây chúng ta cần phải nhận biết, giáo dục của cổ thánh tiên hiền có phải là giáo dục của riêng các ngài hay không? Ngày nay chúng ta hỏi thử, Phật giáo có phải là giáo dục của Thích-ca Mâu-ni Phật hay không? Tư tưởng giáo dục của nhà Nho có phải là tư tưởng giáo dục của Khổng lão phu tử hay không? Nếu chúng ta nói là phải thì chính các ngài sẽ phủ định; Khổng lão phu tử phủ định, Thích-ca Mâu-ni Phật cũng phủ định. Các ngài nói như thế nào vậy? Khổng lão phu tử nói cả đời ngài, bản thân ngài chẳng có gì cả, những gì mà ngài nói ra đều là lời cổ nhân nói, “thuật lại mà không sáng tác”; bản thân ngài không có sáng tác, không có phát minh, những gì mà ngài nói là lời của cổ nhân nói, không phải của bản thân ngài. Những gì Thích-ca Mâu-ni Phật nói ra cũng không phải của bản thân ngài, mà là lời của Phật quá khứ nói. Thích-ca Mâu-ni Phật cả đời 49 năm giảng kinh thuyết pháp cũng là “thuật lại mà không sáng tác”, điều này chúng ta nhìn thấy ở trong kinh điển, nhún nhường đến tột cùng! Phật đã nói lời chân thật ở trong kinh, nền giáo dục này không phải do một người nào nói, mà là từ trong tự tánh của bạn lưu xuất ra, tuyệt đối không phải của người khác, mà là lưu lộ của tánh đức, “pháp vốn như vậy”. 

Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là “người ban đầu, tánh vốn thiện”. Chữ “người” là chỉ tất cả mọi người, bao gồm bản thân chúng ta trong đó, tánh của chúng ta vốn thiện. Chữ “thiện” này không phải là thiện trong thiện ác, thiện trong thiện ác thì là bất thiện rồi. Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai”, đó chính là vốn thiện. Cho nên, trí tuệ của Như Lai chính là trí tuệ chân thật viên mãn vốn sẵn có trong tự tánh; “đức” là nói về năng lực, tướng là nói về tướng hảo; trí tuệ là viên mãn, năng lực cũng là viên mãn, tướng hảo cũng là viên mãn, nhà Phật gọi là bình đẳng, không có khác biệt. Ở trong không có khác biệt vì sao lại có hiện tượng khác biệt xuất hiện vậy? Phật nói do chúng sanh đã mê mất bản tánh, mê có sâu cạn không như nhau, cho nên mới biến thành khác biệt. Lời dạy của thánh nhân không có gì khác, là dạy chúng ta, giúp đỡ chúng ta phá mê khai ngộ, cho nên thánh nhân giáo hóa chúng sanh mà các ngài không kể công. Bạn nói công lao, các ngài không có công lao, các ngài có công lao gì đâu? Trí tuệ đức năng là của bạn, không phải là các ngài cho bạn, nếu các ngài cho bạn thì mới có ân huệ, có công lao, nhưng không phải là các ngài cho bạn, mà là bản thân bạn vốn có. Chẳng qua là các ngài nói cho chúng ta biết chúng ta vì sao mê mất, hiện nay cần phải dùng phương pháp gì để đột phá cửa mê này, để trí tuệ đức năng vốn có trong tự tánh của chúng ta hiện tiền, chỉ như vậy mà thôi, không phải có được từ bên ngoài. 

Chúng ta quan sát tỉ mỉ lời giáo huấn của đại thánh đại hiền xưa nay trong và ngoài nước, quả thật đúng là như lời Phật đã nói. Vậy chúng ta mới bừng tỉnh giác ngộ, hóa ra lời mà các ngài nói không phải do bản thân các ngài phát minh, không phải là kiến giải của riêng các ngài, mà là các ngài tự mình giác ngộ, rồi đem chân tướng sự thật này nói ra cho chúng ta, đây là thật tướng của thể – tướng – dụng trong tự tánh của chúng ta. Vì vậy chúng ta mới thật sự phục sát đất, không còn gì để nói. Chúng ta tin các ngài, có phải là tin các ngài hay không? Không phải tin các ngài, mà là tin mình, những điều các ngài nói vốn dĩ đầy đủ trong tự tánh của mình. Cho nên “tín” mà nhà Phật nói, các bạn xem đại sư Ngẫu Ích giảng về tín – nguyện – hạnh trong Yếu Giải, nói về tín thì ngài đã nói sáu tín, đầu tiên là tin mình, thứ hai mới tin người. “Người” là ai vậy? Người là người đã tự mình giác ngộ. Ta vẫn chưa giác ngộ, họ giác ngộ rồi, ta phải nương theo kinh nghiệm giác ngộ của họ, nương theo những đạo lý phương pháp giác ngộ này để giúp ta cũng giác ngộ, sự việc là như vậy. Mượn kinh nghiệm của họ để giúp mình phá mê khai ngộ, như vậy công đức mới viên mãn. Cho nên, Phật nói ta và người không hai, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là một thể, khái niệm này thì danh từ trong nhà Phật gọi là “pháp thân thanh tịnh”. Bạn có khái niệm này, bạn khẳng định, bạn thừa nhận, một mảy may hoài nghi cũng không có thì bạn chứng được pháp thân thanh tịnh. 

Cho nên, tâm yêu thương là thứ vốn có trong tự tánh, không phải học được từ bên ngoài. Tình thương của phàm phu chúng ta ngày nay đã mê mất tự tánh, tình thương của tự tánh là viên mãn, mê mất tự tánh thì bị lọt đi một phần, một phần này lại bị trộn lẫn với thất tình ngũ dục, nên tình thương này biến thành tình thương của tự tư tự lợi. Tình thương của tự tư tự lợi với từ bi vốn có trong tự tánh, nói trên thể thì không khác nhau, nhưng nói trên sự thì có mê ngộ bất đồng, cho nên tác dụng không như nhau. Tình thương giác ngộ trong Phật giáo gọi là từ bi, nó có thể giúp bạn tu hành chứng quả, có thể giúp bạn làm Phật, làm Bồ-tát; tình thương mê nhiễm sẽ tạo thành nghiệp báo là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Từ đó cho thấy, quả báo của mê ngộ, nhiễm tịnh khác biệt rất lớn; khác biệt này là khác biệt trên tướng, khác biệt trên dụng, nhưng trên thể không có khác biệt. 

Phàm phu chúng ta nghiên cứu học vấn, cầu học, không thể khế nhập học vấn chân thật, đều do một quan niệm chủ yếu chính là phân biệt, chấp trước quá nghiêm trọng, cho đây là Thích-ca Mâu-ni Phật nói, đó là Khổng lão phu tử nói, là tư tưởng của các ngài, các ngài là người của 2.500 năm trước, lời các ngài nói hiện nay chưa chắc còn phù hợp, lạc hậu rồi, không phù hợp thời đại nữa. Vì vậy tự nhiên sanh ra ý thức bài xích, đây là sai lầm! Không biết rằng lời mà các ngài nói ra là từ tự tánh chúng ta lưu lộ. Nếu biết được là từ tự tánh của chúng ta lưu lộ thì bạn sẽ không bài xích, bạn sẽ rất hoan hỷ tiếp nhận. 

Cho nên, phải dạy học như thế nào? Làm thế nào giúp đỡ người khác phá mê khai ngộ? Làm thế nào giúp đỡ người khác chuyển phàm thành thánh? Làm thế nào giúp đỡ người khác đoạn ác tu thiện? Tứ nhiếp pháp là môn học đầu tiên; không biết tứ nhiếp pháp thì không cách gì dạy người khác được, không có cách gì chung sống với người khác, đây là một môn học rất quan trọng. Phật Bồ-tát có trí tuệ chân thật, các ngài cũng rất nhẫn nại, chúng sanh có người nghiệp chướng rất sâu nặng, trong kinh Phật thường gọi là căn tánh xiển-đề, quyết không phải một đời một kiếp có thể khuyên họ quay đầu, mà nhiều đời nhiều kiếp, trong vô lượng kiếp giúp đỡ họ quay đầu. Người một đời không thể quay đầu thì quá nhiều, quá nhiều. Không có tâm trí tuệ chân thật, không có tâm từ bi chân thật thì người đó sẽ thoái tâm. Chúng ta nhìn thấy người tu hành thoái tâm rất nhiều, hình như hiện nay ở trong đồng học chúng ta, Ngộ Thiện không đến, sắp thoái tâm rồi. Vì sao bị thoái tâm vậy? Không có trí tuệ, không có từ bi, phiền não đã hiện hành. Nếu họ có trí tuệ, có từ bi thì chắc chắn sẽ không thoái tâm. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.


[1] Chữ viết Trung Quốc được chế tác theo sáu nguyên tắc chính gọi là lục thư, bao gồm: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hài thanh, giả tá và chuyển chú.