Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 121/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 121/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Hôm nay chúng tôi tiếp tục nói đến “tín căn, tín lực” trong “ngũ căn, ngũ lực”. Vấn đề này, vì sao phải dùng nhiều thời gian đến như vậy để thảo luận? Thật ra mà nói, vì nó có quan hệ rất lớn đối với bản thân chúng ta. Mấu chốt thành bại của pháp thế xuất thế gian đều là ở tín tâm, cho nên nếu không thể xây dựng được tín tâm thì có thể nói là không thành được việc gì. Chúng ta tu pháp môn Tịnh độ, trong tam tư lương của Tịnh tông, điều thứ nhất chính là tín. Mãi cho đến sau khi vãng sanh thế giới Cực Lạc thì vẫn phải từ ngũ căn, ngũ lực mà tu, vậy thì bạn liền biết được khóa mục này quan trọng đến nhường nào! Kinh A-di-đà do đại sư La-thập dịch, nói rõ cho chúng ta biết ở thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn phải tu “ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát thánh đạo phần”. Do đây có thể biết, ba môn phía trước thì trong đời này của chúng ta nhất định phải hoàn thành. Điều này đã nói rất rõ ràng rằng, nếu không có nền tảng của ba môn phía trước thì việc vãng sanh không đáng tin cậy.

Người chân thật niệm Phật vãng sanh thì nhất định phải đầy đủ “tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc”, phía trước tôi đã giảng qua. Tứ niệm xứ là nhìn thấu, tứ như ý túc là buông xuống, tứ chánh cần là đoạn ác tu thiện. Nếu chúng ta không ở ngay đây mà chân thật hạ công phu thì niệm Phật không thể vãng sanh. Mọi người tuyệt đối đừng cho rằng mang nghiệp vãng sanh là quá dễ dàng. Tổ sư đại đức nói đây là “đạo dễ hành”, nhưng đạo dễ hành là so với các pháp môn khác thì nó là dễ dàng nhất. Nếu bạn xem nó thành quá dễ dàng thì có thể trong đời này bạn sẽ bỏ lỡ dịp. Do đó, bạn nhất định phải thật thà mà học tập. Trong Di-đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói rất hay! Sự tán thán của đại sư Ấn Quang dành cho ngài là chính xác, không thái quá chút nào. Ngài nói thứ nhất là phải tin tưởng chính mình, tin tưởng chính mình điều gì? Tin tưởng chính mình có Phật tánh, tin tưởng chính mình có thể làm Phật, đây là điều kiện đầu tiên. Chính mình không tin chính mình có thể làm Phật, vậy thì bạn chắc chắn không thể thành Phật được.

Tam Tự Kinh là một quyển sách rất quan trọng! Trung Quốc thuở xưa, trẻ nhỏ ba, bốn tuổi đã bắt đầu học, câu đầu tiên là “người ban đầu, tánh vốn thiện”. Tánh vốn thiện này nghĩa là gì? Là tin chính mình có thể làm Phật, Phật là tánh vốn thiện. Điều đầu tiên là cho chúng ta lòng tin, chúng ta có thể làm thánh nhân, có thể làm thần nhân, có thể làm Phật, có thể làm Bồ-tát, bạn không làm thì không có cách nào. Cho nên từ chỗ này mà xây dựng tín tâm. Sau đó, bạn lại nghĩ đến giáo dục ngày trước của Trung Quốc, toàn thế giới không thể nào sánh được, dạy trẻ nhỏ thì câu đầu tiên chính là dạy chúng điều này, dạy chúng ghi nhớ kỹ. Vì sao bạn lại trở nên bất thiện? Phía sau đã nói rõ, nó sanh ra biến hóa, “tánh gần nhau, tập xa nhau”. Tánh là bổn tánh, chúng sanh và Phật là như nhau, không có khác biệt, do tập quán mà có khoảng cách xa. 

Tập tánh ấy, người xưa gọi là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đây là nói tập tánh. Bạn thường ở chung với thánh nhân thì bạn sẽ thành thánh nhân; bạn thường ở chung với người ác thì bạn thành người ác; bạn thường ở chung với người tà tri tà kiến bạn sẽ biến thành người tà kiến, đạo lý chính là như vậy. Hôm qua, đồng tu các bạn có câu hỏi rất hay, hiện nay mọi người đều có máy vi tính, ngày ngày ở trên mạng, những thứ trên mạng rất là phức tạp; hay nói cách khác, duyên của mười pháp giới đều ở trong đó, chỉ xem bạn thân cận thứ nào. Trong đó có Phật, có Bồ-tát, cũng có yêu ma quỷ quái, cũng có địa ngục, súc sanh, xem thử chính bạn thân cận thứ nào. Nếu mỗi ngày bạn chỉ mở một môn là học Phật thì bạn nhất định thành Phật. Ngoài việc học Phật ra, bạn vẫn muốn thân cận yêu ma quỷ quái thì khẳng định bạn không thể thành Phật được. Vì sao vậy? Phiền não tập khí của bạn rất nặng, yêu ma quỷ quái có thể làm thỏa mãn sở thích của bạn, có sức mê hoặc rất lớn, bạn chắc chắn sẽ đi theo họ. Bạn đi theo họ đến nơi nào vậy? Đi đến địa ngục, đi đến ngạ quỷ, súc sanh, cõi thiện chắc chắn sẽ không có phần của bạn. Tất cả đều ở một niệm tín tâm của bạn, bạn xem tín tâm này của bạn có quan trọng hay không?

Tôi giảng kinh thường khuyên nhủ quý vị: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu.” Không có nền tảng này, bạn muốn không bị những tà tri, tà kiến, tà hạnh của xã hội này mê hoặc thì e rằng không có người nào làm được, trừ khi bạn là Phật Bồ-tát tái lai. Nếu bạn không phải là người tái lai thì bạn không thể nào thoát khỏi bàn tay của ma, không có việc này! Bạn chắc chắn sẽ sa vào ma đạo. Bởi vậy, giáo học là phương pháp tốt nhất để cứu độ tất cả chúng sanh. Phần đầu của Tam Tự Kinh nói: “Nếu không dạy, tánh liền đổi.” Nếu bạn không y theo đạo của thánh nhân, đạo của Phật Bồ-tát dạy bảo thì bạn chắc chắn sẽ biến đổi, sẽ bị cuốn theo cơn sóng của xã hội. Ngày nay, thiện căn của chúng ta cũng chẳng phải là sâu dày, người có thiện căn thật sự sâu dày thì mắt không nhìn tà sắc, tai không nghe lời ác, họ thật sự làm được! Ngày nay chúng ta làm không được. Càng là tin tức nhảm nhí tà ác thì càng thích nghe, không chỉ thích nghe mà còn đi nghe ngóng, còn tìm hiểu sâu hơn. Từ đây thì biết được người này không có thiện căn, họ đi đường tà, cách mức độ thấp nhất của nhà Nho là quân tử rất xa. Bạn xem tiêu chuẩn giáo học của nhà Nho là: “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác ngôn”; đây là khi hai người bạn có ý kiến bất hòa, trở mặt, cắt đứt quan hệ, nhưng họ nhất định không có một câu nói xấu nào về đối phương. Mức độ thấp nhất của nhà Nho là quân tử, hiện nay trên thế giới không còn nữa. Vì sao nhà Nho dạy người như vậy? Để gìn giữ sự an toàn của xã hội, giữ cho thế giới hòa bình, việc này rất cừ khôi! “Bất xuất ác ngôn” có công hiệu lớn đến như vậy!

Ác ngôn, dèm pha, sinh sự, hậu quả nhỏ thì phá hoại gia đình người ta, làm cho cả nhà người ta bất hòa; lớn là phá hoại đoàn thể, làm đoàn thể bất hòa, nếu là đoàn thể Phật giáo thì tội của họ tương lai chắc chắn đọa địa ngục A-tỳ. Vì sao vậy? “Phá hòa hợp tăng”, đây là tội ngũ nghịch thập ác. Các bạn đã đọc kinh Địa Tạng, kinh Địa Tạng mọi người đều rất quen thuộc, ngày trước chúng tôi đã giảng qua kinh Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo, mọi người đều đã xem qua, tội ngũ nghịch là: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp tăng, năm điều này là tội nghiệp của địa ngục A-tỳ. Người có một chút trí tuệ, đầu óc tỉnh táo, làm gì chịu làm những việc hồ đồ này! Địa ngục thì rất dễ bước vào, nhưng đi ra thì rất khó. Thành viên trong đoàn thể này dù có xấu đến đâu, đó là việc của họ, nhân quả của mỗi người, mỗi người tự gánh lấy, ta tuyệt đối không nói một câu, không có liên quan gì đến ta, ta không tạo cái nghiệp này, chúng ta phải tin tưởng giáo huấn này của Phật. 

Vì sao người khác tạo bất thiện, ta lại muốn đem cái bất thiện của họ để vào tâm của ta, khiến tâm của chính mình biến thành bất thiện? Tổn thất này quá lớn, đây là người ngu si nhất của thế gian! Trong kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, vừa mở đầu Phật đã dạy chúng ta, tôi còn đặc biệt dành rất nhiều thời gian giảng cho các đồng tu nghe, “chẳng để mảy may bất thiện xen tạp”, câu nói này của Phật quan trọng! Phải dưỡng tâm thuần thiện của chính mình. Không được nói lỗi lầm của người khác, chúng ta không được nói lỗi lầm của người, không được đem nó để ở trong tâm. Hay nói cách khác, trong tâm của ta không lưu lại dấu vết về lỗi lầm của bất kỳ người nào thì chúng ta thành công, người này là người đại thiện. Vì sao chúng ta đem lỗi lầm của người khác để vào tâm của chính mình? Đã làm cho tâm của chính mình hư đi. Tâm của mình giống như một cái kho rất sạch sẽ, bạn đem chứa rác rưởi của người khác trong đó, bạn nói xem có oan uổng hay không? Đem những tội lỗi, phải quấy của những người không liên can trên thế gian để vào trong cái kho thanh tịnh của chính mình thì tâm của chính mình trở nên xấu xa, loại người này thật là hồ đồ hết chỗ nói! Vì sao họ lại làm như vậy? Thật đáng thương! Họ chưa được tiếp nhận giáo dục, không có người dạy họ.

Ngày nay, chúng ta có thể tiếp nhận giáo huấn của thánh hiền, đây là thiện căn phước đức nhân duyên ở trong đời quá khứ. Thế nhưng có hiệu quả hay không thì rất khó nói. Tại sao vậy? Sự ô nhiễm ở bên ngoài quá nghiêm trọng. Thời đại mà chúng ta hiện nay đang sống, ô nhiễm ở bên ngoài so với trước đây nghiêm trọng hơn không chỉ gấp ngàn lần, vạn lần. Vào thời xưa, không cần nói quá lâu, một trăm năm trước, phong khí xã hội đều thuần hậu. Năm mươi năm về trước, chúng tôi đến Đài Loan, người Đài Loan thuần hậu chất phác. Chúng tôi vừa đến bên đó, khi tìm bạn bè mà không biết đường đi, hỏi người bán hàng rong ở bên đường, người ta rất nhiệt tình, dừng việc buôn bán lại, dẫn chúng tôi đi, đa phần đều là như vậy. Hiện tại bạn đến hỏi đường, người ta cũng không thèm ngó đến bạn, sợ bạn làm phiền, sợ bạn lôi thôi, phong khí hoàn toàn khác. Cho nên ở trong xã hội này, chính mình có thể gìn giữ được [không bị ô nhiễm] thì thiện căn của bạn rất sâu dày, chắc chắn không phải là người thường. 

Chúng ta không có năng lực này thì phải huân tập. Bản thân tôi là một thí dụ, tôi cũng không phải là người có thiện căn rất sâu dày, nhưng tôi có thể bồi dưỡng, không bị những tập khí xấu ác của xã hội tiêm nhiễm, đó là do bản thân tôi phát tâm ở bên cạnh thầy Lý 10 năm, thầy yêu cầu tôi tuân thủ giáo huấn của thầy 5 năm, tôi xin tăng thêm 5 năm, thế là tôi theo thầy 10 năm, 10 năm cắm rễ xuống. Tôi có năng lực phân biệt chân vọng, có năng lực phân biệt tà chánh, có năng lực phân biệt phải quấy, tôi có năng lực này. Cho nên mới có thể gìn giữ mà không bị ô nhiễm, tâm địa ngày một được thanh tịnh hơn. Việc này tôi nghĩ đồng tu có tâm thì có thể thể hội được. Từ chỗ nào mà thể hội được? Từ trong lời nói, việc làm của tôi mà thể hội, bạn nghe thấy những lời tôi nói mỗi ngày, nhìn thấy hành vi cử chỉ của tôi. Bạn không nhìn ra, không thể hội được, đó là vì bạn không có học vấn này, bạn không có lương tri lương năng. 

Người thế gian, cho đến tất cả chúng sanh đều có mặt thiện, cũng đều có mặt ác, thiện ác hỗn tạp, mức độ thấp nhất cũng phải học cư sĩ Hứa Triết. Cư sĩ Hứa Triết năm nay đã 102 tuổi, người thanh niên 102 tuổi, vì sao bà có thể giữ được khỏe mạnh như vậy? Lý do rất đơn giản là tâm thanh tịnh. Chúng tôi cũng thường nói, tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh của bạn sẽ thanh tịnh, người hiện nay gọi là hoàn cảnh, là từ trường, từ trường của bạn bèn tốt, khi người khác tiếp xúc với bạn, họ cảm thấy rất là dễ chịu. Vì sao bà Hứa Triết có thể được tâm thanh tịnh? Không gì khác hơn, chính bà đã nói với chúng ta rất rõ ràng, bà tuyệt đối không đem lỗi lầm của người khác để ở trong tâm của mình, điểm này bà rất cừ khôi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hỏi bà, vậy bà nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, người khác tạo tác những việc ác thì bà làm sao? Bà nói: “Tôi không hề nhìn thấy, khi nhìn thấy những người đó tạo ác, tôi không để ý. Cũng giống như tôi đi trên đường, đi trên đường nhìn thấy rất nhiều người, có nhìn thấy hay không? Nhìn thấy. Có nghe họ nói chuyện hay không? Nghe thấy. Trong tâm có ghi nhớ hay không? Không có, không có ấn tượng gì cả.” Thí dụ này hay! Vì sao vậy? Không hề đem nó để ở trong tâm, nhìn thấy, nghe thấy nhưng không chứa nó ở trong tâm, nên trong tâm không có. Sau khi qua rồi, nếu bạn không nhắc đến thì bà tuyệt đối không có ấn tượng, khi nhắc đến thì nhớ có một người như vậy, dường như đã gặp ở trên đường, bạn không nhắc đến thì chắc chắn bà không nhớ đến, không lưu lại ấn tượng, chúng ta phải học công phu này. 

Không phải học không được, vì sao bà có thể học được, ta học không được? Bà không phải là tín đồ Phật giáo, không phải đệ tử Phật, 101 tuổi bà mới quy y, 100 năm trước đó bà đều không hiểu. Vì sao bà đến quy y? Bà có trí tuệ, có năng lực phân biệt tà chánh; Phật pháp là chánh giáo, Phật pháp là thuần thiện, bà hoan hỷ, bà đến quy y, phát tâm làm đệ tử Phật, làm đệ tử tốt của Phật. Bà vẫn chưa phát tâm trì giới, nhưng khi quy y, ngay cả chứng thư ngũ giới tôi cũng trao cho bà, vì sao vậy? Bà đã đầy đủ, đầy đủ viên mãn rồi, bà cả đời ăn trường chay, không sát sanh, không có một chút ý niệm tổn hại người khác, giới không sát sanh đã viên mãn rồi. Bà cả đời không có ý niệm tổn hại người khác, chỉ có thành toàn người khác, giúp đỡ người khác, nhất định không chướng ngại người khác, tổn hại người khác, đây là đã làm được giới không sát sanh viên mãn. Cả đời không có mảy may ý niệm chiếm tiện nghi của người khác, giới không trộm cắp viên mãn rồi. Bà cả đời giữ thân thanh tịnh, bà chưa từng kết hôn, đừng nói là không tà dâm, mà là không dâm, giới điều này bà cũng viên mãn rồi. Không vọng ngữ, không uống rượu, bà cả đời đều phụng hành. Bà đã làm được ngũ giới viên mãn, vì vậy chúng tôi đương nhiên phải trao chứng thư ngũ giới cho bà. Đây là việc mà thông thường người đã thọ tam quy ngũ giới đều không làm được, còn bà đã làm được viên mãn, nếu cho điểm số thì bà tròn một trăm điểm. 

Bà ở Singapore hiện thân thuyết pháp cho chúng ta, chúng ta làm sao có thể không tin? Trong tam chuyển pháp luân của Phật pháp thì chúng tôi đang làm thị chuyển, khuyến chuyển, còn bà đang làm điều sau cùng là tác chứng chuyển, bà làm chứng minh cho chúng ta. Bạn xem, bà cả đời sống tự tại, an vui như vậy, bà trải qua đời sống của Phật Bồ-tát, đời sống của thần tiên, không hề rời khỏi đô thị, đây là tấm gương tốt nhất để chúng ta [noi theo] tu học. Khu vực Singapore là đất phước, phước ở chỗ nào? Có người chân thật tu đạo, có người thiện thật sự, có Phật Bồ-tát thật sự trụ thế ở đây, đây là chúng sanh có phước. Nếu chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì từ đây sanh ra tín tâm, nhất định tin tưởng giáo huấn của Phật Bồ-tát, đặc biệt là kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo. 

Tôi đã nói với các vị, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là hành kinh, kinh có bốn loại là giáo, lý, hành, quả, kinh này là dạy chúng ta tu hành, sửa đổi hành vi sai lầm của chúng ta. Trong tu hành thì điều quan trọng nhất là phải tu khẩu nghiệp. Bạn xem, kinh Vô Lượng Thọ nói đến “khéo giữ ba nghiệp”, đem khẩu nghiệp để ở điều thứ nhất: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người.” Thông thường hay nói là “thân, khẩu, ý”, nhưng trong kinh Vô Lượng Thọ sắp xếp là “khẩu, thân, ý”, dụng ý trong đây rất sâu rất sâu. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều phải tương ưng với thập thiện thì bạn mới được xem là người thiện. Cho nên, Phật dạy chúng ta “thường niệm thiện pháp” là tâm thiện, “thường tư duy thiện pháp” là tư tưởng thiện, “thường quán sát thiện pháp” là hành vi thiện, vậy mới làm một người thuần thiện, đây là đại căn đại bổn để chúng ta tu thân dưỡng tánh, chúng ta hãy bắt tay làm từ chỗ này. Rời khỏi thập thiện thì chắc chắn đọa ba đường ác. Đối nhân xử thế tiếp vật phải dùng tâm thuần thiện mà làm. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.