PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 139/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bảy, bắt đầu xem từ hàng thứ nhất. “Chỉ trang nghiêm nên có thể dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang nghiêm nên có thể hay biết như thật tự tánh của các pháp.” Trước tiên, chúng ta dựa vào nghĩa kinh văn để nói một cách đơn giản. “Kiết sử” là danh từ thay thế cho phiền não. “Tất cả kiết sử”, trong Phật pháp thường gọi là kiến tư phiền não, trần sa phiền não, vô minh phiền não, toàn bộ đều bao gồm trong một câu này. Làm sao đoạn trừ phiền não? Dùng phương pháp chỉ quán có thể đoạn trừ. Cho nên chỉ là định, an trụ tâm vào một chỗ, đây chính là chỉ. An trụ vào chỗ nào vậy? Điều này không nhất định. Trong Phật pháp, mỗi một pháp môn không giống nhau, nhưng “an trụ một chỗ” là nguyên lý nguyên tắc xuyên suốt, bất biến, Phật nói trong kinh là: “Đặt tâm ở một chỗ thì không chuyện gì không làm được”, cũng là ý nghĩa này.
Phàm phu vọng niệm rất nhiều, gọi là “tâm vượn, ý ngựa”, tâm của họ không thể dừng lại được. Tịnh độ tông dạy chúng ta an trụ vào trong Phật hiệu, pháp môn mà chúng ta tu là an trụ vào câu Phật hiệu. Thực ra phương pháp để giữ tâm của Tịnh độ tông cũng rất nhiều, đây chính là nói về phương pháp niệm Phật, đại thể chia thành bốn loại niệm Phật là: thật tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, trì danh niệm Phật, có bốn loại này, trong mỗi một loại lại chia thành rất nhiều loại, cho nên phương pháp niệm Phật cũng rất nhiều. Quý vị đọc kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, trong đó nói với chúng ta mười sáu loại phương pháp, mười sáu pháp quán. Trong mười sáu pháp quán này, tu bất kỳ pháp quán nào cũng có thể đặt tâm ở một chỗ, đều có thể định tâm lại được; hay nói cách khác, đều có thể đoạn phiền não. Trong bao nhiêu phương pháp, trong mười sáu pháp quán này, ta tu một loại, hoặc hợp chung hai ba loại lại tu đều được, vì đều thuộc về cùng một pháp môn.
Trì danh niệm Phật là pháp quán thứ mười sáu, loại phương pháp cuối cùng. Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh thuyết đạo có một nguyên tắc, nguyên tắc này tương ưng với pháp thế gian, có thể thấy được Phật pháp mà Phật đã nói không lìa pháp thế gian, khiến người thế gian chúng ta tiếp xúc với Phật pháp, cảm thấy Thích-ca Mâu-ni Phật rất có tình người, đó chính là đem phương pháp tốt nhất để ở sau cùng. Giống như hát kịch vậy, màn kịch hay nhất nhất định là tiết mục cuối cùng, đặt ở sau cùng. Cho nên, bạn thấy hai mươi lăm viên thông trong hội Lăng-nghiêm, “Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm” được đặt ở sau cùng. Nếu theo thứ tự sắp xếp thì hai mươi lăm viên thông là lục căn, lục trần, lục thức, dựa theo cách sắp xếp này thì Nhĩ căn viên thông của Bồ-tát Quán Thế Âm phải xếp thứ hai, nhưng ngài lại đem viên thông đặc biệt này để sau cùng, tức là nói cho bạn biết đây là pháp môn đặc biệt. Trì danh niệm Phật được xếp sau cùng trong mười sáu pháp quán là nói cho bạn biết, đây cũng là pháp môn đặc biệt. Từ chỗ này chúng ta mới thể hội được ý của Thế Tôn.
Chúng ta “đặt tâm ở một chỗ”, đem tâm dừng lại ở đâu? Dừng lại trong danh hiệu, danh hiệu chỉ có bốn chữ “A-di-đà Phật”. Trước đây đại sư Liên Trì đã dùng phương pháp này. Chúng ta thấy trong “Trúc song tùy bút” có người thỉnh giáo đại sư rằng:
– Lão nhân gia ngài dạy người khác niệm Phật như thế nào?
Đại sư Liên Trì nói:
– Tôi dạy người khác niệm Phật là dạy họ niệm sáu chữ “Nam-mô A-di-đà Phật”.
Người đó lại hỏi đại sư:
– Cách niệm của riêng ngài là như thế nào?
Ngài nói:
– Bản thân tôi chỉ niệm bốn chữ “A-di-đà Phật”.
Thế là người ta hỏi ngài:
– Tại sao lại vậy?
Ngài bèn nói:
– Tôi đời này đã hạ quyết tâm nhất định phải sanh Tịnh độ, cho nên tôi chấp trì danh hiệu, đây là trong kinh Di-đà nói, danh hiệu chỉ có bốn chữ.
Ngài nói tiếp:
– Tôi dạy người khác, người ta chưa hẳn phát tâm cầu sanh Tịnh độ, họ không có quyết tâm này, không có nguyện vọng này, nên tôi dạy họ niệm sáu chữ, thêm vào chữ nam-mô; nam-mô là tiếng Phạn, tiếng Ấn Độ cổ, ý nghĩa là quy y, là cung kính, là lời khách sáo, quy y A-di-đà Phật, cung kính A-di-đà Phật.
Từ đó cho thấy, người thật sự hạ quyết tâm cầu sanh Tịnh độ thì không cần lời khách sáo nữa, có thể bỏ đi, càng đơn giản thì càng đắc lực. Niệm sáu chữ không đơn giản bằng niệm bốn chữ, đạo lý là ở chỗ này. Phải dừng tâm ở câu A-di-đà Phật, tâm thật sự dừng lại bất động ở nơi đây, vậy thì phiền não tự nhiên đoạn sạch, tự nhiên phiền não sẽ không khởi hiện hành, niệm niệm trong tâm đều là A-di-đà Phật, “tịnh niệm tiếp nối”. Niệm A-di-đà Phật là tịnh niệm, từng câu từng câu nối nhau chính là tiếp nối, không gián đoạn; nếu như đoạn rồi, vọng niệm và tạp niệm lại sinh, lại khởi lên thì đây là phương pháp thù thắng nhất trong tất cả pháp môn tu hành. Chúng ta hãy nghĩ thật kỹ, hãy quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ gật đầu, bạn sẽ đồng ý, thật sự là phương pháp hay, đơn giản dễ dàng, ổn thỏa thích đáng, lại nhanh chóng thành tựu. Cho nên có cần đoạn phiền não hay không? Không cần, chỉ cần đem tâm an trụ vào câu danh hiệu A-di-đà Phật này thì phiền não chưa đoạn, tự nhiên dần dần sẽ đoạn, phương pháp này tuyệt diệu!
Chúng ta nhất định phải biết, “biết” này nghĩa là “quán”, tất cả mọi pháp thế gian đều là giả, không có cái gì là thật cả. Bốn câu kệ sau cùng trong kinh Kim Cang là tổng kết luận của hội Bát-nhã: “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”, chúng ta phải niệm nhiều một chút, suy nghĩ nhiều một chút, câu nói này là thật, không phải giả, “mộng, huyễn, bọt, bóng”. Thời gian tồn tại vô cùng ngắn ngủi, “như sương cũng như chớp”, rất ngắn ngủi, nếu chúng ta đem những pháp hư huyễn, ngắn ngủi này để vào trong tâm vậy thì sai rồi. Tại sao vậy? Bạn để ở trong tâm đến cuối cùng vẫn là hoàn toàn vô ích. Phật tổ thường dạy chúng ta, đó là “thứ không thể mang theo”; trên thế gian, tài sản của bạn không thể mang theo được, người và vật mà bạn ưa thích không thể mang theo được, ngay cả người thân của bạn cũng không thể mang theo được. Cho nên người một nhà, người Trung Quốc gọi là “luân lý”, Phật pháp gọi là “pháp quyến thuộc”, cách nói này nói viên mãn, nói sâu sắc hơn so với nhà Nho, vì đã thành người một nhà, Phật nói vì sao trở thành người một nhà? Tóm lại không ngoài báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ, Phật nói [không ngoài] bốn loại duyên này, không có bốn loại duyên này thì sẽ không vào cùng một nhà.
Đoàn thể trong chùa chiền của người xuất gia chúng ta, mọi người cùng ở chung với nhau, tứ chúng đồng tu sống chung với nhau, nói thật ra thì cũng là bốn loại duyên này. Bốn loại duyên này thông qua sự giáo hóa của Phật thì thiện duyên, ác duyên đều trở thành pháp duyên; chúng ta đối với việc ân oán của thế gian này hiểu rõ rồi thì nên xóa sạch hết tất cả, đừng để nó ở trong tâm nữa. Chúng ta có thể để ân đức và thiện hạnh ở trong tâm, còn oan nghiệp, tội ác thì hãy tiêu trừ đi, bỏ đi thì người với người mới có thể chung sống hòa mục. Mọi người hãy cùng nhau hết lòng nỗ lực tu học Phật pháp, chúng ta cùng một mục tiêu, không tạo lục đạo luân hồi nữa. Mọi người đều đồng tâm đồng đức cầu sanh Tịnh độ, như vậy thì cùng nhau cộng tu sẽ như pháp, đây mới thật sự là một tăng đoàn hòa hợp, “kiến hòa đồng giải, giới hòa đồng tu”. Phương pháp tu hành của chúng ta là như nhau, đều chọn trì danh niệm Phật, mọi người niệm niệm đều tu thập thiện nghiệp đạo, đây chính là giới hòa đồng tu; cùng một cách nhìn, là thế gian hư vọng, không đáng để lưu luyến, đồng tâm đồng đức cầu sanh Tịnh độ, đây là kiến hòa đồng giải. Trên nền tảng này mà tổ chức một tăng đoàn, mọi người cùng tu chung với nhau thì có lý nào lại không thành tựu? Trong đây có đầy đủ chỉ quán. Tất cả pháp thế xuất thế gian đều không được để ở trong tâm.
Chúng ta muốn báo ân Phật, muốn báo ân cha mẹ, muốn báo ân chúng sanh, muốn báo ân quốc gia, trong kệ hồi hướng mà chúng ta mỗi ngày niệm: “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu ba đường khổ”, làm thế nào mới thật sự báo ân? Trong pháp thế gian thì nhà Nho nói: “Bất hiếu có ba, vô hậu lớn nhất”, câu nói này gợi ý rất lớn cho chúng ta. Thế gian là muốn tiếp nối dòng dõi, trong pháp xuất thế gian, chúng ta phải biết rằng “chánh pháp cửu trụ” thì mới có thể báo ân; chân thật là báo bốn ân, cứu ba đường khổ. Báo ân, cứu khổ thì chánh pháp phải cửu trụ, như vậy kệ hồi hướng này của chúng ta mới không phải là niệm suông. Dùng phương pháp gì để chánh pháp cửu trụ? Đời đời đều có truyền nhân thì chánh pháp mới có thể cửu trụ; không có truyền nhân thì pháp sẽ bị đoạn diệt. Dù có để lại kinh điển, tượng Phật, nhưng không có người lý giải thì cũng không hiểu, cho nên phải có truyền nhân.
Nói đến truyền nhân, chúng ta liền biết tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp; hoằng pháp nếu không có hộ pháp thì nhân tài hoằng pháp có nhiều đến đâu cũng vô ích, cũng không thể khởi tác dụng. Giống như lập trường học vậy, chúng ta có giáo viên rất tốt nhưng trường học không có viên chức thì trường này không thể thành lập; giáo viên và viên chức đều quan trọng như nhau, viên chức là hộ pháp, giáo viên là hoằng pháp, hoằng hộ là một thể. Cho nên, trong một đạo tràng, nhân viên quản lý là hộ pháp, họ đến quản lý đạo tràng chính là chấp sự của đạo tràng, trụ trì ở trong đạo tràng; hiện nay gọi là trụ trì, đương gia, duy-na, tri khách, những người này đều gánh vác nhiệm vụ công việc của đạo tràng, đều là hộ pháp. Pháp sư giảng kinh ở đạo tràng thì thuộc về thanh chúng, họ không quan tâm đến bất kỳ công việc gì của đạo tràng, họ làm công việc hoằng pháp.
Vào thời xưa, chúng ta nhìn thấy người hoằng pháp đến giai đoạn tuổi tác cao rồi, người trẻ tuổi phía sau trưởng thành rồi thì họ bèn rút khỏi hoằng pháp để làm hộ pháp, việc này hay! Thật sự biết quý trọng nhân tài, bồi dưỡng nhân tài, nhất định không có đố kỵ, chướng ngại, tội lỗi của đố kỵ, chướng ngại là nặng hơn hết thảy! Chắc chắn đọa địa ngục A-tỳ. Chúng tôi biết, chúng tôi rất hiểu rõ, Phật đã nói quá nhiều, quá nhiều trong tất cả kinh luận rồi. Trước đây, chúng tôi giảng kinh Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo rất rõ ràng, thông thường quý vị hay đọc kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, trong đó cũng nói rất tường tận. Cho nên công đức của hộ pháp không thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên. Tôi thường nói công đức của hộ pháp vượt hơn hoằng pháp, có một số người nghe thấy rồi không cho là như vậy, thực ra lời này không phải tôi nói, mà là Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói ở trong kinh Đại Niết-bàn.
Tôi đời này đang làm công việc hoằng pháp, hiện nay duyên chín muồi rồi, muốn tôi làm hộ pháp; tôi suy nghĩ, tôi nên làm hộ pháp. Gần đây, chúng tôi đã xây một đạo tràng ở Toowoomba – Úc, hôm qua đồng tu bên đó gọi điện cho tôi, chúng tôi hiện nay chính thức xin đăng ký với chính quyền thành phố, đăng ký thì cần có vài người chấp sự, yêu cầu tôi làm hội trưởng, ngoài ra cần có một vị thư ký, một vị tài vụ, ít nhất phải có ba người chịu trách nhiệm với chính phủ, tôi cũng đồng ý rồi. Tôi nói với đồng tu bên đó, hy vọng tôi làm năm năm, năm năm sau thì tôi sẽ bàn giao lại học hội này. Vì sao vậy? Pháp luật của chính phủ Úc quy định, người chủ trì đạo tràng nhất định phải là công dân Úc, hoặc là người cư trú lâu dài ở Úc; những đồng tu này hiện nay chưa cầm được thẻ cư trú lâu dài, cho nên tạm thời tôi đến làm. Tôi nghĩ năm năm sau, những đồng tu này có thể cầm được thẻ cư trú lâu dài, thậm chí là có thể cầm được thẻ công dân Úc, khi họ trở thành công dân Úc rồi thì tôi sẽ bàn giao toàn bộ học hội này cho họ, chúng ta cải tổ lại về mặt nhân sự, tôi bàn giao lại chức hội trưởng này. Tôi nói, tôi phục vụ thêm năm năm nữa, hy vọng người trẻ tuổi nên phát tâm hoằng pháp, phát tâm hộ pháp, hoằng hộ là một thể, không có mảy may tư tâm, chúng ta niệm niệm đang báo ân, niệm niệm đang cầu chánh pháp trụ thế, rộng độ chúng sanh.
Sự nghiệp độ chúng sanh nhất định cần tự mình làm ra tấm gương, bản thân bạn không thể làm một tấm gương tốt thì bạn sẽ không có cách gì giúp chúng sanh. Bạn dù nói hay đến đâu, khuyên người khác, mà bản thân bạn không thể làm được thì người ta sẽ rất khó tin, rất khó tiếp nhận, nhất định bản thân bạn phải làm được. Chúng tôi vốn dĩ mời một vị đồng tu ở Úc đảm nhiệm chức hội trưởng, ông sống ở Sydney, pháp luật của chính phủ Úc có quy định, nhà của người chấp sự trong hội phải cách đạo tràng không được hơn 75 km. Chúng tôi tính mời ông Graeme Lyall, ông sống ở Sydney, cách chỗ của chúng tôi hơn 1.100 km, nên người này không được, việc này không được phép. Mời ông làm cố vấn thì được, còn mời ông đảm nhiệm chức hội trưởng hay thư ký đều không được, cho nên phải tìm người gần đó. Tại sao vậy? Vì mỗi ngày họ có thể đến làm việc, nên khoảng cách không được quá xa, 75 km thì đại khái lái xe khoảng một tiếng đồng hồ, pháp luật quy định như vậy, thế là tôi không còn cách nào khác. Cho nên, tôi vừa mở đầu thì liền nghĩ đến đường rút lui trong tương lai, phải rút lui; tích cực giúp đỡ họ lấy được tư cách công dân Úc, chúng tôi đến phụ đạo, giúp đỡ họ hộ pháp, giúp đỡ họ hoằng pháp. Niệm niệm chỉ quán đầy đủ, niệm niệm lìa ác tu thiện, như vậy thì niệm Phật cầu sanh Tịnh độ chúng ta mới có phần nắm chắc, mới không đến nỗi luống qua. Tốt rồi, chúng ta giảng đến đây.