Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 84/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 84/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười bốn, hàng thứ nhất:

Lìa tâm phẫn nộ mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; bản thân mau thành tựu tâm trí vô ngại; các căn nghiêm trang tốt đẹp, ai thấy cũng đều kính mến.

Đây là không sân, không sân giận trong thập thiện. Tâm sân giận khó trừ bỏ nhất, gặp phải việc không vừa lòng, không như ý thì ý niệm sân giận tự nhiên sẽ sanh khởi, hơn nữa sanh khởi vô cùng nhanh, điều này chứng tỏ tập khí xấu của chúng ta từ vô thủy kiếp đến nay rất sâu nặng. Trong các phiền não thì phiền não này nghiêm trọng nhất, Phật nói với chúng ta quả báo của nó là ở địa ngục. Tam độc là nhân tố chủ yếu của ba đường ác, tham dục là cõi ngạ quỷ, sân giận là cõi địa ngục, ngu si là cõi súc sanh. Cho nên trong tất cả các kinh luận Đại, Tiểu thừa không biết Phật đã nói bao nhiêu lần về sự việc này, từng giờ từng phút nhắc nhở chúng ta, tuyệt đối không được tạo nghiệp nhân của tam độc, tạo nghiệp nhân tam độc thì chắc chắn đọa ba đường ác. Phật độ chúng sanh, giúp chúng sanh lìa khổ được vui, chúng ta thông thường nói Phật Bồ-tát bảo hộ, Phật Bồ-tát gia trì, các ngài dùng phương pháp gì để bảo hộ, để gia trì vậy? Dùng dạy học. Từng giây từng phút nhắc nhở chúng ta, bản thân chúng ta ngu si, không hiểu ý của Phật, không thể tiếp nhận lời giáo huấn mà gắng sức thực hiện, cho nên tuy học Phật rồi mà vẫn phải đọa ba đường ác. Há chẳng nghe ngạn ngữ thường nói “trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều” đó sao? Lời nói này quyết chẳng phải không có nguyên do, nó có đạo lý, có nguyên nhân. 

Bốn chúng đệ tử trong đời này có cơ hội nghe được Phật pháp, đây là nhân duyên hiếm có khó gặp. Trong kinh Phật cũng thường nói “thiện căn, phước đức, nhân duyên”, đầy đủ ba điều này thì đời này mới có thể được độ. Chúng ta có nhân duyên đầy đủ, vấn đề là có thiện căn, phước đức hay không? Có thiện căn, phước đức tức là tin sâu nguyện thiết, y giáo phụng hành, đây chính là thiện căn, phước đức. Nếu không tin, không có nguyện lực, không chịu y giáo phụng hành, vẫn tùy thuận tập khí phiền não của mình thì trong ba điều kiện này, tuy bạn có nhân duyên nhưng không đủ thiện căn, phước đức. Chính là điều mà trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã nói: bạn vẫn theo nghiệp mà thọ báo như cũ, bạn vẫn bị nghiệp lực kéo đi, bạn không ra khỏi luân hồi, không thoát khỏi ba đường ác. Ba điều kiện buộc phải đồng thời đầy đủ thì người ấy trong đời này vượt thoát được rồi. Rất nhiều năm về trước, khi tôi ở Đài Loan, giáo sư Lam Cát Phú đến hỏi tôi về điều kiện vãng sanh, tôi bèn dựa theo một câu kinh văn trong kinh A-di-đà để trả lời ông, kinh A-di-đà nói: “Không thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi kia.” Chúng ta ngày nay thông thường nói thiện căn, phước đức, nhân duyên đều có, thế nhưng ít, nếu ít thì không thể “được sanh về cõi kia”; hay nói cách khác, phải nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên mới chắc chắn sanh Tịnh độ. Trong kinh Phật đã nói rõ ràng như vậy, nói sáng tỏ như vậy, chúng ta phải biết.

Làm thế nào để hàng phục tâm phẫn nộ? Đây là đại học vấn, đây là công phu chân thật. Người biết dụng công, người có tính cảnh giác cao, khi ý niệm sân giận vừa khởi lên liền niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, dùng câu Phật hiệu này đè ý niệm này xuống, đây gọi là biết niệm Phật. Ý niệm vừa khởi, ý niệm thứ nhất là tâm phẫn nộ thì ý niệm thứ hai là A-di-đà Phật, từng giây từng phút phải dùng công phu này, sau đó bạn mới biết được sự thù thắng của pháp môn niệm Phật. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì pháp môn này tiện lợi, có thể dùng mọi lúc mọi nơi, hơn nữa dùng vô cùng hiệu quả. Cổ đức thường nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Niệm chính là ý niệm tham sân si, ý niệm tự tư tự lợi, ý niệm tùy thuận tập khí phiền não, những ý niệm này chắc chắn sẽ khởi, vì vô thủy kiếp đến nay đã huân tập thành, bạn là phàm phu thì đâu có lý nào không khởi phiền não? Niệm thứ nhất khởi lên rồi, niệm thứ hai liền cảnh giác ngay, dùng câu Phật hiệu san bằng nó, đè nó xuống. Công phu này dùng lâu rồi, thật ra mà nói nếu bạn thật sự chịu dụng công thì thông thường nói ba năm, từ ba năm đến năm năm chắc chắn thành công. Mấu chốt chính là tính cảnh giác cao, vừa khởi ý niệm thì lập tức đề khởi Phật hiệu, đây là chỗ thù thắng vô song của Tịnh độ. Phàm phu thật đáng thương, khi phiền não khởi lên, ý niệm thứ hai lại tiếp tục khởi, thế là phiền não niệm niệm tăng trưởng, cứ như vậy mới khiến mình trong đời này dù cho gặp được pháp duyên thù thắng cũng không thể thành tựu, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta ngày nay biết sự việc này rồi, hiểu rõ đạo lý này thì phải hết lòng nỗ lực mà học tập. Niệm Phật như thế nào? Chính là cách niệm này; phải dùng cho thuần thục, mọi lúc mọi nơi đều có thể đề khởi lên được, hoàn toàn khống chế được phiền não của chính mình, cho nên có thể xoay chuyển được cảnh giới. Bạn chính mình biết rất rõ ràng, rất sáng tỏ, phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, công phu sẽ thấy hiệu quả.

Cho dù là hoằng pháp lợi sanh, làm việc lợi ích chúng sanh cũng đều phải xem duyên phận. Từ xưa đến nay, cao nhân, đại đức, rất nhiều vị cả đời không gặp được duyên; không gặp được duyên thì họ tự tu, họ thành công, họ tự độ chính mình. Khi không có duyên thì tự độ, khi có duyên thì giúp đỡ chúng sanh, duyên tuyệt đối không được cưỡng cầu. Phật dạy chúng ta phải tùy duyên, nếu bạn cưỡng cầu thì bạn chắc chắn sanh phiền não. Cho nên chư Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức thường xuyên dạy bảo chúng ta tùy duyên mà không phan duyên. Tùy duyên thì tâm của bạn thanh tịnh, bình đẳng; phan duyên thì tâm không thanh tịnh, tâm không bình đẳng; hay nói cách khác, bạn sanh phiền não chứ không sanh trí tuệ. Tùy duyên thì sanh trí tuệ, không sanh phiền não, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, đây là sự thật.

Không dễ gì gặp được Phật pháp, nhất định phải hiểu sự thật này, trong kệ khai kinh đã nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”, đây là thật, không phải giả. Nếu bạn thật sự hiểu rõ thì bạn mới biết trân quý. Bạn gặp được Phật pháp, vì sao không biết trân quý Phật pháp vậy? Vì bạn không hiểu rõ, không biết lợi ích của nó, không biết sự đáng quý của nó, không biết nó khó gặp như vậy. Cư sĩ Bành Tế Thanh nói rất hay: “Một ngày hiếm có khó gặp trong vô lượng kiếp đến nay”, chúng ta ngày nay gặp được là vô lượng kiếp hiếm có khó gặp, đâu phải dễ dàng mà bạn đời đời kiếp kiếp đều gặp được. Những lời này có nói quá mức hay không? Chúng ta hãy bình tĩnh tư duy, quan sát tỉ mỉ thì biết thôi. Bạn đừng nói toàn thế giới ngày nay, chỉ nói Singapore ngày nay dân số hơn 3 triệu người, có mấy người gặp được? Trong 3 triệu người, có bao nhiêu người gặp được Phật pháp? Trong Phật pháp, có bao nhiêu người có thể gặp được Phật pháp thuần chánh? Chúng tôi cũng xem như ở nơi đây hoằng pháp nhiều năm rồi. Trước đây, mỗi năm tôi đến đây giảng một tháng, tôi ước tính sơ bộ cũng chưa đến 3.000 người mà thôi. Trong 3.000 người này, người thật sự có thể giác ngộ thì được mấy người? Không có nổi 300 người, có thể được 30 người thì cũng không tệ rồi. Cho nên, loại trừ dần dần đến sau cùng thì không còn được mấy người. Như vậy đối với lời nói của cổ nhân thì chúng ta mới khẳng định, không mảy may nghi hoặc. Sau đó nghĩ đến bản thân, chúng ta may mắn biết bao! 

Học Phật, mấu chốt của thành bại là gì? Ngày đầu tiên tôi học Phật, nhờ có đại sư Chương Gia dạy tôi “nhìn thấu, buông xuống”, mấu chốt thành bại của bạn là do bốn chữ này quyết định. Bạn không thể nhìn thấu, không thể buông xuống thì đời này cùng lắm là kết duyên trong Phật pháp mà thôi. “Kết duyên”, vô lượng kiếp đến nay, chúng ta trước đây đã kết duyên không ít lần rồi, cho nên mới gọi là thiện căn sâu dày. Thế Tôn nói với chúng ta trong kinh Vô Lượng Thọ, nhóm vương tử A-xà trong đời quá khứ đã từng cúng dường 400 ức Phật. “Ức” là con số của Ấn Độ, con số này chênh lệch rất lớn, một trăm ngàn cũng gọi là ức, một triệu cũng gọi là ức, mười triệu cũng gọi là ức. Chúng ta chỉ tính con số thấp nhất là một trăm ngàn, một ức là một trăm ngàn, vậy con số 400 ức này cũng là con số tương đối lớn rồi. Trong đời quá khứ đã từng nhiều lần tiếp xúc với Phật pháp, đã gieo trồng thiện căn, nhưng thiện căn này trong kinh A-di-đà nói là ít thiện căn, vẫn không phải nhiều. Do đây có thể biết, tập khí của chúng ta nghiêm trọng dường nào, vì sao vậy? Chúng ta xem trong kinh thì thấy được thôi, nhóm vương tử A-xà nghe Thế Tôn giảng kinh Vô Lượng Thọ mà vẫn chưa phát tâm cầu sanh Tịnh độ; họ chỉ phát tâm là: “Chúng con tương lai làm Phật cũng muốn giống như A-di-đà Phật vậy”, chưa có phát tâm cầu sanh. Nếu phát tâm cầu sanh Tịnh độ thì mới gọi là nhiều thiện căn. Cho nên vương tử A-xà vẫn thuộc về ít thiện căn, ít phước đức; mặc dù có nhiều nhân duyên nhưng ông ít thiện căn, ít phước đức nên không thể thành tựu.

Chúng ta xét lại bản thân một chút, chúng ta có phải ít thiện căn, ít phước đức hay không? Điều này phải suy xét thật kỹ. Nếu thật sự ít thiện căn, phước đức thì có cách gì cứu chữa hay không? Có, bạn chân thật có thể nhìn thấu, chân thật có thể buông xuống, chân thật có thể cầu học thì trong thời gian mấy năm, ít thiện căn của bạn có thể biến thành nhiều thiện căn, đó chính là ngày đêm phải tăng cường huân tu Phật pháp. Tại Singapore, ví dụ rõ rệt nhất là ông Trần Quang Biệt, lão lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm, tuy ông học Phật từ nhỏ, hộ trì Phật pháp 50-60 năm, nhưng ít thiện căn, thiện căn và phước đức của ông đều ít, nhân duyên của ông không ít, nhân duyên thì đầy đủ. Khi về già, thời gian bốn năm cuối đời, ông bị bệnh, nằm trên giường bệnh, mỗi ngày ông nghe kinh tám tiếng đồng hồ, không gián đoạn ngày nào, điều này đã bổ túc thiện căn, phước đức cho ông, trở thành nhiều thiện căn. Trong khi bệnh, ông thật sự buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, cho nên ông thành công, ông đã làm ra một mô phạm rất tốt cho chúng ta thấy.

Chúng ta đừng đợi đến khi lâm chung bị bệnh, nằm ở trên giường mới nghe kinh, đừng như vậy, mà phải làm ngay bây giờ! Ông nằm trên giường bệnh nghe được bốn năm thì có thể biết trước ngày giờ ra đi. Chúng ta hiện nay không bị bệnh, nhân lúc tuổi còn trẻ thì hãy buông xuống vạn duyên, cũng nghe kinh mỗi ngày tám tiếng đồng hồ, tôi tin bốn năm bạn có thể đứng vãng sanh, sẽ không bị bệnh, rất có khả năng như vậy. Điều có thể biến thành không thể là do nguyên nhân gì? Không chịu làm. Buông xuống điều gì? Buông xuống tập khí phiền não, buông xuống tự tư tự lợi, buông xuống tham sân si mạn, buông xuống thị phi nhân ngã, buông xuống ngũ dục lục trần, bảo bạn phải buông xuống những thứ này. 

Chuyên tâm đọc kinh, nghe giảng kinh, niệm Phật, người ba năm thành tựu quá nhiều, quá nhiều rồi. Các bạn hãy xem Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, xem Vãng Sanh Truyện, bao nhiêu người tu hành sau ba năm là vãng sanh. Thế nên, trước đây có rất nhiều người đến hỏi tôi: “Thưa pháp sư, có phải là đúng lúc đó thọ mạng của họ hết rồi phải không?” Tôi mỉm cười: “Không hẳn thế. Làm gì trùng hợp như vậy? Một người, hai người thì họa may có, còn đây thì nhiều người như vậy đều là ba năm, năm năm niệm Phật vãng sanh, nên không thể trùng hợp như vậy được.” Đó là nguyên nhân gì vậy? Họ không có pháp duyên độ chúng sanh thì họ tự mình thành tựu. Đến lúc này, công phu đến trình độ này gọi là sanh tử tự tại, họ có thể đi bất cứ lúc nào, muốn đi là đi, họ cảm thấy thế gian này không có pháp duyên, không có đối tượng chúng sanh để độ, ở lại thế gian này không có ý nghĩa gì, thế nên họ ra đi. Trước tiên đến thế giới Tây Phương Cực Lạc gặp A-di-đà Phật, sau khi gặp A-di-đà Phật rồi, ở nơi nào có duyên thì họ đến nơi đó để độ chúng sanh, không hạn định ở địa cầu này. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không gian hoạt động của chúng ta là tận hư không khắp pháp giới, không gian hoạt động rất lớn. Duyên ở nơi này chưa chín muồi, nhưng duyên ở thế giới phương khác đã chín muồi rồi thì có thể đi đến thế giới khác, không bị hạn cuộc ở thế gian này, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. 

Không sân giận, hãy xem sự thành tựu của điều này là “bản thân mau thành tựu”, bạn thành tựu rất nhanh. “Tâm trí vô ngại”, vô ngại tức là không có chướng ngại, trí tuệ của bạn không có chướng ngại. Tướng hảo các căn trang nghiêm, “ai thấy cũng đều kính mến”, làm thế nào thành tựu những điều này? Không có sân giận. Khi bạn sân giận thì vẻ mặt rất xấu xí, cho nên tướng mạo không đẹp, mọi người nhìn thấy bạn đều không hoan hỷ; lìa sân giận thì tướng mạo sẽ đẹp, thân thể cũng tốt, ai nấy nhìn thấy bạn đều sanh tâm hoan hỷ, bởi vì bạn có thể vui vẻ đối xử với người khác thì người khác cũng vui vẻ đối với bạn. Bộ dạng sân giận thì ai cũng chẳng muốn nhìn. Chúng ta sống trong xã hội này, có duyên hay không có duyên với mọi người, đây là một nhân tố rất quan trọng. Tốt rồi, hôm nay giảng đến chỗ này.