PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 147/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Trong mười tám pháp bất cộng, từ điều thứ bảy về sau có sáu khoa mục là: “Dục, niệm, tinh tấn, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến không giảm”[1], sáu loại này đều viên mãn đầy đủ, không có chút khiếm khuyết nào, đây là quả đức của tự tánh. Thế nhưng, chữ “dục” đầu tiên, trên quả địa Như Lai vẫn còn dục hay sao? “Dục” này và “ái dục” của phàm phu thông thường, danh từ tuy giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Trên quả địa Như Lai là lìa niệm, không có niệm, phía trước đã nói qua, trong tâm của Phật không có niệm. Do đây có thể biết, điều mà trong này nói đều là quả đức cứu cánh viên mãn. Vậy dục này là gì? Thực tế mà nói, đây là mong muốn tất cả chúng sanh viên thành Phật đạo. Nếu như nói Như Lai có nguyện vọng gì thì Như Lai chỉ có một nguyện vọng là mong tất cả chúng sanh mau thành chánh giác. Ngài ứng hóa ở mười pháp giới, hiện vô số thân, nói vô số pháp chỉ vì một mục tiêu đơn thuần như vậy, việc này chúng ta nhất định phải biết. Cho nên từ ngay chỗ này mà xem, điều này phàm phu, Nhị thừa và Bồ-tát thảy đều không có; không có chính là đều không viên mãn, chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Chỉ trên quả địa Như Lai mới là cứu cánh viên mãn.
Phía sau có ba điều là “ba nghiệp thân, khẩu, ý”. Nghiệp là tạo tác. Phía trước nói “thân, khẩu, ý không lỗi”, chắc chắn không có lỗi lầm; ba nghiệp thân, khẩu, ý được nói ở đây là nói về ứng hóa của Phật. Phật ứng hóa ở mười pháp giới, ngài cũng hiện thân, cũng thuyết pháp, ngài cũng có đủ loại tạo tác, thế nhưng ứng hóa thân là làm việc theo trí tuệ, chứ không như phàm phu chúng ta; phàm phu chúng ta thì thân khẩu ý là tùy thuận phiền não tập khí, tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà tạo đủ thứ nghiệp, Phật thì không như vậy. Thí dụ về 53 lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm, 53 vị thiện tri thức trong kinh Hoa Nghiêm đều là từ trên Phật quả cứu cánh viên mãn thị hiện ra, họ thị hiện thân phận nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, nhưng thân ngữ ý của họ không có lỗi lầm, đều làm việc theo trí tuệ, không chỉ không có bốn tướng, mà bốn kiến cũng không có. Do đây có thể biết, đủ loại thị hiện đều không ngoài việc lợi ích tất cả chúng sanh.
Nhưng có một số đồng học sau khi nghe cách nói này thì có nghi hoặc, vì sao vậy? Trong đủ loại thị hiện của Như Lai có lúc dẫn dắt sai chúng sanh. Đích thực là có khi làm lợi ích chúng sanh, có khi dẫn dắt sai. Phật có ý này hay không? Phật không có ý này. Những chúng sanh nào được lợi ích? Chúng sanh có thiện căn, phước đức, nhân duyên đầy đủ thì được lợi ích. Những chúng sanh nào lại bị dẫn dắt sai? Chúng sanh có phiền não tập khí sâu dày, nhìn thấy sự thị hiện của Phật, họ đều suy nghĩ theo hướng ác, nên trở thành bị dẫn dắt sai; nếu từ đủ loại thị hiện, họ đều có thể suy nghĩ theo hướng thiện thì họ liền có được lợi ích. Phật vô tâm mà thị hiện, mỗi chúng sanh cảm thọ không như nhau, đạo lý là ở chỗ này, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải thông đạt.
Vì sao trong bộ kinh này, Phật dạy chúng ta một tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc là ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp? Cho dù là hành vi bất thiện, nhưng nếu chúng ta dùng tâm này mà quán sát thì là thiện. Cho nên, trong kinh Đại thừa mới nói, pháp thế xuất thế gian có thiện ác hay không? Không có. Có tà chánh hay không? Không có. Có chân vọng hay không? Không có. Hết thảy những sự đối lập đều không có, những sự đối lập này đều là từ tâm tưởng sanh. Tâm tưởng của bạn thiện thì thế xuất thế gian không có pháp nào là bất thiện; tâm địa của bạn bất thiện thì pháp thế xuất thế gian không có pháp nào là thiện cả. Đều là từ tâm tưởng sanh, bởi vậy các tổ sư đại đức mới dạy chúng ta “tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? Tâm tưởng là căn bản, đạo lý là ở chỗ này.
Chúng ta nên học Phật Bồ-tát. Thấy ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh tạo tác đủ thứ bất thiện, nhưng nếu trong tâm bạn đều là nghiệp thanh tịnh thì bạn thành Phật rồi; họ không thành tựu, nhưng bạn thành tựu. Vì sao bạn nhìn thấy những điều đó đều là nghiệp thanh tịnh? Bởi vì “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, cho nên thật sự thanh tịnh rồi. “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”, pháp do nhân duyên sanh thì thể của nó là không, trọn chẳng thể được, nên họ làm sao mà không thanh tịnh? Đích thực là thanh tịnh, nhưng đáng tiếc chúng ta không nhìn ra, chúng ta cho rằng họ là ô nhiễm, kỳ thật họ là thanh tịnh. Sau đó bạn mới hiểu được thế nào gọi là “tánh vốn thiện”, bạn mới dần thể hội được một chút ý nghĩa của ba chữ này; đích thực là vốn thiện, thuần thiện không ác. Trên quả địa Như Lai thì thuần thiện không ác, tất cả chúng sanh cũng là thuần thiện không ác, cho nên Phật nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”, câu nói này là tuyệt đối chính xác, một chút cũng không sai. Sai lầm là ở chỗ nào? Sai lầm không ở cảnh duyên bên ngoài, sai lầm không ở người khác. Cho nên, người tu hành chúng ta nhất định phải ghi nhớ lời giáo huấn chân thành của Phật, cảnh duyên bên ngoài không có lỗi, người khác không có lỗi lầm, chư Phật Bồ-tát, ngạ quỷ, súc sanh, la-sát, tu-la đều không có lỗi lầm, đều là thanh tịnh vô vi. Lỗi ở chỗ nào? Lỗi ở ý niệm của chúng ta đã sai rồi, cách nhìn của chúng ta sai rồi, cách nghĩ của chúng ta sai rồi. Đạo lý này sâu! Chúng ta là người mới học Phật nên rất không dễ gì thể hội được. Bởi vì bạn không thể thể hội được cho nên bạn không chịu làm. Làm này trong Phật pháp gọi là tu, bạn không chịu tu, bạn thể hội được vài phần thì bạn học và làm theo, vậy thì thọ dụng vô cùng! Thật sự như câu nói thông thường là “tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh”. Thân tâm thanh tịnh thì cảnh giới bên ngoài thanh tịnh, chúng ta mới hiểu được, hóa ra Phật trụ ở thế giới Cực Lạc, Bồ-tát trụ ở thế giới Hoa Tạng.
Thế giới Hoa Tạng ở đâu? Chính ngay nơi đây, cùng thế giới này của chúng ta vốn dĩ không cách gì phân ra, thế nhưng mỗi người ở cảnh giới của mỗi người, bạn mới dần thể hội được đôi chút. Bạn không có tư tưởng này, không có quan niệm lý luận này, không chịu khế nhập thì bạn vĩnh viễn không đạt được cảnh giới này, bạn vĩnh viễn hoài nghi thì [cảnh giới] vĩnh viễn không thể hiện tiền, sự việc này sẽ khó; cho dù Phật Bồ-tát có năng lực đến đâu, đừng nói mười tám pháp bất cộng, một trăm tám mươi pháp bất cộng cũng không giúp gì được cho bạn, cũng hết cách với bạn. Vì sao vậy? Phật giúp tất cả chúng sanh, chỉ có thể làm được hai chữ “khai thị”, chỉ có thể làm đến chỗ này, Phật thảy đều làm được rồi. Khai là nói rõ với bạn, thị là làm ra tấm gương để cho bạn xem, làm thị phạm. Trong kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, ba phần phía trước là “khai”, giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta; một phần sau cùng là phẩm Nhập Pháp Giới, 53 tham vấn của Thiện Tài đồng tử là “thị”, làm thị phạm cho chúng ta xem. Những người học Phật chúng ta đây phải có thể ngộ, phải có thể nhập. Phật không thể giúp chúng ta “ngộ nhập” được, mà chúng ta phải dựa vào chính mình; căn tánh nhạy bén thì ngộ nhập rất nhanh, căn tánh chậm lụt thì vô cùng khó khăn.
Lợi độn từ chỗ nào mà phân? Thật ra mà nói, người lợi căn nghe lời, phục tùng 100%. Đại sư Thiện Đạo trong chương Thượng Phẩm Thượng Sanh của Quán Kinh đã nói, tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ-tát, Phật Bồ-tát dạy ta làm thế nào thì ta làm như thế đó, dạy chúng ta không được làm thì ta nhất định không làm, đây là người thượng thượng căn, loại người này chắc chắn có thể ngộ nhập. Không thể tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ-tát, vẫn tùy thuận tập khí phiền não của chính mình, tùy thuận vọng tưởng, chấp trước của chính mình thì bạn vĩnh viễn không thể ngộ nhập; đừng nói đại ngộ, mà tiểu ngộ cũng không thể làm được. Đọc kinh Phật rồi thì thế nào? Đọc kinh Phật rồi thì hoài nghi, hoài nghi đầy bụng, vậy sao có thể thành tựu? Học Phật như vậy không những không có được lợi ích, mà ngược lại còn hại chính mình; Phật không hại người, mà là chính mình tự hại chính mình, nhất định phải hiểu đạo lý này.
Ba điều sau cùng là “tri quá khứ thế vô ngại, tri hiện tại thế vô ngại, tri vị lai thế vô ngại”, đây là đức dụng của bát-nhã sẵn có trong tự tánh, mười phương ba đời không gì không biết, không có chướng ngại. Loại năng lực trí tuệ này cùng với A-la-hán và Bồ-tát là không như nhau. A-la-hán cũng có thể biết ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, thế nhưng thời gian mà họ biết chỉ có 500 năm, họ có thể biết quá khứ 500 năm, vị lai 500 năm, trên 500 năm thì họ không có năng lực, họ không biết.
Trong kinh Pháp Hoa có một thí dụ, đây là một công án, một câu chuyện. Có một người phát tâm muốn xuất gia với Phật, xuất gia với Phật thì chắc chắn phải có thiện căn, không có thiện căn thì không cách gì xuất gia được. Phật bảo những vị đại A-la-hán quán sát xem người này có thiện căn hay không. Những vị A-la-hán này xem qua đều lắc đầu: “Không có thiện căn, không có duyên với Phật.” A-la-hán chỉ có thể thấy 500 đời, người này trong 500 đời không kết duyên với Phật thì làm sao có thể xuất gia được? Phật đã nói: “Người này có thiện căn từ vô lượng kiếp trước”, vô lượng kiếp thì thời gian quá dài, A-la-hán, Bồ-tát không thể thấy được, “người này là một tiều phu lên núi đốn củi, gặp phải một con hổ, con hổ muốn ăn thịt anh ta, anh ta trèo lên trên cây và đã niệm một tiếng Nam-mô Phật.” Chỉ một chút thiện căn này mà trong đời này anh gặp được Thích-ca Mâu-ni Phật, có thể xuất gia, Phật thế phát cho người ấy. Điều này chứng tỏ Phật biết được vô lượng kiếp trước, người khác không biết, Bồ-tát, A-la-hán đều không biết, Phật có năng lực này. Tóm lại mà nói, mười tám pháp bất cộng, bao gồm cả thập lực, vô úy ở phía trước đều là hình dung cho đức năng viên mãn trên quả địa Như Lai, đức năng này là sự hiển lộ viên mãn thứ mà tự tánh vốn sẵn có, một chút khiếm khuyết cũng không có.
Sau đó là câu tổng kết: “Tất cả Phật pháp đều được viên mãn.” “Tất cả Phật” là nói mười phương ba đời tất cả chư Phật đều viên mãn, không gì không viên mãn. Dựa vào cái gì mà viên mãn? Dựa vào thập thiện nghiệp. Công đức của thập thiện nghiệp không thể nghĩ bàn! Thập thiện nghiệp, bắt tay vào làm từ chỗ nào? Trong kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không chê lỗi người”, đây chính là dạy chúng ta phương pháp để bắt tay vào làm. Bắt đầu từ không nói dối, không nói ly gián, không nói thêu dệt, không nói thô ác, trước tiên làm từ chỗ này, sau đó lại học không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không tham, không sân, không si. Độ sâu, độ rộng tùy theo sự tu hành của chính mình mà không ngừng mở rộng, mở rộng đến mức hoàn toàn tương ưng với tự tánh, đó chính là “tánh vốn thiện”.
Phật pháp, quý vị đều biết, kinh có bốn loại: “giáo, lý, hành, quả”, Phật có bốn loại kinh. Giáo kinh là lời dạy, giáo huấn; lý kinh là trong giáo huấn bao gồm chân lý; hành kinh là bạn phải y giáo phụng hành. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo là thuộc về hành kinh. Chúng ta thường gọi là tu hành, tu hành phải dựa vào bộ kinh này, trong bộ kinh này có đầy đủ tất cả Phật pháp viên mãn, chúng ta sao có thể lơ là, sao có thể xem thường được? Do đây có thể biết, chúng ta chính mình học Phật nhiều năm như vậy mà vẫn không có chút thành tựu gì để nói, mỗi ngày vẫn sanh phiền não, khởi vô minh, tạo ác nghiệp, đây là nguyên nhân gì? Là do lơ là thập thiện nghiệp đạo, cho đây là việc nhỏ, thứ này không cần phải học. Không hề biết những điều thiện nhỏ này là đại căn đại bổn để thành Phật, tất cả Phật pháp đều không thể rời khỏi thập thiện.
Chúng ta thường thấy tranh vẽ tượng Phật, trên đỉnh vầng hào quang của Phật đều viết ba chữ, ba chữ này có khi dùng chữ Phạn để viết, cũng có khi viết bằng chữ Trung, có khi dùng chữ Tạng để viết, cách viết không giống nhau, nhưng ý nghĩa và cách đọc đều như nhau, ba chữ này là: “án a hồng” (om ah hum). Năm xưa khi tôi thân cận đại sư Chương Gia, tôi cũng xin đại sư viết tặng tôi mấy chữ, đại sư ngài đích thân viết tặng tôi ba chữ “án a hồng” này, thầy dùng chữ Tạng để viết. Tôi thỉnh giáo thầy ý nghĩa của ba chữ này, đó chính là thập thiện nghiệp, “án” là thân nghiệp, “a” là khẩu nghiệp, “hồng” là ý nghiệp. Thập thiện nghiệp đạo ở trên đỉnh đầu của Phật. Phật phóng quang là quang minh gì vậy? Quang minh của thập thiện, thuần thiện không ác. Chúng ta phải biết đạo lý này. Câu sau cùng là Phật khuyên chúng ta:
Cho nên các ông phải siêng tu học.
“Các ông”, ngày nay chúng ta đọc được bộ kinh này, thì chữ “các” trong từ “các ông” này bao gồm chúng ta trong đó. Đây là chính kim khẩu của Thế Tôn tuyên nói “phải nên tu học”; chúng ta phải nên siêng năng nỗ lực mà học tập, không được lơ là. Bạn lơ là thì bạn sai rồi. Tu học thập thiện, bạn được quả báo thế nào, thành tựu thế nào, hoàn toàn là ở sự dùng tâm của bạn. Nếu bạn dùng tâm Phật, bạn phải biết tâm Phật là tâm bình đẳng, bạn dùng tâm bình đẳng để tu thập thiện thì bạn sẽ thành Phật. Bồ-tát là tâm lục độ, bạn dùng tứ nhiếp, lục độ mà tu hành thập thiện thì bạn là Bồ-tát. Bạn dùng từ bi hỷ xả để tu thập thiện thì bạn sanh cõi trời. Xem bạn dùng tâm gì, bạn tu học pháp môn nào thì tương lai bạn được quả báo như thế đó. Chúng ta không thể không biết, không thể không hết lòng nỗ lực mà tu học, bằng không mà nói thì uổng phí mất cả đời này. Tốt rồi, chúng ta giảng đến đây.
[1] Nói đầy đủ là: dục không giảm, niệm không giảm, tinh tấn không giảm, trí tuệ không giảm, giải thoát không giảm, giải thoát tri kiến không giảm.