PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 85/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo trang thứ mười bốn, bắt đầu xem kinh văn hàng thứ ba:
Lìa tâm tà đảo mà hành bố thí thì thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt; hằng sanh chánh kiến, gia đình chánh tín; thấy Phật nghe pháp, cúng dường chúng tăng, thường không quên mất tâm đại Bồ-đề.
Đoạn kinh văn nhỏ này nói không ngu si mà hành bố thí thì lợi ích đạt được là “thường không quên mất tâm đại Bồ-đề”. Phần tiếp theo từ câu “đây là bậc đại sĩ” trở xuống đến “lợi ích lớn như vậy” là phần tổng kết của đoạn này, chính là phần tổng kết dùng thập thiện nghiệp mà tu bố thí. “Tà đảo”, tà là tà kiến, đảo là điên đảo, tà kiến điên đảo chính là ngu si. “Lìa tâm tà đảo mà hành bố thí”, đây là chúng ta thông thường nói không ngu si, không ngu si mà hành bố thí. “Thường được nhiều tiền của, không ai có thể xâm đoạt”, đây là nói lợi ích tổng quát.
Quả báo riêng biệt của không ngu si mà hành bố thí, nếu chỉ nói riêng về quả báo của việc này thì là “hằng sanh chánh kiến”, hằng là vĩnh hằng, chánh là chánh tri chánh kiến; hay nói cách khác, chính là đại sư Lục tổ Huệ Năng trong Tông môn nói là “thường sanh trí tuệ”. Ngài gặp Ngũ tổ liền nói: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí tuệ.” Chúng ta biết vì sao ngài thường sanh trí tuệ, là do ngài không ngu si mà hành bố thí nên được quả báo này. Chúng ta bình thường có tu học như vậy hay không? “Gia đình chánh tín”, không những bản thân sanh chánh tri chánh kiến, đây là một điều trong câu “hằng sanh chánh kiến, gia đình chánh tín”, họ thọ sanh không phải thọ sanh trong nhà người bình thường, nhất định là sanh vào trong gia đình Phật giáo có chánh tín. Tại sao vậy? Vì bản thân họ có chánh tri chánh kiến, nếu bản thân không đầy đủ chánh tri chánh kiến thì sẽ không sanh vào gia đình chánh tri chánh kiến, đây là cảm ứng. Khổng phu tử trong phần Hệ từ truyện của Chu Dịch đã nói: “Vật tụ theo loài, người phân theo nhóm”, người chánh kiến thì ưa thích người thích chánh kiến, người tà kiến thì ưa thích người tà kiến. Cho nên cổ nhân đã từng dạy người, muốn quan sát một người, xem người này là người chánh kiến hay là người tà kiến, nhìn từ chỗ nào vậy? Xem bạn bè kết giao của họ, xem họ cùng làm bạn với những hạng người nào. Nếu bạn bè mà họ qua lại đều là chánh tri chánh kiến thì người này chắc chắn là chánh tri chánh kiến; nếu những người mà họ giao du là tà tri tà kiến thì họ cũng khó tránh khỏi tri kiến bất chánh, đây là đạo lý nhất định. Cho nên, nhìn bạn họ thì có thể biết họ vậy.
Đã là chánh tri chánh kiến thì nhất định “thấy Phật nghe pháp, cúng dường chúng tăng”, đây là thân cận tam bảo. Quý vị nhất định phải biết, trong pháp thế xuất thế gian, thân cận tam bảo là người đại phước đức, cũng là người đại trí tuệ. Thế nhưng ngày nay tam bảo ở thế gian đã suy vi rồi, suy vi là do chỉ có tam bảo hình thức, không có tam bảo thực chất. Quý vị phải biết rằng, tam bảo thực chất mới hữu hiệu, chúng ta mới có thể thật sự được phước tuệ. Tam bảo thực chất, trong Đàn Kinh nói rất hay, Lục tổ nói: “Phật là giác, pháp là chánh, tăng là tịnh.” Cho nên ngài dạy người quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh. Giác, chánh, tịnh là tam bảo thực chất, Phật pháp tăng chính là giác chánh tịnh. Tuy nhiên người hiện nay biết Phật pháp tăng, nhưng không biết nội hàm của Phật pháp tăng là giác chánh tịnh. Nhắc đến Phật liền nghĩ đến tượng Phật, nhắc đến pháp liền nghĩ đến kinh điển, nhắc đến tăng liền nghĩ đến người xuất gia, nghĩ sai rồi! Cho nên không đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp.
Trụ trì tam bảo đối với sự hoằng truyền, tu học Phật pháp là vô cùng quan trọng, không thể thiếu được; bạn có thực chất mà không có hình tượng thì thực chất cũng vỡ tan. Phật Bồ-tát chỉ dạy chúng ta, nhìn thấy tượng Phật phải nghĩ đến giác ngộ, giác mà không mê, ý nghĩa chân thật của việc cúng dường tượng Phật là ở chỗ này. Nhìn thấy kinh điển, không chỉ là kinh điển, mà chỉ cần nhìn thấy quyển sách, nhìn thấy văn tự thì lập tức có thể nghĩ đến chánh mà không tà, đây là thật sự quy y pháp, thật sự bạn đã thấy Phật, thấy pháp rồi. Nhìn thấy người xuất gia thì nghĩ đến sáu căn thanh tịnh, mảy trần không nhiễm, đây là bạn thật sự kính tăng. Thấy Phật, nghe pháp, kính tăng, phải giảng như vậy mới được. Cho nên, hình tượng tam bảo từng giây từng phút đang nhắc nhở chúng ta, không có hình tượng này thì chúng ta rất dễ quên, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay tùy thuận tập khí phiền não nên tự nhiên bị phiền não kéo đi. Thế nên, vì sao chúng ta phải cúng dường tam bảo? Mục đích là từng giây từng phút nhắc nhở mình, đây chính là ân huệ lớn nhất mà tam bảo trên hình tượng đã cho chúng ta, nếu không thì lấy gì để nhắc nhở chúng ta?
Giác mà không mê, làm thế nào giác? Chánh mà không tà, làm sao để chánh? Tịnh mà không nhiễm, làm sao tịnh được? Những đạo lý lớn này đều ở trong kinh điển. Cho nên, Phật khuyên dạy chúng ta phải “thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”. Đọc tụng là then chốt, thường xuyên đọc tụng, thường xuyên vì người diễn nói, diễn là làm được. Thập thiện nghiệp đạo là môn học cơ bản của nhà Phật, bất luận bạn tu tông phái nào, bất luận bạn tu pháp môn nào, Đại thừa hay là Tiểu thừa cũng vậy, Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn, Giáo hạ, đây vẫn là môn học chung, thảy đều phải tu. Có môn học chung này thì người này mới là đệ tử Phật, người hiện nay gọi là tín đồ Phật giáo. Không có nền tảng này thì đại sư Thiên Thai gọi là “danh tự đệ tử”, là “danh tự tức Phật” trong Lục tức Phật mà ngài đã nói. Dùng Lục tức đối với chúng ta thì đó chính là tín đồ Phật giáo trên danh tự, là hữu danh vô thực. Nếu thật làm thì vào được quán hạnh vị, đó là đệ tử Phật ở địa vị quán hạnh, họ thật làm. Nếu làm đến khi thật sự có thành tích xuất hiện thì đây chính là đệ tử Phật tương tợ vị.
Những ai là tương tợ vị? A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát Quyền giáo, Phật của Tạng giáo, Phật của Thông giáo là tương tự đệ tử Phật. Đến khi phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân thì bạn là đệ tử Phật đích thực. Đệ tử Phật đích thực đều cắm gốc từ thập thiện nghiệp đạo, nếu chúng ta vứt bỏ thập thiện thì một bước cũng chẳng thể tiến tới được đạo Bồ-đề, đây là lời chân thật. Tại sao vậy? Không có thập thiện nghiệp đạo thì bạn không có điểm khởi đầu, bạn chẳng thể bước được một bước nào trên đạo Bồ-đề. Thế nên chúng ta mới hiểu được, có biết bao người học Phật đang ở ngoài cửa Phật, chưa bước vào ngưỡng cửa. Phải đầy đủ thập thiện nghiệp đạo thì bạn mới bước vào ngưỡng cửa, sau đó bạn từng bước tiến vào, bạn mới vào được cửa lớn của nhà Phật.
Nếu chúng ta dùng 50 cấp bậc của Bồ-tát để làm thí dụ, thì địa vị Thập tín là cửa lớn, Sơ tín là vào cửa, đến Thập tín là ở trong cửa lớn, Bồ-tát Thập trụ đã vào cửa thứ hai, Bồ-tát Thập hồi hướng đã vào đến cửa thứ ba, Bồ-tát Địa thượng[1] là vào nhà, đăng đường nhập thất rồi. Cửa lớn, cửa hai, cửa ba, rất nhiều đồng tu chưa từng nhìn thấy. Nếu quý vị đến Trung Quốc du lịch, lưu ý kỹ thì thấy vào thời xưa nhà người giàu có ở Bắc Kinh còn có nhà tứ hợp viện, trong tứ hợp viện có cửa lớn, cửa hai, không có cửa ba, thế nhưng bạn đến cung Ung Hòa mà xem, có cửa lớn, cửa hai, cửa ba. Cung Ung Hòa là nhà mà trước đây hoàng đế Ung Chính khi làm hoàng tử cư trú, sau khi ông làm hoàng đế thì đem nhà ở của mình hiến cúng làm chùa Phật, đây là chánh tín, hiến cúng là cúng dường tam bảo. Cho nên, nhìn thấy kiến trúc này không giống như những kiến trúc dân gian thông thường, sân vườn rất sâu, tứ hợp viện có nhất tiến, nhị tiến, tam tiến, tứ tiến. Ở Trung Quốc đại lục, gia đình phú quý đại khái đều có tam, tứ tiến. Thời kỳ kháng chiến tôi sống tại Hồ Nam một năm, tôi ở tại Hoành Sơn. Căn nhà mà tôi ở từng là nhà của một gia đình giàu có, nhà của họ là tứ hợp viện tam tiến, ở phía sau là hoa viên, họ là gia đình tương đối giàu có, nhưng thời đó đã suy tàn rồi. Con cháu đời sau nhân khẩu rất ít, người không nhiều nữa, gia tộc này suy rồi. Thế nhưng bạn nhìn thấy kiến trúc của gia đình họ thì biết được họ không phải là gia đình thông thường, cho nên sân vườn rất sâu.
Tóm lại bản thân chúng ta phải biết rằng, chúng ta hiện tại là đang ở trong cửa Phật hay ở ngoài cửa? Chúng ta đã bước vào cửa lớn, liệu còn có thể bước vào cửa thứ hai hay không? Chỉ cần bước vào được cửa lớn, thật sự có thể phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật thì chắc chắn được sanh. Thế gian này thứ gì cũng đều là giả, không có gì là thật cả, chỉ có niệm Phật vãng sanh là thật. Cái giả thì chúng ta phải buông xuống, phải xả bỏ, cái thật thì phải nắm giữ thật chặt, dứt khoát không được lơi lỏng. Cho nên không ngu si mà hành bố thí thì mới có thể sanh vào nhà chánh tín.
Ngày nay, Phật giáo chúng ta như Cư Sĩ Lâm, Tịnh tông Học hội, thưa với quý vị đây là nhà chánh tín, chúng ta hằng ngày ở đây nghiên cứu, thảo luận, tu học chánh pháp. Tuy chúng ta không lớn lên trong gia đình Phật giáo, nhưng ngày nay chúng ta có nhân duyên thù thắng này, chúng ta cư trú trong môi trường này thì chính là sanh vào nhà chánh tín. Ở nơi này, chúng ta có duyên thấy Phật, nghe pháp, cúng tăng, duyên này thù thắng biết bao. “Thấy Phật” là kiến tánh; “nghe pháp” là rõ lý, chúng ta hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ chân tướng của vũ trụ nhân sinh; “cúng tăng” là chung sống hòa thuận, đối xử bình đẳng, không chỉ là đối với chúng thường trụ của chúng ta, mà không phân quốc độ. Chúng ta không gọi là quốc gia, mà gọi là quốc độ, vì phạm vi của quốc gia thì nhỏ, chưa thoát khỏi trái đất, còn phạm vi của quốc độ thì lớn, quốc độ là khu vực giáo hóa của một vị Phật, một tam thiên đại thiên thế giới thì gọi là quốc độ. Trong thái không bao la có vô lượng vô biên cõi nước của chư Phật, không phân quốc độ, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo, đều đối xử bình đẳng, chung sống hòa thuận, đây gọi là cúng dường. Ở trong việc cúng dường này mà tu học, tu học điều gì? Tu học sáu căn thanh tịnh, mảy trần không nhiễm. Cúng dường là phước, thanh tịnh không nhiễm là tuệ, phước tuệ song tu. “Thường không quên mất tâm đại Bồ-đề”, tâm vô thượng Bồ-đề, hằng luôn ghi nhớ, luôn thực hành tâm vô thượng Bồ-đề vào trong đời sống, đoạn nhỏ này là nói về không ngu si.
Đây là bậc đại sĩ, khi tu đạo Bồ-tát, hành thập thiện nghiệp vào trong bố thí trang nghiêm nên được lợi ích lớn như vậy.
Đây là phần tổng kết việc dùng thập thiện nghiệp mà tu bố thí ba-la-mật. “Như vậy” tức là như những gì đã nói ở phần trước. Trong đoạn này Thế Tôn đã nói rất tỉ mỉ, phần sau đều là nói sơ lược, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa thuyết pháp của ngài.
Trong sáu ba-la-mật thì bố thí được nói chi tiết, từ trì giới trở về sau thì đều nói sơ lược. Trong phần nói sơ lược, chúng ta nhất định phải dùng thí dụ ở phần trước, thí dụ ở phần trước sẽ được dùng xuyên suốt toàn kinh. Ví dụ đọc đến trì giới, bạn phải nghĩ đến trì giới không sát sanh thì được lợi ích gì, trì giới không trộm cắp thì được lợi ích gì, trì giới không tà dâm thì được lợi ích gì, liên tục cho đến không ngu si, mỗi một điều đều như vậy, phần sau thì Phật không nói nữa, chúng ta tự mình phải hiểu, đây gọi là suy một ra ba. Cho đến phần cuối cùng của kinh văn là “phương tiện”, phía sau lục độ là tứ vô lượng tâm, tứ nhiếp pháp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, chỉ quán, phương tiện, mỗi một điều đều là như vậy. Ví dụ nói tu chỉ quán, không sát sanh mà tu chỉ quán trang nghiêm, không trộm cắp mà tu chỉ quán trang nghiêm, không tà dâm mà tu chỉ quán trang nghiêm, ở trong mỗi câu đều có mười điều, chúng ta tự mình phải suy ra được. Thế Tôn ở đây là nêu thí dụ để nói, khi thực hành từng li từng tí vào trong đời sống của chúng ta thì không có pháp nào mà không đầy đủ mười pháp, bất kỳ pháp nào cũng đầy đủ mười pháp, đây mới là đạt đến chí thiện.
Phần mở đầu của bộ kinh này dạy chúng ta: “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp.” Trong nhà Phật nói khái quát thì là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, mỗi một pháp đều đầy đủ mười pháp, đây mới thật sự là làm được thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, chẳng để mảy may bất thiện xen tạp. Chúng ta niệm Phật, niệm câu Phật hiệu này, chúng ta hiện nay hiểu được rồi, không sát sanh mà chấp trì danh hiệu, không trộm cắp mà chấp trì danh hiệu, không tà dâm mà chấp trì danh hiệu, cho đến không tham, không sân, không si mà chấp trì danh hiệu, thì sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc đương nhiên là người thượng thiện, trong từng tiếng Phật hiệu đều đầy đủ thập thiện nghiệp, chúng ta phải hiểu được đạo lý này.
[1] Trước Sơ địa gọi là Địa tiền, từ Sơ địa trở lên gọi là Địa thượng.