Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 44/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 44/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ tám, hàng thứ tư từ dưới lên, bắt đầu xem từ ba chữ cuối: “Ba, được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp.” Đây là nói xa lìa nói ly gián thì sẽ được quả báo thù thắng thứ ba. “Bổn nghiệp” là chỉ chúng ta ở thế gian này theo đuổi một loại nghề nghiệp nào đó. Câu này ý nói, bất kể làm nghề nghiệp gì thì bạn cũng được đại chúng xã hội tín nhiệm và thuận theo, đương nhiên sự nghiệp của bạn sẽ thuận buồm xuôi gió, sự nghiệp của bạn chắc chắn sẽ thành công. Người hiện nay gọi là nhân duyên tốt, bạn có thể được rất nhiều người đến giúp đỡ bạn, thành tựu sự nghiệp của bạn. Được nhiều thiện hữu đến giúp đỡ thì đây là duyên, nhân đích thực là do xa lìa nói ly gián, không nói dối. Từ chỗ này chúng ta có thể thấy, công đức thù thắng của không nói dối quả thật là không thể nghĩ bàn. Từ trên đạo lý nhân quả mà nói, nếu chúng ta không phá hoại người khác thì bản thân chúng ta bất kể kinh doanh sự nghiệp gì cũng sẽ không bị người khác đến phá hoại, đây là quả báo. 

Nếu chúng ta trong đời này không nói dối, không nói ly gián, không nói thô ác, mà sự nghiệp của chúng ta vẫn bị người khác đố kỵ phá hoại, nói lời dèm pha, sự việc này không phải không có, là có, đây là do nguyên nhân gì? Là do trong đời quá khứ làm điều bất thiện, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Tuyệt đối chẳng phải những việc ta tu trong đời này không có cảm ứng, bạn có nghi ngờ này thì sai rồi. Nhà Phật thường nói “nhân quả thông ba đời”, những việc làm của chúng ta trong đời này, tất cả quả báo mà ta thọ nhận là do nghiệp nhân đời trước đã gieo. Đời trước đã tu bất thiện, tuy đời này tu rất thiện nhưng vẫn không thể tránh khỏi ác báo. Thế nhưng trong tâm chúng ta hiểu rõ, đời sau loại ác duyên, ác báo này sẽ không còn nữa. Cho nên trong đời này, chúng ta tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, nhất định phải tùy thuận Phật-đà, nhất định phải có tín tâm, dứt khoát không nghi ngờ. 

Trước kia chưa gặp được Phật pháp, chúng ta đã làm quá nhiều việc sai trái, đây là điều chắc chắn. Nếu như chúng ta tích cực đoạn ác tu thiện, thật sự làm hết lòng và nỗ lực giống như cư sĩ Liễu Phàm thì quả báo bất thiện trong đời quá khứ cũng có thể cải thiện, đây chính là nhà Phật gọi là dũng mãnh tinh tấn. Nếu chúng ta không dũng mãnh tinh tấn thì rất khó chuyển định nghiệp này, không dễ gì chuyển được. Những điều chúng ta tu tích trong đời này thì đời sau sẽ được quả báo, cho nên không thể không dũng mãnh tinh tấn. Dũng mãnh tinh tấn thì thứ chúng ta trong đời này có được là hoa báo, quả báo so với hoa báo nhận được trong đời này còn thù thắng hơn. 

“Bốn, được pháp hành bất hoại, sở tu kiên cố.” “Pháp hành” là nói chúng ta tu hành, là nói việc học Phật, bạn học Phật cũng sẽ không bị người phá hoại. Sự việc này chúng ta nhìn thấy rất nhiều, có một số người trong Phật pháp tu rất tốt, cũng đã học Phật rất nhiều năm, gặp được một vị tri thức khuyên rằng “còn có pháp môn khác thù thắng hơn pháp môn này”Vừa nghe vậy thì tâm của họ dao động rồi, vứt bỏ ngay để đi học với người khác. Đây chính là phá hoại pháp hành của họ, đây là bạn ác, sự việc như vậy trong xã hội hiện nay rất nhiều, đúng như trong kinh Lăng-nghiêm nói, thời kỳ mạt pháp này, tức là nói thời đại hiện nay của chúng ta là “tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng”. 

Có không ít đồng tu đến nói với tôi, các đồng tham đạo hữu của họ trước đây đều tụng kinh Vô Lượng Thọ, đều niệm A-di-đà Phật, đã tu rất nhiều năm, tu rất khá, nhưng bây giờ đi theo người khác rồi, không tin kinh Vô Lượng Thọ nữa, cũng không niệm A-di-đà Phật nữa, họ nói với tôi rằng họ hết sức buồn. Tôi bảo: “Không nên buồn, đây là nhân duyên của mỗi người, phải hiểu đạo lý này.” Mỗi người đều có nghiệp nhân, nghiệp duyên riêng của họ, Phật cũng không làm gì được thì chúng ta có năng lực gì? Chúng ta khuyên bảo họ là làm tròn trách nhiệm của người bạn, họ có tin hay không là việc của họ, chúng ta không thể can thiệp, can thiệp thì làm nhiễu loạn đạo tâm của mình rồi. Tuy họ đi theo người khác, đã từ bỏ pháp môn Tịnh độ, nhưng cũng có thể qua vài năm sau họ lại quay lại, điều này rất khó nói. Bản thân chúng ta phải tu thật tốt để làm tấm gương, qua mấy năm thử so sánh lại, họ cảm thấy bạn tu rất tốt, “tôi không bằng anh”, vậy rất có thể họ sẽ quay trở lại. Đến lúc này ta dùng lời lẽ khuyên họ thì hiệu quả không gì sánh bằng, chúng ta nhất định phải dùng sự hành trì chân chánh, thời gian dài để cảm hóa, vậy mới có thể có tác dụng, cho nên nhất định phải hiểu đạo lý này. 

Chúng ta nghĩ xem, đương nhiên nhân và duyên này đều là nói ly gián, gây chia rẽ. Người gây chia rẽ có hai loại, một là hữu ý, cố ý phá hoại người khác, một loại là vô ý. Người vô ý cũng rất nhiều, chính bản thân họ cũng không biết họ đã tu tà pháp, họ khuyên một số bạn bè của họ đều tin theo tà pháp giống như họ, xem tà pháp thành chánh pháp, xem chánh pháp thành tà pháp. Đặc biệt là chúng tôi ngày nay đề xướng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, cho đến nay những lời phản đối rất nhiều. Khi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam có được bản kinh này, năm xưa khi khai giảng tại Đài Trung, hình như là năm 1950, năm Dân Quốc thứ 39, vào lúc đó đã có người phê bình. Nhưng người thời đại đó, tâm địa vẫn còn tương đối thuần hậu, vẫn chưa trực tiếp phê bình, đây là đức hạnh của họ, họ nói rất hàm súc. Người hiện nay không còn loại ẩn ý hàm súc này, mất hết rồi, họ chỉ trích rất gay gắt. Do đó có người bị ảnh hưởng, cho nên đồng tu đến hỏi tôi: “Vậy làm thế nào?” Tôi nói: “Tùy họ vậy, nhân duyên của mỗi người.” Đây là gì? Bản thân họ nhận thức không rõ, đạo tâm không kiên cố nên mới bị lưỡng thiệt, ly gián làm dao động pháp hành.

Cho nên trong Phật pháp, trong kinh điển Phật thường chỉ dạy chúng ta phải hiểu sâu nghĩa thú. Đối với nghĩa lý của kinh giáo, nếu bạn hiểu càng sâu, càng rộng thì tín tâm của bạn mới kiên định, nguyện tâm kiên cố, thủy chung không dao động. Bản hội tập này, trước khi vãng sanh, cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói, bản hội tập này sẽ truyền đi khắp thế giới. Trên thế giới, người tinh tường rất nhiều, người có trí tuệ cũng không ít, chín bản sách bày ra trước mắt, họ tự mình có thể lựa chọn. Chín bản sách đều hay, bất kể dùng bản nào, chỉ cần thật thà chân thành tu hành thì đều có thể vãng sanh Tịnh độ, đều có thể thấy A-di-đà Phật. Trong chín bản sách, rốt cuộc là bản nào hay, bản nào không hay? Không có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn là ở chính mình. Trong những bản sách này, bản sách nào bạn xem thấy vừa mắt, đọc thấy rất trôi chảy, ý nghĩa rất rõ ràng, thì bản sách này đối với bạn là khế cơ, khế cơ thì được lợi ích. Quý vị phải hiểu rằng, giảng kinh thuyết pháp là giới thiệu cho bạn, đây là duyên, có thể thành tựu hay không là do công phu của bạn. Công phu là gì? Công phu là “tín, nguyện, hạnh”. Tín là gì? Không phải là tin bản kinh này, mà là tin A-di-đà Phật. Cho nên, bất kể là bản kinh nào, nội dung mà nó giới thiệu đều là dạy bạn tin A-di-đà Phật, tin thế giới Tây Phương Cực Lạc, vậy là không sai. Cho nên chỉ cần xây dựng tín tâm, đầy đủ ba điều kiện “tín, nguyện, hạnh”. 

“Hạnh” thì nhất định phải theo cương lĩnh mà Bồ-tát Đại Thế Chí chỉ dạy chúng ta là “thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Trong “thu nhiếp sáu căn” chắc chắn đã bao hàm viên mãn thập thiện nghiệp đạo. Vì sao vậy? Nếu bạn tạo thập ác nghiệp thì bạn chắc chắn không có cách gì thu nhiếp được sáu căn; nếu thật sự thu nhiếp sáu căn thì người này nhất định là người thuần thiện. Dùng thiện tâm, thiện hạnh mà niệm Phật thì mới được vãng sanh Tịnh độ. Chúng ta thông thường nói phát tâm Bồ-đề, đây đều là nói qua loa. Thế nào là phát tâm Bồ-đề? Phát tâm Bồ-đề cần những điều kiện nào? Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng. Thiện Tài đồng tử 53 lần tham vấn, ba vị thiện tri thức phía trước chính là đại biểu cho tam bảo: Phật, pháp, tăng. Tỳ-kheo Kiết Tường Vân là đại biểu Phật bảo, cho nên dạy pháp môn niệm Phật. Tỳ-kheo Hải Vân là đại biểu Nhị trụ Bồ-tát, Trị Địa trụ đại biểu cho pháp bảo, dạy bạn phát tâm Bồ-đề, trong kinh nói rất cặn kẽ. Chúng tôi sau khi đọc xong mới biết, hóa ra Bồ-tát phát tâm Bồ-đề hoàn toàn khác với chúng ta, phải thật làm. Tỳ-kheo Diệu Trụ là đại biểu Tam trụ Bồ-tát, đại biểu cho tăng bảo, Tu Hành trụ, làm thế nào tu lục độ vạn hạnh. Tuy trong Hoa Nghiêm nói ra rất nhiều pháp môn nhưng tông chỉ đều quy về Tịnh độ. Bồ-tát Phổ Hiền là sơ tổ của Tịnh độ tông ở thế giới Ta-bà chúng ta, trong hội Hoa Nghiêm là dùng thập đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. 

Bản thân chúng ta muốn được “pháp hành bất hoại, sở tu kiên cố” thì nhất định không được nói dối, nói ly gián. Nếu không sửa đổi tật xấu này thì trên đường Bồ-đề sẽ không thể thuận buồm xuôi gió. Nghịch cảnh, ác duyên của bạn mãi không dễ dàng thoát ra được, những chướng nạn này từ đâu mà có vậy? Nhất định phải hiểu rõ, là chính mình trong đời quá khứ và đời này tạo nên. Nếu như bạn cứ oán trời trách người thì bạn tội chồng thêm tội, chính mình vẫn đọa lạc thọ khổ, không có ai thay thế được. Người không hiểu Phật pháp, thông thường gặp phải tai nạn thì tâm của họ bất bình, luôn luôn cảm thấy người khác hãm hại họ, luôn luôn cảm thấy người khác có lỗi với họ, xã hội có lỗi với họ, thậm chí là ông trời có lỗi với họ, Phật Bồ-tát có lỗi với họ, tạo nghiệp này nặng rồi, đây là không hiểu nghĩa mà Như Lai đã nói. 

Thật sự thông đạt nghĩa thú mà Phật chỉ dạy thì chúng ta giác ngộ rồi, pháp thế xuất thế gian đều không lìa nhân quả. Chắc chắn phải là chính mình tạo nhân, Phật không có cách gì cho bạn. Nếu Phật có thể cho chúng ta thì chúng ta không cần tu hành nữa, Phật đại từ đại bi đều khiến chúng ta thành Phật cả. Đây là điều không thể làm được, “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”. Sự từ bi của Phật chỉ là nói rõ đạo lý cho chúng ta, cung cấp cho chúng ta phương pháp tu học; ngài là người đi trước, đem kinh nghiệm tu học của ngài cung cấp cho chúng ta làm tham khảo. Chúng ta có thể tin, thuận theo con đường của ngài mà đi thì chúng ta nhất định có thành tựu. Sự gia trì của Phật đối với chúng ta chỉ là như vậy mà thôi, điều này quý vị phải hiểu rõ. Giống như chúng ta làm học sinh nghe lời thầy vậy, sự gia trì của thầy đối với chúng ta là chỉ dạy chúng ta, còn đường thì nhất định phải tự mình đi. Bạn đi học ở trường, thầy dạy bạn, còn bài tập thì phải tự mình làm, không thể nói thầy làm bài tập thay cho bạn, đâu có đạo lý này? Thầy làm bài tập thay cho bạn, bạn có thể thành tựu hay không? Nhất định phải tự mình làm bài tập, cho nên chúng ta nhất định phải nghiêm túc tu hành, tu là gì? Là sửa đổi hành vi sai lầm. Phần trước, chúng ta đọc qua rồi, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói ly gián là hành vi sai lầm; đem những hành vi sai lầm này sửa đổi lại, vĩnh viễn không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không nói ly gián, đây gọi là tu hành. 

Cho nên, quý vị nhất định phải nhận thức rõ ràng định nghĩa của hai chữ “tu hành” này, không phải nói tôi mỗi ngày đọc kinh là tu hành, tôi mỗi ngày lạy Phật là tu hành. Trong đời sống thường ngày vẫn cứ giết, trộm, dâm, dối, thế thì có ích gì? Lạy Phật cũng chẳng ích gì, làm nhiều việc tốt đến đâu cũng vô ích. Loại ví dụ này rất nhiều, chúng ta xem thấy rất nhiều trong tiểu thuyết bút ký của cổ nhân. Có một số người trong một đời đã tạo rất nhiều tội nghiệp, phát tài to, thế nhưng phát tài này đều là mê muội lương tâm, lừa gạt người khác mà có được. Khi về già cũng biết hối lỗi, cũng biết sai rồi, hằng ngày lạy Phật, làm hết các việc tốt như sửa cầu, đắp đường, nhưng cuối cùng vẫn bị ác báo. Nguyên nhân là gì? Không chuyển được nghiệp này. Chuyển không được, thật ra mà nói là do làm không đắc lực. Lừa gạt người khác kiếm được mười vạn, lấy ra hai vạn để làm việc tốt, đến lạy Bồ-tát, vậy thì có ích gì? Cho nên chúng ta quan sát tỉ mỉ, đây đều là chưa thông giáo lý nên việc mà họ làm không đắc lực. 

Nếu thật sự thông đạt, thật sự dũng mãnh tinh tấn thì có thể chuyển nghiệp báo, đâu có chuyện không thể chuyển? Vua A-xà-thế tạo ngũ nghịch thập ác, khi lâm chung sám hối vẫn có thể vãng sanh thượng phẩm trung sanh. Từ đó cho thấy, dũng mãnh tinh tấn thì thật sự chuyển được. Chuyển không được là do không dũng mãnh tinh tấn; tuy muốn chuyển nhưng chưa hoàn toàn buông xả tham sân si, cho rằng làm một chút việc tốt thì có thể bù đắp rồi. Bạn đã làm mười phần ác, bạn mới làm hai phần thiện thì không thể chuyển được. Đã làm mười phần ác, cần phải có mười hai phần thiện thì mới có thể chuyển được. Những đạo lý, sự thật này đều có trong kinh điển, trong bút ký, truyện ký của cổ nhân. Bạn tự mình lắng lòng quan sát hoàn cảnh xung quanh chúng ta, trong những bạn bè quen biết của chúng ta, thật sự có! Sự việc rành rành ở ngay trước mắt, chúng ta có thể nhìn thấy. Vậy mới biết nghiệp nhân quả báo của thế xuất thế gian là chân lý, là định luật, định luật này không những là phàm phu sáu cõi không thể thay đổi, mà thánh nhân tam thừa, chư Phật Như Lai cũng không thể thay đổi nhân quả. Cho nên, giáo huấn của Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh thì thập thiện nghiệp đạo là môn học đầu tiên. Chúng ta nhập môn từ bộ kinh này và cũng từ nơi bộ kinh này được đại viên mãn. Làm được thập thiện vô cùng thanh tịnh viên mãn thì bạn thành Phật rồi. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.