PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ, Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 98/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười lăm, hàng cuối cùng: “Tứ nhiếp trang nghiêm nên thường siêng năng nhiếp hóa hết thảy chúng sanh.” Trong tứ nhiếp pháp thì bố thí, ái ngữ, lợi hành phần trước đã giảng rồi, hôm nay chúng tôi giảng điều cuối cùng là “đồng sự”. Cổ đức khai thị đơn giản cho chúng ta là: “Hòa quang đồng sự, khiến mỗi người đều được nương nhờ.” Câu nói này tuy đơn giản nhưng trên thực tế đã bao gồm hết tất cả. Thế nào gọi là hòa quang đồng sự? Thánh hiền của nhà Nho dạy chúng ta “tác dụng của lễ thì hòa là quý”, Phật pháp dạy chúng ta “lục hòa kính”, có thể chung sống hòa thuận với mọi người, đây là trí tuệ cao độ, trong Phật pháp gọi là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Người như thế nào mới có thể chung sống hòa thuận với mỗi chúng sanh trong chín pháp giới? Chỉ có chư Phật Như Lai. Pháp thân đại sĩ cũng có thể làm được, nhưng không được tự nhiên thuần chánh giống như Phật, đây là do nguyên nhân gì? Là sự khởi dụng của tánh đức viên mãn.
Phật thường nói, vì sao chúng ta lại biến thành phàm phu? Là do tập khí phiền não của chúng ta quá nặng. Hiện tượng của tập khí phiền não là gì? Là không thể chung sống với người khác, đây là hình dạng của tập khí phiền não. Vì sao Phật Bồ-tát có thể chung sống hòa thuận với tất cả chúng sanh, còn chúng ta thì không làm được? Vì chúng ta thấy cái này ưa thích, thấy cái kia chán ghét. Vì sao chư Phật Bồ-tát không sanh tâm này, không khởi lên loại ý niệm này? Xét cho cùng mà nói, đều không ngoài vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư Phật Bồ-tát, pháp thân đại sĩ hoàn toàn đoạn hết phân biệt, chấp trước rồi, cũng đang phá trừ từng phần vọng tưởng còn sót lại, cho nên các ngài có thể làm được, chúng ta không làm được. Ở đây nhất định phải chú ý rằng, nếu không làm được thì chắc chắn luân hồi, đã không thoát khỏi luân hồi thì nhất định đọa ba đường ác. Quý vị đọc kỹ kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện thì sẽ biết.
“Con người quý ở chỗ tự giác”, giáo học của Phật pháp không có gì khác, chỉ là giúp chúng ta giác ngộ mà thôi. Phật đối với chúng ta là tăng thượng duyên, bản thân chúng ta cần phải có sở duyên duyên, phải có vô gián duyên thì chúng ta mới có thành tựu. Sở duyên duyên là noi theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, cũng chính là chúng ta thường nói rằng nhất định phải tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, hơn nữa việc tiếp nhận giáo huấn nhất định không được gián đoạn. Chúng ta ngày nay ở địa vị phàm phu, tập khí nghiệp chướng rất sâu, cổ nhân nói rằng: “Ba ngày không đọc sách thánh hiền thì mặt mũi hoàn toàn thay đổi.” Người thời xưa nghe lời dạy của thánh hiền thì có thể duy trì được ba ngày, còn chúng ta ngày nay nói thật là một ngày cũng không duy trì được. Hiện nay đọc sách thánh hiền, buông quyển sách xuống là mặt mũi hoàn toàn thay đổi, đâu cần đợi đến ba ngày. Từ đó cho thấy, người hiện nay so với người xưa về phương diện thiện căn thì quả thật không bằng người xưa. Hằng ngày huân tập mà vẫn không thể quay đầu, trong kinh Phật gọi là nhất-xiển-đề, căn tánh xiển-đề nghĩa là không có thiện căn, đoạn sạch thiện căn rồi. Đây là nói để hình dung, chứ sao có thể đoạn thiện căn được? Tuy không đoạn, nhưng do nghiệp chướng quá nặng nên thiện căn của bạn không khởi tác dụng, tuy có cũng như không, là ý nghĩa như vậy. Bản thân chúng ta ngày nay phải nỗ lực, phải ở trên phương diện này mà khắc phục chính mình, nhà Nho thường gọi là khắc kỷ, công phu khắc kỷ chính là mấu chốt của việc tu học thành bại trong đời này của chúng ta. Chúng ta có thể khắc phục tập khí phiền não của mình hay không? Nếu khắc phục được thì trong đời này có thành tựu, không khắc phục được thì không có thành tựu, mấu chốt là ở chỗ này.
Đồng sự nhiếp, thực tế chính là lục hòa kính trong nhà Phật, lục hòa kính là sáu phép “đồng”. “Kiến hòa đồng giải”, ở giai đoạn sơ học của chúng ta hiện nay, kiến giải của chúng ta đều dựa theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát, từ đây mà thiết lập nên đồng giải. Khi khế nhập cảnh giới của Phật thì kiến tư phiền não của bạn đã đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn rồi, vô minh cũng đã phá được mấy phẩm, nên lúc này kiến giải tự nhiên sẽ tương đồng. Vì sao ngày nay kiến giải của chúng ta bất đồng vậy? Nguyên nhân là do phân biệt, mỗi người có phân biệt không như nhau; do có chấp trước, chấp trước của mỗi người cũng không giống nhau. Cho nên có sự khác biệt về kiến giải, nguyên nhân là do phân biệt, chấp trước. Đều buông xuống phân biệt, chấp trước rồi thì đâu có lý nào mà không đồng kiến giải? Tự nhiên sẽ tương đồng, “Phật Phật đạo đồng” chính là đạo lý này. Kiến giải của pháp thân Bồ-tát gần như đều tương đồng, giữa họ không có khác biệt. Thế nên, chúng ta biết có kiến giải bất đồng, có suy nghĩ bất đồng, có cái nhìn bất đồng đều là do phân biệt, chấp trước khác nhau mà sanh ra.
Phân biệt, chấp trước chắc chắn là hư vọng, chắc chắn là sai lầm, cho nên trong kinh điển Phật nói với mọi người chúng ta, nhất định không được tin vào ý của bản thân, vì ý của bạn là sai lầm. Đến khi nào mới có thể tin vào chính mình vậy? Phật nói sau khi chứng được quả vị A-la-hán thì bạn mới có thể tin vào chính mình. Lời nói này của Phật là nói phương tiện, không phải nói rốt ráo. Nói rốt ráo thì như thế nào? Là sau khi đã phá vô minh thì bạn có thể hoàn toàn tin tưởng chính mình. Phá được chấp trước rồi thì bạn mới thoát khỏi sáu cõi luân hồi; hay nói cách khác, không còn tri kiến luân hồi nữa, tri kiến luân hồi là tri kiến cực kỳ sai lầm, thứ này không còn nữa, nhưng bạn vẫn chưa ra khỏi mười pháp giới. Cho nên tư tưởng kiến giải của bạn, Phật gọi là chánh giác, chánh giác này nếu so với phàm phu lục đạo thì tư tưởng kiến giải của bạn là chính xác. Lúc này bạn ở trong tứ thánh pháp giới mà học tập, tu học, tri kiến ở tứ thánh pháp giới vẫn chưa phải là thuần chân, mà là quả vị tương tợ tức Phật trong Lục tức Phật của đại sư Thiên Thai, tương tợ tức Phật tức là chánh giác. Từ tương tợ tức Phật tiếp tục đoạn sạch phân biệt, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian đều không phân biệt thì tâm này thanh tịnh, lúc này tâm của bạn vào tam-ma-địa, phá một phẩm vô minh thì chính là chánh đẳng chánh giác.
Quý vị phải biết rằng, chánh đẳng chánh giác là thuộc 41 giai vị pháp thân đại sĩ trên hội Hoa Nghiêm, các ngài là chánh đẳng chánh giác. Phật, Bồ-tát ở trong mười pháp giới đều là chánh giác, chứ chưa phải chánh đẳng chánh giác, như vậy bạn mới biết vấn đề này khó cỡ nào! Chỉ có một quả vị giác ngộ cứu cánh, còn chánh đẳng chánh giác thì có 41 thứ bậc. Các ngài có thể hòa quang đồng trần với tất cả chúng sanh, các ngài nhất định không có chấp trước. Quyền giáo Bồ-tát chính là bậc thánh trong tứ thánh pháp giới, tâm phân biệt của họ càng lúc càng tan nhạt, đến quả vị Sơ trụ thì hoàn toàn không còn nữa, vậy mới có thể hòa quang đồng sự với tất cả chúng sanh trong chín pháp giới.
Hòa quang đồng sự có nghĩa là gì? Hình dạng ra sao? Trong kinh điển, Phật nói với chúng ta là “tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp”, hình dạng của nó chính là tùy loại hóa thân, ý nghĩa của nó chính là tùy cơ thuyết pháp. Từ đó cho thấy, tất cả vì chúng sanh, không phải vì chính mình. A-la-hán đã phá chấp ta rồi, đâu còn ta nữa; pháp thân Bồ-tát, địa vị Sơ trụ của Viên giáo trở lên đều đã phá chấp ta và chấp pháp rồi, quả thật hoàn toàn tương ưng với lìa bốn tướng, lìa bốn kiến mà trong kinh Kim Cang nói, xác thực là “không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Không những bốn tướng không còn, mà ý niệm bốn kiến cũng không có, như vậy mới có thể đồng sự viên mãn. Không thể đồng sự với tất cả chúng sanh thì làm sao có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh quay đầu?
Trong tứ nhiếp pháp lấy ý nghĩa đồng sự làm chủ. Nói theo hiện nay là nếu bạn muốn giúp đỡ chúng sanh, muốn giáo hóa chúng sanh thì bạn nhất định không thể xa rời chúng sanh; bạn xa rời chúng sanh thì còn có cơ duyên gì để giúp đỡ họ nữa? Trong Phật pháp thường nói về rộng kết pháp duyên, đồng sự là kết pháp duyên. Kết pháp duyên ở đâu vậy? Ở mọi lúc mọi nơi, việc này rất quan trọng! Tuyệt đối không được nói, đợi sau khi tôi học thành, sau đó mới kết duyên với chúng sanh, vậy thì không kịp nữa.
Năm xưa tôi mới đến Đài Trung thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy dạy các học trò chúng tôi, thầy thường nói, mọi lúc mọi nơi thầy đều nhắc nhở chúng tôi không được quên kết duyên với mọi người. Kết duyên không cần đến vật phẩm, không nhất thiết là tiền bạc, không nhất thiết là tài vật, mà nhất định phải chung sống thân thiết với mọi người, việc này không cần tiền, không cần lễ vật gì cả, dứt khoát không được xa rời quần chúng. Thầy nói với những học trò chúng tôi: Pháp sư giảng kinh hoằng pháp, quý vị phải biết, pháp sư này không nhất định là người xuất gia, cư sĩ tại gia giảng kinh thuyết pháp cũng gọi là pháp sư, pháp sư là không phân biệt nam nữ, già trẻ, không phân biệt tại gia hay xuất gia. Thuật ngữ “hòa thượng” trong Phật giáo cũng không phân biệt tại gia hay xuất gia, cũng không phân biệt già trẻ, nam nữ. Hòa thượng là tiếng Ấn Độ, dịch thành tiếng Trung Quốc nghĩa là thân giáo sư, vị thầy trực tiếp chỉ dạy ta thì chúng ta gọi là hòa thượng. Tôi học với thầy Lý Bỉnh Nam, vậy lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam chính là hòa thượng của tôi, đích thân thầy chỉ dạy tôi. Chỉ có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni thì nhất định là người xuất gia, người tại gia không được xưng. Cho nên, những thuật ngữ trong kinh Phật như hòa thượng, pháp sư, a-xà-lê đều không phân biệt tại gia hay xuất gia, cũng không phân biệt già trẻ nam nữ.
Bạn đã phát tâm ra giảng kinh hoằng pháp, bạn nhất định phải có thính chúng, thính chúng nhiều hay ít là do pháp duyên của bạn. Nếu bình thường bạn không gần gũi với mọi người, tương lai bạn học biết kinh giáo rồi, thầy Lý nói dù bạn giảng kinh đến hoa trời rơi lả tả, thế nhưng không có người nghe, vì sao vậy? Bởi không có pháp duyên. Bạn mới hiểu được việc kết pháp duyên quan trọng biết bao! Chúng ta ngày nay muốn rộng độ chúng sanh, muốn đoàn kết các tôn giáo và chủng tộc khác nhau trên thế giới, đi đâu để kết duyên này? Ngày nay ở Cư Sĩ Lâm có duyên thù thắng, chủ nhật hằng tuần, mỗi một tôn giáo giảng kinh ở đây, trừ khi có việc quan trọng, nếu không có việc quan trọng thì tôi nhất định đi nghe. Tại sao vậy? Tôi kết duyên với tôn giáo đó, đây là điều mà các đồng tu phải biết. Tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau, cơ hội kết duyên như vậy rất ít, rất hiếm có, gặp được cơ hội này thì nhất định phải nắm lấy. Chúng ta chịu kết duyên với họ, tương lai chúng ta hoằng pháp, họ sẽ hoan hỷ đến nghe. Bạn không kết duyên với người ta, khi bạn thành Phật rồi, chúng sanh mà bạn độ sẽ ít; người có duyên thù thắng thì sẽ độ nhiều chúng sanh, đạo lý là ở chỗ này.
Tại sao trong các chư Phật thì A-di-đà Phật được gọi là “ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật”? Do pháp duyên của A-di-đà Phật là thù thắng nhất. Chúng ta liền hiểu được, lúc ngài còn ở nhân địa chắc chắn là mỗi lần có cơ duyên đồng sự với chúng sanh thì ngài tuyệt không từ bỏ, cho nên duyên của ngài mới thù thắng như vậy, đây là nhân quả. Chúng ta gieo nhân thiện, tương lai nhất định được quả thiện, bạn không chịu gieo nhân thì quả thiện ở đâu ra? Nhất định phải biết kết duyên. Pháp sư giảng kinh, cho dù là mới học, khi chúng ta có thời gian rảnh rỗi thì phải tranh thủ thời gian đi nghe, kết duyên với họ.
Tôi đã nói với mọi người bao nhiêu lần, tôi đi đến đạo tràng người ta, lễ Phật ba lạy trong đại điện, ý niệm đó của tôi là kết duyên. Lạy thứ nhất của tôi là kết duyên với pháp sư thường trụ, lạy thứ hai là kết duyên với thổ địa tại nơi này, lạy thứ ba là kết duyên với tất cả chúng sanh ở nơi này. Ba lạy của tôi không phải lạy suông, cho nên khi tôi đến nơi đó để giảng kinh thì pháp duyên rất thù thắng. Lần trước các bạn cùng tôi đến chùa Cực Lạc ở Tân Thành, tôi đã nói với các bạn, lần thứ nhất đến chùa Cực Lạc ở Tân Thành là đi tham quan du lịch ngang qua chỗ đó. Bảy, tám năm trước tôi lạy Phật ba lạy trong đại điện thì tám năm sau nhân duyên chín muồi rồi, đây là nguyện mà chính mình đã hứa. Bạn không kết duyên thì lấy đâu ra pháp duyên? Cho nên đồng sự quan trọng đến như vậy!
Con người dứt khoát không được xa rời đoàn thể, nhất định phải chung sống hòa thuận với đoàn thể, sinh hoạt giống như mọi người trong đoàn thể thì sẽ có được tâm hoan hỷ của mọi người. Tứ chúng đồng học không xa rời nhau thì duyên của bạn mới thù thắng. Nếu tự cho mình là giai cấp đặc thù, không chung sống với mọi người thì tương lai bạn thành Phật cũng là vị Phật lẻ loi một mình, không có thính chúng, chúng ta nhất định phải biết đạo lý này.
Đến đây thì tôi đã giới thiệu xong phần tứ nhiếp pháp, ý vị sâu xa, nói không cùng tận, mỗi một điều trong bốn điều đều trùm khắp pháp giới. Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.