PHẬT THUYẾT NGHIỆP ĐẠO KINH GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 21/04/2000 đến 31/03/2001
Giảng tại Singapore, Australia.
Tổng cộng 149 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Mã AMTB: 19-014-0001 đến 19-014-0149
Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 13/149
Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ ba, hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu thứ hai:
Mà tâm chẳng phải sắc, nên không thể thấy chấp. Chỉ là các pháp hư vọng hợp lại mà sanh khởi, rốt cuộc không có chủ, không có ta và cái của ta. Tuy mỗi loài theo nghiệp hiện ra không đồng, nhưng thật trong ấy không có tác giả. Thế nên tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn.
Đoạn này Phật nói rõ cho chúng ta biết căn nguyên của chân tướng sự thật, phía trước đã nói rõ cho chúng ta biết vì sao có hiện tượng lục đạo luân hồi. Hiện tượng này rốt cuộc phát sinh như thế nào? Từ đâu mà có? Phật nói từ tâm tưởng sanh, đều do tâm tạo nghiệp thiện và bất thiện mà biến hiện ra cảnh giới này, cho nên căn nguyên của nó là tâm. Tâm này vô cùng khó hiểu, đại đức xưa nay thường nói: “Nếu người biết được tâm, đại địa không tấc đất.” Phật pháp nói ngộ đạo, nói chứng đạo, chứng quả là ý gì vậy? Chẳng qua là muốn bạn thật sự hiểu rõ tâm là gì mà thôi! Cho nên gọi là minh tâm kiến tánh, đây chính là đại triệt đại ngộ, đây chính là chứng được Phật quả vô thượng Bồ-đề, là sự việc như vậy.
“Tâm”, chúng ta hiện nay nhìn thấy chữ này lập tức nghĩ rằng tâm là ở chỗ này, đây là quả tim máu thịt, tâm này không có lợi ích gì, không hữu dụng, đây là sai lầm. Kinh Lăng-nghiêm vừa mở đầu, Thế Tôn hỏi tôn giả A-nan: “Ông lúc mới phát tâm vào cửa Phật, là do nhân duyên gì?” Ngài rất thật thà trả lời Thế Tôn, ngài nói: “Con nhìn thấy tướng hảo của Thế Tôn, tướng này đẹp quá, tướng này dứt khoát không phải do cha mẹ sanh ra, nhất định là do Thế Tôn tu hành thành tựu. Con thường nghĩ về vấn đề này, và con cũng muốn được tướng hảo như vậy, cho nên phát tâm xuất gia để tu hành.” Thế Tôn nghe xong bèn gật đầu, ngài nói: “Là điều mà trong tâm ông nghĩ.” Phật bèn tiến thêm một bước hỏi ngài: “Tâm ở đâu?” Tâm này, Phật pháp thường nói có chân tâm, có vọng tâm, nhưng bất luận là chân tâm hay vọng tâm, vậy tâm ở đâu? Ngài thông minh hơn chúng ta, ngài đã nghĩ ra được bảy chỗ, còn chúng ta không cách nào nghĩ ra được! Nhưng bảy chỗ đó đều bị Phật phủ định tất cả, thế là ngài liền bối rối, sau đó hướng về Thế Tôn thỉnh giáo tâm ở đâu.
Trong kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta, tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến), tâm này là chân tâm, còn thức là vọng tâm, chân tâm và vọng tâm là một tâm. Vì sao gọi là chân tâm, là vọng tâm? Hoàn toàn giác mà không mê thì gọi là chân tâm, kèm theo mê hoặc thì chúng ta gọi là vọng tâm. Mê hoặc là sao? Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường nói vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong tâm bạn chỉ cần chưa loại bỏ sạch sẽ ba thứ này thì đây chính là vọng tâm, chân tâm không thể hiện tiền. Nếu những thứ này thảy đều gạn lọc hết rồi, hoàn toàn không còn nữa, thì chân tâm hiện tiền. Quyết không phải nói, ngoài vọng tâm còn có chân tâm, vậy thì không tìm ra, vậy là chân tâm cũng không có; cho nên nói “chân vọng không hai” chính là đạo lý này. Chỉ cần xả bỏ hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chân tâm hiện tiền. Chân tâm là năng hiện, có thể hiện vũ trụ hư không, trong Phật pháp gọi là thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Ngay cả nhất chân pháp giới cũng đều do chân tâm hiện ra, trong cảnh giới được hiện ra phát sinh sự thay đổi; ban đầu nó hiện ra là nhất chân, gọi là nhất chân pháp giới, đó là hoàn toàn không có vọng tâm, do chân tâm hiện ra. Thế giới Hoa Tạng trong kinh Hoa Nghiêm, cõi Tịnh độ ở Tây Phương gọi là thế giới Cực Lạc, đều do chân tâm hiện ra, cho nên nó không có thay đổi. Người sinh về nơi đó ai nấy đều là vô lượng thọ, ai nấy năm nào cũng tuổi 18, họ không già, vĩnh viễn không suy, không già, không bệnh. Vì sao vậy? Họ là do chân tâm hiện ra. Do đây có thể biết, chúng ta ngày nay bị già, bị bệnh, bị chết là do thứ gì tạo ra vậy? Do vọng tâm tạo nên, vọng tâm chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Giả như thảy đều đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta cùng chư Phật Như Lai như nhau, cũng là bất sanh bất diệt, không già, không suy, không bệnh. Những đại đạo lý này ở trong tất cả kinh luận Đại thừa, Phật đều nhắc đến cho chúng ta, đây là thứ mà chúng ta cầu. Cho nên, Phật và chúng sanh là bình đẳng, khẳng định là bình đẳng, không có cao thấp.
Vì sao chúng sanh không giống như Phật? Vấn đề phát sinh ở chỗ này. Phật nói cho chúng ta biết ba loại phiền não tập khí này, nếu như chúng ta buông xả chấp trước, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không chấp trước nữa thì bạn ra khỏi lục đạo, người này ở trong Phật học được gọi là A-la-hán. A-la-hán, Bồ-tát, Phật là danh xưng của ba học vị trong nền giáo dục Phật-đà. Bạn lấy được học vị này rồi thì vĩnh viễn không bị thoái chuyển vào trong lục đạo luân hồi thọ khổ nữa, đây là đã lấy được học vị thứ nhất. Nếu như tiếp tục đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không phân biệt; phân biệt, vọng tưởng đều đoạn hết thì bạn được gọi là Bồ-tát. Từ đây thấy được, A-la-hán tuy không chấp trước nhưng họ vẫn còn phân biệt. Bồ-tát không chấp trước cũng không phân biệt, cao hơn A-la-hán, nhưng các ngài vẫn ở trong thập pháp giới, chưa ra khỏi phạm vi của thập pháp giới. Nhất định phải đoạn dứt vài phần vọng tưởng, vọng tưởng này gọi là vô minh phiền não, trong kinh Hoa Nghiêm gọi là 41 phẩm, cũng chính là nói phiền não nhiều ít, đem nó chia thành 41 loại, chỉ cần đoạn một phẩm thì bạn ra khỏi thập pháp giới, sẽ vào nhất chân pháp giới. Vào nhất chân pháp giới, số vọng tưởng vi tế còn sót lại thì từ từ đoạn tiếp. Chữ “từ từ” này, trong kinh Đại thừa nói phải trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp, phải qua thời gian dài như vậy mới có thể đoạn sạch sẽ tập khí vọng tưởng, vậy là bạn thành Phật, bạn lấy được học vị cao nhất, đó là học vị Phật-đà.
Chúng tôi ngày nay nói vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì mọi người dễ hiểu. Nhưng danh từ trong Phật học không phải nói như vậy, danh từ trong Phật học gọi là vô minh phiền não, trần sa phiền não và kiến tư phiền não. Kiến tư phiền não chính là chấp trước, trần sa phiền não chính là phân biệt, vô minh phiền não chính là vọng tưởng, tôi đổi qua danh từ khác thì mọi người dễ hiểu, ý nghĩa sâu sắc vô cùng. Cho nên, chúng ta thật sự đã bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hại rồi, ngay cả làm người mà chúng ta cũng không tự tại, hằng ngày sanh phiền não. Vì sao vậy? Ta đi đến đâu cũng đều phân biệt thân phận của mình, chấp trước thân phận, phải có địa vị của ta, phải có danh dự của ta, có nguy hay không! Toàn là giả. Có những thứ này thì có sinh tử, có nhân duyên quả báo. Trong nhà Phật nói, bạn có niệm thiện thì sẽ thọ báo nơi ba đường thiện trong sáu cõi, bạn có niệm ác thì sẽ thọ báo trong ba đường ác, nếu không còn ý niệm thiện ác nữa thì sáu cõi cũng không còn. Nhân của sáu cõi không còn thì làm sao có quả của sáu cõi được. Những vị A-la-hán, Bồ-tát, Phật, các ngài rất tự tại, muốn đến lục đạo thì các ngài liền đến, các ngài đến không phải để thọ báo mà đến để giúp chúng sanh giải thoát, chúng ta thường nói thừa nguyện tái lai. Cho nên cửa của sáu cõi này các ngài xuất nhập cảnh tự do, còn chúng ta thì không tự do, chúng ta ở trong đây thì không thể ra được, còn các ngài đến đi tự do.
Tuy hiện thân trong sáu cõi, như Quán Thế Âm Bồ-tát, các bạn đã tụng phẩm Phổ Môn rất nhiều, cần dùng thân gì để độ thì ngài liền hiện thân đó, bạn thấy ngài tự tại biết bao! Nếu như ngài có một thân tướng thì ngài không thể hiện thân tướng thứ hai, chúng ta chấp trước thân này là ta, tướng này là ta thì không thể hiện thân tướng thứ hai được. Các ngài không có chấp trước, cho nên tùy loại mà biến hóa, biến hóa tự tại, không phải trong tâm mình muốn, “tôi muốn biến ra thân gì đó”, thế là hỏng rồi, đó chính là phàm phu. Vì sao vậy? Các ngài lại phân biệt, chấp trước rồi. Các ngài biến hóa không phải do mình muốn, mà do trong tâm chúng sanh muốn. Chúng ta muốn Bồ-tát Quán Thế Âm hình dáng như thế nào thì ngài liền hiện như thế ấy, tùy theo tâm tưởng của chúng sanh mà biến hóa; không phải tùy theo tâm tưởng của mình, bản thân các ngài hoàn toàn không có tưởng, có tưởng là có chấp trước.
Các bạn xem Trung Quốc, tổ tiên xa xưa của chúng ta tạo chữ rất có ý nghĩa. “Tư” là phân biệt, bạn thấy chữ “tư” (思), ở trên chữ “tâm” (心) có rất nhiều ô vuông, ô vuông đó chính là chữ “điền” (田), ô vuông đó là phân biệt. “Tưởng” (想) là trong tâm có “tướng” (相), chấp trước cái tướng đó, cho nên “tưởng” là chấp trước. Còn “tâm” là gì vậy? Là đem chữ “điền” bỏ đi, “tướng” cũng bỏ đi, phần còn lại đó là “tâm”. Cho nên, bạn xem cái đẹp, sự thù thắng của chữ Trung Quốc, trên toàn thế giới bất kỳ quốc gia dân tộc nào cũng tìm không ra, nó là phù hiệu của trí tuệ, khiến bạn vừa thấy thì giác ngộ, liền sáng tỏ ngay. Cho nên tư tưởng không phải là thứ tốt, ngày nay nói “tư tưởng của người nào đó”, vậy họ xong rồi, họ là phàm phu sáu cõi. A-la-hán có tư, không có tưởng; nếu tư và tưởng đều không còn nữa thì người này là Bồ-tát. Cho nên ở trong kinh Phật thường nói, Phật trong 49 năm không hề nói một câu nào. Nếu Phật muốn thuyết pháp là ngài có tư tưởng rồi, ngài không có tư tưởng. Cho nên, không thể dùng tư tưởng để nghiên cứu kinh Phật, vì Phật không có tư tưởng, bạn dùng tư tưởng để nghiên cứu thì biến thành nghĩ tưởng lung tung. Ý của Phật, “nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, câu này phải giải thích như thế nào đây? Rời khỏi tư tưởng, không có tư tưởng thì bạn có thể thể hội được ý của Phật, đây là trí tuệ chân thật, trí tuệ viên mãn.
Chúng ta thấy đoạn văn này, ý nghĩa của đoạn văn này rất sâu, 30 phút giảng không xong. “Mà tâm chẳng phải sắc”, tâm không phải vật chất, “sắc” này là nói sắc pháp, như ở trong ngũ uẩn nói “sắc, thọ, tưởng, hành, thức”; tâm không phải sắc pháp. Hiện nay khoa học chia nó thành hai loại lớn, một cái là vật chất, một cái là tinh thần. Nhà Phật nói sắc là chỉ cho vật chất, nói tâm là chỉ cho tinh thần, chúng ta có thể nói như vậy, vì trong nó có chân tâm, có vọng tâm. Tâm này của phàm phu chúng ta là một bộ phận của tinh thần, bất luận là chân tâm hay vọng tâm, nó đều không phải vật chất. Cho nên, mắt bạn không nhìn thấy, tai cũng không nghe thấy, thân thể cũng không tiếp xúc được, ngay cả trong tâm bạn nghĩ cũng không nghĩ được. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, ý đó chính là ý niệm, đều không đạt được. Trong sáu căn, năng lực mạnh nhất, công năng thù thắng nhất là ý căn. Chúng ta thường khởi vọng tưởng, từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, có thể nghĩ trước, nghĩ sau, nghĩ về vô thỉ kiếp quá khứ, nghĩ đến vô lượng kiếp tương lai, đều có thể nghĩ đến. Nghĩ đến thế giới này, nghĩ đến ngoài vũ trụ, nghĩ đến những cõi nước của chư Phật, bạn đều có thể nghĩ, nhưng không thể nghĩ ra được tâm này, chắc chắn là không thể nghĩ ra, vì nó không phải là sắc pháp.
Thế nên Phật nói “không thể thấy chấp”, sáu căn chắc chắn không thể đạt đến được, không thể chấp. Bốn chữ này của ngài là hai câu, “không thể thấy chấp” là không thể thấy và không thể chấp. “Chấp” là gì vậy? Là chấp trước, bạn dứt khoát không có cách gì chấp trước được. Quả thật nói không thể thấy, không thể chấp, không những là đối với tâm, mà đối với sắc cũng như vậy. “Sắc” là cái đầu tiên có quan hệ thân thiết nhất đối với chúng ta, đó là thân của chúng ta, thân của chúng ta có thể thấy nhưng dứt khoát không thể chấp. Chấp, nói theo hiện nay là có ý chiếm hữu, nghĩa là “tôi đạt được”. Thân thể này của chúng ta tự mình có thể đạt được hay không? Không thể. Hiện nay nhà khoa học đã chứng minh, tế bào trong cơ thể chúng ta thay cũ đổi mới, biến đổi theo từng sát-na, tế bào cũ chết đi thì tế bào mới sinh ra, không thể chấp giữ! Nếu như có thể chấp giữ thì tế bào của ta vĩnh viễn là như thế này, bất sanh bất diệt, thế là ta chấp giữ được rồi. Không thể chấp. Bạn biết thân này còn chẳng thể chấp giữ, huống hồ là vật ngoài thân. Nói cách khác, có cái gì là của bạn đâu, ngay cả thân thể của mình cũng không phải, như vậy bạn mới thật sự giác ngộ, bạn thật sự nhìn thấu. Nhìn thấu là đã sáng tỏ, hiểu rõ triệt để rồi.
Trong Phật pháp thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.” Pháp thế xuất thế gian chính là nhân quả. Nhân quả vì sao bất không? Vậy chúng ta muốn hỏi nhân quả liệu có nằm trong vạn pháp hay không? Có! Vạn pháp đều là không, vì sao nhân quả chẳng phải không? Điều này chúng ta phải làm cho rõ ràng, nhân sẽ biến thành quả thì nhân không rồi, quả lại biến thành nhân kế tiếp thì quả cũng không luôn, cho nên nhân và quả đều bất khả đắc. Nói “nhân quả bất không” là ý gì vậy? Nhân quả chuyển biến bất không, nó chuyển biến lẫn nhau, nhân chuyển biến thành quả, quả chuyển biến thành nhân, nhân lại biến thành quả, quả lại biến thành nhân. Chuyển biến bất không, tiếp nối bất không, tuần hoàn bất không, đây là nói ba sự việc này. Chuyển biến, tiếp nối, tuần hoàn, bạn phải sáng tỏ đạo lý này. Cho nên, Phật trong bộ kinh này, bộ kinh này hay, lời gọn ý đủ, kinh văn không dài, dạy người phải đoạn ác tu thiện. Vì sao vậy? Bạn có thể đoạn ác tu thiện thì sự chuyển biến của bạn sẽ càng chuyển càng tốt, sự tuần hoàn tiếp nối của bạn càng ngày càng tự tại. Nếu như không biết đạo lý này mà tùy thuận theo phiền não tập khí của mình thì phiền phức rồi, sự chuyển biến của bạn là càng chuyển càng tệ hại, tiếp nối tuần hoàn là đọa lạc xuống thêm.
Cho nên, tất cả pháp thế xuất thế gian, không có người nào khác làm chủ cho bạn, mà tự làm tự chịu, Phật cũng không thể giúp gì cho bạn. Trong tôn giáo thông thường nói Thượng đế, trong Phật pháp chúng ta nói tâm, nói tánh. Bạn xem, hôm qua tín đồ của Hồi giáo báo cáo, giới thiệu sơ lược cho chúng ta, tất cả đều do thánh Allah làm chủ, Allah là chủ tể duy nhất trên thế giới này. Allah mà họ nói chính là tâm tánh mà chúng ta nói. Nhưng họ vẫn chưa nói đến chân tâm, cái họ nói là vọng tâm. Vì sao vậy? Họ muốn làm chủ tể thì chủ tể đó là vọng tâm, trong chân tâm không làm chủ tể, trong chân tâm không có vọng niệm này. Họ nói cũng tương đối cao rồi, chỉ cách một bậc, khi xoay chuyển được một bậc đó thì thấy được chân tâm ngay.
“Mà tâm chẳng phải sắc, nên không thể thấy chấp”, chúng ta phải luôn ghi nhớ câu nói này. Trong Bát-nhã Tâm Kinh nói rất cụ thể, nói rất thấu triệt, câu đầu tiên của kinh văn: “Quán tự tại Bồ-tát, chiếu kiến ngũ uẩn giai không.” “Quán” thì tự tại rồi, quán là quán chiếu. Thế nào là quán chiếu? Bồ-tát dùng tâm thì gọi là quán chiếu, cũng tức là nói sáu căn của ngài tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, ngài không phải không có, cũng giống như chúng ta vậy, nhưng ngài rời khỏi tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì gọi là quán chiếu. Chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước trong đó thì gọi là tư tưởng. Phàm phu chúng ta dùng tư tưởng, các ngài không dùng tư tưởng nên gọi là quán chiếu. Quán chiếu có thể thấy tướng chân thật của tất cả hiện tượng. Trong đây xen tạp vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì chúng ta nhìn tất cả mọi cảnh giới đều xem thành tướng hư vọng, đem tướng chân thật bóp méo đi, nên chúng ta không nhìn thấy tướng chân thật. Nếu rời khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước thì bạn nhìn thấy chân tướng ngay. Bản thân chúng ta tự bóp méo chân tướng, không phải hiện tượng bên ngoài thật sự bị chúng ta bóp méo, không có đạo lý này! Đây là chính bạn bóp méo công năng sáu căn của chính bạn, hoàn toàn không liên quan gì đến cảnh giới bên ngoài, cảnh giới bên ngoài vĩnh viễn là trung lập. Vì sao vậy? Cảnh giới bên ngoài là do tâm hiện ra.
Cho nên, Phật Bồ-tát ngồi chung với chúng ta, tay nắm tay mà cảnh giới của hai người hoàn toàn khác nhau, các ngài ở nhất chân pháp giới, còn chúng ta ở lục đạo luân hồi. Quyết chẳng phải ngoài lục đạo luân hồi còn có nhất chân pháp giới, ngoài nhất chân pháp giới còn có lục đạo luân hồi, không phải vậy, mà đều cùng viên dung nhau. Ví dụ nói, vào buổi tối trăng sáng rất đẹp, có rất nhiều người đang ngắm trăng, mọi người nhìn thấy giống nhau nhưng cảm xúc của mỗi người lại khác nhau. Hiện tượng này bạn rất dễ hiểu, là do cảnh giới của mỗi người không như nhau, cảnh sắc bên ngoài là một, tuyệt đối không vì cảm nhận của bạn mà xảy ra thay đổi. Bạn từ thí dụ nhỏ này từ từ mà tư duy, mà thể hội. Không được nghiên cứu, hễ nghiên cứu liền hỏng ngay, đó là càng nghĩ càng xa quy củ, càng nghĩ càng sai, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Đoạn này chúng tôi sẽ giảng từ từ, hôm nay thời gian lại hết rồi.