Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 57/149


Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 57/149

Mời mọi người mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười, hàng thứ nhất. “Lại nữa, long vương! Nếu lìa tham dục thì được thành tựu năm loại tự tại. Những gì là năm? Một, ba nghiệp tự tại, các căn đầy đủ.” Điều này phần trước tôi đã nói rồi, nghĩa lý này cảnh giới sâu rộng vô cùng, có thể nói là vĩnh viễn không thể nói hết. Phật nói bộ kinh này, bộ kinh này không dài, trong cuốn sách nhỏ này của chúng ta thì kinh văn chỉ chiếm một nửa, nhưng đó là lời giáo huấn căn bản của Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh. Nếu không nghiêm túc tu học từ trên căn bản, tuy pháp môn trong Phật pháp rất nhiều, nhưng bất luận tu học pháp môn nào cũng không thể thành tựu, đây chính là điều mà mọi người chúng ta đều nhìn thấy, người tu hành thì nhiều, mà người thành tựu thì ít. Đặc biệt là thời cận đại, tâm người không có chỗ nương về, người không có chí hướng rất dễ bị cám dỗ, bèn đọa lạc ngay. Trước đây có, cũng không phải thiểu số, nhưng cũng không quá phổ biến. Hiện nay có thể nói là vô cùng phổ biến, trong một vạn người mới có một hai người không bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, không đọa lạc là vô cùng hiếm có. Cho nên, quan sát từ chỗ này thì chúng ta đối với điều mà người phương Tây gọi là ngày tận thế thì có thể tin được. 

Bộ kinh này nói cho chúng ta biết đạo lý lớn chân thật về nhân quả. Người sống ở đời, Phật nói cho chúng ta biết có hai loại người. Loại người thứ nhất là phàm phu sáu cõi, quá khứ tạo nghiệp thì đời này đến thọ báo, cho nên Phật nói ở trong kinh là “đời người trả nghiệp”. Trong đời quá khứ bạn tu phước thì đời này đến hưởng phước, trong đời quá khứ bạn tạo tội nghiệp, tạo ác nghiệp thì đời này đến chịu khổ, chịu nạn, đây là phàm phu. Loại người thứ hai là bậc đã giác ngộ. Chư Phật Bồ-tát đến thế gian này để làm gì? Để cứu khổ cứu nạn. Người cứu khổ cứu nạn còn chịu khổ nhiều hơn người thông thường chúng ta, các ngài đến thị hiện, đến làm tấm gương cho chúng ta thấy, xả mình vì người. Thế gian này có hai loại người như vậy.

Chúng ta thuộc loại nào? Đương nhiên chúng ta là thuộc về nghiệp báo, chúng ta là phàm phu. Nhưng hôm nay chúng ta hiểu rõ, hiểu tường tận rồi, nghiệp báo có thể chuyển biến. Nếu đem nghiệp lực chuyển thành nguyện lực thì người này là chuyển phàm thành thánh, người này với chư Phật Bồ-tát thừa nguyện tái lai là không hai không khác, đây chính là tu Bồ-tát đạo mà chúng ta thường nói, tu đạo thành Phật. Có thể nói đạo thành Phật quá khó, chúng ta nghiệp chướng sâu nặng, chúng ta không có năng lực để học. Quan niệm này, Phật nói rất rõ trong kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Vô Lượng Thọ có nói về “biên địa nghi thành”. Tại sao lại sanh đến biên địa? Có hai nguyên nhân: một là có hoài nghi đối với trí tuệ viên mãn vạn đức vạn năng của Phật, hai là thiếu tín tâm đối với bản thân; nhưng nếu rất hết lòng nỗ lực niệm Phật cầu nguyện vãng sanh thì họ vẫn được sanh Tịnh độ, nhưng sanh vào biên địa. Phật đến thế gian này giúp chúng ta điều gì, chúng ta phải hiểu rõ, chính là giúp chúng ta chuyển đổi từ nghiệp lực thành nguyện lực, chính là việc như vậy. Cách chuyển như thế nào? Lý luận của việc chuyển đổi, trong tất cả kinh luận đều nói rất nhiều, rất nhiều. Bạn có thể chuyển được bao nhiêu, chuyển đến trình độ như thế nào, đó là do công phu của chính bạn. Bản thân bạn thật sự y giáo phụng hành, hết lòng nỗ lực sửa đổi tập khí, trừ bỏ phiền não, y giáo phụng hành thì bạn chắc chắn chuyển được.

“Trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, khi tôi mới học Phật, vừa vào cửa Phật thì đại sư Chương Gia đã dạy những đạo lý này cho tôi. Những vị này không phải người phàm, đối với người thông thường vừa tiếp xúc thì các vị biết ngay. Không những đại sư Chương Gia, về sau ngài Cam Châu cũng nói với tôi, Cam Châu là học trò của đại sư Chương Gia. Họ ở sau lưng tôi đều phê bình tôi, vào thời đó tôi chưa xuất gia, họ đều gọi theo tên của tôi: “Anh họ Từ đó là người rất thông minh, đáng tiếc không có phước báo, lại đoản mạng.” Đây là sự thật, không hề giả dối chút nào. Không có phước, chuyển thành có phước; không có thọ mạng, chuyển thành có thọ mạng. Chuyển thế nào vậy? Đoạn ác tu thiện. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói rõ ràng hơn, thấu triệt hơn, trong số các học sinh chúng tôi, thầy thấy người nào diện mạo rất bạc phước, chúng ta thông thường gọi là tướng đoản mạng, tướng không có phước báo thì thầy khuyên họ học giảng kinh. Thầy Lý nói với học sinh chúng tôi, công đức giảng kinh là lớn nhất, chuyển nghiệp lực nhanh nhất. Chúng tôi sau này đã hiểu rõ vì sao. Vì giảng kinh là thay Phật thuyết pháp. Phật không còn ở thế gian này, người nào thuyết pháp vậy? Những người phát tâm thay Phật thuyết pháp. Những người thay Phật thuyết pháp này được trí tuệ của Phật, được thọ mạng của Phật; Phật vô lượng thọ, phước báo của Phật quá lớn, đây là hoàn toàn chuyển đổi nghiệp lực của mình rồi. “Đem thâm tâm này phụng trần sát[1], đây mới gọi là báo ân Phật.”

Chúng ta có phải mong cầu thọ mạng hay không? Không mong cầu; thọ mạng dài hay ngắn không quan trọng, trường thọ và đoản thọ là một không phải hai. Vấn đề là trong một đời này phải đạt được thành tựu. Thành tựu gì vậy? Chấm dứt sanh tử, ra khỏi tam giới là thành tựu. Có thể vãng sanh Tịnh độ, thân cận A-di-đà Phật, đây là thành tựu đệ nhất, tất cả chư Phật đều tán thán. Chúng ta làm sao đạt được? Xả mình vì người, vì Phật pháp, vì chúng sanh. Mình không biết giảng kinh, chỉ cần phát tâm thì tam bảo sẽ gia trì, chẳng phải bạn giảng. Tôi thường nói và đã nói rất nhiều năm, đem thân thể này cho Phật Bồ-tát mượn dùng. Tôi chịu cho mượn, còn các bạn không chịu cho mượn. Lên bục giảng không phải tôi nói, mà là chư Phật Bồ-tát nói, tôi đem thân thể này hiến dâng cho Phật Bồ-tát, cho các ngài mượn dùng. Chúng ta nên phát tâm nguyện này, phải hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này. Đối với bản thân thì xả cho thật sạch sẽ, khôi phục tâm thanh tịnh, khôi phục đến thanh tịnh tịch diệt. Càng thanh tịnh, càng tịch diệt thì sức mạnh gia trì của chư Phật Bồ-tát càng rõ rệt, càng thù thắng. Nếu trong tâm chúng ta có nghi hoặc, có vọng tưởng, có phân biệt, lại cộng thêm chấp trước, thì Phật Bồ-tát muốn gia trì cũng vô phương, không gia trì được, nhất định phải biết đạo lý này. Được thân người, nghe Phật pháp là thù thắng không gì bằng, hãy tận dụng thời gian ngắn ngủi này vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. 

Chúng ta hãy thử nghĩ, chư Phật Bồ-tát có nguyện lực gì, tâm nguyện của các ngài là gì? Một mảy may ý niệm tự tư tự lợi cũng không có, nguyện lực của Phật Bồ-tát là rộng độ chúng sanh, hy vọng mỗi một chúng sanh nhanh chóng thành Phật. Hoàn toàn không mong muốn bạn đến bao nhiêu kiếp về sau mới thành Phật, vậy thì đâu phải từ bi? Phật là dạy chúng ta lập tức liền thành Phật. Chúng ta có thể lập tức thành Phật hay không? Đáp án là chắc chắn. Tại sao bạn không thể thành Phật vậy? Vì không tin! Không tin năng lực của Phật, không tin chính mình có thể thành Phật, hơi bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ một chút thì lập tức đọa lạc, lập tức thoái tâm, lập tức đổi tâm rồi, vậy mới chiêu cảm đến luân hồi nhiều kiếp. Vì sao người trên thế gian ngày nay dễ dàng thay đổi tâm, vì sao dễ dàng đọa lạc như vậy? Vì đã mất đi giáo dục thánh hiền. Tại sao người thời xưa có thể gìn giữ được? Vì từ nhỏ được tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức. Công năng của giáo dục luân lý đạo đức, nói thật ra là ngăn ngừa chúng ta đọa lạc, giúp chúng ta thăng hoa. 

Một trăm năm gần đây, đại chúng xã hội lơ là rồi, tất cả hướng về danh lợi, tôn sùng tranh danh đoạt lợi. Cho rằng đạo nghĩa là thứ của xã hội cũ, xã hội ngày nay không cần nữa, ngũ luân bát đức, trung hiếu nhân ái hiện nay không cần nữa, đã đem bỏ vào trong sọt rác hết. Người hiện nay cần gì vậy? Họ cần danh, cần lợi; trong suy nghĩ của người hiện đại đều là phóng túng dục vọng, tranh lợi, người trên toàn thế giới đều phóng túng dục vọng và tranh lợi. Chúng ta nhìn thấy thì nên nhanh chóng rời khỏi nơi này. Lời cổ nhân nói có đạo lý: “Nước nguy nan đừng ở, nước loạn lạc đừng vào.” Hiện nay địa cầu này đã nguy lại còn loạn, người thông minh phải nhanh chóng nghĩ cách di dân. Di dân đến nơi nào vậy? Di dân đến thế giới Cực Lạc. Cho nên chúng ta sống ở thế gian này, đối với thế gian này không mảy may lưu luyến, lúc nào cũng muốn đi, lúc nào đi cũng được. Thân thể này còn ở tại thế gian, vẫn chưa đi là vì sao vậy? Vì vẫn còn vài người có duyên. Sao gọi là có duyên? Đối với Phật pháp có thể tin, có thể hiểu, có thể hành, đây là có duyên. Chúng ta giúp đỡ những người có duyên này cùng nhau đến thế giới Cực Lạc.

Trong kinh luận thường nói: “Phật không độ người không có duyên.” Quý vị phải hiểu rằng, có duyên chính là người Trung Quốc gọi là hiếu học, hiếu học chính là có duyên. Trong kinh luận thường nói: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”, người này là có duyên. Nếu như thọ trì đọc tụng, không vì người diễn nói, đây là Tiểu thừa; vì người diễn nói, chịu giúp đỡ người khác, đây là Đại thừa. Nhưng quý vị nên biết, nếu không có bốn chữ “vì người diễn nói” này thì có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc hay không? Không thể. Vì sao vậy? Họ là Tiểu thừa, hàng Tiểu thừa không thể sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta cũng nhìn thấy, có một số ông cụ, bà cụ niệm Phật vãng sanh tướng lành hiếm có, họ không có vì người diễn nói, sao họ có thể vãng sanh? Chúng ta phải hiểu rằng, họ không có duyên vì người diễn nói, ngày nay gọi là họ không đủ điều kiện chứ không phải họ không có tâm nguyện; họ có tâm nguyện, nhưng họ không có điều kiện, cho nên họ vẫn có thể vãng sanh. Có điều kiện mà không có tâm nguyện này thì không thể vãng sanh. Mỗi một người vãng sanh đều là tâm Đại thừa, đều là tâm đại Bồ-đề, người có tâm đại Bồ-đề thì niệm niệm đều muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh. Tuy không thể giảng kinh thuyết pháp cho mọi người, nhưng khi gặp người đều khuyên họ niệm A-di-đà Phật, vậy là được rồi. Chẳng phải là nói khi gặp người thì không thèm quan tâm, “bản thân ta niệm A-di-đà Phật, mặc kệ họ, ta đến thế giới Cực Lạc, mặc cho họ đọa lạc”, người như vậy không thể vãng sanh. Gặp người đều khuyên niệm A-di-đà Phật, người này chính là Bồ-tát. Có thể đem đạo lý, phương pháp niệm Phật giảng rõ ràng, giảng sáng tỏ thì càng tốt, càng thù thắng hơn. Cho nên, không thể không phát tâm Bồ-đề, đây gọi là tâm Bồ-đề. 

Giúp đỡ người khác thì không thể không làm ra tấm gương tốt, người khác không chịu làm nhưng ta phải làm, quyết không được vì bản thân. Trong Khúc Lễ, sách Lễ Ký của nhà Nho dạy chúng ta: “An ổn nhưng có thể dời chỗ.” Đây là gì? Bạn có phước báo, thân bạn an, tâm cũng an, bạn có thể sống những ngày tháng rất thoải mái, rất tự tại; thấy người khác có đau khổ, ta phải từ bỏ chỗ an ổn của mình mà bôn ba vì người khổ nạn. Không thể nói: “Hoàn cảnh đời sống này của bản thân ta vô cùng an nhàn, tại sao ta phải từ bỏ? Tại sao ta phải sống những ngày tháng khổ sở? Sống những ngày khổ sở mà người ta chịu nghe mình dạy thì cũng còn tốt, nếu không nghe dạy thì chẳng phải mình bị thiệt rồi sao?” Người ta chịu nghe thì mình phải dạy, không nghe cũng phải dạy, khổ nạn như thế nào, bị giày vò như thế nào cũng phải chịu, xả mình vì người. Do đó, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Đây là xả ly tham dục, cũng chính là từ bỏ sự an lạc của mình, quả báo của bạn là loại thứ nhất trong năm loại tự tại, là “tam nghiệp tự tại”. Tam nghiệp là thân, ngữ, ý. Thân không bệnh thì thân tự tại; khẩu nghiệp thanh tịnh; ý nghiệp tràn đầy trí tuệ, không sanh phiền não; đây là tam nghiệp tự tại. “Các căn đầy đủ” là thân thể khỏe mạnh, không bị khiếm khuyết, đây là phước báo đứng hàng đầu, nhà Phật gọi là “thanh phước”, chính là tám chữ này. Đoạn này chúng tôi giảng đến đây. Ngày mai giảng tiếp cho quý vị loại tự tại thứ hai là “tài vật tự tại”, có cầu tất ứng. Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.


[1] Trần sát (塵剎): Thế giới nhiều như số bụi nhỏ.