Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh – Tập 111/149

Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh –  Tập 111/149

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, kinh văn hàng thứ tư: “Ngũ căn trang nghiêm nên tin sâu kiên cố, tinh cần không biếng nhác, thường không mê mất, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não.” Cái đầu tiên của ngũ căn là “tín”, hôm qua tôi đã giới thiệu cho quý vị rồi. Thứ hai là “tấn”, tinh tấn. Từ những chỗ này chúng ta có thể thấy ra được, trong tứ thần túc có tinh tấn, trong ngũ căn có tinh tấn, trong ngũ lực cũng có tinh tấn, trong thất giác chi cũng có tinh tấn, trong bát chánh đạo cũng có tinh tấn. Từ đó cho thấy, bất kỳ một danh tướng nào trong Phật giáo, ở những chỗ khác nhau thì nó sẽ có cách giải thích không như nhau, tuyệt đối chẳng giải thích giống nhau, nhất định phải biết đạo lý này. Tinh tấn của “căn” và tinh tấn của “lực” đương nhiên là không giống nhau, nếu như giống nhau thì việc gì Phật phải phân ra nhiều khoa mục như vậy? “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo” được phân thành bảy khoa mục. Từ đó cho thấy, cách nói của nó không như nhau. Cùng một đạo lý như vậy, Phật nói nhiều về bố thí, nói nhiều về trì giới, bạn cũng phải hiểu rõ, ở trong khoa mục nào thì nó sẽ có cách giải thích không như nhau. Bạn biết được những nguyên lý, nguyên tắc này, khi giảng giải cho người khác, bản thân họ tu học sẽ rất rõ ràng, thật sự có thể được thọ dụng. 

Trong ngũ căn, “tấn căn” là căn của tinh tấn, theo cách nói của cổ nhân là “do tin các pháp nên hăng hái tinh tấn bội phần”. Ý nghĩa này không khó hiểu, đối với tất cả pháp mà Phật đã nói, bạn thật sự có thể tin, “tín căn” xác lập rồi. Nhưng mà tín này phải có căn, nó có bốn mức độ. Nếu chúng ta ngày nay nói tin Phật, tín đồ Phật giáo tại gia hay xuất gia đều tin Phật, vậy họ có căn hay không? Không có căn! Cho nên, niềm tin này tuyệt đại đa số là thuộc về mê tín. Sao gọi là mê tín? Phật là gì, giáo là gì, Phật giáo là gì, họ đều chưa hiểu rõ ràng. Họ nhìn thấy tượng Phật, tượng Bồ-tát, họ sẽ lạy, họ cũng rất kiền thành, nhưng họ không biết gì cả, xem Phật Bồ-tát như quỷ thần. Vì sao họ muốn đến lạy? Họ đến cầu phước, hy vọng quỷ thần có thể giúp họ, xem Phật Bồ-tát giống như quỷ thần vậy. Không phân biệt được Phật, thần, quỷ, đây chính là rơi vào mê tín. 

Cho nên, trước đây một số đại đức đề xướng “chánh tín”. Thế nào gọi là chánh tín? Hiểu rõ ràng, hiểu tường tận đạo lý của Phật pháp thì tín này gọi là chánh tín; có lý luận làm căn cứ, vậy thì không phải là mê tín. Chánh tín có sự khác biệt với mê tín, nhưng mà cái tín đó, tín đồ Phật giáo chánh tín, họ có căn hay không? Không chắc. Chúng ta nhìn thấy một số hiện tượng, họ học rất nhiều, học rất tạp, học rất loạn, có thể thấy họ không có căn. Nếu họ có căn thì họ sẽ có thọ dụng. Có căn thì nhất định là thâm nhập một môn, huân tu trong thời gian dài, đây gọi là có căn, phải biết đạo lý này. Cho nên, tín này phải có căn, Phật đã nói “căn” có bốn mức độ là vô cùng có đạo lý. Thứ nhất là phải “tín”, thứ hai là phải “nhẫn”. Chữ “nhẫn” này nói theo hiện nay là khẳng định, nhất định không có hoài nghi, nhẫn là không có hoài nghi. Có một số người tin, nhưng họ còn có nghi hoặc hay không? Họ có; chưa đoạn nghi thì chỉ dừng ở tín, chưa có đến nhẫn. Đến nhẫn thì đã đoạn sạch cái nghi này rồi. Tuy không còn nghi nữa, khẳng định rồi, nhưng bạn có ưa thích hay không? Pháp thế xuất thế gian quá nhiều, trong tất cả pháp, rốt cuộc bạn ưa thích pháp môn nào? Có người ưa thích danh văn lợi dưỡng, có người ưa thích ngũ dục lục trần, có người ưa thích giàu có. Bạn đối với Phật pháp có ưa thích hay không? Mức độ ưa thích của bạn như thế nào? Hôm nay pháp sư giảng kinh ở đây, bạn nói bạn ưa thích Phật pháp. Nhưng ở bên kia có người nói với bạn, hôm nay bạn đi qua bên đó thì có thể kiếm được một triệu đô-la, bạn lập tức đi qua bên đó. Vậy thì cái ưa thích này của bạn là tiền tài, không phải là Phật pháp. Trước đây thầy Lý Bỉnh Nam thường nói với chúng tôi, bên đó nói bạn đi một chút có thể kiếm một triệu đô-la, họ cũng không đi, “tôi muốn nghe pháp”, đây mới là niềm vui thật sự! Như vậy đủ thấy là rất khó, muốn tín có căn chẳng phải dễ dàng. Nhất định không bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ, không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động, vậy tín này của bạn mới có căn. Dục là gì? Dục là có được niềm vui ở trong pháp, chúng ta thường gọi là pháp hỷ sung mãn. 

Chúng ta tự mình thử nghĩ, tín của chúng ta có căn hay không? Tín không có căn thì tinh tấn sẽ không có, sao có thể tinh tấn được? Nhất định tín phải có căn rồi thì đối với Phật pháp họ tự nhiên sẽ tinh tấn, cho nên tinh tấn cũng có căn. Đầy đủ năm loại căn thì trên đường Bồ-đề sẽ tinh tấn hướng về phía trước, không bị thoái chuyển. Chư vị đồng tu phải biết, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn xem kinh Vô Lượng Thọ nói với chúng ta, vẫn là tu từ “ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát thánh đạo”, đó là gì? Ba môn phía trước bạn đầy đủ rồi, bạn phải biết ba môn phía trước là “tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc”, có cái nền tảng này thì mới có căn. Chúng ta không có nền tảng phía trước này, không có ba môn nền tảng này mà bạn nói có căn, vậy căn này từ đâu mà ra? Ba môn học phía trước là điều kiện nhất định phải có để chúng ta vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, “tứ niệm xứ” là nhìn thấu, “tứ chánh cần” là đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, “tứ như ý túc” là buông xuống, như vậy niệm Phật mới có thể vãng sanh, sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn phải tu ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề phần, bát thánh đạo phần. 

Quý vị nên biết, ba mươi bảy phẩm trợ đạo không hoàn toàn giới hạn ở Tiểu thừa, nó là môn học chung ở trong nhà Phật, nó hoàn toàn thông với Tông môn, Giáo hạ, Hiển giáo, Mật giáo. Đại sư Thiên Thai giảng “ba mươi bảy phẩm trợ đạo”, điều ngài giảng chính là dựa vào Tạng, Thông, Biệt, Viên. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Tạng giáo là Tiểu thừa, của Thông giáo là Đại thừa, ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Biệt giáo, ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Viên giáo; ở thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc là ba mươi bảy phẩm trợ đạo của Viên giáo. Từ đó cho thấy, cảnh giới của nó không có hạn lượng. Chúng ta học Phật nếu như không cắm rễ thì làm sao được! Phải cắm rễ như thế nào? Nhất định không được quên “thập thiện nghiệp đạo”. Trong ba mươi bảy môn học này, mỗi một môn học đều đã bao gồm thập thiện nghiệp đạo một cách viên mãn; hơn nữa trong mỗi một môn học đều bao gồm viên mãn ba mươi sáu môn học khác. Nếu thiếu một môn thì việc tu hành của bạn sẽ không viên mãn, sẽ có thiếu sót, đây là trong Đại kinh thường nói: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một”, phải hiểu rõ đạo lý này thì sự tu học của chúng ta mới có chỗ khởi đầu. 

Bạn có được sự tín giải như vậy, có nhận thức như vậy thì bạn tự nhiên sẽ hăng hái nỗ lực tinh tấn, không cần người khác đốc thúc. Vì sao vậy? Có lợi ích lớn, có thọ dụng lớn. Tóm lại, chúng ta phải biết đạo lý này. “Tinh tấn”, bạn tinh tấn gấp bội so với người bình thường, vì sao vậy? Vì tâm tâm mong cầu đại viên mãn, đại tự tại, đại giải thoát thì con người sẽ tự nhiên tinh tấn. Danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian, một cách tự nhiên họ sẽ xả bỏ sạch sẽ. Vì sao vậy? Họ thông đạt hiểu rõ rất sâu sắc rằng những thứ này là chướng ngại của chúng ta, làm chướng ngại đại đạo Bồ-đề, làm chướng ngại chúng ta minh tâm kiến tánh, làm chướng ngại đại khai viên giải, bạn chỉ cần có mảy may chấp trước thì phiền phức ngay. 

Tinh tấn làm những việc gì vậy? Vẫn là như phần trước đã nói, nhìn thấu, buông xuống, đoạn ác tu thiện, phải thật sự hạ công phu ở những chỗ này. “Quán tứ niệm xứ”, đó là trí tuệ, thật sự hiểu rõ vô thường, khổ, không, “quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã”. Vô thường, khổ, không, đây là thế gian; không những lục đạo như vậy, mà thập pháp giới cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, đối với lục đạo, thập pháp giới không có mảy may tham luyến, mà ở trong đó giống như chư Phật Bồ-tát thị hiện, tùy duyên mà qua ngày. Thuận cảnh rất tốt, nghịch cảnh cũng tốt; thuận cảnh thì buông xuống tham ái, nghịch cảnh thì buông xuống sân giận. Họ có thể buông xuống được, vì sao có thể buông xuống? Vì đã hiểu rõ chân tướng sự thật, họ nhìn thấu rồi, cho nên họ có thể buông xuống.

Ở trong đời sống thường ngày thì họ đoạn ác tu thiện. Ở đây chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phàm là việc lợi ích cho bản thân thì đều là ác. Vì sao vậy? Tăng trưởng chấp ta. Hay nói cách khác, tăng trưởng tham sân si mạn, đây chắc chắn là ác, phàm là việc lợi ích cho chúng sanh thì là thiện, đây là tiêu chuẩn của thiện ác. Người tu đạo tuyệt đối không cầu tự lợi, mà niệm niệm làm lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta tu hành là vì chúng sanh, thế nào là tu hành vì chúng sanh? Vì chúng sanh làm ra một tấm gương tu hành. Chúng ta thành Phật đạo là vì chúng sanh, tại sao thành Phật đạo là vì chúng sanh? Sau khi thành Phật rồi có thể rộng độ tất cả chúng sanh. Vì vậy, chúng ta tu hành chứng quả không phải vì bản thân, tu hành chứng quả vì bản thân thì không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nguyên nhân là gì? Lục đạo luân hồi là do ý niệm về “ta” này biến hiện ra, trong kinh Kim Cang gọi là “thấy ta”. Không phá “thấy ta” thì làm sao có thể thoát khỏi luân hồi? Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, chấp trước nghiêm trọng “thấy ta, tướng ta” này, muốn buông xuống cũng không thể buông được, khởi tâm động niệm vẫn là có cái “ta” thì sự việc này phiền phức rồi. Không phá “chấp ta” thì không thể ra khỏi luân hồi, không thể chứng được thánh quả. Thánh quả này là quả Tu-đà-hoàn của Tiểu thừa, quả vị Sơ tín của Bồ-tát Đại thừa, bạn không có cách gì chứng được. Nếu chúng ta muốn thật sự thành tựu, không hạ công phu ở chỗ này thì làm sao được!

Cần phải hạ công phu như thế nào? Năm xưa thầy Lý dạy chúng tôi là phải “đổi tâm”. Cách đổi tâm như thế nào? Thật ra mà nói, thầy nói đổi tâm chính là thay đổi ý niệm. Trước đây khởi tâm động niệm luôn luôn là ta, ta lúc nào cũng đứng đầu. Bây giờ, khi khởi tâm động niệm là vì người, không phải vì ta, chuyển đối ý niệm này lại thì gọi là đổi tâm, chính là đổi ý niệm, hãy bắt tay làm từ chỗ này. Khởi tâm động niệm nhất định không nghĩ cho bản thân, khởi tâm động niệm nhất định là suy nghĩ cho tất cả chúng sanh thì mới được. Nếu chúng ta không chịu làm như vậy, đời này muốn thoát khỏi luân hồi thì rất khó, nếu muốn giáo hóa chúng sanh, vậy thì càng khó hơn. 

May mà A-di-đà Phật đại từ đại bi, ngài lập ra pháp Tịnh độ, chúng ta không xả ý niệm tự tư tự lợi cũng có thể vãng sanh. Ta niệm Phật là vì bản thân cũng có thể vãng sanh, pháp môn này quá tuyệt vời! Cho nên mười phương ba đời tất cả chư Phật đều tán thán. Nhưng mà sẽ ra sao? Chưa quên hết “ta” thì sẽ sanh về cõi Phàm thánh đồng cư của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sau khi sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến khi nào buông xuống “ta” rồi, tướng ta, thấy ta không còn nữa thì bạn mới có thể nâng lên đến cõi Phương tiện hữu dư. Đây là phương tiện đặc biệt của pháp môn Tịnh độ, cho nên gọi đây là pháp môn đặc biệt, tu những pháp môn khác nhất định không thể thành tựu, chúng ta phải biết đạo lý này. 

Thế nhưng “chấp ta, thấy ta”, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc tuy chưa đoạn hết, nhưng kinh điển và tổ sư đại đức đều dạy chúng ta: bạn phải phục được thì bạn mới có thể vãng sanh. Nếu như lúc sắp mạng chung, tâm ích kỷ của bạn, tâm tự tư tự lợi, phân biệt, chấp trước này vẫn rất mạnh thì bạn không thể vãng sanh. Sau cùng vẫn phải phục cho được những thứ này, tức là không còn nghĩ đến bản thân, vào lúc này không còn nghĩ đến bản thân thì bạn mới có thể vãng sanh. Từ đó cho thấy, “thấy ta” và “tướng ta” cũng là một chướng ngại lớn ngay cả với việc cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Làm thế nào để phục đoạn nó? Đây không phải là “diệt đoạn”, mà là “phục đoạn”, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh độ gặp A-di-đà Phật, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau khi thành tựu thì quay ngược thuyền từ rộng độ chúng sanh; đây gọi là phục, chưa có đoạn. Chúng ta phải biết đạo lý này, sau đó bạn mới biết dụng công ra sao, tinh tấn như thế nào. 

Đương nhiên, tốt nhất trước mắt công phu của chúng ta phải đắc lực, trong đời sống thường ngày, chúng ta hiện tại cứ thực hành công phu phục phiền não. Trong kinh Kim Cang nói: “Làm sao hàng phục tâm ấy?” Tâm gì vậy? Tâm tự tư tự lợi, tâm phân biệt, chấp trước, phải hàng phục nó. Phương pháp hàng phục chính là ba môn đầu của ba mươi bảy phẩm trợ đạo: tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc. Bạn không dùng phương pháp này, vậy thì khó! Phương pháp này dùng được đắc lực thì việc hạ công phu trong đời sống thường ngày sẽ vô cùng thuận lợi, tự nhiên sẽ tiến bộ rất nhanh, vừa triển khai kinh giáo thì bạn có thể thông đạt ý nghĩa. “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như Lai”, ngày nay triển khai kinh giáo, tại sao không hiểu được ý nghĩa? Không những bạn xem không hiểu, mà giảng tường tận cho bạn, bạn cũng nghe không hiểu, thậm chí là hiểu sai ý nghĩa, nguyên nhân đều là do chưa buông xuống tự tư tự lợi. Nhất định phải chuyển đổi ý niệm này, rồi sau đó mới có thể bàn đến “tấn căn”, sự tinh tấn của bạn đã có căn rồi, bạn tự nhiên sẽ dụng công gấp bội. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây.